28.7.16

Mọi thứ bạn cần biết về kinh tế học tự do kinh doanh



Mọi thứ bạn cần biết về kinh tế học tự do kinh doanh
Lịch sử của triết lý "hãy để mọi chuyện diễn ra tự do như thế"
David Sloan Wilson và Alan Kirman
Tôi sẽ cược rằng Alan Kirman là nhà kinh tế duy nhất có những chú kiến hoạt hình ​​chạy quanh chữ ký email của ông. Được các nhà kinh tế dòng chính thống đánh giá cao, ông cũng là một nhà phê phán lý thuyết cân bằng và là người chủ trương một tư duy kinh tế mới có xem xét đến lý thuyết các hệ thống phức hợp. Tôi có được đặc ân làm việc với Alan và diễn đàn Ernst Strungmann của Đức để tổ chức một hội nghị mang tên "Complexity and Evolution: A New Synthesis for Economics (Sự phức hợp và tiến hóa: Một tổng hợp mới cho kinh tế học)" vào tháng 2 năm 2015, và sẽ cho ra đời một cuốn sách do MIT Press xuất bản vào năm 2016.
Sau khi hội nghị kết thúc, tôi đã tìm đến phỏng vấn Alan để giúp hiểu được lịch sử phức tạp của tự do kinh doanh, triết lý "hãy để mọi chuyện diễn ra tự do như thế" làm nền tảng cho lý thuyết kinh tế dòng chính thống và chính sách công.
DSW: Tôi rất hạnh phúc được hầu chuyện ông về khái niệm tự do kinh doanh, suốt hành trình ngược về nguồn gốc của nó, mà theo tôi hiểu là trong thời kỳ Khai sáng. Rồi ngày nay, chúng ta cập nhật nó với một số phiên bản được hình thức hóa trong lý thuyết kinh tế. Ông có thể cho biết lịch sử thuở ban đầu của tự do kinh doanh.
Adam Smith (1723-1790)
David Hume (1711-1776)
AK: Tôi nghĩ câu chuyện cơ bản mà chúng ta thực sự quan tâm là thời kỳ Khai sáng và những người như Adam SmithDavid Hume, những người đã có ý tưởng cho rằng, theo một cách nào đó, về thực chất nên để con người tự tìm ra những phương kế sinh sống của họ và điều này sẽ dẫn xã hội đến một trạng thái thỏa mãn mọi người theo một nghĩa nào đó, dĩ nhiên với một số giới hạn nào đó – về pháp luật và trật tự và v.v.. Đó là ý tưởng làm cơ sở cho toàn bộ quan điểm xã hội và triết học của chúng ta từ bao giờ. Kinh tế học đang cố bám sát ý tưởng trên. Ý tưởng ban đầu là để cho mọi người làm những gì họ muốn và điều này, theo một cách nào đó, sẽ dẫn đến việc tự thân tổ chức. Nhưng không có ai định nghĩa cơ chế đó là gì để tự thân tổ chức. John Stuart Mill cũng đưa ra quan điểm tương tự. Ông có ý tưởng cho rằng, trong chừng mực mà vai trò của họ cho phép, cần phải cho con người khả năng làm những việc riêng của họ, và điều này vì lợi ích của mọi người. Và dần dần, chúng ta khắc phục khó khăn này, một khó khăn không thể vạch ra về mặt kinh tế, trong một thị trường ví dụ, cách làm thế nào để có được một vị thế như vậy. Tôi nghĩ điều xảy ra là, một mặt, con người bị ám ảnh với việc chứng minh là có một số kiểu tình huống thỏa đáng về mặt xã hội tương ứng với các thị trường trong trạng thái cân bằng, và mặt khác, đã có rất nhiều nỗ lực, cho đến những năm 1950, cố gắng chỉ ra rằng một thị trường hay một nền kinh tế sẽ hội tụ đến trạng thái đó. Nhưng vào những năm 70, chúng ta đã từ bỏ nó khi có kết quả cho thấy về cơ bản, không thể chứng minh được điều ấy. Như vậy, các nhà lý thuyết đã từ bỏ nhưng nội dung kinh tế cơ bản và tất cả các ý thức hệ đằng sau nó vẫn được giữ nguyên. Chúng ta đang ở trong một tình huống kỳ lạ khi mà, một mặt, cho rằng nên để cho thị trường tự thân vận động bởi vì điều này sẽ dẫn đến một trạng thái xã hội thỏa đáng, nếu các thị trường vận hành hiệu quả và nếu đạt được một trạng thái cân bằng. Mặt khác, do không thể cho thấy có một trạng thái như thế, nên khi cho rằng các nền kinh tế đang tồn tại trong trạng thái cân bằng thì đó là một sự mâu thuẫn, bởi vì bàn tay vô hình gợi ý cần có một cơ chế để đưa đến trạng thái cân bằng đó. Và đó là điều mà chúng ta đang thiếu – một cơ chế. Điều này có ít nhiều rõ hơn không?
John Stuart Mill (1806-1873)
DSW: Có, nhưng quá nhanh! Tôi muốn chúng ta trở lại với những thời kỳ ban đầu và đưa ra một vài nhận xét. Trước hết, tư duy đầu tiên về tự do kinh doanh ra đời vào một thời điểm khi chính phủ là một chế độ quân chủ và cai trị theo chính thể chuyên chế. Toàn bộ cuộc đấu tranh của thời kỳ Khai sáng, vì một xã hội bình đẳng hơn và cởi mở hơn, là một phần của vấn đề này. Tôi nói có đúng không?
AK: Hoàn toàn đúng. Đã có một cuộc cách mạng xã hội và triết học, chính xác vì vấn đề đó. Con người đã cố giải phóng bản thân khỏi một tổ chức mang tính thứ bậc và quân chủ rất cao. Và kinh tế học đã cố bám sát vấn đề đó. Có nhiều lý do để giải thích và tôi nghĩ ngay cả bây giờ cũng không có lý do gì để nói rằng có điều gì đó sai với quan điểm tự do. Mặt khác, điều mà chúng ta không thể chứng minh là có một điều gì đó cho phép một cách tiếp cận tự do như thế làm cho mọi thứ diễn ra trong tầm kiểm soát. Vì vậy, ông đã nói đúng. Đây là một phản ứng đối với các hệ thống mang tính rất chuyên quyền, dẫn đến sự phát triển của toàn bộ các quan điểm về tự do kinh doanh và tự do.

DSW: Đúng vậy. Như vậy, tự do kinh doanh có ý nghĩa rất lớn đối với nền quân chủ và sự kiểm soát của nhà thờ và v.v.. Giờ đây, tôi biết Adam Smith chỉ viện dẫn ẩn dụ bàn tay vô hình có ba lần trong toàn bộ nội dung tác phẩm của ông ấy và người ta nói rằng cuốn sách đầu tiên của ông ấy về tình cảm đạo đức là tinh tế hơn nhiều khái niệm phổ biến về bàn tay vô hình. Ông có thể nói thêm một chút về Adam Smith không? Một mặt, ông ấy là người ủng hộ tự do kinh doanh, nhưng mặt khác cũng có rất nhiều khác biệt tinh tế trong cả hai cuốn sách của ông ấy, đặc biệt là trong cuốn Theory of Moral Sentiments (Lý thuyết các tình cảm đạo đức). Ông có thể nói gì về điều đó?
AK: Đúng vậy. Adam Smith hoàn toàn biết rõ thực tế là con người được thúc đẩy bởi nhiều thứ. Ngày nay, nếu lấy một phiên bản rất thô sơ của bàn tay vô hình, thì người ta sẽ nói đến một điều gì đó đại loại "tham lam là điều tốt". Theo một cách nào đó, nếu mọi người tham lam và cố phục vụ lợi ích riêng của mình, thì sẽ có một vị trí tốt về mặt xã hội. Adam Smith không hề có quan điểm ấy. Quan điểm của ông ấy là con người có nhiều thứ khác để suy nghĩ trong đầu. Ví dụ, ông nói rằng một trong những động lực mạnh nhất của con người là được coi là một công dân tốt và vì vậy sẽ làm những việc mà người khác cho là tốt. Nếu có những động lực như thế thì bạn có lòng vị tha và không hành xử hoàn toàn như kiểu con người kinh tế (Homo economicus). Adam Smith không hề bảo vệ quan điểm mạnh cho rằng mọi việc sẽ tốt nếu để cho con người hoàn toàn tự do lựa chọn các phương kế sinh sống ích kỷ của họ. Quan điểm của ông ấy là con người phức tạp hơn rất nhiều và bị chi phối bởi những cảm xúc của họ. Ông ấy nói rất nhiều về sự cảm thông, mà bây giờ chúng ta gọi là sự đồng cảm.
DSW: Thật là tuyệt! Bây giờ xin ông hãy nói về Walras và những tham vọng của ông ấy mà theo như tôi hiểu, là cung cấp sự biện minh toán học đầu tiên cho tự do kinh doanh.
Léon Walras (1834-1910)
AK: Trên thực tế, bản thân Walras không hề nói nhiều về tự do kinh doanh. Vào thời điểm đó, ông ấy có một ý tưởng rất đơn giản, đó là số lượng hàng hóa mà con người muốn cung cấp với một mức giá nào đó sẽ bằng với số tiền mà con người muốn mua; nghĩa là, cầu ở mức giá đó, vì vậy nếu hai vế ấy bằng nhau thì đó là mức giá cân bằng. Rồi ông ấy nói rằng nếu có nhiều thị trường, thì làm thế nào để có thể đảm bảo chúng sẽ được cân bằng đồng thời, bởi vì nói cho cùng nếu giá cả tăng ở một thị trường thì sẽ ảnh hưởng đến giá cả ở các thị trường khác. Nếu giá chuối tăng thì giá cam sẽ bị ảnh hưởng, và v.v.. Ông ấy nói: "Vấn đề của tôi là giải quyết việc tất cả các hàng hóa được cân bằng trên thị trường", nhưng ông ấy không quan tâm nhiều đến bối cảnh triết học nằm bên dưới. Walras không phải là người ủng hộ mạnh mẽ tự do kinh doanh, nhưng ông bắt đầu xây dựng các loại vũ khí để cố hiểu được liệu tất cả các thị trường có thể đạt đến trạng thái cân bằng hay không. Bản thân ông ấy không quá quan tâm liệu trạng thái cân bằng có phải là điều tốt cho xã hội hay không; nói cách khác, quan điểm ban đầu của Adam Smith. Tôi cho rằng Walras là người quan tâm nhiều hơn đến sự tồn tại của trạng thái cân bằng và ông đã cố chứng minh làm thế nào để có thể đạt được trạng thái đó, một cách tuyệt vọng vào nhiều thời điểm khác nhau. Tôi không nghĩ ông ấy biện luận để ủng hộ tự do kinh doanh. Tôi không cho rằng Walras nghiêm ngặt thuộc về truyền thống này.
DSW: OK, đây là điều mới đối với tôi. Như vậy, còn sự nổi lên của cái gọi là kinh tế học tân cổ điển thì sao. Đến mức nào thì nó trở thành điều mà tôi hiểu là định lý cơ bản đầu tiên của kinh tế học – tự do kinh doanh dẫn đến lợi ích chung và đang được chứng minh bằng một số công cụ toán học. Điều ấy phát sinh từ đâu, nếu không phải từ Walras?
Vilfredo Pareto (1848-1923)
AK: Chúng ta đã bỏ lỡ một bước rất quan trọng, đó là [Vilfredo] Pareto. Pareto quan tâm đến ý tưởng về chính bàn tay vô hình. Ông ấy nói: "Hãy xem này, điều mà tôi muốn cho các bạn thấy là sự cân bằng cạnh tranh là điều tối ưu của xã hội. Ông ấy là người định nghĩa điều mà ngày nay chúng ta gọi là tối ưu Pareto, một tình huống mà bạn không thể làm cho tình trạng một người trở nên tốt hơn mà không làm cho tình trạng một người khác trở nên tồi tệ hơn – là một tiêu chí còn khá yếu, nhưng vẫn là một tiêu chí cho một số kiểu hiệu quả xã hội. Ông ấy quan tâm đến mối quan hệ của cả hai bên, do đó, ông ấy đã đưa chúng ta trở lại đúng với điều mà tôi diễn giải là bàn tay vô hình. Rồi chúng ta có thể làm một cú nhảy vọt lớn, nếu muốn, đến định lý đầu tiên của kinh tế học phúc lợi. Điều đó thường được gọi, một cách nhầm lẫn, là định lý bàn tay vô hình. Nhưng nó không liên quan gì đến bàn tay vô hình. Nó chỉ nói rằng nếu bạn đang ở trong một trạng thái cân bằng cạnh tranh, thì đó là tối ưu Pareto, theo nghĩa mà tôi vừa đề cập. Bạn không thể làm cho tình trạng một người nào đó trở nên tốt hơn mà không làm cho tình trạng một người khác trở nên tồi tệ hơn. Đó là tất cả những gì mà tối ưu Pareto nói. Nó không nói rằng nếu để một xã hội tự do thì nó sẽ đạt được tối ưu Pareto, nhưng hàng ngàn người đã diễn giải tối ưu Pareto theo cách đó.
DSW: OK. Như vậy, chúng ta sẽ đi đến đâu từ đây? Xin ông vui lòng nói cho biết một chút về lý thuyết người uỷ quyền-người đại diện, mà theo tôi hiểu, cũng là điều mà dường như ngụ ý rằng trách nhiệm duy nhất của các doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn nếu đó là nghĩa vụ duy nhất của họ.
AK: Đó chính xác không phải là một vấn đề bên lề mà là một sự phát triển của vấn đề về các doanh nghiệp cùng với vấn đề về các cá nhân mà chúng ta đang lo. Khi chỉ đề cập đến các cá nhân trong một nền kinh tế đơn giản, khi họ trao đổi hàng hóa với nhau thì không có vấn đề gì. Nhưng khi đưa vấn đề doanh nghiệp vào, thì cần phải hỏi "mục tiêu của những doanh nghiệp này là gì?" Người ta lập luận rằng nếu mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận thì các doanh nghiệp cũng đang tối đa hóa lợi ích của cổ đông, và vì thế dẫn đến ý tưởng gia tăng phúc lợi của xã hội nói chung. Nhưng có một bước nhảy lớn ở đây, do không quy định chặt chẽ trong các mô hình về việc ai là người sở hữu các doanh nghiệp này và cách thức quyền sở hữu được chuyển giao giữa những người này. Vì vậy, tôi nghĩ có một lãnh vực mờ ám ở đó, không được đưa vào đầy đủ trong lý thuyết.
F. von Hayek (1899-1992)
DSW: Xin ông vui lòng tóm lược lịch sử của Hội Mont Pelerin Society và vai trò của nó trong việc thúc đẩy phát triển lý thuyết và chính sách kinh tế. Vì thế sẽ có Hayek, Friedman và tất cả những người đó.
AK: Người hùng vĩ đại của hiệp hội, đó là Hayek. Ông ấy có một quan điểm khác với Walras và các đồng sự, và quan điểm của ông ấy rất không nhất quán. Theo Hayek, Walras cho rằng không ai gây ảnh hưởng đến giá cả nhưng chấp nhận nó, và rồi có một ai đó, không rõ là ai, điều chỉnh giá cả cho đến khi nó đạt được trạng thái cân bằng. Có một số cơ chế ở đó. Đó là Walras. Hayek nói "Hoàn toàn không!" Ông nói – trên thực tế ông ấy là một người kinh khủng.
DSW: Xin chờ một chút! Tại sao ông ấy là một người khủng khiếp? Ông có thể nói lướt qua về điều đó không!


AK: Lý do tôi nói như vậy là vì – tuy ông ấy có những ý tưởng hết sức thông minh – ông ta rất cố chấp và hẹp hòi, ông ấy là người phân biệt chủng tộc. Ông có thể tìm thấy trên YouTube một cuộc phỏng vấn rất hay với ông ấy, trong đó ông ấy nói (nhái giọng của Hayek) "Tôi không phải là người phân biệt chủng tộc! Người ta cáo buộc tôi là phân biệt chủng tộc. Bây giờ đó là sự thật khi có một số sinh viên người Ấn Độ tại Trường Kinh tế học London cư xử một cách rất thô tục, đặc trưng của người Ấn Độ..." và ông ấy tiếp tục nói về những điều như thế. Vì vậy, đó là một lý do vì sao ông ấy là người khủng khiếp. Lý do thứ hai là nếu ông, David, không tin ông ấy là người khủng khiếp, thì tôi sẽ gửi cho ông cuốn sách của ông ấy The Road to Serfdom (Đường về nô lệ), trong đó ông ấy nói rằng nếu có bất kỳ sự kế hoạch hóa nào trong nền kinh tế, thì nó chắc chắn sẽ dẫn đến một chế độ phát xít. Khi cuốn sách đó được xuất bản nó thành công vang dội, đặc biệt tại Hoa Kỳ, và hơn nữa, ông ấy cho phép xuất bản một phiên bản truyện tranh của nó, là một điều hoàn toàn đáng kinh hoàng. Một người đoạt giải Nobel, [Ronald] Coase, cho biết "Các bạn đang tiếp tục tin vào việc chống lại sự kế hoạch hóa tập trung, các bạn quên rằng trên thực tế phần lớn nền kinh tế của chúng ta chịu sự chi phối của các thể chế kế hoạch tập trung, tức là, những doanh nghiệp lớn, và các doanh nghiệp lớn này đang làm đúng điều mà các bạn nói rằng họ không thể làm được. Hayek nhún vai coi thường điều đó, nhưng điều mà ông ấy đã viết trong cuốn sách của mình nói rằng nếu có bất kỳ sự kế hoạch hóa nào diễn ra thì cuối cùng cũng dẫn đến một nhà nước phát xít, trong đó các bạn sẽ bị bắn chết nếu không làm những gì được yêu cầu. Vào cuối cuốn sách có một số người khốn khổ bị bắn chết vì muốn trở thành thợ mộc hay thợ sửa ống nước, hoặc một điều gì đó giống như thế. Thật kinh khủng! Và điều trớ trêu của toàn bộ câu chuyện là cuốn truyện tranh đó đã được General Motors phát hành và tài trợ, và dĩ nhiên GM là một trong những doanh nghiệp mà Hayek không xem là các thể chế kế hoạch tập trung. Đó là lý do mà tôi nói rằng Hayek là một người khủng khiếp.
Ronald Coase (1910-2013)
Ý tưởng của Hayek là không có cách nào để có thể biết được điều gì đang diễn ra và giá cả hàng hóa diễn biến như thế nào. Mọi người tự bản thân đều có rất ít thông tin, và khi sử dụng nó, thị trường sẽ tiếp cận thông tin này. Vì thế, ví dụ khi tôi mua một cái gì đó như một cổ phiếu chẳng hạn, các bạn sẽ nói "Oh, Kirman mua một cổ phiếu, chắc có điều gì đang xảy ra, dựa vào thông tin mà ông ấy có mà tôi không biết", và v.v.. Ý tưởng của Hayek là cơ chế này – việc con người theo dõi lẫn nhau và tiếp nhận thông tin từ hoạt động của người khác, sẽ dẫn đến trạng thái cân bằng là một trạng thái xã hội tối ưu. Nhưng một lần nữa, ông ấy chưa bao giờ đề cập chi tiết cơ chế đó là gì. Ông ấy đưa ra rất ít ví dụ, chẳng hạn như ví dụ về sự thiếu hụt thiếc và cách thức mà con người sẽ điều chỉnh, nhưng chưa bao giờ chỉ rõ cơ chế đó thực sự là gì. Ông ấy tin rằng con người tự bản thân có rất ít thông tin, giống như loài kiến, bằng cách nào đó, sẽ tìm ra đúng đường. Đó là một thế giới quan rất khác biệt so với Walras.
DSW: Như vậy, ông ấy là người tiên phong trong hai vấn đề. Trước hết, ông ấy nắm bắt được ý tưởng về các quá trình tự thân tổ chức và phi tập trung – rằng trí tuệ nằm trong hệ thống, chớ không phải trong bất kỳ cá nhân nào, và thứ hai là sự lựa chọn nhóm văn hóa, rằng lý do vì sao các hệ thống kinh tế vận hành như thế này là vì có một số hệ thống vận hành tốt hơn trong quá khứ đã thay thế các hệ thống vận hành tồi tệ hơn. Sự thông thái của hệ thống là sản phẩm của lựa chọn nhóm văn hóa, khi đặt nó vào bối cảnh ngày nay, mà không đặt vấn đề về sự thông thái của nó bằng cách can thiệp vào. Liệu nói như vậy có công bằng không?
Milton Friedman (1912-2006)
Margaret Thatcher (1925-2013)
AK: Vâng, nói như vậy là công bằng và tôi nghĩ Hayek cũng tin như thế. Thực sự, ông ấy không cho thấy điều trên sẽ diễn ra như thế nào, nhưng ông hoàn toàn đúng – tôi nghĩ đó là điều mà ông ấy tin tưởng và ông ấy nghĩ rằng việc can thiệp vào hệ thống sẽ làm cho nó vận hành ít hoàn hảo hơn và kém hiệu quả hơn, vì thế nên để nó tự vận hành. Nói đúng ra, tôi không nghĩ ông ấy có ý tưởng về sự lựa chọn nhóm trong đầu, nhưng đó rõ ràng là ý tưởng của ông ấy. Một hệ thống vận hành tốt cuối cùng sẽ vượt trội các hệ thống khác. Đó là lý do vì sao ông ấy làm cố vấn cho bà Thatcher. Chỉ cần tin vào thị trường và để cho mọi thứ tự thân vận hành. Hãy loại bỏ các nghiệp đoàn, và v.v.. Như vậy, rõ ràng là ông ấy có suy nghĩ trong đầu rằng khi can thiệp vào một hệ thống thì sẽ chỉ dẫn đến một tình hình xã hội tồi tệ hơn. Ông ấy ít nhiều ngây ngô hơn Friedman. Friedman có một luận cứ thô sơ về sự chọn lọc tự nhiên khi cho rằng nếu các doanh nghiệp không hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp khác thì họ sẽ bị phá sản và chỉ có chết. Đó là tóm tắt luận cứ tiến hóa của Friedman! Nhưng Hayek tinh tế hơn nhiều – ông hoàn toàn đúng.
DSW: Tôi nghĩ Hayek đã khá rõ ràng về sự lựa chọn nhóm văn hóa, và Friedman – tôi khá chú ý đến bài viết năm 1953 của ông ấy về kinh tế học thực chứng, trong đó ông ấy đã có một luận cứ tiến hóa rất ngây ngô. Theo tôi hiểu, Friedman và Hayek đã không có cùng quan điểm. Hayek đã thực sự rất lo lắng khi Friedman và các nhà kinh tế toán học khác tiếp quản Hội Mont Pelerin Society, nếu tôi hiểu đúng, giờ đây lại đặt Friedman vào giữa sân khấu, và đồng thời cả hội đoàn nói chung và với sự thành lập tất cả các viện tư vấn, đã làm cho hội này trở thành một tổ chức có ảnh hưởng chính trị.
Gary Becker (1930-2014)
AK: Vâng, tôi nghĩ có một sự trùng hợp rất độc đáo giữa tổ chức trên với ý thức hệ bảo thủ và với những người thực sự có tư tưởng tự do mãnh liệt – không phải theo nghĩa của Mills (ông cần phải phân biệt điều này đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi mà những thuật ngữ này có nhiều ý nghĩa khác nhau), một quan điểm thực sự tự do triệt để, về một thị trường hoàn toàn tự do, để mặc cho mọi người làm điều họ thích. Những người này sẽ tìm thấy ở đó một nơi tuyệt vời để thu thập thông tin và củng cố bản thân. Và Hayek là một thành viên tích cực của điều đó. Một người khác là Gary Becker, nhưng tôi không biết nhiều. Becker có kinh tế học của mọi thứ – ly hôn, bất cứ điều gì. Các bạn biết những luận cứ đơn giản này, nhưng không nhất thiết phải biết đó là những luận cứ lựa chọn, thường là một số hình thái biện minh theo kiểu một thỏa thuận tốt hơn. Lợi ích biên của người phụ nữ ly dị bằng với lợi ích biên của người không ly dị, đó sẽ là cái giá của việc ly dị, và đó là cái đang cần. Adam Smith sẽ trăn trở dưới mồ bởi vì ông ấy tin rằng cảm xúc đóng một vai trò mạnh mẽ trong tất cả những vấn đề này và rằng cảm xúc có được khi ly hôn không hề gắn với những tính toán chặt chẽ này.
DSW: Đây là một hệ tư tưởng thích hợp với những quyền lợi to lớn, những con người và tập đoàn quyền lực, những người đơn giản chỉ biết đến bản thân. Liệu đó có phải là một nhận định sai hay không?
AK: Không, tôi nghĩ nó hoàn toàn đúng. Họ có thể sử dụng luận cứ ấy để đạt được mục đích riêng của họ. Như có một ai đó từng nói, nếu nghĩ rằng nên nói cho các doanh nghiệp, rằng sẽ làm giảm các mức thuế của họ, thì sẽ không có doanh nghiệp tỉnh táo nào tranh luận về điều đó. Thậm chí họ có thể nghĩ sâu sắc rằng có thể làm được nhiều thứ khác cho xã hội. Có một số điều là một phần của triết lý này, hoàn hảo đối với các doanh nghiệp và các nhóm lợi ích quyền lực. Ông hoàn toàn đúng. Và vì thế, họ lúc nào cũng vận động hành lang cho triết lý ấy, ủng hộ những quan điểm mà trong thực tế là vì lợi ích riêng của họ.
DSW: Như vậy, cuối cùng, "Tham lam là điều tốt" nghe có vẻ quá đơn giản, nhưng dường như tất cả việc này là đưa ra một số biện minh về mặt đạo đức cho các cá nhân hoặc doanh nghiệp khi theo đuổi các lợi ích riêng với một lương tâm trong sáng. Đó là một sự biện minh về mặt đạo đức cho "Tham lam là điều tốt", bất luận tất cả sự phức tạp và tất cả các toán học được vận dụng – đó dường như là điều được truyền lại. Liệu tôi có sai về điều này không?
John M. Keynes (1883-1946)
AK: Tôi nghĩ ông hoàn toàn đúng. Điều thú vị là nếu nhìn vào nhiều tình hình kinh tế khác nhau, giống như ngày nay, thì điều đầu tiên mà người ta sẽ nói với ông về người Hy Lạp là họ là những người có ý thức hệ khủng khiếp. Nhưng những người đối lập cũng có một ý thức hệ khác mạnh mẽ tương tự, được chứng minh bởi các loại mô hình kinh tế mà chúng ta đang xây dựng. Hãy nhớ rằng mặc dù đã có cuộc thảo luận về mức độ khó khăn thực sự trong kinh tế học lý thuyết, trong kinh tế học vĩ mô, nhưng chúng được xúc tiến một cách đơn giản như thể những khó khăn về mặt lý thuyết này đã không hề xảy ra. Tất cả các mô hình kinh tế vĩ mô vẫn đề cập đến trạng thái cân bằng, không quan tâm đến việc làm thế nào để đạt được trạng thái đó, và các đặc tính hiệu quả của nó, và v.v.. Các mô hình đó không đề cập gì đến vấn đề phân phối, cũng như vấn đề mất cân bằng. Có hai quan điểm tư duy – Keynes và tất cả những người nghiên cứu về sự mất cân bằng – đều không liên quan. Và chúng ta vẫn đang nghiên cứu vấn đề tham lam, như thể là nằm sau tất cả việc này – chúng ta không muốn gọi đó là tham lam, nhưng là một cái gì đó giống như tham lam – là điều tốt.
DSW: Tôi có thể hỏi về Ayn Rand và vai trò của bà ấy, nếu có? Một mặt, bà ấy không phải là một nhà kinh tế, bà ấy chỉ là một nhà triết học và là một nhà văn. Mặt khác, bà ấy là người hâm mộ Smith, Hayek và Friedman trong đền thờ các vị thần của thị trường tự do. Ông có bao giờ suy nghĩ về Ayn Rand không. Liệu có bất kỳ nhà kinh tế nào suy nghĩ về Ayn Rand không?
Ayn Rand (1905-1982)
AK: Đó là một ví dụ về tính hẹp hòi của tôi, tôi chưa bao giờ đọc sách của Ayn Rand, tôi chỉ đọc những gì viết về về bà ấy mà thôi. Tôi nghĩ sẽ không công bằng, giờ đây, khi đưa ra bất kỳ ý kiến ​​nào về bà ấy, bởi vì tôi không rõ về bà ấy cũng như có một số người nói về Adam Smith mà không rõ về ông ấy. Điều tôi nên làm, ở một số điểm nào đó, là đọc một số tác phẩm của bà ấy, bởi vì bà ấy luôn được trích dẫn như một nhân vật hắc ám hay như một nữ anh hùng trong đền thờ như bạn đã nói, bên cạnh Hayek và những người khác. Tôi thừa nhận sự thiếu hiểu biết của mình và không biết Rand có một quan điểm nghiêm túc nào riêng của bản thân mình hay không hoặc bà ấy chỉ là một nhân vật được nhiều người trích dẫn vì là một nhân vật nổi tiếng và dễ tiếp cận.
DSW: Tốt! Tôi muốn tóm lại vấn đề này với hai câu hỏi. Nhân tiện, phải nói đây là một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Ngày nay, ông ắt lúc nào cũng nghe nói đến mức độ mà ý thức hệ và tư duy tân tự do đang xâm lược các nước châu Âu và đang hoàn tác các hình thức quản trị đang thực sự vận hành khá tốt. Tôi đã có một thời gian dài làm việc tại Na Uy và Bắc Âu, và ở đó lúc nào cũng nghe nói về tính hiệu quả của mô hình Bắc Âu và đồng thời về việc mô hình đó đang bị thoái hóa bởi ý thức hệ tân tự do, đang lan truyền như một loại vi rút ung thư. Xin ông bình luận về điều đó – chủ nghĩa tân tự do hiện tại. Có điều gì biện minh cho nó không? Nó có lây lan không? Liệu đó là điều tốt hay điều xấu? Bất cứ điều gì ông muốn nói về chủ đề đó.
AK: Tôi nghĩ một trong những nỗi ám ảnh của các nhà kinh tế là tính hiệu quả. Chúng ta luôn luôn, bao giờ cũng lo lắng về tính hiệu quả. Thiên hạ luôn thích nói rằng việc này hiệu quả hay không hiệu quả. Luận cứ là, nếu để cho các thị trường vận hành tự do thì việc phân bổ nguồn lực sẽ hiệu quả hơn. Nỗi ám ảnh về tính hiệu quả đó đã dẫn đến việc cho rằng phải loại bỏ một số ràng buộc và hạn chế và một số kiểu trợ cấp xã hội được xây dựng trong mô hình của Scandinavia. Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa suy nghĩ cẩn thận về những hậu quả. Để tôi kể cho ông một câu chuyện mà tôi yêu thích và có lẽ không buồn cười lắm về mức độ ám ảnh bởi tính hiệu quả của các nhà kinh tế. Có ba người chơi golf; là một vị linh mục, một nhà phân tâm học, và một nhà kinh tế học. Họ rất khó chịu vì trước mặt có một anh chàng chơi golf cực kỳ chậm và còn có một nhân viên caddy giúp anh ta. Vì vậy, họ rất tức giận và bắt đầu nói to lên "Này, xin vui lòng để cho chúng tôi chơi tiếp nào! Bạn không thể làm chúng tôi lãng phí cả buổi chiều như thế!" Họ cử vị linh mục đến tìm hiểu vấn đề và ông ấy quay trở lại hoàn toàn chán nản và nói: "Các ông có biết tại sao anh chàng tội nghiệp đó chơi chậm như vậy không? Đó là bởi vì anh ấy bị mù. Tôi rất khó chịu khi mỗi chủ nhật phải rao giảng mọi người phải cư xử tốt đẹp với nhau." Ông quay sang ông bạn là nhà phân tâm học và nói "Joe, ông nghĩ như thế nào?" Joe nói: "Tôi tiếp xúc với những người như vậy đến với các buổi huấn luyện của tôi hàng tuần. Tôi cố giúp họ sống với những khó khăn của họ và ở đây tôi đang thét lên với anh chàng này. Thật kinh khủng!" Rồi họ quay sang nhà kinh tế học và nói "Fred, ông nghĩ như thế nào?" Fred nói: "Tôi nghĩ việc này hoàn toàn không hiệu quả. Anh chàng này nên chơi golf vào ban đêm!" Như ông có thể thấy, đây là một thái độ rất khác nhau về cách thức thế giới quanh ta vận hành.
Do huyền thoại về tính hiệu quả của các thị trường hoàn toàn tự do, tôi nghĩ điều đã xảy ra là lúc nào chúng ta cũng bị thúc đẩy bởi tính hiệu quả đó và khi làm như vậy, chúng ta bắt đầu làm những việc giống như – ví dụ, lúc nào cũng nghe nói rằng cần phải cải cách thị trường lao động ở châu Âu. Vì sao lại muốn cải cách chúng? Để chúng vận hành mang tính cạnh tranh hơn. Các bạn có thể giảm chi phí lao động, điều này cũng có nghĩa là giảm tiền lương. Nhưng điều đó còn có nhiều kiểu hậu quả khác, không nhận thức được. Trong một mô hình phức tạp hơn, kiểu sắp xếp đó không nhất thiết là kiểu sắp xếp theo cách mà các bạn đã chọn. Khi làm điều đó, các bạn làm cho nhiều người trở thành người lao động tạm thời. Các bạn dễ dàng thuê mướn và sa thải lao động, vì thế người lao động phải liên tục đổi việc. Khi làm điều đó, chúng ta biết rằng người sử dụng lao động không hề đầu tư thứ gì cho nguồn vốn nhân lực. Khi làm điều đó, các bạn sẽ thấy một người có thể biến mất vào ngày hôm sau – và chúng ta có rất nhiều những tổ chức cho thuê lao động tạm thời này ngày nay ở châu Âu – gửi cho bạn người lao động khi cần và đuổi họ đi khi không cần nữa. Người sử dụng lao động không tốn bất cứ điều gì về nguồn vốn nhân lực. Chúng ta đang làm giảm nguồn vốn nhân lực chung trong xã hội với một sự sắp xếp như thế. Nếu các bạn làm việc cho Toyota, Toyota biết rất rõ rằng các bạn sẽ làm việc suốt đời cho họ, vì thế họ chắc chắn đầu tư khá nhiều cho các bạn. Họ sẽ bắt các bạn làm việc chăm chỉ hơn vì điều đó, tuy nhiên đó vẫn là một sự sắp xếp ổn định hơn nhiều. Một lần nữa, ý tưởng cho rằng có người thất nghiệp là vì họ đã chọn tình trạng thất nghiệp và bằng cách cho họ một khoản trợ cấp xã hội sẽ khiến họ không làm việc – điều này đơn giản không phù hợp với thực tế. Tôi nghĩ tất cả sự phân nhánh của các biện pháp này – các hiệu ứng biên và hiệu ứng bên ngoài – tất cả điều đó không đứng vững và có một khuôn khổ rất đơn giản nói rằng "khi cạnh tranh, các bạn đã giải phóng mọi thứ." Đó là điều đang phá hoại hệ thống của châu Âu. Các hệ thống của châu Âu và của Bắc Âu vận hành khá tốt. Tình trạng thất nghiệp không cao lắm trong hệ thống của Bắc Âu. Hệ thống Bắc Âu có thể chưa hiệu quả một chút nhưng đó có thể là một xã hội mà người dân thoải mái hơn một chút, hơn là trong một xã hội mà người dân luôn lo lắng về những gì kế tiếp sẽ xảy ra với họ. Nhận xét cuối cùng của tôi là khi nói rằng" các bạn có thể loại bỏ tất cả những quy tắc và quy định của các bạn" – thì nói chung, các quy tắc và quy định đó đều có lý do để tồn tại. Một lần nữa, để sử dụng một luận cứ tiến hóa, các quy tắc và quy định đó không tự dưng xuất hiện, chúng được lựa chọn. Chúng ta thiết lập chúng bởi vì chúng ta gặp một số vấn đề, vì vậy nếu chỉ loại bỏ chúng mà không cần suy nghĩ về lý do tại sao chúng tồn tại thì điều đó không có ý nghĩa.
DSW: Đúng, nhưng đồng thời, sự điều tiết cũng giống như một sự đột biến: đối với người này thì nó có lợi, nhưng đối với hàng trăm người khác thì nó có hại. Vì thế…
AK: Ông là người Mỹ, nhiều cảm xúc! Ông tin rằng tất cả những điều tiết này đều khủng khiếp. Hãy nghĩ về các quy định không cho phép làm việc quá gần với một dây chuyền máy cưa có thể gây họa, hoặc không được phép làm việc với chất amiăng và v.v.. Những quy tắc này, theo tôi, có một lý do để tồn tại.
DSW: Vâng tất nhiên, nhưng để làm rõ quan điểm của tôi, ý tưởng về sự phi điều tiết là điều ngớ ngẩn. Đối với một hệ thống thích nghi về mặt cơ bản với môi trường, thì hầu hết các quy định có một lý do để tồn tại, như ông nói, nhưng có một điều mà mọi người cần biết về sự tiến hóa là cũng có rất nhiều thứ tạp nhạp được tích lũy. Có DNA rác và có những quy định rác. Không phải mọi quy định đều có một mục đích đúng đắn bởi vì nó tồn tại, và để thích nghi với tương lai còn có vấn đề đối với các quy định mới và phải chọn ra một quy định đúng đắn trong rất nhiều cái sai. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để xây dựng những quy định xác đáng? Biết rằng cần phải có sự điều tiết, nhưng làm thế nào để tạo ra những quy định xác đáng? Đó là thách thức của chúng ta và là thách thức của những người đánh giá cao sự phức hợp, như ông. Làm thế nào để đáp lại điều đó?
AK: Tôi nghĩ ông hoàn toàn đúng. Điều hoàn toàn rõ là khi những quy định này được tích lũy, chúng không phát triển hài hòa với nhau, vì vậy thường xuất hiện những quy định thậm chí mâu thuẫn. Điều, bây giờ và sau này, cần làm là đơn giản hóa chúng, một điều cực kỳ có lợi. Nhưng điều đó không có nghĩa là loại bỏ các quy định nói chung. Nó có nghĩa là, bằng cách nào đó, quản lý để lựa chọn chúng, và đó không nhất thiết là một quá trình tự nhiên. Ví dụ, ở Pháp ngày trước khi đến đây tôi thường mất khoảng một ngày rưỡi để kê khai thuế. Bây giờ chỉ mất khoảng 20 phút, bởi vì có một số người nhận thức được rằng có thể đơn giản hóa toàn bộ vấn đề này và các bạn có thể điền vào rất nhiều thứ trong biểu mẫu có sẵn được cấp phát. Họ có rất nhiều thông tin từ người sử dụng lao động của các bạn và v.v.. Họ đã đơn giản hóa vấn đề đến mức chỉ mất khoảng 20 phút trong một năm để làm tờ khai thuế. Trước đây thường phải mất một lượng lớn thời gian.
DSW: Quá tốt!
AK: Điều thú vị là có một số người thông minh nói rằng "hãy xem vấn đề này và xem có thể đơn giản hóa hơn nữa những quy tắc này được không, và họ đã làm. Tôi có những quan điểm đối lập, như bạn. Những điều này thường có một lý do để tồn tại, vì vậy không nên ném vứt chúng hết, mà là làm thế nào để lựa chọn chúng. Tôi không nghĩ rằng chúng có khả năng tự lựa chọn được.
DSW: Tôi sẽ sửa đổi điều mà ông đã nói. Ông nói rằng có một số người thông minh tìm ra cách để làm cho hệ thống thuế khóa vận hành tốt hơn ở Pháp. Chắc chắn đó không phải là một người thông minh duy nhất. Chắc chắn đó là một quá trình thông minh, trong đó có những con người thông minh, nhưng tôi nghĩ cần quay trở lại với ý tưởng cần đến những quy trình vận hành có hệ thống để đánh giá và lựa chọn những hệ thống mang tính thích nghi cao. Vì vậy, đó sẽ là một điều mang tính hệ thống, chứ không phải là một cá nhân thông minh.
Joseph Stiglitz (1943-)
AK: Ông hoàn toàn đúng. Tôi không nên nói cá nhân thông minh bởi vì chắc chắn điều xảy ra sẽ là có rất nhiều áp lực lên những người phải xử lý tất cả những vấn đề này, và dần dần họ cùng nhau nhận ra rằng tình trạng này đã trở thành vấn đề của họ khi không thể hoàn thành công việc trong thời hạn có hiệu lực. Vì thế phát sinh một số áp lực tập thể dẫn đến việc thành lập những ủy ban để suy nghĩ về điều này và cùng nhau giải quyết nó. Vì vậy, đó là một quá trình tự nhiên của một hệ thống, nhưng đó không phải là chính những quy tắc tự chúng lựa chọn lẫn nhau. Đó là do cả tập thể đã tiến hóa theo cách trên để làm cho hệ thống đơn giản hơn.
DSW: Không có bàn tay vô hình để giải quyết vấn đề.
AK: (cười). Joe Stiglitz thường nói rằng cũng có lúc phải cần đến một bàn tay hữu hình. Bàn tay hữu hình đôi khi cũng khá hữu ích. Ví dụ trong lĩnh vực tài chính, tôi nghĩ các bạn thực sự cần đến một bàn tay hữu hình, chứ không phải là một bàn tay vô hình.
DSW. Đây là một cách kết thúc tuyệt vời và hoàn hảo. Tôi rất hạnh phúc vì đã có cuộc trò chuyện này với ông, Alan, và được làm việc với ông tại hội nghị vừa được tổ chức và trong tương lai.
AK: Rất hân hạnh. Rất vui được trò chuyện với ông.
Alan Kirman (1939-)

Alan Kirman là giáo sư danh dự về kinh tế học tại Đại học Aix-Marseille III và tại Trường khoa học xã hội cao cấp và là thành viên của Viện Đại học Pháp (Institut Universitaire de France). Ông đỗ bằng tiến sĩ (Ph.D.) tại Đại học Princeton và là giáo sư kinh tế học tại Đại học Johns Hopkins, Đại học tự do Bruxelles, Đại học Warwick, và Viện Đại học châu Âu tại Florence, Italy. Ông được bầu là thành viên của Hội kinh trắc học và của Hiệp hội kinh tế châu Âu và đã được trao giải thưởng Humboldt tại Đức. Ông là thành viên của Viện Nghiên cứu Cao cấp tại Đại học Princeton. Ông đã xuất bản 150 bài viết trên các tạp chí khoa học quốc tế. Ông cũng là tác giả và là biên tập viên của mười hai cuốn sách, cuốn sách gần đây nhất là Complex Economics: Individual and Collective Rationality (Kinh tế học phức hợp: Tính duy lý của cá nhân và tập thể), được Routledge xuất bản vào tháng 7 năm 2010.
Ngày 12 tháng 9 năm 2015
David S. Wilson là giáo sư xuất sắc của hội SUNY về sinh vật học và nhân chủng học tại Đại học Binghamton và là Chủ tịch của hội Arne Naess về Công lý toàn cầu và Môi trường tại Đại học Oslo.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Everything You Need to Know About Laissez-Faire Economics, Evonomics, 12 September 2015
Print Friendly and PDF