3.11.15

Cái thế giới quá đỗi đơn giản của Jean Tirole

Gilles Rotillon
Sự thống trị của các nhà chính thống khiến cuộc tranh luận công cộng trở thành nghèo nàn.
Cái thế giới quá đỗi đơn giản của Jean Tirole
Jean Tirole, hiệu trưởng Trường kinh tế Toulouse (TSE), là một nhà kinh tế được các đồng nghiệp công nhận, như được minh chứng bởi “giải Nobel” gần đây, năm 2014 vừa được trao cho ông. Hơn nữa, những nghiên cứu của ông về sự điều tiết các độc quyền và độc quyền vài người, những khuyết tật của thị trường và tài chính cũng khiến ông được các nhà công nghiệp và lãnh đạo chính trị thừa nhận, hai giới được ông góp ý và cung cấp đánh giá của chuyên gia. Chẳng hạn, ông đã đề xuất đơn giản hóa việc sa thải, “hợp đồng lao động duy nhất”[1] hay giá thế giới duy nhất của các-bon. Năm 2008, sau khi cuộc khủng hoảng subprime nổ ra, trước một ủy ban của Quốc hội ông tuyên bố như sau về việc điều tiết ngân hàng: “Không nên đổ em bé cùng với nước tắm nó: chắc chắn là thông thể đặt lại vấn đề chứng khoán hóa hay sự tồn tại của những sản phẩm phái sinh, vì những đổi mới này có những hiệu ứng tích cực. Trái lại, phải có những kĩ thuật cần thiết để những sự lạm dụng không thể tái diễn nữa.[2]” Hàng triệu người mất việc làm, lương hưu hay nhà ở vì cuộc khủng hoảng tài chính có thể bàn luận về ý kiến này; nhưng ít ra, cho đến đây ông vẫn còn trong vai trò của nhà kinh tế quan tâm đến thị trường lao động và tài chính.
Gary Becker (1930-2014)
Thế mà Tirole có một dự án lớn hơn. Trong chiều hướng của Gary Becker (1930-2014), nhà kinh tế của trường phái (tự do) Chicago, ông bảo vệ một khoa học kinh tế phải là một khoa học về những hành vi đa dạng nhất, kể cả những hành vi mà thông thường người ta không xếp vào trường của kinh tế học: đi bầu, hút chích, phạm pháp, hiến máu, giúp một bà cụ qua đường. Đối với ông, duy chỉ một khoa học như thế mới có khả năng giúp chúng ta thụ hưởng tất cả phẩm hạnh của thị trường bằng cách nhận diện những khuyết tật của nó nhằm chữa trị chúng tốt hơn bằng những chính sách công cộng được thiết kế tốt. Khoa học này cũng cho phép góp phần vào “sự tiến bộ của nền văn minh” bằng cách tra vấn những cảm giác ghê tởm mà nguyên nhân theo ông quá nhiều khi nằm ở cội nguồn của những đánh giá đạo đức của chúng ta. Vì, như ông giải thích, “những chuyên gia của các khoa học xã hội khác (triết gia, nhà tâm lí học, nhà xã hội học, luật gia và nhà khoa học chính trị, v.v.), một phần lớn xã hội dân sự và hầu hết các tôn giáo”[3] - như vậy thật sự là cũng bộn người đấy - phát triển một tầm nhìn phê phán thị trường trên cơ sở những đánh giá đạo đức. Có điều này chủ yếu là do sự thiếu hiểu biết những công trình gần đây của các nhà kinh tế học.
Với bấy nhiêu khoa học sẵn có, nếu tin theo ông, trong biết bao nhiêu là công trình gần đây, người ta đã có thể hi vọng là tình trạng của thế giới sẽ tươi sáng hơn. Từ nền tài chính độc hại đến thất nghiệp đại trà qua đến việc hủy hoại môi trường hay sự gia tăng của những bất bình đẳng, không phải bao giờ “sự tiến bộ của nền văn minh” cũng đạp vào mắt chúng ta. Khi các nhà kinh tế có vẻ không mấy hiệu quả trên những chủ đề được công nhận thuộc thẩm quyền của họ, ta có thể đặt câu hỏi khi thấy họ tiến vào lĩnh vực của đạo đức. Cần nhìn rõ hơn các công trình mới mẻ này.
Jean Tirole (1953-)
Thế giới theo Tirole gồm những cá nhân có những đặc tính tâm lí - quyết tâm thể hiện bằng vẻ bề ngoài, sự rộng lượng thật sự, lòng vị tha ... - mà sự hình thành không được tra vấn. Những con người này tương tác với nhau nhằm mục đích duy nhất là tối đa hóa lợi ích của mình, dấu hiệu của tính duy lí của họ đúng theo định nghĩa của ông. Cách nhìn thế giới này có hai đặc điểm, không được các nhà kinh tế đề cập đến do dưới mắt họ là quá hiển nhiên. Một mặt, không có xã hội trước khi các tác nhân hiện hữu; duy chỉ tồn tại sở thích của các tác nhân, và các tác nhân xác định mục tiêu của mình. Mặt khác, mỗi tác nhân tự xác định chỉ duy nhất bằng việc so sánh chi phí và lợi ích (tiền tệ hay không) của hành động và dự kiến của mình về hành động của những người khác.
Có rất nhiều ứng dụng của một lí thuyết được trình bày như trên: do có vô số tương tác giữa các cá nhân liên quan đến mọi lĩnh vực nên chúng nâng lí thuyết lên một cấp độ tổng quát tối đa. Nhưng thế giới này kì lạ thay vắng bóng những quan hệ xã hội. Không có người giàu và người nghèo, không có dân nhập cư, không có kẻ khủng bố, không có nghệ sĩ: chỉ có những tác nhân kinh tế tự chủ.
Hình thức hóa toán học nằm ở trung tâm của cách tiếp cận này và không phải là không liên quan đến sức sức thu hút của nó. Cách tiếp cận này ngay tức thì có thể hấp dẫn bởi sự chặt chẽ mà nó đưa vào trong lập luận. Nhưng sẽ sai lầm khi quên rằng nếu sự nối kết các chứng cứ là chặt chẽ thì kết luận chỉ đứng vững được nếu các giả thiết là xác đáng. Trong trường hợp này tầm quan trong mà cá thể dành cho “lòng tham”, “sự rộng lượng” hay “quyết tâm thể hiện bằng vẻ bề ngoài”, vốn trên nguyên tắc là những đặc điểm tâm lí, chỉ là những con số thực đơn giản (thường là 0 hay 1). Điều này cho phép giả định rằng các hành vi đã được ta đặt thành phương trình, mà không tự hỏi về ý nghĩa của thao tác này.
Gilbert Simondon (1924-1989)
Khoa học kinh tế chỉ có thể trở thành một khoa học hành vi bằng cách quy giản con người về chẳng bao nhiêu và “hành vi” về gần như không gì cả. Thế mà, nhân học, tâm lí học hay ngôn ngữ học cho chúng ta biết rằng con người không tồn tại độc lập với xã hội nó đang sống; và điều này, ngay cả trước khi chào đời vì “điều kiện đầu tiên để một em bé trở thành con người là cha mẹ em xem bé là một con người[4]. Triết gia Gilbert Simondon chỉ ra rằng sự hình thành con người không thuộc về việc đơn giản triển khai một nhân cách tiềm tàng bẩm sinh, nhưng giả định sự tồn tại trước đó của cả xã hội[5]. Còn lâu chúng ta mới do những “sở thích” cá nhân tạo nên, chúng ta phụ thuộc vào môi trường kĩ thuật và xã hội. Từ cục đá lửa được đẽo đến chiếc điện thoại di động, toàn bộ sự tiến hóa của nhân loại chứng minh tính cấu thành của những đồ vật kĩ thuật bao quanh chúng ta. Như Lev Vygotski[6] đã chứng minh, ngay từ những năm 1920, ngôn ngữ, đặc trưng biết mấy của nhân loại, cũng như các chức năng tâm trí cao cấp (óc mĩ thuật, tư duy khái niệm, óc phê phán) được phát triển từ bối cảnh xã hội hiện tồn, bằng việc chiếm hữu những thành tựu kĩ thuật lẫn văn hóa hay biểu tượng đã có mặt trước đó trong thế giới con người.
Lev Vygotski (1896-1934)
Thế mà Tirole có vẻ tin tưởng là ông đã xử lí một cách chặt chẽ những vấn đề của xã hội hiện nay. Trên cơ sở các mô hình của ông, ông tin chắc vào tính chính đáng của những khuyến nghị được ông gởi cho các nhà công nghiệp và chính khách. Dường như ông cũng không nghi ngờ rằng tác nhân kinh tế do ông mô hình hóa có đủ tính tiêu biểu cho nhân loại để làm cơ sở cho những ý kiến của mình và để đề cập đến các vấn đề đạo đức.
Chắc chắn rằng việc muốn “hiểu tốt hơn cơ sở của những lo ngại đối với sự hàng hóa hóa một số lĩnh vực như đạo đức” là điều đáng hoan nghênh nhưng ta nghi ngờ rằng những công trình mới đây của các nhà kinh tế này và việc phương trình hóa những tình cảm đạo đức, vì mục đích trên, có ích hơn những công trình trong các khoa học xã hội khác. Quy cho cùng, quan điểm của Tirole chủ trương cầu viện đến các nhà kinh tế trên hầu hết những vấn đề xã hội, và qua đó đảm bảo cho họ một trong những đặc quyền mà, một cách nghịch lí, các công trình của ông không ngừng nghỉ tìm cách loại trừ tối đa có thể khỏi mọi ngõ ngách. Lịch sử mới gần đây dạy chúng ta rằng: không phải bao giờ “chuyên gia” cũng  đúng. Nếu nhân vật này có thể soi sáng cuộc tranh luận dân chủ thì người ấy cũng không thể thay thế cho cuộc tranh luận này.     
Gilles Rotillon
Giáo sư ưu tú khoa học kinh tế đại học Paris-Ouest Nanterre-La Défense.
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Le monde si simple de Jean Tirole”, Le Monde diplomatique, tháng 7 2015.
------
Các bài có liên quan trên PTKT:




[1] Olivier Blanchard et Jean Tirole, “Protection de l’emploi et procédures de licenciement”, rapport au CAE, 9 octobre 2003.

[2] Didier Migaud et Gilles Carrez, “Rapport d’information relatif à la crise financière internationale”, Assemblée nationale, Paris, 5 novembre 2008.

[3] Jean Tirole, “Đạo đức và thị trường”, Les Echos, Paris, 7 décembre 2014.

[4] François Flahault, Le Paradoxe de Robinson. Capitalisme et société, Mille et une nuits, Paris, 2005.

[5] Gilbert Simondon, L’Individuation psychique et collective, Aubier, Paris, 1989.

[6] François Flahault, Le Paradoxe de Robinson. Capitalisme et société, Mille et une nuits, Paris, 2005.

Print Friendly and PDF