Paris và số phận của Trái đất
PRINCETON – Cuộc sống của hàng tỷ người, trong nhiều thế kỷ tới, sẽ bị đe dọa khi các nhà lãnh đạo thế giới và các nhà đàm phán của các chính phủ gặp nhau tại Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc tại Paris vào cuối tháng này. Số phận của một lượng không rõ các loài thực vật và động vật có nguy cơ tuyệt chủng cũng cùng chung số phận.
Tại "Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất" tại Rio de Janeiro vào năm 1992, 189 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, và tất cả các nước châu Âu đã ký vào Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC), và thỏa thuận làm ổn định lượng khí thải nhà kính "ở mức đủ thấp để ngăn ngừa sự can thiệp nguy hiểm do con người gây ra với hệ thống khí hậu."
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một hoạt động làm ổn định nào diễn ra, và nếu cứ tiếp tục như vậy, các vòng lặp phản hồi khí hậu có thể làm tăng nhiệt độ cao hơn nữa. Khi băng đá ở Bắc Cực ít hơn để phản xạ ánh nắng mặt trời, thì các đại dương sẽ hấp thụ nhiều sức nóng hơn. Sự tan chảy lớp băng vĩnh cửu ở Siberia sẽ giải phóng một lượng lớn khí mêtan. Kết quả là, nhiều khu vực rộng lớn của hành tinh chúng ta, đang là nơi trú ngụ của hàng tỷ người, có thể trở thành nơi không thể ở được.
Các hội nghị trước đây của các bên ký UNFCCC đã tìm cách để đạt được những thỏa thuận ràng buộc pháp lý về việc cắt giảm khí thải, ít nhất là đối với các quốc gia công nghiệp đã thải ra hầu hết các loại khí nhà kính hiện nay trong khí quyển. Nhưng chiến lược trên bị chùn bước – một phần do sự không khoan nhượng của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống George W. Bush – và bị bỏ rơi khi hội nghị Copenhagen năm 2009 không đưa ra được một hiệp ước thay thế Nghị định thư Kyoto đã hết hạn (mà Hoa Kỳ chưa bao giờ ký). Thay vào đó, Hiệp ước Copenhagen chỉ yêu cầu các nước cam kết tự nguyện cắt giảm khí thải của họ bằng một khối lượng cụ thể.
Giờ đây đã có 154 quốc gia cam kết cắt giảm khí thải, kể cả những nước phát thải lớn, nhưng những cam kết đó không đạt được những gì được yêu cầu. Để tìm hiểu khoảng cách giữa những gì cam kết sẽ đạt và những gì được yêu cầu, chúng ta cần quay trở lại với những gì mà mọi quốc gia đã chấp nhận ở Rio.
Cách diễn đạt mang tính mơ hồ trong hai khía cạnh chính. Thứ nhất, định nghĩa "sự can thiệp nguy hiểm do con người gây ra cho hệ thống khí hậu?" là gì. Và, thứ hai, mức độ an toàn được giả định theo thuật ngữ "ngăn chặn" là gì?
Điều mơ hồ thứ nhất đã được giải quyết bởi quyết định nhắm đến một mức độ khí thải sẽ không làm tăng nhiệt độ bề mặt trung bình ở 2º Celsius so với mức độ khi chưa công nghiệp hóa. Nhiều nhà khoa học thậm chí còn xem một mức tăng thấp là điều nguy hiểm. Hãy thử xem ngay cả với một mức tăng chỉ 0,8ºC cho đến nay, hành tinh đã trải nghiệm những nhiệt độ cao kỷ lục, những sự kiện thời tiết cực đoan hơn, và sự tan chảy đáng kể của dải băng đá Greenland, mà nước tan ra có thể làm tăng mực nước biển lên bảy mét. Tại Copenhagen, không ai để ý đến những lời kêu gọi khẩn thiết của các đại diện đến từ các quốc đảo nhỏ cho một mức tăng 1,5ºC (một số các quốc đảo đó sẽ biến mất, nếu mực nước biển tiếp tục tăng lên), chủ yếu bởi vì các nhà lãnh đạo thế giới nghĩ rằng các biện pháp cần thiết để đáp ứng một mức tăng như vậy là điều phi thực tế về mặt chính trị.
Điều mơ hồ thứ hai vẫn tồn tại. Viện Nghiên cứu Grantham thuộc trường The London School of Economics đã phân tích các bản đệ trình của tất cả 154 quốc gia và kết luận rằng ngay cả khi tất cả các nước đều chấp hành, thì lượng khí thải carbon toàn cầu sẽ tăng từ mức 50 tỷ tấn hiện tại mỗi năm đến 55-60 tỷ tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, ngay cả để có được 50% cơ hội duy trì giới hạn 2ºC, thì lượng khí thải carbon hàng năm cần phải giảm xuống đến 36 tỷ tấn.
Một báo cáo từ Trung tâm Quốc gia Khôi phục Khí hậu của Úc cũng không kém phần báo động. Mức độ khí thải trong khí quyển ngày nay đã có nghĩa là chúng ta có 10% cơ hội vượt quá mức 2ºC, ngay cả khi ngừng phát thải thêm khí thải ngay từ bây giờ (điều không dễ xảy ra).
Hãy thử tưởng tượng nếu một hãng hàng không cắt giảm các thủ tục bảo trì của họ đến một mức mà chỉ có 10% cơ hội các máy bay của họ sẽ bay không an toàn. Công ty không thể tuyên bố rằng họ đã ngăn ngừa không cho các máy bay nguy hiểm này bay, và họ sẽ có ít khách hàng hơn, ngay cả khi tiền vé chuyến bay của họ rẻ hơn nhiều so với bất cứ hãng nào khác. Tương tự, do quy mô của thảm họa có thể phát sinh từ "sự can thiệp nguy hiểm do con người gây ra cho hệ thống khí hậu", chúng ta không chấp nhận 10% cơ hội – nếu không muốn nói nhiều lần cao hơn – của việc vượt quá mức 2ºC.
Vậy đối chọn là gì? Các nước đang phát triển sẽ lập luận rằng nhu cầu về năng lượng rẻ tiền để giúp người dân của họ thoát nghèo sẽ lớn hơn nhu cầu của các nước giàu để thường xuyên duy trì mức lãng phí tiêu thụ năng lượng của họ – và họ nói đúng. Đó là lý do vì sao các nước giàu nên nhắm đến việc loại bỏ cacbon khỏi nền kinh tế của họ càng sớm càng tốt, và chậm nhất đến năm 2050. Họ có thể bắt đầu bằng việc chấm dứt các hình thức sản xuất năng lượng theo cách ô nhiễm nhất, đóng cửa các nhà máy điện đốt than, và từ chối cấp phép phát triển các mỏ than mới.
Cũng có thể có một lợi ích nhanh khác là khuyến khích người dân ăn thực phẩm từ thực vật nhiều hơn, có thể qua việc đánh thuế vào thịt và sử dụng các khoản thu thuế đó để trợ cấp cho những đối chọn khác bền vững hơn. Theo Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc, ngành chăn nuôi là nguồn phát thải khí nhà kính lớn thứ hai, cao hơn toàn ngành giao thông vận tải. Điều này hàm ý những phạm vi cắt giảm khí thải lớn, và theo cách có thể có tác động nhỏ đến cuộc sống của chúng ta hơn là chấm dứt tất cả việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Thật vậy, theo một báo cáo mới đây của Tổ chức Y tế Thế giới, việc giảm tiêu dùng các loại thịt chế biến và thịt đỏ sẽ làm tăng thêm nhiều khả năng làm giảm các ca tử vong vì ung thư.
Những đề xuất này nghe có vẻ không thực tế. Tuy nhiên, nếu không nói ra thì sẽ là một tội ác đối với hàng tỷ người, đang sống và chưa sinh ra, và chống lại toàn bộ môi trường tự nhiên của hành tinh chúng ta.
Peter Singer (1946-) |
Peter Singer là Giáo sư về Đạo đức học sinh vật tại Đại học Princeton và là Giáo sư Danh dự tại Đại học Melbourne. Các tác phẩm của ông bao gồm các cuốn Animal Liberation, Practical Ethics, One World, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, và gần đây nhất là cuốn The Most Good You Can Do. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trị thứ ba trong danh sách các “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất” trên thế giới.
Peter Singer
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch