15.12.15

Karl Polanyi: nhà tiên tri về sự kết thúc của nền kinh tế tự do

Karl Polanyi (1886-1964)

Karl Polanyi: nhà tiên tri về sự kết thúc của nền kinh tế tự do

Sự quan tâm đối với sự nghiệp của Karl Polanyi đã được củng cố với sự đăng quang của tiến trình toàn cầu hóa theo kiểu tân tự do, và nó còn có thể tăng thêm do thảm họa mà điều này đã gây nên. Năm 1944, cuốn “Cuộc Đại Biến Chuyển” giải thích những khó khăn mà chủ nghĩa tư bản đã gặp phải giữa hại cuộc thế chiến. Đặc biệt các khó khăn này là hệ quả của xu hướng thiết lập một thị trường tự điều tiết từ thế kỷ thứ 19. Xã hội đã phản ứng đối với xu hướng này để chống đối nó. Polanyi dự kiến sẽ có một sự tái cấu trúc của nền kinh tế và của xã hội thông qua sự kế hoạch hóa xã hội, nhưng ông lại không dự đoán được sự phục hồi của nền kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Mỹ. Sau đó thì ông lại chuyên tâm đến nền kinh tế tiền công nghiệp, cả trên phương diện hình thức lẫn bản chất. Sau này, khái niệm lồng kết [encastrement - tiếng Pháp; embeddedness - tiếng Anh] đã trở thành trung tâm trong sự xuất hiện của một xã hội học kinh tế mới. Ngày nay, sự phân tích này của Ông về chủ nghĩa tư bản tài chính trước đệ nhất thế chiến và thảm họa giữa hai cuộc thế chiến đã tỏ ra thật sự rất thích đáng.
Chú thích của tác giả
Chris Hann (1953-)
Bài này lấy nguồn cảm hứng một cách tự do từ cuộc nghiên cứu mà tôi đã cùng làm với Chris Hann với tư cách là chủ biên của một tập tiểu luận phê phán về “Polanyi, Thị trường và xã hội, cuộc Đại Biến Chuyển ngày hôm nay” (Hann và Hart 2009). Tôi cũng đã học được rất nhiều điều khi cộng tác với Jean Louis Laville (2006, n.d.). Một tập quan trọng các tiểu luận về Polanyi cũng mới được xuất bản bằng tiếng Pháp: “Với Karl Polanyi, chống lại xã hội thuần túy thương mại”. Sự xuất bản tuyển tập này trùng hợp với hội thảo “Khám phá lại Polanyi” tổ chức tại Paris. Một hội thảo cũng sẽ được tổ chức tại Montréal vào tháng 12 năm 2008 nhân dịp kỉ niệm 20 năm Viện Polanyi. Về những công trình mang tính cá nhân, xin xem McRobbie và Polanyi Levitt (2000). Stanfield (1984) đã khảo sát các chiều kích triết lý và kinh tế của tư tưởng của Polanyi. Halperin (1984) đã nhấn mạnh đến cái nợ của Polanyi đối với Marx, trong khi Isaac (2005) cho chúng ta một sự đánh giá khách quan về sự nghiệp của Polanyi và vị thế của nó hiện nay.       
============================================
Karl Polanyi (1886-1964), nhà văn và giáo sư gốc Hungary, đã sống ở Trung Âu và Anh trước khi di cư sang Mỹ trong Đệ Nhị Thế Chiến. Ông là tác giả của một phê phán xuất sắc và mạnh mẽ xu hướng tự do muốn đặt thị trường ở trung tâm của con người và xã hội, một hiện tượng mà ta có thể gọi là “chủ nghĩa bảo thuần buôn bán” [intégrisme marchand]. Trong “Cuộc Đại Biến Chuyển” (1944; 1983 bản tiếng Pháp)[1], Ông coi nền tư bản công nghiệp của thế kỷ thứ 19 và hình tượng mang tính ý thức hệ của nó trong kinh tế chính trị học tự do đã đánh dấu một sự đứt đoạn cơ bản trong lịch sử nhân loại, một sự đứt đoạn mà hậu quả tệ hại là sự sụp đổ của nền văn minh thế giới trong nữa bán thế kỷ đầu của thế kỷ 20. Bằng cách đặt “thị trường tự điều tiết” ở trung tâm của sự phân tích của mình, Polanyi đã không tiến đoán được sự phục hưng của nền kinh tế thị trường sau chiến tranh trong một khuôn khổ xã hội-dân chủ. Nhưng ngày nay tư tưởng của Ông tìm thấy lại một tính thời sự đặc biệt khi mà cuộc thử nghiệm tân tự do, vốn chứa đựng rất nhiều những đặc tính của nền tư bản buôn bán của thế kỷ thứ 19 đang phải đối đầu với những mâu thuẩn của chính nó.              
Carl Menger (1840-1921)
Sau chiến tranh, ở Mỹ, Polanyi đã làm việc với những đồng nghiệp để nêu bật những giới hạn của kinh tế học tân cổ điển được xem như là lý thuyết phổ cập của nền kinh tế của con người. Ông đã không còn tấn công trực diện các nhà kinh tế học, có vẻ như là tự thỏa mãn với một sự phân công mang tính hàn lâm, trao lại cho họ [nhà kinh tế học] ưu thế trong việc nghiên cứu các xã hội công nghiệp và để lại các xã hội khác cho các nhà nhân học và sử học. Ông đã xây dựng một cách tiếp cận “các phương thức hội nhập” của nền kinh tế trong đó thị trường cùng tồn tại với những nguyên lý khác, đặc biệt tính hỗ tương và sự tái phân phối. Bằng cách thổi một luồng sinh khí mới cho sự phân biệt mà Carl Menger đã thiết lập giữa các quan điểm “hình thức” và “thực chất” của kinh tế học, Ông đã gây ra một cuộc tranh cải trọng đại trong lĩnh vực nhân học kinh tế để đạt tới tầm của một nhân vật tượng trưng cho thời đại hoàng kim của ngành này trong những năm cuối đời Ông. Ông đã thực hiện một số công trình nghiên cứu thứ yếu nhưng cũng tương đối quan trọng về vùng Tây Phi và về Hy Lạp Cổ Đại, luôn tìm cách đạt đến một sự phân tích rõ ràng hơn khi định nghĩa những giới hạn cho tham vọng đạt đến tính phổ cập của kinh tế học thống trị. Ý tưởng của Polanyi theo đó nền kinh tế được lồng kết vào các định chế xã hội đã trở thành một nền tảng của xã hội học kinh tế (Beckert 2009) trong những thập niên vừa rồi. Theo Ông, dự án không tưởng nhằm “phá vở sự lồng kết” (désencastrer) của nền kinh tế thị trường vào xã hội dẫn đến  “hai xu hướng vận động”, có nhiều nhóm hay giai cấp đã phản ứng lại để bảo vệ những lợi ích của xã hội chống lại thị trường. Cách tiếp cận đa dạng của Ông về các định chế kinh tế, dựa trên sự từ chối các thuyết bảo thuần (intégrismes), dù là ở phía tả hay phía hữu, đã lôi cuốn một nhóm không ngừng lớn mạnh bao gồm những môn đồ mong muốn thoát ra khỏi sự bế tắc gắn liền với sự thống trị của thuyết tân tự do trên nền kinh tế thế giới trong suốt ba thập niên.                              
Cuộc Đại Biến Chuyển, về nguồn gốc chính trị và kinh tế của thời đại của chúng ta (Polanyi 1944; 1983 bản tiếng Pháp) được mở đầu với bản tường thuật về cách thức mà xã hội toàn cầu được xây dựng vào thế kỷ thứ 19 – một xã hội được Polanyi xem như là đổ nát vào thời điểm mà Ông viết, một nhận định không phải là không có lý do. Ông đã nhận diện bốn cột trụ của nền văn minh đó, mà mỗi cột đã sụp đổ trong thời đại mà Winston Churchill gọi là “Cuộc chiến ba mươi năm thứ hai” (1914-1945): hệ thống cân bằng giữa các cường quốc đã phát sinh ra một thế kỷ hòa bình ở Châu Âu; bản vị vàng quốc tế; thị trường tự điều tiết, và nhà nước tự do. Ông đã đồng hóa sự quan tâm đối với hòa bình với cái mà Ông gọi là nền tài chính cao cấp[2], một định chế duy nhất theo kiểu của nó [sui generis], nét đặc thù của phần thứ ba cuối của thế kỷ 19 và phần thứ ba thứ nhất của thế kỷ 20 vốn là mối liên hệ chính giữa tổ chức chính trị và tổ chức kinh tế của thế giới trong suốt thời điểm đó (1944: 10). 
Bản vị vàng quốc tế “chỉ thể hiện một mưu toan mở rộng hệ thống thị trường nội địa ra tầm quốc tế”; hệ thống quân bình các thế lực là một siêu cấu trúc dựa trên cơ sở của nền móng này và sự sụp đổ của bản vị vàng “là nguyên nhân trực tiếp của cơn thảm họa (ibid: 3). Thị trường tự điều tiết là “cội nguồn và ma trận của hệ thống”; nó đã “tạo ra một sự sung túc vật chất chưa từng có”, nhưng nó lại mang tính không tưởng khi đeo đuổi một chu trình tự chủ của các hàng hóa và tiền bạc. Nhân danh quyền tự do của thị trường, Nhà nước tự do đã ép buộc tất cả các lợi ích khác của xã hội phải phục tùng quyền tự do của tư bản – một tên khác của tiền tệ.       
Polanyi không có tham vọng làm nghiên cứu lịch sử: “điều mà chúng tôi tìm không phải là một chuỗi có tính thuyết phục các biến cố nổi bật, mà chỉ là một sự giải thích những gì mà các biến cố hướng đến về mặt định chế” (ibid: 4). Ông đã tập trung vào cái lõi công nghiệp của nền văn minh của thế kỷ thứ 19, và đặc biệt là Anh. Bên cạnh sự lớn mạnh của thuyết bảo thuần thị trường (intégrisme de marché), Ông đã coi nhẹ vai trò của cuộc cách mạng quan liêu vào cuối thế kỷ thứ 19 đã, cùng vói các xã hội, giúp các chính phủ khuyến khích nền sản xuất và tiêu thụ đại chúng. Trong sách đã dẫn, Ông đề cập rất ít về Mỹ và Nga, mặc dù Ông công nhận sự lớn mạnh của các nước này đang trở thành những cường quốc trong giai đoạn này. Ông càng nói ít hơn nữa về cách thức mà một xã hội toàn cầu “kỳ thị chủng tộc” được xây dựng thông qua chủ nghĩa thực dân. Ông quan tâm nhiều hơn đến những hậu quả của tiến trình làm cho chính bản chất của nhân loại biến thành hàng hóa, ngay trong thiên nhiên và trong xã hội, với những cái mà Ông gọi là “sản phẩm ảo”. Đất đai, lao động và tiền tệ đều cốt yếu cho hệ thống công nghiệp; và do đó nó phải được mua và bán, nhưng nó lại hoàn toàn không được dành cho việc mua bán. Lao động là một sinh hoạt của con người tạo nên chính cuộc sống; đất đai cũng chỉ là từ khác để chỉ thiên nhiên; và “tiền tệ thực tế cũng chỉ là một vật thế chấp cho sức mua thường hoàn toàn không được sản xuất ra, mà chỉ tồn tại được nhờ cơ chế của các hoạt động ngân hàng hay của nền tài chính công” (ibid: 72). Ở đây Polanyi còn gần như gợi ý rằng một thị trường tiền tệ tự do đòi hỏi việc mua và bán chính xã hội.              
Polanyi phân biệt các hình thái “vật thế chân” và “hàng hóa” của tiền tệ, những nhãn hiệu mà tôi đã mượn để phân tích hai khía cạnh của vấn đề được xem như là tượng trưng cho thế đôi Nhà nước/Thị trường (Hart 1986). “Tiền tệ vật thế chân” (argent gage) đã được xây dựng để tạo điều kiện dễ dàng cho thị trường trong nước, còn “tiền tệ hàng hóa” (argent marchandise) là cho hoạt động ngoại thương; nhưng cả hai hệ thống thường lại xung đột với nhau. Thật vậy, chế độ bản vị vàng đôi khi đã tạo áp lực để ép giá các sản phẩm nội địa, tạo nên một sự giảm phát chỉ có thể được chặn đứng bởi sự tăng trưởng cung tiền tệ của các ngân hàng trung ương, bằng nhiều cách khác nhau. Sự căng thẳng giữa hai chiều kích nội và ngoại của nền kinh tế đã dẫn đến một sự rối loạn của nền thương mại (ibid: 193 - 4). Một cách khác để trình bày mâu thuẫn này là đối lập định nghĩa tự do về tiền tệ, chỉ là một “phương tiện trao đổi”, với một định nghĩa tiền tệ như là “một phương tiện thanh toán”. Như vậy tiền tệ không phải là một sản phẩm, mà là một sức mua; hoàn toàn không mang một lợi ích gì do chính bản thân của nó, tiền tệ chỉ là một thẻ tiêu biểu cho một quyền lợi được định lượng trên những sản phẩm có thể được mua. Thật rõ là một xã hội trong đó sự phân phối tùy thuộc vào sự sở hữu những vật thế chấp cho sức mua là một sự thiết kế hoàn toàn khác với một nền kinh tế thị trường (ibid: 196). 
Như vậy sự sụp đổ chung cuộc của bản vị vàng quốc tế đã là một trong những hậu quả của mưu toan tai hại để tách rời hình thái “hàng hóa” của tiền tệ với hình thái “vật thế chân” của nó. Trong một cuộc tranh luận gay gắt về cơn khủng hoảng kinh tế năm 1930, mà một vài khía cạnh làm ta nghĩ đến nền kinh tế thế giới hiện nay, Polanyi đã nhấn mạnh đến sự chia cắt giữa hệ thống tiền tệ và nền thương mại. Các hạn chế trên nền thương mại càng mạnh thì tiền tệ lại càng ngày càng tự do: chỉ trong một giờ, tiền tệ ngắn hạn có thể được chuyển từ một địa điểm này của quả cầu đến một địa điểm khác; những quy định được chuẩn hóa đã được áp dụng cho các thể thức thanh toán quốc tế giữa các chính phủ và giữa các xí nghiệp và các tư nhân …. Ngược lại với con người và của cải, tiền tệ hoàn toàn thoát khỏi các cản trở và khả năng mà nó có để làm kinh doanh đã tiếp tục phát triển, hoàn toàn không tùy thuộc vào những gò bó về không gian và thời gian. Nếu việc di chuyển các vật cụ thể ngày càng khó thì việc truyền những yêu sách về những vật này lại càng ngày càng dễ …. Tính linh hoạt và thiên hướng phổ cập càng mạnh của cơ chế tiền tệ quốc tế bù lại một phần nào cho những kênh ngày càng bị hạn chế của nền thương mại thế giới …. Sự tan rã của xã hội đã được tránh nhờ vào các hoạt động tín dụng; sự mất cân bằng kinh tế đã được điều chỉnh với những phương tiện tài chính.          
Nhưng sau cùng, các phương tiện chính trị nhằm điều chỉnh sự mất cân bằng đã thắng thế trước những giải pháp của thị trường mà kết quả là cuộc chiến tranh.
Cuộc Đại Biến Chuyển là một tác phẩm mang tính tiên tri, và, nói chung, lời tiên tri đã không thành sự thật. Đúng là những năm 1940 đã chứng kiến một cuộc cách mạng toàn cầu; nhưng kết quả tức thì đã không được Polanyi dự kiến. Cuộc cách mạng chống thực dân chống lại đế quốc Âu Châu đã đi kèm với một sự tăng trưởng trở lại của thị trường thế giới dưới sự bá chủ của Mỹ, một sự tăng trưởng được sự bành trướng của các dịch vụ công ở các nước công nghiệp chính nuôi dưỡng. Thế nhưng sự quan tâm đối với sự nghiệp của Polanyi chưa bao giờ mạnh như hiện nay, và điều này có thể gắn liền với giá trị của nó trong bối cảnh hiện nay của cơn khủng hoảng của nền kinh tế thế giới. Các nhà tiên tri không chỉ đề cập đến tương lai; họ còn tiết lộ những sự thật được giấu kín về thế giới, và thường làm cho những điều này trở thành một nguồn cho tư tưởng cách mạng và một cảm hứng cho các phong trào xã hội (Graeber 2008). Về ba thập niên vừa rồi đã chứng kiến sự tái diễn của kịch bản “thị trường tự điều tiết” và cũng có thể của sự bắt đầu của sự kết thúc, cái nhìn của Polanyi cung cấp một viễn tưởng về những nguồn gốc chính trị và kinh tế của thời đại chúng ta. Thời vận của Polanyi còn có thể đến trong tương lai.                        
Max Weber (1864-1920)
Năm 1957, Polanyi cùng với hai đồng nghiệp (Conrad Arensberg và Harry Pearson) trong một dự án liên ngành cùa Quỹ Ford (dự án đã được xây dựng để bảo đảm cho Polanyi có được một việc làm được trả lương sau khi đã về hưu) đã viết một tập tiểu luận, “Thương mại và thị trường của các đế chế trước đây: các nền kinh tế trong lịch sử và lý thuyết”. Trong tuyển tập, có hai bài của chính Polanyi, trong đó có bài về: “Kinh tế như là một tiến trình được định chế hóa” (Polanyi 1957) đã gây một ảnh hưởng rất lớn, ít nhất là trong nhân học. Từ “kinh tế” có hai nghĩa đã được hợp nhất trước đây: một nghĩa hình thức và một nghĩa thực chất - một sự phân biệt theo kiểu của Kant mà Polanyi đã mượn của Menger, tuy rằng Max Weber (1978: 85-86) và biết bao nhiêu người khác cũng đã sử dụng nó. Ý nghĩa thứ nhất dựa trên mối tương quan “phương tiện - cứu cánh”, tức là tiến trình tâm trí để tiết kiệm, trong khi ý nghĩa thứ hai liên quan đến việc có những sự xếp đặt để thỏa mãn những điều ước mong vật chất. Trong một phiên bản các tác phẩm của Ông được xuất bản sau khi Ông mất, Menger, một trong những người khởi xướng cho cuộc cách mạng cận biên đã gợi ý rằng kinh tế có thể theo bất cứ hướng nào dựa trên những giả định khác nhau một cách cơ bản: một giả định phản ánh sự cần thiết phải lựa chọn trong một tình huống khan hiếm; giả định kia, mà Ông (Menger) gọi là “kỹ thuật-kinh tế”, đáp ứng những yêu cầu của sự sản xuất vật chất mà không quan tâm đến sự dồi dào hay khan hiếm của các phương tiện có sẵn (Laville n.d.). Ông cho rằng hai cách tiếp cận này về sự phát triển nền kinh tế của nhân loại là chủ yếu và cơ bản. Những người nối nghiệp Ông trong thuyết kinh tế tân cổ điển, đặc biệt là Friedrich von Hayek, được che chở bởi sự thiếu vắng bản dịch tiếng Anh của ấn bản các tác phẩm của Menger sau khi Menger đã qua đời, đã lựa chọn việc dành ưu tiên cho lý thuyết về giá cả của Menger và như vậy đã giới hạn cách tiếp cận của Menger thành một cách tiếp cận thuần hình thức.              
Friedrich von Hayek (1899-1992)
Polanyi cho rằng sự giới hạn này của trường của tư duy kinh tế học sẽ dẫn đến sự đứt đoạn hoàn toàn giữa kinh tế học và cuộc sống. Phần lớn các xã hội tiền công nghiệp đều được những định chế bảo đảm cho sự sống còn của tập thể; nhưng các xã hội công nghiệp lại có một nền kinh tế phi địa phương hóa, đó chính là “thị trường”, trong đó quyền quyết định cá nhân thống trị. Đề xuất theo đó các nhà nhân học và sử học chỉ nên quan tâm đến những nền kinh tế phi tư bản chủ nghĩa và dành nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại cho các nhà kinh tế học, có vẽ rất cuốn hút vào thời điểm đó và đã dẫn đến cái mà sau này được gọi là “cuộc tranh luận hình thức-thực chất chủ nghĩa” (le débat formaliste - substantiviste) (Leclair và Schneider 1968), môt bản sao của “Cuộc tranh cãi về phương pháp luận” (Methodenstreit) ở Đức và Áo vào cuối thế kỹ thứ 19.           
Karl Polanyi là một trí thức công bất trị đã làm báo nhiều hơn là làm giáo sư đại học. Ông là một nhà sử học trong thâm tâm, và sự cảm nhận rất nhạy bén của Ông đối với văn học làm cho các tác phẩm hay nhất của Ông mang một sự linh hoạt đáng ghi nhớ. Ông quan tâm đến sự biến đổi lịch sử có thực chất hơn là đến những tư biện của cái lý tính trừu tượng và hình thức. Một quan niệm đặc biệt về những gì tạo ra tính nhân bản của tất cả chúng ta là nền tảng của sự nghiệp của Ông; nhưng Ông lại muốn tìm kiếm những sơ đồ tổng quát hơn là những định luật phổ quát. Thật là dễ để khẳng định rằng đóng góp của Ông cho sự hiểu biết hiện đại về xã hội tương đối không có tính hệ thống và không rõ ràng; tuy nhiên, thay vì bị lãng quên, ảnh hưởng của Ông nay có vẽ như là lớn hơn bao giờ hết.        
Mark Granovetter (1943-)
Polanyi chưa bao giờ phủ nhận tính hữu ích của thị trường để phân phối một số của cải và dịch vụ. Điều mà Ông lên án là việc tôn “thị trường tự điều tiết” lên thành nguyên lý thống trị, và giá cả quá cao mà giai cấp công nhận đã phải gánh chịu cho tình trạng này. Chủ nghĩa tự do của chủ trương tự do kinh doanh không phải là hệ luận tất yếu và “tự nhiên” của chủ nghĩa công nghiệp: trong một chừng mực nhất định cụm từ “thị trường tự điều tiết” là không thích hợp, thậm chí còn là ảo tưởng, vì chế độ này chỉ có thể xuất hiện và được tái sản xuất nhờ vào những sự can thiệp đặc biệt của Nhà nước. Cùng lúc, sự thống trị của chế độ này đã bị một số phong trào ngay trong xã hội đặt thành vấn đề, những nạn nhân của chủ nghĩa tự do tìm cách tự bảo vệ chống lại những hậu quả của nó. Chẳng hạn Phong trào Hiến Chương Nhân Dân (People’s Charter)[3] là phong trào đầu tiên qua đó các người lao động tìm cách tự bảo vệ chống lại các cơ chế thị trường. Như vậy ta thấy thị trường đã lồng kết một cách sâu sắc theo hai nghĩa: trước hết là sự lệ thuộc đối với Nhà nước và sau đó, cũng giống như một số hình thái trao đổi khác, là sự kết hợp của thị trường với một loạt định chế xã hội, trong đó có một vài định chế được thành lập rõ ràng để chống lại những lực của thị trường được xem như là phi cá nhân và “tự nhiên”. Polanyi đôi khi đã xem nhẹ các xu hướng này khi xem chủ nghĩa tự do của thuyết tự do kinh doanh như là một xã hội đã “phá vỡ sự lồng kết” (désencastrée). Cách tốt nhất để nắm bắt khái niệm này về xã hội thị trường có lẽ là xem nó như là một loại hình lý tưởng. Thật ra Ông chống lại “chủ nghĩa bao thuần thị trường”.                    
Jens Beckert (1967-)
Mới đây Jens Beckert cho thấy rằng những ý tưởng của Polanyi đã thấm vào xã hội học kinh tế, một lãnh vực hiện đang phát triển nhanh, như thế nào: sự quan tâm đang tăng trở lại của xã hội học đối với việc nghiên cứu các định chế cơ sở của các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa hiện đại, và đặc biệt là các thị trường, có thể không làm ta ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khái niệm chủ yếu được áp dụng trong ngành xã hội học kinh tế mới không bắt nguồn từ các nhà xã hội học kinh điển – Max Weber, Emile Durkheim, Georges Simmel hay Karl Marx. Bản “tuyên ngôn sáng lập” ngành xã hội học kinh tế mới, bài của Mark Granovetter (1985), “Hành vi và cơ cấu xã hội – vấn đề của sự lồng kết” đã được xây dựng xung quanh khái niệm của Polanyi. Từ ngày được xuất bản, bài này là trọng tâm của xã hội học kinh tế mới. Hầu hết các bài gắn với xã hội học kinh tế mới đều nêu sự “lồng kết” như là khái niệm trung tâm xác định một cách tiếp cận xã hội học về kinh tế. Rất ít nhà xã hội học kinh tế có thể phủ nhận rằng “từ nay, chúng ta đều là môn đệ của Polanyi” (Beckert 2009)        
David Harvey (1935-)
Beckert tiếp tục bày tỏ rằng ý đồ cấp tiến của sự trình bày độc đáo của Polanyi rốt cuộc đã bị mất đi một phần lớn trong cái, nói cho cùng, cơ bản cũng chỉ là một ngành chuyên môn của Mỹ mang tính bảo thủ. Ý tưởng (của Polanyi) thường bị rút gọn để chỉ nhấn mạnh đến vai trò của các mạng xã hội trong các thị trường lao động và hiệp hội thương mại. Nhưng vẫn còn một sự tranh chấp giữa một bên là lập trường khẳng định rằng “thị trường tự do” ngày càng “phá được thế lồng kết” (désencastrée) để thoát khỏi sự kiểm soát chính trị và một bên là lập trường thừa nhận rằng trên thực tế “thị trường tự do” vẫn còn bị “lồng kết” vào những tiến trình chính trị vốn đã bị ý thức hệ tự do làm cho chúng trở nên vô hình. Nhà địa lý học mác xít David Harvey (2005) đã dùng những thuật ngữ “chủ nghĩa tự do lồng kết” (libéralisme encastré) và “chủ nghĩa tự do đã phá vỡ thế lồng kết” (libéralisme désencastré) để chỉ sự đồng thuận về Nhà Nước Phúc Lợi vào thời hậu chiến và vào thời kỳ tân tự do, thế nhưng một số người khác lại có thể cho rằng giai đoạn trước [tức thời hậu chiến] lẽ ra cần được mô tả bằng cụm từ “nền dân chủ xã hội” thì đúng hơn là một loại hình của chủ thuyết tự do. Chúng ta cần phải làm rõ những sự mơ hồ này. Điều chắc chắn là tư tưởng của Polanyi đã được khẳng định một cách muộn màng trong sự phân tích xã hội về chủ nghĩa tư bản hiện đại.            
Jean Louis Laville
Từ những năm 1980, cả những kỹ thuật theo chủ thuyết của Keynes lẫn những kỹ thuật xã hội chủ nghĩa truyền thống về quản lý kinh tế đều bị mất uy tín và bị quét sạch. Hệ tư tưởng tân tự do đã chiếm chỗ của những kỹ thuật này, vượt rất xa nguyên mẫu chủ thuyết tự do trong sự bảo vệ những tính năng ưu việt của thị trường. Chính vì vậy mà rất nhiều chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau tìm thấy nguồn cảm hứng trong sự nghiệp Polanyi. Chẳng hạn như nhà kinh tế học Eric Helleiner (2000) khi Ông khẳng định rằng sự bành trướng ấn tượng của tư bản tài chính trong những thập niên vừa rồi hoàn toàn giống hiện tượng đã được Polanyi nhận diện, và do đó một sự phê phán theo mô hình của Polanyi hoàn toàn hợp lý. Kèm theo sự toàn cầu hóa hiện nay của chủ nghĩa tư bản thị trường là một xu hướng tương tự ở cấp độ các phong trào xã hội. Từ nay xã hội không tự bảo vệ mình thông qua sự thành lập những công đoàn trong khuôn khổ một Quốc gia-dân tộc, mà với những mạng lưới xuyên quốc gia những nhà hoạt động phản kháng lại quyền lực của những nước thuộc Nhóm G8. Chắc hẳn là Polanyi sẽ ủng hộ sự nghiệp của tất cả những ai hiện đang tìm kiếm cách phát triển những hình thức đấu tranh dân chủ mới và triệt để hơn. Những nhóm thế lực này có thể bù lại cho những thiệt hại mà “thị trường” đã không ngừng gây cho các cá nhân và môi trường tự nhiên. Những thị trường toàn cầu đòi hỏi sự tồn tại của một “xã hội dân sự toàn cầu”, và ngược lại; nhiệm vụ của chúng ta chính là tìm hiểu sâu hơn những hình thức định chế hay thay đổi của sự phụ thuộc lẫn nhau này.                 
Marcel Mauss (1872-1950)
Từ khi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, uy tín của Marx trong tư duy phê phán của Pháp đã nhường bước trước tầm quan trọng ngày càng lớn của Polanyi và Marcel Mauss[4]. Jean Louis Laville (2006) cho thấy rằng hai tác giả này đã đặt sự phân tích kinh tế của họ trên cơ sở phê phán khẳng định có tính quy giản cho rằng hành động kinh tế chỉ là sự biểu hiện của một lợi ích vật chất mang tính cá nhân. Họ nhấn mạnh rằng ứng xử kinh tế có thể biểu hiện một lợi ích không chỉ giới hạn vào khía cạnh thuần túy vật chất của một ý thức sở thuộc (sens d’appartenance) hoặc một lợi ích và một hỗn hợp lợi ích và phi lợi ích. Cả hai đều nhấn mạnh đến sự kiện là thực tế kinh tế bao giờ cũng đa dạng, và điều này bị mô hình tự do về kinh tế, chủ nghĩa vị lợi che dấu. Nay chúng ta biết rằng sự đồng nhất hóa xã hội với thị trường, với sự bận tâm bảo vệ quyền tự do cá nhân, đã phát sinh những sự bất bình đẳng đáng phẫn nộ; nhưng sự phục tùng của kinh tế đối với quyền lực chính trị cũng dẫn đến sự xóa bỏ quyền tự do. Hai giải pháp này của thế kỷ 20 cho vấn đề một “nền kinh tế nhân bản” đã đặt lại vấn đề về chính nền dân chủ, hoặc bằng cách để cho quyền lực chính trị phụ thuộc vào quyền lực của đồng tiền, hoặc dưới hình thức của những chế độ độc tài. Nếu ta bác bỏ cả hai giải pháp này, lúc đó vấn đề nằm ở chỗ phải phát triển những định chế có khả năng bảo đảm cho một nền kinh tế đa dạng trong một khuôn khổ dân chủ. Polanyi và Mauss đều đồng ý về điểm này: chúng ta phải dựa trên kinh nghiệm thực tiễn để có thông tin và để phân tích; nói một cách khác phải xuất phát từ những phong trào kinh tế thực tế chứ không phải từ một chương trình cải cách xã hội trừu tượng.
Quan niệm chung của họ về sự biến đổi xã hội hoàn toàn không phải là một sự cổ vũ cho những giải pháp cách mạng hay triệt để, cho những sự lựa chọn mạnh bạo giữa hai hình thái xã hội mâu thuẫn với nhau, mà là và sẽ là kết quả của một tiến trình xây dựng những nhóm và định chế mới bên cạnh và cộng thêm vào những định chế cũ hơn (Mauss 1950: 265).   
Bằng cách mô tả những cơ sở lý thuyết cho một cách tiếp cận đa dạng về kinh tế, Polanyi, thay vì tung ra một lời kêu gọi trừu tượng cho một giải pháp thay thế triệt để, đã mở ra toàn bộ trường về những khả năng của con người, trong đó phần lớn đã có trong các xã hội của chúng ta. Đã đến lúc chúng ta phải sáng tạo những tổ hợp định chế mới, từ những khả năng này, bằng cách nhấn mạnh đến những yếu tố mới.  
Thư Mục
Beckert, Jens (2009). “The great transformation of embeddedness: Karl Polanyi and the new economic sociology”. In Chris Hann and Keith Hart editors, Market and Society (q.v.).
Graeber, David (2008). “The sadness of post-workerism”. The Commoner, Spring/Summer, No. 13.
Granovetter, Mark (1985). “Economic action and social structure: the problem of embeddedness”. American Journal of Sociology 91 (3), pp. 481-510.
Halperin, Rhoda (1984). “Polanyi, Marx, and the institutional paradigm in economic anthropology”. Research in economic anthropology 6, pp. 245-72.
Hann, Chris and Keith Hart (editors) (2009). Market and Society: The Great Transformation today. Cambridge: Cambridge University Press.
Hart, Keith (1986). “Heads or tails? Two sides of the coin”. Man (N. S.) 21 (3), pp. 637-56.
Harvey, David (2005). A Brief History of Neoliberalism. Oxford: Oxford University Press, p. 254.
Helleiner, Eric (2000). “Globalization and haute finance – déja vu?” In Kenneth McRobbie and
Levitt Kari Polanyi (eds.), Karl Polanyi in Vienna (q.v.), pp. 12-31.
Isaac, Barry (2005). “Karl Polanyi”. In James G. Carrier (ed.), Handbook of EconomicAnthropology. Cheltenham: Edward Elgar, pp. 14-25.
Keane, John (2003). Global Civil Society. Cambridge: Cambridge University Press. 236p.
Laville, Jean-Louis (2006). “Économie plurielle”. Dans Jean-Louis Laville and Antonio David Cattani (editors), Dictionnaire de l’autre économie. Paris: Gallimard, pp. 250-258
Laville, Jean-Louis (n.d.). Towards a theory of plural economy: in the footsteps of Mauss and Polanyi. Presented at a conference, “Rethinking Economic Anthropology: a human-centred approach”, London, January 2008.
Leclair, Edward and Harold Schneider (editors) (1968). Economic Anthropology: readings intheory and analysis. New York: Holt, Rinehart and Winston. 528p.
McRobbie, Kenneth and Kari Polanyi Levitt (editors) (2000). Karl Polanyi in Vienna: the contemporary significance of The Great Transformation. Montreal: Black Rose Books. 416p.
Mauss, Marcel. 1950. “Essai sur le don”. Dans Claude Lévi-Strauss (editor), Sociologie et anthropologie. Paris: Presses Universitaires de France.
MAUSS (2007). “Avec Karl Polanyi, contre la société tout-marchand”. Revue du MAUSS Semestrielle, No. 29, Premier Semestre. Paris: La Découverte. 364p.
Menger, Carl (1981 [1871]). Principles of Economics [Grundsätze der Volkwirtschaftslehre, posthumous edition, Vienna, 1923]. New York: New York University Press.
Polanyi, Karl (1977). The Livelihood of Man (Harry Pearson, editor). New York: Academic Press.
Polanyi, Karl (1957). “The economy as instituted process”. Dans Karl Polanyi, Conrad Arensberg and Harry Pearson, editors. Trade and Market in the Early Empires: Economies in history and theory.New York: Free Press, pp. 243-270.
Polanyi, Karl (1944). The Great Transformation: the political and economic origins of our times. Boston: Beacon Press.
Stanfield, John (1986). The Economic Thought of Karl Polanyi. London: MacMillan. 162p.
Weber, Max (1978). Economy and Society, Volume 1 (Gunther Roth and Claus Wittich, editors). Berkeley: University of California Press.
Keith Hart
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn: “Karl Polanyi: prophète de la fin de l’économie libérale”, Revue Interventions économiques [En ligne], 38 | 2008, mis en ligne le 01 décembre 2008

Keith Hart (1943-)

Tác giả
Keith Hart
Giáo sư Nghiên cứu Danh Dự tại Đại Học Kwazulu-Natal, Durban (Nam Phi) và Giáo sư Nhân Học, Đại Học Goldsmiths ở London.
 johnkeithhart@gmail.com. www.thememorybank.co.uk.
------
Bài có liên quan trên PTKT:




[1] Những đoạn dịch đã được thực hiện từ nguyên bản năm 1944.

[2] Từ ngữ tiếng Pháp “haute finance” đã được Polanyi sử dụng trong nguyên bản tiếng Anh (1944).

[3] Chartism (mà nguồn gốc là từ từ Chart, tức là Hiến chương) là một phong trào giải phóng công nhân ở Anh đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống chính trị từ 1837 đến 1848 – Chú thích của dịch giả.

[4] Tiêu biểu và đại diện cho tư tưởng của Marcel Mauss là Phong Trào Chống Chủ Nghĩa Thực Dụng Trong Khoa Học Xã Hội (Mouvement Anti Utilitarisme dans les Sciences Sociales – M.A.U.S.S.) do Alain Caillé lãnh đạo và, theo nhiều cách khác nhau, trong Tạp Chí của MAUSS của Phong trào.

Print Friendly and PDF