1.11.15

Cơ cấu và đặc điểm nhân khẩu giới trung lưu ở Tp.HCM

TẦNG LỚP TRUNG LƯU Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH:

CƠ CẤU VÀ ĐẶC ĐIỂM NHÂN KHẨU[1]

Bùi Thế Cường, Phạm Thị Dung 
và Tô Đức Tú[2]
Bài viết trình bày cơ cấu tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số đặc điểm nhân khẩu của tầng lớp này, dựa trên số liệu khảo sát năm 2010. Trước hết, bài viết giới thiệu một khung phân loại nhóm nghề nghiệp làm cơ sở xác định tầng lớp trung lưu trong cơ cấu xã hội theo nghề nghiệp và một khung cơ cấu trong bản thân tầng lớp trung lưu. Tiếp theo, bài viết trình bày cơ cấu tầng lớp trung lưu ở Thành phố Hồ Chí Minh theo nhóm và bậc, theo khu vực, giới và tuổi. Bài viết gợi ý rằng Thành phố cần rà soát lại chính sách giai tầng xã hội, chú trọng đến việc phát triển hơn nữa vị thế và tiềm lực của trung lưu để tầng lớp này có thể phát huy tốt hơn vai trò của mình trong phát triển xã hội. 

MIDDLE CLASSES IN HO CHI MINH CITY: STRUCTURE AND DEMOGRAPHIC CHARACTERISTICS. In the paper, the structure of the middle classes in Ho Chi Minh City and some of its demographic features are outlined based on the data set of a survey conducted in 2010. Firstly, a framework of occupational strata is proposed to identify the occupational structure of the surveyed sample and another framework for internal structure of the middle classes is described. Based on these two frameworks, the middle classes in the City are figured by their groupings, rural-urban areas, sex and age. To conclusion, it is suggested that the middle classes policy of Ho Chi Minh City should be reviewed and improved. 

1. MỞ ĐẦU

Cơ cấu giai tầng xã hội có tầm quan trọng đối với sự phát triển và phúc lợi của một xã hội. Vì thế, chủ đề này luôn thu hút quan tâm đặc biệt của giới lãnh đạo và nghiên cứu xã hội. Các nghiên cứu về cơ cấu giai tầng đôi khi tập trung vào cấu trúc tổng thể, nhưng cũng có những công trình tập trung vào từng tầng lớp, như giới thượng lưu, trung lưu, giai cấp lao động, hoặc nhóm nghèo, nhóm đáy (Townsend, 2014). Trong đó, chủ đề các giai cấp trung lưu chiếm một vị trí quan trọng (Scott, 2005, trang 408-409). Vấn đề trung lưu đã xuất hiện trong những phân tích giai cấp ở thế kỷ XIX. Từ thập niên 1960 đến nay, ta chứng kiến làn sóng quan tâm trở lại mạnh mẽ đối với chủ đề này trên thế giới và Đông Nam Á (Becker et al., 1999; King, 2008). Nghiên cứu đương đại về tầng lớp trung lưu dẫn đến nhiều phát hiện lý thú nhưng cũng đầy tranh cãi về đặc trưng và vai trò của tầng lớp ấy trong phát triển xã hội.

Mặc dù nhiều tác giả đồng ý rằng nghiên cứu trực tiếp về chủ đề tầng lớp trung lưu ở Việt Nam còn nghèo nàn, song từ thập niên 2000 đến nay ngày càng nhiều tác giả quốc tế và trong nước chú ý đến đề tài này. Nói chung, những nghiên cứu về cơ cấu xã hội, phân tầng xã hội, theo cách này cách khác, đều đề cập đến tầng lớp trung lưu. Theo nghĩa ấy có thể nói rằng có nhiều công trình liên quan đến tầng lớp trung lưu (Bùi Thế Cường, 2014b). Trực tiếp đề cập đến chủ đề trung lưu, có thể kể đến Đỗ Thái Đồng (2004), Victor T. King (2008), Nguyen-Marshall và cộng sự (2012), Lê Kim Sa (2012, 2015), Nguyễn Đình Tấn (2013), Trần Thị Minh Ngọc (2013), Huong Le Thu (2015). 

Bài viết trình bày cơ cấu tầng lớp trung lưu trong dân cư Thành phố Hồ Chí Minh và một số đặc điểm nhân khẩu của nó, dựa trên số liệu khảo sát năm 2010. Việc phân tích lại số liệu cấp hai ở đây là một sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15).

2. NGUỒN DỮ LIỆU

Bài viết dựa trên nguồn dữ liệu cuộc khảo sát của Đề tài nghiên cứu Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường; Cơ quan chủ trì: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ).

Chọn mẫu khảo sát của Đề tài thiết kế theo hướng đại diện cho dân cư Thành phố. Lập danh sách mẫu cơ bản gồm tất cả quận huyện và xã phường thị trấn vào năm 2009. Danh sách xếp theo quá trình lan tỏa đô thị hóa, lần lượt thành 4 nhóm. Nhóm 1: các quận trung tâm hình thành lâu đời. Nhóm 2: các quận ven bao quanh trung tâm. Nhóm 3: các quận mới tách từ năm 1997. Nhóm 4: các huyện ngoại thành. Tiếp theo, toàn bộ 322 phường thị trấn xã xếp theo trật tự của bốn nhóm nói trên. Dựa trên danh sách tổng thể đó, chọn ngẫu nhiên 30 phường thị trấn xã. Tại mỗi phường thị trấn xã đã chọn, dựa vào ý kiến của chính quyền địa phương, chọn ba cụm dân cư ở ba mức sống khác nhau (nghèo, trung bình, khá). Tại mỗi cụm dân cư, dựa trên danh sách hộ gia đình của địa phương, chọn ngẫu nhiên 12 hộ gia đình. Kết quả, 36 hộ gia đình tại mỗi phường thị trấn xã được chọn. Tổng số có 1.080 hộ gia đình trong 30 phường thị trấn xã của toàn Thành phố vào mẫu khảo sát. Mỗi hộ trong danh sách nghiên cứu phỏng vấn một người được hộ xem là người đại diện chính của hộ (thường là chủ hộ, nhưng không nhất thiết). Điều tra viên chọn ngẫu nhiên về giới (người đại diện hoặc vợ/chồng người đại diện) để đảm bảo tỷ lệ cân bằng giới trong số người trả lời. Tuy nhiên, ở Thành phố khi người phỏng vấn đến hộ gia đình, nữ giới thường ở nhà, còn nam giới thường đi vắng. Vì vậy, trong mẫu khảo sát, tỷ lệ nam so với nữ của người trả lời là 45,5% so với 54,5%. Thu thập dữ liệu ở địa bàn nghiên cứu tiến hành trong tháng 3-4/2010 (Mô tả chi tiết thủ tục chọn mẫu xem: Bùi Thế Cường, 2012). 

3. KHUNG PHÂN LOẠI NHÓM NGHỀ NGHIỆP VÀ TẦNG LỚP TRUNG LƯU

Một phương pháp nghiên cứu phân tầng xã hội thông dụng là phân chia dân cư thành các nhóm vị thế xã hội, và thường dựa trên nghề nghiệp (Harol Kerbo, 2011; Lê Thanh Sang, 2010). Dựa trên bảng mã nghề do Tổng cục Thống kê ban hành chính thức, Đề tài KX.02.20/11-15 xây dựng một khung phân loại cơ cấu nghề nghiệp gồm 13 nhóm (Bùi Thế Cường, 2014a; Xem Bảng 1). 

Dựa trên khung phân loại trên, để phục vụ cho chủ đề bài viết này, chúng tôi xác định 9 nhóm nghề tạo thu nhập. Đó là: (1) Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể; (2) Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân; (3) Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp; (4) Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại; (5) Nông dân lớp trên; (6) Công nhân, thợ thủ công; (7) Nông dân lớp giữa; (8) Nông dân lớp dưới; (9) Lao động giản đơn phi nông nghiệp. 

Trong 9 nhóm nghề nghiệp ấy, chúng tôi xếp 5 nhóm trên vào khối “tầng lớp trung lưu”. Do hạn chế cỡ mẫu của khảo sát ở Thành phố Hồ Chí Minh 2010, nên nhóm “Nông dân lớp trên” không xuất hiện về mặt thống kê (Xem Bảng 2). Vì thế, khối tầng lớp trung lưu trong phân tích này sẽ chỉ bao gồm 4 nhóm nghề nghiệp. Đó là: (1) Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể (dưới đây sẽ gọi tắt là “Quản lý Nhà nước”); (2) Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân (gọi tắt: “Quản lý công ty tư nhân”); (3) Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp (gọi tắt: “Chủ kinh doanh hộ gia đình”); (4) Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại (gọi tắt: “Chuyên môn”). 

Số người đại diện hộ gia đình khi phỏng vấn mà đang có việc làm là 661 người trong tổng số 1.080 hộ gia đình được khảo sát (chiếm 61,2%). Trong 661 người đang có việc làm tại thời điểm phỏng vấn, có 383 người thuộc tầng lớp trung lưu (chiếm 57,9%). Đây là nhóm dữ liệu được đưa vào phân tích trong bài viết. 

Trong toàn bộ tầng lớp trung lưu cũng như trong mỗi nhóm thuộc tầng lớp này, chúng tôi phân biệt 2 bậc “Trung lưu trên” và “Trung lưu dưới”. Như vậy, tầng lớp trung lưu ở đây có 4 nhóm và 8 tiểu nhóm. Trung lưu trên của nhóm “Quản lý Nhà nước” gồm 2 bậc trên trong Bảng 1 (cao cấp và trung cấp trên), còn trung lưu dưới của nhóm này gồm 2 bậc dưới (trung cấp dưới và sơ cấp). Trung lưu trên của nhóm “Quản lý công ty tư nhân” gồm chủ sở hữu hay quản lý công ty lớn, còn trung lưu dưới của nhóm này gồm chủ sở hữu hay quản lý công ty nhỏ. Trung lưu trên của nhóm “Chuyên môn” gồm 2 bậc trên trong Bảng 1 (cao cấp và trung cấp trên), còn trung lưu dưới của nhóm này gồm 2 bậc dưới (trung cấp dưới và sơ cấp). Việc xác định trung lưu trên và dưới của nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” theo cách lấy trung bình thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình của toàn bộ nhóm này làm ngưỡng phân loại. Hộ có thu nhập bình quân đầu người trên ngưỡng được xếp vào trung lưu trên. Và ngược lại thì xếp vào trung lưu dưới. Từ số lượng trung lưu trên và dưới của mỗi nhóm nói trên, chúng tôi cộng lại để có số lượng và tỷ lệ của trung lưu trên và dưới của toàn bộ tầng lớp trung lưu.

Trình bày về chọn mẫu khảo sát và khung phân tích nêu trên chỉ ra một số hạn chế cần lưu ý khi xem xét và sử dụng kết quả phân tích. Trước hết, đây là một khảo sát cỡ mẫu tương đối nhỏ, nhất là nếu so sánh với quần thể nghiên cứu lớn và đa dạng như dân cư Thành phố Hồ Chí Minh. Chọn ngẫu nhiên địa bàn khảo sát chỉ dựa trên danh sách đơn vị, không gia trọng theo quy mô dân cư. Đại diện hộ gia đình trả lời phỏng vấn có tỷ lệ nữ cao hơn nam. Tổng số người trả lời mà đang có việc làm là 661 người, trong đó nhóm được phân tích (xếp vào tầng lớp trung lưu) là 383 người. Trong khi đó, khung phân loại tầng lớp trung lưu sử dụng cho phân tích lại bao gồm tới 4 nhóm và 8 tiểu nhóm. Do vậy, cần thận trọng với số liệu phân tổ theo nhóm và tiểu nhóm. Nhiều chỉ số theo nhóm và tiểu nhóm không có ý nghĩa thống kê, chỉ mang tính tham khảo sơ bộ cho một khung phân loại tầng lớp trung lưu mang tính lý thuyết.

4. CƠ CẤU NHÓM NGHỀ NGHIỆP VÀ TẦNG LỚP TRUNG LƯU

Bảng 2 mô tả tỷ lệ phần trăm của 9 nhóm trong cơ cấu nghề nghiệp của người trả lời đại diện hộ gia đình trong mẫu khảo sát. Theo đó, phân bố chung của 9 nhóm nghề nghiệp ở Thành phố như sau: 

1.   Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể xã hội, cơ quan hành chính sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể: 3,6%;
2.   Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân: 2,1%;
3.   Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp: 17,4%;
4.   Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại: 34,8%;
5.   Nông dân lớp trên: 0,0%;
6.   Công nhân, thợ thủ công: 23,1%;
7.   Nông dân lớp giữa: 0,5%;
8.   Nông dân lớp dưới: 3,6%;
9.   Lao động giản đơn phi nông nghiệp: 14,8%.

Cơ cấu trên có thể kết hợp theo vài cách để nhìn nhận tính chất giai tầng xã hội của Thành phố. Nhìn bức tranh theo những kết hợp khác nhau, ta thấy cơ cấu ấy có một số đặc điểm đáng chú ý. Trước hết, ta thấy đây là thành phố của tinh thần kinh doanh tư nhân, khi cứ 5 người thì có 1 người là quản lý công ty hoặc chủ kinh doanh hộ gia đình. Đây cũng là thành phố của các giai cấp công nhân lao động, gồm công nhân cổ trắng và công nhân cổ xanh (công nhân, thợ thủ công có hoặc không có tay nghề). Họ chiếm 57,9% tổng số người trả lời. Nếu tính cả nông dân và lao động giản đơn, thì tỷ lệ lên tới 76,8% dân cư đang làm việc. Đây cũng là thành phố của tầng lớp trung lưu: 4 nhóm hợp thành tầng lớp trung lưu theo khung phân loại nêu trên chiếm 57,9%. Những kết hợp trên cho thấy, về cơ bản và so với phần còn lại trong vùng Nam Bộ cũng như cả nước (Lê Thanh Sang, 2010 và 2011; Đỗ Thiên Kính, 2012), cơ cấu xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh mang tính trung lưu rõ hơn.

Bảng 3 mô tả cơ cấu bên trong của tầng lớp trung lưu Thành phố. Tỷ lệ trung lưu trên so với trung lưu dưới chênh lệch khá lớn: 13,1% so với 88,7%. Nhóm “Quản lý công ty tư nhân” có tỷ lệ trung lưu trên cao hơn nhiều: 35,7%. Trong khi đó tỷ lệ này ở nhóm “Quản lý Nhà nước” chỉ là 8,3%, ở nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” là 14,8% và ở nhóm “Chuyên môn” là 11,3%. 

Mục C Bảng 3 cho thấy tỷ trọng trong tầng lớp trung lưu rất chênh lệch giữa các nhóm. Nhóm “Quản lý Nhà nước” chiếm 6,3% trong giới trung lưu. Con số này cao hơn hẳn tỷ trọng của nhóm “Quản lý công ty tư nhân” (3,7%). Còn nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” chiếm 30,0% và nhóm “Chuyên môn” chiếm tới 60,1%. Nói cách khác, hình ảnh chủ đạo của tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh là người làm chuyên môn (hay công nhân cổ trắng) và người kinh doanh hộ gia đình. Đây cũng là hình ảnh chủ đạo của giới trung lưu dưới. Còn giới trung lưu trên thì hình ảnh khác đôi chút, do tỷ trọng người trung lưu trên ở nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân” tổng cộng chiếm 14,0%. 
Hình 1. Tỷ lệ phầm trăm của các nhóm và tiểu nhóm trong tầng lớp trung lưu, TPHCM, 2010

5. PHÂN BỐ KHU VỰC VÀ ĐẶC ĐIỂM NHÂN KHẨU TẦNG LỚP TRUNG LƯU

Xét theo khu vực, Bảng 2 cho thấy tầng lớp trung lưu cư trú nhiều hơn ở đô thị. Trong đô thị, tầng lớp này chiếm tới 65,7% so với 34,4% là người thuộc các nhóm nghề không phải tầng lớp trung lưu. Còn ở nông thôn, tầng lớp trung lưu chiếm 33,8% so với 66,2% không thuộc tầng lớp trung lưu. 

Khuôn mẫu như thế đều tương tự ở cả 4 nhóm của tầng lớp trung lưu. Nhưng ngoại trừ nhóm “Quản lý Nhà nước”, ở 3 nhóm còn lại chênh lệch khá cao. Tỷ trọng của nhóm “Quản lý công ty” sống ở đô thị gấp 4,3 lần tỷ trọng của nhóm này sống ở nông thôn. Tỷ trọng của nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” sống ở đô thị gấp 2,3 lần tỷ trọng của nhóm này sống ở nông thôn. Tỷ trọng của nhóm “Chuyên môn” sống ở đô thị gấp 1,8 lần tỷ trọng của nhóm này sống ở nông thôn. Lưu ý đây là phân bố cư trú. Trong ngày làm việc, một phần đáng kể tầng lớp trung lưu sống ở nông thôn sẽ tới làm việc ở khu vực đô thị.

Về khía cạnh giới, Bảng 4 cho thấy trong tầng lớp trung lưu được phỏng vấn, có 45,2% là nam và 54,8% là nữ. Nhưng hình ảnh giới rất tương phản giữa trung lưu trên và trung lưu dưới. Ở bậc trung lưu trên, nam giới chiếm 64,0% còn nữ giới chiếm 36,0%. Ngược lại, tỷ lệ này ở trung lưu dưới là 42,3% và 57,7%. Nói cách khác, người trung lưu trên mang khuôn mặt thiên về đàn ông, còn người trung lưu dưới mang khuôn mặt thiên về phụ nữ.

Xét theo nhóm, khuôn mẫu giới chia thành 2 khối rõ rệt. Khối 1 gồm nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân” với tỷ lệ nam áp đảo. Tỷ lệ nam so với nữ ở nhóm “Quản lý Nhà nước” là 58,3% so với 41,7%. Tỷ lệ này ở nhóm “Quản lý công ty tư nhân” còn cao hơn: 78,6% so với 21,4%. Tương quan giới như thế đúng cả cho bậc trung lưu trên lẫn trung lưu dưới. 
Hình 2. Tỷ lệ phần trăm theo giới trong mỗi nhóm của tầng lớp trung lưu TPHCM, 2010
Khối 2 gồm nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” và nhóm “Chuyên môn”, và tương quan giới ngược với khối 1. Ở nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình”, tỷ lệ nữ áp đảo: 63,5% so với 36,5%. Tỷ lệ nữ so với nam ở nhóm “Chuyên môn” là 53,9% so với 46,1%. Nhưng khác với 2 nhóm thuộc khối 1, tương quan giới giữa bậc trung lưu trên và trung lưu dưới ở 2 nhóm thuộc khối 2 là khác nhau. Trong bậc trung lưu trên của nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình”, có 52,9% là nam giới và 47,1% là nữ giới, chênh lệch 6 điểm phần trăm. Ở bậc trung lưu trên của nhóm “Chuyên môn” chênh lệch rõ rệt hơn: 61,5% nam so với 38,5% nữ, cách biệt tới 23 điểm phần trăm. Tỷ lệ giới bị đảo ngược hoàn toàn ở bậc trung lưu dưới. Trong nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình”, ở bậc trung lưu dưới có 33,7% nam và 66,3% nữ. Trong nhóm “Chuyên môn” ở bậc trung lưu dưới có 44,1% nam và 55,9% nữ. 

Nói khái quát, người trung lưu “quản lý Nhà nước” và “quản lý công ty tư nhân” (cả trung lưu trên và trung lưu dưới) mang gương mặt thiên về đàn ông. Người trung lưu trên “chủ kinh doanh hộ gia đình” và “chuyên môn” cũng vậy. Nhưng người trung lưu dưới kinh doanh hộ gia đình và làm chuyên môn thiên về gương mặt phụ nữ. Phân bố giới như thế phản ánh phần nào bất bình đẳng giới theo nhóm và theo bậc trong tầng lớp trung lưu.

Bảng 5 mô tả phân bố tuổi trong tầng lớp trung lưu Thành phố. Tuổi trung bình của toàn mẫu khảo sát (661 người trả lời đang làm việc) là 45,4. Tuổi trung bình của tầng lớp trung lưu cao hơn đôi chút (45,8). Độ tuổi trung bình của nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Chủ kinh doanh hộ gia đình” cao hơn độ tuổi trung bình chung, lần lượt là 54,0 và 49,2 tuổi. Còn độ tuổi trung bình của nhóm “Quản lý công ty tư nhân” và “Chuyên môn” thì thấp hơn, lần lượt là 40,6 và 43,5 tuổi. Nhóm “Quản lý công ty tư nhân” có độ tuổi bình quân trẻ nhất trong tầng lớp trung lưu, đặc biệt tuổi trung bình của trung lưu dưới ở nhóm này chỉ là 34,6. 
Hình 3. Tuổi trung bình của các nhóm và tiểu nhóm tầng lớp trung lưu TPHCM, 2010
Xem xét phân bố tuổi theo bậc trung lưu trên và dưới, ta thấy một số đặc điểm đáng chú ý. Trung lưu trên có độ tuổi trung bình trẻ hơn trung lưu dưới (43,8 so với 46,1), cách biệt 2,3 năm. 52,0% thành viên của trung lưu trên ở độ tuổi dưới 45. 

Nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” và “Chuyên môn” cũng theo xu hướng ấy nhưng mức cách biệt cao hơn. Độ tuổi trung bình của trung lưu trên nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” là 44,1 còn của trung lưu dưới là 50,1 (cách biệt tới 6 năm). 58,8% thành viên trung lưu trên của nhóm này ở độ tuổi dưới 45. Độ tuổi trung bình của trung lưu trên nhóm “Chuyên môn” là 41,0 còn của trung lưu dưới là 43,8 (cách biệt 2,8 năm). 57,7% thành viên trung lưu trên của nhóm này ở độ tuổi dưới 45. 

Ngược lại, đối với nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân”, độ tuổi trung bình của trung lưu trên cao hơn của trung lưu dưới. Độ tuổi trung bình của trung lưu trên nhóm “Quản lý Nhà nước” lên tới 59,0 còn của trung lưu dưới là 53,6 (cách biệt 5,4 năm). Độ tuổi trung bình của trung lưu trên nhóm “Quản lý công ty tư nhân” là 51,4 còn của trung lưu dưới là 34,6 (cách biệt tới 16,8 năm). 

6. KẾT LUẬN

Phân bố cơ cấu xã hội theo nghề nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh mang tính trung lưu rõ rệt, với đặc trưng nổi bật là kinh doanh tư nhân (công ty hoặc hộ gia đình, trong đó kinh doanh hộ gia đình là phổ biến) và công nhân cổ trắng (làm chuyên môn về kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại). Nhưng tỷ lệ trung lưu trên trong tầng lớp này (theo khung phân loại của chúng tôi) khá thấp: 13,1%. Điều này một phần do nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” có sự phân hóa thu nhập khá lớn, đại đa số hộ thuộc nhóm này có mức thu nhập dưới ngưỡng trung bình của toàn nhóm. Nó cũng gợi ý rằng có ít người đạt bậc cao cấp và trung cấp trên (theo phân loại ở Bảng 1) trong nhóm “Chuyên môn” (công nhân cổ trắng). 

Về cư trú, tầng lớp trung lưu chiếm 65,7% dân cư đô thị, và 33,8% dân cư nông thôn. Về khía cạnh giới, nhiều nam hơn ở bậc trung lưu trên, nhiều nữ hơn ở bậc trung lưu dưới. Nam nhiều hơn ở nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân”. Nữ nhiều hơn ở nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” và “Chuyên môn”. Về tuổi, điều tương đối ngạc nhiên là trung lưu trên có độ tuổi trung bình thấp hơn trung lưu dưới. Gần 60% thành viên trung lưu trên của nhóm “Chủ kinh doanh hộ gia đình” và của nhóm “Chuyên môn” thuộc độ tuổi dưới 45. Nhưng ở nhóm “Quản lý Nhà nước” và “Quản lý công ty tư nhân” thì trung lưu trên có độ tuổi trung bình cao hơn trung lưu dưới, và mức chênh lệch là đáng kể. 

Tính trung lưu trong cơ cấu xã hội Thành phố Hồ Chí Minh là một đặc trưng làm nên bản sắc kinh tế, xã hội và văn hóa của Thành phố. Là một nguồn lực văn hóa-xã hội, giai tầng trung lưu của Thành phố cần được đào sâu nghiên cứu (Huong, Le Thu, 2015). Hiểu biết về nguồn vốn (kinh tế, tài chính) có tầm quan trọng trong kinh tế học và chính sách kinh tế. Tương tự, hiểu biết về tính chất và nguồn lực của tầng lớp trung lưu cũng có ý nghĩa lớn đối với nhận thức nghiên cứu xã hội, chính trị và chính sách xã hội. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Becker, Bert, Juergen Rueland, Nikolaus Werz. 1999. Mythos Mittelschichten: Zur Wiederkehr eines Paradigmas der Demokratieforschung. Bonn: Bouvier Verlag.

Bùi Thế Cường. 2010. Bộ số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Bùi Thế Cường. 2012. Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Báo cáo tổng hợp đề tài. Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

Bùi Thế Cường. 2014a. Cơ cấu xã hội và chuyển dịch cơ cấu xã hội: Cơ sở lý luận chung. Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”, Mã số: KX.02.20/11-15.

Bùi Thế Cường. 2014b. Cơ cấu xã hội và chuyển dịch cơ cấu xã hội: Tổng quan tình hình nghiên cứu trong nước. Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”, Mã số: KX.02.20/11-15.

Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang. 2010. Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008. Tạp chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh) Số 3(139). Trang 35-47.
Đỗ Thái Đồng. 2004. Vấn đề trung lưu hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh: Phân tích thực trạng và dự báo xu thế biến đổi. Phúc trình tổng hợp Đề tài. Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008). Hà Nội: Nxb Khoa học xã hội.

Earl, Catherine. 2008. Cosmopolitan or Cultural Dissonance? Vietnamese Middle Class Encounters with the other. Paper presented to the 17th Biennial Conference of the Asian Studies Association of Australia in Melbourne 1-3 July 2008.

Hoàng Bá Thịnh. 2010. Phân tầng xã hội và sự hình thành tầng lớp trung lưu. Tạp chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh). Số 4(140). Trang 33-42.

Kerbo, Harold. 2011. Social Stratification and Inequality. Class Conflict in Historical, Comparative, and Global Perspective. 8th Edition. McGrow-Hill Higher Education.

King, T. Victor, Phuong An Nguyen and Nguyen Huu Minh. 2008. Professional Middle Class Youth in Post-Reform Vietnam: Identity, Continuity and Change. Modern Asian Studies. 42, 4, 2008. pp. 783-813.

King, T. Victor. 2008. The Middle Class in Southeast Asia: Diversities, Identities and Comparisons and the Vietnamese Case. International Journal of Asia Pacific Studies. Vol. 4, No. 2, (November) 2008. pp. 73-109.

Le Thu, Huong. 2015. Vietnam needs a policy for its growing middle class. NIKKEI Asian Review. October 14, 2015.

Lê Kim Sa. 2012. Nhận diện tầng lớp trung lưu ở Việt Nam qua cách tiếp cận đa chiều. Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trung tâm Phân tích và dự báo.
Lê Kim Sa. 2015. Tầng lớp trung lưu ở Việt Nam: Quan điểm tiếp cận, thực tiễn phát triển và các kiến nghị chính sách. Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Trung tâm Phân tích và dự báo: Báo cáo Đề tài cấp Bộ.

Lê Thanh Sang. 2010. Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến đo lường thực nghiệm. Tạp chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh). Số 2(138). Trang 31-40. 

Lê Thanh Sang. 2011. Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội vùng Tây Nam Bộ. Báo cáo khoa học Đề tài cấp Bộ. Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ.
Nguyễn Đình Tấn. 2013. Sự hình thành tầng lớp trung lưu và vai trò của nó trong phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Báo cáo kết quả đề tài khoa học cấp Bộ, Mã số B12-12.33. Viện Xã hội học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguyễn Thanh Tuấn. 2007. Về nhóm xã hội trung lưu ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Cộng sản. Số 2+3(122+123). Hà Nội.
Nguyen-Marshall, Van, Lisa B. Welch Drummond, Daniéle Bélanger (Eds.). 2012. The Reinvention of Distinction: Modernity and the Middle Class in Urban Vietnam. Springer.
Scott, John and Gordon Marshall. 2005. Oxford Dictionary of Sociology, New York: Oxford University Press.

Sprangers, Roel. 2011. Variations Among the Middle Classes in Asia: The Case of Entrepreneurs in Vietnam. Master Thesis for Contemporary Asian Studies. University of Amsterdam. May 11th, 2011.
Townsend, Peter. 2014. Giai cấp đáy và giai cấp đỉnh: Hố ngăn cách giữa các giai cấp xã hội ở Anh thập niên 1980. Tạp chí Khoa học xã hội (Thành phố Hồ Chí Minh). Số 11(195). Trang 76-92.
Tống Văn Chung. 2011. Góp phần nhận diện vai trò của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới hiện nay – Từ góc nhìn xã hội học. (Trong: Đại học quốc gia Hà Nội Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn Khoa Xã hội học. 2011. Những vấn đề xã hội học trong sự biến đổi xã hội. Hà Nội: Nxb Đại học quốc gia Hà Nội). Trang 59-86.
Trần Thị Minh Ngọc. 2013. Tầng lớp trung lưu và một số vấn đề đặt ra trong nghiên cứu giai tầng này ở Việt Nam. Tạp chí Xã hội học. Số 3(123). Trang 24-33.
Vu Thanh Huong et al. The Emerging Middle Class in Vietnam Transitional Economy: Identification, Measurement and Consumption Behaviour Respect to Economy Growth. Research Group: Nguyen Van Thinh, Tran Thuy Duong, Le Hai Yen, Bui Thi Thao, Ly Dai Hung, Không rõ năm và nơi xuất bản.

PHỤ LỤC

Bảng 1. Khung phân loại nhóm và bậc nghề nghiệp

TT
Nhóm nghề
Bậc trong nghề (định nghĩa, ví dụ minh họa)
1
Lãnh đạo, quản lý  Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể
1. Cao cấp: Thứ trưởng, (Phó) Chủ tịch tỉnh, (Phó) Giám đốc Tổng Công ty trở lên.
2. Trung cấp trên: (Phó) Giám đốc Sở, (Phó) Vụ trưởng, (Phó) Giám đốc công ty.
3. Trung cấp dưới: Trưởng Phó Phòng, (Phó) Chủ tịch xã phường.
4. Sơ cấp: Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp.
2
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại
1. Cao cấp: Chuyên viên cao cấp, Giáo sư, Bác sĩ chuyên khoa 2.
2. Trung cấp trên: Phó Giáo sư, Chuyên viên chính, Bác sĩ chuyên khoa 1.
3. Trung cấp dưới: Chuyên viên, Đại học, Bác sĩ.
4. Sơ cấp: Nhân viên có đào tạo về nghiệp vụ hành chính, bán hàng, dịch vụ, dược tá, y tá, bảo vệ có đào tạo.
3
Chủ sở hữu cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp
1. Lớn: Có 50 lao động trở lên.
2. Trung bình trên: Có 10-49 lao động.
3. Trung bình dưới: Có 5-9 lao động.
4. Nhỏ: Có 1-4 lao động.
4
Công nhân, thợ tiểu thủ công nghiệp
1. Có tay nghề: Có đào tạo (kể cả không trường lớp), làm được thao tác, công đoạn phức tạp.
2. Không có tay nghề: Không có đào tạo (hoặc đang học nghề, phụ việc qua thực tế), chỉ làm những thao tác, công đoạn đơn giản.
5
Nông dân
1. Lớp trên: Sở hữu hoặc thuê 5.000m2/khẩu đất/ mặt nước trở lên, mướn lao động, hoặc có cơ sở sản xuất mướn lao động.
2. Lớp giữa: Sở hữu hoặc thuê từ 1.000m2/khẩu đến dưới 5.000 m2/khẩu đất/ mặt nước, có thể có mướn lao động.
3. Lớp dưới: Sở hữu hoặc thuê dưới 1.000m2/khẩu đất/ mặt nước trở xuống, tự làm, hoặc đi làm mướn.
6
Lao động phi nông nghiệp giản đơn
Bán dạo, phụ bán cửa hàng nhỏ, xe ôm, phụ hồ, trông giữ xe, bảo vệ cửa hàng/ cơ quan không có đào tạo, khuân vác, ve chai, trông trẻ nhỏ, người giúp việc gia đình, bán vé số.
7
Lực lượng vũ trang
1. Cao cấp: Thượng tá trở lên.
2. Trung cấp trên: Đại úy đến Trung tá.
3. Trung cấp dưới: Thiếu úy đến Thượng úy.
4. Sơ cấp: Hạ sĩ quan, Công nhân viên quốc phòng.
5. Chiến sĩ: Binh nhì, Binh nhất.
8
Đi học
1. Còn nhỏ.
2. Phổ thông.
3. Trung cấp
4. Cao đẳng/ đại học.
5. Trên đại học.
9
Hưu trí, nghỉ già

10
Nội trợ

11
Thất nghiệp
Có ý định kiếm việc làm nhưng chưa tìm được việc.
12
Không làm việc
Không có ý định kiếm việc làm.
13
Khác


Nguồn: Bùi Thế Cường. 2014a.


Bảng 2. Phân bố nhóm nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %

TT
Nhóm nghề nghiệp
Đô thị
Nông thôn
Chung
1
Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể
3,8
3,1
3,6
2
Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân
2,6
0,6
2,1
3
Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp
20,2
8,8
17,4
4
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại
39,1
21,3
34,8
5
Nông dân lớp trên
0,0
0,0
0,0
6
Công nhân, thợ thủ công
20,6
31,3
23,1
7
Nông dân lớp giữa
0,2
1,3
0,5
8
Nông dân lớp dưới
0,8
12,5
3,6
9
Lao động giản đơn
12,8
21,3
14,8

Tổng
100,0
100,0
100,0

N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề)
501
160
661

Nguồn: Bộ số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.


Bảng 3. Cơ cấu tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh theo nhóm và bậc, 2010


TT

Các nhóm trong tầng lớp trung lưu
Bậc (tiểu nhóm)

Tổng
Trung lưu trên
Trung lưu dưới
A
Số đại diện hộ gia đình trong các nhóm và tiểu nhóm



1
Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể
2
22
24
2
Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân
5
9
14
3
Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp
17
98
115
4
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại
26
204
230
5
Tầng lớp trung lưu
50
333
383
B
 % tiểu nhóm so với nhóm  



1
Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể
8,3
91,7
100,0
2
Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân
35,7
64,3
100,0
3
Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp
14,8
85,2
100,0
4
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại
11,3
88,7
100,0
5
Tầng lớp trung lưu
13,1
88,7
100,0
C
 % tiểu nhóm và nhóm so với tiểu nhóm chung và toàn bộ tầng lớp trung lưu



1
Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể
4,0
6,6
6,3
2
Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân
10,0
2,7
3,7
3
Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp
34,0
29,4
30,0
4
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại
52,0
61,3
60,1
5
Tầng lớp trung lưu
100,0
100,0
100,0

N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề)


661

Nguồn: Bộ số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.


Bảng 4. Phân bố giới ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %


TT
Các tiểu nhóm trong tầng lớp trung lưu
Nam
Nữ
Tổng
1
Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể




Chung
58,3
41,7
100,0

Trung lưu trên
100,0
0,0
100,0

Trung lưu dưới
54,5
45,5
100,0

n
14
10
24
2
Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân




Chung
78,6
21,4
100,0

Trung lưu trên
100,0
0,0
100,0

Trung lưu dưới
66,7
33,3
100,0

n
11
3
14
3
Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp




Chung
36,5
63,5
100,0

Trung lưu trên
52,9
47,1
100,0

Trung lưu dưới
33,7
66,3
100,0

n
42
73
115
4
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại




Chung
46,1
53,9
100,0

Trung lưu trên
61,5
38,5
100,0

Trung lưu dưới
44,1
55,9
100,0

n
106
124
230
5
Tầng lớp trung lưu




Chung
45,2
54,8
100,0

Trung lưu trên
64,0
36,0
100,0

Trung lưu dưới
42,3
57,7
100,0

n
173
210
383
6
Toàn bộ mẫu khảo sát




Chung
45,5
54,5
100,0

N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề)
301
360
661

Nguồn: Bộ số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.


Bảng 5. Phân bố tuổi ở tầng lớp trung lưu Thành phố Hồ Chí Minh, 2010, %

TT
Các tiểu nhóm trong
tầng lớp trung lưu
<35 font="">
35-44
45-59
60+
Tổng
Tuổi trung bình
1
Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể







Chung
0,0
16,7
58,3
25,0
100,0
54,0

Trung lưu trên
0,0
0,0
50,0
50,0
100,0
59,0

Trung lưu dưới
0,0
18,2
59,1
22,7
100,0
53,6

n
0
4
14
6
24

2
Lãnh đạo, quản lý công ty trong khu vực tư nhân







Chung
28,6
42,9
21,4
7,1
100,0
40,6

Trung lưu trên
0,0
20,0
40,0
20,0
100,0
51,4

Trung lưu dưới
44,4
55,6
0,0
0,0
100,0
34,6

n
4
6
3
1
14

3
Chủ cơ sở kinh doanh hộ gia đình phi nông nghiệp







Chung
11,3
23,5
49,6
15,7
100,0
49,2

Trung lưu trên
29,4
29,4
29,4
11,8
100,0
44,1

Trung lưu dưới
8,2
22,4
53,1
16,3
100,0
50,1

N
14
26
56
19
115

4
Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại







Chung
23,9
27,4
43,5
5,2
100,0
43,5

Trung lưu trên
34,6
23,1
38,5
3,8
100,0
41,0

Trung lưu dưới
22,5
27,9
44,1
5,4
100,0
43,8

N
55
63
100
12
230

5
Tầng lớp trung lưu







Chung
18,8
26,1
45,4
9,7
100,0
45,8

Trung lưu trên
28,0
24,0
38,0
10,0
100,0
43,8

Trung lưu dưới
17,4
26,4
46,5
9,6
100,0
46,1

n
72
100
174
37
383

6
Toàn bộ mẫu khảo sát







Chung
16,6
30,9
43,6
8,9
100,0
45,4

N (đại diện hộ gia đình đang hành nghề)
110
204
288
59
661


Nguồn: Bộ số liệu của Đề tài nghiên cứu Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thực hiện năm 2009-2010 do Sở Khoa học và công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ (Chủ nhiệm Đề tài: Bùi Thế Cường). Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.




[1] Bài viết là một sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15). Đã in trong: Tạp chí Nghiên cứu phát triển. Số 12 (2/2015). TPHCM: Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM. Trang 73-79. ISSN 0866-8094. Phiên bản này (17Oct15) có một số chỗ khác với bản in Tạp chí.

[2] Bùi Thế Cường: Giáo sư tiến sĩ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu châu Á Universiti Brunei Darussalam. Phạm Thị Dung: Học viên cao học Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Tô Đức Tú: Thạc sĩ Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Print Friendly and PDF