13.7.20

Tính thời sự của Karl Polanyi

TÍNH THỜI SỰ CỦA KARL POLANYI
Alain Caillé[i]Jean-Louis Laville[ii]
Không ai có thể chối cãi tầm quan trọng của Karl Polanyi đối với khoa học xã hội và tư tưởng chính trị. Thật vậy, ông là một trong rất ít tác giả mà ý nghĩa của sự nghiệp khoa học, đặc thù, chỉ có thể được nhận thức dưới ánh sáng của dự án đạo đức và chính trị mà nó muốn khởi xướng, và vì vậy, với một ý đồ chính trị, cũng độc đáo không kém, chỉ có thể chấp nhận được nếu nó được kết nối với nhân học tổng quát, nền tảng trên đó nó được xây dựng, vốn sẽ được sự lao động thuần túy khoa học chứng thực. Ưu điểm của sự lựa chọn các bài mà Michele Cangiani và Jérôme Maucourant giới thiệu cho chúng ta là đã chứng thực cho sự nối kết chặt chẽ giữa hai chiều kích khoa học và đạo đức của tư tưởng của Polanyi. Một sự nối kết vừa là sức mạnh vừa là điểm yếu của nó. Điểm yếu vì tất cả những sự thất bại khoa học, tất cả những đề xuất cụ thể bị bác bỏ đều làm cho sự vững vàng của dự án tổng thể bị suy yếu. Nhưng cũng là cái sức mạnh của tư tưởng của Polanyi vì chính tầm sâu rộng của nó, cũng giống như tư tưởng của Karl Marx hay của Max Weber, tạo nên một sự miễn dịch đối với những sự phủ nhận chi tiết.

POLANYI, NHÀ NHÂN HỌC VÀ SỬ HỌC[1]

Marx, Weber và Polanyi
Karl Marx (1818-1883)
Max Weber (1864-1920)
Tất nhiên, không phải là ngẫu nhiên mà ta nhắc đến Marx và Weber. Trên nhiều phương diện, Polanyi có thể được xem như là người kế thừa độc đáo nhất của họ. Một kẻ kế thừa lai dựa trên người này để cố gắng vượt qua hay chế ngự người kia. Điểm chung của ba tác giả này khiến cho họ không có tính thời sự và làm cho họ lại càng đáng quý hơn nữa, là họ đã nêu lên sự hoài nghi đối với tính tự nhiên của khái niệm Con Người Kinh Tế (Homo Oeconomicus). Tất nhiên họ không phải là những người duy nhất làm điều này, nhưng ta không thấy ai, ngoại trừ Marcel Mauss, đã làm việc này với một sức mạnh như vậy. Tầm quan trọng của sự hoài nghi này cần phải được xác định một cách vắn tắt. Từ nay, một điều gần như là xác thực được ấn định gần như khắp mọi nơi được - trong diễn ngôn chính trị, kinh tế, sử học, xã hội học, cũng như trong lý lẽ thông thường thống trị -, điều cho rằng, luôn luôn và ở mọi thời đại, con người đã là một con người kinh tế, tức là một cá nhân biết tính toán chỉ nghĩ đến việc tối ưu hóa cái lợi ích của chính bản thân. Nói một cách khác, đó là một cá nhân, trong toàn bộ các mối quan hệ của mình, ứng xử giống như một người tiêu thụ hay nhà đầu tư trên thị trường sản phẩm và dịch vụ, muốn thu hoạch nhiều nhất đối với số tiền đã bỏ ra, hay, nói chung, cho năng lượng mà hắn đã tốn. Ý thức hệ thống trị (doxa) cho rằng nếu cái sự thật này đã không xuất hiện một cách rõ ràng cho đến nay, là vì trong các xã hội trước đây, sức nặng (mạnh) của tôn giáo, của những ảo tưởng, của những sự lừa phỉnh và của những sự thống trị đã cản trở sự biểu hiện toàn diện bản chất tính toán của con người. Nhưng tính hiện đại đã xé rách cái màn của những ảo tưởng này và cùng lúc cổ vũ cho nền dân chủ và thị trường, cái này là điều kiện của cái kia.
Và nếu cái nhìn này được chấp nhận một cách rộng rãi - mặc dù thường là một cách ngầm - lại là hoàn toàn sai? Nếu con người không phải hay không chỉ là một Con Người Kinh Tế, nếu con người không phải là như vậy ngay từ ban đầu hay là do bẩm sinh, nếu con người chỉ xuất hiện như thế như là kết quả của một sự thiết kế và sự tiến hóa lịch sử phức tạp, vậy thì ta phải suy ngẫm về dòng chảy lịch sử như thế nào và ta có thể rút ra những kết luận chính trị nào? Đó là những câu hỏi chính mà ba tác giả của chúng ta đã nêu lên, mỗi người theo cách của mình.

Marcel Mauss (1872-1950)

Để lấy lại câu của Marcel Mauss, con người đã trở thành một “động vật kinh tế” như thế nào? Chúng ta đã biết câu trả lời của Marx và của Weber. Đối với Marx, phẩm chất chung của con người, cái Gattungswesen của con người, không phải là do tính kinh tế mà là do tính xã hội. Hoàn toàn mang tính xã hội trong chế độ cộng sản nguyên thủy, con người sẽ trở về lại trạng thái con người xã hội trong chế độ cộng sản cuối cùng, coi như là đã chuyển từ trạng thái từ bên ngoài tính động vật kinh tế sang bên kia của tính này. Khi thoát khỏi CỘNG ĐỒNG NGUYÊN THỦY, nền SẢN XUẤT NHỎ - nói một cách khác, đó là thị trường - đã hiện diện rồi. Nó đã đưa vào những mầm mống của sự tính toán và của tính duy lý kinh tế, tuy rằng giới hạn; chu kỳ buôn bán xuất phát từ việc M, một hàng hóa NHẤT ĐỊNH, một giá trị sử dụng, được đưa vào thị trường, cũng chấm dứt khi mà SỐ TIỀN ĐÃ CÓ ĐƯỢC KHI BÁN HÀNG HÓA NÀY ĐƯỢC QUY ĐỔI THÀNH MỘT HÀNG HÓA KHÁC, một hàng hoá cũng chỉ có giá trị như là một giá trị sử dụng được dành cho sự tiêu thụ. Sự đăng quang toàn diện của Con Người Kinh Tế, đắm mình trong “dòng nước đóng băng của phép tính (sự tính toán) ích kỹ”, chỉ được thực hiện với sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản đã biến chu kỳ M-A-M thành chu kỳ A-M-A, điều đã làm cho việc giành giữ tiền bạc trở thành động lực thực sự của nền kinh tế, cái đầu và cái cuối của nó, “Luật và những người tiên tri”. Nếu có những dấu vết của chủ nghĩa tư bản thương mại và tài chánh ở thời Cổ Đại, phương thức sản xuất tư bản thật sự, mà đặc tính là sự xuất hiện của sự lao động ăn lương, chỉ thắng thế vào thế kỷ XVI ở Châu Âu.                
Đối với Weber, sự ham muốn cái lợi, sự giàu có là những lý do vĩnh viễn, mặc dù trong những xã hội cổ truyền, nó bị kiềm chế bởi nền đạo đức dựa trên tính hỗ tương chi phối những mối tương quan gia đình và láng giềng. Do đó, chủ nghĩa tư bản thương mại hay tài chánh, và ngay cả một số yếu tố của chủ nghĩa tư bản thủ công hay tiền công nghiệp, đều có mặt thời Cổ Đại, và ngay cả ở bên ngoài Phương Tây. Vậy, điều làm nên nét đặc thù của tính hiện đại và Phương Tây không phải là sự hình thành của chủ nghĩa tư bản, mà là tiến trình duy lý hóa và sự hệ thống hóa của nó. Những điều này đi đôi với một sự đảo lộn triệt để của động cơ cuối cùng chi phối sự ham muốn lợi lộc. Với chế độ tư bản được duy lý hóa, thì vấn đề không còn là làm giàu để xài nó một cách hoành tráng, mà là để làm cho nó tăng lên một cách vô hạn. Sự tích lũy của cải tự nó đã trở thành mục tiêu của chính bản thân nó. Ta biết rằng nét độc đáo của Weber là đã cho thấy rằng sự xuất hiện của loại người này (Menschentum) không phải bắt nguồn một cách máy móc từ tính tự nhiên của nó, mà từ một cuộc cách mạng tôn giáo đã làm đảo ngược và tạo ra cuộc cách mạng trong các con đường dẫn tới sự cứu rỗi.
Như vậy ta thấy, cả đối với Marx và Weber, chủ nghĩa tư bảnkinh tế thị trường, không hẳn nhận được tính tự nhiên mà các nhà kinh tế học tự do gắn cho nó, nhưng ít nhất cũng đã tồn tại từ lâu và được phổ biến một cách rộng rãi. Đó cũng chính là trường hợp của Con Người Kinh Tế.
Còn về phần mình, Polanyi thì triệt để hơn trong việc phá vỡ sự kiến thiết giả thuyết về tính tự nhiên của Con Người Kinh Tế. Theo ông, thời điểm của sự chuyển đổi lịch sử không phải là sự chuyển đổi từ nền sản xuất thương mại nhỏ sang phương thức sản xuất tư bản, hay từ một chủ nghĩa tư bản tiêu thụ sang một chủ nghĩa tư bản tích lũy. Thật vậy, Polanyi không, hay ít đề cập đến chủ nghĩa tư bản. Tính đặc thù lịch sử mà Marx gán cho chủ nghĩa tư bản có cơ sở trên sự lao động ăn lương, và đối với Weber trên tiến trình duy lý hóa, thì Polanyi lại cho rằng nó không nằm trong sự hình thành của chủ nghĩa tư bản, mà trong thị trường tự điều tiết, cấp độ duy nhất mà con người thật sự bắt đầu giống với Con Người Kinh Tế của lý thuyết kinh tế học. Đó có vẻ là một điều buộc chúng ta phải trở lùi lại xa hơn nữa trong lịch sử và nới rộng một cách mạnh mẽ sự thống trị của tính hiện đại kinh tế và của Con Người Kinh Tế, vì theo Marx và Weber, thị trường và nền sản xuất hàng hóa nhỏ đã hiện diện từ thời xa xưa. Nhưng đối với Polanyi, thì hoàn toàn ngược lại, vì theo ông không thể đồng nhất thị trường với các chợ búa (market places). Hay hơn nữa, các cuộc trao đổi diễn ra trong các chợ búa (market places) không tất yếu dựa trên cơ sở của cơ chế của sự trao đổi đã được kinh tế học lý thuyết hóa. Nói chung ta không thể đồng hóa thương mại và thị trường. Điều cũng lâu đời như nhân loại là việc buôn bán; nhưng sự buôn bán, không phải lúc nào cũng được tổ chức theo mô hình của sự mặc cả và trên việc mua và bán, thật ra bị chi phối bởi cái logic của tính hỗ tương - tức logic của quà biếu tặng và quà đáp trả -, hay trên sự tái phân phối trong dòng họ hay của Nhà Nước. Thương mại có thể là thương mại thông qua quà biếu tặng, thương mại bị quản lý hay thương mại thông qua thị trường. Và trong trường hợp cuối, cần phải phân biệt các thị trường trong đó các vụ mua bán được thực hiện với những mức giá cả đã được ấn định trước - do thông lệ hay là đối tượng của thuế khoá trên phương diện hành chánh - và (khái niệm) thị trường trong đó, phù hợp với lý thuyết kinh tế, giá cả không có trước sự trao đổi, mà biến đổi theo quy luật cung cầu.
Như vậy, hoàn toàn không phải là cái chuẩn mực chung cho tất cả những trao đổi kinh tế, nguyên lý thị trường được hiểu như trên, là một ngoại lệ lịch sử. Theo Polanyi, nó chỉ thắng thế ở ba thời kỳ lịch sử được xác định rõ ràng: thời Hy Lạp Cổ Đại từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ III trước Công Nguyên với sự hình thành lần đầu tiên trong lịch sử của một giai cấp thương gia độc lập; giai đoạn cuối của thời Trung Đại trong đó ta thấy những thị trường khu vực, dưới sự chỉ đạo của những Nhà Nước Dân Tộc Cổ rồi quốc gia mới sinh, được hợp nhất ở những nơi mà trước đây có sự tách biệt giữa nền mậu dịch khu vực nhỏ và nền mậu dịch lớn xa xôi; và cuối cùng, sau sự bãi bỏ của luật Speenhamland vào năm 1834 - vốn đã ấn định một loại thu nhập tối thiểu trước khi ý tưởng này được đưa ra - là thế kỷ của chủ nghĩa tự do kinh tế vốn cho rằng cơ sở của toàn bộ đời sống kinh tế dựa trên sự kết hợp của lòng tham lam giành lợi ích với nỗi sợ bị chết đói. Thật vậy, sự thiết lập một chế độ kinh tế vững như trên đòi hỏi rằng một nền kinh tế thị trường tự trị đã thoát khỏi mối quan hệ xã hội truyền thống, được ghi nhận trong một xã hội thị trường trong đó ba tài sản cốt yếu không được sản xuất như là hàng hóa, lao động, đất đai, tức là thiên nhiên và tiền bạc nay cũng được xử lý như là hàng hóa.
Ta hãy tóm tắt luận đề này một cách mạnh mẽ: hoàn toàn không phải là phổ quát, thị trường và Con Người Kinh Tế là những ngoại lệ. Hoàn toàn không sản sinh cho nhau một cách tự nhiên và tự phát, chẳng hạn như Friedrich Von Hayek đã nghĩ, đó là kết quả của một sự thiết kế lịch sử. Đó là những hiện tượng nhân tạo. Thị trường không phải là con đẻ của tạo hóa, mà là của chính trị.
Về những mối hệ lụy thuần túy đạo đức và chính trị của những phân tích của Karl Polanyi, cái chủ yếu có thể được nêu lên một cách tương đối đơn giản. Tóm lại cần phải tìm ra và định nghĩa một con đường trung gian giữa tính bi quan cam chịu của Weber và ý chí luận mang tính cứu rỗi của Marx. Thật vậy, đối với Weber, một khi mà kinh tế đã được duy lý hóa về mặt hình thức thông qua sự PHÁT TRIỂN của thị trường và những tổ chức duy lý tiêu biểu nhất như các bộ máy quan liêu, mọi mưu toan tuân thủ theo những mệnh lệnh của một công lý vật chất chứ không phải mang tính thủ tục, chỉ có thể dẫn đến sự thất bại của những người nào cầu mong nó, kể cả những thành phần xã hội bị bạc đãi nhất. Trong mọi trường hợp, liều thuốc sẽ tác hại hơn cả căn bệnh. Do đó, ta phải cam chịu việc đánh mất tính huyền bí của thế giới và sự đánh mất đi linh hồn gắn liền với sự duy lý hóa hình thức của cuộc sống xã hội. Polanyi không thể nào chấp nhận sự bất lực này. Nhưng ông cũng không thể nào chấp nhận cái ý đồ mác xít nhằm xóa bỏ hoàn toàn thị trường để hoà tan nó trong xã hội và Nhà Nước.
Với đặc tính này, thuyết của Polanyi có thể được xem như là một loại thuyết mác xít mang tính nhân bản, như là lý thuyết tổng quát duy nhất có quy mô trong khoa học xã hội khả dĩ có thể tạo cơ sở và làm cho một tư tưởng xã hội dân chủ cấp tiến được phong phú hơn. Đối với những người đã thất vọng với thuyết mác xít cũng như đối với những người đã thất vọng với chủ nghĩa tự do kinh tế, Polanyi cung cấp một niềm hy vọng để xây dựng một xã hội con người, tử tế và làm chủ được chính mình, mà không chịu theo những ảo tưởng của quyền lực chính trị hay thương mại tuyệt đối. Chủ nghĩa xã hội của Polanyi là một chủ nghĩa xã hội liên hợp, như ta đã thấy.
Ludwig von Mises (1881-1973)
Vậy đâu là sự đóng góp đặc thù của Polanyi cho chủ nghĩa xã hội liên hợp này? Những bài viết cũ của ông về hệ thống hạch toán xã hội chủ nghĩa đã phải đấu tranh trên hai mặt trận - vừa chống lại sự kế hoạch hóa tập trung của Liên Xô và vừa chống lại cái sắc lệnh tự do đặc biệt do Ludwig von Mises đề xuất về sự không thể có được bất cứ sự kế hoạch hóa nào cũng như bất cứ hệ thống hạch toán xã hội chủ nghĩa vững vàng nào - nay chỉ còn mang một ý nghĩa lịch sử và hàn lâm. Nó còn chấp nhận một cách quá dễ dàng hình tượng của một Nhà Nước tập quyền có tính tổ chức cao và duy lý để có thể được đáng tin ngay tức thì. Điều quan trọng cần phải ghi nhận là, ở đây cũng nằm ở giao điểm của nghiên cứu khoa học và tư tưởng chính trị, có bốn chủ đề mấu chốt.
Aristotelês (384-322 BC)
Một mặt, toàn bộ nỗ lực của Polanyi là nhằm đến việc chứng minh rằng nền dân chủ không bắt nguồn từ thị trường, nó được hình thành và có thể được tái sản xuất trước và không cần có thị trường. Đó là bài học chính mà ông rút ra từ việc đọc lại Aristote và nghiên cứu Hy Lạp. Trong điều thần diệu của Hy Lạp, cái gì là căn nguyên? Sự đăng quang của tư tưởng duy lý, sự trỗi dậy của thị trường hay sự sáng tạo ra nền dân chủ? Hiện nay, đáp án thường được đưa ra và tự nhiên nhất là cho rằng sự ra đời và tiến trình tự trị hóa của thị trường là điều kiện cho một tư tưởng tự do và nền dân chủ. Tuy nhiên, nếu Polanyi đúng, nếu Aristote không có một lý thuyết về một nền kinh tế thị trường vốn lúc đó chưa có mặt trong khi mà nền dân chủ đã được thiết lập tự lâu ở Athènes, thì rõ ràng là nền dân chủ không cần đến thị trường để thành hình và phát triển.
Và bài học của người Hy Lạp đã được các luận đề lớn khác của Polanyi chứng minh vốn cũng là những chủ đề mấu chốt: luận đề về vai trò tích cực của Nhà Nước trong sự hình thành thị trường và luận đề theo đó tiến trình tự trị triệt để của thị trường tự điều hòa tạo ra những điều kiện tâm lý của khát vọng hướng tới chế độ toàn trị, và NHƯ VẬY DẪN TỚI sự sụp đổ của nền dân chủ.
Jérôme Maucourant
Michele Cangiani
Đề cập đến những điều kiện tâm lý của nền dân chủ lại dẫn đến chủ đề chính trị lớn thứ tư của Polanyi thường bị hiểu một cách không tốt nhưng được các bài ở đây làm sáng tỏ một cách mạnh mẽ. Như M. Cangiani và J. Maucourant đã viết: “[theo Polanyi] sự biến đổi của các thể chế tất yếu tùy thuộc vào sự biến đổi của từng cá nhân và […] bao hàm một thứ đức tin”.
Nếu cần phải tóm tắt cái cốt lõi của tư tưởng chính trị của Polanyi, ta có thể nói rằng đó là công trình của một nhà sử học kinh tế là người, trong tất cả các nhà sử học, đã xem nhẹ nhất sức nặng của các quyết định luận kinh tế[2].       
Một quan điểm như vậy có thể được giữ vững không? Giữ vững, nghĩa là thích đáng về mặt khoa học và còn có thể soi sáng các cuộc tranh luận chính trị hiện nay?
PHÊ PHÁN LỊCH SỬ KINH TẾ THEO POLANYI
Những luận đề của Polanyi, trong cái tính mới mẽ của nó, có một cái gì đó tạo ra sự phấn khởi. Ở những thời điểm mà đa số các nhà sử học nghĩ là đã thấy được cái thị trường hiện đại, cái thị trường của những nhà kinh tế học được thiết lập một cách hoàn chỉnh khắp nơi và ở mọi thời đại cổ, thì Polanyi cho rằng đó chỉ là kết quả của một ảo tưởng của thị giác. Nạn nhân của một cách nhìn bị chệch đi bởi ý hướng lấy tính hiện đại làm trung tâm, họ đã diễn giải một cách sai lệch những tài liệu và làm cho các tài liệu gốc bị sai đi. Ở những nơi mà họ đã chẩn đoán về sự hiện hữu của một thị trường, thì thật ra chỉ có một nền mậu dịch dựa trên quà biếu tặng, một nền mậu dịch bị quản lý, một nền mậu dịch Nhà Nước, hay tốt nhất, cũng chỉ là một nền mậu dịch với những giá cả được ấn định trước và được điều tiết. Đây là một điều làm cho ta hy vọng về khả năng có thể đảo ngược dòng chảy của lịch sử và vượt qua cái xã hội thị trường càng có khả năng xảy ra một cách dễ dàng khi mà thị trường lại là một hiện tượng đặc thù, một ngoại lệ lịch sử. Nếu không phải là phản thiên nhiên, thì ít nhất cũng phản xã hội - có thể gọi là ngược lại với cái bản chất xã hội.

Nhưng cũng cần phải trở lại cái hiển nhiên, nay dựa trên những tư liệu đầy đủ. Cái thị trường tạo ra giá cả đã tồn tại rất lâu hơn là Polanyi nghĩ. Vả lại Polanyi, trong một trong những bài được xuất bản sau khi ông mất trong quyển The Livelihood of Man/Sinh kế của con người, Polanyi cũng đã lùi lại sự ra đời của thị trường tự điều tiết vào thế kỷ thứ V trước Công Nguyên ở Hy Lap. Đọc lại Aristote, Raymond Descat [2005] thì thấy nó sinh ra vào thế kỷ VI, nhưng, đúng như là một thể chế trước hết là chính trị. Có những tư liệu không thể nào phủ nhận cho thấy là thị trường tự do đã được hoàn toàn biết đến ở Trung Quốc vào thế kỷ VII trước Công Nguyên vào thời đại Xuân Thu Chiến Quốc.
Johannes Renger (1934-)
Có một điều còn trầm trọng hơn đối với các luận đề của Polanyi: những công trình nghiên cứu về Assyrie và Babylone phản bác lại một cách nghiêm túc ý tưởng của Polanyi theo đó nền mậu dịch ở Babylone chỉ là một nền mậu dịch hoàn toàn được chỉ đạo, với những giá cả được ấn định và được kiểm soát bởi những công chức chỉ quan tâm đến vị thế xã hội của họ chứ hoàn toàn không quan tâm đến lợi nhuận tài chánh. Một trong những chuyên gia về vấn đề này, Johannes Renger [2005, tr. 55], mặc dù bày tỏ một sự cảm phục đối với Polanyi, kết luận rằng ông này đã không coi trọng sự khác biệt và sự CHỒNG CHÉO LÊN NHAU GIỮA NỀN KINH TẾ NÔNG THÔN VÀ NỀN KINH TẾ THÀNH THỊ và sự tác động của nền kinh tế thành thị trên nền kinh tế nông thôn. Còn Morris Silver [1995] thì đã ghi nhận rất nhiều dấu hiệu về việc ấn định giá cả một cách tự do trên các thị trường ở Babylone. Nhưng đâu là chỗ đứng của thị trường tự do trong nền kinh tế tổng thể? Câu hỏi càng được đặt ra khi ta nhớ rằng tất cả các vụ mậu dịch do những thương gia chính thức (karums) thực hiện đều được đăng ký nơi người đứng đầu các thương gia, Tankarum, là thư lại, và nhiệm vụ đầu tiên của ông là phân các sản phẩm thành ba loại: loại sản phẩm “độc quyền”, loại sản phẩm được “ký gởi”, loại sản phẩm buôn bán “tự do” [Norel, 2004, tr. 72]. Hình như là các thương gia có thể có được một lợi nhuận tài chánh cá nhân chính trong những dịch vụ mua bán loại sản phẩm thứ ba.
François Bresson (1921-1996)
Michael Rostovtzeff (1870-1952)
Chúng ta hãy chấm dứt sự khảo sát ngắn về những khó khăn mà các luận chứng của Polanyi đã nêu lên với việc, rốt cuộc cũng hơi lạ, là Polanyi và các môn đệ đã không viết bất cứ điều gì về nền kinh tế của La Mã. Tuy rằng đây là một thách thức có ý nghĩa khi mà một trong những đối thủ chính của ông trên phương diện lý thuyết, Michel Ivanovic Rostovtzeff đã coi nền kinh tế La Mã như là hoàn toàn thương mại và hiện đại ngay từ những bước đầu của thời đại Đế Chế. Đó là một quan điểm đã được các công trình của Alain và François Bresson chứng minh một cách thú vị khi chúng cho thấy rằng sự thiếu một hệ thống hạch toán, ghi sổ kép, không phải là một minh chứng cho việc không có một tính duy lý thương mại mà được hoàn toàn giải thích bởi việc tín dụng có một tầm quan trọng rất nhỏ và việc nền kinh tế cổ, dựa trên chế độ nô lệ, có hai khu vực, với một nền sản xuất được thực hiện bên ngoài thị trường và mọi thứ cần thiết được sản xuất “miễn phí” trong khuôn khổ của trang viên, cho nên nguyên lý vàng, từng được Caton ấn định, là “phải mua ít nhất, và bán nhiều nhất” được áp đặt một cách tuyệt đối và giới hạn những yêu cầu về mặt kế toán trong việc ghi nhận những số tiền được chuyển ra và được đưa vào. Chỉ sự hình thành của tín dụng mới áp đặt, vào thời kỳ cuối của thời đại Trung Cổ của Phương Tây, việc phải bắt đầu đi vào trong cái hộp đen của nền sản xuất, và từ từ ấn định một giá trị bằng tiền về mặt hạch toán cho tất cả những sản phẩm nội bộ được đưa vào[3].
Ta biết rằng Weber xem sự thành hình của một hệ thống ghi sổ kép như là một nét đặc thù chủ yếu và quyết định của chủ nghĩa tư bản hiện đại, không thể tách rời với sự xuất hiện của tín dụng. Nhưng việc không có những yếu tố này không cho phép ta kết luận rằng cũng không có chủ nghĩa tư bản. Weber viết: “Vậy, nếu ta không đưa vào trong khái niệm này những yếu tố xã hội mang tính quyết định, nhưng ta lại chấp nhận rằng nó có giá trị với một nội hàm thuần kinh tế, ở mọi nơi mà có những đồ vật có chủ và được trao đổi bị những cá nhân sử dụng với mục tiêu là chiếm lấy chúng trong nền kinh tế trao đổi, thì tính chất “tư bản chủ nghĩa” của nhiều thời kỳ trong lịch sử cổ đại hoàn toàn được bảo đảm” [Weber, 1998, tr. 101]. Weber cũng thêm rằng “cần phải tránh những sự phóng đại”.

Jack Goody (1919-2015)
Được đối chiếu với đoạn trích dẫn trên và những sự quan sát mà chúng tôi vừa tập hợp, Polanyi có thể được xem như là một tác giả theo trường phái thể chế đã đưa quá nhiều “nhận xét xã hội” trong định nghĩa của mình về thị trường (tức là chủ nghĩa tư bản) đến mức phủ nhận sự hiện hữu của nó (thị trường-chủ nghĩa tư bản) khi mà những định chế xã hội tạo ra cái khung cho nó không rõ ràng mang tính chất thương mại, hay nói một cách khác khi mà xã hội mậu dịch chưa được thiết lập một cách hoàn chỉnh.
Sự phê phán này có thể phong phú hơn nữa với rất nhiều thí dụ khác, đặc biệt là toàn bộ tư liệu được nhà nhân học Jack Goody sưu tập trong tác phẩm L’Orient en Occident (Phương Đông ở trong Phuơng Tây) [1999], một cỗ máy lý thuyết chống lại Weber và Polanyi nhằm phá hủy một cách dứt khoát luận điểm về tính đặc thù lịch sử của tính hiện đại của Phương Tây, bằng cách cho thấy tất cả những thành tố của nó - từ tư tưởng duy lý cho đến hệ thống ghi sổ kép và thị trường - đã có từ rất lâu ở Trung Đông hay ở Viễn Đông (và ĐẶC BIỆT Ở ẤN ĐỘ[4].
NHỮNG THÀNH TỰU KHOA HỌC CỦA POLANYI
Herman M. Schwartz (1958-)

Tuy nhiên ta không thể để sự phê phán xóa bỏ những thành quả khoa học. Một bộ phận chủ yếu của những nhận định lý thuyết của Polanyi, toàn bộ chiều kích chống thuyết duy kinh tế, vẫn có hiệu lực và còn được xác nhận bởi việc những sự xác định ngày tháng của ông bị đặt lại thành vấn đề. Càng ngày càng có nhiều thời điểm ra đời của thị trường được tìm ra ở bên ngoài Hy lạp và Châu Âu hiện đại, thì càng rõ ràng hơn là thị trường không phải là cái nôi của nền dân chủ. Thật vậy, giữa sự ra đời của nó và sự trỗi dậy của nền dân chủ, hoàn toàn không có một mối quan hệ nhân quả đơn giản và máy móc[5]. Nói chung, ngược lại, luận điểm về một sự ra đời mang tính chính trị của thị trường, tức là nhân tạo, lại được củng cố. Đó chính là quan điểm rõ ràng của Descat về Hy Lạp Cổ Đại. Nhưng đó cũng là quan điểm của Herman M. Schwartz khi ông này tưởng rằng ông có thể phủ nhận thuyết của Polanyi khi khẳng định rằng nền mậu dịch quốc tế lớn vào thế kỷ XV và XVI vận hành theo logic của một nền kinh tế tự điều tiết. Ta có thể tranh luận về điểm này, nhưng điểm chính là Schwartz lại xác nhận luận điểm của Polanyi về sự tách biệt hoàn toàn vào thời điểm đó giữa thị trường quốc tế và các thị trường địa phương vốn hoàn toàn không hoạt động dựa trên mô hình của thị trường tự điều tiết. Chính là NHÀ NƯỚC đang hình thành, để tài trợ cho quân đội của họ, đã thúc đẩy sự nối kết giữa nền mậu dịch lớn ở xa và những mậu dịch địa phương nhỏ vốn xa lạ với nhau ở thời điểm đó, khi áp đặt việc biến đổi cái tô tức thành tiền. Tự nó, nền mậu dịch lớn không có đủ sức để có thể đẻ ra những thị trường khu vực rồi quốc gia.[6]
Jonathan Friedman (1946-)
Chúng ta hãy quay lại sự phê phán về việc xác định ngày tháng của Polanyi cho thị trường. Chúng ta hãy khai quát hóa phê phán này trước khi tương đối hóa nó[7]. Thị trường tự điều tiết đã xuất hiện sớm hơn, và ở nhiều nơi hơn, và nó cũng đã tồn tại lâu dài hơn nhiều, ngay cả trước sự hiện đại xuất hiện mới đây, so với những gì mà Polanyi nghĩ. Nó không chỉ sinh ra ba lần, mà ít nhất là hai chục lần nếu ta tin chẳng hạn vào nhà nhân học Jonathan Friedman[8] [2000]. Nhưng điều này hoàn toàn không cho phép ta đoán được mức độ gần gũi mà nó có với cái thị trường của các nhà kinh tế học, trong những giai đoạn phát triển của nó, đến mức có thể tạo ra những giá cả hay thay đổi, phản ánh giá trị kinh tế của các sản phẩm hay các dịch vụ khác hơn là giá trị xã hội của những người đã sản xuất hay đã mua nó, và đặc biệt là điều này cũng hoàn toàn không giúp ta biết về cái phần mà nó đã chiếm trong đời sống vật chất, trong cái sinh kế của đại đa số người dân.
Fernand Braudel (1902-1985)
Điều thật sự vô cùng bền bỉ nơi Polanyi, chính là sự phê phán thuyết tự phát lấy mậu dịch làm trung tâm của rất nhiều nhà sử học kinh tế. Làm việc trên tài liệu viết được lưu trữ, trên ký ức của các thương gia, trên những điều lệ của thị trường, trên bản giá của những sản phẩm được trao đổi, là những nguồn tư liệu viết duy nhất mà họ có, họ có khuynh hướng nghĩ rằng thị trường có ở khắp mọi nơi, và đánh giá quá cao rất nhiều tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, nếu ta phân tích kỹ hơn các tư liệu này, ta sẽ thấy rằng - ngay cả nơi một nhà sử học như Fernand Braudel vốn hoàn toàn tin vào tính tự nhiên và tính phổ cập gần như tuyệt đối của thị trường -, cho đến cuối thế kỷ XIX, khi mà hơn 80% dân số sống ở nông thôn, chẳng hạn, cái phần của tiêu dùng hay của sản xuất được thực hiện thông qua thị trường và những vụ giao dịch bằng tiền, còn rất thấp một cách đáng ngạc nhiên[9].            
Natalie Z. Davis (1928-)
Như vậy, ta sẽ hiểu hơn vì sao một tác giả như Natalie Zemon Davis, trong tiểu luận rất hay của mình về quà biếu tặng ở nước Pháp vào thế kỷ XVI (Essai sur le don dans la France du xvie siècle), đã có thể cho thấy rằng đại đa số những vụ trao đổi vốn dệt nên những mối quan hệ xã hội đều được quan niệm trong lãnh vực quà biếu tặng và quà đáp trả chứ không phải trong lãnh vực của thị trường. Đây không phải là một ý thức hệ - hay là phải được hiểu theo nghĩa thuần túy mô tả của từ này: ấn định trí tưởng tượng thống trị ở một thời đại - đã che giấu sức mạnh to lớn có thực của thị trường. Không phải vậy, vì thị trường chỉ vận hành ở bên lề hay trong những kẽ hở, dù không có bất cứ nghi vấn nào về sự tồn tại của nó. Thêm nữa, đó là một thị trường bị điều tiết và kiểm soát gắt gao, một thị trường công như Braudel nói.
Rốt cuôc, sự phê phán sự nghiệp của Polanyi, nhà sử học và nhà nhân học kinh tế, tuy cần thiết, cũng không dẫn đến việc phải chuyển từ cái tư thế chống thuyết trọng thương hay đứng ngoài thuyết này hơi quá đáng của ông, sang cái thái cực ngược lại về tính tự nhiên của một thị trường phổ cập và của Con Người Kinh Tế. Thị trường, hiện diện trong mọi xã hội như là một tiềm năng, được hình thành như là một thị trường tự điều tiết ở nhiều xã hội và nhiều thời đại khác nhau. Tuy nhiên còn rất lâu mới có thể chuyển từ những thị trường lẻ tẻ và rải rác sang một hệ thống những thị trường kết nối với nhau. Một hệ thống phân loại bắt nguồn từ chính tư tưởng của Polanyi có thể phân biệt trong những nền kinh tế dựa trên sự lưu hành vốn phối hợp tính hỗ tương và sự tái phân phối, những nền kinh tế trong đó có những không gian dành cho sự hàng đổi hàng hay cho một thị trường tự điều tiết (với những mức giá cả được ấn định trước), với những nền kinh tế trong đó những không gian này được ghép với những thị trường tự do lẻ tẻ, và với những nền kinh tế trong đó những thị trường này phụ thuộc lẫn nhau và bị chi phối bởi một chuẩn mực xã hội có thể có tính thị trường hay không.
Ngoài ra, nếu ta chuyển những khái niệm mà Marx đã tạo ra để mô tả những mức độ khác nhau về sự lệ thuộc của quá trình lao động đối với chủ nghĩa tư bản, thì cần phải ấn định và phân loại những mức độ khác nhau và những hình thức đa dạng của sự lệ thuộc của cuộc sống hàng ngày đối với thị trường. Ở đây, ta có thể phân biệt một sự lệ thuộc ngẫu nhiên, hình thức hay có thật của đời sống xã hội đối với thị trường tùy vào việc ta buôn bán và mua một vài sản phẩm một cách hoàn toàn thất thường, như là một thứ xa xỉ, hay việc một phần của hoạt động sản xuất hướng tới thị trường, nhưng trong bối cảnh mà sự tái sản xuất cuộc sống hàng ngày đa phần là tự cấp tự túc hay, ngược lại, toàn bộ đời sống vật chất tùy thuộc vào việc nó diễn ra trong thị trường.
TÍNH THỜI SỰ CỦA SỰ NGHIỆP CỦA POLANYI
Marx và Weber đã cho ta thấy: điều mới, điều đã định hình cho tính hiện đại của Phương Tây, vào khoảng thế kỷ thứ XVI, không phải là sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản, đã được biết đến từ thời Cổ Đại, mà là sự hình thành gần như cùng lúc của hai phương thức mới của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản của những xưởng sản xuất rồi của nền công nghiệp, điều mà Marx đặc biệt nhấn mạnh, khi tạo cơ hội cho sự sản xuất đại chúng, đã cho phép thay thế từ từ những sản phẩm cần thiết được sản xuất một cách thủ công và theo mô hình tự cấp tự túc bằng những sản phẩm công nghiệp. Sự sản xuất đại trà này làm cho ta chuyển từ sự lệ thuộc ngẫu nhiên đến sự lệ thuộc hình thức rồi đến sự lệ thuộc thực sự của cuộc sống vật chất vào thị trường. Nhưng chủ nghĩa tư bản công nghiệp là một chủ nghĩa tư bản được duy lý hóa, và ở đây ta lại gặp Weber khi ông nhấn mạnh đến sự tách biệt giữa tài chánh của gia đình và tài chánh của xí nghiệp, hệ thống ghi sổ kép và sự chính đáng hóa mang tính tôn giáo của quá trình tích lũy. Ngoài ra, ta phải đặt mối quan hệ giữa tất cả những điều này với sự tác động mang tính quyết định của tín dụng và nền tài chánh, vốn là những yếu tố thật sự đã làm cho hiệu quả của hoạt động công nghiệp tăng gấp bội[10], đến mức mà xã hội hiện nay bị tài chánh hóa một cách rộng rãi và kinh tế nay lệ thuộc không phải vào thị trường sản phẩm và dịch vụ ít nhiều được công nghiệp hóa mà vào một thị trường tài chánh tự do và tự điều tiết. Tuy nhiên, với sự lệ thuộc của thị trường sản phẩm vào thị trường tài chánh, trục lợi và mang tính đầu cơ, thì lịch sử diễn ra vừa giống nhưng cũng đồng thời hoàn toàn khác với lịch sử mà động cơ là những cuộc đấu tranh giai cấp trong hai thế kỷ vừa rồi[11].
Như ta thấy, sự nghiệp của Polanyi không thể chỉ được xem như là sự nghiệp của một nhà sử học. Cần phải nhấn mạnh đến việc viễn tưởng nhân học mà Polanyi đã có, đã đóng góp vào tính thời sự của nó. Một tính thời sự nghịch lý ở một thời điểm mà thị trường có vẻ như thắng thế. Tuy nhiên, rất xa với xu hướng theo thời nhìn nhận một chỗ đứng cho Polanyi chỉ để phủ nhận sự thích đáng của nó để nắm bắt cái hiện tại, chống lại chủ nghĩa kinh viện muốn xóa bỏ tầm quan trọng của nó bằng cách giới hạn nó trong sự phân tích các xã hội đã qua, cần phải trở lại cuộc tranh luận hiện nay mà ông đã khởi xướng với định nghĩa của ông về kinh tế.
Carl Menger (1840-1921)
Theo ông, từ “kinh tế” thường được sử dụng để chỉ một loại sinh hoạt của con người dao động giữa hai cực ý nghĩa hoàn toàn không có liên hệ gì với nhau. Nghĩa đầu tiên, một nghĩa mang tính hình thức, xuất phát từ tính logic giữa phương tiện và cứu cánh, như trong các từ “tiết kiệm”, tính “tiết kiệm”: định nghĩa kinh tế dựa trên sự khan hiếm xuất phát từ nghĩa hình thức này. Nghĩa thứ hai, hay nghĩa thực chất (substantif), nhấn mạnh đến sự kiện sơ đẳng là con người không thể sống mà không thiết lập những mối quan hệ với nhau và với một môi trường thiên nhiên khả dĩ có thể mang lại cho họ những phương tiện để sống: định nghĩa thực chất của kinh tế bắt nguồn từ đó. Nghĩa thực chất của kinh tế xuất phát từ sự kiện là, đối với vấn đề lương thực, con người rõ ràng tùy thuộc vào những người khác và vào thiên nhiên. Sự phân biệt giữa định nghĩa của kinh tế dựa trên sự khan hiếm và trên quan hệ với người khác và với thiên nhiên đã được ghi nhận trong lần xuất bản sau khi tác giả mất, của cuốn Nguyên Lý của Carl Menger, người đã khởi xướng trường phái tân cổ điển. Sự phân biệt này chỉ rõ hai định hướng bổ sung cho nhau của kinh tế: một dựa trên sự cần thiết phải tiết kiểm để đối phó với sự thiếu hụt phương tiện, cái kia - mà ông gọi là định hướng kỹ thuật - xuất phát từ việc kinh tế bắt nguồn từ những đòi hỏi vật chất của sự sản xuất mà hoàn toàn không tính đến sự thiếu hụt hay sự dư dả của các phương tiện. Hai định hướng mà nền kinh tế của con người hướng tới xuất phát từ “các nguồn hoàn toàn khác nhau” và cả hai đều là “sơ cấp và cơ bản” [Menger, 1923, tr. 77]. Cuộc tranh luận này đã bị lãng quên và không được nhắc lại trong bất cứ sự trình bày nào về kinh tế học tân cổ điển, sự tập trung vào kết quả của lý thuyết của Menger về giá cả đã khiến cho những người kế thừa Menger chỉ dành sự quan tâm cho định nghĩa hình thức, điều được củng cố vì không có bản dịch tiếng Anh của tác phẩm của Menger được xuất bản sau khi ông mất[12]. Polanyi gợi ý rằng sự thu hẹp trường của tư tưởng kinh tế đã gây nên một sự đứt đoạn giữa kinh tế và sự sống. Đây là một ý kiến được các nhà kinh tế học quan tâm đến một sự suy nghĩ mang tính nhận thức học về khoa học của họ[13] chia sẻ. Trở lại định nghĩa của kinh tế, Polanyi cũng đồng ý với những nhà xã hội học và kinh tế học phê phán lý thuyết tân cổ điển về cách tiếp cận hành vi kinh tế [Ghislain và Steiner, 1955]. Cũng giống họ, ông chỉ rõ rằng chủ nghĩa duy lý trong kinh tế, một cách logic, theo giả thuyết về sự khan hiếm khi cho rằng hành động duy lý chỉ giới hạn trong hành động duy lý hướng tới mục tiêu. Luận điểm duy ngã kinh tế là tuyệt đối hóa hành động duy lý hướng tới mục tiêu, từ đó thiếu vắng một sự suy nghĩ về chính trị và sự hòa tan mang tính vị lợi của những vấn đề chính trị vào cách đặt vấn đề dựa trên lợi ích. Kết quả cũng là một thuyết quy giản thuần kinh tế có thể được tóm tắt bởi hai nét không thể tách rời với nhau.
Tiến trình tự chủ hóa của lãnh vực kinh tế được đồng nhất với thị trường là nét thứ nhất. Sự che khuất nghĩa thực chất của kinh tế dẫn đến sự lẫn lộn giữa kinh tế và kinh tế thị trường. Sự đồng nhất đã có thể diễn ra khi kinh tế học chỉ là khoa học của sự giàu có, tập trung vào sự phân phối các phương tiện trong bối cảnh của sự khan hiếm. Do đó có hàng loạt lãnh vực của nền kinh tế thực đã bị lãng quên. Braudel cũng đã từng nhấn mạnh: kinh tế thị trường cũng chỉ là một mảnh của một tập hợp rộng lớn, và sự tập trung hoàn toàn vào nó làm cho “cuộc sống vật chất” trở thành vô hình. Một cách cơ bản hơn nữa, Polanyi xác định rằng việc xem thị trường như là nguyên lý kinh tế tiêu biểu nhất có thể được xem như là niềm tin vào lời tiên tri tự thực hiện. Trong thực tế, các xã hội con người đã huy động nhiều nguyên lý: thị trường, nhưng cũng có sự tái phân phối và tính hỗ tương. Theo nguyên lý của sự tái phân phối, việc sản xuất được giao lại cho một cơ quan trung ương có trách nhiệm phân phối nó; điều này đòi hỏi một quy trình ấn định những nguyên tắc của việc trích thu và việc sử dụng. Còn sự hỗ tương thì tương ứng với những mối quan hệ được thiết lập giữa những con người hay những nhóm nhờ vào những sự việc làm chỉ có ý nghĩa trong ý muốn biểu lộ mối liên hệ xã hội giữa các bên tham gia.
Sự xác định của mọi thị trường như là một thị trường tự điều tiết là nét thứ hai. Những giả thuyết mang tính duy lý và nguyên tử về cách hành xử của con người cho phép nghiên cứu kinh tế với một phương pháp suy diễn bằng sự tổng gộp những cách hành xử cá nhân nhờ vào thị trường, mà không quan tâm đến cái khung thể chế trong đó những hành xử này được định hình. Cho rằng thị trường mang tính tự điều tiết, tức là như một cơ chế để thiết lập một mối quan hệ đối chiếu cung và cầu thông qua giá cả, dẫn đến việc quên đi những sự thay đổi về thể chế cần thiết cho sự kiện này xảy ra và bỏ qua những cấu trúc thể chế đã làm cho nó có thể xảy ra. Việc giải thích cách hành xử thị trường qua sự tối đa hóa lợi ích che giấu việc nó cũng thuộc loại quá trình hành xử được định chế hóa.
MỘT SỰ ĐÓNG GÓP VỀ MẶT KHÁI NIỆM CHO XÃ HỘI HỌC KINH TẾ VÀ CHO KINH TẾ CHÍNH TRỊ HỌC 
Vậy điều mà Polanyi nhấn mạnh là việc kinh tế học đã được đóng khung bởi niềm tin kinh tế học về một thị trường tự điều tiết. Ông phủ nhận mọi tham vọng nghiên cứu những hoạt động sản xuất, trao đổi và tài trợ chỉ dưới lăng kính của thị trường. Với tư cách này, ông là một trong những người tạo cảm hứng cho một xã hội - kinh tế học thiên về thuyết thể chế. Giá trị để giúp phát hiện của tư thế của ông là không thể chối cải đối với một kinh tế chính trị học muốn khảo sát chỗ đứng không ổn định của kinh tế trong xã hội con người, khi tính đến là có nhiều mô hình hội nhập. Nó cũng có giá trị này đối với một xã hội học kinh tế không muốn biến thành một thứ phụ trợ cho kinh tế học chính thống.
Mark Granovetter (1943-)
Về mặt này, những sự khác biệt trong việc sử dụng ẩn dụ về sự lồng kết (embeddedness) của Mark Granovetter và Polanyi có thể được xem như là mang tính biểu hiện và nhấn mạnh đến sự đặc thù của Polanyi. Khái niệm lồng kết do Polanyi sáng tạo đã được Granovetter truyền bá. Vấn đề là sự truyền bá này đã đi đôi với một sự xê dịch. Để đối chiếu hai nội hàm này, ta hãy lấy lại trước hết là những luận điểm của Granovetter để so sánh chúng với những luận điểm của Polanyi.
Kinh tế học chính thống, kể cả trong những sự phát triển mới nhất của kinh tế học thể chế mới, bắt nguồn từ thuyết vị lợi khi nó quan niệm những thể chế hiện nay như là kết quả của những sự lựa chọn được thực hiện dựa trên tính hiệu quả. Theo Granovetter, xã hội học kinh tế từ chối chính thuyết chức năng này vốn làm cho sự phân tích chi tiết của cấu trúc xã hội bị khó khăn, tuy rằng điều này là thiết yếu để hiểu được sự hình thành của các thể chế. Những thể chế này, hoàn toàn không phải là đáp án duy nhất và bắt buộc cho những vấn đề hiệu suất, mà là kết quả của lịch sử của con người và, với tư cách này, bị chi phối bởi tính ngẫu nhiên của lịch sử. Do đó ta không thể nắm bắt một thể chế được xem như là một hiện tượng xã hội mà không nghiên cứu tiến trình lịch sử, môi trường xuất phát của nó. Ở cội nguồn của một thể chế, có nhiều khả năng diễn tiến lịch sử, và thể chế là kết quả của một sự kết tinh cả những mối quan hệ cá nhân đặc thù. Theo Granovetter, sự lồng kết cho thấy việc những hành động kinh tế được lồng vào những mạng các mối quan hệ xã hội liên cá nhân cần được xác định từ sự nghiên cứu cấu trúc của nó. Chính việc các định chế dựa trên những mạng lưới xã hội mới có thể giải thích, chẳng hạn, hành trình của các doanh nghiệp trong sự phát triển của mình. Tuy vậy những hành trình này diễn ra trong một nền kinh tế thương mại. Vì vậy, Granovetter đề nghị giải thích vài con đường phát triển trong khuôn khổ một nền kinh tế thương mại được xem như là đã hiện hữu và hiển nhiên.                
Đối với Polanyi, cần phải nghiên cứu một vấn đề rộng lớn hơn. Kinh tế bao gồm toàn bộ những hoạt động xuất phát từ sự lệ thuộc của con người đối với thiên nhiên và những đồng loại của mình. Qua thuật ngữ lồng kết, ông muốn chỉ việc nền kinh tế như đã định nghĩa ở trên được ghi sâu trong những quy tắc xã hội, văn hóa và chính trị chi phối một số hình thái sản xuất và lưu thông của các sản phẩm và dịch vụ. Trong những xã hội tiền tư bản, những thị trường bị giới hạn và đa số những hiện tượng kinh tế đều được ghi lại trong những chuẩn mực và những thể chế đã có trước và định hình cho những hiện tượng này. Nét đặc thù của nền kinh tế hiện đại là sự căng thẳng giữa một tính hiện đại dân chủ và nền kinh tế. Theo ông, kinh tế được đồng nhất với thị trường tự điều tiết dẫn đến dự án về một xã hội bắt rễ trong cơ chế của chính nền kinh tế của mình. Khi một nền kinh tế thị trường không bị hạn chế thì nó dẫn đến một xã hội thị trường, trong đó thị trường được coi như là đủ để tổ chức xã hội. Sự xuất hiện của sự không tưởng về một thị trường tự điều tiết là điểm tạo nên sự khác biệt giữa tính hiện đại dân chủ với các xã hội khác, trong đó đã có một số yếu tố của thị trường nhưng lại không có ý đồ để kết nối chúng thành một hệ thống độc lập.
Vả lại, những nghĩa này về sự lồng kết có thể không đối lập với nhau, mà được đặt trong một thế bổ sung cho nhau, như Granovetter gợi ý cho chúng ta khi giảm nhẹ những sự phê phán của ông đối với một Polanyi “luận chiến” để thừa nhận sự đóng góp của một Polanyi “phân tích”. Nền kinh tế thị trường có thể được nghiên cứu với sự sáp nhập của những khung về quan hệ và thể chế, những điều không thể thiếu cho sự triển khai của nó. Là điều quyết định để hiểu được một vài thị trường như thị trường lao động, những mạng lưới quan hệ có thể giải thích một vài chiến lược. Vượt qua những điểm dựa của chúng là những sự tiếp xúc liên cá nhân, đa số những thị trường hiện nay đều được đặt trong những thể chế vốn xây dựng những quy tắc xã hội hay sinh thái. Sự chằng chịt của thị trường và những thể chế này có thể được đặt lại trong khuôn khổ của một sự căng thẳng lịch sử giữa sự điều tiết và sự giải điều tiết vốn là yếu tố cấu thành của thị trường.
Cách tiếp cận của Polanyi không bao hàm bất cứ sự phủ nhận của việc các mối quan hệ mậu dịch dựa trên những mạng lưới quan hệ. Tuy nhiên, đối với Polanyi, sự lồng kết thuộc về một loại khác và nêu lên một vấn đề mà Granovetter không biết đến: vấn đề của niềm tin vào thị trường như là một biểu tượng của những thành tựu trong thực tế. Khi ông quan niệm kinh tế như là một tiến trình được định chế hóa, ông đã cho thấy sự tự trị hóa của hoạt động kinh tế trong xã hội hiện đại thật sự là một dự án chính trị. Từ đó ta có thể suy ra một cách tiếp cận về việc “giải sự lồng kết” như là kết quả của một sự ưu tiên mà chính quyền dành cho nền kinh tế hình thức, tức là thị trường. Như vậy, sự “phá vỡ sự lồng kết” của nền kinh tế được xem như là một hình thái đặc biệt của sự lồng kết chính trị dành ưu tiên cho những cách hành xử gắn với một biểu tượng mang tính hoàn toàn hình thức về kinh tế; hiệu lực của nó nằm ở chỗ nó che dấu những thực tại gắn liền với một biểu tượng thể từ về kinh tế, tức là những hoạt động trong đó có kinh tế là một phương tiện phục vụ cho một mục tiêu thuộc một thể loại khác - điều mà Weber gọi là những hoạt động có xu hướng kinh tế.
Như vậy, ngược lại với những chủ đề được nhiều tác giả tập trung phê phán, việc tranh luận về việc xác định ngày tháng của thời kỳ này hay thời kỳ khác của lịch sử của xã hội thị trường là điều thứ yếu. Luận điểm của Polanyi tập trung vào sự lồng kết chính trị (theo nghĩa rộng của từ chính trị). Thật vậy, nếu ta coi xã hội thị trường là một mối đe dọa đối với nền dân chủ, thì một cách logic ta phải dành ưu tiên cho việc nghiên cứu sự ghi nhận kinh tế trong những khung chính trị, tuy không phủ nhận lợi ích của việc hiểu được việc những hoạt động kinh tế dựa vào những mạng lưới xã hội. Có nhiều tác giả, như Sharon Zukin và Paul DiMaggio [1990] cũng đã nhấn mạnh đến sự lồng kết chính trị và phê phán việc hạn chế sự lồng kết chỉ trên những mạng lưới xã hội. Trong viễn cảnh lý thuyết này, xã hội học kinh tế có thể được quan niệm như là một quan điểm xã hội học cho kinh tế không thể chỉ thu gọn trong nền kinh tế thị trường và trong đó thị trường cũng không bị thu gọn trong một thị trường tự điều tiết.
Sự trở lại với Polanyi giúp có được một sự suy nghĩ phong phú hơn về mối tương quan giữa kinh tế và xã hội. Đó là một chủ đề trung tâm trong xã hội kinh tế của những nhà sáng lập, nhưng lại bị viễn cảnh xã hội học vi mô đặc thù của khoa xã hội học kinh tế mới trong phiên bản theo Granovetter, bỏ rơi.
DÂN CHỦ, KINH TẾ VÀ SỰ ĐA DẠNG
Chúng ta đã biết những phân tích của Polanyi không thể tách rời với một dự án đạo đức-chính trị, và tính thời sự của nó khiến chúng ta phải đặt câu hỏi về nội dung của dự án này, trong một bối cảnh khác với bối cảnh trong đó Polanyi đã viết nó.
Về phương diện này, những kết luận của nó khác hẳn với những nhận xét trấn an, tôn vinh sự “kết thúc của lịch sử” mà sự kết hợp giữa nền dân chủ nghị trường và thị trường sẽ dẫn đến. Theo luận đề lớn thứ ba đã được trình bày ở trên, chế độ thị trường, vì nó dẫn đến sự phi nhân hóa và sự phi xã hội hóa của hoạt động kinh tế, không thể nào có thể chịu đựng được về mặt tâm lý, theo Polanyi. Do đó, nó có thể dẫn đến sự tái xã hội hóa mang tính ảo ảnh mà các chế độ toàn trị nỗ lực theo đuổi. Đó là điều mà lịch sử đã dạy cho ta: mâu thuẫn giữa những lý tưởng của thời đại Khai Sáng và ý đồ của xã hội thị trường đã dẫn đến chủ nghĩa phát xít và chế độ cộng sản.
Đối với chủ nghĩa phát xít, dân chủ là một sự lỗi thời vì chỉ có một Nhà Nước toàn trị mới có thể chặn lại những sự rối loạn gắn liền với chủ nghĩa tư bản. Không công nhận khả năng của một ý hướng mang tính cộng đồng có ý thức và có suy nghĩ nơi cá nhân, chủ nghĩa phát xít giam hãm mọi khát vọng hướng tới cộng đồng trong những sự lệ thuộc dựa trên ma lực; sự tôn thờ lãnh đạo thay thế cho quyền tự chủ cá nhân và được kết hợp với một học thuyết mang tính đoàn thể chủ trương một trật tự mang tính kỹ thuật trong đó những ngành sản xuất trở thành những tổ chức nắm quyền lực kinh tế. Như vậy, mục tiêu của chủ nghĩa phát xít là loại bỏ nền dân chủ và tổ chức xã hội để phục vụ cho một hệ thống kinh tế được cấu trúc hóa bởi những thứ bậc bất biến. Ngược lại, tham vọng của chủ nghĩa cộng sản là muốn mở rộng nền dân chủ cho hệ thống kinh tế. Nhưng nó lại đồng nhất nền dân chủ kinh tế với sự thay đổi quyền sở hữu các phương tiện sản xuất, khi vẫn khinh miệt pháp luật và nền dân chủ nghị trường, vì cho đó là những thành quả mang tính hình thức của một thượng tầng kiến trúc thể hiện quyền bá chủ của giai cấp tư sản.
Thảm họa toàn trị đã có sự đóng góp lớn cho sự tái chính đáng hóa của chủ nghĩa tư bản. Được củng cố bởi sự sụp đổ của các chế độ cộng sản vốn xác định khẩu hiệu theo đó không thể có một đáp án thay thế nào có thể đứng vững, cuộc tấn công tân tự do dựa trên hai sự mơ hồ này. Giả thuyết được bảo vệ ở đây là tiềm lực của nền kinh tế thị trường bị cản trở bởi một tổ hợp những quy tắc làm cho nó bị tê liệt. Nhưng nhận định trước đây vẫn còn giá trị ngày hôm nay. Xã hội thị trường và nền dân chủ vẫn không tương hợp với nhau. Từ nay, điều đe dọa xã hội, điều tạo ra một sự phi nhân hóa không thể nào chịu đựng được - giống như điều đã dẫn đến sự toàn trị, theo Polanyi - không còn là cái thị trường tự điều tiết các sản phẩm, mà là thị trường tự điều tiết hay bị giải điều tiết (phi quy tắc) của nền tài chánh càng ngày càng “xa rời với thực tế”, và ẩn náu trong cái biến thể của những cảng thương mại, các thiên đàng thuế khoá. Vậy, nếu ta tin Polanyi, và mọi chuyện đều làm cho ta nghĩ rằng Polanyi đúng, việc phá vỡ sự lồng kết như trên nền tài chánh không thể nào chịu đựng được trong thời gian dài. Khi thế kỷ XXI mới bắt đầu, ta nên rút ra những bài học của thế kỷ XX: những mưu toan để vượt qua chủ nghĩa tư bản đều dẫn đến những ngõ cụt toàn trị; nhưng, ngoài ra, chủ nghĩa tân tự do còn gắn với một lịch sử dài, lịch sử của chủ nghĩa giáo điều về thị trường mà những hậu quả đã thật sự là thê thảm.
Nội dung của sự phản ứng dân chủ thật sự là mấu chốt cho sự tiến hóa của xã hội; nếu không thì ít nhất, ta chỉ có thể chứng kiến những cuộc chạm trán - chẳng hạn giữa “Mac World (thế giới của Mac Donald)” và “Djihad (cuộc thánh chiến)” để dùng những hình tượng của Barber [1996]. Sự toàn cầu hóa thị trường và sự nới rộng nó đến những lãnh vực mà nó chưa đụng tới trước đây sẽ có hệ quả là sự lớn mạnh của chủ nghĩa tôn giáo truyền thống tuyệt đối (integrisme). Nguy cơ là có thật và được xác nhận bởi những biến cố thảm khốc.
Tuy nhiên, sự khó khăn không thể phủ nhận vốn nằm trong sự ưu thế của nguyên lý thị trường, không thể dẫn đến một phiên bản mới của thuyết quyết định luận kinh tế. Một sự biến đổi lớn mới sẽ không thể tránh được. Nhưng cái phản phong trào này có thể mang những hình thái độc tài, toàn trị mới, hay ngược lại dân chủ. Vậy thì đáp án thứ hai này có bao nhiêu khả năng xảy ra?
J. J. Rousseau (1712-1778)
Ở đây cũng vậy, Polanyi muốn chuyển hướng sự bi quan của Weber, tuy nhấn mạnh đến sự trường tồn của hai loại duy lý hình thức và vật chất, vẫn nghĩ rằng không thể nào bảo đảm giá trị của những đòi hỏi của một tính duy lý có thực chất chứ không chỉ là hình thức. Mặc dù không đưa ra một đáp án chắc chắn, Polanyi vẫn gợi ý một vài điểm tựa cho sự thay đổi dân chủ. Ta hãy nêu 3 điểm.
Cũng như đã nêu ở trên, những bài trong tuyển tập này[14] đã đề cao khả năng tạo ra sự biến đổi của tinh thần và ý chí của con người vốn có khả năng tạo lại một sức sống cho những lý tưởng về công bằng, các quyền và tự do. Từ đó, vai trò gán cho văn hóa và những mối liên hệ xã hội tập thể khiến cho Polanyi trở về với Jean Jacques Rousseau để đặt câu hỏi về sự nối kết giữa quyền tự do và sự công bằng vốn là điểm mấu chốt của nền dân chủ trong một xã hội phức tạp. Ông đề xuất một lý thuyết liên hệ đối lập với phương pháp luận cá nhân, và sự từ chối thuyết nguyên tử của ông đi đôi với một sự quan tâm đối với những thực tiễn xã hội, giáo dục và những sự cam kết tập thể.
Axel Honneth (1949-)
Edward Thompson (1924-1993)
Đúng là cần phải triển khai những cách thức để thử thách một thế giới quan qua những cách ứng xử, và việc cần đến sự trải nghiệm khiến cho ta nghĩ đến ngữ pháp của các cuộc đấu tranh xã hội của Axel Honneth; và với sự quan tâm rằng tổ chức kinh tế sẽ thể hiện thế giới quan ấy thì, về khía cạnh này, ta nghĩ đến nền kinh tế đạo đức của Edward P. Thompson. Cần phải tạo ra những cách thức hành động, và cả “những cách thiết kế diễn ngôn[15]” tức là những cách suy nghĩ sẽ khái niệm hóa những trải nghiệm bằng cách phối hợp nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm.
Khi nó biến thành một mục tiêu, thế giới quan thuần kinh tế phủ nhận quyền của các tiến trình dân chủ để xác định một ý nghĩa và một dự án của con người. Chính cái quyền đó có thể từ từ được chiếm lại. Những cách thức mà Polanyi nghĩ tới là tiếng vọng của sự sôi động đã diễn ra ở thời điểm “Vienne Đỏ”; nó cũng gần với những đề nghị của G. D. H. Cole và cặp Webb, những lý thuyết gia của chủ nghĩa xã hội dựa trên những phường hội (nghiệp đoàn - ND) và của Mauss (vốn là một người rất ngưỡng mộ Beatrice và Sydney Webb) vốn muốn giao lại cho Nhà Nước trách nhiệm tái phân phối những của cải được thị trường sản xuất, nhưng đặc biệt nhắm tới việc truyền lực cho toàn bộ những hiệp hội những người sản xuất và tiêu dùng vốn tạo ra chất sống của xã hội, mà ngày hôm nay được gọi là xã hội dân sự. Sự đồng nhất với Mauss thật là nổi bật; nó liên quan đến sự phân tích nền kinh tế: việc tố cáo sự chi phối của thị trường dựa trên ý tưởng rằng thực tại không cho thấy một phương thức tổ chức nền kinh tế như là sự biểu hiện một trật tự tự nhiên, mà chỉ là một tổng thể những logic và những hình thái sản xuất và lưu hành; nó còn liên hệ đến quan niệm về sự chuyển biến dân chủ: nó hoàn toàn không thông qua “những giải pháp thay thế cách mạng hay cực đoan, những sự lựa chọn tàn nhẫn giữa hai hình thái xã hội đối lập, mà được triển khai thông qua những cách thức xây dựng những nhóm và những định chế mới bên cạnh hay dưới những nhóm và định chế cũ[16]”.
Nói một cách khác, những thực tiễn xã hội hướng tới sự giải phóng, dù có cần thiết đến đâu đi nữa, cũng không thể là đủ để có thể thúc đẩy một sự biến chuyển thật sự. Chúng chỉ có thể thoát khỏi sự tầm thường hóa hay việc bị đặt ngoài lề khi chúng có khả năng tác động đến những chính sách công. Chỉ những tiến trình học hỏi cá nhân và tập thể, nếu dẫn đến một hành động công nhắm tới việc biến đổi những khung luật pháp và những chính sách đang được áp dụng, mới có thể đóng góp vào “những tiến trình được thể chế hóa để dân chủ hóa nền kinh tế” [Mendell, 2006]. Chúng có thể tạo ra một cái khung cho thị trường bằng cách thiết lập những quy tắc xã hội và môi trường cần phải được tôn trọng. Cùng lúc, chúng giúp giới hạn thị trường bằng cách dành một vị trí cho những những nguyên lý khác, nguyên lý về sự hỗ tương và sự tái phân phối.
Jürgen Habermas (1929-)
Như vậy, ta nối lại với cơ năng của sự đoàn kết dân chủ có hai hình thái bổ sung cho nhau: một hình thái hỗ tương tương ứng với mối liên hệ xã hội tự nguyện thông qua đó các công dân tự do và bình đẳng hành động cho lợi ích chung; một hình thái tái phân phối chỉ những chuẩn mực và những dịch vụ được các cơ quan công quyền sử dụng để củng cố sự cố kết xã hội và làm giảm bớt các sự bất bình đẳng. Sự phục tùng nguyên lý thị trường càng dễ bị cáo giác khi mà có những sự xích gần lại xảy ra giữa sự hỗ tương và sự tái phân phối theo hướng những gì đã xảy ra trước đây trong những hình thái kinh tế đã có trước hình thái của chúng ta [xem Servet, 2007]. Từ đó, có những con đường được xác định về những gì được chỉ rõ ở trên như một chế độ xã hội dân chủ cấp tiến, phù hợp với thời đại của chúng ta. Đặc biệt điều này đòi hỏi ngăn trở ý tưởng về sự độc quyền của thị trường để tạo ra những tài sản. Sự đoàn kết không thể thỏa mãn với sự lệ thuộc đối với sự tăng trưởng thương mại được chế độ xã hội dân chủ truyền thống công nhận. Tự nó, nó là một lực để thiết lập các thế chế và một lực hội nhập xã hội như Jurgen Habermas nghĩ [1990].
Quả đúng là Polanyi đã đánh giá quá thấp khả năng của thị trường để cải thiện mức sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các tiến trình cá nhân hóa, tuy nhiên ông không bao giờ chủ trương dẹp bỏ nó mà chỉ “thuần hóa” nó mà thôi. Trong những trao đổi với Ludwig von Mises, Polanyi khẳng định sự tương hợp giữa các thị trường và chủ nghĩa xã hội[17]. Khi bênh vực ý tưởng về một sự tự bảo vệ cần thiết của xã hội, ông chỉ rằng những sự đột phá phá vỡ sự điều tiết luôn luôn có sự đáp lại của những sáng kiến của xã hội muốn làm cho sự vận hành của các thị trường phụ thuộc vào những quy tắc dân chủ.    
Song song với những quy định như trên về thị trường, yếu tố quyết định là những cơ chế “thị trường không thể là những phương thức duy nhất để xác định giá trị của các của cải được sản xuất[18]”, và những chiều kích phi thị trường và phi tiền tệ cần phải được củng cố. Một cực khác với kinh tế thị trường cũng là thành tố của tính hiện đại dân chủ: đó là kinh tế phi thị trường tương ứng với những lãnh vực trong đó sự phân phối của cải và dịch vụ được giao cho sự tái phân phối. Kinh tế thị trường đã không thể thực hiện được lời hứa của nó về sự hài hòa xã hội. Ngược lại, với sự trỗi dậy của vấn đề xã hội, đã xuất hiện sự cần thiết khuyến khích những định chế có khả năng ngăn cản những hiệu ứng phá hủy. Một nguyên lý kinh tế khác với sự trao đổi thị trường, sự tái phân phối, đã được huy động qua hoạt động công dẫn đến sự hình thành của Nhà Nước xã hội vốn trao cho những công dân những quyền cá nhân nhờ đó họ hưởng được một sự bảo hiểm bao phủ những bất trắc xã hội hay một sự hỗ trợ như là phương cách cuối cùng cho những người ít được ưu đãi nhất. Như vậy, dịch vụ công có thể được định nghĩa như là sự trợ cấp những của cải và dịch vụ mang chiều kích của sự tái phân phối mà những quy tắc được một cơ quan công quyền ban bố dưới một sự giám sát dân chủ.
Ngoài ra, sự tiền tệ hóa gắn với những cực thị trường và phi thị trường không thể làm cho ta quên sự tồn tại của một cực vốn kháng cự sự tiền tệ hóa và được biểu hiện trong những hình thái kinh tế phi tiền tệ. Đó là lãnh vực của sự biếu tặng và của sự hỗ tương vượt khỏi lãnh vực của sự công cụ hóa và của sự chiến lược hoá trong những xã hội hiện đại. Được đặt trong một cách nhìn hiểu biết lẫn nhau, nó không quan niệm người khác như là một phương tiện. Những trào lưu của một xã hội học kinh tế mới mở mà chúng tôi gắn với, thật sự quan tâm đến việc sáp nhập sự biếu tặng và sự hỗ tương trong sự phân tích mối quan hệ giữa kinh tế và xã hội.
Phong trào chống chủ nghĩa vị lợi trong khoa học xã hội (MAUSS) có tham vọng chống lại một chủ nghĩa vị lợi phổ cập muốn giải thích toàn bộ những hành động của con người bằng sự mưu tìm một lợi ích cá nhân. Mặc dù không rơi vào cái cực đoạn ngược lại - chủ trương sự miễn phi - phong trào MAUSS cố gắng tư duy đặc tính nguyên bản của nghĩa vụ “cho, nhận và đáp trả” vốn không chỉ dành cho những xã hội cổ mà còn được mở rộng cho các xã hội hiện đại[19]. Điều quan trọng là phải tránh sự che giấu sức mạnh của nguyên lý có qua có lại trong quan hệ xã hội sơ khai và sự huyền thoại hóa nguyên lý này dẫn đến việc chủ trương một nền kinh tế dựa trên nguyên lý biếu tặng không chắc chắn, một đáp án thay thế hão huyền cho thị trường.
Cũng như cách tiếp cận của kinh tế liên đới chỉ rõ, để bù lại ta vẫn có thể tiến hành một sự phân tích mô tả và thông hiểu những thực tiễn vốn tạo dựng lại những mối quan hệ giữa cái kinh tế và cái xã hội bằng cách phối hợp sự hỗ tương, lợi ích và sự tái phân phối. Vượt qua những cộng đồng được thừa kế, gia đình, sự thiết lập một cộng đồng chính trị và sự công nhận cá nhân vốn đi đôi trong nền dân chủ hiện đại tạo điều kiện cho việc có thể có được sự “tự do tích cực” [Berlin, 1969] và được biểu hiện trong những hành động hỗ tương và những thực tiễn hợp tác bắt nguồn từ những sự dấn thân tình nguyện. Trong rất nhiều những hình thái liên hợp, đã hiển lộ yêu sách về khả năng hành động trong kinh tế và yêu cầu về một sự chính đáng hóa của sáng kiến độc lập với việc có một số vốn. Lúc đó, thì khả năng sáng kiến canh tân của những hội đoàn tùy thuộc vào khả năng tư duy phản tư của họ. Nó còn phụ thuộc vào khả năng lai tạo những cực kinh tế khác nhau, tức là khả năng huy động những tài nguyên (phi tiền tệ, phi thị trường và thị trường) dựa trên những logic của dự án chứ không phải trên những logic vốn là ngoại lai đối với nó[20]. So với trào lưu kinh tế xã hội[21] đã có trước vốn tập trung vào sự hiện hữu của các xí nghiệp phi tư bản, trào lưu kinh tế liên đới du nhập một logic theo Polanyi dựa trên sự đa dạng của những nguyên lý kinh tế.
Câu hỏi được đặt ra là làm sao để cho những định chế có khả năng bảo đảm sự đa dạng của kinh tế được phát hiện để ghi nhận chúng trong một cái khung dân chủ, một điều mà logic của cái lợi vật chất cấm đoán khi nó trở thành độc nhất và không giới hạn. Đáp án cho câu hỏi này chỉ có thể được tìm thấy nếu nó xuất phát từ những sự phát minh thể chế ăn sâu trong những thực tiễn xã hội; chính những thể chế này mới có thể vạch ra những con đường của một sự tái ghi nhận của kinh tế, của sự tái lồng kết nó trong những chuẩn mực dân chủ. Sự khôi phục những thỏa hiệp đã từng có đều dẫn đến sự thất bại và tư duy về sự bình đẳng và tự do chỉ có thể tiến triển với việc tính đến những phản ứng xuất phát từ xã hội hiện nay.

Cần phải xác định rằng mục tiêu của việc công nhận và chính đáng hóa một nền kinh tế đa cực không đòi hỏi bất cứ quan niệm hòa hoãn và hòa giải nào về những mối tương quan và trọng lương của các định chế, cũng như việc quên đi sự thống trị của thị trường. Ngược lại, cần phải phản ứng lại ảo tưởng dịu hiền về một sự hòa hợp nội tại của xã hội thương mại bằng cách đưa vào tính xung đột giữa những nguyên lý kinh tế khác nhau, và như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho những cuộc tranh luận dân chủ về những lựa chọn kinh tế khác nhau. Như vậy, những mối tương quan giữa kinh tế và xã hội có thể được tiếp cận trong cách nhìn về một nền kinh tế đa dạng được quan niệm như là một thành tố không thể thiếu của một nền dân chủ thương nghị không hướng tới một sự hòa giải phổ cập, mà đến việc trình bày rõ ràng những lựa chọn trong lãnh vực công, một nền dân chủ thương nghị cũng là một “nền dân chủ đấu tranh[22]” (agonistique) để lấy lại thuật ngữ của Chantal Mouffe.
Chính trong viễn tưởng của sự thể chế hóa một nền kinh tế đa dạng dứt khoát mang tính dân chủ mà di sản của những tư tưởng và phân tích của Polanyi mới thật sự biểu lộ ý nghĩa của chúng.
Thư mục cho bài này ở đây.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Actualité de Karl Polanyi”, trong Avec Karl Polanyi, contre le tout-marchand (Cùng với Karl Polanyi, chống lại một xã hội thuần thương mại), Revue du Mauss, 2007(1) (n0 29), trang 80-109.




Chú thích:

[i] Alain Caillé là giáo sư danh dự về xã hội học ở Đại học Paris-Est Nanterre. Ông là người đã giúp tái khám phá sự nghiệp của Marcel Mauss, nhà nhân học cháu của Émile Durkheim, nhưng đã bị hào quang của Durkheim che khuất trong một thời gian dài. Lấy ý tưởng quà biếu tặng của Mauss làm kim chỉ nam của mình, chống lại ý tưởng vị lợi đang thống trị các khoa học xã hội, và đặc biệt là kinh tế học. Ông đã sáng lập MAUSS (Mouvement Anti-Utilitariste en Science Sociale/ Phong trào chống thuyết vị lợi trong khoa học xã hội) được thành lập năm 1981, chủ trương một cách tiếp cận phê phán và đa ngành các khoa học xã hội và là tổng biên tập tạp chí Revue du Mauss. (ND)

[ii] Là nhà xã hội học và kinh tế học, Jean Louis Laville, hiện là giáo sư tại CNAM (Conservatoire des Arts et Métiers/Học viện quốc gia các ngành nghệ thuật và nghề nghiệp) phụ trách môn kinh tế học liên đới (économie solidaire). Từ chối sự ngăn vách giữa các khoa học xã hội, ông nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa các khoa học xã hội và triết lý chính trị, dẫn đến một cái nhìn độc đáo về các thành tố của xã hội dân sự. Ông là người phối hợp của Karl Polanyi Institute of Political Economy ở châu Âu. (ND)

[1] Đây là lời bạt, dưới một hình thức được thay đổi chút ít, dành cho tuyển tập các bài của Karl Polanyi do Michele Cangiani và Jerome Maucourant lựa chọn và trình bày và sắp được Nhà Xuất Bản Seuil xuất bản trong bộ Sưu Tập do Jacques Genereux làm chủ biên.

[2] Như được hai bài được tuyển chọn trong quyển sách cua C. Cangiani và J. Maucourat chứng thực: “Tâm tính thị trường đã trở nên lỗi thời” và một cách đặc biệt hơn nữa “Có cần phải tin vào quyết định luận kinh tế không?”

[3] Điều kiện và bí mật của sự sống sót của họ nằm trong tính phi tiền tệ của những dịch vụ được thực hiện trong khuôn khổ của trang viên, cơ sở sản xuất thủ công nhỏ hay chế độ gia nhân. Một khi mà cần phải trả theo giá thị trường những dịch vụ “miễn phí” trước đây được các nô lệ, các nông nô hay các thành viên của gia đình thưc hiện, thì cần phải bán đủ để có thể mua, vay nợ và sau đó thì sự phá sản lại nhanh chóng tới. Về chủ đề này, hai quyển sách lớn là của Witold Kula [1970] và Alexandre Tchayanov [1990].

[4] Thật ra, sự phê phán nhắm vào Polanyi hơn là vào Weber vốn không đánh giá quá cao tính độc đáo lịch sử của chủ nghĩa tư bản nói chung, như ta đã thấy.

[5] Như vậy, ta phải hoàn toàn đọc ngược lại quá trình mà Jacques Attali đề ra trong quyển sách tương đối khá hay, Une brève histoire de l’avenir (Một lịch sử ngắn của tương lai) [2006] - lấy cảm hứng rất rõ ràng từ Braudel. Ông khẳng định rằng sự mở rộng của thị trường và của dân chủ luôn luôn đi cùng với nhau khi cho rằng chính sự thành lập một trung tâm thương mại là điều kiện cho sự thành hình và mở rộng của nền dân chủ. Với một quan điểm mang tính nhân quả như thế, thì thật khó để bảo vệ một dự án về sự dân chủ hóa của chủ nghĩa tư bản và để tìm ra những tài nguyên đạo đức - chính trị khả dĩ có thể chống những sự tàn phá của tiến trình toàn cầu hóa thị trường.

[6] Schwarz [2000, được trích dẫn trong Norel, 2004, tr. 48-49]. Jean Baechler [1971] đã từng chứng minh sự không thể có một lịch sử thuần kinh tế về sự hình thành của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và đã vạch ra những điều kiện chính trị của nó.

[7] Sự bác bỏ những ngày tháng mà Polanyi xác định, sự nghiên cứu lịch sử yếu kém đã được những môn đệ của ông thực hiện, tất cả những điều này có thể làm cho một cách đọc Polanyi mang tính uyển ngữ trở nên hấp dẫn, điều sẽ làm cho dự án thật sự khoa học và lịch sử của Polanyi trở thành không quan trọng và khiến cho ta nghĩ rằng Polanyi thực hiện nó chỉ với mục đích chứng minh rằng ý tưởng về một xã hội thuần thị trường chỉ là một sự hư cấu không thể đứng vững và nguy hiểm. Chúng tôi nghĩ làm như vậy thì hạ thấp dự án này một cách quá đáng. Đúng là cần phải làm rõ một số những khái niệm của Polanyi, cần phải xét lại và phê phán những tư liệu gốc mà ông nghĩ có thể dựa vào; nhưng dự án về một lịch sử tổng quát xác định một cách rõ ràng vị trí riêng của thị trường, sự tái phân phối và sự hỗ tương vẫn giữ tầm quan trọng và giá trị của nó.

[8] Cũng trên vấn đề này, xem Attali [2006].

[9] Ta tìm thấy trong quyển Dépenser l’économique (Tiêu xài cái kinh tế) [Caillé, 2005, tr. 82] một sự phê phán về việc đặt trọng tâm vào tính hiện đại và thị trường của những sử gia kinh tế nói chung và của F. Braudel nói riêng, và đặc biệt về đóng góp yếu kém của thương mại thị trường trong đời sống vật chất truyền thống hằng ngày. Một cách chung nhất, quyển sách này có thể được đọc như là một sự suy nghĩ về tính lịch sử và tính ngẫu nhiên của hình ảnh Con Người Kinh Tế được xây dựng ở giao điểm của những tác phẩm của Marx, Weber, Polanyi và Braudel. Một trong những vấn đề chủ yếu, mà chúng tôi không thể đặt nặng một cách đầy đủ ở đây, chính là mức độ về sự tách biệt hay không thể tách biệt giữa thị trường và chủ nghĩa tư bản. Quyển sách, theo xu hướng của Weber và Polanyi chống lại một Marx nhất định và chống Braudel, cố gắng rút ra những kết luận xã hội học và chính trị (theo nghĩa rộng) xuất phát từ luận điểm về sự không thể tách biệt chúng về mặt khái niệm. Tức là về tính còn rất bị trói buộc, nghèo nàn và tự cấp tự túc - tức là phi thị trường - của Pháp vào cuối thế kỷ XIX, xem E. Weber [1983]

[10] Và cũng có một nền tảng tôn giáo quan trọng. Chẳng hạn Paul Jorion [2007] cho thấy hoạt động kinh tế của Mỹ được một thứ nghĩa vụ đạo đức và yêu nước để vay nợ hỗ trợ một cách mạnh mẽ. Không chịu vay nợ là sự biểu hiện của một tinh thần thiếu đức tin và không lạc quan được xem như là có tội về mặt đạo đức.

[11] Mặc dù chủ nghĩa tư bản tài chánh hoàn toàn không mới như ta có thể thấy khi đọc lại Rudolf Hilferding.

[12] Cũng như Polanyi đã ghi nhận, Hayek, khi xem bản viết tay này như là “rời rạc và lộn xộn” đã có một thủ đoạn về mặt biên tập nhắm tới việc làm mất uy tín tác phẩm, để biện minh cho việc không dịch nó.

[13] Xem Bartoli [1977], Maréchal [2001], Passet [1996], Perroux 1970].

[14] Đó là quyển sách của Michele Cangiani và Jérôme Maucourant sắp được Nhà Xuất Bản Seuil cho xuất bản.

[15] Theo D, Harvey [2000] được M. Mendell trích dẫn [2006].

[16] Maus [1997, tr. 265]. Về một sự khai triển về những sự hội tụ giữa K. Polanyi và M. Mauss, xem J.-L. Laville [2003].

[17] Cũng như Jean-Michel Servet đã nhắc lại trong bài “Đọc lại Karl Polanyi” (bài in roneo của IUED-IRD)

[18] Theo lập luận của Emmanuel Renault xem rằng “sự phê phán thị trường chỉ có thể có hình thức của một sự thuần hoá nó” [Renault, 2004, tr. 215-216]

[19] Về sự dai dẳng và sức mạnh của những mối quan hệ biếu tặng trong những xã hội đương đại, xem những công trình của Jacques T. Godbout [1992, 2002, 2007].

[20] Ta có thể tìm thấy một sự trình bày những quy chiếu lý thuyết về những hình thái kinh tế không tương ứng với định nghĩa hình thức (của kinh tế) trong sách của J. L. Laville và A. D. Cattani [2006].

[21] Về một tổng hợp của nó, xem C. Vienney [1994]. Về một sự trình bày bằng tiếng Pháp của cách nhìn của kinh tế liên đới có cơ sở trên cách tiếp cận toàn diện về những thực tại hiện có trên những lục địa, xem: J. L. Laville, J. P. Magnen, G. C. de Franca Filho và A. Medeiros [2006].

[22] Về chủ đề này, xem Chantal Mouffe [1993, 1994, 2000, 2002].

Print Friendly and PDF