11.12.22

Ngày nay, các nhà khoa học biết gì về Covid kéo dài?

NGÀY NAY, CÁC NHÀ KHOA HỌC BIẾT GÌ VỀ COVID KÉO DÀI?

Những triệu chứng Covid kéo dài (hậu Covid) có thể tồn tại trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Shutterstock

Các tác giả: Dominique Salmon[1], Clara Lehmann[2], Eric Guedj[3], Françoise Linard[4], Jean-Marie Renaudin[5], Mayssam Nehme[6]Patricia Lemarchand[7]

Bị nhiễm virus corona SARS-CoV-2, một số người là nạn nhân của chứng bệnh hậu Covid, được các bệnh nhân gọi một cách phổ biến là “Covid kéo dài”, có đặc điểm là sự tồn tại dai dẳng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm của nhiều triệu chứng khác nhau tổn hại đến sức khỏe. Bệnh lý này có thể liên quan đến những bệnh nhân đã nhiễm covid với tình trạng nặng hoặc nhẹ, thậm chí nó còn tác động đến cả những người lúc đầu không có triệu chứng gì.

Vì lý do có một số lớn bệnh nhân trên thế giới đã bị nhiễm virus corona, triệu chứng Covid kéo dài tạo thành một vấn đề mới xuất hiện về y tế công cộng, một thách thức quan trọng đối với các lãnh đạo ngành y tế. Hiện nay, ba nguyên nhân chính có khả năng can dự vào Covid kéo dài là đối tượng của các nghiên cứu chuyên sâu: tính dai dẳng của virus corona SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân, tình trạng viêm sau nhiễm bệnh vẫn tiếp tục và sự hình thành các cục máu đông rất nhỏ.

Hai năm rưỡi sau lúc khởi đầu đại dịch, đây là những gì các nhà khoa học đã biết được khi theo các hướng nghiên khác nhau trên đây.

Covid kéo dài là gì?

Triệu chứng của Covid kéo dài, còn được biết với tên gọi “triệu chứng hậu Covid” hay “PACS” (post-acute Covid Syndrome – triệu chứng hậu Covid cấp tính –) đã được Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa vào cuối năm 2021 là một bệnh thường xuất hiện trong vòng ba tháng sau khi bị nhiễm SARS-CoV-2 lần đầu và được đặc trưng bởi các triệu chứng dai dẳng trong ít nhất là hai tháng. Một mặt, những triệu chứng này không thể được giải thích bởi các chẩn đoán khác và mặt khác, chúng tác động đến đời sống hàng ngày. Covid kéo dài là một phần của bệnh Covid-19.

Một mặt, có những triệu chứng chính là một sự mệt mỏi khác thường, hụt hơi, rối loạn nhận thức, mất khứu giác, rối loạn giấc ngủ, mặt khác, ta có thể quan sát thấy có hơn 200 triệu chứng rất đa dạng tác động đến nhiều bộ phận trong cơ thể.

Người bệnh cũng có thể cảm thấy đau nhức lồng ngực, cơ bắp, xương khớp, tim đập nhanh, rối loạn tiêu hóa (đáng chú ý là tiêu chảy, nôn mửa, chậm tiêu hóa …), các triệu chứng về tai mũi họng như rối loạn khứu giác hay ù tai, tổn thương thị giác như mắt mờ hay khô mắt, lở loét miệng, triệu chứng về da…

Cần chú ý rằng các bệnh nhân đang mắc phải bệnh hậu Covid hay Covid kéo dài có thể bị bệnh lại lâu dài, thường bị tăng nặng thêm trong trường hợp bị một nhiễm trùng mới.

Hơn 30% số bệnh nhân Covid cho biết có những triệu chứng kéo dài

Không phải tất cả các bệnh nhân đã bị nhiễm Covid-19 đều mắc Covid kéo dài. Y tế công cộng của Pháp đã thực hiện một cuộc điều tra một mẫu đại diện cho toàn bộ dân cư Pháp trong tháng ba và tháng tư năm 2022. Trong số 25.537 người từ 18 tuổi trở lên tự nguyện trả lời, 33,9% cho biết đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Trong số những người đã bị nhiễm hơn ba tháng trước, 30% cho biết đã có những triệu chứng kéo dài.

Theo các kết quả này, tỷ lệ bị bệnh hậu Covid-19 giảm dần theo thời gian. Tuy nhiên, 18 tháng sau nhiễm bệnh, hơn 20% số người đã bị nhiễm SARS-CoV-2 vẫn còn các triệu chứng. Ước lượng số người liên quan đến bệnh hậu Covid-19 trong dân số Pháp là 2,06 triệu người trên 18 tuổi, nghĩa là 4% dân số trưởng thành (khoảng tin cậy 95%: 3,7% - 4,2%).

Để so sánh, ở Vương Quốc Anh, người ta ước lượng khoảng 1,7 triệu người bị nhiễm Covid-19 kéo dài, trong đó 19% bị nhiễm nặng, hạn chế nghiêm trọng các hoạt động thường ngày của họ, thậm chí là khiến họ không thể hoàn thành các hoạt động này. Chỉ có 33% bệnh nhân bị nhiễm Covid kéo dài cho rằng những triệu chứng này không gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày của họ. Trong số các bệnh nhân thông báo có các triệu chứng kéo dài ở Vương Quốc Anh, phần lớn, 47%, đã bị nhiễm Covid từ những đợt đầu, 27% trong giai đoạn lan truyền virus Delta và 19% trong đợt lan truyền Omicron.

Theo một ước lượng do Tổ chức Y tế thế giới công bố ngày 13 tháng 9 – 2022, hơn 17 triệu người ở châu Âu đã bị nhiễm Covid kéo dài trong hai năm 2020 và 2021.

Phụ nữ chiếm đa số, và một hướng nghiên cứu dị ứng, thậm chí tự miễn cần được thăm dò

Một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là một số bệnh nhân có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính (nói cách khác, ta không tìm thấy kháng thể SARS-CoV-2 trong máu của họ) mặc dù họ đã bị nhiễm virus. Thật vậy, đã thấy có một số người không tạo ra kháng thể SARS-CoV-2 sau khi bị nhiễm, ngay cả khi cơ thể của họ có phản ứng với virus, bằng cách phát triển các tế bào miễn dịch, tế bào lympho T (bạch huyết bào), chống lại virus.

Đây là điểm chính yếu, vì nó chỉ ra rằng việc có kết quả xét nghiệm huyết thanh âm tính không phải là bằng chứng đã không bị nhiễm. Như thế, sự việc một số bệnh nhân Covid kéo dài có kết quả xét nghiệm âm tính đã có thể gieo nghi ngờ về tính xác thực của triệu chứng của họ và sự nhiễm bệnh lúc đầu của họ, nhất là khi họ không qua xét nghiệm sinh học phân tử (PCR - Polymerase Chain Reaction).

Có một tỷ lệ lớn phụ nữ trong số các bệnh nhân Covid kéo dài. Dường như những công trình đang chờ được xác nhận cũng chỉ ra rằng những người có cơ địa dị ứng có thể bị nhiễm bệnh nhiều hơn, cũng như những người có cơ địa tự miễn (hệ miễn dịch tấn công vào chính cơ thể của họ, ghi chú của biên tập viên) hay đã bị một triệu chứng mệt mỏi kinh niên trong quá khứ.

Những dữ liệu thu thập được cho thấy rằng phụ nữ bị tác động bởi Covid kéo dài nhiều hơn. Shutterstock

Nên nhớ rằng Covid kéo dài gây bệnh không chỉ cho những người trưởng thành (có những người có khi không có khả năng làm việc lại sau hơn hai năm rưỡi bị nhiễm bệnh lần đầu tiên) mà nhiễm cho cả trẻ em. Đối với trẻ em, những trường hợp ngủ quá nhiều hay phải bỏ học đã được đặc biệt mô tả.

Covid kéo dài diễn biến như thế nào?

Một cách tổng quát, chính trong năm đầu tiếp theo lần bị nhiễm đầu tiên có các triệu chứng quan trọng nhất. Trong năm thứ hai, 80% trường hợp các bệnh nhân xác nhận các triệu chứng được cải thiện (sốt, tháo mồ hôi, bệnh lý da, ho), có lẽ liên quan đến sự giảm viêm.

Tuy nhiên, sự cải thiện này rất khác nhau giữa các bệnh nhân. Sự cải thiện này chậm chạp, phiến diện và đôi khi không tồn tại đối với một số triệu chứng như mệt mỏi sau một cố gắng và những rối loạn thần kinh nhận thức (sa sút trí tuệ), chúng thường dai dẳng trong 2 và 3 năm.

Sự dai dẳng của các triệu chứng có khi nặng thêm vào dịp bị bệnh trở lại là một mối lo lắng vì lo sợ các di chứng để lại cho các bộ phận quan trọng của cơ thể, trong trung hạn và dài hạn (tim, phổi, ví dụ như sự xuất hiện đột ngột của các bệnh thoái hóa thần kinh).

Các nguyên nhân của Covid kéo dài: ba hướng nghiên cứu chính

Có thể là cơ chế hoặc các cơ chế sinh lý bệnh học lúc đầu (sinh lý bệnh học là ngành khoa học nghiên cứu sự rối loạn của các yếu tố và các chức năng của cơ thể con người - chú thích của biên tập viên -) là tương tự nhau giữa các bệnh nhân, nhưng bệnh lại biểu hiện khác nhau tùy theo cơ địa di truyền của mỗi người, tùy theo tình trạng miễn dịch cơ bản, tùy theo các nhân tố nội tiết tố hay còn tùy theo biến thể gây ra nhiễm bệnh và tải lượng virus khi bị nhiễm bệnh lần đầu…

Hiện nay, ba cơ chế chính đang là đối tượng của các nghiên cứu chuyên sâu:

  • Sự dai dẳng của virus corona SARS-CoV-2 trong cơ thể bệnh nhân;
  • Sự duy trì tình trạng bị viêm sau khi bị nhiễm bệnh đối với các mô, đáng chú ý là các mạch máu và mô não;
  • Sự thành tạo các cục máu đông nhỏ và/hay xuất huyết nhẹ.

Ba giả thiết không loại trừ lẫn nhau và không đối lập nhau. Những công trình nghiên cứu gần đây mà chúng tôi sắp nêu chi tiết có phần gợi ra một chuỗi hiện tượng có thể xảy ra: sư dai dẳng của tất cả hay một phần của virus kéo theo tình trạng viêm các mô (bằng cách thu hút các tế bào miễn dịch tại chỗ) hay một phản ứng của mạch máu với sự hình thành các cục máu đông nhỏ làm suy giảm việc cung cấp oxy không liên tục cho các mô. Hơn nữa, cũng không loại trừ độc tính trực tiếp của protein Spike đối với một số tế bào.

Sự dai dẳng của virus: tích lũy các bằng chứng

Hiện nay một điều được hoàn toàn chấp nhận là một số bệnh nhân không hoàn toàn loại bỏ được virus corona SARS-CoV-2 trong thời hạn bình thường là từ 14 đến 21 ngày.

Sư dai dẳng của virus trong cơ thể lúc đầu được xác nhận ở những chủ thể bị suy giảm miễn dịch, đặc biệt là trong số những người đã bị suy giảm sâu miễn dịch thể dịch, là thành phần của miễn dịch dựa trên việc sản xuất ra các kháng thể. Do đó, họ không có khả năng tạo ra một sự đáp trả tốt bằng kháng thể chống lại virus.

Ảnh hiển vi điện tử truyền qua của virus corona SARS-CoV-2, nguyên nhân của Covid-19 (màu giả). National Institute of Allergy and Infectious Diseases, NIH

Ngay từ cuối năm 2020, Viện Pasteur, hợp tác với nhóm nghiên cứu của bệnh viện Hôtel Dieu đã chỉ ra rằng virus RNA (Ribonucleic acid) có thể được tìm thấy trong các khe hở khứu giác của các bệnh nhân Covid kéo dài với những rối loạn dai dẳng về khứu giác kéo dài, cách hơn 7 tháng sau khi bị nhiễm Covid lần đầu. Điều này gợi ý rằng từ vị trí này virus có thể đi xuyên qua các lỗ của xương sàng (ethmoïde), vốn là một cấu trúc xương nằm phía trên các hốc mũi. Vì có các lỗ, giây thần kinh khứu giác có thể xuyên qua cấu trúc này.

Ngày nay, nhiều công trình nghiên cứu gần đây chứng minh một cách hoàn hảo rằng virus RNA hay những mảng virus cũng có thể tồn tại dai dẳng trong rất nhiều bộ phận của cơ thể.

Một nhóm bác sĩ chuyên về bệnh lý giải phẫu học đã đặc biệt thực hiện khám nghiệm 44 tử thi chết vì Covid (một số chết những 230 ngày sau khi bị nhiễm). Kết quả của họ phát giác ra là virus có mặt khắp nơi, trong tất cả các bộ phận: não, bắp thịt, ruột, tim, khớp… Tất nhiên, đó là những bệnh nhân bị dạng nặng, nhưng điều đó có nghĩa là virus phát tán rộng khắp trong cơ thể và biến mất chậm hơn người ta từng nghĩ.

Bản in 3D mô hình mô phỏng protein Spike, được tìm thấy nhiều mẫu ở bề mặt của SARS-CoV-2, tạo điều kiện cho virus thâm nhập vào các tế bào của người và gây nhiễm cho chúng. NIH

Tại trường Y khoa Harvard, các nhà nghiên cứu đã phân tích máu của 37 bệnh nhân Covid kéo dài. Đáng chú ý là họ đã lại tìm thấy protein Spike của SARS-CoV-2 trong huyết tương của 2/3 trong số họ, cách xa bộ phận nhiễm bệnh và thường là có nhiều đợt trong khi nó nhanh chóng biến mất ở những người bệnh không biểu hiện các triệu chứng kéo dài. Điều đó có thể có nghĩa là đâu đó trong cơ thể của họ, một kho chứa virus vẫn dai dẳng, và virus đã tìm ra một cách đi vào máu. Những kết quả này, dựa trên một kỹ thuật dò tìm cực kỳ nhạy bén (kỹ thuật SIMOA - SIngle MOlecule Array) cho phép thoáng thấy hy vọng về một dấu ấn chẩn đoán đáng tin cậy hơn về Covid kéo dài, và có thể được thực hiện đơn giản bằng cách lấy mẩu máu.

Một nhóm của Đại học Stanford cũng đã nêu rõ các mảnh RNA của SARS-CoV-2 trong phân bệnh nhân cho đến 7 tháng sau khi bị nhiễm Covid. RNA đã được phát hiện ở 49% số bệnh nhân (trên tổng số 113 bệnh nhân được nghiên cứu) trong tuần đầu tiên tiếp sau chẩn đoán. Sau 4 tháng, không còn chất bài xuất RNA trong thanh quản, trong khi đó 13% số bệnh nhân tiếp tục bài xuất RNA của SARS-CoV-2 trong phân. Đó còn là trường hợp của số bệnh nhân sau 7 tháng bị nhiễm. Các triệu chứng về tiêu hóa được biểu hiện bằng các cơn đau ở bụng, nôn mửa, đi kèm với bài tiết phân có RNA SARS-CoV-2.

Mặt khác, các công trình của một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Innsbruck đã cho biết sự hiện diện của các mảnh RNA của SARS-CoV-2 trong ruột của phần lớn các bệnh nhân có bệnh viêm ruột và đã bị nhiễm Covid nặng cả 6 tháng trước đó.

Chứng minh sự tồn tại dai dẳng của những mảnh virus đặt ra nhiều câu hỏi khác nhau, trong đó có vấn đề phải chăng nó có nguồn gốc từ các virus toàn phần có khả năng tái sản sinh. Các công trình nghiên cứu gần đây bắt đầu đem lại một phần các câu trả lời.

Một loại virus có khả năng tồn tại dai dẳng và sao nhân bản.

Nhiều kết quả chứng minh rằng virus RNA dai dẳng cách xa nơi bị nhiễm lúc đầu chắc chắn có khả năng khởi đầu việc sao nhân bản, ít nhất là trong những tháng đầu tiên của Covid kéo dài.

Thật vậy, các nhà nghiên cứu đã tìm ra trong các mô của một số bệnh nhân bị Covid kéo dài sự hiện diện không những của các RNA bộ gene của virus (nó tạo thành bộ gene đầy đủ của virus), mà cả subgenomic mRNAs (các mã mRNA được phiên mã sau đó), nói cách khác là RNA đang được tạo ra. Với thời gian, subgenomic RNA này có xu hướng biến mất hoàn toàn: các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford nêu trên đã xác lập được là 7 tháng sau lần nhiễm đầu tiên, chỉ còn tìm thấy subgenomic RNA này trong phân của 0,7% số bệnh nhân.

Mặt khác, ngay từ năm 2020, các bác sĩ thú y ở Maisons – Alfort đã chỉ ra rằng đối với các bệnh nhân bị nhiễm Covid nặng thì chó “nghiệp vụ” (chó dò) có khả năng nhận dạng trong mồ hôi của bệnh nhân những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) rất đặc thù của virus.

Những phân từ này có thể tương ứng hoặc với các protein của virus được tổng hợp trong cơ thể và được thải ra trong mồ hôi, hoặc với các protein của vật chủ được tổng hợp phản ứng lại với sự hiện diện của virus.

Việc áp dụng kỹ thuật này cho các bệnh nhân Covid kéo dài đã giúp chứng minh rằng chó cũng có khả năng dò tìm những hợp chất hữu cơ dễ bay hơi đặc thù nơi một số bệnh nhân Covid kéo dài (thường là những bệnh nhân bị bệnh nghiêm trọng nhất), điều này tạo nên một lý lẽ vững chắc thiên về hiện tượng sao nhân bản virus, ít ra là một cách không liên tục, trong thời gian nhiễm Covid kéo dài.

Ảnh hiển vi điện tử quét màu của một tế bào chết theo chương trình – nói cách khác là đang hấp hối – (màu xanh lá cây) bị nhiễm nặng các phần tử của virus SARS-CoV-2 (màu tím). National Institute of Allergy and Infectious Diseases, NIH

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác phải được giải quyết. Ví dụ, người ta chưa biết virus hay các mảnh virus trú ẩn trong những tế bào nào. Có thể đó là những tế bào của dòng bạch cầu đơn nhân, thậm chí là các tế bào nội mô… Tuy nhiên, người ta tìm thấy các tế bào mang thụ thể ACE2 - men chuyển angiotensin 2 - (được virus sử dụng để gây nhiễm) trong nhiều mô của cơ thể, điều này có nghĩa là những tế bào khác có thể tạo thành những kho chứa virus.

Nhiều câu hỏi khác vẫn còn bỏ ngỏ: Những hậu quả của sự tồn tại dai dẳng của virus là gì? Nó gây ra những tổn hại gì cho cơ thể? Có thể sửa chữa những tổn hại này không?

Ngày 8 tháng 9 năm 2022, “The Long Covid Research Initiative” (Sáng kiến nghiên cứu Covid kéo dài) đã được khởi động. Vững vàng với số tiền tài trợ 15 triệu đô la từ các quỹ tư nhân, sáng kiến nghiên cứu toàn cầu này, bao gồm các nhà khoa học và các bác sĩ lâm sàng của những tổ chức có uy tín hàng đầu, đặc biệt có tham vọng làm rõ vai trò của sự dai dẳng của virus, bằng cách nhận diện các kho chứa virus, giải mã các cơ chế của Covid kéo dài và thực hiện những thử nghiệm điều trị.

Cơ chế thứ hai liên quan đến Covid kéo dài: tình trạng bị viêm

Những khám nghiệm sinh học gọi là “thông thường” cho các bệnh nhân Covid kéo dài nói chung là ít bị xáo trộn và dường như sai lầm khi cho thấy là những bệnh nhân này không có những rối loạn trong cơ thể. Tuy nhiên chúng cũng thường cho thấy một triệu chứng bị viêm âm thầm.

Triệu chứng này được xác nhận bởi một sự gia tăng vừa phải của protein dự trữ sắt feritin (là một protein của phản ứng viêm với sự gia tăng nồng độ máu trong trường hợp hoạt hóa các đại thực bào), và do sự hiện diện của các tự kháng thể ít đặc trưng (gọi là các nhân tố kháng nhân), như ta thấy trong các bệnh nhiễm virus mạn tính khác (viêm gan siêu vi C, HIV).

Nhận định này đã dẫn các nhà khoa học đi theo hướng nghiên cứu tình trạng viêm “ở mức tối thiểu”, nằm ở mức độ các mô. Đáng chú ý là họ đã có thể chứng minh rằng các bệnh nhân Covid kéo dài có một dạng miễn dịch rất đặc biệt, gợi lại dạng miễn dịch đã được quan sát trong các trường hợp nhiễm virus mạn tính.

Các nhà khoa học của Đại học Atlanta cũng đã nêu ra rằng các tế bào miễn dịch (chúng can dự vào việc phối hợp với sự đáp trả miễn dịch, vào sự ghi nhớ các nhiễm trùng và sự hủy hoại các tế bào bị nhiễm trùng) đang ở trong một trạng thái hoạt hóa hơi quá mức.

Ngoài ra, người ta tìm thấy trong máu của các bệnh nhân Covid kéo dài những sứ giả hóa học can dự vào tình trạng viêm (gọi là cytokine), như các interferon βα, hai phân tử thường được tiết ra nhằm phản ứng lại sự nhiễm virus.

Cũng đã phát hiện trong máu của những bệnh nhân này các sứ giả hóa học can dự vào tình trạng viêm mạch máu, như nhân tố tăng trưởng nội mô mạch máu (Vascular Endothelial Growth Factor hay VEGF)

Nơi một vài người, đặc biệt là những người có cơ địa dị ứng, ta cũng nhận thấy sự hoạt hóa của một số tế bào miễn dịch tự thân gọi là dưỡng bào. Các tế bào miễn dịch này tham gia vào quá trình viêm và một số can dự vào các phản ứng dị ứng. Sự hoạt hóa thường xuyên và thái quá của chúng là nguyên nhân của sự mất kiểm soát có thể gây tổn thương nhiều bộ phận một cách tương đối nghiêm trọng (triệu chứng hoạt hóa các dưỡng bào).

Vấn đề viêm mạn tính

Tình trạng viêm mạn tính này có thể xảy ra đối với tất cả các mô. Những hậu quả của nó, vốn khác nhau tùy theo bộ phận bị viêm, còn chưa được hiểu rõ. Ở mức độ tiêu hóa, viêm mạn tính có thể có một tác động tai hại cho sức khỏe: bệnh nhân tiêu hóa rất kém và không dung nạp được nhiều loại thức ăn.

Những điều đáng lo lắng nhất là khi não bị viêm. Một tình trạng viêm thần kinh kết hợp với hoạt hóa tế bào thần kinh đệm (tế bào thần kinh đệm là những tế bào miễn dịch nằm trong não và tủy sống – chú thích của biên tập viên ) có thể giải thích những rối loạn về thần kinh nhận thức gặp phải nơi nhiều bệnh nhân. Những hậu quả của nó, vốn đã được nghiên cứu kỹ ở động vật, nhưng ít rõ ràng hơn nơi người, vì ta không thể thử nghiệm trực tiếp trên não người. Tuy nhiên, một vài kỹ thuật hình ảnh (như Chụp cắt lớp phát xạ positron, còn gọi là TEP-scan - Tomographie par Émission de Positons - tiếng Anh là Positron emission tomography - PET -) tạo điều kiện phát hiện nhiều vùng của não của bệnh nhân Covid kéo dài biểu lộ lúc nghỉ ngơi một sự giảm sút tiêu thụ glucose (người ta nói đến những vùng giảm mức chuyển hóa). Kiểu những bất bình thường cá nhân này không được báo cáo trong các bệnh tâm thần, huống hồ là trong những bệnh tâm thể.

Những vùng não bị tổn thương là những vùng sâu của não: vùng khứu giác, hệ viền limbic, amidan liên quan đến điều hòa các cảm xúc, hồi hải mã liên quan đến quá trình ghi nhớ, và ở phía sau nữa là thân não (hay cuống não) liên quan đến các hành vi tự động vô ý thức (như sự thở, nhịp tim, giấc ngủ, tiêu hóa, nhưng cũng là những con đường gây đau đớn) và cuối cùng là tiểu não liên quan đến thăng bằng. Những bất thường này càng nghiêm trọng hơn khi các triệu chứng càng nhiều lên.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng dạng này còn được tìm thấy nơi 50% số bệnh nhân Covid kéo dài, cách 11 tháng sau khi bị nhiễm Covid. Xét nghiệm này tỏ ra ích lợi để giúp cho chẩn đoán phân biệt, và nhận diện nơi một số bệnh nhân những nguyên nhân của các triệu chứng khác với Covid kéo dài.

Những cục máu đông nhỏ, cơ chế thứ ba can dự trong Covid kéo dài

Ta biết rằng protein Spike có thể gây ra tình trạng đông máu: ở những người bị nhiễm Covid nặng, thường gặp các huyết khối và có thể đưa đến tử vong. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế thế giới, cũng như tất cả các lãnh đạo y tế của các quốc gia, khuyến nghị mạnh mẽ dùng các thuốc chống đông máu cho tất cả các bệnh nhân bị nhiễm một dạng Covid nặng.

Các nghiên cứu tiến triển ít hơn trong lĩnh vực Covid kéo dài, nhưng đã cho thấy một số bệnh nhân Covid kéo dài là những người có thể bị huyết khối (tình trạng “nguy cơ huyết khối”) và bị bệnh mạch máu nhỏ, liên quan với tình trạng nghiêm trọng của các triệu chứng. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị huyết khối, nhất là bị nghẽn mạch ở phổi, cũng đã được ghi nhận.

Nhưng phổi không phải là bộ phận duy nhất bị tấn công. Có một giả thuyết là các huyết khối viêm nhỏ hay xuất huyết vi thể có thể xảy ra ở các bộ phận khác, trong các mạch máu nhỏ gọi là mao mạch ngoại biên. Điều này có thể dẫn đến thiếu oxy các mô và giải thích các cơn đau dữ dội (đau ở các cơ, ở tim) hay sương mù não (đầu óc mụ mẫm) mà các bệnh nhân Covid kéo dài thường than phiền.

Lúc đầu những huyết khối này có thể chữa trị được. Tuy nhiên, trong trường hợp các cơn đau cứ lặp lại, nó có thể dẫn đến sự hình thành những vùng máu lưu thông kém hơn – không chữa lành được – hay các ổ tụ máu. Điều này là rất đáng lo ngại nếu các huyết khối nhỏ này xảy ra trong não.

Ngoài ra, không nên coi thường khả năng can dự của các nhân tố khác, dù đó là do di truyền hay hay do nội tiết tố (có lẽ điều này giải thích phụ nữ bị nhiễm nhiều hơn) hay do sự nhiễm độc trực tiếp những mảnh virus bởi một cơ chế còn chưa được làm sáng tỏ.

Những thử nghiệm điều trị đang bắt đầu tại một số nước, nhằm cố gắng khống chế các hiện tượng này với các kỹ thuật khác nhau nhưng chúng còn chưa được chứng minh. Ví dụ việc sử dụng các thuốc chống đông máu là đối tượng của các thử nghiệm lâm sàng tại Vương Quốc Anh. Những hướng khác sẽ thử nghiệm các thuốc kháng histamin, và sắp tới là các thuốc kháng virus. Về phần mình, một số nhóm sẽ thử nghiệm một cách ít truyền thống hơn việc dùng liệu pháp oxy cao áp hay liệu pháp phân tách máu - aperesis -, là một kỹ thuật bao gồm thanh lọc huyết tương khỏi các chất tạo huyết khối. Hiện nay, kiểu tiếp cận này với những tác dụng tiềm tàng có nguy cơ không duy trì được, và không phải là đối tượng thử nghiệm tại Pháp.

Những hậu quả về tâm lý thường gặp

Với bệnh Covid kéo dài cũng như các bệnh mạn tính khác, có tồn tại một thành phần tâm lý. Bỗng nhiên phải sống với những triệu chứng gây trở ngại và kéo dài có thể làm nảy sinh những hậu quả về phương diện trầm cảm, thậm chí lo âu.

Mặt khác, có thể chính virus là nguyên nhân của sự thay đổi tính khí, do khuynh hướng trực tiếp hay gián tiếp của não bộ: tính dễ nóng giận và xúc cảm bất thường được ghi nhận ở nhiều bệnh nhân.

Một điểm báo đối với 57 nghiên cứu bao gồm hơn 250.000 người sống sót sau nhiễm Covid-19 đã tiết lộ rằng những triệu chứng còn lưu lại sau hơn sáu tháng bị nhiễm bao gồm những rối loạn về phổi, thần kinh và cả tâm thần. Trong các công trình nghiên cứu những rối loạn tâm thần, khoảng 1 trên 3 bệnh nhân bị rối loạn lo âu lan tỏa, 1 trên 4 bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ, 1 trên 5 người bị trầm cảm, 1 trên 8 người gặp rối loạn trầm cảm hậu sang chấn.

Ngày nay người ta cũng chú ý đến nguy cơ tự tử ngày càng tăng đối với các bệnh nhân Covid kéo dài.

Hướng nghiên cứu tâm thể thì sao?

Hiện nay, hướng nghiên cứu độc nhất về tâm thể (cho rằng Covid kéo dài là do một nguyên nhân tâm thần là chủ yếu) không còn được xem như một sự giải thích Covid kéo dài. Ngoài việc cho đến nay thực sự không có những công trình khoa học để hỗ trợ giả thuyết này, nó còn không tính đến một cách đầy đủ loạt dữ liệu khoa học mới đây mà chúng tôi đã trình bày chi tiết ở trên.

Chắc chắn rằng khi các triệu chứng có nhiều, xâm lấn và gây trở ngại, chúng tập trung sự chú ý của bệnh nhân, lúc đó họ cũng có thể cảm nhận một sự lo âu liên quan đến tình trạng này và cảm giác sợ hãi trước nguy cơ phải chứng kiến bệnh nặng thêm hay tái nhiễm bệnh.

Hơn nữa, rủi ro tồn tại khi không biết những biểu hiện của bệnh hoàn toàn có thể chữa lành, ví dụ như triệu chứng thở gấp (tình trạng hô hấp vượt quá mức nhu cầu của cơ thể - ND), viêm màng tim ngoài, chứng liệt nhẹ dạ dày.

Những cách tiếp cận trị liệu khả dĩ là gì?

Ngay cả khi các hướng nghiên cứu sinh lý bệnh học bắt đầu hình thành, vẫn còn dai dẳng nhiều điều không chắc chắn về chuỗi các nguyên nhân của Covid kéo dài. Điều này đã kìm hãm rất nhiều sự phát triển của các điều trị gọi là “chữa bệnh”.

Các nghiên cứu hiện nay giúp lờ mờ thấy sự khám phá các dấu ấn sinh học của Covid kéo dài, chúng có thể giúp thực hiện các nghiên cứu can thiệp.

Trong lúc chờ đợi, những khuyến nghị hiện hữu là khuyến nghị điều trị các triệu chứng và tránh những tình huống có nguy cơ làm phát bệnh trở lại (ví dụ những cố gắng quá lớn hay bị nhiễm trùng trở lại). Để chống lại những hậu quả của tình trạng viêm mạn tính và triệu chứng hoạt hóa các dưỡng bào, các quy trình điều trị đánh giá tác động của các thuốc kháng histamin sẽ được thực hiện.

Để khống chế tình trạng bị huyết khối, lợi ích của các thuốc tích cực chống đông máu hay kháng viêm ở mức độ các mạch máu sẽ được thử nghiệm. Những thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành cũng sẽ nhận định xem liệu pháp phân tách máu có ích lợi gì không trong bối cảnh này.

Phục hồi chức năng cũng chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong việc chăm sóc: phục hồi chức năng hô hấp trong trường hợp có triệu chứng thở gấp, chức năng khứu giác trong trường hợp bị rối loạn khứu giác, tâm lý thần kinh hay trị liệu ngôn ngữ trong trường hợp bị rối loạn nhận thức hay ngôn ngữ, liệu pháp lao động hay còn là một sự thích nghi lại toàn diện với hoạt động thể chất phù hợp ngay từ khi bệnh nhân cảm thấy có thể làm được. Chăm sóc tâm lý, thậm chí là tâm thần khi việc này là cần thiết có thể là một đề nghị thích đáng.

Một điểm rất quan trọng sẽ là thiết lập các phương pháp điều trị kháng virus hữu hiệu, có thể được áp dụng một cách lâu dài, hoặc là đủ mạnh để diệt hoặc kiểm soát được virus. Điều trị kháng virus có thể có sẵn một cách rộng rãi từ khi bắt đầu nhiễm bệnh cũng có thể hạn chế một cách hiệu quả rủi ro phát triển Covid kéo dài. Những thử nghiệm theo hướng này sẽ phải được thực hiện sắp tới đây. Cuối cùng, một vắc-xin gây miễn dịch, có khả năng hạn chế sự lan truyền của virus, chứ không chỉ tránh những dạng bệnh nặng như những vắc-xin hiện có, cũng rất cần thiết. Nhất là, trong lúc chờ đợi có được những phương pháp trị liệu hiệu quả và hiểu rõ hơn những hậu quả trong trung hạn và dài hạn của Covid kéo dài, dù là cho các bệnh nhân, hay rộng hơn là cho toàn thể xã hội, điều tối cần thiết là hạn chế những nguy cơ nhiễm trùng, có nghĩa là hạn chế sự lưu hành của virus corona SARS-CoV-2. Những sự nhiễm trùng càng lặp lại thì càng tăng thêm rủi ro Covid kéo dài.

_______________________________

Các tác giả cám ơn những bình luận và ý kiến xây dựng cho bài báo này: Lisa Chakrabarti, nghiên cứu về miễn dịch học tại Viện Pasteur, Yousra Gabr, bác sĩ tổng quát, Jérôme Larché, bác sĩ chuyên về y khoa nội trú và bác sĩ tham vấn cấp vùng của mạng lưới chăm sóc Covid kéo dài cho ARS Occitanie, Émilie Seyrat, kỹ sư hóa lý, Catherine Tourette-Turgis, giảng sư tại CNAM, Alain Trautmann, giám đốc nghiên cứu émérite về miễn dịch học ở CNRS, và hiệp hội ApresJ20.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn: Covid long: qu’en savent les scientifiques aujourd’hui”, The Conversation, 22.9.2022




Chú thích:

[1] Bác sĩ, chuyên về các bệnh nhiễm trùng, giáo sư đại học, chủ tịch nhóm nghiên cứu Covid kéo dài của Haute Autorité de Santé, Đại học Paris Cité

[2] Giáo sư đại học – Bác sĩ, chuyên về các bệnh nhiễm trùng - German Center For Infectious Research (DZIF), Đại học Cologne

[3] Giáo sư lý sinh và Y học hạt nhân, đại học Aix-Marseille Université (AMU)

[4] Bác sĩ tâm thần chuyên về các bệnh nhiễm trùng – Khoa các bệnh nhiễm trùng và bệnh nhiệt đới, Bệnh việnTenon và bệnh viện Hôtel-Dieu, Alliance Sorbonne Paris Cité (ASPC)

[5] Bác sĩ, chuyên gia về các bệnh dị ứng, Đại học Lorraine

[6] Bác sĩ kiêm Nghiên cứu viên, Khoa Chăm sóc sức khỏe ban đầu, các bệnh viện đại học, Genève.

[7] Giáo sư đại học (sinh học tế bào) – Bác sĩ (khoa hô hấp), Đại học Nantes.

Print Friendly and PDF