Elinor Ostrom (1933-2012) |
Suy nghĩ đằng sau kinh tế học bình quyền
Kinh tế học, một chuyên ngành của những nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách, những người dẫn chương trình truyền hình, và tuần san này nhằm đưa ra một cách nhìn khách quan về thế giới. Nhưng một số người lo lắng rằng nó sẽ không đầy đủ. Những người ủng hộ kinh tế học bình quyền cho rằng kinh tế học quá thiên về thế giới của đàn ông, cả về phương pháp nghiên cứu lẫn trọng tâm nghiên cứu. Nguyên nhân không chỉ do phụ nữ ít góp mặt trong khoa học: năm 2014 chỉ có 12% số giáo sư kinh tế học của Mỹ là phụ nữ, và tính cho đến nay chỉ có duy nhất một phụ nữ là khôi nguyên giải Tưởng Niệm Nobel dành cho các Khoa Học về Kinh Tế (Elinor Ostrom, người trong ảnh). Nguyên nhân quan trọng hơn có lẽ là họ cũng lo ngại rằng do đặt vấn đề sai lầm, mà kinh tế học đã gắn chặt với việc nghiên cứu bất bình đẳng giới hơn là giúp giải quyết vấn đề đó. Các kinh tế gia bình quyền muốn thay đổi thực tế này như thế nào?
Marilyn Waring (1952-) |
Theo Alfred Marshall, một nhà sáng lập môn khoa học kinh tế, kinh tế học là “môn nghiên cứu về con người (men) khi họ sống và suy nghĩ và vận động trong cuộc sống thường nhật.” Cách ám chỉ hững hờ của Marshall thể hiện điều mà các kinh tế gia bình quyền cho là vấn đề lớn nhất của kinh tế học, thói quen lờ đi phụ nữ. Họ lý luận rằng nền kinh tế thường được xem như là thế giới của tiền bạc, máy móc và đàn ông. Điều này được phản ánh trong cách tính GDP. Tiền lương lao động được tính vào GDP; các công việc nội trợ ở nhà thì lại không được tính. Các kinh tế gia bình quyền chỉ trích phương pháp này vì tính quá hạn hẹn của nó. Trong tác phẩm “Nếu Tính Đến Phụ Nữ” của Marilyn Waring xuất bản năm 1988, bà đã lập luận rằng hệ thống đo lường GDP do những người đàn ông thiết kế ra để trói chân phụ nữ “ở chỗ của họ”. Không chỉ độc đoán trong cách đo lường GDP (sự chăm sóc được tính vào “hoạt động sản xuất” khi được giao dịch trên thị trường, nhưng khi được cung ứng một cách phi chính thức thì lại không được tính), nhưng vì phụ nữ đóng góp phần lớn trong việc chăm sóc trên khắp thế giới, cách tính này đánh giá thấp một cách có hệ thống đóng góp của phụ nữ cho xã hội. Bà Waring đã nghĩ rằng công việc chăm sóc không được trả lương phải được tính vào GDP để chứng tỏ rằng “việc sản xuất” ra sự chăm sóc chu đáo cho trẻ em cũng không kém phần quan trọng so với việc chăm sóc ôtô hay mùa vụ.
Nói đến chính sách công, các kinh tế gia bình quyền nghĩ rằng bản thân vấn đề bình đẳng giới có giá trị nội tại, không chỉ là phương tiện thúc đẩy tăng trưởng. Họ còn xem xét tác động của chính sách công lên phụ nữ. Khi các dịch vụ công bị cắt giảm, một phân tích đơn giản có thể quy sự thay đổi về số tiền chi ra để trả cho lực lượng công chức chẳng hạn. Phân tích của một kinh tế gia bình quyền có thể sẽ chỉ ra rằng nếu những người có nhiều khả năng lấp khoảng trống do chính phủ tạo ra nhất là phụ nữ, thì sự phân bổ những khoản cắt giảm này có thể làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng giới. Và kinh tế học bình quyền cũng chỉ trích các phương pháp sử dụng trong các mô hình chuẩn được giảng dạy ở bậc đại học vì đã bỏ qua các nguyên nhân cơ bản của bất bình đẳng giới. Lấy một mô hình kinh tế đơn giản, mô hình này có thể giải thích quyết định gánh vác trọng trách chăm sóc con cái của một phụ nữ dựa trên sự ưa thích của cô ta đối với “tiêu dùng” và “nghỉ ngơi”. Các kinh tế gia bình quyền có thể chỉ ra rằng nếu sự ưa thích của cô ta được xã hội định hình dựa trên định kiến về những việc mà phụ nữ nên làm, thì việc phát biểu rằng lựa chọn của cô ta là tự do có thể gây hiểu lầm. Họ sẽ lập luận rằng mô hình như vậy có thể không gặp vấn đề về phân biệt giới tính bằng cách giả định một cách hiệu quả nhằm loại trừ khả năng xảy ra sự phân biệt đối xử bất lợi cho phụ nữ.
Julie Nelson (1956-) |
Những người ủng hộ kinh tế học bình quyền đã giành chiến thắng trên nhiều chiến trường. GDP có thể vẫn không bao gồm hoạt động chăm sóc không được trả lương, nhưng các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc ngày càng căn cứ trên các chỉ báo về sự tiến bộ rộng hơn là thu nhập bằng tiền, bao gồm sức khỏe và sự thịnh vượng. Julie Nelson, một kinh tế gia bình quyền, đã viết trên tạp chí Journal of Economic Perspectives rằng “nhiều độc giả có thể đã phát hiện ra là họ đã thực hành ‘kinh tế học bình quyền’ theo cách này hay cách khác, mặc dù họ thích tự nhủ rằng họ chỉ thực hành ‘kinh tế học đúng nghĩa’”. Thực tế, các kinh tế gia bình quyền ao ước được sống trong một thế giới mà danh xưng kinh tế học bình quyền không cần tồn tại.
S.K.
Trần Thị Minh Ngọc dịch