12.10.15

Mark Blaug, nhà phân tích bộ môn kinh tế



Mark Blaug (1927-2011)

Mark Blaug, nhà phân tích bộ môn kinh tế

Là nhà kinh tế học và công dân thế giới, nhà trí thức uyên bác với tư tưởng phê phán, Mark Blaug đã đầu tư chủ yếu vào lịch sử các ý tưởng và phương pháp luận của kinh tế học.
Theo Mark Blaug, bộ môn kinh tế học đã trở thành "một con quái vật rất khó ngăn chặn nó"
Là một tác giả viết nhiều, Mark Blaug đã để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế học giáo dục, kinh tế học nghệ thuật, lịch sử kinh tế, sự phát triển và phương pháp luận. Nhưng chính với tư cách một sử gia các tư tưởng kinh tế, ông mới trở nên nổi tiếng. Là nhà kinh tế học và công dân thế giới, đầu tiên Blaug sống tại Hà Lan và tại Vương quốc Anh trước khi du học tại Hoa Kỳ, sau đó định cư tại Vương quốc Anh, và cuối cùng trở về quê hương của ông với tư cách là một giáo sư thỉnh giảng. Ông đã giảng dạy tại nhiều trường đại học trên toàn thế giới. Song song với việc nghiên cứu và giảng dạy, Blaug đã có một sự nghiệp rất có hiệu quả như làm tư vấn cho nhiều tổ chức quốc gia và quốc tế như UNESCO, OECD, Ngân hàng Thế giới và Quỹ Ford.

Lịch sử và phương pháp luận của kinh tế học

George Stigler (1911-1991)
Blaug đã viết một luận án tiến sĩ về kinh tế học của Ricardo, mà ông xuất bản vào năm 1958. Các thầy hướng dẫn ông tại Đại học Columbia, George Stigler và Terence Hutchison, là hai tác giả đã có những đóng góp đáng kể cho lịch sử tư tưởng kinh tế. Hutchison cũng là tác giả của một trong những cuốn sách quan trọng về phương pháp luận của kinh tế học, The Significance and Basic Postulates of Economic Theory (Ý nghĩa và các tiên đề cơ bản của lý thuyết kinh tế (1938), với tác phẩm này ông là người đầu tiên du nhập vào kinh tế học các luận điểm của Karl Popper, nhà triết học về các ngành khoa học. Blaug coi Hutchison như là một người thầy minh triết mà ông đã nối gót tiếp bước.
Năm 1962, ông công bố, vào thời kỳ đầu khởi nghiệp, một tác phẩm nhanh chóng trở thành cuốn sách giáo khoa về lịch sử tư tưởng kinh tế được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn thế giới. Được bổ sung và sửa đổi qua nhiều lần xuất bản, được dịch ra nhiều thứ tiếng, tác phẩm này minh chứng cho một sự uyên bác đặc biệt và một hiểu biết sâu rộng về toàn bộ kiến ​​thức kinh tế. Đôi khi người ta đặt tác phẩm của ông ngang hàng với tác phẩm vĩ đại History of Economics Analysis (Lịch sử phân tích kinh tế) của Joseph Schumpeter, được xuất bản tám năm trước đó. Vả lại cả hai tác giả đều cùng chia sẻ một tầm nhìn chung, tầm nhìn về một sự tiến bộ cộng dồn của phân tích kinh tế, mặc dù cả hai đều nhìn nhận tầm quan trọng của bối cảnh hệ tư tưởng trong đó các ý tưởng được phát triển, cũng như các xung đột giữa các trường phái tư tưởng đối nghịch nhau.
Joseph Schumpeter (1883-1950)
Tựa đề cuốn sách của Blaug, Economic Theory in Retrospect (Nhìn lại lí thuyết kinh tế), cũng mang nhiều ý nghĩa. Thực vậy, nó đề cập đến việc nghiên cứu, dưới ánh sáng của các tác phẩm trong quá khứ, "tính cố kết chặt chẽ lôgic và giá trị lý giải của những gì được coi là lý thuyết kinh tế chính thống. (...) Mục tiêu của tôi là nghiên cứu lý thuyết kinh tế đương đại", ông viết trong lời nói đầu.
Tuy nhiên khi đối diện với lý thuyết chính thống này, Blaug phát triển một thái độ ngày càng mang tính phê phán. Ông quan tâm đến nhiều dòng tư tưởng "li khai", trong đó có chủ nghĩa Marx - luôn mê hoặc ông - và dòng tư tưởng hậu Keynes, mặc dù rất phê phán đối với dòng tư tưởng này và dòng tư tưởng kia. Nhưng ông còn phê phán nhiều hơn đối với những gì liên quan đến học thuyết trọng tiền, vốn thắng lợi kể từ những năm 1980.  Blaug là tác giả của nhiều loại sách khác về lịch sử tư tưởng, ví dụ như hai cuốn sách với nội dung là chân dung 100 nhà kinh tế học trước và sau Keynes, cũng như một lược sử đồ sộ các nhà kinh tế học nổi tiếng kể từ năm 1700 (Who’s Who). Ông là tổng biên tập của nhiều tuyển tập các tác phẩm được Edward Elgar xuất bản: School of Thought in Economics (Trường phái tư tưởng trong kinh tế học), The International Library of Critical Writings in Economics (Thư viện quốc tế về các bài viết phê phán trong kinh tế học) và Pionners in Economics (Những nhà tiên phong trong kinh tế học).
Karl Popper (1902-1994)

Cuốn The Methodology of Economics (Phương pháp luận kinh tế), mà phiên bản đầu tiên được xuất bản vào năm 1980, cũng được xem như là một tài liệu tham khảo không thể lảng tránh trong lĩnh vực ứng dụng triết học về các khoa học vào kinh tế học. Blaug tán thành các luận điểm của Karl Popper, theo đó khoa học tiến triển theo một quá trình của những ước đoán và phản bác, một phát biểu được cho là khoa học nếu nó được trình bày sao cho có thể kiểm sai bằng thực nghiệm. Đối với Blaug, một định luật chẳng hạn như sự suy giảm mang tính xu hướng của lợi nhuận theo Marx, không thể bị phản bác, và vì vậy không mang tính khoa học.
Imre Lakatos (1922-1974)
Mặt khác, Mark Blaug là nhà kinh tế học đầu tiên sử dụng những ý tưởng được nhà triết học Imre Lakatos, một môn đồ phê phán Popper, trình bày giữa những năm 1968 và 1971. Đối với Lakatos, kiến ​​thức được phát triển trong khung của các "chương trình nghiên cứu khoa học", được đặc trưng bởi một hạt nhân cứng không thể phản bác, một "vành đai bảo vệ" những giả thuyết có thể phản bác và những mô tả về những gì không thể thực hiện về mặt nghiên cứu. Các chương trình nghiên cứu phải có khả năng tiến lên hoặc thoái hóa. Blaug ứng dụng khung phân tích này để đánh giá những cuộc tranh luận lớn và những dòng tư tưởng lớn trong kinh tế học. Như vậy ông cho rằng Keynes đã khai mở một chương trình nghiên cứu mới mang tính tiến bộ, mà hạt nhân cứng tích hợp những dự kiến và sự bất trắc. Ngược lại, chủ nghĩa trọng tiền, một chương trình nghiên cứu mang tính tiến bộ trước khi có cuộc cách mạng keynesian, thì từ nay mang tính thoái hóa.
Mark Blaug phê phán mạnh mẽ bước ngoặt của kinh tế học theo chủ nghĩa hình thức từ một vài thập kỷ gần đây, đặc biệt là với giả thuyết những dự kiến duy lý và kinh tế học vĩ mô cổ điển mới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, vì quá muốn bắt chước các ngành khoa học cứng và đặc biệt là vật lý học, người ta đã biến kinh tế học thành một loại toán học xã hội, ưu ái kỹ thuật và sự thanh lịch hình thức so với việc quan sát thực tại. Ông cáo buộc nhiều nhà kinh tế học tân cổ điển đã từ chối đối chiếu lý thuyết của họ với thực tế. Trong một cuộc phỏng vấn được thực hiện cho số báo tháng 5-6 năm 1998 của tạp chí Mỹ Challenge, ông nói rằng ông rất bi quan về tương lai của một bộ môn mà tính hình thức càng phát triển càng khiến người học chán nản và ngày càng thiếu khả năng giải thích những vấn đề cụ thể: "Chúng ta đã tạo ra một con quái vật rất khó ngăn chặn nó".

Phát triển và giáo dục

Arthur Lewis (1915-1991)
Blaug đã có những đóng góp, mà một số đã được tập hợp trong những tuyển tập các bài viết (1986, 1987, 1990 và 1997), trong nhiều lĩnh vực ngoài lịch sử các ý tưởng và phương pháp luận. Ông đặc biệt cho rằng có những liên hệ chặt chẽ giữa lịch sử tư tưởng và lịch sử kinh tế. Ví dụ, ông đã nghiên cứu, ở ranh giới của hai ngành học, lịch sử các định luật về người nghèo. Ông luôn quan tâm đến vấn đề phát triển và tự cho mình chịu ảnh hưởng của các luận điểm của Arthur Lewis. Nhưng chính trong lĩnh vực kinh tế học giáo dục ông mới có những đóng góp nhiều nhất và quan trọng nhất. Trong thực tế, sau khi xuất bản cuốn sách giáo khoa từ năm 1962 cho đến những năm 1970, ông đã rời bỏ lãnh vực lịch sử tư tưởng để cống hiến cho kinh tế học giáo dục.
Terence Hutchison (1912-2007)
Đối với Blaug, lĩnh vực mới này, đang phát triển mạnh, là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của kinh tế học. Nó liên quan đến các điều kiện về tăng trưởng và phát triển, và nó nằm ở ranh giới của xã hội học, tâm lý học và khoa học chính trị. Trong những tác phẩm đầu tay của ông, Blaug cho rằng khái niệm vốn con người là có hiệu quả. Mặc dù rất khó tính toán, ông nghĩ rằng phải cố gắng ước tính tỷ suất lợi tức của các chi tiêu về giáo dục. Tuy nhiên, ông trở nên ngày càng hoài nghi đối với các lý thuyết chính thống về vốn con người, theo cách đề xuất của các tác giả như Theodore Schultz và Edward Denilson, và ông đăng trên Journal of Economic Literature vào năm 1976, một bài viết dài mang tính phê phán có tựa đề "The Empirical Status of Human Capital Theory: a Slightly Jaundiced Survey (Cương vị thực nghiệm của lý thuyết về vốn con người: một khảo sát hơi thành kiến)". Blaug đã suy nghĩ rất nhiều về những vấn đề được đặt ra bởi giáo dục và vấn đề tài trợ cho giáo dục trong thế giới thứ ba. Ông đã lưu lại tại hơn ba mươi quốc gia đang phát triển, đôi khi trong vài tháng, và đã sống tại hai quốc gia trong số đó.

Mark Blaug qua vài năm tháng

1927: Sinh ngày 03 tháng tư tại The Hague, Hà Lan.
1940: sống lưu vong tại Vương quốc Anh với sự bùng nổ chiến tranh.
1942: chuyển đến sống tại Hoa Kỳ.
1951-1952: giảng dạy tại trường Queen College ở New York.
1952: học tại Đại học Columbia ở New York.
1954-1962: giảng dạy tại Đại học Yale.
1955: đỗ bằng Tiến sĩ tại Đại học Columbia.
1958: Ricardian Economics. A Historical Study (Kinh tế học Ricardian. Một nghiên cứu lịch sử).
1962: Economic Theory in Retrospect (Nhìn lại lí thuyết kinh tế).
1963-1984: giảng dạy tại Viện Giáo dục thuộc Đại học London.
1964-1978: giảng dạy tại Trường London School of Economics.
1967: Economics of Education: A Selected Annotated Bibliography (Kinh tế học giáo dục: Một thư mục chọn lọc có chú thích).
1968-1970: Economics of Education: Selected Readings (Kinh tế học giáo dục: Các tuyển tập) (chủ biên)
1970: An Introduction to the Economics of Education (Giới thiệu về kinh tế học giáo dục).
1974: The Cambridge Revolution: Success or Failure? Critical Analysis of Cambridge Theories of Value and Distribution (Cuộc cách mạng ở Cambridge: Thành công hay thất bại? Phân tích phê phán các lý thuyết về giá trị và phân phối của Cambridge).
1976: The Economics of the Arts (Kinh tế học nghệ thuật) (chủ biên).
1980: The Methodology of Economics: or, How Economists Explain (Phương pháp luận kinh tế: hay, Các nhà kinh tế giải thích như thế nào); A Methodological Appraisal of Marxian Economics (Một thẩm định mang tính phương pháp của kinh tế học Marxian).
1982: nhập quốc tịch Anh.
1983: Who’s Who in Economics: a Biographical Dictionary of Major Economists, 1700-1981 (Những người nổi tiếng về kinh tế học: Từ điển tiểu sử các nhà kinh tế học lớn, 1700-1981) (chủ biên, đồng tác giả với Paul Sturge).
1984-1992: được bổ nhiệm làm giáo sư tư vấn tại Đại học Buckingham.
1985: Great Economists Since Keynes: an Introduction to the Lives & Works of One Hundred Modern Economists (Những nhà kinh tế học vĩ đại kể từ Keynes: Giới thiệu cuộc đời & tác phẩm của một trăm nhà kinh tế học tiên tiến).
1986: Great Economists Before Keynes: an Introduction to the Lives & Works of One Hundred Great Economists of the Past (Những nhà kinh tế học vĩ đại kể từ Keynes: Giới thiệu cuộc đời & tác phẩm của một trăm nhà kinh tế học của quá khứ); Economic History and the History of Economics (Lịch sử kinh tế và lịch sử của kinh tế học).
1987: The Economics of Education and the Education of an Economist (Kinh tế học giáo dục và nền tảng giáo dục của một nhà kinh tế học).
1988: học giả nổi tiếng của Hiệp hội lịch sử Kinh tế học.
1989: được bầu vào Viện Hàn lâm nước Anh.
1990: John Maynard Keynes. Life, Ideas, Legacy; Economic Theories, True or False? (John Maynard Keynes. Cuộc đời, ý tưởng, di sản; Các lý thuyết kinh tế, đúng hay sai?)
1991: Appraising Economic Theories: Studies in the Methodology of Scientific Research Programmes (Thẩm định các lý thuyết kinh tế: Các nghiên cứu về phương pháp luận của các chương trình nghiên cứu khoa học).
1996: The Quantity Theory of Money: from Locke to Keynes and Friedman (Lý thuyết định lượng tiền tệ: từ Locke đến Keynes và Friedman).
1997: Not Only an Economist: Recent Essays (Không chỉ là một nhà kinh tế học: Các tiểu luận gần đây).
2000: được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Erasmus ở Rotterdam.
2011: qua đời ngày 18 tháng 11 tại Dartmouth, Hà Lan, hưởng thọ 84 tuổi.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Blaug
Ricardian Economics. A Historical Study, Yale University Press, 1958.
La pensée économique: origine et développement, Economica, 1981.
Economics of Education: A Selected Annotated Bibliography, Pergamon Press, 1967.  
Economics of Education: Selected Readings (dir.), Penguin Books, 1968-1970.
An Introduction to the Economics of Education, Allen Lane, 1970.
The Cambridge Revolution: Success or Failure? Critical Analysis of Cambridge Theories of Value and Distribution, Institute of Economic Affairs, 1974.
The Economics of the Arts (dir.), Martin Robertson, 1976.
La méthodologie économique, Economica, 1982.
A Methodological Appraisal of Marxian Economics, North-Holland, 1980.
Who’s Who in Economics: a Biographical Dictionary of Major Economists, 1700-1981 (dir., avec Paul Sturge), Harvested Press, 1983.
Great Economists Since Keynes: an Introduction to the Lives & Works of One Hundred Modern Economists, Wheatsheaf, 1985.
Great Economists Before Keynes: an Introduction to the Lives & Works of One Hundred Great Economists of the Past, Harvested Press, 1986.
Economic History and the History of Economics, Prentice-Hall, 1987.
The Economics of Education and the Education of an Economist, New York University Press, 1987.
John Maynard Keynes. Life, Ideas, Legacy, Mcmillan, 1990.
Economic Theories, True or False? Edward Elgar, 1990.
Appraising Economic Theories: Studies in the Methodology of Scientific Research Programmes (dir., avec Neil de Marchi), Edward Elgar, 1991.
The Quantity Theory of Money: from Locke to Keynes and Friedman, (dir., avec D. O’Brien et alli), Edward Elgar, 1996.
Not Only an Economist: Recent Essays, Edward Elgar, 1997.
Những tác phẩm viết về Blaug
Economics, Culture and Education: Essays in Honor of Mark Blaug, par G. K Shaw (dir.), Edward Elgar, 1991.
Mark Blaug on the Sraffian interpretation of the surplus approach, pr Hainz D. Kurz et Neri Salvadori, History of Political Economy no 1, vol. 34, 2002.
Recension of the Methodology of Economics, par Richard G. Lipsey, Revue canadienne d’ecoq, vol.  26, no 3, 1993.
Blaug trên mạng
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Mark Blaug, analyste de la discipline économique” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no57, tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF