16.7.20

Kinh tế học có khiến người học phân biệt giới tính không?

Bottom of Form
KINH TẾ HỌC CÓ KHIẾN NGƯỜI HỌC PHÂN BIỆT GIỚI TÍNH KHÔNG?
Martin Anota[*]
Nữ giới có tỷ lệ đại diện thấp ở mọi cấp bậc trong ngành nghề kinh tế, từ các vị trí giảng dạy và nghiên cứu ở đại học cho đến các cơ quan phụ trách chính sách kinh tế [Boring và Zignago, 2018; Lundberg và Stearns, 2019; Lundberg, 2020]. Thành phần nữ giới so với tổng số lại càng ít ở các vị trí quản lý cao nhất: tấm trần kính vẫn tồn tại dai dẳng trong ngành của chúng ta.
Tỷ lệ đại diện của nữ giới thấp trong ngành kinh tế đưa đến những hậu quả bất lợi cho ngành và rốt cuộc là cho cả cộng đồng. [Bayer Rouse, 2016]. Thật vậy, trong nội bộ các nhà kinh tế, nữ giới và nam giới không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, đáng chú ý là những vấn đề liên quan đến lương tối thiểu, bảo hiểm y tế, bình đẳng về cơ hội trên thị trường lao động và ngay chính trong ngành nghề kinh tế [May và cộng sự, 2013]. Như vậy, tình trạng thiếu đa dạng trong đội ngũ các nhà kinh tế có thể giới hạn những vấn đề mà ngành có thể khảo sát và giảm bớt khả năng đáp ứng chúng một cách hiệu quả. Do đó, khi các nhà kinh tế và những công trình của họ được huy động để tham gia vào những cuộc thảo luận công khai và soạn thảo các chính sách công, tỷ lệ đại diện thấp của nữ giới trong khoa học kinh tế được thể hiện qua việc chấp thuận những chính sách thiên lệch không chỉ bất lợi cho nữ giới mà còn là yếu kém đối với toàn cộng đồng.
Tất nhiên, tình trạng nêu trên khiến ta tự hỏi “các nhà kinh tế có phân biệt giới tính không?” [Cherrier, 2017]. Nhiều phân tích gợi ra rằng quả thật phân biệt giới tính có thể góp phần giải thích tỷ lệ đại diện thấp của nữ giới trong ngành nghề kinh tế [Paredes và cộng sự, 2020]. Phân tích những bình luận trên Job Market Rumors, một diễn đàn rất có ảnh hưởng trong giới đại học nói tiếng Anh, đã chỉ ra một cách thẳng thừng nữ giới là đối tượng của sự chống đối mạnh mẽ đến nhường nào từ các thành viên trong ngành nghề [Wu, 2018]. Tiếc thay, sự chống đối này diễn ra trong suốt hành trình nghề nghiệp của họ. Chẳng hạn như xu hướng chung là nữ giới ít được đề bạt, ngay cả khi họ đạt được mức năng suất nào đó [Ginther và Kahn, 2004; Ceci và cộng sự, 2015].  So với đồng nhiệm của họ trong những ngành khác thì các nhà kinh tế học phái nam ít có xu hướng tuyển dụng phụ nữ [Williams và Ceci, 2015]. Nữ giới viết lách rõ ràng hơn nam giới, nhưng đó là một sự lựa chọn bắt buộc: những bài báo họ gửi cho các tạp chí tham khảo phải tuân thủ những tiêu chí nghiêm ngặt hơn và là đối tượng được xem xét bình duyệt lâu hơn những bài báo của nam giới, điều này buộc nữ giới phải đầu tư hết mức vào văn phong để gia tăng cơ may là bài báo được chấp nhận và do đó có tác dụng tai hại là giảm năng suất của nữ giới [Hengel, 2017Card và cộng sự, 2020]. Nam giới hưởng lợi nhiều hơn nữ giới khi là đồng tác giả của một bài báo, điều đó là chắc chắn bởi vì một khi khó xác định ngay tức thì sự tham gia của từng đồng tác giả của bài báo thì sự tham gia này được xem xét qua lăng kính những định kiến [Sarsons, 2017]. Nữ giảng viên ít được đánh giá hơn nam giới, dù cho kết quả thi cử cuối khóa của sinh viên không tùy thuộc giới tính của giảng viên [Boring, 2017]. Trong các hội thảo, các nhà kinh tế học nữ được hỏi nhiều hơn nam giới và những câu hỏi có tính cách chống đối nhiều hơn [Dupas và cộng sự, 2020], v.v..
Nếu nữ giới có vẻ bị phân biệt đối xử trong ngành kinh tế nhiều hơn những ngành khác, thì câu hỏi đặt ra là liệu có thể giải thích rằng chủ yếu là do ngành này thu hút tương đối nhiều hơn những người có định kiến phân biệt giới tính hay do việc giảng dạy khoa học kinh tế như hiện nay đã góp phần vào việc nuôi dưỡng những định kiến phân biệt giới tính.
Ariel Rubinstein (1951-)
Phải nói rằng sinh viên ngành kinh tế hướng theo những giá trị khác với sinh viên các ngành khác. Họ có xu hướng ít hợp tác hơn, ích kỷ hơn [Frank và cộng sự, 1993]. Mặt khác, Ariel Rubinstein (2006) đã nhận xét rằng, với một kịch bản mà họ có thể chọn hoặc tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp bằng cách sa thải một nửa số nhân viên hoặc chọn một mức lợi nhuận ít hơn và hạn chế sa thải, sinh viên ngành kinh tế thiên nhiều hơn về lựa chọn tối đa hóa lợi nhuận so với sinh viên các ngành khác. Nhưng những nhận định như vậy tự nó không nêu ra được là việc học kinh tế làm thay đổi các giá trị hay là sinh viên quyết định chọn ngành này đã có những giá trị khác với những sinh viên khác.
Thứ đến, có thể tỷ lệ đại diện thấp của nữ giới có một khía cạnh tự thực hiện. Ví dụ, dường như sự đối chiếu với các mẫu hình nữ giới tiêu biểu trong một ngành nhất định có xu hướng làm giảm thấp tỷ lệ đại diện của nữ giới trong nội bộ ngành đó [Porter và Serra, 2020]. Như vậy, tình trạng ít phụ nữ trong sinh viên và giảng viên có thể không khuyến khích nữ giới theo học ngành kinh tế.
Cũng có thể việc học kinh tế có xu hướng tăng cường các giá trị bảo thủ. Thật vậy, dường như các chương trình đào tạo về kinh tế hướng sinh viên  thiên về ý niệm tự do cá nhân hơn và ít ủng hộ quan điểm chính phủ can thiệp vào thị trường, nghĩa là hướng về cánh hữu nhiều hơn trong hệ thống các đảng phái chính trị. [Hammock và cộng sự, 2016]. Một chiều hướng thiên hữu như vậy có thể thuận lợi cho việc chấp nhận những quan niệm bảo thủ, đáng chú ý là liên quan đến giới. Trong cùng một dòng suy nghĩ, Elliott Ash và cộng sự (2019) đã quan sát thấy các quan tòa ở Mỹ, sau khi tham dự một khóa đào tạo về kinh tế, có xu hướng đưa ra những bản án có tính chất bảo thủ và áp đặt án tù nhiều năm trong những phiên tòa mà họ tham dự.
Gary Becker (1930-2014)
Cuối cùng, có thể là những nội dung giảng dạy kinh tế nuôi dưỡng trực tiếp những định kiến phân biệt giới tính. Một thiên kiến như vậy cố nhiên là quá rõ ràng trong các công trình của Gary Becker (1981), ông cho rằng nam giới có lợi thế so sánh trong sản xuất sản phẩm thương mại, và việc nhà là lợi thế của nữ giới, điều này minh chứng cho sự duy trì phân công công việc bất bình đẳng giữa vợ và chồng. Nhưng việc tham khảo những lý thuyết khác dưới hình thức tóm tắt sơ lược cũng dẫn đến việc tăng cường những định kiến phân biệt giới tính: ví dụ, nếu sinh viên được học rằng những người đưa thư nhận thù lao theo năng suất hay những hành vi phân biệt đối xử thuần túy chỉ có thể biến mất trong lâu dài dưới tác động các lực của thị trường, thì họ có thể kết luận là sự tồn tại dai dẳng của bất bình đẳng về lương giữa nam và nữ giới chỉ có thể được giải thích bởi năng suất của nữ giới thấp hơn nam giới.
Nhằm xác định liệu khoa học kinh tế thiên về hướng thu hút những người tương đối có định kiến phân biệt giới tính hay thiên về nuôi dưỡng những định kiến ấy, Valentina Paredes, Daniele Paserman và Francisco Pino (2020) đã tiến hành một cuộc điều tra quy mô lớn với hàng ngàn sinh viên bậc đại học tại các trường đại học của Chi Lê, trong trường hợp này là những sinh viên năm thứ nhất và những sinh viên ở các năm tiếp theo. Song song đó, họ đã theo dõi một mẫu sinh viên trong suốt năm học. Cụ thể, họ muốn đo lường thiên kiến phân biệt giới tính của từng người trả lời bằng cách đặt những câu hỏi đặc thù liên quan đến những hành vi về giới, năng lực toán học của nữ sinh viên và những lý do khả dĩ giải thích bất bình đẳng về lương giữa nam và nữ.
Theo những chỉ báo mà ba nhà nghiên cứu sử dụng, sinh viên kinh tế có thiên kiến phân biệt giới tính rõ nét hơn sinh viên các ngành khác. Sinh viên kinh tế đã có thiên kiến nhẹ khi vào năm thứ nhất, đáng chú ý là nam sinh viên, điều này gợi ý là ngành kinh tế khá thu hút những người có định kiến phân biệt giới tính. Nhưng cũng xuất hiện hiện tượng thiên kiến phân biệt giới tính rõ nét hơn trong sinh viên năm thứ hai hoặc các năm sau của chương trình đào tạo kinh tế học, đặc biệt là đối với nam sinh viên, điều này gợi ý rằng việc theo học các môn kinh tế dường như nuôi dưỡng những định kiến phân biệt giới tính. Tất nhiên, kết quả này có thể được giải thích là những người ít có định kiến phân biệt giới tính thì ít thiên về theo học ngành kinh tế. Nhưng Paredes và các đồng tác giả phát hiện sự gia tăng với cùng mức độ của thiên kiến phân biệt giới tính trong số sinh viên kinh tế mà họ theo dõi qua thời gian.
Hammock  cộng sự (2016) đã nhận định rằng những sinh viên hướng về tôn giáo hay dễ dàng bộc lộ xu hướng thiên hữu là những người khả dĩ chọn theo học ngành kinh tế hơn là những ngành khác. Nhận định này góp phần giải thích vì sao sinh viên mới vào năm thứ nhất ngành kinh tế lại tỏ ra có thiên kiến phân biệt giới tính hơn sinh viên những ngành khác. Tuy nhiên, Paredes và các đồng tác giả xác nhận rằng sự gia tăng thiên kiến vẫn tồn tại khi họ xem xét kỹ lưỡng vai trò của tín ngưỡng và ý thức hệ chính trị và kết quả là hai biến số này không giải thích sự gia tăng của thiên kiến. Một vài nhận xét của họ gợi ý rằng điều này có thể giải thích được: sự gia tăng thiên kiến ít rõ nét hơn đối với những sinh viên tham dự các môn học cùng với nhiều nữ sinh viên và khi có nhiều nữ giảng viên trong đội ngũ giảng dạy.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Tài liệu tham khảo 
BECKER, Gary S. (1981)A Treatise on the Family, Harvard University Press.
CECI, Stephen, Donna K. GINTHER, Shulamit KAHN & W. Martin WILLIAMS (2015), “Women in science: The path to progress, in Scientific American Mind, vol. 26, n° 1.
DUPAS, Pascaline, Alicia MODESTINO, Muriel NIEDERLE & Justin WOLFERS (2020), “Gender and the dynamics of economics seminars”, document de travail.
Nguồn:La science économique rend-t-elle sexiste?”, Alternatives économiques, 7.5.2020.




Chú thích:

[*] Giảng viên khoa học kinh tế và xã hội tại trường René Descartes Champs-sur-Marne (Seine-et-Marne), Martin Anota cũng là chủ nhân của hai blogs: D’un champ l’autre và Annotations.

Print Friendly and PDF