24.7.20

Một Ủy ban chuyên gia về các thách thức kinh tế quan trọng? Có thật vậy chăng?

MỘT ỦY BAN CHUYÊN GIA VỀ CÁC THÁCH THỨC KINH TẾ QUAN TRỌNG? CÓ THẬT VẬY CHĂNG?
Việc bổ nhiệm Jean Tirole và Christian Gollier vào Ủy ban chuyên gia về các thách thức kinh tế quan trọng không có tính chất gợi ý là chúng ta sẽ thay đổi lộ trình. Niềm tin vào thị trường hoàn hảo vẫn là la bàn chỉ hướng cho các “chuyên gia” này.
Jean Tirole và Christian Gollier vừa được tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm vào Ủy ban chuyên gia về các thách thức kinh tế quan trọng, Jean Tirole là đồng chủ tịch (cùng với Olivier Blanchard) và Christian Gollier phụ trách phần khí hậu. Tôi nghĩ sẽ không mấy rủi ro khi đánh cược rằng hai cuộc bổ nhiệm này có ít cơ may đưa đến những biến đổi cần thiết để thực sự đương đầu với những thách thức kinh tế trong tương lai.

Một đồng chủ tịch dấn thân

Jean Tirole (1953-)
Christian Chavagneux
Jean Tirole, người được “giải Nobel” về kinh tế, nay được nổi tiếng và không tiếc công sức tranh luận với công chúng, thông qua các diễn đàn mà ông ký tên trên báo in, hoặc trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn. Hình ảnh toát ra từ những thông tin này là chân dung của một nhà kinh tế học, người mang thông điệp của một khoa học trung lập đang cố gắng hoạt động cho lợi ích chung, đồng thời thừa nhận là khoa học này có thể đã sai lầm trong quá khứ (khó quên được khủng hoảng năm 2008), và nó còn phải tiến bộ hơn và khỏa lấp những điều bất định.
Tuy nhiên, cuối cùng thì chân dung này cũng thuận lợi và tạo ra một hình ảnh mực thước về sự cam kết của ông đối với lợi ích chung, nhưng bỗng trở nên u tối hơn nhiều khi nghe ông trả lời phỏng vấn trên đài France Inter, trong chương trình phát thanh “Không ngừng bàn về kinh tế”. Christian Chavagneux đã phỏng vấn ông về những tư tưởng thiên kiến của ông và cũng như Medef (Mouvement des entreprises de France - Phong trào các doanh nghiệp Pháp) (MEDEF)[*], ông cho rằng có quá nhiều chi tiêu công cộng, quá nhiều công chức, rằng phải điều chỉnh các hợp đồng lao động vô thời hạn (CDI: contrat à durée indéterminée) cho linh hoạt hơn, rằng bảo hiểm của những lao động thời vụ là không có cơ sở, việc giảm giờ làm RTT (réduction du temps de travail- còn 35 giờ/tuần - ND) là một điều phi lý, hoặc là phải tăng cường các thỏa thuận trong doanh nghiệp. Tóm lại, khó khăn cho ông ấy khi muốn được xem là một nhà khoa học trung lập nói lên chân lý mà hiện tình của khoa học kinh tế của ông ấy cho phép ông khẳng định được. Phải nghe câu trả lời bối rối của Jean Tirole để nhận ra khoảng cách to lớn giữa tư thế “nhà khoa học” và sự lựa chọn lập trường chính trị của ông. Bởi vì rất cách xa với tính trung lập và hoạt động vì lợi ích chung, Jean Tirole là một nhà tư tưởng bảo vệ những lợi ích rất riêng, lợi ích của chủ nghĩa tư bản như nó đang hoành hành trên thế giới.
Tuy nhiên, sự cam kết mà ông chưa bao giờ chịu nhận đầy đủ trách nhiệm, (và những câu trả lời mơ hồ, phản ứng ngại ngùng, những né tránh của ông trong buổi phát thanh của đài France Inter là quá rõ ràng) cũng được biện minh, một mặt bởi sự quy chiếu bền bỉ của ông với một ngành khoa học, tất nhiên là không hoàn hảo nhưng dù sao cũng đủ chín muồi để có thể giúp xây dựng lợi ích chung, và mặt khác, bởi ông đã khẳng định từ chối chủ nghĩa thị trường tự do cực đoan ca tụng chủ trương laissez-faire (tự do kinh doanh). Thực ra đó là hai mặt của cùng một lập trường lý thuyết. Bởi vì hoàn toàn chính xác là Jean Tirole không thuộc trường phái thị trường tự do như Reagan xem nhà nước là vấn đề chứ không phải là giải pháp, mà ngược lại, ông bênh vực sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước, chính xác là nhân danh khoa học kinh tế trung lập này.
Nhưng cái tư thế được cho là chứng tỏ sự trung lập của ông trong thực tế lại bộc lộ chính bằng chứng của sự thiên vị của ông, cũng vừa là bằng chứng của sự thành thực của ông. Bởi vì Jean Tirole không “đồng lõa” với tư bản, ông không tự xem mình là như thế, và ông tin tưởng một cách chân thành rằng ông có khả năng giúp xây dựng một xã hội tốt hơn chính nhờ lý thuyết kinh tế học mà ông dựa vào. Không phải bằng cách nói ra xã hội đó phải như thế nào, điều này để cho các công dân nói ra, nhưng sau đó là giúp họ thực hiện.
Tiếc thay, lập trường lệch pha này làm cho chuyên gia tự cho là phục vụ dân chúng lại hoàn toàn bị thiên lệch bởi những tiền giả định lý thuyết mà ông dựa vào, một khi dân chúng đã bày tỏ những sở thích ưu tiên của mình.

Một lý thuyết kinh tế ít vững chắc

Bởi vì lý thuyết kinh tế mà Jean Tirole dùng làm cơ sở quy chiếu để biện minh cho lập trường của ông có định đề cơ bản là phương pháp luận cá thể, cho rằng xã hội là các cá nhân cộng lại, được đặc trưng bởi những sở thích cá nhân được tạo ra lúc đầu và làm cơ sở cho khế ước xã hội mà xã hội là kết quả.
Đầu tiên, tác nhân kinh tế của thế giới quan Tirole là đứng một mình trên thế giới. Nó được sản sinh cùng với các sở thích, rồi một khi “tấm màn của sự dốt nát” bị xé toạc, nó tìm thấy chỗ đứng của mình trong xã hội, ở đó nó gặp các tác nhân khác và những ràng buộc. Lúc bấy giờ nó chỉ còn cách là làm hết sức mình (nghĩa là tính các cân bằng Bayes hoàn hảo; thật không dễ, các sinh viên kinh tế có thể xác nhận điều này).
Gilbert Simondon (1924-1989)

Nhưng điều mà các khoa học xã hội khác dạy ta, như nhân học, tâm lý học hoặc ngôn ngữ học, là con người không tồn tại một cách độc lập với xã hội mà họ đang sống. Và điều này là thật ngay trước khi sinh ra vì ”điều kiện đầu tiên để một đứa trẻ trở thành một con người là cha mẹ nó phải xem nó là một con người, ngay trước khi nó sinh ra”[1]. Trong tác phẩm L’individuation psychique et collective (Tiến trình cá thể hóa tâm lý và tập thể), Gilbert Simondon chỉ ra rằng để con người trở thành cá thể, nó phải tham gia vào tiến trình cá thể hóa tập thể. Hơn nữa, người ta không trở thành cá thể theo cùng một cách từ thời kỳ Vượn Phương Nam đến thời kỳ người Cro-Magnon, từ Hy Lạp cổ đại đến cách mạng công nghiệp hay đến thời đại của chúng ta. Không hẳn được hình thành từ những “sở thích”, chúng ta tùy thuộc nhiều hơn vào môi trường kỹ thuật và xã hội của chúng ta. Leroi-Gourhan ghi nhận[2] rằng con người không có hệ thống bảo vệ tự nhiên đứng vững được, và để sống sót thì ngay từ lúc khởi đầu của quá trình tiến hóa thành người con người đã phải có quanh mình những vật dụng đã được chế tạo. Từ đá mài cho đến điện thoại di động, tất cả quá trình tiến hóa của nhân loại chứng minh tính chất cấu thành của các vật dụng kỹ thuật quanh ta.

Lev Vygotski (1896-1934)
Cũng cần nói đến những đứa trẻ hoang dã, chúng cho thấy không có cơ sở nhân học, dù đó là tư duy logic, cảm quan nghệ thuật hay tôn giáo hay thậm chí cả xung năng tình dục. Đó là chưa nói đến sự thiếu vắng của ngôn ngữ và của sự di chuyển theo chiều thẳng đứng. Bởi vì, như Vygotski đã nêu ra[3] từ những năm 1920, ngôn ngữ bằng lời nói, rất đặc trưng của loài người, cũng như tất cả các chức năng tâm lý cao cấp (cảm quan thẩm mỹ, tư duy khái niệm, tinh thần phê phán) đều phát triển từ những thực tế xã hội ở bên ngoài bằng cách thủ đắc những khả năng đã trở thành khách quan trong thế giới loài người.
Quá trình tiến hóa thành người, nếu nó là một quá trình chỉ được hoàn thành trong một nhóm xã hội, tùy thuộc vào kiểu nhóm xã hội liên quan, đáng chú ý là đối với các giá trị và chuẩn mực được tập thể chấp nhận. Và những giá trị và chuẩn mực này không có tính phổ quát như Philippe Descola[4] cho biết, ông yêu cầu “quan điểm riêng của chúng ta không còn bị thiên lệch trong phân tích, mà là một đối tượng như mọi đối tượng khác trong phân tích này”. Một lời khuyên mà Jean Tirole cần nghiền ngẫm trước khi phổ quát hóa mọi hành vi của con người dưới ngọn cờ của tác nhân tiêu biểu của lý thuyết tân cổ điển.

Philippe Descola (1949-)
Tuy nhiên, đối với Jean Tirole, dường như không có gì đáng hoài nghi khi ông xử lý một cách chặt chẽ những vấn đề hiện thời của xã hội và những khuyến nghị mà ông không ngần ngại nêu ra cho các nhà sản xuất và các chính trị gia trên nền tảng những mô hình của ông là hoàn toàn có cơ sở. Có vẻ như ông cũng không hoài nghi về tác nhân kinh tế của các mô hình của ông có đại diện đủ cho loài người không, để yểm trợ cho sự xác đáng của các ý kiến của ông. Đó là điều cho phép ông phát biểu với tư cách chuyên gia, trong một lần đánh giá trước một ủy ban của Quốc Hội năm 2008[5] khi người ta hỏi ý kiến ông về điều tiết ngân hàng: “Không nên quẳng một em bé cùng với nước tắm (Không bác bỏ hoàn toàn một vấn đề gì mà phải giữ lại những điểm tích cực - ND): không có lý do gì phải bàn trở lại việc chuyển nợ thành cổ phần hay sự tồn tại của các sản phẩm phái sinh, vì những cải tiến này có tác dụng tích cực. Trái lại cần chuẩn bị các kỹ thuật cần thiết để những lạm dụng không thể lập lại”. Hàng triệu người bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng đã mất việc, mất trợ cấp hưu trí hay chỗ ở sẽ đánh giá tốt những tác dụng tích cực và chuyên gia sẽ hành động vì lợi ích của mình trong những “sắp xếp kỹ thuật” cách xa những cuộc thảo luận dân chủ.
Và nếu Jean Tirole không phải là môn đồ của trường phái laissez-faire (tự do kinh doanh) như đôi khi có người trách sai ông, vẫn cần ghi nhận tính chất mâu thuẫn của chủ nghĩa can thiệp của ông, vì nó bao hàm việc sửa chữa những khuyết tật của thị trường để tiến đến thị trường hoàn hảo càng gần càng tốt. Như vậy, sự can thiệp của nhà nước mà chính ông khẳng định bảo vệ nó, chỉ có mục tiêu duy nhất là để thị trường hoàn toàn tự do hoạt động, và nhờ sự can thiệp của nhà nước thì cuối cùng thị trường có thể tỏ rõ tất cả hiệu quả của nó. Vâng, vậy thì Jean Tirole ủng hộ sự can thiệp của nhà nước, nhưng nhân danh niềm tin vào những điểm tốt của thị trường, niềm tin vào việc xây dựng một lý thuyết vốn không hề thực hiện được một điều nhỏ nhoi nào trong thế giới thực. Và chính cái hệ tư tưởng hư cấu này sẽ thúc đẩy chúng ta đi theo những ý kiến “chuyên gia” của ông!

Một bầu không khí rất u tối

Christian Gollier (1961-)
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính (GES - gas à effet de serre) tiếp tục gia tăng và không phải hội nghị COP (Conference of the Parties) thứ 25 đã họp ở Madrid sẽ cải thiện tình hình. Trong những đề nghị nêu ra nhằm đảo ngược xu hướng, nhiều nhà kinh tế học, như Jean Tirole, giải “Nobel” kinh tế và Christian Gollier hăng hái bảo vệ giải pháp đánh thuế khí thải carbon cho toàn cầu, là một động lực chính thúc đẩy thay đổi hành vi của các tác nhân. Theo họ, một loại thuế như vậy với sự nâng giá các sản phẩm và dịch vụ có thải carbon sẽ thúc đẩy người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm và dịch vụ ít gây ô nhiễm hơn, và doanh nghiệp sẽ thay đổi các lựa chọn kỹ thuật theo hướng phi tập trung hóa, nghĩa là không có gánh nặng hành chính và với chi phí tối thiểu.
Lập luận này, chỉ là không ngừng lập lại một quyển sách giáo khoa năm thứ nhất về kinh tế học vi mô khẳng định rằng thuế là công cụ hiệu quả nhất vì nó cho phép đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất nhờ vào thị trường tự do, nhưng làm như vậy là ông hoàn toàn bỏ quên thế giới thực ở đó diễn ra các hậu quả của thuế. Ở đây ta lại gặp thiên kiến của niềm tin vào một mô hình lý thuyết đã kiến tạo nên các tham luận của Jean Tirole và đây là một ứng dụng vào vấn đề khí hậu, nó chỉ xác định tính chất hệ tư tưởng của lập trường này.
Jean-Charles Hourcade (1949-)
Ta tìm thấy một minh họa trên báo Le Monde ngày chủ nhật 1/12 và thứ hai 2/12/2019 công bố một cuộc thảo luận giữa hai nhà kinh tế học với tiêu đề “Làm thế nào để thành công trong chuyển đổi năng lượng”. Chính cuộc thảo luận này đặt sự đối chọi giữa Christian Gollier, phụ trách phần khí hậu của Ủy ban chuyên gia, và Jean-Charles Hourcade, giám đốc nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp CNRS, đồng thời là giám đốc đào tạo tại Trường Cao học khoa học xã hội - Paris (EHESS - l’École des hautes études en sciences sociales) và là một trong những người điều hành chính của chương trình cao học Kinh tế học phát triển bền vững, môi trường và năng lượng EDDEE (Economie du développement durable, de l’environnement et de l’énergie), mà tôi từng là người phụ trách ở đại học Paris-Nanterre, cuộc thảo luận này chủ yếu bàn về thuế khí thải carbon.
Dưới tên của hai nhà kinh tế học làm nổi bật cả trang báo, báo Le Monde đã in hàng chữ rất lớn điều mà ta chỉ có thể diễn giải đó là kết quả chính của cuộc thảo luận này: “Giá cả của carbon chiếm một vị trí trung tâm trong tiến trình chuyển tiếp môi trường. Tuy nhiên, khi đọc thảo luận giữa hai nhà kinh tế học, ta thực sự thấy đó là một cuộc đối thoại của người điếc, giữa Christian Gollier không ngừng lập lại sách giáo khoa năm thứ nhất về kinh tế vi mô khẳng định rằng thuế là công cụ hiệu quả nhất vì nó cho phép đạt được mục tiêu với chi phí thấp nhất nhờ vào thị trường tự do, (nghĩa là cùng một niềm tin không giới hạn vào một mô hình lý thuyết phi thực tế), và Jean-Charles Hourcade không ngừng nêu ra thực tế của việc áp dụng một sắc thuế (tín hiệu bị rối ren bằng nhiều cách, tương tác với giá nhà ở, sự bành trướng đô thị, công bằng thuế khóa, khó khăn trong việc đền bù những người bị thiệt hại với chỉ một sản phẩm của thuế, sự đa dạng của các mức độ phát triển làm cho không thể áp dụng một sắc thuế duy nhất). Một bên là lý thuyết thoát ly khỏi thực tế và bên kia là mối quan tâm đến bối cảnh có thực, cuộc thảo luận này, mặc dù lời mào đầu của tờ báo chỉ có thể làm độc giả dễ tính bị lầm về nội dung, là một minh họa xuất sắc những ngõ cụt mà các “chuyên gia” này lôi cuốn chúng ta vào.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn:Une Commission d’experts pour les grands défis économiques? Vraiment?”, blog của GILLES ROTILLON, 8.6.2020.




Chú thích:

[*] MEDEF: chữ viết tắt của Mouvement des Entreprises de France - (Phong trào các doanh nghiệp Pháp. Được thành lập năm 1998, MEDEF thay thế Hội đồng chủ doanh nghiệp quốc gia Pháp. Là một tổ chức của giới chủ đại diện cho các chủ doanh nghiệp Pháp trước nhà nước và các nghiệp đoàn - ND).

[1] François Flahault, Le paradoxe de Robinson (Nghịch lý Robinson), Ed. Mille et une nuits.

[2] Xem trong - Le geste et la parole - (Cử chỉ và lời nói)

[3] Xem Vygotski, Histoire du développement des fonctions psychiques supérieures (Lịch sử phát triển của các chức năng tâm lý cao cấp)

[4] Xem Par delà nature et culture, (Vượt qua thiên nhiên và văn hóa) Gallimard, La composition des mondes (Cấu tạo của các thế giới), Flammarion.

[5] www.assemblee-nationale.fr/13/rap-info/i1235.asp

Print Friendly and PDF