8.6.16

Franco Modigliani hay chủ nghĩa Keynes xuống cấp



Franco Modigliani (1918-2003)

Franco Modigliani hay chủ nghĩa Keynes xuống cấp

Gilles Dostaler
Franco Modigliani, người khởi xướng tổng hợp tân cổ điển, cố dung hòa phân tích keynesian và kinh tế học vi mô của Walras. Với cái giá là một sự cắt xén những đóng góp sáng tạo nhất của tác giả cuốn "General Theory (Lý thuyết tổng quát)".
Franco Modigliani tự cho mình là một "nhà hiền triết" theo thuyết của Keynes.
Ban đầu, Franco Modigliani quan tâm đến y học, nghề của bố ông, bố ông qua đời khi ông mới 13 tuổi. Không chịu được cảnh phải thấy máu chảy, ông chuyển sang ngành luật học, lãnh vực mà ông đã lấy bằng tiến sĩ. Bị đe dọa sau khi chính phủ của Mussolini thông qua các đạo luật mang tính phân biệt chủng tộc, xét nguồn gốc Do Thái và các hoạt động chống phát xít của ông, ông cùng với vợ rời nước Ý vào năm 1939 để định cư tại Pháp, rồi tại Hoa Kỳ, nơi ông tiến hành các nghiên cứu về kinh tế, trong khi phải đi bán sách để kiếm sống. Ông phát hiện ra Keynes một cách phấn khởi. Ông tuyên bố, trong cuộc phỏng vấn với Arjo Klamer, rằng kinh nghiệm của cuộc suy thoái và thất nghiệp đại trà mà nó gây ra là một trong những nhân tố làm ông quan tâm đến kinh tế học: "Và rồi Keynes xuất hiện, nói rằng điều ấy không nên xảy ra"[1]. Nhưng rồi Modigliani sẽ làm cho tác phẩm của Keynes phải chịu đựng một cách xử lí đặc biệt.
Xây dựng tổng hợp tân cổ điển
Benito Mussolini (1883-1945)
John Hicks (1904-1989)
Từ luận án tiến sĩ của mình, Modigliani rút ra bài báo đầu tiên của ông, "Liquidity Preference and the Theory of Interest and Money (Ưa thích thanh khoản và lý thuyết về lãi suất và tiền tệ)". Bài viết ấy, của một tác giả 26 tuổi, là một trong những bài viết được viện dẫn nhiều nhất và có ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ XX. Cùng với một bài viết khác không kém phần nổi tiếng "Mr. Keynes and the ‘Classics’ (Ông Keynes và các nhà cổ điển)", được John Hicks công bố vào năm 1937, ông đặt những nền móng cho điều, mà một vài năm sau đó, người đồng nghiệp và bạn của Modigliani, Paul Samuelson, gọi là "tổng hợp tân cổ điển". Trong khi Keynes xem lý thuyết của ông như là một sự đoạn tuyệt với điều mà ông gọi là "lý thuyết cổ điển", thì các nhà kiến ​​trúc của tổng hợp tân cổ điển, sẽ chiếm ưu thế như là tư tưởng chính thống mới trong thời hậu chiến, nhấn mạnh đến sự liên tục giữa các luận điểm của Keynes và các luận điểm của những tác giả trước ông, đặc biệt là giữa kinh tế học vĩ mô keynesian và kinh tế học vi mô tân cổ điển được xây dựng từ công trình của Walras. Điều này kéo theo rằng phải cắt bỏ khỏi lý thuyết của Keynes một số yếu tố sáng tạo nhất, chẳng hạn như vai trò của thời gian, những dự kiến và sự bất trắc. Sự hình thức hóa và toán học hóa mô hình Keynes đi ngược lại ý muốn của người tạo ra nó.
John M. Keynes (1883-1946)
Léon Walras (1834-1910)
Modigliani phác thảo rõ dự án ấy. Đó là việc "tích hợp các yếu tố cấu thành chính của Lý thuyết tổng quát với phương pháp luận truyền thống và vững chắc nhất của khoa học kinh tế dựa trên định đề cơ bản về hành vi tối đa hóa duy lý của các tác nhân kinh tế." (Collected PapersTuyển tập, Vol. 1, trang XI). Đóng góp chính của bái báo của Modigliani là minh chứng rằng sự cứng nhắc của tiền lương là giả thuyết trung tâm để giải thích tình trạng thất nghiệp không tự nguyện trong mô hình Keynes. Với tiền lương hoàn toàn linh hoạt, điều không nhất thiết là mong muốn của Modigliani, người ta sẽ đạt được sự toàn dụng lao động. Ý tưởng này sẽ chiếm ưu thế trong cách diễn giải chính thống về Keynes. Như vậy "kinh tế học keynesian mới", rất thịnh hành ngày nay, phải tìm cách giải thích sự tồn tại của những "cứng nhắc danh nghĩa", những thứ tạo ra "những kết quả keynesian". Chúng ta ở khá xa với tầm nhìn của Keynes, người đúng ra đã muốn đặt lại vấn đề về định đề sự duy lý của một tác nhân kinh tế tối đa hóa. V lại Modigliani cũng cho rằng có một trường hợp mà ông gọi là "trường hợp keynesian", trong đó giả thuyết về sự cứng nhắc của tiền lương là điều không cần thiết. Đó chính là khi lãi suất đạt đến một mức tối thiểu, thì cầu tiền tệ sẽ trở nên vô cùng co dãn. Trong biệt ngữ keynesian, người ta gọi điều này là chiếc "bẫy thanh khoản".
Tiếp sau sự can thiệp đầu tiên trên, Modigliani đã mang lại nhiều đóng góp cho ngành công nghiệp đang tăng trưởng của kinh tế học vĩ mô keynesian, khi xây dựng những mô hình kinh trắc của nền kinh tế của Hoa Kỳ.


Một trong những khái niệm then chốt của cuốn General Theory (Lý thuyết tổng quát) của Keynes là xu hướng tiêu dùng. Keynes dựa trên ý tưởng cho rằng, khi thu nhập của một cá nhân tăng lên, thì các chi tiêu về tiêu dùng của người ấy cũng tăng lên, nhưng ở một mức thấp hơn. Nói cách khác, tỷ lệ tiết kiệm tăng khi thu nhập tăng. Tuy nhiên, những nghiên cứu thống kê, được Simon Kuznets tiến hành trong số những nghiên cứu khác, dường như bác bỏ giả thuyết trên. Trong những nghiên cứu được tiến hành cùng với sinh viên của ông, Richard Brumberg (qua đời vì bệnh ung thư ở tuổi 25), Modigliani đã tìm cách lý giải nhận định trên.
Vòng đời và đời sống các doanh nghiệp
Simon Kuznets (1901-1985)
Giải pháp có dạng của giả thuyết về vòng đời, được Modigliani và Brumberg trình bày vào năm 1954, và kể từ đó đã dẫn đến nhiều sự phát triển và vô số những kiểm định thống kê. Vấn đề, một lần nữa, là xuất phát từ giả thuyết về tính duy lý của tác nhân kinh tế. Tác nhân này tối đa hóa lợi ích của mình bằng cách phân bổ nguồn lực một cách tối ưu trong suốt cuộc đời, và bằng cách "san bằng" – để sử dụng một thuật ngữ khác của biệt ngữ kinh tế - tiêu dùng của mình. Như vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc sống năng động, một cá nhân sẽ tiêu xài nhiều hơn những gì họ kiếm được, bằng cách đi vay mượn, biết rằng thu nhập của họ trong tương lai sẽ tăng lên. Khi đó tỷ lệ tiết kiệm của họ là âm. Tỷ lệ tiết kiệm này sẽ chuyển qua dương, và sẽ tăng lên cho đến khi cá nhân đạt được thu nhập tối đa, trong những năm trước khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, họ sẽ thanh toán các khoản tiết kiệm ấy. Vì vậy, tỷ lệ tiết kiệm, trong vòng đời của một người, có hình của một chiếc chuông. Và vì vậy khoản tiết kiệm ấy, cũng như mức tiêu dùng, không được xác định bởi thu nhập hiện hành.
Merton Miller (1923-2000)
Trừ đóng góp đầu tiên của ông, Modigliani, hầu như luôn luôn cùng với một nhà nghiên cứu khác, tiến hành các công trình của ông, thường được công bố dưới hình thức các bài báo. Tại một trong những bái báo nói trên, được công bố năm 1958 và được đề cập, cũng như bài báo năm 1954, trong diễn từ nhận giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển, Modigliani và Merton Miller đã trình bày một số luận điểm đi ngược lại những ý tưởng được tiếp nhận của thời đó, đặt nền tảng cho điều được gọi là kinh tế học tài chính, kết hợp lý thuyết kinh tế thuần túy với nghiên cứu về hành vi tài chính của các doanh nghiệp. Trái ngược với những gì mà lý thuyết kinh tế truyền thống giảng dạy, một doanh nghiệp không tối đa hóa tỷ lệ lợi nhuận, mà là giá trị thị trường của họ. Giá trị này độc lập với cách thức mà doanh nghiệp tài trợ cho nguồn vốn của họ, đặc biệt tỷ lệ giữa tài sản nợ và phát hành cổ phiếu. Nó bắt nguồn từ các nguồn thu nhập được tạo ra bởi các tài sản có. Một doanh nghiệp có tài sản nợ cao có thể có một giá trị thị trường cao hơn một doanh nghiệp hoạt động thận trọng hơn. Tương tự, việc một doanh nghiệp sử dụng các khoản lợi nhuận của họ, tỷ lệ mà doanh nghiệp phải trả dưới dạng cổ tức, không ảnh hưởng đến giá trị thị trường của họ.
Milton Friedman (1912-2006)
Robert Solow (1924-)
Tự cho mình, cùng với những người bạn của ông như Solow, Samuelson, Tobin hay Heller, là một "nhà hiền triết" theo thuyết Keynes (wise Keynesian), Modigliani thường đối lập với những người theo thuyết trọng tiền và, sau này, với những nhà kinh tế học cổ điển mới, mà ông cáo buộc tính giáo điều và hung hăng của họ. V lại ông cũng mô tả sự nổi lên của kinh tế học vĩ mô cổ điển mới như là một chính biến cung đình trong lòng của chủ nghĩa trọng tiền. Ông cho rằng hố sâu giữa chủ nghĩa Keynes và chủ nghĩa trọng tiền mang tính chính trị và ý thức hệ hơn là lý thuyết. Ông thừa nhận một số phê phán của Friedman và một số tác giả khác đối với lý thuyết keynesian, lưu ý rằng họ cũng sử dụng mô hình IS-LM[2].
Những khác biệt chính trị
Arjo Klamer (1953-)
Silvio Berlusconi (1936-)
Sự khác biệt cơ bản giữa hai nhóm liên quan đến thái độ của họ đối với chính sách bình ổn. Trong diễn từ nhậm chức chủ tịch Hiệp hội Kinh tế của Mỹ (1977), Modigliani tuyên bố rằng, đối với những nhà phi trọng tiền, thì một nền kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân có thể được bình ổn và phải được bình ổn bằng những chính sách tiền tệ và tài khóa. Trái lại, những người theo thuyết trọng tiền thì cho rằng không cần thiết phải bình ổn một nền kinh tế; rằng ngay cả khi cần thiết, thì cũng không nên làm điều đó, bởi vì các chính sách bình ổn có khả năng làm tăng thêm sự bất ổn; cuối cùng, ngay cả khi những chính sách này có hiệu quả, thì cũng không nên giao phó trách nhiệm này cho các chính phủ: "Friedman tin rằng mọi thứ mà chính phủ làm đều xấu cả. Ông có một sứ mệnh phải hoàn thành và ông có vẻ sẵn sàng hy sinh một phần sự trung thực trí tuệ của ông để đạt được điều đó" (phỏng vấn của Arjo Klamer, trang 164).
Modigliani thường can thiệp vào những công việc của quê hương ông, công bố ở đó nhiều bài báo. Năm 2003, ông đã ký tên cùng với Samuelson và Solow gửi một bức thư ngỏ đến tờ New York Times (Thời báo New York) phản đối quyết định đáng ngạc nhiên của một tổ chức đấu tranh chống chủ nghĩa bài Do Thái, Anti-Defamation League (Liên đoàn chống phỉ báng), trao một giải thưởng cho Silvio Berlusconi, Chủ tịch Hội đồng của Italia.
Franco Modigliani qua vài năm tháng
1918: Sinh tại Rome, ngày 18 tháng 6.
1939: tiến sĩ Luật tại Đại học Rome. Định cư tại Pháp, sau đó tại Hoa Kỳ.
1944: Liquidity Preference and the Theory of Interest and Money (Ưa thích thanh khoản và lý thuyết về lãi suất và tiền tệ).
1944: Tiến sĩ Kinh tế tại trường New School for Social Research, nơi ông giảng dạy từ năm 1943 đến 1948.
1949-1952: Giáo sư tại Đại học Illinois.
1949-1954: tư vấn cho Ủy ban Cowles, trung tâm nghiên cứu chính về kinh trắc học.
1952-1960: Giáo sư tại Viện Công nghệ Carnegie.
1953: đồng tác giả với Hans Neisser, National Income and International Trade (Thu nhập quốc dân và thương mại quốc tế).

1954: đồng tác giả với R. Brumberg, Utility Analysis and the Comsumption Function: an Interpretation of Cross-Section Data (Phân tích lợi ích và hàm tiêu dùng: một diễn giải các dữ liệu theo lớp cắt cùng thời).
1956: Problems of Capital Formation: Concepts, Measurements and Controlling Factors (Những vấn đề của việc hình thành vốn: Các khái niệm, đo lường và nhân tố kiểm soát).
1958: đồng tác giả với Merton H. Miller, The Cost of Capital, Corporation Finance and the Theory of Investment (Chi phí vốn, tài chính doanh nghiệp và lý thuyết đầu tư).
1960: đồng tác giả với Charles C. Holt, John F. Muth và Herbert A. Simon, Planning Production, Inventories et Work Forces (Hoạch định sản xuất, tồn kho và lực lượng lao động).
1960-1962: Giáo sư tại Đại học Northwestern.
1962-1988: Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts.
1962: Chủ tịch Hiệp hội kinh trắc học.
Albert Ando (1929-2002)
1963: The Monetary Mechanism and Its Interaction with Real Phenomena (Cơ chế tiền tệ và sự tương tác với các hiện tượng thực). Đồng tác giả với Albert K. Ando, ​​The Life Cycle Hypothesis of Saving: Aggregate Implications and Tests (Giả thuyết về vòng đời tiết kiệm: Những hàm ý tổng gộp và kiểm định).
1964-1972: tư vấn cho Bộ trưởng Tài chính.
1965: đồng tác giả với Albert K. Ando, ​​The Relative Stability of Monetary Velocity and the Investment Multiplier (Tính ổn định tương đối của vận tốc tiền tệ và số nhân đầu tư).
1975: The Life Cycle Hypothesis of Saving Twenty Years Later (Giả thuyết về vòng đời tiết kiệm hai mươi năm sau).
1976: Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế của Mỹ.
1977: The Monetarist Controversy or, Should we Forsake Stabilization Policies? (Bút chiến với phái trọng tiền hay, có nên từ bỏ các chính sách bình ổn?)
1981: Chủ tịch Hiệp hội Tài chính của Mỹ.
1983: Chủ tịch danh dự của Hiệp hội kinh tế quốc tế.
1985: Life Cycle, Individual Thrift, and the Wealth of Nations (Vòng đời, tiết kiệm cá nhân, và sự giàu có của các quốc gia).

1985: được trao giải thưởng về khoa học kinh tế của Ngân hàng Thụy Điển để tưởng nhớ Alfred Nobel.
1986: The Debate Over Stabilization Policy (Cuộc tranh luận về chính sách bình ổn).
1994: đồng tác giả với Frank J. Fabozzi và Michael G. Ferri, Foundations of Capital Markets and Institutions (Nền tảng của thị trường vốn và các thể chế).
2003: qua đời ngày 25 tháng 9 tại Cambridge, Massachusetts.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Modigliani
The Collected Papers of Franco Modigliani, MIT Press, 5 vol., 1980-1989.
Planification de la production, des stocks et de l’emploi, avec Charles C. Holt, John F. Muth et Herbert A. Simon, Dunod, 1964.
“Entretien”, dans Entretien avec des économistes américains, par Arjo Klamer, Le Seuil, 1988, pp. 157-172.
Những tác phẩm viết về Modigliani
Monnaie, taux de l’intérêt et revenu. Des analyses de Modigliani, de Hicks et de Hansen à une nouvelle idée de synthèse, par Gianluigi Socchi, Castella, 1977.
Macroeconomics and Finance. Essay in Honor of Franco Modigliani, par Rudiger Dornbusch, Stanley Fishier et John D. Bossons (dir.), MIT Press, 1987.
Franco Modigliani: Between Economic Theory and Social Commitment”, Banca Nazionale del Lavoro Quarterly Review no 233-234, vol. 18, juin-septembre 2005.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Franco Modigliani ou le keynésianisme édulcoré” của G. Dostaler trong Alternatives Economiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012




[1] Entretien avec des économistes américains (Cuộc phỏng vấn với các nhà kinh tế học người Mỹ), tr. 160.

[2] Một biểu trưng đơn giản về sự vận hành của một nền kinh tế tuân theo các nguyên lý của Lý thuyết tổng quát.

Print Friendly and PDF