9.11.15

Edmund Phelps, tại ngã tư các trường phái kinh tế học vĩ mô



Edmund Phelps (1933-)

Edmund Phelps, tại ngã tư các trường phái kinh tế học vĩ mô

Là nhà kinh tế học không thể xếp hạng, Edmund Phelps chủ yếu nghiên cứu về sự không hoàn hảo của thị trường lao động. Cách tiếp cận đa nguyên của ông phá vỡ các rào cản ngăn cách kinh tế học vĩ mô với kinh tế học vi mô.
Edmund Phelps (1933-), người được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel, năm 2006.
Edmund Phelps là một nhà kinh tế học khó xếp hạng. Bằng chứng là các bài báo đã được viết về ông nhân dịp ông được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel. Trong một cuốn sách của ông (1990), ông nhận diện bảy trường phái tư tưởng trong kinh tế học vĩ mô, khó gắn ông một cách dứt khoát với trường phái này hay trường phái khác; vả lại trong tác phẩm này, ông đã viết rằng "đa nguyên là con đường tốt nhất". Đối với một số người, ông là người theo thuyết tân tự do và tông đồ của thuyết tự do kinh doanh, còn đối với một số người khác, Phelps đúng hơn là một người theo thuyết can thiệp và thuyết tân Keynes. Người ta gắn ông với kinh tế học vĩ mô cổ điển mới, trong khi ông lại phê phán gay gắt giả thuyết những dự kiến duy lí. Thành thạo các kỹ thuật toán học đang thịnh hành trong kinh tế học, ông cũng viết về đạo đức, vị tha, phúc lợi, công bằng và văn hóa.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Là người ủng hộ sáng kiến ​​cá nhân và quyền tự do kinh doanh, ông đồng thời chống lại việc tháo bỏ Nhà nước - phúc lợi và việc giảm thuế. Ông chọn lập trường chống lại dự án Hợp đồng lao động đầu tiên (contrat première embauche-CPE) tại Pháp, đất nước mà ông đã hợp tác nghiên cứu từ hai mươi năm qua. Ông cho rằng các thị trường cần được giám sát và chịu sự điều tiết. Ông sáng lập và điều hành, tại Đại học Columbia, một trung tâm định hướng đa ngành các nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản và xã hội, trong khi thuật ngữ "chủ nghĩa tư bản" đã trở thành điều cấm kỵ và được thay thế bằng thuật ngữ "kinh tế thị trường”. Ông cho rằng sự lạc hậu về kinh tế của các nước trong lục địa châu Âu so với các nước Anglo-Saxon bắt nguồn từ nhiều rào cản đối với tự do kinh doanh, trong khi vẫn lên án thuyết tự do triệt để của Hayek và những môn đồ của tác giả này.
Abba Lerner (1903-1982)
Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển đã được trao cho Edmund Phelps vì những đóng góp của ông cho "sự thấu hiểu quan hệ của những hiệu ứng trong ngắn hạn và dài hạn của một chính sách kinh tế". Đóng góp này bắt nguồn từ một suy tưởng về một công cụ nổi tiếng của học thuyết Keynes thời hậu chiến, đường cong Phillips, minh họa sự đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát. Cái giá phải trả cho việc khống chế tỷ lệ thất nghiệp là sự gia tăng của tỷ lệ lạm phát. Việc tìm hiểu các nền tảng kinh tế vi mô của kiến tạo này, đã dẫn Phelps đến việc phát triển, vào năm 1967, khái niệm tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên, mà bản quyền tác giả thường được quy cho Milton Friedman, người chỉ đề xuất khái niệm ấy một năm sau đó. Hơn nữa, Phelps cũng cho rằng có thể tìm thấy ý tưởng này ngay từ những năm 1940, với Abba Lerner là tác giả, và vào những năm 1950, trong tác phẩm của William Fellner, mà ông là một sinh viên.

Từ tỷ lệ thất nghiệp tự nhiên đến ẩn dụ về các hòn đảo

John M. Keynes (1883-1946)
Theo lý thuyết trên, khi thất nghiệp đạt đến tỷ lệ tự nhiên của nó, thì mọi tác động của các cơ quan công quyền nhằm làm giảm hơn nữa tỷ lệ đó đều không có tác dụng trong dài hạn mà chỉ góp phần làm tăng tỷ lệ lạm phát. Khi thất nghiệp vượt quá tỷ lệ tự nhiên, thì sẽ xảy ra giảm phát. Vì vậy, không có sự đánh đổi trong dài hạn giữa thất nghiệp và lạm phát. Những phân tích trên, được xây dựng trên cơ sở những dự kiến của các tác nhân, cho phép kết luận rằng các chính sách kích cầu theo thuyết Keynes chỉ có hiệu quả tạm thời. Các chính sách đó, trong dài hạn, không thể làm chệch tình trạng thất nghiệp khỏi tỷ lệ tự nhiên của nó. Nhưng, khác với Milton Friedman và những người theo thuyết trọng tiền của tác giả này, Phelps không nghĩ rằng sự phi quy định hóa thị trường lao động là một cách để tiêu trừ thất nghiệp. Ông cho rằng tình trạng thất nghiệp tự nhiên là tình trạng thất nghiệp không tự nguyện, theo nghĩa là người lao động không tìm được việc làm bằng cách trao đổi sự phục vụ của họ ở một mức lương thấp.
Léon Walras (1834-1910)
Phelps luôn tin vào sự cần thiết phải phá vỡ rào cản nhân tạo, ngăn cách kinh tế học vi mô với kinh tế học vĩ mô, mà không ít người coi đó như là một dạng tâm thần phân lập trí tuệ. Với mục đích trên, vào tháng Giêng năm 1969, ông tổ chức một hội nghị nổi tiếng tại Đại học Pennsylvania, quy tụ những người, giống như ông, quan tâm đến những hệ quả của thông tin không đầy đủ hay không hoàn hảo. Những biên bản của hội nghị nói trên, được công bố vào năm 1970, tạo ra một bước ngoặt trong tiến hóa của kinh tế học vĩ mô, qua đó Phelps và các đồng nghiệp của ông tìm cách cung cấp những nền tảng kinh tế học vi mô chặt chẽ, trong khi bác bỏ giả thiết của Walras về thông tin hoàn hảo. Vấn đề là lý giải sự cứng nhắc của giá cả và tiền lương, đặc trưng của một nền kinh tế ở trạng thái cân bằng.
Milton Friedman (1912-2006)
Kinh tế học vĩ mô cổ điển mới cũng như kinh tế học keynesian mới và các lý thuyết về mất cân bằng đã tìm thấy một phần cảm hứng từ điều được gọi là "tác phẩm của Phelps". Trong lời giới thiệu, Phelps trình bày ẩn dụ nổi tiếng của ông về các hòn đảo. Một nền kinh tế được so sánh với một nhóm các hòn đảo, mà sự lưu thông thông tin giữa các hòn đảo là điều rất khó. Để biết lương tăng hay giảm trên hòn đảo của mình có lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế hay không, người lao động phải thực hiện một hải trình rất tốn kém. Ẩn dụ này minh họa đặc biệt cho lý thuyết về tìm kiếm việc làm (job search). Để giải thích những điều không hoàn hảo trên thị trường lao động, Phelps cũng phát triển khái niệm về "tiền lương động viên", các doanh nghiệp không giảm tiền lương của một số nhân viên để không đánh mất họ.

Xa hơn chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa trọng tiền

Lo ngại bởi điều mà ông cho là sự vô bổ của cuộc tranh luận giữa những nhà keynesian thuộc mọi khuynh hướng, những nhà trọng tiền và những nhà kinh tế cổ điển mới, Phelps đã đề xuất, đặc biệt trong một cuốn sách được xuất bản năm 1994, một hệ ý mới mà ông gọi là thuyết cấu trúc. Vấn đề là lý giải tại sao tỷ suất thất nghiệp không ngừng tăng cao và lạm phát thì không giảm, như đã thấy, đặc biệt trong các nền kinh tế châu Âu mà ông nghiên cứu từ giữa những năm 1980. Phải loại bỏ ý tưởng cho rằng tỷ suất thất nghiệp tự nhiên là một dữ liệu ngoại sinh và bất biến, như theo suy nghĩ của những nhà trọng tiền cũng như những nhà “keynesian mới", rằng, theo họ, thất nghiệp là một sự sai lệch thường xuyên so với tỷ suất tự nhiên. Ngược lại, phải coi tỷ suất thất nghiệp tự nhiên như là một biến nội sinh: "Thuật ngữ cấu trúc phát sinh từ những lý giải cho rằng tỷ suất thất nghiệp tự nhiên dựa trên những tác lực thực của nền kinh tế, cả về mặt cầu cũng như cung" (Théorie keynésienne et théorie structuraliste-Lý thuyết Keynes và lý thuyết cấu trúc, 1990, trang 9). Các tác lực thực ấy bao gồm các đặc điểm của thị trường lao động, công nghệ và thuế khóa.
Robert Solow (1921-)
Trái ngược với kết luận của những người theo thuyết trọng tiền và những người theo thuyết kinh tế học cổ điển mới, Phelps cho rằng các chính sách tiền tệ có khả năng làm giảm các biến động kinh tế, khi tính đến việc là tiền lương được cố định trong một khoảng thời gian nhất định và những thay đổi tiền lương trải dài trong thời gian. Tuy bác bỏ lý thuyết tiền tệ của Keynes, nhưng ông cũng đi đến một số kết luận gần với kết luận của tác giả này: những chi tiêu về khí tài và rộng hơn là những chi tiêu của chính phủ vào những hàng hóa của khu vực tư liệu sản xuất sẽ làm giảm tỷ suất thất nghiệp. Việc kích thích chi tiêu tiêu dùng trong nước cũng có thể có những hiệu ứng tích cực, trong khi lại gây ra những hiệu ứng tiêu cực cho các nước đối tác. Nếu tất cả các nước đều đồng thời tham gia vào một chính sách kích thích tài khóa, thì kết quả là việc làm sẽ co lại do lãi suất thực tăng cao. Phelps cho rằng "mô hình vi mô-vĩ mô" của ông, mặc dù còn sơ bộ và chưa đầy đủ, nhưng cũng giải thích được sự tăng trưởng của ba mươi năm vinh quang cũng như hai cuộc suy thoái lớn của những năm 1980 và 1990.
Edmund Phelps cũng nghiên cứu nhiều lãnh vực khác của nền kinh tế, đặc biệt là lãnh vực tăng trưởng. Từ ngày đầu khởi nghiệp, ông đã trình bày điều được gọi là quy tắc vàng của sự tích lũy tư bản. Lấy cảm hứng từ Frank Ramsey và Robert Solow, ông chứng minh rằng, trên con đường tăng trưởng khi mà tiêu dùng mang tính tối ưu, lãi suất sẽ bằng với tỷ suất tăng trưởng và tỷ suất đầu tư sẽ bằng với tỷ suất lợi nhuận. Ông theo đuổi các nghiên cứu về tăng trưởng, bằng cách xây dựng những mô hình dựa trên giáo dục và tiến bộ kỹ thuật. Ông cũng tự hỏi về các mối quan hệ giữa văn hóa và những thành tích kinh tế.
Amartya Sen (1933-)

Kenneth Arrow (1921-)
John Rawls (1921-2002)
Những cuộc gặp mặt và thảo luận cùng với Amartya Sen, John Rawls, và Kenneth Arrow đã khiến ông thám hiểm nhiều vùng đất mới. Ông tự hỏi về sự công bằng trong các quan hệ kinh tế, đặc biệt trong lãnh vực phân phối thu nhập và của cải, và lãnh vực thuế khóa. Ông cũng quan tâm đến vấn đề phân biệt đối xử. Trong nhiều năm, ông đưa lên hàng đầu một dự án trợ cấp cho các doanh nghiệp thuê mướn lao động có mức lương thấp, tin chắc rằng biện pháp này sẽ giúp làm tăng việc làm và tiền lương của những người bị loại trừ ra khỏi những vấn đề kinh tế, xã hội và chính trị, một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất đương thời.

Edmund Phelps qua vài năm tháng

1933: sinh tại Evanston, Illinois.
1959: đỗ Tiến sĩ tại Đại học Yale.
1959-1960: nhà nghiên cứu tại Rand Corporation.
1960-1966: Giáo sư (trợ lý giáo sư, rồi phó giáo sư) tại Đại học Yale và là thành viên của ủy ban Cowles Commission.
1961: The Golden Rule of Accumulation (Quy tắc vàng của tích luỹ)
1965: Fiscal Neutrality Toward Economic Growth: Analysis of a Taxation Principle (Tính trung lập của tài khóa hướng tới sự tăng trưởng kinh tế: Phân tích về một nguyên lý đánh thuế)
1966-1971: Giáo sư tại Đại học Pennsylvania.
1966: Golden Rule of Economic Growth: Analysis of a Taxation Principle (Quy tắc vàng của tăng trưởng kinh tế: Phân tích về một nguyên lý đánh thuế).
1967: Phillips Curves, Expectations of Inflation and Optimal Unemployment over Time (Đường Phillips, các dự kiến lạm phát và thất nghiệp tối ưu qua thời gian).
1968: Money-Wages Dynamics and Labor-Market Equilibrium (Các động thái tiền tệ-tiền lương và cân bằng lao động-thị trường).
1970: Microeconomic Foundations of Employment and Inflation Theory (Các nền tảng kinh tế học vi mô của việc làm và lý thuyết lạm phát).
1971: được phong giáo sư tại Đại học Columbia.
1972: Inflation Policy and Unemployment Theory (Chính sách lạm phát và lý thuyết thất nghiệp).
1973: (chủ biên), Economic Justice (Công bằng kinh tế).
1975: (chủ biên), Altruism, Morality and Economic Theory (Vị tha, đạo đức và lý thuyết kinh tế).
1977: đồng tác giả với John B. Taylor, Stabizing Powers of Monetary Policy with Rational Expectations (Sức mạnh bình ổn của chính sách tiền tệ có các dự kiến duy lí).
1979: Studies in Macroeconomic Theory, vol. 1, Employment and Inflation (Các nghiên cứu về lý thuyết kinh tế học vĩ mô, Tập 1, Việc làm và lạm phát).
1980: Studies in Macroeconomic Theory, vol. 2, Redistribution and Growth (Các nghiên cứu về lý thuyết kinh tế học vĩ mô, Tập 2, Phân phối lại và tăng trưởng)
1983: Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế của Mỹ.
1985: Political Economy: an Introductory Text (Kinh tế học chính trị: Dẫn nhập).
1988: đồng tác giả với Jean-Paul Fitoussi, The Slump in Europe: Open Theory Reconstructed (Thời kỳ khủng hoảng ở châu Âu: Lý thuyết mở được dựng lại).
1990: Seven Schools of Macroeconomic Thought (Bảy trường phái tư tưởng về kinh tế học vĩ mô), Oxford University Press (chủ biên), Recent Development in Macroeconomics (Sự phát triển gần đây của kinh tế học vĩ mô). Théorie keynésienne et théorie structuraliste du chômage: analyse des vingt dernières années (Lý thuyết Keynes và lý thuyết cấu trúc về thất nghiệp: Phân tích của hai mươi năm gần đây).
1992-1993: chuyên gia tư vấn cho Ngân hàng Tái thiết và Phát triển.
1994: Structural Slumps: The Modern Equilibrium Theory of Employment, Interest and Assets (Các cuộc khủng hoảng kinh tế mang tính cấu trúc: Lý thuyết cân bằng hiện đại về việc làm, lãi suất và tài sản).
1997: Rewarding Work: How to Restore Participation and Self-Support to Free Enterprise (Thưởng lao động: Làm thế nào để khôi phục sự tham gia và tự lực cho các doanh nghiệp tự do).
Kể từ năm 2001: là nhà nghiên cứu tại Đài quan sát các điều kiện kinh tế của Pháp. Là người sáng lập và giám đốc của Trung tâm nghiên cứu về chủ nghĩa tư bản và xã hội, Đại học Columbia.
2002: Enterprise and Inclusion in the Italian Economy (Doanh nghiệp và sự hòa nhập vào nền kinh tế Italia).
2006: được trao giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel       

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Phelps
The Golden Rule of Accumulation, American Economic Review no 51, pp. 638-643, 1961.
Fiscal Neutrality Toward Economic Growth: Analysis of a Taxation Principle, Mc Graw-Hill, 1965.
Inflation Policy and Unemployment Theory, W. W. Norton, 1972.
Economic Justice, (dir.), Penguin Books, 1973.
Studies in Macroeconomic Theory, vol. 1, Employment and Inflation, Academic Press, 1979.
Studies in Macroeconomic Theory, vol. 2, Redistribution and Growth, Academic Press, 1980.
Economie politique, Fayard, 1990.
The Slump in Europe: Open Theory Reconstructed, avec Jean-Paul Fitoussi, Basil Blackwell, 1988.
Seven Schools of Macroeconomic Thought, Oxford University Press, 1990.
Recent Development in Macroeconomics, (dir.), Edward Elgar, 1990.
Những tác phẩm viết về Phelps
A Life in Economics, dans The Makers of Modern Economics, par Arnold Heertje (dir.), 1995.
Entrevue, dans La pensée économique moderne, Ediscience, 1997.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Edmund Phelps, à la croisée des écoles de macroéconomie” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no57, tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF