5.11.15

MIRRLEES James A., sinh năm 1936



James Alexander Mirrlees (1936-)

MIRRLEES James A., sinh năm 1936

James Alexander Mirrlees sinh tại Minnigaf (Scotland) năm 1936. Vì có vấn đề thị lực, ông bỏ thể thao để đọc sách và được giải Douglas Ewart năm 11 tuổi. Năm 14 tuổi, ông khám phá toán học và muốn trở thành giáo sư bộ môn này. Được sự chú ý và hỗ trợ của viên thanh tra giáo dục của Scotland ông xin một học bổng của trường đại học Cambridge nhưng không được vì đại học này nằm ngoài Scotland. Cuối cùng ông vào học trực tiếp năm thứ hai khoa toán đại học Edimbourg và đồng thời theo học năm thứ nhất triết. Sự đào tạo kép này tự nhiên dẫn ông đến kinh tế học. Sau khi được giải Napier về toán năm 21 tuổi, ông rời Scotland để đến Trinity College ở Cambridge, tại đây ông gặp Piero Sraffa. Ông viết luận án dưới sự hướng dẫn của Richard Stone và tốt nghiệp tiến sĩ khoa học kinh tế năm 1963. Làm tư vấn cho Massachussetts Institute of Technology trên một đề án về Ấn Độ từ 1962 đến 1963, ông là giảng viên phụ đạo tại đại học Cambridge từ 1963 đến 1968, rồi giáo sư kinh tế tại đại học Oxford, ở ghế của Edgeworth cho đến 1995, năm ông trở thành giáo sư kinh tế chính trị học của đại học Cambridge. Trong suốt sự nghiệp của ông, ông nhiều lần làm cố vấn phát triển cho Pakistan, giáo sư thỉnh giảng ở MIT cũng như ở đại học Yale, nhà nghiên cứu của đại học Cambridge tại Trinity College và Nullfield Cụllege của đại học Oxford. Ông lãnh đạo tạp chí đầy uy tín Econometrica trước khi được Viện hàn lâm khoa học hoàng gia Thụy Điển biểu dương năm 1996.
Piero Sraffa (1898-1983)
Một trong những lĩnh vực trong đó lí thuyết kinh tế gần đây đã có những bước phát triển lớn nhất chắc chắn là những tình thế mà những người ra quyết định có những thông tin khác nhau. Những thông tin không đối xứng như thế có mặt trong rất nhiều bối cảnh và thường là ở cội nguồn của những hành vi chiến lược vì những ai có được nhiều thông tin hơn những người khác có thể rút ra được lợi thế từ những thông tin này. Những nghiên cứu đó tập trung vào vấn đề kinh tế sau: bằng cách nào các thể chế và các hợp đồng có thể giải quyết những vấn đề kiểm soát và động viên? Những nghiên cứu này cho phép hiểu rõ hơn thị trường bảo hiểm, thị trường tín dụng, những cuộc bán đấu giá, tổ chức nội bộ các doanh nghiệp, sự hình thành lương, những vấn đề thuế khoá, bảo hiểm xã hội, những thể chế chính trị, v.v.
Richard Stone (1913-1991)
Vấn đề tính hiệu quả kinh tế của những cuộc đấu giá đã được Vickrey giải quyết vào năm 1940 cũng như vấn đề đánh thuế tối ưu trên thu nhập cho phép đạt một cân bằng giữa hiệu quả và công bằng thì chính James Mirrlees, hai mai mươi lăm năm sau, tìm được một giải pháp tổng quát hơn gắn với vấn đề đánh thuế tối ưu thu nhập (1971). Ông nhanh chóng nhận ra là phương pháp của ông có thể được áp dụng vào nhiều vấn đề khác và đã trở thành một trong những thành tố của phân tích hiện đại về những vấn đề phức tạp của thông tin và động viên, đặc biệt là trong những vấn đề rủi ro đạo đức. Thật vậy Mirrlees nhận diện một điều kiện tới hạn (single crossing condition) đơn giản hoá rất nhiều vấn đề và cho phép tính được một lời giải (Optimal taxation …”, 1975). Phân tích của ông là cội nguồn của nguyên lí bộc lộ, thu hẹp phạm vi nghiên cứu những vấn đề với thông tin không đầy đủ về chỉ những vấn đề mà cơ chế động viên là sao cho quyền lợi của mỗi tác nhân là bộc lộ thông tin riêng của mình. Áp dụng nguyên lí này sẽ dễ dàng tìm ra những hợp đồng tối ưu và giải quyết những vấn đề động viên trong kinh tế. 
William Vickrey (1914-1996)
Giữa những năm 1970, Mirrlees trình bày lại những vấn đề khó về rủi ro đạo đức theo một cách đơn giản và mạnh hơn nhiều. Ông nhận xét rằng hành động của một cá nhân kéo theo việc lựa chọn những xác suất về khả năng xuất hiện một biến cố. Những điều kiện khiến cho những điều khoản bồi thường là tối ưu cung cấp một thông tin về những lựa chọn xác suất của các tác nhân và các hãng bảo hiểm phải tự giới hạn nhằm cung cấp cho tác nhân những động viên thoả đáng. Như thế người ủy quyền phải tính đến những chi phí động viên để cho người đại diện hành động đúng như người ủy quyền mong muốn. Khi những người đại diện càng nhạy cảm với hình phạt bao nhiêu thì người ủy quyền càng có thể thu thập thông tin với chi phí thấp bấy nhiêu, và điều này được ghi trực tiếp trong hợp đồng. Người đại diện có thể hưởng lợi nếu ứng xử tốt nhưng cũng có thể gánh chịu chi phí nếu ứng xử xấu (The theory of moral hazard …”, 1976). Trong trường hợp này, người được bảo hiểm sẽ chăm lo đến đối tượng được bảo hiểm như thể là đối tượng này không được bảo hiểm (1976) những nhà quản lí công ti sẽ chăm lo đến doanh nghiệp họ lãnh đạo như thể họ là người chủ công ti (1976).
Peter Diamond (1940-)
Mặt khác James Mirrlees còn có nhiều đóng góp khác. Cộng tác với Peter Diamond, ông phân tích cơ cấu thuế tiêu dùng trong một thế giới mà một phần thuế tạo điều kiện ưu đãi những bất bình đẳng xã hội. Dưới những điều kiện khá tổng quát họ chứng minh rằng duy trì một tổng hiệu quả sản xuất là có lợi. Điều này có nghĩa là những nền kinh tế không bao giờ có lợi khi áp đặt những hàng rào thuế quan trên những sản phẩm nước ngoài và không nên đánh thuế bên phía sản xuất mà nên thu thuế bên phía tiêu dùng (On producer taxation, 1972). Kết quả này có những hệ quả rất quan trọng trong việc đánh giá các dự án (Further Refexions on Project Analysis , 1972) cũng như đối với những chính sách kinh tế của các nước đang phát triển (1974). Cùng với P. Diamond, ông nghiên cứu việc việc hoàn chỉnh những kĩ thuật phân tích các dự án (1974). Năm 1996 James A. Mirrlees và W. Vickrey được giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel vì những đóng góp cơ bản cho lí thuyết kinh tế về những động viên với thông tin không đối xứng.
· An exploration in the theory of optimum income taxation [Khảo sát lí thuyết đánh thuế tối ưu thu nhập], Review of Economic Studies, April 1971. On producer taxation [Về việc đánh thuế người sản xuất], Review of Economic Studies, January 1972.   Optimal taxation in a two-class economy [Đánh thuế tối ưu trong một nền kinh tế hai cấp], Journal of Public Economics, Feb. 1975, vol. 4. 1975. The theory of moral hazard and unobservable behaviour [Lí thuyết rủi ro đạo đức và hành vi không quan sát được], Nuffield College, 1975 (mimeo). The optimal structure of incentives and authority within an organization [Cấu trúc tối ưu những động viên và uy quyền trong một tổ chức], Bell Journal of Economics and Management Science, Summer 1976. The implications of moral hazard for optimal insurance [Những hệ quả của rủi ro đạo đức cho bảo hiểm tối ưu], Nuffield College, 1979 (mimeo).   DIAMOND P. A. & MIRRLEES J. A., Optimal taxation and public production I: production efficiency [Đánh thuế tối ưu và sản xuất công công I: hiệu quả sản xuất], American Economic Review, March 1971.   DIAMOND P. A. & MIRRLEES J. A., Optimal taxation and public production II: tax rules [Đánh thuế tối ưu và sản xuất công công II: những qui tắc thuế], American Economic Review, June 1971.; LITTLE I. & MIRRLEES J. A., Manual of Industrial Project Analysis in Developing Countries [Cẩm nang phân tích dự án công nghiệp trong những nước đang phát triển], Paris, OCDE, 1969 (Social Cost Benefit Analysis, vol II); Further Reflexions on Project Analysis [Suy nghĩ kĩ lại về phân tích dự án], London, Allen & Unwin, 1972 (Development and Planning: Essays for Paul Rosenstein-Rodan, ed. Bhagwati & Eckaus); Project Appraisal and Planning for Developing Countries [Thẩm định dự án và kế hoạch hoá cho các nước đang phát triển], New York, Basic Books, 1974 (Social Cost Benefit Analysis), London Heinemann.
Damien Gaumont
Phó giáo sư đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Những giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel của Damien Gaumont trong Dictionnaire des sciences économiques do Claude Jessua, Christian Labrousse và Daniel Vitry chủ biên, Paris, Presses Universitaires de France, 2001, trang 1041-1042.
Print Friendly and PDF