9.7.20

Đại dịch virus corona: những gì khoa học có thể cho biết (và những gì không thể cho biết)

ĐẠI DỊCH VIRUS CORONA: NHỮNG GÌ KHOA HỌC CÓ THỂ CHO BIẾT (VÀ NHỮNG GÌ KHÔNG THỂ CHO BIẾT)

Tỷ lệ tử vong, lây nhiễm, miễn dịch, điều trị, vắc-xin... Các nhà nghiên cứu đã đạt được nhiều tiến bộ về tất cả các chủ đề nói trên, nhưng vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch virus corona, các nhà khoa học trên toàn thế giới đã tìm cách tìm hiểu rõ hơn về virus Sars-Cov2 và tìm cách chống lại sự lây nhiễm của Covid-19. Ảnh: SLAVEMOTION VIA GETTY IMAGES
TIN KHOA HỌC - Chỉ chưa đầy sáu tháng trước, vào ngày 23 tháng 1, thành phố Vũ Hán ở Trung Quốc đã bị phong tỏa để ngăn chặn sự lây nhiễm của một chủng virus mới, Sars-Cov2. Đến ngày 7 tháng 7, đại dịch virus corona đã lây nhiễm hơn 11,4 triệu người trên thế giới. Căn bệnh mà nó gây ra, Covid-19, đã dẫn đến sự tử vong của ít nhất 535.000 người, trong đó có hơn 200.000 người được thống kê ở châu Âu. Những số liệu tất yếu đã bị ước lượng thấp.
Một số quốc gia đã ngăn chặn thành công sự lây nhiễm của virus. Những quốc gia khác, như Hoa Kỳ, đang chứng kiến ​​dch bnh bùng phát tr li. Dù thế nào đi nữa thì đại dịch còn lâu mới kết thúc, và nguy cơ xảy ra một làn sóng dịch bệnh thứ hai vẫn luôn hiện hữu.
Từ hơn sáu tháng nay, phần lớn các nhà khoa học trên thế giới đã cố gắng tìm hiểu rõ hơn chủng virus mới này. Từng bước một, từng nghiên cứu một, họ đã bắt đầu tích lũy được một số bằng chứng, cho phép nhìn rõ vấn đề hơn một chút. Nếu các nhà khoa học có vẻ đồng thuận ở một số điểm cụ thể, thì vẫn còn điều không chắc chắn đối với nhiều vấn đề, và thế giới phải tin vào hoạt động của khoa học đương thời để chống lại đại dịch virus corona.
Hiểu rõ hơn sự truyền nhiễm
Để ngăn chặn dịch bệnh hoặc ngăn nó lây nhiễm, cần phải hạ thấp hệ số truyền bệnh nổi tiếng (Rt hoặc Re), tương ứng với số người trung bình bị lây nhiễm bởi một người đã bị nhiễm bệnh. Không có bất kỳ phép đo nào, hệ số đó (R0) được ước tính vào khoảng 3. Nếu nhỏ hơn 1, thì một cách hợp lý dịch bệnh không tiến triển. Đây là một trong những chỉ báo chính được các nhà chức trách Pháp và trên thế giới theo dõi kể từ khi ra quyết định bãi bỏ cách ly.
Những chỉ báo cần theo dõi trong làn sóng dịch bệnh thứ hai:
Những gì chúng ta biết bây giờ là Rt này không thực sự tượng trưng cho tình hình thực tế. Đây là một mức trung bình che giấu nhiều khác biệt quan trọng: một số người sẽ lây nhiễm virus cho hàng chục người khác, trong khi phần lớn người khác thì không phát tán nó.
Jean-Stéphane Dhersin
Chính vì vậy mà ngay cả khi virus đang lưu hành, thì không bao giờ chắc rằng dịch bệnh sẽ lây nhiễm, có một phần may rủi đối với từng ca lây nhiễm. Jean-Stéphane Dhersin, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp [CNRS], nhà toán học tại Đại học Sorbonne Paris Nord, chuyên gia về mô hình hóa dịch bệnh giải thích: “Giống như thể bạn quăng một con xúc-xắc, bạn không thể biết được kết quả”. Nhưng một khi dịch bệnh đã lây nhiễm thực sự, thì mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn: “Nếu quăng 1000 con xúc-xắc, bạn sẽ biết có khoảng 3500 kết quả, đó là định luật số lớn”.
Truyền nhiễm khi không có triệu chứng hoặc trước khi có triệu chứng
Các đợt siêu lây nhiễm có thể liên quan một phần đến sinh học (một người có thể bị nhiễm nhiều virus hơn, ho nhiều hơn, v.v.), nhưng chủ yếu phụ thuộc vào thời gian bị nhiễm, số người đã tiếp xúc và các điều kiện bên ngoài.
Về điểm đầu tiên, bây giờ chúng ta biết rằng một người có nguy cơ phát tán virus nhiều hơn vào thời điểm xuất hiện các triệu chứng bệnh, nhưng cũng có thể là một vài ngày trước và sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Chính vì vậy mà việc truy vết các cuộc tiếp xúc là rất quan trọng để phá vỡ các chuỗi phát tán. Bởi vì virus có khả năng được phát tán mà không có bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Thậm chí chưa nói đến tỷ lệ những người thực sự không có triệu chứng, một chủ đề vẫn còn tranh luận: tỷ lệ lây nhiễm thay đổi theo các nghiên cứu, ví dụ hai nghiên cứu gần đây gợi ý tỷ lệ đó là một phần ba hay 40%.
Các điều kiện bên ngoài đối lại bên trong
Ngay cả khi một người đang ở đỉnh điểm lây nhiễm, thì liệu họ có truyền bệnh hay không. Tất nhiên, khi họ tiếp xúc với nhiều người hơn, trong một thời gian dài hơn, ở một cự ly gần hơn và không mang khẩu trang, thì nguy cơ lây nhiễm càng cao.
Một yếu tố khác, mà ngày nay, có vẻ khá chắc chắn, nhưng vẫn chưa được biết đến cách đây vài tháng, đó là nguy cơ lây nhiễm cao hơn ở trong nhà, trong một môi trường thông gió kém hơn ngoài trời. Thật vậy, hầu hết các nghiên cứu đều cho thấy các kỳ siêu lây nhiễm và, nói một cách tổng quát hơn, phần lớn các ổ dịch đều hình thành trong những môi trường khép kín. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là không có rủi ro lây nhiễm ở ngoài trời, đặc biệt khi bạn có mặt ở một không gian đông người.
Tuy nhiên, cách thức chính xác mà virus corona lây nhiễm vẫn chưa rõ ràng. Chúng ta biết rằng sự lây nhiễm có khả năng xảy ra thông qua những giọt nước bọt li ti bắn ra khi nói chuyện hoặc khi ho, hoặc khi chạm vào một bề mặt bị nhiễm virus trước khi đưa tay chạm vào mặt. Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng có một số dạng lây nhiễm qua đường không khí. Nhưng về điểm này, cuộc tranh luận vẫn còn diễn ra.
Benedetta Allegranzi
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lần đầu tiên vào hôm thứ ba, ngày 7 tháng 7, đã thừa nhận có những bằng chứng về vấn đề lây nhiễm qua đường không khí. Vì thế, chúng ta phải để mở khả năng này và những tác động của nó, cũng như cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa, theo lời của Benedetta Allegranzi, một quan chức của tổ chức y tế quốc tế. 
Đã có 293 nhà nghiên cứu gửi một bức thư ngỏ tới tổ chức WHO để khẳng định có các bằng chứng cho thấy những phân tử nhỏ của virus, nhẹ đến mức chúng có thể trôi nổi trong không khí, có thể lây nhiễm sang con người. Thế nhưng, nhiều nhà nghiên cứu tin rằng cách lây nhiễm chính vẫn là các giọt nước bọt li ti và tỷ lệ lây nhiễm qua đường không khí vẫn ít. Nói tóm lại, cuộc tranh luận vẫn chưa kết thúc.
Vấn đề của trẻ em ở giữa hai dòng nước
Kể từ khi bắt đầu dịch bệnh, các nhà nghiên cứu đã rất ngạc nhiên về số lượng nhỏ những trẻ em bị lây nhiễm. Ban đầu, người ta tưởng là có một độ chênh thống kê, liên quan đến thực tế là giới trẻ ít có khả năng phát triển các dạng Covid-19 nghiêm trọng, và vì vậy không có mặt nhiều ở các bệnh viện.
Nhưng nhiều nghiên cứu và xét nghiệm, phần lớn, đều xác nhận rằng trẻ em ít có khả năng bị lây nhiễm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ nhất (dưới 10 tuổi). Thế nhưng, những nghiên cứu khác lại cho rằng trong một gia đình, trẻ em có khả năng bị lây nhiễm, giống như cha mẹ chúng, nếu có ai đó bị lây nhiễm trong nhà. Hoặc nữa là trẻ em có một lượng virus ngang bằng với người trưởng thành (số lượng virus được tìm thấy trong một mẫu xét nghiệm ở mũi).
Alasdair Munro
Như nhắc nhở của bác sĩ nhi khoa Alasdair Munro trên Twitter, nếu sự phát tán virus ở trường học có vẻ hiếm thấy, thì vẫn có những ca lây nhiễm được ghi nhận. Và hãy nhớ rằng nếu trẻ em có vẻ ít có nguy cơ phát tán virus corona, thì điều đó vẫn có thể xảy ra. Việc tiếp tục tích lũy bằng chứng về chủ đề này sẽ cho phép chúng ta tinh chỉnh các biện pháp phòng ngừa trong trường hợp có làn sóng dịch bệnh thứ hai, đặc biệt là việc đóng cửa (hay không) các trường học.
Một tỷ lệ tử vong luôn dao động
Như đối với mọi dịch bệnh, các nhà khoa học đều muốn tìm hiểu tỷ lệ tử vong. Cùng với tốc độ sinh sản của virus, đây chính là điều giúp chúng ta có thể dự đoán tác động tiềm tàng của virus lên xã hội.
Thế nhưng, rất khó để tính toán tỷ lệ này, như chúng tôi đã giải thích vào lúc bắt đầu dịch bệnh. Tuy nhiên, về ý tưởng, thì nó rất đơn giản: chỉ cần chia số lượng tử vong cho tổng số người bị nhiễm bệnh (còn sống hoặc đã chết), nhân với 100 và thế là xong. Nhưng trong thực tế, mỗi con số đó đều có thể khác nhau rất đáng kể. Trường hợp những người không có triệu chứng bệnh, thiếu dấu vết các cuộc tiếp xúc, xác định nguyên nhân tử vong kém, hiệu quả của hệ thống chăm sóc y tế, khoảng cách thời gian nhiều tuần giữa lúc lây nhiễm và tử vong... Tất cả những chênh lệch đó có thể làm thay đổi tỷ lệ tử vong từ 0,1 đến 30% tùy theo các nghiên cứu.
Soumya Swaminathan (1959-)
Tuy nhiên, với độ lùi sáu tháng, các nhà mô hình hóa và nhà dịch tễ học đang bắt đầu nhìn thấy rõ hơn. Vào ngày 2 tháng 7, nhà khoa học trưởng của tổ chức WHO, nữ bác sĩ nhi khoa Soumya Swaminathan, đã nhắc lại rằng hầu hết các nghiên cứu đều ước tính tỷ lệ tử vong này, ngày hôm nay, vào khoảng 0,6%. Chúng ta đang nói ở đây về nguy cơ tử vong đối với mỗi người bị nhiễm bệnh, vì vậy, có tính đến những người không có triệu chứng bệnh. Nếu tỷ lệ này có vẻ thấp, thì nó vẫn tượng trưng cho hàng chục triệu người đã chết trên thế giới nếu không làm gì để ngăn chặn sự lây nhiễm của virus.
Khả năng miễn dịch xa vời và bất định
Nhưng chúng ta vẫn còn ở rất xa với kịch bản trên, bởi vì phần lớn dân số thế giới đã không bị nhiễm virus corona Sars-Cov2. Kể từ lúc bắt đầu đại dịch, các nhà nghiên cứu đã thực hiện những xét nghiệm huyết thanh trên nhiều quần thể, để tìm hiểu xem có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh. Và mỗi lần như vậy, kết quả xét nghiệm đều cho thấy Covid-19 chỉ nhiễm bệnh cho một số nhỏ người dân.
Một nghiên cứu ở Thụy Sĩ, được thực hiện trong 5 đợt để theo dõi diễn tiến của dịch bệnh, đã cho ra tỷ lệ 11% ở một trong những bang bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh. Kết quả của những nghiên cứu gần đây cũng đã được công bố trên tạp chí The Lancet vào ngày 06 tháng 7. Ở Tây Ban Nha, các nhà nghiên cứu đã khảo sát 61.000 người. Chỉ có 5% người được xét nghiệm là dương tính với virus.
Đó là tin tốt... nhưng điều đó có nghĩa là chúng ta còn ở rất xa với khả năng “miễn dịch tập thể” nổi tiếng. Đặc biệt, ngay cả đối với một người bị nhiễm bệnh, người ta không biết chính xác làm thế nào các kháng thể có được có thể bảo vệ được người bệnh. Cũng chẳng biết thời gian miễn nhiễm là bao lâu. Về chủ đề này, một số công trình đã cho thấy khả năng bảo vệ đó diễn ra trong nhiều tuần, nhưng sẽ mất thời gian và nghiên cứu để tìm hiểu xem liệu khả năng miễn dịch có hiệu quả theo thời gian hay không.
Tại sao chưa có điều gì chắc chắn về khả năng miễn dịch: 
Cuối cùng, cũng không nên quá tin vào khả năng miễn dịch chéo. Về lý thuyết, có ý kiến ​​cho rng thc tế là cơ th chúng ta đã hc được cách chiến đấu chống lại các chủng virus corona khác, giúp cơ thể đối mặt với nguy cơ lây nhiễm của virus Sars-cov2. Trong khi một số nghiên cứu trong ống nghiệm [in vitro] đã cho ra những kết quả thú vị, thì còn quá sớm để đưa ra những kết luận lạc quan trong thế giới thực. 
Các nhà nghiên cứu từ Viện Pasteur, bệnh viện AP-HP [Assistance Publique-Hôpitaux de Paris] và Viện nghiên cứu y tế quốc gia Pháp [Inserm, Institut national de la santé et de la recherche médicale] đã tiến hành phân tích theo hướng này. Sau khi phân tích các kháng thể với virus corona ở hàng trăm trẻ em (dương tính và âm tính với Sars-Cov2), họ đã không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào đáng kể.
Điều trị và vắc-xin
Khả năng miễn dịch tự nhiên đã bị gạt sang một bên, làm thế nào để giải quyết dứt điểm bệnh dịch? Bởi vì các biện pháp hiện tại có vẻ như kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nguy cơ một làn sóng dịch bệnh thứ hai vẫn luôn tồn tại. Điều đã thay đổi trong sáu tháng, đó là người ta bắt đầu có một ý tưởng (rất nhỏ) về cách thức điều trị virus corona Sars-Cov2.
Sau những cuộc tranh luận dài và mệt mỏi về tính hữu ích của loại thuốc này và loại thuốc kia, các cuộc thử nghiệm lâm sàng nghiêm túc đầu tiên (ngẫu nhiên, theo kiểu đối chứng kép, v.v.) đã bắt đầu mang lại những kết quả đầu tiên. Nếu thuốc hydroxychloroquine và hỗn hợp lopinavir/ritonavir có vẻ như không hiệu quả, thì thuốc kháng viêm dexamethasone có vẻ như đã làm giảm tỷ lệ tử vong đối với những ca nhiễm bệnh nặng phải điều trị theo phương pháp hồi sức. Các hướng khác, chẳng hạn như thuốc remdesivir, đang được nghiên cứu và đã cho ra những kết quả đáng khích lệ, cần được xác nhận. Dù sao, thì vẫn cần đến nhiều tháng nữa để xác nhận tính hiệu quả của nhiều phương pháp điều trị khác nhau, và cũng để chế tạo các loại thuốc mới (hoặc kết hợp các loại thuốc cũ) để có một tỷ suất hiệu quả cao hơn. Trận chiến còn lâu mới thắng.
Và đối với vắc-xin, thứ mà ngày nay có vẻ như là một trong những lối thoát chính mang tính quyết định trước virus Covid-19, mọi thứ thậm chí còn phức tạp hơn. Nói chung, việc phát triển vắc-xin cần có thời gian, ít nhất là một năm. Hơn nữa, cho đến nay chúng ta chưa hề thành công trong việc phát triển một loại vắc-xin chống lại virus corona
Tại sao chúng ta chưa thành công trong việc chế tạo vắc-xin kháng virus corona:
Tin tốt là đã có nhiều phòng thí nghiệm đang nghiên cứu theo hướng nói trên. Vào ngày 6 tháng 7, tổ chức WHO đã thống kê những dự án đang diễn ra. 130 dự án đang được phát triển và 19 loại vắc-xin hiện đang được thử nghiệm lâm sàng, đã có ít nhiều tiến bộ. 
Trưởng chuyên mục C'est Demain, Science, Techno [Ngày mai, Khoa học, Công nghệ]
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF