10.12.22

Giải Bóng đá Thế giới ở Qatar, Shell, Danone hay Nike: những vấn đề mà các cuộc tẩy chay đặt ra

GIẢI BÓNG ĐÁ THẾ GIỚI Ở QATAR, SHELL, DANONE HAY NIKE: NHỮNG VẤN ĐỀ MÀ CÁC CUỘC TẨY CHAY ĐẶT RA

Hélène Ducourant

Hình vẽ trên một vỉa hè ở Paris, ngày 14 tháng 9 năm 2022, chống lại Giải Bóng đá Thế giới [World Cup] ở Qatar. Joel Saget/AFP

Trong vài tháng qua, ý tưởng về một cuộc tẩy chay World Cup ở Qatar đang lan truyền. Ở Pháp, gần đây đã có nhiều thị trưởng thông báo rằng thành phố của họ sẽ không phát sóng sự kiện này trên các màn hình khổng lồ như thường lệ. Nhiều nhân vật quan trọng cũng đã thông báo sẽ không tham dự hoặc theo dõi sự kiện. Hàng ngày, các nhà báo đều mời các giới thể thao và các nhân vật chính trị nêu quan điểm của mình. Và tại các quán rượu, người hâm mộ bàn luận xem có nên hay không nên bỏ qua niềm vui khi xem những trận cầu hay.

Trong cuốn Sociologie de la consommation [Xã hội học tiêu dùng], Ana Perrin-Heredia và tôi đã vạch lại nhiều mối liên kết giữa tiêu dùng và chính trị.

Tẩy chay là một trong những mối liên kết có thể đó.

Một thuật ngữ ra đời ở Ireland vào thế kỷ XIX

Ở vùng nông thôn Ireland vào cuối thế kỷ XIX, Charles C. Boycott, một quản gia phục vụ cho một chủ đất giàu có, đã tăng quá mức tiền thuê đất của những người nông dân sống gắn liền với mảnh đất của họ. Hành vi này đã gây ra việc trục xuất những người nông dân này [khỏi mảnh đất của họ], vốn đã bị suy yếu vì nạn đói.

Khi đó, một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Ireland đã đề xuất với các gia đình có liên quan [bị trục xuất khỏi mảnh đất của họ] và, rộng hơn, với tất cả cư dân của các vùng này (các thương nhân, nhân viên, v.v.) tẩy chay C. C. Boycott, nghĩa là từ chối mọi liên hệ thường nhật với ông ta. Sau đó, đề xuất này đã lan rộng đến tất cả những chủ đất đã tăng tiền thuê đất, cũng như đến những nông dân đã tiếp quản đất đai của những người bị trục xuất. Một nhà báo vào thời đó đã tạo ra phép hoán xưng “boycott [tẩy chay]”, biến tên họ này thành một danh từ chung, để chỉ các phương thức hành động này.

Nếu, ngày nay, thuật ngữ này thường phản chiếu việc từ chối duy trì các mối quan hệ thương mại với một công ty, thì không phải tất cả các cuộc tẩy chay đều liên quan đến các sản phẩm thương mại. Ví dụ, năm 1936 đã chứng kiến một chiến dịch rộng lớn tại nhiều nước nhắm đến việc tẩy chay Thế vận hội Berlin, vì lý do chế độ Quốc xã lên nắm quyền.

Gần đây hơn, theo yêu cầu của giới trí thức và học giả Palestine, một chiến dịch tẩy chay có tên là “Tẩy chay sự thoái vốn và trừng phạt” (BDS, Boycott Divestment and Sanctions) đã được phát động. Kể từ năm 2005, chiến dịch này đã kêu gọi tẩy chay Nhà nước Israel trên bình diện kinh tế, học thuật, văn hóa và chính trị, để phản đối sự thực dân hóa và chiếm đóng các vùng đất của người Palestine.

Ngày hôm nay, chính giải vô địch bóng đá thế giới ở Qatar đang bị kêu gọi tẩy chay vì vô số lý do, đặc biệt vì những lý do về môi trường và xã hội (ví dụ số lượng công nhân bị bóc lột và thiệt mạng trong quá trình xây dựng các sân vận động).

Từ Rosa Parks đến Danone

Cuộc tẩy chay các dịch vụ vận tải của công ty xe buýt Montgomery (Alabama), được đề xuất vào năm 1955, là một trong những cuộc tẩy chay nổi tiếng nhất trong lịch sử.

Rosa Parks (1913-2005)
M. L. King (1929-1968)

Vào một buổi tối tháng 12, một cô thợ may người Mỹ gốc Phi tên là Rosa Parks, ngồi ở hàng ghế trước, vốn là một trong những hàng ghế dành cho hành khách người “da trắng”, của một chiếc xe buýt. Tiếp sau đó là một án tù vì tội “gây rối trật tự công cộng”, trở thành điểm khởi đầu của một phong trào kéo dài hơn một năm.

Những hành khách bị phân biệt chủng tộc đã ngừng sử dụng dịch vụ của công ty xe buýt, được khuyến khích bởi một hiệp hội do mục sư Martin Luther King sáng lập. Những hành khách khác cũng không sử dụng dịch vụ của công ty xe buýt đó nữa, để tỏ lòng đoàn kết... hoặc lo ngại. Tham gia vào cuộc phản kháng còn có các phương tiện vận tải cá nhân, những taxi đường dài, và người tẩy chay vẫn tiếp tục đứng vững. Mười ba tháng sau, Tòa án Tối cao tuyên bố việc phân biệt đối xử trên xe buýt là hành vi vi phạm Hiến pháp nước Mỹ. Thế nên, việc tẩy chay một dịch vụ vận tải đường bộ là một bước quan trọng trong khuôn khổ một cuộc vận động chính trị rộng lớn hơn, chẳng hạn như phong trào dân quyền Hoa Kỳ [Civil Right Movement], gợi ý cho thấy mức độ mà một hình thức phản đối tiêu dùng có thể góp phần mang đến những yêu sách vượt ngoài một dịch vụ đơn lẻ bị tranh cãi.

Năm 1995, tổ chức phi chính phủ Greenpeace [Hòa bình Xanh] đã tiến hành một hành động tẩy chay quốc tế, chống lại công ty dầu mỏ Shell của Anh-Hà Lan. Lý do: dự án của công ty dầu mỏ trong việc đánh chìm một giàn khoan dầu ngoài khơi Biển Bắc, với vài nghìn tấn dầu trên đó. Trong khi các nhà hoạt động môi trường Anh đang vất vả đấu tranh để gây sự chú ý của công luận, thì các thành viên người Đức của hiệp hội lại tiến hành nhiều hành động khác, trong đó có việc kêu gọi tẩy chay các trạm bơm xăng của Shell. Ở Đức, cuộc tẩy chay đã thành công đến mức Shell phải ra quyết định kéo nền tảng trữ dầu về đất liền để tháo dỡ. Ở đây một lần nữa, việc tẩy chay một sản phẩm tiêu dùng (ở đây là nhiên liệu), nằm ngoài biên giới các quốc gia, đã làm thay đổi tương quan lực lượng về mặt kinh tế và giúp đạt được các yêu sách về môi trường.

Trong những năm 2000, công ty Danone của Pháp đã lên kế hoạch đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất bánh quy, được coi là ít sinh lãi hơn so với các hoạt động kinh doanh khác, và do đó ảnh hưởng đến giá trị cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán. Vào thời điểm thông báo đóng cửa nhà máy, đã có nhiều phương thức hành động được triển khai theo sáng kiến của các tổ chức công đoàn và người lao động. Trong số các phương thức đó, có lời kêu gọi tẩy chay, được nhiều nhân vật chính trị chuyển tiếp và ủng hộ một cách rộng rãi.

Bất chấp sự thành công trên phương tiện truyền thông của chiến dịch vận động này, Danone đã không khuất phục. Nếu yêu cầu của nhóm người tiêu dùng được vận động không thành công trong lần này, thì cuộc tẩy chay đã góp phần làm tổn hại lâu dài hình ảnh thương hiệu của công ty và hợp pháp hóa cuộc đấu tranh chống lại “sự sa thải lao động của thị trường chứng khoán”, một cuộc đấu tranh, mà kể từ đó, đã không ngừng giành được tính hợp pháp trong các cuộc tranh luận chính trị ở Pháp.

Lựa chọn tập thể và trên cơ sở có thông tin đáng tin cậy

Chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ các cuộc tẩy chay này? Đối với các nhà nghiên cứu nữ Ingrid Nyström và Patricia Vendramin, điều gây ấn tượng đầu tiên là sự đa dạng của các tác nhân tham gia: các tổ chức công đoàn, các chính trị gia, các tổ chức phi chính phủ, các luật gia, các cơ quan đại diện Nhà nước, cũng như những công dân “bình thường”.

Do đó, cần phải tránh quy các hoạt động (phi) tiêu dùng về các lựa chọn cá nhân của người tiêu dùng. Một bài học nữa là không nên gọi các cuộc vận động này là “mới” hoặc “thay thế”. Thực vậy, trong khá nhiều trường hợp, các cuộc vận động đều dựa trên các danh mục (xì-căng-đan hóa, truyền thông hóa, hợp pháp hóa, v.v.) và các định chế chính trị (các chính trị gia, các hiệp hội đã được thành lập, v.v.) đã có trước đó.

Colin Kaepernick (1987-)

Hơn nữa, điều quan trọng là không nên quy giản sự thành công hay thất bại của một cuộc tẩy chay với việc đạt được một yêu sách cụ thể. Xin nhớ rằng, cuộc tẩy chay Danone đã giúp hợp pháp hóa một hành động chính trị chống lại “sự sa thải lao động của thị trường chứng khoán” nói chung, và do đó đã nuôi dưỡng ý tưởng về lợi nhuận không chính đáng của các cổ đông công ty đa quốc gia, khi nhân viên phải chịu đựng tác động của cuộc khủng hoảng.

Cuối cùng, có thể nói thêm rằng không nên vội vã liên kết các cuộc tẩy chay với các cuộc đấu tranh cấp tiến và/hoặc bảo vệ môi trường, như đã từng được chứng minh qua việc tẩy chay Nike, vào năm 2018, của nhiều người tiêu dùng Mỹ tức giận, vì công ty sản xuất giày thể thao này đã chọn cầu thủ bóng đá người Mỹ gốc Phi Colin Kaepernickngười đầu tiên quỳ gối khi hát quốc ca, để ủng hộ cuộc đấu tranh chống lại các hành động bạo lực của cảnh sát và phân biệt đối xử đối với người Mỹ gốc Phi – làm khuôn mặt biểu tượng cho thương hiệu Nike.

Một phương thức phản đối không bình đẳng

Tuy nhiên, nếu tiêu dùng cấu thành một phương thức hành động chính trị đích thực, thì các cách tiếp cận này vẫn mang tính không bình đẳng.

Từ quan điểm thống kê, việc viện đến biện pháp tẩy chay ở Châu Âu thường xảy ra nhiều hơn ở Bắc Âu trước, rồi đến ở Tây Âu, và ít hơn nhiều ở Nam Âu và Đông Âu.

Tương tự và không có gì đáng ngạc nhiên, kiểu phong trào này đã lan rộng nhiều hơn ở các tầng lớp trung lưu của khu vực thứ ba (khu vực dịch vụ – ND) có trình độ học vấn cao hơn.

Nhưng cũng có những ngoại lệ đáng chú ý, như ở Nam Phi chống lại nạn phân biệt chủng tộc, hay ở Ấn Độ chống lại chủ nghĩa thực dân Anh. Và các cuộc tẩy chay diễn ra ngày càng thường xuyên hơn ở các nước được gọi là các nước “phương Nam”. Ví dụ, ở Ma-rốc, các cuộc vận động, vào năm 2018, “phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ”, mà mục tiêu nhắm đến là công ty sản xuất nước khoáng Sidi Ali, công ty sản xuất sữa Centrale Danone, hay các trạm bơm xăng Afriquia, thường là những đối tượng được đặc biệt ủng hộ.

Xin quay trở lại với các lời kêu gọi tẩy chay World Cup sắp đến. Nếu không có phái đoàn nào từ bỏ việc gửi đội tuyển quốc gia đến tham dự, thì điều quan trọng là không nên kết luận rằng phong trào phản đối đã thất bại.

Hélène Ducourant

Các hình thức tẩy chay mang tính rất đa dạng (từ chối quan tâm đến sự kiện, từ chối đến các sân vận động, không xem các trận đấu, tránh mua các thức ăn và sản phẩm xúc tiến thương mại, như trang phục thi đấu của các đội tuyển quốc gia, v.v.), một số phê bình, về nguyên tắc kêu gọi tẩy chay, sẽ giúp làm nên chuyện. Hẳn là các phê bình đó sẽ dần dần giành được tính hợp pháp, trong một khoảng thời gian dài hơn, và cuộc tẩy chay này sẽ chỉ là một giai đoạn trong quá trình dài hơi đó.

Tác giả

Hélène Ducourant, Nhà xã hội học, Phòng thí nghiệm Territoires Techniques et Sociétés, trường Đại học Gustave Eiffel, Đại học Gustave Eiffel

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Coupe du monde au Qatar, Shell, Danone ou Nike : les questions que soulèvent les boycotts, The Conversation, ngày 16/10/2022.

Print Friendly and PDF