29.10.20

Trung Quốc: Chính sách “tuần hoàn kép” của Tập Cận Bình hay canh bạc nguy hiểm của việc đóng cửa kinh tế

 TRUNG QUỐC: CHÍNH SÁCH “TUẦN HOÀN KÉP” CỦA TẬP CẬN BÌNH HAY CANH BẠC NGUY HIỂM CỦA VIỆC ĐÓNG CỬA KINH TẾ

Alex Payette


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc hội thảo với các nhà kinh tế học và xã hội học ở Bắc Kinh, ngày 20 tháng 8 năm 2020 (Nguồn:
 SCMP)

Đây là khẩu hiệu sắp tới, “” sự đáp trả toàn diện đối với những khó khăn kinh tế của Trung Quốc. Tập Cận Bình đặt cược vào chính sách “tuần hoàn kép” (双循shuang xunhuan): Trung Quốc phải giảm sự phụ thuộc vào cầu của nước ngoài (“tuần hoàn quốc tế”) trong sự tăng trưởng kinh tế, và kích thích cầu trong nước (“tuần hoàn trong nước”) để tự bảo vệ tốt hơn trước các cú sốc từ bên ngoài. Nhưng ý-lực này cũng đi đôi với một lựa chọn chính trị rõ ràng: một sự “chuyển hướng sang cánh tả” không mặc cảm. Ở đây không có gì liên quan đến “chủ nghĩa xã hội dân chủ” của Jaurès và Blum. Trung Quốc tự giam mình trong chủ nghĩa tân Mao-ít: sự thống trị của Đảng trong việc kiểm soát xã hội và nền kinh tế, đóng cửa và tự cung tự cấp.

Trung Quốc đang ở một thời điểm quyết định, cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Những quyết định, sẽ được đưa ra trước Đại hội Đảng lần thứ XX vào năm 2022, sẽ củng cố đường lối phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng như vị thế của họ trong nền kinh tế thế giới. Hiện tại, mọi thứ vẫn còn mơ hồ: trong thời gian qua Bắc Kinh có những phát biểu trái chiều, khi thì nói về chính sách tự chủ và cô lập, khi thì nói về chính sách nới lỏng và mở cửa trong lĩnh vực tài chính. Trong khi phần còn lại của thế giới dần dần nhận ra sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc, hòn đá tảng của chuỗi cung ứng toàn cầu, thì Bắc Kinh đã nhận ra sự phụ thuộc của họ vào Hoa Kỳ.

Trong thời gian gần đây, giới lãnh đạo Đảng và một số học giả Trung Quốc đã nói về chính sách tự cung tự cấp và tự chủ. Nói một cách cụ thể hơn, Đảng đã đưa ra khái niệm “tuần hoàn trong nước” (Neihuan = nội hoàn), đôi khi còn được gọi là tuần hoàn lớn trong nước” (国内循大guonei daxunhuan = quốc nội đại tuần hoàn). Như thường lệ, với các khẩu hiệu và khái niệm của Đảng, mọi thứ vẫn rơi vào sự mơ hồ. Tuy nhiên, khái niệm tuần hoàn trong nước” này dựa trên ý tưởng kép về một Nhà nước đóng vai trò là động cơ chính của hoạt động kinh tế và về một nền kinh tế được kích thích từ trong nước, đặc biệt thông qua mức tiêu dùng trong nước, trái với mô hình công nghiệp định hướng xuất khẩu. Điều này phù hợp với mô hình được “cánh tả mới” của Trung Quốc bảo vệ, chẳng hạn như mô hình Trùng Khánh” dưới thời Bạc Hy Lai.

Chính sách “tuần hoàn trong nước” cũng là sự tiếp nối logic của nguyên lý theo đó các doanh nghiệp nhà nước tiến lên, khu vực tư nhân lùi xuống” (民退guonei daxunhuan = quốc nội đại tuần hoàn)[1], cũng được triển khai dưới thời của Tập Cận Bình kể từ năm 2013[2]. Theo quan điểm này, Trung Quốc phải trở nên độc lập và không phụ thuộc, nhằm giảm thiểu những rủi ro gắn liền với việc tách khỏi các Nhà nước khác, đặc biệt là những nước muốn xây dựng nhà máy và tìm kiếm nguồn cung ứng bên ngoài Trung Quốc. Điều này cũng sẽ giúp giảm bớt [ảnh hưởng của] các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Trung Quốc, cũng như với Hoa Kỳ kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của khu vực công.

Nói rộng hơn, chính sách “tuần hoàn trong nước” này được ghi trong các mục tiêu rộng lớn hơn về phát triển kinh tế trong nước của Trung Quốc, chẳng hạn như mục tiêu “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025”, cũng như mong muốn được nêu lên trong thời gian gần đây về việc phát triển một số ngành chiến lược của đất nước. Đó là vì chính quyền trung ương ngày càng lo ngại các lệnh trừng phạt về công nghệ của phương Tây, và đặc biệt của Mỹ, chẳng hạn như việc hạn chế chuyển giao công nghệ, việc mua các công nghệ nhạy cảm, và còn cả việc bên thứ ba mua các công nghệ của Trung Quốc[3]. Ví dụ, Bắc Kinh đã soạn thảo một kế hoạch đầu tư quốc gia cho các ngành chiến lược, có khả năng là đối tượng bị trừng phạt, như ngành viễn thông và chip bán dẫn. Chính quyền trung ương sẽ giữ vai trò là “nhà hoạch định” có giới hạn trên bình diện quốc gia - với một mức độ diễn giải” cao các chính sách của trung ương ở cấp tỉnh và thấp hơn tỉnh. Ví dụ, chính quyền trung ương giao quyền cho các chính quyền địa phương hướng dẫn” đầu tư vào các lĩnh vực nói trên trong phạm vi quyền hạn của họ.

Việc ủy thác” trách nhiệm này có thể gây ra những hậu quả quan trọng. Cụ thể, sự chuyển hướng đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng sang các ngành chiến lược mà, hiện tại, vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các chính quyền địa phương, từ cấp quận huyện đến cấp tỉnh, có nhiều khả năng đầu tư vào một lượng lớn các doanh nghiệp thuộc một trong số các ngành chiến lược đó. Tuy nhiên, họ không có khả năng xác minh độ tin cậy của tất cả các doanh nghiệp cần đầu tư, và thay vào đó sẽ cố chi tiền theo ý muốn của Bắc Kinh. Nói cách khác, những tỉnh thành nào chi tiền nhiều nhất và tài trợ nhiều nhất cho các công ty mới sẽ được lòng của Đảng, dù cho điều đó có dẫn đến những kết quả rõ ràng hay không. Như mọi khi, kế hoạch của chính quyền trung ương trông rất tuyệt trên giấy tờ, nhưng trên thực tế thì nó có thể không hiệu quả. Và với thành tích của các chính quyền địa phương cho đến nay, thì thật khó để không hoài nghi về những kết quả trong tương lai.

Lợi ích của sự tương thuộc

Thay vì tiến hành theo cách này, Đảng có thể quay lại đường lối cải cách mà Triệu Tử Dương, rồi Chu Dung Cơ đã vạch ra trong những năm 1990. Chính quyền trung ương, vốn đã thay đổi đường lối theo hướng nền kinh tế do Đảng lãnh đạo” và “quốc hữu hóa” kể từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, hoàn toàn có lợi nếu lắng nghe các khuyến nghị của những người ủng hộ nền kinh tế thị trường và khu vực tư nhân, như Ôn Gia Bảo, và Lý Khắc Cường, trong thời gian gần đây hơn. Đảng Cộng sản Trung Quốc nên tự do hóa hơn nữa thị trường và nền kinh tế của họ, để làm cho Trung Quốc trở nên quá lớn để có thể thất bại”. Vả lại, quan điểm này đã được một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc nêu lên vào đầu tháng 9 tại Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 - được sự hậu thuẫn trực tiếp của Lưu Hạc, phó thủ tướng và là Ngài kinh tế” của Tập Cận Bình.

Trong khi Hoa Kỳ và phần lớn các nước phương Tây ngày càng trở nên thù địch với Bắc Kinh, việc tách khỏi phần còn lại của thế giới, đặc biệt là với Mỹ, thực sự chỉ làm lợi cho phe đối lập. Ngược lại, nếu Trung Quốc hội nhập nhiều hơn nữa và mở cửa thị trường của họ ra nền kinh tế thế giới - qua đó củng cố thêm sự tương thuộc - thì đó sẽ là một lựa chọn chính trị thận trọng và hợp lẽ hơn rất nhiều. Trong một kịch bản như vậy, các biện pháp trừng phạt tài chính chống lại Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ các đối tác kinh tế của họ - trong đó có Hoa Kỳ.

Kiểu tương thuộc này cũng đóng vai trò rất lớn trong cách thức mà các công ty nước ngoài tự định vị khi đối mặt với Bắc Kinh trong môi trường chính trị quốc gia tương ứng của họ. Ví dụ, vào tháng 8, khi chính quyền Trump muốn cấm Wechat, có rất nhiều công ty lớn của Mỹ, trong đó có Apple và Walmart, đã phản đối điều đó. Bởi vì họ dựa vào Wechat để quảng cáo, xúc tiến kinh doanh và xử lý các giao dịch của họ ở Trung Quốc. Do đó, việc cấm ứng dụng này đồng nghĩa với việc họ bị thiệt hại đáng kể về lợi nhuận, trong khi họ cần tiếp cận thị trường Trung Quốc để tiếp tục việc mở rộng hoạt động kinh doanh. Thậm chí, họ cần một thị trường Trung Quốc tương đối “mạnh” để có thể tiêu thụ một số các sản phẩm cao cấp của mình.

Nếu Trung Quốc quay lại con đường cải cách và hội nhập nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thì các biện pháp trừng phạt và các đe dọa trừng phạt sẽ phải tính đến tác động của chúng đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới, chứ không chỉ duy nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc. Cuối cùng, Đảng đang ở một thời điểm quyết định: một mặt phải lựa chọn giữa khuyến khích chính sách tự cung tự cấp và tự chủ, và mặt khác là tiếp tục đường lối cải cách thị trường. Dù lựa chọn phương án nào đi chăng nữa, thì chắc chắn mỗi lựa chọn sẽ để lại vị đắng trong lòng ban lãnh đạo Đảng.

Liệu Đảng có từ bỏ quyền kiểm soát nền kinh tế hay không?

Thử xem xét lựa chọn thứ nhất: tâm lý kinh tế dựa trên quyền tự chủ” gợi lại quá nhiều tai họa của đế chế Trung Quốc. Đặc biệt, chính sách bế quan tỏa cảng” (闭关锁国biguan suoguo) của triều đại nhà Thanh khiến Trung Quốc bị tụt hậu so với các cường quốc phương Tây về công nghệ, trong số nhiều thứ khác. Vào thời đó, sự bế quan tỏa cảng này, cộng với nhiều vấn đề khác trong nước, đã đưa đất nước vào con đường của “thế kỷ tủi nhục”. Hiện nay những phần tử bảo thủ nhất của Đảng đang cố tự thuyết phục mình rằng Trung Quốc đã một lần nữa trở thành một siêu cường xứng đáng với tên tuổi của nó, làm sống lại quá khứ huy hoàng, một siêu cường đủ sức để có thể “bế quan tỏa cảng” (một lần nữa).

Tuy nhiên, với một nỗ lực vụng về để trở thành một siêu cường, Trung Quốc vẫn mong manh và đôi khi còn bị tụt hậu trong nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt. Và đây là một phần lý do vì sao từ nay Đảng đang hướng các khoản đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế chủ chốt đó. Tuy nhiên, họ thường quên rằng không thể giải quyết một vấn đề bằng cách bơm tiền một cách vụng về, đặc biệt khi liên quan đến một vấn đề phức tạp như việc sáng tạo đổi mới công nghệ. Ngoài ra, với cấu trúc nền kinh tế trong nước của Trung Quốc - phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu -, thì việc theo đuổi một nền kinh tế dựa trên khả năng tự cung tự cấp không phải là một lựa chọn thực tế. Trong lịch sử gần đây của Trung Quốc, sự phát triển kinh tế đạt đến đỉnh điểm khi Bắc Kinh lựa chọn hợp tác và mở cửa với phần còn lại của thế giới, trong khi tình trạng nghèo khó và đình trệ đã thắng thế khi giới lãnh đạo Trung Quốc tự tin có khả năng hoạt động độc lập với các quốc gia khác. Chính sách Đại nhảy vọt là ví dụ tiêu biểu nhất.

Lựa chọn thứ hai, tập trung vào việc mở cửa thị trường nhiều hơn nữa, sẽ dẫn đến một loạt rủi ro và bất định mà Đảng có vẻ như không có khả năng giải quyết vào lúc này. Bởi vì việc mở cửa thị trường [Trung Quốc] nhiều hơn nữa sẽ đặt lại vấn đề về khả năng kiểm soát nền kinh tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, Đảng cần biết rằng những rủi ro và bất định đó là phần không thể thiếu trong việc phát triển một nền kinh tế đẳng cấp thế giới. Lợi ích của một chính sách tự do hóa như vậy cũng là điều hiển nhiên. Ngoài việc tiết kiệm được nguồn lực và thời gian khi để các tác lực thị trường giải quyết một số vấn đề kinh tế cơ bản, Đảng có thể bắt tay vào việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc thực thi một trong những mục tiêu được nêu lên từ khá lâu: sáng tạo đổi mới. Về mặt lý thuyết, một nền kinh tế cởi mở hơn, tự do hơn, cạnh tranh hơn sẽ có lợi nhiều hơn.

Tất nhiên, điều này có nghĩa là Đảng cần giảm đáng kể sự can thiệp của họ vào nền kinh tế; một điều dễ nói hơn là làm. Hiện tại, mọi thứ có vẻ như không khả thi về mặt chính trị. Ngược lại, trên mặt trận kinh tế, Đảng và các doanh nghiệp nhà nước, thay vì chỉ đạo toàn bộ các hoạt động kinh tế ở Trung Quốc, nên đóng vai trò là trọng tài hoặc thậm chí là hỗ trợ. Bước đi ngoài lề này sẽ cho phép Bắc Kinh thở phào một chút và tập trung vào việc phát triển một tiểu khang xã hội” (小康 社会xiaokang shehui) như kế hoạch trong chương trình của Tập Cận Bình.

Khi bước vào quý cuối của năm 2020, bị kẹt giữa các cuộc đấu tranh phe phái và việc quản lý những tai họa do đại dịch gây ra và tình trạng suy giảm kinh tế, Đảng cần phải tự đánh giá lại: các lựa chọn và quyết định kinh tế từ nay đến năm 2022 sẽ quyết định các kỳ hạn của sự phát triển hoặc đình trệ kinh tế ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới. Mặc dù có sự quay lại theo “cánh tả mới” trong nội bộ Đảng, họ cần phải nhận ra rằng nếu kinh tế không phát triển, thì hệ thống chính trị, theo các phương thức hiện tại, sẽ không thể tồn tại. Ngược lại, việc chuyển hướng theo cánh tả nhiều hơn sẽ dẫn đến một hệ thống điều hành theo kiểu Bắc Triều Tiên, nơi mà trên thực tế không có vấn đề gì khác ngoài chính trị.

Alex Payette

Alex Payette
Alex Payette (Phd) là đồng sáng lập và CEO của Groupe Cercius, một công ty tư vấn về tình báo chiến lược và địa chính trị. Cựu tập sự hậu tiến sĩ của Hội đồng nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn Canada (SSHRC). Ông có bằng tiến sĩ về chính trị so sánh của Đại học Ottawa (2015). Nghiên cứu của ông tập trung vào các chiến lược về khả năng phục hồi của Nhà nước-Đảng Trung Quốc. Cụ thể hơn, những công trình gần đây nhất của ông tập trung vào sự tiến hóa của các quá trình thể chế cũng như vào việc chọn lọc và đào tạo giới tinh hoa ở Trung Quốc thời đương đại. Các công trình này đã được đăng trên các tạp chí Journal Canadien de Science Politique [Khoa học Chính trị Canada] (2013), International Journal of Chinese Studies [Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc] (2015/2016), Journal of Contemporary Eastern Asia [Đông Á thời Đương đại] (2016), tạp chí ra hàng quý East Asia: An International Quarterly [Đông Á: Một báo cáo quốc tế hàng quý] (2017), tạp chí Issues and Studies [Vấn đề và Nghiên cứu] (2011) cũng như tạp chí Monde Chinois/Nouvelle Asie [Thế giới Trung Quốc/Châu Á mới] (2013/2015). Ông cũng đã xuất bản một bản ghi chú nghiên cứu điểm lại tình hình về những “ai” sẽ là ứng cử viên tiềm năng cho các chức danh của Bộ Chính trị [Trung Quốc] vào năm 2017 cho IRIS - mục Asia Focus #3.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Chine: la “circulation duale” de Xi Jinping ou le dangereux pari de la fermeture économique, Asialyst, ngày 14/10/2020.



Chú thích:

 

[1] Tiếp nối logic của thuật ngữ này là “Đảng quản tất cả” (党 管 一切, dang guan yiqie).
[2] Trong cuộc trò chuyện với Ma Kai [Mã Khải] (马凯), Phó Thủ tướng từ năm 2013 đến năm 2018, Tập đã hỏi ông ấy cơ quan nào hiệu quả nhất để quản lý nền kinh tế. Mã Khải đã trả lời: Hội đồng Nhà nước. Phản ứng của Tập: “Tôi thấy chưa chắc” (我 看 未必).
[3] Xem trường hợp của Huawei và công nghệ 5G của họ hiện đang bị đẩy khỏi khỏi châu Âu và Hoa Kỳ.

Print Friendly and PDF