4.12.22

Marx bàn về tinh thần kinh doanh: một ghi chú

 

MARX BÀN VỀ TINH THẦN KINH DOANH: MỘT GHI CHÚ

PERSEFONI V. TSALIKI[*]

Tóm tắt: Bài nghiên cứu này cho rằng trong kinh tế học dòng chính, khái niệm tinh thần kinh doanh được áp đặt bởi một khung lý thuyết được chấp nhận để biện minh cho nguồn gốc của lợi nhuận. Ngược lại, trong phân tích của Marx có một lý thuyết về lợi nhuận, ắt dẫn tới một lý thuyết nhất định về tinh thần kinh doanh. (JEL: B10, B14, B21)

Các từ khóa: tinh thần kinh doanh, các lý thuyết về lợi nhuận

1. Dẫn nhập

Tinh thần kinh doanh luôn là một chủ đề được tranh luận trong các tài liệu kinh tế học. Các ý kiến khác nhau về vai trò, ý nghĩa và lý do tồn tại của tinh thần kinh doanh đã xuất hiện và phát triển từ các trường phái tư tưởng kinh tế khác nhau[1]. Ngày nay, có ý kiến cho rằng sự tiến hóa của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa khiến cho việc coi tinh thần kinh doanh như một nhân tố sản xuất riêng biệt, vốn có tầm quan trọng gắn liền với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản hiện đại, là cần thiết. Hơn nữa, “với vai trò thiết yếu của những nhà kinh doanh trong nền kinh tế tư nhân, việc phân tích tinh thần kinh doanh chắc chắn phải đóng một vai trò trung tâm trong những cuộc tìm tòi của các nhà kinh tế học” (Blaug, 1987, trang 219).

Bài nghiên cứu này khẳng định rằng sự tìm hiểu về tinh thần kinh doanh nên tập trung vào nguồn gốc của lợi nhuận với tư cách là một điều kiện tiên quyết [sine qua non]. Lập luận này cho rằng nếu không rõ nguồn gốc của lợi nhuận, thì thật vô nghĩa khi thảo luận xem ai xứng đáng hưởng nó. Trên thực tế, những gì ta chứng kiến trong các tài liệu liên quan là cuộc tranh cãi xung quanh lý thuyết lợi nhuận chuyển sang các lý thuyết về tinh thần kinh doanh và bất kỳ lập luận nào về tinh thần kinh doanh ắt dẫn ta trở lại khái niệm lợi nhuận và nguồn gốc của nó. Trong phần tiếp theo, chúng ta thảo luận các quan điểm của Marx về lợi nhuận và tinh thần kinh doanh, đồng thời, trình bày các lập luận được phát triển trong các tài liệu kinh tế học dòng chính.

2. Nguồn gốc của lợi nhuận và Tinh thần kinh doanh

Có sự thống nhất rõ ràng giữa các nhà kinh tế học về định nghĩa lợi nhuận, cụ thể là, họ hiểu lợi nhuận bằng doanh thu từ bán hàng trừ đi chi phí; tuy nhiên, khi nói tới các yếu tố quyết định lợi nhuận thì hoàn toàn chẳng có sự đồng thuận nào, ngoại trừ sự thống nhất về định nghĩa trên. Ngày càng có thêm nhiều cách giải thích thu nhập dôi ra này, chẳng hạn như: tiền thuê ẩn [implicit rent], lợi tức, tiền công, phần thưởng cho sự đổi mới, khoản thanh toán cho việc chịu rủi ro, phần dôi ra trong một thế giới đầy bất trắc, thu nhập từ độc quyền bán và giá trị thặng dư được sản sinh từ lao động bị bóc lột. Đối với các nhà kinh tế học cổ điển lẫn Marx, lợi nhuận là phần thặng dư được sản sinh trong quá trình sản xuất. Mặt khác, lý thuyết tân cổ điển đưa ra hàng loạt lý do giải thích tại sao lợi nhuận lại tồn tại và, vì thế, có một số lý do giải thích tại sao những nhà kinh doanh xứng đáng được hưởng lợi nhuận.

Adam Smith (1723-1790)
Robert Heilbroner (1919-2005)

Sự tìm hiểu không ngừng về lợi nhuận trong lý thuyết kinh tế học bắt nguồn từ thực tế rằng trong chủ nghĩa tư bản, quá trình chiếm hữu lợi nhuận diễn ra thông qua một cơ chế kinh tế mà việc hiểu điều này lại trở nên cần thiết đối với bất kỳ lý thuyết kinh tế học nào[2]. Trên thực tế, tất cả các lý thuyết về tinh thần kinh doanh[3] đều xuất phát từ nhu cầu đưa ra một lời giải thích cho nguồn gốc của lợi nhuận, mà lời giải thích này nên bắt đầu từ các cơ chế kinh tế. Vì thế, sự bàn luận về tinh thần kinh doanh ắt dẫn tới các cuộc thảo luận về những nguồn gốc của lợi nhuận và dẫn đến các lý thuyết về lợi nhuận, mà từ đó, các lý thuyết này giữ vị trí trung tâm trong các tài liệu kinh tế học. Bắt đầu từ Smith [1776], người ta thừa nhận rằng lợi nhuận là lực đẩy trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, và sự theo đuổi lợi nhuận bằng hoạt động kinh doanh sẽ điều chỉnh hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa. Lợi nhuận là nhựa sống của chủ nghĩa tư bản và cũng là nguyên tắc tổ chức thống trị của toàn bộ xã hội tư bản (Heilbroner, 1985). Cho nên, đối với bất kỳ sự thấu hiểu nào về lợi nhuận, điều cần thiết là phải xác định không chỉ ai trong quá trình sản xuất góp phần tạo ra nó và do đó xứng đáng hưởng nó, mà còn phải hiểu được bản chất nội tại của chính chủ nghĩa tư bản.

Roman Rosdolsky (1898-1967)

Các nhà kinh tế học cổ điển[4] đã xây dựng lý thuyết lợi nhuận như là phần dôi ra/thặng dư được sản sinh và, khi làm vậy, họ đã đưa ra một lý thuyết chặt chẽ dựa trên nền tảng về khu vực sản xuất chứ không phải dựa trên khu vực lưu thông (trao đổi) của nền kinh tế. Dựa trên khung phân tích này, Marx đặt hình thức cụ thể của quá trình sản xuất tư bản chủ nghĩa vào trong cái lõi của lý thuyết lợi nhuận của mình; ông cho rằng cần có một nền tảng thể chế/xã hội rõ ràng và cụ thể cho việc lợi nhuận xuất hiện. Hơn nữa, Marx lưu ý rằng chỉ có thể thực hiện một phân tích khoa học về chủ nghĩa tư bản “khi nào chúng ta nắm được bản chất nội tại của tư bản” (Marx [1867] 1967, trang 316) mà chủ nghĩa tư bản, như Rosdolsky (1977) đề cập, là quá trình sản xuất giá trị thặng dư và quá trình tự mở rộng của chính tư bản; hay nói cách khác, là quá trình tích lũy tư bản.

Theo Marx, trong nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, thông qua việc bán sức lao động của mình và việc lao động được sử dụng trong quá trình sản xuất, thì một người lao động làm tăng giá trị cho quá trình sản xuất nhiều hơn mức cần thiết để sinh tồn và hơn mức giá trị bằng tiền công nhận được. Giá trị thặng dư này rõ ràng là một vấn đề bóc lột và nó chỉ phát sinh trong những mối quan hệ xã hội cụ thể liên quan tới tài sản xác định trong chủ nghĩa tư bản. Các khoản thu nhập khác nhau liên quan đến tài sản (lợi nhuận, lợi tức, địa tô, v.v.) phát sinh từ quá trình phân phối giá trị thặng dư giữa những người sở hữu các loại tài sản khác nhau. Lợi nhuận chính là một khoản thu nhập được xác định là dôi ra từ tổng giá trị thặng dư được sản sinh sau khi trừ đi địa tô trả cho các chủ đất, sau khi trừ đi lợi tức trả cho các nhà tài chính, sau khi trừ đi tiền thuế trả cho chính phủ, v.v.. Phần thu nhập dôi ra này thuộc về nhà kinh doanh với tư cách là người sở hữu tư liệu sản xuất chứ không phải là một khoản tiền công trả cho người tổ chức quá trình sản xuất. Về mặt lý thuyết, nhà kinh doanh được xây dựng trong lý thuyết như là nhà tư bản, người thiết lập quy trình sản xuất và chịu rủi ro với vốn góp của mình để theo đuổi việc tối đa hóa lợi nhuận.[5]

David Ricardo (1772-1823)
Mark Blaug (1927-2011)

Đối với cả các nhà kinh tế học cổ điển lẫn Marx, tinh thần kinh doanh không được nâng lên thành địa vị của một nhân tố sản xuất cùng với lao động, đất đai và tư bản mà được xem như là một khoản thù lao xứng đáng cụ thể và duy nhất. Trên thực tế, trong bất kỳ tình huống nào, Smith [1776] cũng không phân biệt giữa nhà tư bản với tư cách là một người cung cấp tư liệu sản xuất cho một doanh nghiệp và nhà kinh doanh với tư cách là người ra quyết định cuối cùng. Schumpeter (1954, p. 556) lưu ý rằng “Ricardo, những môn đồ của Ricardo và cả Senior nữa […] gần như hoàn thành điều mà tôi mô tả như là một kỳ tích bất khả, cụ thể là, loại bỏ hoàn toàn bóng hình của một nhà kinh doanh”. Tương tự, Blaug (1987) cho rằng trong việc phân tích của Marx thiếu vắng ý niệm nhà kinh doanh và Marx coi việc điều hành một doanh nghiệp chỉ đơn giản là phần bổ sung cho việc cung cấp các luồng tư bản[6].

Alfred Marshall (1842-1924)

Trong các tài liệu kinh tế học dòng chính và do sự thất bại của cách tiếp cận cân bằng chung[7] khi đưa ra lời giải thích thỏa đáng về nguồn gốc của lợi nhuận, chúng tôi tìm thấy các chức năng hay những thực thể kiếm lợi nhuận khác nhau trong nỗ lực cung cấp một cái nhìn thực dụng luận [pragmatic] hơn về việc ai xứng đáng được hưởng lợi nhuận. Chẳng hạn, Marshall [1890] quan niệm chức năng khởi tạo kinh doanh [entrepreneurial function] như một nhân tố sản suất riêng biệt, mà sự đóng góp của nó vào sản xuất sẽ mang lại lợi nhuận[8]. Tuy nhiên, phần thảo luận của ông về tinh thần kinh doanh chú ý tới các hoạt động thường ngày của các nhà quản lý và những người giám sát hơn là các hoạt động đổi mới của nhà kinh doanh (Pesciarelli, 1989) và vì thế, Marshall dẫn chúng ta tới việc định nghĩa tinh thần kinh doanh chỉ đơn thuần là một loại hình lao động đặc biệt, một phần của vốn con người của công ty, là phần tiền công xứng đáng chứ không phải lợi nhuận. Sự tiến bộ của cách tiếp cận lợi nhuận-tiền công[9] đối với tinh thần kinh doanh chẳng bổ sung gì đáng kể cho cuộc thảo luận về nguồn gốc của lợi nhuận và coi lợi nhuận như một loại tiền công đặc thù bao gồm khoản thặng dư nhiều hơn và lớn hơn lợi tức, địa tô và tiền công trả cho người lao động phổ thông (Obrinsky, 1983). Chẳng có lời giải thích nào được đưa ra về việc phần thặng dư như vậy được sản sinh như thế nào và tại sao nó lại chỉ nên được trả cho phần lao động khởi tạo kinh doanh [entrepreneurial labour][10].

Marx lập luận chống lại quan điểm cho rằng lợi nhuận có thể được xem như là phần thu nhập từ tiền công. Ông lưu ý rằng “cùng với sự phát triển của các tổ chức hợp tác trong công nhân và của những xí nghiệp cổ phần trong giai cấp tư sản, thì cái cớ cuối cùng để lẫn lộn lợi nhuận doanh nghiệp với tiền công quản lý cũng biến mất theo; và lợi nhuận, trong thực tiễn, đã xuất hiện thành cái mà về mặt lý luận người ta không thể nào chối cãi được: nó chẳng qua chỉ là giá trị thặng dư, một giá trị mà người ta đã không bỏ ra một vật ngang giá nào để trả cả, là một số lao động không công đã thực hiện; thành thử nhà tư bản hoạt động thực tế bóc lột lao động, và kết quả của sự bóc lột của hắn - nếu hắn hoạt động bằng tư bản đi vay - bị phân chia thành lợi tức và lợi nhuận doanh nghiệp, tức số dư của lợi nhuận sau khi trừ lợi tức đi rồi” (Marx [1894] 1981, trang 389) [đoạn dịch trích từ Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập, tập 25 phần I, trang 596, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2004 - ND].

Đối với Marx, thuộc tính xã hội của tư bản trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, là thuộc tính chỉ huy sức lao động của người khác, tức của những người sản sinh ra thặng dư và cả lợi nhuận nữa. Mặt khác, “[…] tách rời khỏi tư bản thì quá trình sản xuất là quá trình lao động nói chung […]. Cho nên, khác với người sở hữu tư bản, nhà tư bản công nghiệp không biểu hiện ra với tư cách là tư bản đang làm chức năng tư bản, mà biểu hiện ra là một người thừa hành thậm chí không liên quan gì tới tư bản cả, chỉ đơn thuần là một người đảm nhiệm quá trình lao động nói chung, một người lao động và hơn thế nữa, một người lao động làm thuê”. Khi làm như vậy, “lao động để bóc lột và lao động bị bóc lột, cả hai cái đó với tư cách là lao động rút cục lại đều như nhau” (Marx [1894] 1981, các trang 382-383) [đoạn dịch trích từ Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập, tập 25 phần I, trang 585, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2004 - ND]. Song, nếu trường hợp này xảy ra và tư bản chỉ đảm nhận chức năng-kinh tế của nó chứ không đảm nhận chức năng-tài sản xã hội, thì nhà tư bản biến mất khỏi quá trình sản xuất. Lý do Marx đưa ra điều này là “người chủ đơn thuần là kẻ sở hữu tư bản, tức là nhà tư bản-tiền tệ, đối lập với nhà tư bản hoạt động, và cùng với sự mở rộng của chế độ tín dụng, thì chính bản thân tư bản-tiền tệ đó có một tính chất xã hội, tập trung vào trong những ngân hàng và chính những ngân hàng này đem tư bản đó cho vay chứ không phải những người sở hữu trực tiếp của nó; […] viên giám đốc, vốn không có một danh nghĩa gì là người sở hữu tư bản cả, không phải là người đi vay cũng không phải là bất cứ một người gì khác, lại làm tất cả những chức năng thực tế thuộc về nhà tư bản hoạt động với tư cách là nhà tư bản hoạt động; thành ra ta chỉ còn lại có người thừa hành, còn trong quá trình sản xuất thì nhà tư bản không còn nữa vì hắn đã trở thành thừa” (Marx [1894] 1981, trang 388) [đoạn dịch trích từ Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập, tập 25 phần I, trang 593-594, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2004 - ND].

Trong Marx (1869), động cơ lợi nhuận làm nảy sinh các khuôn mẫu kinh tế lặp đi lặp lại theo chu kỳ vốn có thể phù hợp với sự xây dựng lý thuyết trừu tượng, và cạnh tranh giữa các nhà tư bản là cơ chế mà các quy luật tích lũy tư bản vận hành và trở nên hữu hình: “cạnh tranh làm cho những quy luật bên trong của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành những quy luật bên ngoài có tính chất cưỡng chế đối với mỗi một nhà tư bản cá biệt. Cạnh tranh buộc nhà tư bản không ngừng mở rộng tư bản để giữ được tư bản, và hắn chỉ có thể mở rộng tư bản của mình bằng cách tích lũy ngày càng nhiều hơn mà thôi” (Marx [1867] 1967, trang 592) [đoạn dịch trích từ Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập, tập 23, trang 835, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2004 - ND]. Cạnh tranh giữa các nhà tư bản cá biệt buộc họ phải đổi mới và do đó chấp nhận các rủi ro. Động cơ lợi nhuận là thứ giữ cho tiền công càng thấp càng tốt, buộc nhà tư bản phải tìm kiếm lao động rẻ hơn, không ngừng hướng tới cơ giới hóa quá trình sản xuất, đưa ra những sự thay đổi công nghệ để làm giảm chi phí, v.v.; tóm lại, động cơ lợi nhuận điều chỉnh sự cạnh tranh giữa các nhà tư bản với nhau (Shaikh, 2004). Thông qua việc đưa vào các kỹ thuật tốt hơn và thiết bị tiên tiến hơn để giảm chi phí trên một đơn vị, một nhà tư bản cá biệt có thể thu được lợi nhuận tạm thời cao hơn, tuy nhiên, về lâu về dài sẽ tan biến như mây khói. Trong một nền kinh tế động, cạnh tranh tự do đảm bảo rằng mỗi nhà tư bản có xu hướng nhận được tỷ suất lợi nhuận trung bình trong dài hạn của nền kinh tế. Vì thế, đổi mới không phải là một nguồn gốc khả dĩ về lợi nhuận, ngoại trừ trong giai đoạn tạm thời.


Joseph Schumpeter (1883-1950)

Mặt khác, Schumpeter [1911] cho rằng lợi nhuận tồn tại do sự bất toàn trên thị trường phát sinh từ hoạt động thông thường của một nền kinh tế động; vì thế, trong một nền kinh tế tĩnh, những nhà kinh doanh, giống như các khoản lợi nhuận, đơn giản là không tồn tại. Cuối cùng, Schumpeter lần theo dấu vết của tất cả những sự thay đổi kinh tế mang tính đột phá đối với quá trình đổi mới, rồi sau đó ông đồng nhất người đổi mới với nhà kinh doanh[11], người có chức năng đặc thù là tìm kiếm lợi nhuận (Blaug, 1987). Trong sự phân tích của những nhà Schumpeterian, rủi ro không phải là một phần của chức năng khởi tạo kinh doanh bởi vì lợi nhuận không gắn liền với bản thân phát minh mà với việc đưa nó vào quá trình sản xuất. Song nếu trường hợp này xảy ra, hệ thống bằng sáng chế có thể cung cấp phần ‘thặng dư’ được sinh ra từ chi phí sản xuất này cho nhà phát minh, chứ không phải cho nhà kinh doanh, người chỉ đơn giản là giới thiệu hoặc áp dụng một phát minh. Vì thế, phần ‘thặng dư’ được sinh ra từ quá trình đổi mới không còn có thể được coi như là lợi nhuận (Obrinsky, 1983).

Frank Knight (1885-1972)

Marx không xem việc chấp nhận rủi ro hoặc sự hiện diện của tình trạng bất trắc là nguồn gốc khả dĩ về lợi nhuận, ngoại trừ trong tạm thời, vì cạnh tranh có xu hướng loại bỏ loại lợi nhuận dư thừa này và nói chung, lời và lỗ do các nhân tố này gây ra là những đặc điểm thứ cấp và phù phiếm của động năng [dynamics] của chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trong “lý thuyết rủi ro về lợi nhuận” của Hawley (1907) và Knight[12] (1921), rủi ro trở thành nguồn gốc trung tâm của lợi nhuận và những nhà kinh doanh, thông qua việc giả định những rủi ro này, xứng đáng được trả công dưới dạng lợi nhuận. Trong kịch bản này, toàn bộ quá trình tổ chức sản xuất dưới chủ nghĩa tư bản biến thành một sòng bạc khổng lồ, và nhà kinh doanh càng mạo hiểm bao nhiêu thì số lợi thu được càng lớn bấy nhiêu. Trong một nỗ lực thoát khỏi cái bẫy này, Hawley kết luận rằng một giai cấp khép kín riêng biệt của các cá nhân (tức một bang hội) nhận được các khoản lợi nhuận độc lập với sự đóng góp của họ vào quá trình sản xuất. Knight nhận ra rằng khoản lợi nhuận ngoài hợp đồng này không thể là giá phải trả cho một sự phục vụ cụ thể, vì điều đó có nghĩa là có mối liên hệ trực tiếp giữa mức lợi nhuận và gánh nặng rủi ro. Vì thế, ông cho rằng sự bất trắc thực sự về tương lai cho phép những nhà kinh doanh kiếm được lợi nhuận dương bất chấp trạng thái cân bằng trong dài hạn và sản phẩm cạn kiệt theo năng suất cận biên của các đầu vào. Tuy nhiên, chẳng có sự phân tích hay đánh giá nào về các nguyên nhân của sự rủi ro trong công trình của Hawley và Knight, và không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc chấp nhận rủi ro trong một công ty hiện đại, là hội đồng quản trị, cổ đông hay công ty bảo hiểm? Trên thực tế, trong cách tiếp cận này, các khoản lợi nhuận không thể là dương trừ phi có tình trạng bất trắc có thể đảm bảo, mà theo cách nói của môn xác suất, tức là có giá trị kỳ vọng bằng không.

Đối với Marx, những cải tiến về năng suất do phương thức tổ chức hay do đổi mới hay do trực giác, v.v., tốt hơn tác động lên tổng giá trị thặng dư được sản sinh và vì thế, một nhà kinh doanh theo hướng đổi mới có thể thu được phần lớn hơn trong tổng giá trị thặng dư được sản sinh dưới dạng lợi nhuận. Tuy nhiên, mức năng suất mới chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ để sinh ra mức giá trị thặng dư. Giá trị thặng dư và lợi nhuận phát sinh từ các mối quan hệ xã hội cụ thể liên quan tới tài sản xác định trong chủ nghĩa tư bản. Giá trị thặng dư do người lao động sản sinh ra và bị nhà tư bản chiếm đoạt vì các mối quan hệ nhất định liên quan đến tài sản của nhà tư bản. Theo Marx, động cơ chỉ đạo và mục tiêu cuối cùng của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là bòn rút lượng giá trị thặng dư lớn nhất có thể; và lượng giá trị thặng dư được sản sinh trong quá trình sản xuất thì được xác định bởi các điều kiện sản xuất, vốn được đặt định từ sự cạnh tranh.

Động cơ của nhà tư bản là tối đa hóa không phải là tổng lợi nhuận hay tổng giá trị thặng dư mà là tỷ suất lợi nhuận trên tổng số vốn đầu tư. Về mặt phương pháp luận, việc xác định lợi nhuận thông thường như là một phần thưởng cho những sự phục vụ của một nhà kinh doanh trong quá trình sản xuất đòi hỏi phải xác định một chuẩn mực tiêu chuẩn, và trước đó, phải xác định nguồn gốc của lợi nhuận. Do vậy, nếu lợi nhuận là một phần thưởng cho sự đổi mới của nhà kinh doanh [entrepreneurial innovation], thì lợi nhuận thông thường phải liên quan tới một tỷ lệ đổi mới thông thường hoặc một phần thưởng thông thường cho sự đổi mới, mà theo định nghĩa thì điều này là mâu thuẫn. Ngoài ra, nếu lợi nhuận thông thường là phần đền đáp cho hoạt động khởi tạo kinh doanh [entrepreneurial activity], thì tỷ lệ lợi nhuận phải đồng nghĩa là tỷ lệ lợi nhuận trên ‘cổ phiếu của hoạt động khởi tạo kinh doanh’ [stock of entrepreneurship]. Trong trường hợp lợi nhuận là một phần thưởng cho sự bất trắc, tỷ lệ lợi nhuận nên được coi là tỷ lệ giữa lợi nhuận trên khoản tiền dành cho sự bất trắc. Trong tất cả những trường hợp này, định nghĩa về lợi nhuận thông thường là có vấn đề và nhu cầu hiểu về lý thuyết của nó thậm chí còn đòi hỏi khắt khe hơn nữa, vì các quyết định kinh doanh trên thực tế được điều chỉnh bởi ý niệm lợi nhuận thông thường.

Cạnh tranh tự do là cơ chế đảm bảo lợi nhuận thông thường cho tất cả tư bản đầu tư; lợi nhuận thông thường trong một khung khổ Marxian thì thuộc về nhà tư bản/nhà kinh doanh bởi vì, với tư cách là người sở hữu vốn đầu tư, họ có khả năng chỉ huy lao động và, hơn nữa, chiếm đoạt giá trị thặng dư được sản sinh. Trong khung khổ này về thặng dư, sự phân tích về tinh thần kinh doanh không bao giờ bị tách rời khỏi quyền sở hữu tư liệu sản xuất, mà trên thực tế, đây được coi như là nguồn gốc vững chắc của lợi nhuận.

Rosenberg (1994) và Blaug (1987) lưu ý rằng Marx không đưa ra một lời giải thích nào cho nguồn gốc thực tế về động năng kỹ thuật của chủ nghĩa tư bản nhờ các hành động của một nhà kinh doanh (theo sự phân tích của những nhà Schumpeterian), và ông chỉ đơn giản là kết hợp các chức năng của nhà tư bản và của nhà kinh doanh. Khi nhận xét các quan điểm của Marx về đổi mới, Schumpeter lưu ý rằng Marx liên kết sự đầu tư với sự thay đổi kỹ thuật theo cách thức không có ở các tác gia khác vào thời này và, như với các nhà kinh tế học cổ điển khác, tích lũy tư bản là động lực chính của sự đổi mới. Tuy nhiên, trong cuốn Chủ nghĩa Tư bản, Chủ nghĩa Xã hội và nền Dân chủ [Capitalism, Socialism and Democracy] (1947, trang 16 và trang 32), Schumpeter chỉ trích Marx vì Marx không thừa nhận sự đóng góp của những cá nhân có năng lực và trí tuệ vượt trội (tức các nhà lãnh đạo) và buộc tội ông không hề có lý thuyết thích đáng nào về doanh nghiệp (Prendergast, 2005).

Marx lập luận chính xác chống lại quan điểm như vậy, và ông thừa nhận rộng rãi rằng động năng công nghệ của chủ nghĩa tư bản là kết quả của cạnh tranh chứ không phải là nguồn cảm hứng của một vài cá nhân ‘được khai sáng’. Bằng cách thừa nhận những nỗ lực biện hộ, “muốn coi lợi nhuận không phải là giá trị thặng dư, tức không phải là lao động không được trả công, mà lại là tiền công trả cho bản thân nhà tư bản về công việc hắn đã làm” (Marx [1894] 1981, trang 389) [đoạn dịch trích từ Mác và Ph.Ăng-ghen Toàn tập, tập 25 phần I, trang 595, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2004], Marx chỉ rõ rằng lợi nhuận phát sinh từ các mối quan hệ kinh tế-xã hội cụ thể của chủ nghĩa tư bản cho phép chiếm đoạt phần thặng dư do lao động không công sinh ra. Khung phân tích của cách tiếp cận thặng dư về lợi nhuận không còn chỗ cho tinh thần kinh doanh như một nhân tố sản xuất bổ sung. Động cơ lợi nhuận và bản chất của tư bản, với tư cách là một thực thể tự mở rộng, đặt ra ‘các quy luật vận động’ khách quan và như vậy không có ‘các kỹ năng khởi tạo kinh doanh chủ quan đặc biệt’ nào có thể tồn tại để dẫn tới hành vi khác với những gì mà sự cạnh tranh quy định. Nói cách khác, chức năng xã hội của tư bản xác định phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và khả năng chỉ huy lao động của nó tạo điều kiện cho sự chiếm đoạt bất kỳ lượng thặng dư nào được sinh ra dưới dạng lợi nhuận.

3. Những nhận xét kết luận

Lý thuyết kinh tế học dòng chính, bất chấp những nỗ lực của nó, chẳng thể đưa ra được một lý thuyết thỏa đáng nào về lợi nhuận. Biến thể cân bằng chung cùng với biến thể năng suất cận biên của lý thuyết tân cổ điển chỉ đưa ra hai đối chọn cho câu đố về lợi nhuận: lợi nhuận hoặc là kết quả của trạng thái mất cân bằng hoặc là phần đền đáp cho một nhân tố sản xuất. Trong trường hợp thứ hai, lợi nhuận không thể phân biệt được với tiền công trừ phi chức năng khởi tạo kinh doanh được thưởng bằng lợi nhuận bất kể phần việc của nhà kinh doanh là gì đi nữa.

Trong một nỗ lực giải quyết những vấn đề này, lý thuyết kinh tế học dòng chính gợi ý rằng lợi nhuận kinh tế hoặc là một phần thưởng cho nhà kinh doanh vì chịu rủi ro hoặc là một sản phẩm của sự bất trắc hoặc là một kết quả của hành vi đổi mới. Trong chừng mực rủi ro được xem xét dưới góc độ xác suất, được cái này thì mất cái kia; do đó lợi nhuận không nhất thiết thuộc về những người chịu rủi ro mà được quyết định bởi vận may. Mặt khác, ý kiến cho rằng lợi nhuận như một sản phẩm của sự bất trắc cũng là một ý kiến sai lầm vì ý kiến này cho rằng sự phục vụ mang lại sự bất trắc được thưởng bằng lợi nhuận và, như trong tình huống rủi ro, nó phải được xem như là nguồn gốc cho cả sự lời lẫn sự lỗ. Quan điểm cho rằng lợi nhuận là một sản phẩm của hành vi đổi mới mâu thuẫn với việc áp dụng một phân tích về cân bằng [equilibrium analysis] trong chừng mực sự đổi mới là không ngừng. Vì thế, trong phân tích của [kinh tế học] dòng chính, lợi nhuận kinh tế phải được coi là ‘tình cờ’, một thứ chỉ tạm thời có thể biện minh cho sự tồn tại của hoạt động khởi tạo kinh doanh.

Richard Cantillon (1680-1734)
J.-B. Say (1767−1832)

Như Blaug (1987, trang 103) lưu ý, bất cứ điều gì có nghĩa là tinh thần kinh doanh, cho dù đó là chức năng kinh doanh chênh lệch giá (Cantillon), hay chức năng hợp tác (Say), hay chức năng đổi mới (Schumpeter), hay chức năng chịu bất trắc (Knight), thì chẳng có chỗ cho tinh thần kinh doanh trong lý thuyết tân cổ điển về công ty. Chẳng có sự kinh doanh chênh lệch giá vì tất cả những điều chỉnh là tức thời; chẳng có sự hợp tác bởi vì tất cả những ràng buộc về việc sử dụng các đầu vào được nhận biết đầy đủ; chẳng có sự đổi mới bởi vì tính mới mẻ dưới bất kỳ hình thức nào sẽ bao hàm sự bất trắc nào đó về tương lai và có sự hiểu biết hoàn hảo về tương lai. Tóm lại, chúng ta có thể có tinh thần kinh doanh hoặc có lý thuyết tân cổ điển về công ty, nhưng chúng ta lại chẳng thể có cả hai [cùng lúc] (Barreto, 1989, trang 132).

Mặt khác, cách tiếp cận cổ điển về lợi nhuận, trình bày một lý thuyết nhất quán về lợi nhuận, theo đó lợi nhuận là phần giá trị dôi ra/thặng dư được sản sinh. Phân tích cổ điển/Marxian bằng cách tập trung vào lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế cho rằng nguồn gốc của lợi nhuận có thể được tìm thấy trong nền tảng thể chế cụ thể của chủ nghĩa tư bản. Quyền sở hữu tư liệu sản xuất tạo cho người sở hữu tư bản-nhà kinh doanh quyền chiếm đoạt phần thặng dư do những người lao động sản sinh ra trong quá trình sản xuất. Lợi nhuận là một yếu tố dôi ra thuộc về nhà tư bản/nhà kinh doanh vì họ sở hữu tư liệu sản xuất chứ không phải vì họ là người tổ chức quá trình sản xuất.

Nếu lợi nhuận là lực đẩy của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và sự theo đuổi lợi nhuận bằng hoạt động kinh doanh đã thúc đẩy hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, thì việc tìm ra một lý thuyết vững chắc giải thích nguồn gốc của lợi nhuận trở nên cần thiết. Cách lý giải chặt chẽ duy nhất về lợi nhuận là cách lý giải đề cập đến sự gia tăng quy mô tài sản. Chẳng có động cơ nào khác có thể giải thích cho hoạt động khởi tạo kinh doanh của người sở hữu tư liệu sản xuất. “Tốt nhất thì tinh thần kinh doanh chỉ là một cụm từ khác để chỉ hành vi của nhà tư bản” (Naples và Aslanbeigui, 1996) và nó có thể được sử dụng để tuyên bố không phải là một chức năng riêng biệt, như các nhà kinh tế học tân cổ điển đã làm, song để biểu thị mức độ thành công khác nhau mà những người sở hữu tư bản đạt được trong nỗ lực của họ nhằm gia tăng giá trị tài sản của họ. Cạnh tranh giữa các nhà tư bản buộc những nhà kinh doanh phải đạt thành công. Những người không quản lý tốt và thiếu tầm nhìn về tương lai rốt cuộc sẽ bị những nhà kinh doanh tài giỏi hơn khác tống cổ ra khỏi thị trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

BARRETO H., The Entrepreneur in Microeconomic Theory, London: Routledge and Kegan, 1989.

BLAUG M., Economic Theory in Retrospect, New York: Cambridge University Press, 1983.

⎯⎯, Economic History and the History of Economics, New York: University Press, 1987.

EBNER A., “Entrepreneurship and Economic Development: From Classical Political Economy to Economic Sociology”, Journal of Economic Studies, 2005, 32(3), pp. 256-74.

HAWLEY F.B., Enterprise and the Productive Process, New York: Knickerbocker Press, 1907.

HEILBRONER R., The Nature and Logic of Capitalism, New York: Norton, 1985.

IOANNIDIS S., Competition, Market and Democracy: A Critique to New-Austrians Economic Theory, Athens: Karagiorga’s Foundation, 1993 (in Greek).

KNIGHT F.H., Risk, Uncertainty and Profit, New York: Houghton Mifflin, 1921.

MARSHALL A. [1890], Principles of Economics, London: MacMillan, 1959.

MARX K. [1867], Capital, Vol. I, New York: International Publishers, 1967.

⎯⎯ [1869], Theories of Surplus Value, Parts I, II, and III, Moscow: Progress Publishers, 1971.

⎯⎯ [1894], Capital, Vol. III, New York: International Publishers, 1981.

MILL J.S. [1848], Principles of Political Economy, London: Routledge & Kegan, 1965.

NAPLES M. I. and ASLANBEIGUI N., “What Does Determine the Profit Rate? The Neoclassical Theories Presented in Introductory Textbooks”, Cambridge Journal of Economics, 1996, 20(1), pp. 53-71.

OBRINSKY M., Profit Theory & Capitalism, Philadelphia: University of Pennsylvania Press, 1983.

PESCIARELLI E., “Smith, Bentham, and the Development of Contrasting Ideas on Entrepreneurship”, History of Political Economy, 1989, 21(3), pp. 238-56.

PIERSON G. N., Principles of Economics, London: MacMillan, 1902.

PRENDERGAST R., “Schumpeter, Hegel and the Vision of Development”, Cambridge Journal of Economics, 2005, 30(2), pp. 253-75.

ROSDOLSKY R., The Making of Marx’s Capital, London: Pluto, 1977.

ROSENBERG N., Exploring the Black Box: Technology, Economics and History, Cambridge: Cambridge University Press, 1994.

SAY J.B. [1803], Treatise on Political Economy, New York: C. Princep, 1964.

SCHILLER B.R., The Economy Today, New York: McGraw Hill, 2000.

SCHUMPETER J.A.[1911], The Theory of Economic Development, Oxford: Oxford University Press, 1978.

⎯⎯, Capitalism, Socialism and Democracy, London: George Allen & Unwin, 1947.

⎯⎯, History of Economic Analysis, Oxford: Oxford University Press, 1954.

SHAIKH A., “The Power of Profit”, Social Research, 2004, 71(2), pp. 1-12.

SMITH A. [1776], Wealth of Nations, New York: Modern Library, 1965.

SPENCER M.H., Contemporary Microeconomics, New York: Worth Publishers, 1990.

WALRAS L. [1874], Eléments of Pure Economics, London: Allen & Unwin, 1954.

WALSH V. and GRAM H., Classical and Neoclassical Theories of General Equilibrium, Oxford: Oxford University Press, 1980.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: Marx on entrepreneurship: a note, Liberální Institut, 2006.




Chú thích:

[1] Trong số những người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “nhà kinh doanh” theo nghĩa hiện đại của nó là Richard Cantillon vào thập niên 1730 trong khi vài năm sau đó, J.B. Say lưu ý rằng “thuật ngữ nhà kinh doanh [entrepreneur] rất khó diễn đạt trong tiếng Anh; […] Nó có nghĩa là … người tự nhận trách nhiệm trước mắt, rủi ro và hành vi của một mối quan tâm của ngành, dù là vốn chủ sở hữu hay vốn vay” (Say [1803] 1964, trang 328). Một dẫn nhập về sự phát triển lịch sử của khái niệm tinh thần kinh doanh có thể được tìm thấy trong Ebner (2005) và nhiều tác gia khác.

[2] Ngược lại, trong các hệ thống khác, như chế độ phong kiến hay thậm chí là các nền kinh tế chỉ huy, sự chiếm đoạt thặng dư diễn ra thông qua việc thực hiện các cơ chế chính trị khác nhau.

[3] Sự phân tích của [kinh tế học] dòng chính, từ giai đoạn đầu, trong nỗ lực xây dựng lý thuyết về những nguồn gốc của thu nhập lợi nhuận, gắn liền với các đặc điểm đặc biệt của tinh thần kinh doanh đặt nó ngang hàng với các nhân tố sản xuất khác. Phần trả cho nhân tố mới là lợi nhuận, trong khi đối với lao động là tiền công, đối với đất đai là địa tô, còn đối với tư bản (chủ yếu là tài chính) là lợi tức.

[4] Giữa các nhà kinh tế học cổ điển có những khác biệt quan trọng đối với các lý thuyết về lợi nhuận. Chẳng hạn, J.S. Mill [1848] cho rằng tổng lợi nhuận trên vốn bao gồm tiền công quản lý, phần bù rủi ro và lợi tức. Ông cũng phân biệt giữa nhà tư bản tìm kiếm lợi tức để tiết chế [sự hưởng lạc] và người sử dụng lao động (nhà kinh doanh) tìm kiếm một khoản bù đắp cho rủi ro và tiền công [bỏ ra] (Blaug, 1983).

[5] Để đọc thêm một cuộc thảo luận kỹ lưỡng của các nhà kinh tế học cổ điển về tinh thần kinh doanh, hãy xem Schumpeter (1954).

[6] Blaug (1987) nhận định rằng các nhà kinh tế học cổ điển thất bại trong việc làm nổi bật tính chất riêng biệt của chức năng khởi tạo kinh doanh bởi vì vào thời điểm đó doanh nghiệp có quy mô nhỏ và người sở hữu tư liệu sản xuất đồng thời cũng là nhà quản lý; tuy nhiên, ông lưu ý rằng việc bỏ qua [tinh thần kinh doanh] này không nên xảy ra vì họ biết tới sự phân tích của Cantillon về nhà kinh doanh.

[7] Trong khung khổ cân bằng chung, tinh thần kinh doanh chỉ có một vai trò tích cực trong các trạng thái mất cân bằng do cạnh tranh. “Khi tình trạng cạnh tranh hoàn hảo xảy ra, khi chúng ta đạt tới trạng thái cân bằng trong ngắn hạn và trong dài hạn, thì người lao động nhận được ‘tiền công’ tương ứng với sản phẩm cận biên của người lao động, tư bản nhận được ‘lợi tức’ tương ứng với sản phẩm cận biên của tư liệu sản xuất, nhưng ‘lợi nhuận’ lại bị xói mòn, do đó loại bỏ nhà kinh doanh” (Blaug, 1987, trang 221). Walras [1874] khẳng định rõ ràng rằng, ở trạng thái cân bằng, những nhà kinh doanh không lời cũng không lỗ, và suy cho cùng họ bị loại bỏ [khỏi thị trường]. Tuy nhiên, có những sự phát triển quan trọng trong cách tiếp cận cân bằng chung và phiên bản Walrasian được làm phong phú hơn. Mặc dù, liên quan tới lý thuyết lợi nhuận, cách tiếp cận Walrasian (để suy xét một cách toàn diện, xem Walsh và Gram, 1980) vẫn là trụ cột của kinh tế học cân bằng chung, rồi “sau một thế kỷ hoặc nhiều hơn những cải tiến bất tận về cái lõi trung tâm của lý thuyết cân bằng chung, lý thuyết này chẳng có sự tiến bộ đáng kể nào so với sự lý thuyết hóa của riêng Walras” (Blaug, 1987, trang 219).

[8] Ngoài ra, Marshall ([1890] 1959, các trang 138-139) đề cập đến nhân tố thứ tư của [quá trình] sản xuất, “sự tổ chức”, một khái niệm rộng hơn “chức năng khởi tạo kinh doanh”. Lý do cho sự thừa nhận này là tầm quan trọng của sự tổ chức tăng lên khi tri thức trở thành ‘động cơ mạnh mẽ nhất của quá trình sản xuất của chúng ta’. Cho nên, ông coi quyền sở hữu tri thức cũng như là một nguồn gốc của lợi nhuận.

[9] Cách tiếp cận lợi nhuận-tiền công ban đầu được đưa ra trong các tác phẩm của Say, Malthus và Senior và được Roscher và Pierson phát triển hoàn chỉnh.

[10] Pierson (1902) cho rằng những nhà kinh doanh nhận tiền công do danh tiếng của họ mà không phải thực hiện bất kỳ công việc nào; tuy nhiên, điều này khiến chúng ta coi những người nắm giữ cổ phiếu như là những người nhận tiền công và, hơn thế nữa, coi quyền sở hữu như là nguồn gốc của loại thu nhập đặc thù này.

[11] Đối với Schumpeter, các hoạt động khởi tạo kinh doanh đẩy nền kinh tế ra khỏi trạng thái cân bằng, và kết quả là họ kiếm được lợi nhuận nhất thời. Mặt khác, theo trường phái Áo mới, các hoạt động khởi tạo kinh doanh thực hiện nhiệm vụ hoàn toàn trái ngược, tức là họ khôi phục trạng thái cân bằng (Ioannidis, 1993). Khái niệm tinh thần kinh doanh của những nhà Schumpeterian chịu ảnh hưởng bởi cả chủ nghĩa cận biên của người Áo lẫn trường phái lịch sử của người Đức (Ebner, 2005).

[12] Knight bắt đầu bằng việc phân biệt giữa ‘bất trắc’ và ‘rủi ro’. Ông cho rằng sự bất trắc có thể được giảm bớt thành các phép đo khách quan và, do đó, chúng có thể trở thành một bộ phận của chi phí sản xuất; vì vậy, chỉ có sự rủi ro mới dẫn chúng ta tới lợi nhuận.



[*] Khoa Kinh tế, Đại học Aristotle Thessaloniki, Thessaloniki (Hy Lạp). Hộp thư điện tử: ptsaliki@econ.auth.gr

Tôi biết ơn Sean Homer vì những nhận xét và bình luận của anh dành cho bài nghiên cứu này.

Print Friendly and PDF