TÔI NGHĨ KHÁC, VÌ THẾ TÔI LÀ CHÍNH TÔI
Apple thuê hẳn một triết gia riêng nhưng không để anh ta nói chuyện với báo giới
Vào năm 2014, trong nỗ lực tạo ra công nghệ tốt nhất, Apple đã quyết định tuyển dụng một triết gia toàn thời gian. Công ty đã thuê Joshua Cohen, trước đây là giáo sư triết học chính trị tại Đại học Stanford về làm việc cho Đại học Apple, một học viện do Steve Jobs thành lập vào năm 2008 để cung cấp cho nhân viên loại hình đào tạo thông thường ở các chương trình đại học. Các chi tiết cụ thể của trường đại học này được giấu kín dưới những lớp vỏ bọc; Apple đặc biệt cấm Cohen trao đổi về công việc của mình với Quartz.
Joel Podolny Joshua Cohen (1951-)
Đây là điều ta biết: Đại học Apple được lãnh đạo bởi Joel Podolny, trước đây là hiệu trưởng Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Các nhân viên của trường này bao gồm Richard Tedlow, từng là sử gia về mảng kinh doanh tại Đại học Harvard, và Morten Hansen, cựu giáo sư về quản lý tại Đại học California-Berkeley. Tổ chức này rất bí mật; một vài nhân viên đã trao đổi với New York Times vào năm 2014 với điều kiện là phải được giấu tên, và họ mô tả về quá trình tìm hiểu làm thế nào mà các sản phẩm của Apple có thể so sánh với tác phẩm nghệ thuật của Picasso về “sự đơn giản thanh lịch”.
Ngoài việc ấy ra, có rất ít thông tin về tổ chức này. Các giáo sư của công ty làm gì cả ngày, họ dạy gì cho nhân viên, và tri thức này được tích hợp vào các sản phẩm của công ty [Apple] như thế nào?
Ban đầu, Cohen bày tỏ sự sẵn lòng nói chuyện với Quartz về công việc của anh tại Apple, anh muốn giải thích về công việc hàng ngày và về nghiên cứu mà anh thực hiện. Tuy nhiên, anh cho biết, trước tiên anh phải xin phép bộ phận báo giới của Apple. Anh đã yêu cầu phê duyệt hai lần, một lần vào tháng 10 năm 2018 và một lần vào tháng 4 năm 2019, nhưng cả hai lần đều bị từ chối. Quartz cũng đã yêu cầu văn phòng báo giới của Apple cho phép nói chuyện với Cohen, nhưng đã bị từ chối.
Cái tên “Đại học Apple” gợi về một cơ sở giáo dục đại học, nhưng trong hầu hết giới học thuật, sẽ mang tiếng xấu nếu một tổ chức ngăn cản một giáo sư nói chuyện với báo giới. Rob Reich, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Stanford, nói rằng giáo sư tại bất kỳ trường đại học phi-công ty nào đều sẽ không phải xin phép để trao đổi với báo giới.
Cohen thỉnh thoảng đã thuyết trình cho đại chúng khi còn làm việc tại Apple. Một số bài thuyết trình đã hé lộ công việc thường nhật thực sự của ông tại công ty. Ví dụ, vào năm 2016, anh đã có một buổi nói chuyện với đại chúng ở Toronto về cách mà nghệ sĩ piano Glenn Gould nắm bắt được công nghệ đã cho phép anh tạo ra những bản nhạc tuyệt vời hơn nữa để chia sẻ với nhiều khán giả hơn. Theo một cây bút của trang web âm nhạc ludwig-van.com, cũng có mặt tham dự buổi nói chuyện đó với tư cách là khán giả, đây là phiên bản của buổi nói chuyện mà Cohen ban đầu dành cho các nhân viên Apple.
Cohen, người có nghiên cứu và viết tập trung vào triết học chính trị và bản chất của nền dân chủ, cũng là đồng biên tập và cộng tác viên viết bài cho tờ Boston Review, một tạp chí chính trị và văn chương hàng quý. Năm 2017, ông đã viết về việc làm thế nào mà Công viên Trung tâm của Thành phố New York là một ví dụ về một hàng hóa công đẹp đẽ cho phép nền dân chủ phát triển. Ông viết: “Công viên Trung tâm cần phải trở thành nơi dành cho mọi người, chứ không chỉ dành cho một số cá nhân, và vì thế giúp hình thành ý thức về chúng ta.
Tri thức, cũng giống như công viên, là một hàng hóa công. Từ góc độ đó, việc kiểm duyệt một triết gia phát biểu trước báo giới là đang hạn chế việc tiếp cận các hàng hóa công, và vì vậy hạn chế diễn ngôn dân chủ.
Đại học Apple và các chính sách của tổ chức này là một phần của xu hướng học thuật rộng lớn hơn chuyển từ các định chế đại học mở sang các định chế công ty khép kín hơn. Ví dụ, vô số kỹ sư và nhà khoa học máy tính không đóng góp công việc của họ cho tri thức chung, mà cho sự phát triển của tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của các cá nhân và tập đoàn tư nhân. Như tạp chí Pacific Science đã đưa tin vào đầu năm nay, hơn một nửa số nhà khoa học được thuê tại các trường đại học đã rời khỏi giới học thuật trong vòng 5 năm trong những năm 2010, trong khi tỷ lệ rời khỏi tương tự vào những năm 1960 phải mất 35 năm.
Chắc chắn sẽ có những lợi ích khi làm việc tại các công ty tư nhân. Ví dụ, có thể có nhiều kinh phí hơn và được cho là ít quan liêu hơn ở trường đại học. Nhưng nghiên cứu được thực hiện trong môi trường công ty hầu như luôn luôn được sử dụng vì lợi ích của công ty, hơn là vì giá trị của tri thức. Những mục đích như vậy có thể làm sai lệch bản chất của nghiên cứu học thuật; nghiên cứu triết học để tìm kiếm lợi nhuận là một sự bắt chước nhạt nhoà của nghiên cứu triết học thuần túy. Apple rõ ràng được hưởng lợi từ một triết gia riêng của công ty, nhưng khi tuyển dụng anh ta để phục vụ các mục đích xa hơn của công ty và khi ngăn anh ta tiếp xúc với báo giới, thì rõ ràng là công ty đã không đánh giá cao giá trị của việc tự do thảo luận triết học.
Apple, thung lũng Silicon, nền dân chủ, được Elijah Wolfson biên tập, triết học
PHÓNG VIÊN KHOA HỌC
Olivia Goldhill
Olivia là một phóng viên khoa học về ngành chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu về các hiện tượng gây ảo giác. Trước đây, cô đã đưa tin về triết học và tâm lý học, đồng thời là thành viên của nhóm điều tra Quartz tập trung vào hoạt động tuyên truyền chính trị trực tuyến.
Olivia từng lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Livingston năm 2020 cho công trình việc sử dụng dữ liệu sai mục đích để thúc đẩy hoạt động tuyên truyền ở Brazil. Trước Quartz, cô là phóng viên và là người chuyên viết các bài báo đặc biệt cho tờ The Daily Telegraph ở Anh. Email dành cho công việc của cô là o@qz.com và email được bảo mật của cô (dành cho những lời khuyên, không nhận email gợi ý viết bài quảng cáo) là ogoldhill@protonmail.com.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: Apple employs an in-house philosopher but won’t let him talk to the press, Quartz, Apr 22, 2019.