1.12.22

Tập Trọng Huân: “Nên cho phép nhân dân phát biểu!”

TẬP TRỌNG HUÂN: “NÊN CHO PHÉP NHÂN DÂN PHÁT BIỂU!”

Tác giả: LE GRAND CONTINENT

Những gì đang xảy ra ở Trung Quốc hiện nay là chưa từng có kể từ Thiên An Môn. Ở một số nơi trong nước, người dân bực tức đang bất tuân, chống lại chính sách không có Covid của Tập Cận Bình. Giữa đám cháy này, một bài báo của cha ông lại xuất hiện, được người dùng WeChat chia sẻ hàng loạt - trước khi bị xóa khỏi mạng chỉ sau vài phút.

© AP PHOTO/NG HAN GUAN

Le Grand Continent - Tập Trọng Huân习仲勋,1913-2002), cha của Tập Cận Bình, là một đảng viên lỗi lạc của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông là người sáng lập và lãnh đạo chủ chốt của cơ sở cách mạng của ĐCSTQ ở Thiểm Tây, và trong một thời gian dài đã tham gia chính quyền kể từ khi CHND Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.

Tháng 4 năm 1959, ông trở thành Phó Thủ tướng kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện và chịu trách nhiệm điều hành công việc của Quốc vụ viện. Ông từng là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XI, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc khóa V và VII.

Về vấn đề dân chủ và tiếng nói của người dân, Tập Trọng Huân có lập trường hơi khác so với các cán bộ Đảng khác, (điều này) phản ánh sự thay đổi hệ chuẩn có thể đang diễn ra ở Trung Quốc.

Từ nhiều tuần qua, các cuộc biểu tình công khai chống lại chính sách không có Covid của Trung Quốc đã chứng tỏ tình trạng kiệt sức của dân chúng đã biến thành một đám cháy thực sự. Từ cuộc biểu tình của nhân viên Foxconn ở Trịnh Châu, đến tiếng la hét giận dữ của sinh viên ở nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc sau vụ hỏa hoạn ở Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề - Tân Cương) hôm thứ Năm tuần trước, các hình ảnh của những biến cố này đã làm rối loạn con đường mà Tập Cận Bình đã vạch ra kể từ khi Đại hội lần thứ 20 bế mạc.

Cơn giận dữ của người Trung Quốc còn truyền qua các thùng vang âm là các mạng xã hội. Weibo và WeChat đã trở thành những kênh ưa thích của người sử dùng Trung Quốc, trẻ, những người không còn giấu mình nữa để công khai chia sẽ sự bực tức của họ với chính sách y tế của đất nước. Đáp lại, ĐCSTQ điên cuồng xóa bất kỳ bài báo hoặc video nào đặt câu hỏi về tần suất xét nghiệm PCR hoặc các đợt cách ly lặp đi lặp lại mà người dân phải trải qua trong nhiều tháng nay.

Tuy nhiên, người dân không nản lòng. Tất cả các cơ hội đều tốt để châm biếm, thông qua các video hoặc bài báo hài hước, những khía cạnh phi lý nhất trong chính sách không có Covid của đất nước.

Hình thức chế nhạo cuối cùng chống lại chính sách y tế của Tập Cận Bình, một bài viết từ cuộc đời của cha ông đã xuất hiện trở lại và được người dùng WeChat chia sẻ hàng loạt, trước khi bị xóa chỉ trong vài phút khỏi các mạng vì “không tuân thủ các điều kiện sử dụng của nền tảng”.

Trong báo cáo năm 1979 này, Tập Trọng Huân trở lại vụ Lý Nhất Triết (Li Yizhe / 李一哲). Lý Nhất Triết là bút danh của ba nhà cách mạng trẻ Trung Quốc, vào cuối năm 1974, đã dán một tuyên ngôn chính trị trên các bức tường ở Quảng Châu, và tuyên ngôn này đã được sao chép ngay cả trước khi chính quyền Trung Quốc có thời giờ dẹp nó. Bản tuyên ngôn này có tiêu đề Về Dân chủ và Pháp lý dưới Chủ nghĩa xã hội đã công khai thách thức chính phủ Trung Quốc bằng cách tố cáo chủ nghĩa chuyên quyền của Mao Trạch Đông. Với tư thế tương đối ôn hòa đối với một quan chức Đảng, Tập Trọng Huân bình luận về khế ước giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và người dân. Văn bản này (được dịch dưới đây – ND) được chia sẻ hiện nay, được lan truyền trong giây lát trên điện thoại thông minh của người Trung Quốc nổi dậy chống lại chính sách do con trai ông, Tập Cận Bình lãnh đạo.

Tập Trọng Huân (1913-2002)

Tập Trọng Huân - Chúng ta phải khuyến khích mọi người giải phóng tâm trí của họ, đặt nền dân chủ vào vị trí đầy đủ của nó, nhấn mạnh đến việc tìm kiếm sự thật từ sự kiện và từ thực tế.

Phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ và, trong thời điểm hiện nay đặc biệt phải nhấn mạnh đến dân chủ xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp của Đảng ta là sự nghiệp của hàng triệu người, và phải cho phép nhân dân lên tiếng và được khuyến khích quan tâm đến quốc sự.

Bất kể người dân nói gì, nói đúng hay nói sai, miễn là có lợi cho sự nghiệp xã hội chủ nghĩa, họ phải nghe được tất cả những lời êm tai và cả những lời khó nghe, chỉ có bằng cách này họ mới cùng nhau phát huy sự khôn ngoan, tính linh hoạt và nhiệt tình của mình. Một đảng cách mạng sợ không nghe thấy tiếng nói của nhân dân, và điều khủng khiếp nhất là con quạ giữ im lặng.

Sợ nền dân chủ là dấu hiệu của sự suy nhược thần kinh. Về vấn đề này, phải tin rằng đa số quần chúng sẽ trân trọng các quyền dân chủ của họ.

Những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân cần được giải quyết đúng đắn, và không nên đối xử với nhân dân như là một kẻ thù giai cấp.

Trong số các vấn đề xã hội ở Trung Quốc, câu hỏi về hệ thống pháp luật là rất quan trọng. Rất nhiều luật đã được ban hành, liệu chúng có thực sự được thực thi không? Một lời nói của bí thư huyện ủy hay bí thư tỉnh ủy có thể thay thế các luật lệ của đất nước, chứ chưa nói đến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hiện tượng này rất bất thường. Vì vậy, đất nước muốn ổn định lâu dài thì phải dựa vào sự phát triển của nền dân chủ và sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật.

Chúng ta không bao giờ được cưỡi lên đầu nhân dân. Sẽ rất tệ nếu cán bộ của chúng ta lại đòi hỏi người dân xem họ là “quan”, “lãnh chúa”.

Không cho dân tiếp xúc với lãnh đạo địa phương là cắt đứt mối liên hệ giữa quần chúng với các cơ quan của Đảng và chính quyền, và thực hiện một hành động xấu phong tỏa chính quyền trung ương.

Làm sao các cơ quan và cán bộ của Đảng cộng sản có thể sợ nhân dân và không có tình cảm với họ? Chúng có thể còn được gọi là cán bộ cộng sản không? Những cán bộ như vậy thậm chí còn không được coi là công chức tốt trong xã hội phong kiến!

Vai trò của mình dù quan trọng đến đâu, đừng bao giờ quên tận tụy phục vụ nhân dân một cách thành thật, thực sự nghĩ đến dân, hướng tới quần chúng và dễ tiếp cận.

Thực tế xưa và nay cho thấy một quốc gia khép kín khó có thể phát triển và tiến bộ.

Một ngàn lời nói là vô ích, cách duy nhất để cải thiện mức sống của mọi người là nâng cao họ lên. Nếu không, mọi người sẽ chỉ bỏ phiếu bằng đôi chân của họ.

Đất nước là nhân dân, nhân dân là đất nước!

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: Xi ZhongXun : «Le peuple devrait autorisé à parler !», Le Grand Continent, 30.11.2022

Print Friendly and PDF