19.11.15

Gunnar Myrdal, kiến ​​trúc sư của mô hình nhà nước-phúc lợi



Gunnar Myrdal (1898-1987)

Gunnar Myrdal, kiến ​​trúc sư của mô hình nhà nước-phúc lợi

Là nhà kinh tế và chính trị gia người Thụy Điển, Gunnar Myrdal đã tham gia xây dựng mô hình nhà nước-phúc lợi nổi tiếng của Thụy Điển.
Đối với Gunnar Myrdal (1898-1987), càng bình đẳng thì càng tạo ra sự tăng trưởng.
Năm 1974, giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Nobel được trao cho Friedrich Hayek và Gunnar Myrdal "vì những đóng góp độc đáo của họ cho lý thuyết tiền tệ và các chu kỳ kinh tế và vì những phân tích sắc sảo của họ về tính phụ thuộc lẫn nhau của các hiện tượng kinh tế, xã hội và thể chế”. Có lẻ người ta muốn làm vui lòng cả đôi bên chăng: hai nhân vật đối lập nhau trên bàn cờ chính trị và cũng coi thường nhau một cách thân tình. Trong khi Hayek là một tông đồ không mệt mỏi của chủ nghĩa tự do thuần túy và cứng nhắc và là nhà phê phán kiên quyết mọi hình thức của chủ nghĩa dân chủ xã hội, thì Myrdal là một trong những kiến ​​trúc sư của mô hình nhà nước-phúc lợi Thụy Điển và là người khởi xướng kiên quyết chủ nghĩa dân chủ xã hội triệt để.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Myrdal đã tiến hành cuộc đấu tranh trên qua một sự nghiệp phong phú, triển khai trong nhiều bộ môn, và còn thông qua một hoạt động không mệt mỏi như là một nhà cố vấn và thành viên của nhiều ủy ban của chính quyền, như là một đại biểu quốc hội và ngay cả như là một bộ trưởng. Hoạt động của ông, ban đầu chỉ giới hạn bên trong biên giới của Thụy Điển, đã được mở rộng ra ở bình diện quốc tế, khi ông trở thành thư kí điều hành của Ủy ban kinh tế của tổ chức Liên Hợp Quốc về châu Âu. Ngoài ra ông cũng lãnh đạo nhiều nhóm nghiên cứu quan trọng ở Hoa Kỳ và ở châu Á. Vợ ông, Alva, là cộng tác viên của ông và là đồng tác giả với ông nhiều công trình, kể cả trong các lĩnh vực nhân khẩu học và chính sách về gia đình. Năm 1982, bà đã được trao một giải thưởng Nobel "thực", đó là giải thưởng về hòa bình.

Từ lý thuyết đến chính sách kinh tế

Knut Wicksell (1851-1926)
Trong luận án tiến sĩ của ông, xuất bản bằng tiếng Thụy Điển năm 1927 và chưa được dịch, Myrdal là một trong những người đầu tiên đưa những dự kiến, rủi ro và bất trắc vào trong phân tích sự hình thành giá cả. Ông quan tâm đến cách thức mà những dự kiến về lợi nhuận tác động đến dự án của các doanh nhân. Sau đó, ông tham gia vào một ứng dụng về cách đặt vấn đề trong kinh tế học vĩ mô, mà lúc bấy giờ được gọi là lý thuyết tiền tệ, qua một phân tích khắt khe các luận đề của người thầy ông là Wicksell. Điều này dẫn đến đóng góp quan trọng nhất của ông vào lý thuyết kinh tế, tác phẩm L’équilibre monétaire (Cân bằng tiền tệ). Phiên bản tiếng Đức của cuốn sách này, được phát hành vào năm 1933, giới thiệu khái niệm về các đại lượng kinh tế ex ante (trước) và ex post (sau). Các đại lượng đầu chỉ những đại lượng tiên liệu, còn các đại lượng sau chỉ những đại lượng đã hoàn thành. Chính trong các mối quan hệ giữa tiết kiệm và đầu tư mà các ý tưởng trên có đầy đủ ý nghĩa. Ex post, theo định nghĩa thì tiết kiệm và đầu tư bằng nhau, nhưng điều đó không đúng với ex ante. Nếu đầu tư dự kiến ​​nhỏ hơn tiết kiệm mong muốn, thì sẽ gây ra một quá trình co lại của đầu tư thực tế và thu nhập quốc gia. Và quá trình này mang tính lũy tích. Không có xu hướng cân bằng.
Michal Kalecki (1899-1970)
Phân tích của Myrdal gần với phân tích mà Keynes sẽ giới thiệu trong cuốn Théorie Générale (Lý thuyết tổng quát) năm 1936 và phân tích mà Michal Kalecki phát triển ở Ba Lan vào cùng thời điểm đó. Người ta tìm thấy trong đó những ý tưởng tương tự với ý tưởng về khuynh hướng tiết kiệm và hiệu quả cận biên của tư bản. Trong một bài viết được công bố năm 1934, từ một tài liệu được chuẩn bị để củng cố bài diễn văn về ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính thuộc phe dân chủ xã hội, Ernst Wigforss, bạn của ông, Myrdal cung cấp, mượn lại chính lời của ông, "những luận cứ lý thuyết của một chính sách mở rộng mà bây giờ bạn gọi là keynesian" (Procès de la croissance - Biên bản về sự tăng trưởng, trang 18). Trong diễn văn đó ông đề xuất một chính sách tài khóa chu kỳ ngược (contracycle), giới thiệu khái niệm số nhân để biện minh cho chính sách này. Có vẻ như Myrdal không biết rằng bài viết của Richard Kahn là nguồn cảm hứng của Keynes để phát triển chính quan điểm của tác giả này về số nhân.

Một tiếp cận mới đối với các vấn đề xã hội

Bertil Ohlin (1899-1979)
Myrdal không phải là nhà kinh tế Thụy Điển duy nhất, trên cơ sở một phân tích mới về sự vận hành của nền kinh tế, đề nghị một sự can thiệp tích cực của nhà nước trong nền kinh tế. Cùng với Erik Lindahl, Bertil Ohlin và những người khác, họ hợp thành cái mà người ta gọi là trường phái Stockhom, gắn chặt với việc vận dụng các chính sách của chính quyền dân chủ xã hội lên nắm quyền ở Thụy Điển năm 1932. Là những kiến trúc sư của mô hình nhà nước-phúc lợi, Myrdal và những người bạn của ông mặt khác cũng làm sáng tỏ thực tế là nhiều mục tiêu đáng mong muốn khác nhau – toàn dụng lao động, ổn định giá cả, tăng trưởng, cán cân đối ngoại – có khả năng xung đột với nhau. Để giải quyết vấn đề trên, một sự phân định là cần thiết, và do đó cần phải tạo ra sự đồng thuận giữa các nhóm xã hội. Đó có vẻ là khía cạnh độc đáo nhất của cái gọi là "mô hình Thụy Điển" của chủ nghĩa dân chủ xã hội.
Erik Lindahl (1891-1960)
Do vậy không có gì ngạc nhiên về mặt lý thuyết cũng như về chính sách kinh tế, Myrdal và các đồng nghiệp của ông thuộc trường phái Stockhom cho rằng họ có nhiều năm đi trước Keynes. Họ cho ông ấy biết điều đó khi ông ấy đến diễn thuyết tại Stockhom tháng 10 năm 1946, để nhấn mạnh tính cách mạng của công trình của ông ấy. Người Thụy Điển cho rằng họ cách mạng hơn Keynes.
Trong một cuốn sách nổi tiếng, được xuất bản năm 1930 và được dịch sang tiếng Anh với tựa đề The Political Element in the Development of Economic Theory (Yếu tố chính trị trong sự phát triển lý thuyết kinh tế), và cho đến những công trình cuối cùng của ông, đặc biệt cuốn L’objectivité dans la recherche sociale (Tính khách quan trong nghiên cứu xã hội), Myrdal không ngừng nhấn mạnh đến một thực tế là, trong kinh tế học và trong các khoa học xã hội nói chung, không thể tách rời tính chuẩn tắc và tính thực chứng. Nhà khoa học có một thế giới quan và các giá trị, và các giá trị đó thấm đậm công trình lý thuyết của ông ta, ở mọi cấp độ, dù muốn hay không. Vì vậy nên trung thực thừa nhận những tiền giả định mang tính ý thức hệ đó ngay từ đầu. Myrdal nhận diện các tiền giả định của ông gắn với chủ nghĩa nhân bản duy lý và chủ nghĩa dân chủ xã hội.
Ông không ngừng phê phán lý thuyết kinh tế chính thống, sự cô lập đối với các bộ môn khác, các phân tích chỉ tiến hành bằng khái niệm cân bằng, sự thiếu ý thức lịch sử, sự mù lòa đối với các thể chế của lí thuyết này. Ông không chấp nhận ẩn dụ bàn tay vô hình. Tiếp sau một thời gian tự xác định như là một nhà kinh tế thuần túy, ông viện dẫn chủ nghĩa thể chế[*] và khẳng định rằng chỉ có một cách tiếp cận đa ngành mới đủ sức làm sáng tỏ những vấn đề đương đại, kể cả những vấn đề bề ngoài có vẻ thuần tuý kinh tế. Ông ứng dụng phương pháp tiếp cận trên vào hai vấn đề mà ông đã dành nhiều năm nghiên cứu và hai công trình hoành tráng: vấn đề phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ (An American DilemmaNan đề của người Mỹ) và những vấn đề phát triển ở tám quốc gia châu Á (Asian DramaBi kịch của châu Á). Để nghiên cứu các vấn đề trên, ông sử dụng một khái niệm được vay mượn từ Wicksell, nhưng qua tay ông đã có một ý nghĩa rộng lớn hơn rất nhiều, đó là quan hệ nhân quả khép vòng và lũy tích.
Như vậy vấn đề Người da đen tại Hoa Kỳ có liên quan đến các hiệu ứng của một chuỗi các nhân tố tương tác lẫn nhau ngày càng nghiêm trọng: nghèo đói, thiếu giáo dục, tội phạm, sức khỏe kém. Ngay cả khi người Mỹ da trắng về "bản chất" không phải là người phân biệt chủng tộc, thì họ cũng miễn cưỡng trở thành như vậy, khi cuối cùng tin rằng người da đen chịu trách nhiệm về tình hình hiện tại của họ. Chỉ có những biến đổi sâu sắc về mặt chính trị, kinh tế, văn hóa và thể chế mới có thể làm thay đổi điều, mà theo ý của Myrdal, là vấn đề đạo đức chính của Hoa Kỳ.
Một kiểu phân tích tương tự cho phép lý giải tại sao các nước thuộc thế giới thứ ba không có khả năng thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn của sự kém phát triển trong đó, dưới tác động của sự lan tỏa, tất cả các nhân tố của đói nghèo và trì trệ nuôi dưỡng lẫn nhau. Các nhân tố trên không chỉ thuộc phạm vi kinh tế, mà còn liên quan đến chính trị, xã hội, tâm lý và văn hóa. Một lần nữa, cần phải có những chương trình biến đổi triệt để để thoát khỏi thế bế tắc và bước vào vào vòng tròn phẩm hạnh của sự tăng trưởng. Trái với suy nghĩ của hầu hết các nhà kinh tế, không có sự đánh đổi giữa tăng trưởng và bình đẳng. Ngược lại, càng bình đẳng thì càng tạo ra tăng trưởng lớn hơn. Myrdal là người báo trước ý tưởng về phát triển bền vững.
Ông tin rằng chỉ có những thay đổi sâu sắc ở cấp độ quốc tế, một kiểu mô hình nhà nước-phúc lợi toàn cầu, mới đủ sức giải quyết những vấn đề mà nhân loại đang đối mặt. Nhưng, trong bối cảnh các chính sách của các nước lớn, vào cuối đời, ông ngày càng bi quan hơn và triệt để hơn, tiến gần đến chủ nghĩa Marx mà ban đầu ông tỏ ra rất phê phán.

Gunnar Myrdal qua vài năm tháng

1898: sinh ra ở Thụy Điển, Solvarbo, tỉnh Dalaman.
1923: cử nhân luật tại Đại học Stockholm.
1927: tiến sĩ kinh tế tại Đại học Stockholm, nơi ông là học trò của Wicksell, Heckscher và Cassel. Xuất bản cuốn Prisbildningsproblemet och föränderlighten (Le problème de la formation des prix et le changement économique (Vấn đề sự hình thành giá cả và thay đổi kinh tế).
1930: Vetenskap och politik i nationalekonomien (Science et politique en économie (Khoa học và chính trị trong kinh tế)
1931: "Om penningteoretisk jämvikt” ("L’équilibre monétaire" (Cân bằng tiền tệ), Ekonomisk Tidskrift; năm xuất bản thực, 1932; được xuất bản bằng tiếng Đức dưới dạng sách vào năm 1933, bằng tiếng Anh vào năm 1939 và bằng tiếng Pháp vào năm 1950.
1932: được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế cho chính quyền mới thuộc phe dân chủ xã hội của Thụy Điển.
1933-1937: Chủ của chiếc ghế của kinh tế học chính trị tại Đại học Stockholm.
1934: Finanspolitikens ekonomiska verkningar (Les effets économiques de la politique fiscale (Những tác động kinh tế của các chính sách tài khóa).
1934-1938: đại biểu Quốc hội.
1938: được tổ chức Carnegie Foundation mời nghiên cứu về vấn đề người da đen tại Hoa Kỳ.
1939-1942: đại sứ Thụy Điển tại Ấn Độ.
1942-1947: đại biểu Quốc hội.
1944: An American Dilemma: The Negro Problem et Modern Democracy (Nan đề của người Mỹ: Vấn đề người da đen và nền dân chủ hiện đại).
1945-1947: bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp.
1945-1948: chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch hóa kinh tế của Thụy Điển.
1947-1957: làm thư kí điều hành của Ủy ban Kinh tế của Liên Hợp Quốc về châu Âu tại Geneva.
1956: An International Economy (Kinh tế học quốc tế).
1957: Economic Theory and Under-Developed Regions (Lý thuyết kinh tế và các vùng kém phát triển).
1957-1966: nghiên cứu về những vấn đề phát triển ở Ấn Độ.
1958: Value in Social Theory (Giá trị trong lý thuyết xã hội).
1960: Beyond the Welfare State (Hơn cả mô hình nhà nước-phúc lợi).
1961: được phong là giáo sư kinh tế học quốc tế tại Đại học Stockholm.
1963: Challenge to Affluence (Thách thức đối với sự giàu có).
1968: Asian Drama (Bi kịch của châu Á).
1969: Objectivity in Social Research (Sự khách quan trong nghiên cứu xã hội).
1970: The Challenge of World Poverty (Thách thức của thế giới đói nghèo).
1973: Against the Stream (Ngược dòng).
1974: cùng với Friedrich Hayek, được trao giải thưởng về kinh tế học của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1987: qua đời tại Stockholm, ở tuổi 88.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Myrdal

The Political Element in the Development of Economic Theory, Routledge, 1998.
L’équilibre monétaire, M.-T. Génin, 1950.
Une économie internationale, PUF, 1958.
Théorie économique et pays sous-développés, Présence africaine, 1959.
Planifier pour développer, Editions ouvrières, 1963.
Le drame de l’Asie, Le Seuil, 1976.
Le défi du monde pauvre, Gallimard, 1971.
Procès de la croissance, PUF, 1978.
Những tác phẩm viết về Myrdal
The Political Economy of Gunnar Myrdal, của James Angresano, Edward Elgar, 1997.
Gunnar Myrdal: A Bibliography, 1919-1981, của Kerstin Assarsson-Rizzi et Harald Bolm, Garland, 1984.
Gunnar Myrdal et son œuvre, của Gilles Dostaler, Diane Ethier et Laurent Lepage (chủ biên), Economica, 1990.
Gunnar Myrdal and America’s Conscience, của Walter A. Jackson, University of North Carolina Press, 1990.
Models, Modernity and the Myrdals, của Pauli Kettunen et Hanna Eskola, Revall Institute for Area and Cultural Studies, 1997.
Gunnar Myrdal: l’économie comme science morale, của Ludovic Frobert et Cyrille Ferraton, L’Economie politique no 20, octobre 2003.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Gunnar Myrdal, architecte de l'Etat-providence” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no57, tháng 10 năm 2012.




[*] Xem "Thorstein Veblen, pionner de l’institutionalisme (Thorstein Veblen, nhà tiên phong của học thuyết thể chế)".

Print Friendly and PDF