1.10.20

Từ virus đến khí hậu

  Hồ sơ: Những khuôn mặt của đại dịch


TỪ VIRUS ĐẾN KHÍ HẬU

Alexandre Gajevic Sayegh[*]

Khủng hoảng đại dịch và khủng hoảng sinh thái có nhiều điểm chung, trước tiên là nguy cơ gây tử vong mà hàng triệu người phải đối mặt. Giải thích thế nào khi giới chính trị tập trung hành động đối phó với virus, thế nhưng họ không biết đến những khuyến nghị của các nhà khoa học đối với vấn đề khí hậu?

Nhiều người sẽ mất người thân. Nhiều người khổ sở vì lo lắng. Lao động ăn lương hay lao động tự do, tiểu thương và những doanh nghiệp lớn phải chịu mất thu nhập. Một số người sẽ mất việc, thậm chí mất chỗ ở. Khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ có những hậu quả bi đát cho nhiều người, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội chúng ta.

Sự lo lắng, những hậu quả bi đát, thu nhập bị mất cũng là những hậu quả của biến đổi khí hậu. Tại sao, trong khi những nguy cơ do khủng hoảng sinh thái gây nên ít ra cũng quan trọng như những nguy cơ gắn với khủng hoảng y tế hiện nay, ta lại thấy có sự khác biệt lớn trong cách đáp trả về mặt chính trị đối với mỗi cuộc khủng hoảng?

Virus corona và khí hậu nóng lên có bốn điểm chung: (a) cái giá của sự không hành động là vô cùng lớn, (b) sự gia tăng của hai hiện tượng là theo cấp số nhân, (c) sự tàn phá thiên nhiên là một trong những nguyên nhân của đại dịch, cũng là nguyên nhân của suy thoái khí hậu, và (d) trong cả hai trường hợp, đáp trả khủng hoảng bao hàm một sự thay đổi đáng kể những lối sống của chúng ta, của tổ chức công việc và nền kinh tế. Những mối liên hệ này thúc đẩy chúng ta suy nghĩ cùng lúc về cả hai vấn đề này.

Phân tích này có mục đích làm sáng tỏ điều mà các nhà chính trị đáp trả khủng hoảng Covid-19 có thể chỉ dẫn cho chúng ta trong cuộc chiến khí hậu. Bằng cách khảo sát những điểm chung cũng như những tương phản về kinh tế, tâm lý và chính trị của hai cuộc khủng hoảng, ta có thể suy ra một cấu trúc lập luận hỗ trợ cho hành động bảo vệ khí hậu khởi đi từ sự đáp trả khủng hoảng y tế của nhiều nước công nghiệp phát triển.

Những phí tổn của sự không hành động

Điểm đầu tiên của sự so sánh giữa những đáp trả chính trị đối với các khủng hoảng y tế và khí hậu liên quan đến những phí tổn của sự không hành động.

Trong trường hợp của đại dịch Covid-19, không làm gì cả sẽ kéo theo một số lớn tử vong chỉ trong vòng vài tuần lễ. Theo những mô hình mô phỏng được phổ biến vào giữa tháng ba, nếu không có biện pháp phòng ngừa, dịch bệnh sẽ gây ra từ 300.000 đến 500.000 tử vong tại Pháp (Hecketsweiler et Pietralunga 2020). Sẽ tránh được nhiều trường hợp tử vong bằng cách chấp nhận những phí tổn về kinh tế của một sự giãn cách xã hội chặt chẽ. Đối với hầu hết mọi người, chỉ có một kết luận: loại trừ sự không hành động.

Thế mà, hành động - trong trường hợp này là việc áp dụng những biện pháp cách ly và chuẩn bị các hệ thống y tế - cũng làm phát sinh chi phí, điều này nêu lên vấn đề về cách thức phân phối những chi phí này phải như thế nào. Tồn tại những phương tiện để các chi phí giãn cách xã hội được phân phối sao cho có thể hòa nhập vào những nhận định về phân phối công bằng, như phần bù vào lương, những biện pháp hỗ trợ tài chính cho tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp. Chính phủ các nước Pháp, Canada, Đức, Ý và Vương Quốc Anh đã hiểu rằng không nên áp đặt chi phí này một cách quá mức lên người lao động và các gia đình không có khả năng đảm nhận. Nói cách khác, trong trường hợp đại dịch, lập luận của phần lớn các chính phủ là, một mặt, phí tổn cho sự không hành động cao hơn chi phí cho hành động và mặt khác, có khả năng phân bổ những chi phí này một cách công bằng, cho dù sự phân bổ mà các chính phủ lựa chọn có thay đổi.

Trong trường hợp biến đổi khí hậu, sự không hành động cũng bao hàm những mất mát nặng nề và chúng gia tăng hàng năm trong các thập kỷ tới. Những thiệt hại về kinh tế là hậu quả của lũ lụt, nước biển dâng, nguồn thực phẩm bấp bênh, thiếu nước, cũng như sự tàn phá môi trường thiên nhiên và những dịch vụ hệ sinh thái không có gì thay thế được. Đơn cử ví dụ, số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu nước sẽ tăng từ 1,61 tỷ năm 2000 lên 3,80 tỷ năm 2050, trong khi giá trị các cơ sở hạ tầng bị nguy hiểm tại các thành phố ven biển sẽ tăng lên 35.000 tỷ euro vào năm 2070 (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD 2015). Nạn ô nhiễm cũng gây ra những chi phí lớn lao cho y tế thế giới. Ô nhiễm là nguyên nhân của 6,7% số tử vong trong năm 2015 (Franchini và cộng sự, 2015). Hàng năm có 3,3 triệu người chết vì ô nhiễm không khí. Ảnh hưởng của sự sút giảm chất lượng không khí đối với sức khỏe cũng là một phí tổn. Năm 2018, những phí tổn tính bằng tiền do ô nhiễm không khí đã lên đến 2.900 tỷ đô la Mỹ, bằng 3,3% GDP của thế giới (Myllyvirta 2020).

Cuối cùng, đối diện với những biến đổi khí hậu cũng như với đại dịch Covid-19, có thể có một nhận xét chung: những phí tổn do không hành động vượt cao hơn những chi phí cho hành động, và nhiều loại hành động sẽ tạo điều kiện cho sự phân phối công bằng những chi phí này. Ngay từ bây giờ, việc bảo vệ sinh mạng con người chống lại những hậu quả của biến đổi khí hậu đang bị bỏ rơi về mặt chiến lược bởi một nền kinh tế dựa trên các ngành công nghiệp nguyên liệu hóa thạch, khởi đầu với các lĩnh vực đã tồn tại các công nghệ thay thế. Ví dụ tại Canada, nhiều nghiên cứu mới dự trù rằng chi phí khởi đầu của quá trình chuyển đổi sẽ được bù đắp bởi những cơ hội việc làm mới và đầu tư công cũng như tư. Khía cạnh phân phối dành ưu tiên cho việc làm này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi qua một nền kinh tế phi carbon (CEC 2019). Tương tự như vậy, những bài viết mới nổi lên về ảnh hưởng tích cực đối với việc làm của quá trình chuyển đổi năng lượng (Pembina 2016; Bowen, Kuralbayeva, et Tipoe 2018; Markandya et al. 2016; CEC 2019) báo hiệu sẽ vượt qua sự đối lập giữa hành động bảo vệ khí hậu và phồn vinh kinh tế.

Tuy nhiên, những hình thức hành động do hai cuộc khủng hoảng này gợi ra có khác nhau ở những khía cạnh quan trọng. Sự đáp trả khủng hoảng y tế trước tiên là thiết lập cách ly và chuẩn bị các hệ thống y tế; trong một giai đoạn thứ hai sẽ phải đề nghị những kế hoạch phục hồi kinh tế phức tạp. Đối diện với biến đổi khí hậu, hành động đã có tính phức tạp ngay lúc khởi đầu. Dù chỉ là trên bình diện quốc gia, vẫn có vấn đề lập ra một một hệ thống danh mục các biện pháp, trong số đó có bao gồm sự chuyển đổi năng lượng, hiệu năng của năng lượng, cải tạo nhà xưởng, định giá carbon, các tiêu chuẩn khí methane và khí thải xe hơi, trợ cấp cho điện khí hóa các phương tiện giao thông và kết thúc trợ cấp năng lượng hóa thạch.

Khoa học và sự đáp trả về chính trị

Để thoát khỏi đại dịch cũng như để tìm cách băng qua khủng hoảng về khí hậu, vẫn còn vấn đề khả năng hành động công cộng ngày càng tùy thuộc vào sự thừa nhận của giới chính trị về (i) các nguồn kiến thức khoa học và (ii) sự đánh giá các biện pháp kinh tế và xã hội nhằm giải quyết các vấn đề này một cách tối ưu. Trong trường hợp cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, ta nhận thấy - trừ một vài trường hợp ngoại lệ về vấn đề cách ly - có sự tương hợp giữa các đáp trả về chính trị và các khuyến nghị của các chuyên gia về y tế công cộng và về dịch tễ học. Ngược lại, trong trường hợp khủng hoảng khí hậu, những chính sách cụ thể ở quy mô toàn cầu tỏ ra chậm trễ so với khuyến nghị của các chuyên gia trong tất cả các ngành liên quan đến vấn đề này.

Từ nay, khái niệm khoa học chính dẫn dắt những đáp trả chính trị đối với đại dịch Covid-19 hiện nay là khái niệm quen thuộc “san bằng đường biểu diễn”. Hình như khái niệm này được nêu ra lần đầu tiên trong một phúc trình năm 2007 của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention - CDC), cơ quan liên bang chính về y tế công cộng của Mỹ (CDC 2007). San bằng đường biểu diễn minh họa cho tầm quan trọng của cách ly xã hội để cho số trường hợp mắc bệnh cần được đưa vào bệnh viện không vượt quá khả năng tiếp nhận của các hệ thống y tế khác nhau.

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng hiện nay, nhiều vấn đề còn chưa có câu trả lời, và vẫn còn thiếu nhiều dữ liệu khoa học để có thể giúp hướng dẫn một cách tối ưu các nhà lãnh đạo chính trị. Giới khoa học đang thảo luận sôi nổi và đã đưa ra nhiều giả thuyết. Những người đã nhiễm virus rồi có miễn nhiễm không? Sẽ có một đợt nhiễm virus thứ hai không, dường như Nhật Bản đang gặp phải? Có thể sẽ có vắc xin nếu không phải trong hai tháng nữa thì ít ra là tám tháng nữa, chứ không phải là trong 12 đến 18 tháng như những phỏng đoán đầu tiên của CDC? Mặt khác, những phí tổn về kinh tế của các biện pháp giãn cách xã hội là bao nhiêu? Có bao nhiêu người đã thực sự mất việc?

Mặc dù thiếu dữ liệu, chúng ta cũng biết đủ vể đại dịch hiện nay để hành động. Chúng ta biết là san bằng đường biểu diễn sẽ cứu được các mạng sống. Nghèo khó và những vấn đề sức khỏe liên quan đến suy giảm kinh tế và cách ly chắc chắn là to lớn, và có người đã nhấn mạnh rằng không thể cách ly vô thời hạn, nếu không thì giải pháp đó có nguy cơ trở nên tốn kém hơn chính vấn đề phải giải quyết (Singer et Plant 2020). Vấn đề còn lại là ngày nay không ai có thể khẳng định một cách chắc chắn việc chấm dứt các biện pháp cách ly sẽ tối ưu vào thời điểm chính xác nào. Trong đợt dịch thứ nhất này, dường như chúng ta khó chấp nhận có người chết trong lúc chờ đợi có câu trả lời chính xác, vì có thể cứu được các mạng sống với biện pháp cách ly. Về vấn đề này, phần lớn các nhà khoa học đều đồng tình về ý tưởng cho rằng cách nhanh nhất để đạt tình trạng miễn dịch cộng đồng không nhất thiết là cách tốt nhất (D’Souza et Dowdy 2020). Thực vậy, theo những ước lượng ban đầu, phải có 70% dân số bị nhiễm virus corona thì cộng đồng mới được miễn dịch. Vậy thì sự miễn dịch cộng đồng nhanh chóng chỉ trong vòng vài tuần lễ sẽ làm tắc nghẽn hệ thống y tế và gây ra một tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, có lẽ những biện pháp cách ly mới cần được thực hiện sau khi đã nới lỏng nếu các tỷ lệ nhiễm virus bắt đầu gia tăng trở lại.

Hệ quả là sự đáp trả chính trị đối với đại dịch mà các chính phủ nói chung sẵn sàng nghe theo các chuyên gia khoa học với những khuyến nghị đã đưa đến cách ly, và ta có thể hy vọng là chúng sẽ đóng vai trò dẫn đường để bảo đảm tính vô hại của việc ngưng cách ly cho đến khi có vắc xin. Việc mở cửa lại nền kinh tế trên nguyên tắc phải được xác định bởi việc tìm kiếm một sự cân bằng giữa kinh tế và y tế công cộng, lý tưởng nhất là nhận diện được điểm tối ưu của cân bằng này: đó là lúc mà nếu không khởi động lại nền kinh tế, thì khủng hoảng kinh tế sẽ có những hậu quả nghiêm trọng hơn khủng hoảng y tế, đồng thời phải bảo đảm cho hệ thống y tế có thể đối phó những bùng phát của Covid-19. Tính toán này quả là phức tạp (vượt ra ngoài khuôn khổ của bài báo này) bởi vì ngoài những lý do khác còn có chính sự xác định một mẫu số chung để so sánh dựa trên nhiều tiền giả định quan trọng về đạo đức và về kinh tế (Singer et Plant 2020). Nói vậy rồi, mặc dù sự đánh đổi giữa kinh tế và y tế công cộng có thể được thực hiện khác nhau tùy theo bối cảnh vì mức độ nguy cơ mà một chính phủ chấp nhận được là một quyết định chính trị (Montpetit 2020), cho đến bây giờ ta nhận thấy có một sự tương đồng giữa các cách đáp trả khủng hoảng y tế tại các nước công nghiệp phát triển (Baril 2020).

Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, mối liên hệ giữa kiến thức khoa học và hành động chính trị tỏ ra ít hài hòa hơn.

Joseph Fourier (1768-1830)

Svante Arrhenius (1859-1927)

Nhưng đó không phải là do thiếu kiến thức. Những chứng minh đầu tiên về tác động của khí gây hiệu ứng nhà kính đối với sự nóng lên của trái đất bắt nguồn từ các công trình của nhà hóa học Thụy Điển Svante Arrhenius vào năm 1896, xuất phát từ những phát minh vào năm 1826 của nhà toán học người Pháp Joseph Fourier. Những kết luận của Svante Arrhenius đã được kiểm nghiệm và được khẳng định bởi nhiều phương pháp khác nhau trong các thập kỷ tiếp theo và bây giờ là nội dung cốt lõi của khí hậu học. Việc thành lập nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (Groupe d’experts intergouvernemental sur l’évolution du climat - GIEC tiếng Pháp, IPCC tiếng Anh - ND) vào năm 1988 bởi Liên Hiệp Quốc công nhận tính thống nhất khoa học của những tri thức về khí hậu. Từ năm 1990 đến năm 2015, nhóm GIEC đã công bố năm báo cáo đánh giá (cùng nhiều báo cáo bổ sung) xác định với độ tin cậy ngày càng cao nguồn gốc do con người và những tác động hiện nay và trong tương lai của biến đổi khí hậu. Trong báo cáo quan trọng đặc biệt của nhóm vào năm 2018, nhóm khẳng định rằng để có cơ may hạn chế sự nóng lên của trái đất ở mức tối đa là 1,5˚C so với các mức nhiệt độ thời tiền công nghiệp, và như vậy mới ngăn chặn được những hậu quả nặng nề nhất, thế giới phải nhất quyết đưa về mức thải zero khí gây hiệu ứng nhà kính (trung lập carbon) từ nay đến năm 2050.

Mức độ tích tụ và công nhận các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu vượt xa những kết quả được dùng hiện nay để hướng dẫn chống lại đại dịch. Những nguyên nhân của biến đổi khí hậu cũng như những mục tiêu chung cần đạt được để giảm nhẹ biến đổi (giảm phát thải khí nhà kính và ngưỡng 1,5˚C) là đối tượng của một trong những đồng thuận khoa học vững chắc nhất và có cơ sở nhất của một cộng đồng khoa học nằm trong số những cộng đồng có cơ cấu vững chắc nhất và minh bạch nhất. Tất nhiên, những nhận xét này không nhằm phản bác cộng đồng các bác sĩ và các nhà dịch tễ học đã rất can đảm cố gắng thiết lập một sự đồng thuận trong khủng hoảng toàn cầu, với những dữ liệu chưa đầy đủ. Không có thời gian để sự đáp trả Covid-19 được xây dựng trên những kiến thức khoa học chặt chẽ như trong trường hợp biến đổi khí hậu.

Như vậy, sự tương phản là quá rõ ràng: chúng ta thực sự có đủ kiến thức để hành động một cách kiên quyết và dứt khoát trong lĩnh vực khí hậu. Từ đó ta có thể tự hỏi về sự chậm chạp của những đáp trả chính trị đối với biến đổi khí hậu. Mặc dù có những cố gắng trên bình diện quốc tế nhằm thiết lập những tổ chức tiếp sức chính trị cho nghiên cứu khí hậu (xây dựng Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change - UNFCCC tiếng Anh, CCNUCC tiếng Pháp - ND tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường ở Rio năm 1992, và các hội nghị các bên (COP) tham gia công ước tiếp sau đó và tầm quan trọng của COP 21 với hiệp định Paris/COP 21 về khí hậu), giới chính trị gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động lực lượng để đối phó với thảm họa đã được báo trước. Có một điều chắc chắn, khẩu hiệu “hãy nghe theo các nhà khoa học” (biết rằng những khuyến nghị khoa học phải được các biện pháp chính trị, kinh tế và xã hội đi cùng) ít nhất cũng được áp dụng trong trường hợp của khí hậu cũng như của virus corona. Tại sao giới chính trị lại huy động lực lượng một cách ấn tượng như thế khi đối mặt với Covid-19 trong khi đối với biến đổi khí hậu thì họ lại tỏ ra ù lì?

Giải thích hành động và sự không hành động

Để giải thích sự khác biệt này, cần tìm những giả thuyết hiển nhiên nhất trong kinh tế học, tâm lý học và sự phối hợp chính trị và xã hội.



Những lực lượng công nghiệp hùng mạnh đã dung dưỡng khủng hoảng khí hậu. Naomi Oreskes Erik Conway đã giải thích rất rõ điều này trong Marchands de doute (Những người buôn bán sự hoài nghi - 2010). Lợi nhuận kinh tế mà các ngành công nghiệp nguyên liệu hóa thạch thu được từ sự chậm chạp hoặc trì hoãn mọi hành động bảo vệ khí hậu to lớn đến độ họ đã tài trợ cho những chiến dịch bóp méo thông tin trong nhiều thập kỷ để phản bác sự đồng thuận khoa học về khí hậu. Ngành công nghiệp thuốc lá cũng dùng những chiến lược này (để chối bỏ tác hại của nó đối với sức khỏe) cũng như ngành công nghiệp chlorofluorocarbures (để chối bỏ tác hại của nó đối với tầng ozone) (Oreskes et Conway 2014). Những chiến dịch này dựa trên ba kiểu lập luận: (i) vấn đề đó không tồn tại, (ii) nếu có vấn đề thì không phải lỗi của chúng tôi, (iii) nếu có vấn đề và là lỗi của chúng tôi nhưng quá tốn kém để giải quyết nó. Như tại Mỹ và Brazil chẳng hạn, ba kiểu lập luận nêu trên đầy rẫy trong thảo luận công cộng về biến đổi khí hậu. Tại phần lớn các nước khác, hai kiểu lập luận đầu không dùng được nữa, nhưng kiểu lập luận thứ ba vẫn còn tiếp tục làm chậm lại hành động bảo vệ khí hậu.

Trái ngược với sự không hành động về khí hậu, đại dịch Covid-19 hiện nay hầu như không làm lợi cho một ai cả. Đúng là một số người có thể đã nêu ra lập luận kiểu (iii) - vấn đề có tồn tại nhưng quá tốn kém để giải quyết nó - khi đối mặt với đại dịch hiện nay. Các chính sách cách ly sẽ gây ra một trong những suy thoái tồi tệ nhất của lịch sử, như Hiệp hội các doanh nghiệp Pháp (Mouvement Des Entreprises de France MEDEF) nhấn mạnh, và cổ vũ dân Pháp làm việc nhiều hơn một khi các biện pháp cách ly được gỡ bỏ. Tuy nhiên, ta có thể nghĩ ở chiều ngược lại, thiếu vắng sự đáp trả chính trị, và theo đó là số tử vong gia tăng mạnh cũng gây ra những hậu quả kinh tế nặng nề. Như vậy có thể nói rằng những lợi nhuận thu được từ có hành động và không hành động đối với Covid 19 là không tồn tại. Đó là sự khác biệt lớn với khủng hoảng khí hậu: trong khi ngày nay ta có thể chứng minh rằng trong tổng thể những lợi ích của hành động bảo vệ khí hậu vượt rất xa những lợi ích của sự không hành động, như đã nêu ở trên, vẫn còn nhiều lĩnh vực kinh tế - như năng lượng, giao thông, công nghiệp và nông nghiệp - thu được lợi nhuận trong ngắn hạn từ sự không hành động về bảo vệ khí hậu.

Một lý do thứ hai thuộc về tâm lý. Nó liên quan đến cảm nhận khác biệt về những hậu quả của đại dịch và của biến đổi khí hậu đối với mạng sống con người. Những hậu quả tức thì và mối liên hệ nhân quả đơn giản của virus giải thích điều người ta tiếp thu dễ dàng hơn những nguy cơ mà nó đưa lại. Trong trường hợp biến đổi khí hậu, theo một báo cáo của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, mối liên hệ giữa những biến đổi này với sự đau đớn là gián tiếp và xa vời, nên các cá nhân có xu hướng đánh giá thấp những nguy cơ có thực gắn với biến đổi khí hậu (APA 2009).

Hơn nữa, trong khi số nạn nhân của virus corona là hậu quả của một ngày hay một tuần không hành động là khá dễ tính toán, nhưng khó đo lường được những hậu quả về con người của một năm không hành động chống lại biến đổi khí hậu. Cho tới gần đây, sự không hành động có rất ít hậu quả trông thấy được. Nếu những hậu quả này - lũ lụt, cháy rừng, nóng bức cực đoan, sự biến mất những vùng ven biển, v.v. - ngày càng trở nên thấy được và khó mà không biết đến, thì những nạn nhân vẫn khó mà liên hệ chúng với biến đổi khí hậu.

Cũng có điều virus corona giết bất kể nước nào, cho dù nó gây nhiễm quá mức cho những người dễ bị tổn thương nhất và tỷ lệ tử vong thay đổi tùy theo mức độ chuẩn bị và đáp ứng của các chính phủ. Trái lại, cho đến nay, những nạn nhân của khủng hoảng khí hậu chủ yếu là dân cư bị ảnh hưởng bởi hạn hán và khan hiếm nông sản, nước biển dâng, thiếu nước và xung đột vũ trang. Điều này đang thay đổi: ngày nay nạn cháy rừng tàn phá California, Nga, Úc. Những đợt nóng cực đoan tấn công châu Âu. Ngập lụt gây hao tổn nhiều cho Canada. Miami chìm dần, New York sẽ chìm trong nước biển một lúc nào đó trong tương lai. Nhưng ngay như vậy, những người bị ảnh hưởng cũng khó nắm bắt những nguyên nhân của thảm họa. Cũng chính vì thế mà truyền thông chính trị và xã hội về biến đổi khí hậu là rất quan trọng (Daignault, Boivin, et Champagne St-Arnaud 2018).

Cuối cùng, chính ý tưởng gia tăng theo cấp số nhân cũng khó hiểu đối với trí óc con người (Kunreuther et Slovi 2020), dù đó là số trường hợp nhiễm virus corona hay những tác động của biến đổi khí hậu. Sự tương đồng này cho biết nhiều điều. Đường biểu diễn đại dịch Covid-19 gia tăng theo cấp số nhân: 67 ngày trôi qua giữa báo cáo phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên và mức 100.000 trường hợp (ngày 7 tháng 3), nhưng chỉ cần 11 ngày để đạt số 100.000 tiếp theo (ngày 18 tháng 3), và 4 ngày để đạt con số 100.000 tiếp theo nữa (WHO 2020). Vào ngày 18 tháng 4, số trường hợp bị nhiễm trên thế giới đã trên 2.200.000 với 154.000 người chết.

Đại dịch toàn cầu cho ta biết điều gì? Rằng mọi sự có vẻ ổn, cho đến lúc không còn ổn nữa.

Các tiến trình gắn với biến đổi khí hậu, đặc biệt là một nền kinh tế carbon cao và tàn phá các môi trường tự nhiên, cũng gia tăng theo cấp số nhân. Nhiệt độ có nhịp gia tăng theo cấp số nhân (Fischer et Knutti 2015). Tỷ suất nước biển dâng lên cũng theo cấp số nhân (Lindsey et Dahlman 2020; Hansen et al. 2016). Mức tập trung carbon trong khí quyển gia tăng theo cấp số nhân (NOAA 2020). Ngày nay, với 414 ppm, mức gia tăng này đã vượt quá ngưỡng tập trung khí carbon giúp tránh các thảm họa (được ước lượng là 350 ppm). Những thiệt hại do khí hậu tăng nhanh và sẽ tiếp tục tăng nhanh. Nếu bây giờ không có những hành động mạnh mẽ như các chính phủ đang thực hiện chống lại virus corona, thì trong vài năm nữa, những xáo trộn này sẽ vượt quá sức chịu đựng của chúng ta. Lúc đó sẽ quá trễ rồi.

Tương phản thứ ba liên quan đến sự phối hợp chính trị và xã hội toàn cầu về việc đáp trả tuần tự hai cuộc khủng hoảng này. Thoạt đầu, ta có thể nghĩ rằng một trong những khác biệt lớn khả dĩ giải thích được tại sao các chính phủ huy động lực lượng nhanh chóng trước virus corona trong khi họ ít phản ứng trước biến đổi khí hậu là vì những đáp trả thiếu phối hợp của từng quốc gia là có thể được và có hiệu quả chống lại virus corona, nhưng không chống lại được biến đổi khí hậu vì hoạt động này đòi hỏi một hành động phối hợp toàn cầu. Tuy nhiên, ý tưởng này gợi ra ba tình tiết. Trước tiên, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ưu tiên đòi hỏi sự hợp tác của những tác nhân quan trọng: các thành viên của nhóm G20 chiếm 85% GDP toàn cầu và chịu trách nhiệm về 80% khí thải. Tiếp đến, ngày nay một sự phối hợp như thế không còn mang diện mạo của thế tiến thoái lưỡng nan của người tù (nếu ở trong số những người đầu tiên có hành động sẽ tạo ra một sự bất lợi cho sự cạnh tranh). Từ nay, các nước có động cơ kinh tế để hành động riêng rẽ, vì hành động vì khí hậu trở nên có lợi. Cuối cùng, mặc dù các hành động không phối hợp góp phần vào cuộc chiến chống đại dịch, hợp tác quốc tế vẫn quan trọng, đặc biệt là nó giúp tiếp cận một cách bình đẳng một vắc xin trong tương lai (Venkatapuram et. al. 2020).

Tuy nhiên, trên bình diện cá nhân, xuất hiện một sự khác biệt khác. Covid-19 thách thức sự đoàn kết tương trợ mà nhiều hệ thống y tế quốc gia dựa vào: cần có sự quan tâm của cá nhân đối với phòng bệnh để số trường hợp nhiễm bệnh không vượt quá năng lực của hệ thống. Trong trường hợp biến đổi khí hậu, biết rằng những người có nhiều phương tiện nhất sẽ ít bị ảnh hưởng nhất trong ngắn hạn, một sự đoàn kết tương trợ như thế là không phổ biến lắm. Nói vậy rồi, những người giàu có nhất - đặc biệt là ở Mỹ - vì càng ngày họ càng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, có lẽ sẽ có một sự tập hợp xã hội lớn trong tương lai. Có thể kinh nghiệm tập thể của khủng hoảng y tế hiện nay sẽ nuôi dưỡng sự tập hợp này.

Tàn phá thiên nhiên và các đại dịch

Viện cớ thúc đẩy nền kinh tế đang bị nguy ngập vì khủng hoảng y tế, nhiều tác nhân kinh tế và chính trị trì hoãn, giảm nhẹ hoặc bãi bỏ nhiều quy định về môi trường. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (Environmental Protection Agency - (EPA) viện dẫn virus corona như một lý do chính đáng để giảm nhẹ các quy định cho những tác nhân gây ô nhiễm lớn (Friedman 2020). Các chính phủ Ba Lan và Cộng hòa Séc, vì lo tái thiết nền kinh tế, đã đề nghị lùi lại việc áp dụng Chính sách kinh tế xanh mới “Green New Deal” của châu Âu (Simon 2020), đây là một chương trình quan trọng dự trù đầu tư 100 tỷ euro để thực hiện chuyển đổi sinh thái. Hiệp hội các doanh nghiệp Pháp MEDEF làm áp lực để chính phủ Pháp trì hoãn việc áp dụng nhiều quy định về năng lượng và môi trường của các bộ luật gần đây về kinh tế tuần hoàn và chiến lược carbon thấp.

Hài hước của lịch sử, đại dịch hiện nay có thể cung cấp một lý do để hành động vì môi trường và chống biến đổi khí hậu. Thật vậy, những biện pháp chống khủng hoảng sinh thái sẽ giúp ngăn chặn sự bùng phát của những đại dịch trong tương lai. Nhiều nghiên cứu cho thấy sự bùng phát ngày càng nhiều bệnh tật có liên quan đến biến đổi khí hậu, tình trạng mất đa dạng sinh học và tàn phá môi trường tự nhiên và sự tàn phá này làm gia tăng mạnh mẽ những nguy cơ đại dịch các bệnh lây truyền từ động vật sang người (Scott 2020). Covid-19 là một phần của những nguy cơ này: những nghiên cứu quan trọng được thực hiện cho đến nay chỉ ra rằng virus corona, nguồn gốc của Covid-19, là một tác nhân lây nhiễm có nguồn gốc động vật (Andersen et al. 2020). Hơn nữa, theo những giả thuyết mới do các nhà nghiên cứu thuộc đại học Bologne (nhưng những nghiên cứu này còn phải được xác nhận bởi một số thử nghiệm bổ sung), ngay như ô nhiễm cũng có thể là một vectơ của đại dịch, giả thuyết cho rằng những phần tử nhỏ gây ô nhiễm trong không khí tham gia vào việc chuyển tải virus trên các bề mặt (The Economist 2020; Legault 2020).

 Alexandre Gajevic Sayegh

Tàn phá rừng ngày càng gia tăng trong hai thập niên vừa qua có liên quan đến 31% trường hợp phát tán virus như Ebola, Zika và Nipah (Scott 2020). Đuổi các con vật ra khỏi nơi ở quen thuộc của chúng, sự tàn phá rừng đẩy chúng đến gần dân cư, làm gia tăng nguy cơ phát tán các bệnh lây truyền từ động vật sang người. 75% các bệnh lây nhiễm mới đều lây từ động vật sang người (Taylor, Latham, et Woolhouse 2001). Ebola, cúm gà, MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng), Virus Tây sông Nile, Zika đều đến từ các động vật. Về mặt này, sự xuất hiện và lan truyền những virus tương tự Covid-19 là có thể dự báo được, và thực tế đã được báo trước (Cheng et al. 2007).

Những biến đổi của khí hậu về phần chúng đã tăng nhanh tốc độ lây truyền bệnh sốt rét và sốt xuất huyết, khiến toàn bộ các nhóm dân cư phải di cư đi nơi khác. Được tiến hành trong những điều kiện hết sức nghèo khó, những cuộc di cư này làm tăng thêm mức độ tổn thương của dân cư bởi những đe dọa về sinh học, kể cả nhiễm trùng đường hô hấp. Tái tạo môi trường tự nhiên có tác dụng cứu nguy cho khí hậu, đồng thời gia tăng năng lực của các giếng carbon trên bề mặt trái đất.

Inger Andersen (1958-)
Về việc đó, 20 năm gần đây có thể được xem là một loạt thảm họa đã được tránh khỏi… cho đến khủng hoảng Covid-19. Chính trong nghĩa đó mà Inger Andersen, giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã nói rằng thiên nhiên đang gửi cho chúng ta một “thông điệp” (Carrington 2020). Covid-19, cũng như trường hợp cháy rừng ở Úc hay nạn châu chấu đe dọa an ninh lương thực của Kenya, cần được xem như một báo hiệu (Muggah 2020).

Như vậy, cuộc chiến đấu vì sinh thái có thể trực tiếp góp phần tránh được sự tái diễn của những đại dịch như virus corona. Chính vì lý do đó mà những giải pháp cho khủng hoảng sinh thái toàn cầu không chỉ thông qua những giải pháp công nghệ về chuyển đổi năng lượng, mà còn qua bảo vệ, bảo tồn và tái tạo các môi trường tự nhiên. Đó là một trong những bài học mà ta có thể rút ra từ đại dịch hiện nay.

Tài liệu tham khảo

       Andersen, Kristian G., Andrew Rambaut, W. Ian Lipkin, Edward C. Holmes, et Robert F. Garry. 2020. “The proximal origin of SARS-CoV-2.” (Nguồn gốc gần của SARS - CoV-2) Nature Medicine 26 (4): 450-452.

       APA. 2009. Psychology and Global Climate Change. (Tâm lý học và biến đổi khí hậu toàn cầu) American Psychological Association.

       Baril, Hélène. 2020. “Un virus, plusieurs réponses: la recette allemande qui fait des petits.” (Một con virus, nhiều câu trả lời: bí quyết Đức được nhân rộng) La Presse, 20 avril 2020.

       Bowen, Alex, Karlygash Kuralbayeva, et Eileen L. Tipoe. 2018.Characterising green employment: The impacts of ‘greening’ on workforce composition.” (Mô tả đặc điểm của việc làm xanh: Ảnh hưởng của tiến trình “xanh hóa” đối với thành phần của lực lượng lao động) Energy Economics 72: 263-275.

       Carrington, Damian. 2020. “Coronavirus: ‘Nature is sending us a message’, says UN environment chief.” (Thiên nhiên đang gửi cho chúng ta một thông điệp, lời của giám đốc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc) The Guardian, 25 mars 2020.

       CDC. 2007. Interim pre-pandemic planning guidance: community strategy for pandemic influenza mitigation in the United States: early, targeted, layered use of nonpharmaceutical interventions. (Centers for Disease Control and Prevention.) (Hướng dẫn tạm thời về kế hoạch tiền đại dịch: chiến lược cộng đồng nhằm giảm nhẹ dịch cúm tại Mỹ: sử dụng sớm, trúng đích, theo lớp của những phát minh không dùng thuốc).

       CEC. 2019. The Fast Lane: Tracking the Energy Revolution 2019. (Đường đi nhanh: Theo dấu của cách mạng năng lượng 2019) Clean Energy Canada.

       Cheng, V. C. C., S. K. P. Lau, P. C. Y. Woo, et K. Y. Yuen. 2007. “Severe Acute Respiratory Syndrome Coronavirus as an Agent of Emerging and Reemerging Infection.” (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng virus corona như là một tác nhân của nhiễm trùng mới xuất hiện và xuất hiện trở lại) Clinical Microbiology Reviews 20 (4): 660-694.

       D’Souza, G., et D. Dowdy. 2020. “What is Herd Immunity and How Can We Achieve It With COVID-19? (Miễn dịch cộng đồng là gì và làm thế nào để hoàn tất nó với COVID-19?) Johns Hopkins School of Public Health.

       Daignault, Pénélope, Maxime Boivin, et Valériane Champagne St-Arnaud. 2018. “Communiquer l’action en changements climatiques au Québec.” (Truyền thông về hành động chống biến đổi khí hậu ở Québec) VertigO - la revue électronique en sciences de l’environnement 18 (3).

       Fischer, E. M., et R. Knutti. 2015. “Anthropogenic contribution to global occurrence of heavy-precipitation and high-temperature extremes.” (Đóng góp của hoạt động con người vào tần suất xuất hiện toàn cầu của những cực đoan về mưa và nhiệt độ cao) Nature Climate Change 5 (6): 560-564.

       Franchini, Massimo, Pier Mannuccio Mannucci, Sergio Harari, Federico Pontoni, et Edoardo Croci. 2015. “The Health and Economic Burden of Air Pollution.” (Sức khỏe và gánh nặng kinh tế của ô nhiễm không khí) The American Journal of Medicine 128 (9): 931-932.

       Friedman, Lisa. 2020. “E.P.A., Citing Coronavirus, Drastically Relaxes Rules for Polluters.” (Viện dẫn virus corona, mạnh mẽ nới lỏng những qui định cho những người gây ô nhiễm) The New York Times, 26 mars 2020.

       Hansen, J., M. Sato, P. Hearty, R. Ruedy, M. Kelley, V. Masson-Delmotte, G. Russell, G. Tselioudis, J. Cao, E. Rignot, I. Velicogna, B. Tormey, B. Donovan, E. Kandiano, K. von Schuckmann, P. Kharecha, A. N. Legrande, M. Bauer, et K. W. Lo. 2016. “Ice melt, sea level rise and superstorms: evidence from paleoclimate data, climate modeling, and modern observations that 2 °C global warming could be dangerous.” (Băng tan, mực nước biển dâng và siêu bão: chứng cứ từ các dữ liệu khí hậu cổ, mô hình hóa khí hậu, và nhận xét hiện nay cho rằng nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2°C có thể gây nguy hiểm) Atmos. Chem. Phys. 16 (6): 3761-3812.

       Hecketsweiler, Chloé, et Cédric Pietralunga. 2020. “Coronavirus: les simulations alarmantes des épidémiologistes pour la France.” (Coronavirus: những mô phỏng đáng báo động cho nước Pháp của các nhà dịch tễ học) Le Monde.

       Kunreuther, Howard, et Paul Slovi. 2020. “What the Coronavirus Curve Teaches Us About Climate Change.” (Đường biểu diễn virus corona dạy ta điều gì về biến đổi khí hậu) Politico, 26 mars 2020.

       Legault, Jean-Benoit. 2020. “COVID-19 et pollution atmosphérique pourraient être liés.” (COVID-19 và ô nhiễm khí quyển có thể có liên quan với nhau) La Presse, 25 mars 2020.

       Lindsey, Rebecca, et Luann Dahlman. 2020. “Climate Change: Global Temperature.” (Biến đổi khí hậu: Nhiệt độ toàn cầu) NOAA.

       Markandya, Anil, Iñaki Arto, Mikel González-Eguino, et Maria V. Román. 2016. “Towards a green energy economy? Tracking the employment effects of low-carbon technologies in the European Union.” (Hướng đến kinh tế năng lượng xanh? Theo dấu các ảnh hưởng đối với việc làm trong các công nghệ carbon thấp trong Liên minh châu Âu) Applied Energy 179: 1342-1350.

       Montpetit, Éric. 2020. Les décisions politiques peuvent-elles être basées sur la science en pleine crise? (Các quyết định chính trị có thể dựa trên khoa học đang cơn khủng hoảng không?) edited by Mélissa Guillemette: Québec Science.

       Muggah, Robert. 2020. “The COVID Wake-Up Call.” (COVID đánh thức) Project Syndicate, 18 mars 2020.

       Myllyvirta, Lauri. 2020. “Quantifying the Economic Costs of Air Pollution from Fossil Fuels.” (Định lượng những phí tổn về ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch) Centre for Research on Energy and Clean Air.

       NOAA. 2020. “ESRL Global Monitoring Division - Global Greenhouse Gas Reference Network.”

       OCDE. 2015. The Economic Consequences of Climate Change. (Hậu quả về kinh tế của biến đổi khí hậu)

       OMS. 2020. “WHO Director-General’s opening remarks at the media briefing on COVID-19.” (Phát biểu khai mạc của tổng giám đốc WHO tại buổi thông tin báo chí về COVID-19)

       Oreskes, Naomi, et Erik M. Conway. 2014. Les Marchands de doute. (Những người buôn bán sự hoài nghi) Le Pommier.

       Pembina Institute. 2016. Job Growth in Clean Energy. (Việc làm gia tăng với năng lượng sạch)

       Scott, John. 2020. “Biodiversity loss is hurting our ability to combat pandemics.” ( Mất đa dạng sinh học     đang làm tổn thương khả năng chống đại dịch của chúng ta.) World Economic Forum.

       Simon, Frédéric. 2020. “EU leaders back ‘green transition’ in pandemic recovery plan.” (Lãnh đạo Liên minh châu Âu ủng hộ “chuyển đổi xanh” trong chương trình phục hồi sau đại dịch) Euractiv, 27 mars 2020.

       Singer, Peter, et Michael Plant. 2020. “When Will the Pandemic Cure Be Worse Than the Disease?” (Khi nào thì đường biểu diễn đại dịch tồi tệ hơn chính căn bệnh?) Project Syndicate.

       Taylor, Louise H., Sophia M. Latham, et Mark E. J. Woolhouse. 2001. “Risk factors for human disease emergence.” (Những nhân tố gây nguy cơ cho sự xuất hiện bệnh của con người) Philosophical Transactions of the Royal Society of London. Series B: Biological Sciences 356 (1411): 983-989.

       The Economist. 2020. “Airborne particles may be assisting the spread of SARS-CoV-2.” (Những phần tử nhỏ trong không khí có thể giúp lây lan SARS-CoV-2). The Economist, 23 mai 2020.

       Venkatapuram, Sridhar, et. al. 2020. “Ethical principles for the Coronavirus Global Response.” (Những nguyên tắc đạo đức trong Coronavirus Global Response). Public Health Covid-19.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Du virus au climat”, La vie des idées, 18.5.2020



Chú thích: [*] Alexandre Gajevic Sayegh là giáo sư tại Khoa chính trị học thuộc Đại học Laval. Những nghiên cứu chính của ông chú trọng đến chính sách về biến đổi khí hậu, hành động tập thể, đạo đức trong việc định giá carbon, kinh tế xanh và các lý thuyết về công bằng. Năm 2019, ông đã xuất bản tác phẩm Justice in a Non-Ideal World: Bridging the Gap Between Political Theory and Real-World Politics (Công bằng trong một thế giới không hoàn hảo: Thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết chính trị và chính trị của thế giới thực) (Londres, Rowman and Littlefield International). Các bài báo của ông được công bố trên các tạp chí Ethics, Policy & Environment, Journal of Global Ethics, Moral Philosophy and Politics, và Critical Review of International Social and Political Philosophy. https://laviedesidees.fr/_Sayegh-Alexandre_.html

Print Friendly and PDF