20.12.22

Hai quan niệm về doanh nghiệp “có trách nhiệm”: Friedman chống Freeman

HAI QUAN NIỆM VỀ DOANH NGHIỆP “CÓ TRÁCH NHIỆM”: FRIEDMAN CHỐNG FREEMAN

Michel Villette[*]

Đối với Milton Friedman (trái) trách nhiệm xã hội của các công ty là “tăng lợi nhuận của họ”. Đối với Edward Freeman, chủ nghĩa tư bản buộc phải tính đến tất cả “các bên liên quan”. Ảnh ghép của Wikimedia commons/Đại học Virginia

Trong các tài liệu về quản trị doanh nghiệp, có hai nguyên tắc đối lập nhau: nguyên tắc được nhà kinh tế học Milton Friedman trình bày năm 1970, trong một bài báo nổi tiếng có tựa đề The social responsability of business is to increase its profits (Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tăng lợi nhuận của mình), và nguyên tắc được đề xuất gần 40 năm sau bởi các học giả Edward Freeman, Kristen Martin, và Bidhan Parmar trong bài báo của họ Stakeholder capitalism (Chủ nghĩa tư bản các bên liên quan).

Một bên, Milton Friedman, trong bài đã được Alain Anquetil dịch sang tiếng Pháp một cách xuất sắc, lập luận rằng việc theo đuổi lợi ích ích kỷ của các cổ đông cuối cùng sẽ là đóng góp tốt nhất có thể cho sự thịnh vượng chung của quốc gia. Bên kia, nhà triết học người Mỹ Freeman và các đồng tác giả của ông lập luận rằng chủ nghĩa tư bản chỉ có thể tồn tại và tự chính đáng hóa bằng cách tính đến và dung hòa lợi ích của tất cả những người bị tác động bởi hoạt động của công ty. Tóm lại, vì lợi ích của nhân loại, tất cả các công ty nên trở nên “có trách nhiệm với xã hội”.

Những học thuyết này có vẻ không thể dung hòa được. Đọc những gì được viết ở Pháp vào năm 2022 và đặc biệt là kể từ khi luật Pacte được công bố vào năm 2019, người ta có thể có cảm tượng rằng sự đối lập triệt để này vẫn còn. Ở Pháp, những người ủng hộ một nhà nước theo chủ nghĩa can thiệp được yêu cầu “điều tiết” thị trường dường như cũng nhiều hơn những người ủng hộ đường lối của Friedman. Trong bối cảnh này, các công ty được yêu cầu tự giám sát và tự điều chỉnh.

Cuộc tranh luận ngày nay sẽ có lợi nếu được cân bằng lại, bởi vì từ quan điểm phân tích, các công trình của Friedman vẫn thuật lại nhiều thực tiễn tồn tại trong các công ty.

Việc quan sát cẩn thận hành vi của các nhà lãnh đạo, vốn là chủ đề nghiên cứu về dân tộc học của chúng tôi, và cách thức mà các quyết định được đưa ra thậm chí cho thấy rằng, bắt đầu từ những tiền đề đối lập, những người ủng hộ học thuyết này hay học thuyết kia rồi cũng đạt những kết quả giống nhau, nếu họ phải đối mặt với những lựa chọn giống nhau và trong những hoàn cảnh giống nhau.

Nói cách khác, hai học thuyết dường như không tương hợp và làm nảy sinh các phong trào ý thức hệ về sự gắn bó với một học thuyết và sự bác bỏ dữ dội đối với học thuyết kia, trên thực tế và một khi đã tính đến sự phức tạp của thực tế, có thể dẫn đến những kết quả gần như giống hệt nhau. Các nhà nghiên cứu nói rằng, trong trường hợp này, có những “mục đích giống nhau (équifinalité)”.

Lời giải thích nằm ở chỗ, các học thuyết xác định các nguyên tắc chính của sự quản trị chắc chắn là những hình thức cách điệu hoá về thực tế của cách quản lý tư nhân các doanh nghiệp. Chúng đưa ra các tiêu chuẩn, nói mọi thứ nên diễn ra như thế nào, xác định ý định, nhưng hiển nhiên là xem thường các chi tiết của việc thực hiện.

Nhượng bộ

Trước tiên chúng ta hãy xem xét trường hợp của một nhà lãnh đạo tuân theo lý tưởng của Milton Friedman: anh ta sẽ đứng đầu một ngành công nghiệp gây ô nhiễm, nguy hiểm, bóc lột lao động nước ngoài trong những điều kiện khó khăn để cung cấp cho cư dân giàu có của một quốc gia giàu có. Nếu anh ta muốn tiếp tục trả cổ tức cao cho các cổ đông của mình và thấy cổ phiếu của mình tăng giá trị, chắc anh ta sẽ là người đầu tiên muốn tranh thủ sự chiếu cố của chính phủ của các quốc gia mà công việc kinh doanh của anh ta tùy thuộc?

Chắc anh ta cũng sẽ là người đầu tiên công bố các biện pháp môi trường ngay khi các nghiên cứu tiếp thị chỉ ra rằng đây là chủ đề mà khách hàng trở nên nhạy cảm? Anh ấy có là một người phi đạo đức đến đâu – và anh ấy không nhất thiết là như vậy – anh có ưu tiên phục vụ cho các cổ đông của mình, nếu anh ấy thông minh và được cung cấp đầy đủ thông tin, anh ấy sẽ tham gia vào các chính sách xã hội và môi trường đương thời. Thật vậy, đối với anh ta, đó là giải pháp tốt nhất để chi trả và đảm bảo an toàn cho tư bản đầu tư vào công ty anh.

Chúng ta thậm chí có thể chỉ ra rằng chính vì ngành công nghiệp mà anh ấy lãnh đạo gây ô nhiễm, chứa dựng nhiều rủi ro và có ngoại ứng tiêu cực mạnh mẽ mà anh ấy đã đầu tư lớn vào các hoạt động có trách nhiệm với xã hội và sinh thái. Khi làm như vậy, anh ta bảo vệ lợi ích được hiểu rõ của các cổ đông.

Trong trường hợp như vậy, mọi thứ phụ thuộc vào áp lực từ bên ngoài của các cơ quan công quyền và xã hội dân sự. Nếu các bên liên quan này có những yêu cầu về đạo đức, nhà lãnh đạo phi đạo đức, thông minh và xảo quyệt của chúng ta sẽ tính đến những yêu cầu đó. Nếu không phải là trường hợp như trên (ví dụ nếu các chính trị gia tham nhũng và thờ ơ với lợi ích chung), anh ta cũng sẽ tham nhũng thay vì đóng góp cho lợi ích chung, bởi vì dù sao anh ta cũng cần đến một liên minh mạnh với các nhà lãnh đạo của các quốc gia-dân tộc để phát triển công việc kinh doanh của mình. Anh phải nhượng bộ họ.

Miễn là kinh doanh có lãi...

Bây giờ hãy xem xét trường hợp ngược lại của một nhà quản lý hành xử theo mong muốn của Edward Freeman, nhưng may mắn lại điều hành một doanh nghiệp ít gây ô nhiễm, sử dụng một lực lượng lao động nhỏ, có kỹ năng cao và được trả lương cao ở một quốc gia giàu có. Anh ấy hoàn toàn có thể tự cho mình là nhà lãnh đạo doanh nghiệp xanh nhất và có trách nhiệm xã hội nhất trong các nhà lãnh đạo công ty. Điều này không tốn kém bao nhiêu cho anh ta.

Khác với người đồng nghiệp gây ô nhiễm, anh ta có thể công bố một bảng cân đối carbon rất tốt và một bảng tổng kết xã hội cũng rất tốt. Với một vài nỗ lực thêm, anh ấy có thể công bố một số tiến bộ nhỏ hàng năm, chẳng hạn như thay thế bao bì nhựa bằng bao bì các tông, lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà kho của anh ấy hoặc tăng số lượng phụ nữ trong ban quản lý của anh ấy. Miễn là công việc kinh doanh của anh ấy có lãi, anh ấy có thể tận hưởng cái thú của một mạnh thường quân và phân phát sự tài trợ để chống sự nghèo đói hoặc hỗ trợ các hoạt động văn hóa và thể thao.

Tuy nhiên, anh ta không thể đi quá xa trên con đường này. Nếu lợi nhuận của công ty anh ấy giảm xuống, nếu doanh thu đình trệ, nếu giá cổ phiêu công ty bắt đầu sụp đổ, nhà lãnh đạo của chúng ta, bị thị trường tài chính ngược đãi và bị các nhà đầu tư có ảnh hưởng chỉ trích, sẽ ngay lập tức tập trung chiến lược của mình vào việc tối đa hóa lợi nhuận của tư bản, và sẽ lặng lẽ/kín đạo/âm thầm giảm chi tiêu dành cho trách nhiệm xã hội và môi trường (CSR).

Trong khi năm trước, báo cáo thường niên nhấn mạnh vào khía cạnh xã hội, sinh thái và đạo đức của công ty, thì diễn ngôn chính sách chung mới sẽ nhấn mạnh vào khả năng sinh lời của vốn đầu tư. Đơn giản, nhà lãnh đạo này là có óc thực tế. Anh ta sẽ nhớ rằng để có thể cung cấp cho tất cả “các bên liên quan” những gì họ yêu cầu, công ty phải có lãi.

Chủ nghĩa gia trưởng mới

Ngay cả trong những giai đoạn khắc nghiệt nhất của chủ nghĩa tư bản, vào thế kỷ 19, một nhà công nghiệp xây dựng một nhà máy ở một nơi hoang vắng và cần một lực lượng lao động trung thành và chất lượng, chắc chắn phải bắt đầu làm công tác xã hội và giải quyết các vấn đề về nhà ở, giáo dục và y tế.

Điều này đã được gọi là chủ nghĩa gia trưởng. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn, không phải lúc nào ông chủ cũng được truyền cảm hứng từ một học thuyết tôn giáo hoặc bởi một thuyết không tưởng xã hội chủ nghĩa mà ông ta mới bắt đầu quan tâm đến số phận của công nhân. Đơn giản điều này là cần thiết để đảm bảo sự thành công của dự án công nghiệp. Phải biến sự cần thiết thành một đức tính.

Rõ ràng, một công ty nhập khẩu và lắp đặt các tấm pin mặt trời ở các vùng của Pháp sẽ không gặp khó khăn gì khi tự xác định mình là người có trách nhiệm về mặt sinh thái, vì nó phát triển chính là nhờ sự bùng nổ sinh thái và sự bùng nổ về giá năng lượng.

Ngược lại, nhiệm vụ sẽ khó khăn hơn đối với đại lý bán và bảo trì các xe để cắm trại (camping-car). Những chiếc xe để giải trí hạng nặng chạy bằng dầu diesel này tất nhiên là loại đối tượng kỹ thuật gây ô nhiễm cao được sinh ra từ xã hội tiêu dùng của những năm 1970.

Không sao cả! Người lãnh đạo của công ty này sẽ vẫn có thể thể hiện mình là người cực kỳ đạo đức về mặt sinh thái vì những xe cộ của anh ta cho phép cư dân của các thành phố trở về với thiên nhiên. Thêm nữa, nếu anh ta cũng thông báo rằng anh ta sẽ lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà các nhà kho, anh ta có thể đồng thời bỏ túi một khoản trợ cấp, giảm chi phí năng lượng và lọt vào loại các công ty có trách nhiệm xã hội đáng khao khát.

Michel Villette

Giữa học thuyết của Freeman và học thuyết của Friedman, chỉ có sự khác biệt về ý định và sự biện minh. Một chủ nhân phi đạo đức theo thuyết của Friedman, nếu anh ta điều hành một ngành công nghiệp gây ô nhiễm rất nhiều, có khả năng lớn làm nhiều việc hơn để chống lại biến đổi khí hậu so với một nhà truyền giáo theo thuyết của Freeman mà hoạt động rất ít gây ô nhiễm. Một người phi đạo đức theo thuyết của Friedman, kiếm được nhiều tiền và sử dụng ít lao động sẽ có cơ hội trả lương cho nhân viên của mình tốt hơn nhiều so với một nhà truyền giáo theo thuyết của Freeman mà công việc kinh doanh chỉ thua lỗ.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:Deux conceptions de l’entreprise « responsable » : Friedman contre Freeman”, The Conversation, 1.12.2022.




Chú thích:

[*] Giáo sư xã hội học, nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Halbwachs do ENS/EHESS/CNRS bảo trợ, giáo sư xã hội học, AgroParris Tech - Đại học Paris-Saclay

Print Friendly and PDF