17.10.20

Tìm kiếm cách đấu giá hoàn hảo

TÌM KIẾM CÁCH ĐẤU GIÁ HOÀN HẢO

Mỗi ngày, các cuộc đấu giá phân phối các giá trị vô cùng lớn giữa người mua và người bán. Hai người được giải năm nay, Paul Milgrom Robert Wilson, đã cải tiến lý thuyết đấu giá và phát kiến ra các hình thức đấu giá mới, mang lại lợi ích cho những người bán, người mua và người nộp thuế trên khắp thế giới.

Các cuộc đấu giá có một bề dày lịch sử lâu đời. Ở thời La Mã cổ đại, những người cho vay đã sử dụng các cuộc đấu giá để bán tài sản mà họ đã tịch thu từ những người đi vay không có khả năng trả nợ. Nhà đấu giá lâu đời nhất thế giới, Stockholms Auktionsverk, được thành lập vào năm 1674 - với mục đích bán tài sản bị chiếm đoạt (appropriated property).

Ngày nay, khi nghe đến từ auction [đấu giá], chúng ta có thể nghĩ đến các cuộc đấu giá trang trại truyền thống hoặc các cuộc đấu giá nghệ thuật cao cấp - nhưng nó cũng có thể là bán thứ gì đó trên mạng internet hoặc mua tài sản thông qua một đại lý môi giới bất động sản. Các kết quả đấu giá cũng rất quan trọng đối với chúng ta với tư cách là những người nộp thuế và công dân. Thông thường, các công ty quản lý việc thu gom rác thải tại nhà của chúng ta đã thắng một cuộc mua sắm công bằng cách đặt mức giá trả thấp nhất. Các mức giá điện linh hoạt, được xác định hàng ngày trong các cuộc đấu giá về điện năng trong khu vực, ảnh hưởng lên chi phí sưởi ấm nhà của chúng ta. Phạm vi phủ sóng điện thoại di động của chúng ta phụ thuộc vào tần số vô tuyến mà các nhà mạng viễn thông thu được thông qua các cuộc đấu giá phổ băng tần. Tất cả các quốc gia hiện đều đi vay bằng cách bán trái phiếu chính phủ trong các cuộc đấu giá. Mục đích của cuộc đấu giá những hạn mức phát thải (emission allowance) của Liên minh châu Âu là nhằm giảm thiểu sự ấm lên toàn cầu.

Vì vậy, đấu giá ảnh hưởng lên tất cả chúng ta ở mọi cấp độ. Hơn nữa, chúng ngày càng trở nên phổ biến và ngày càng tinh vi. Đây là lĩnh vực mà những người được giải năm nay đã có những đóng góp to lớn. Họ không chỉ làm rõ cách đấu giá vận hành và tại sao những người mua lại hành xử theo một cách nhất định, mà còn sử dụng những khám phá lý thuyết của họ để phát kiến ra các hình thức đấu giá hoàn toàn mới để bán các sản phẩm và dịch vụ. Ngày nay, các kiểu đấu giá mới này đã phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới.

Các cuộc đấu giá diễn ra ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng lên cuộc sống hàng ngày của chúng ta - chúng quyết định các mức giá điện, những hạn mức phát thải, các tài sản tài chính và nhiều loại sản phẩm khác.

Lý thuyết đấu giá

Để hiểu những đóng góp của hai người được giải năm nay, chúng ta cần biết thêm một chút về lý thuyết đấu giá. Kết quả của một cuộc đấu giá (hoặc mua sắm) phụ thuộc vào ba yếu tố. Đầu tiên là yếu tố liên quan đến các quy tắc hoặc hình thức của đấu giá. Các mức giá trả là mở hay đóng? Người tham gia có thể trả giá bao nhiêu lần trong đấu giá? Người thắng phải trả mức giá nào - mức giá trả của chính họ hay mức giá trả cao thứ hai? Yếu tố thứ hai liên quan đến món hàng được đấu giá. Liệu có phải nó có một giá trị khác nhau cho mỗi người mua không, hay họ định giá món hàng theo cùng một cách? Yếu tố thứ ba liên quan đến sự không chắc chắn. Những người mua khác nhau biết thông tin gì về giá trị của món hàng?

Sử dụng lý thuyết đấu giá, có thể giải thích cách ba yếu tố này chi phối hành vi chiến lược của những người mua và vì thế dẫn đến việc chi phối kết quả của cuộc đấu giá. Lý thuyết này cũng có thể chỉ ra cách thiết kế cuộc đấu giá để tạo ra nhiều giá trị nhất có thể. Cả hai nhiệm vụ đều đặc biệt khó khăn khi nhiều món hàng liên quan được bán đấu giá cùng một lúc. Hai người được giải Khoa học Kinh tế năm nay đã khiến cho lý thuyết đấu giá được áp dụng nhiều hơn trong thực tiễn thông qua việc tạo ra các hình thức đấu giá mới, theo nhu cầu của khách hàng.

Các kiểu đấu giá khác nhau

Các nhà đấu giá trên khắp thế giới thường bán các món hàng riêng lẻ thông qua một hình thức đấu giá kiểu Anh [đấu giá tăng - ND] (English auction). Ở đây, người điều khiển cuộc đấu giá (auctioneer) bắt đầu với mức giá thấp, và sau đó gợi ý mức giá ngày càng cao. Những người tham gia có thể xem tất cả các mức giá trả và lựa chọn xem liệu họ có muốn đặt một mức giá trả cao hơn không. Ai đã đặt mức giá trả cao nhất sẽ thắng cuộc đấu giá và trả mức giá mà người đó đã đặt. Nhưng các kiểu đấu giá khác có quy tắc hoàn toàn khác; một cuộc đấu giá kiểu Hà Lan [đấu giá giảm - ND] (Dutch auction) bắt đầu với một mức giá cao, sau đó hạ xuống dần dần cho đến khi món hàng được bán.

Cả hai cuộc đấu giá kiểu Anh lẫn kiểu Hà Lan đều có các mức giá trả mở, vì vậy tất cả những người tham gia đều thấy mức giá trả của những người khác. Tuy nhiên, trong các kiểu đấu giá khác, các mức giá trả là kín. Ví dụ, trong các gói thầu công khai, các bên mời thầu thường đặt các hồ sơ dự thầu kín và bên mời thầu chọn nhà cung cấp cam kết thực hiện dịch vụ với mức giá thấp nhất, miễn là đáp ứng các yêu cầu về chất lượng cụ thể. Trong một số kiểu đấu giá, mức giá cuối cùng là mức giá được trả cao nhất (các kiểu đấu giá theo mức giá cao nhất), nhưng ở các hình thức khác, người thắng trả mức giá cao thứ hai (các kiểu đấu giá theo mức giá cao thứ hai).

Hình thức đấu giá nào là tốt nhất? Điều này không chỉ phụ thuộc vào kết quả, mà còn phụ thuộc vào điều mà chúng ta cho là “tốt nhất”. Những người bán thuộc khu vực tư thường quan tâm nhất đến việc nhận được giá cao nhất. Những người bán thuộc khu vực công có các mục tiêu lớn hơn, chẳng hạn như các sản phẩm được bán cho người mua để mang lại lợi ích lâu dài nhất cho toàn xã hội. Tìm kiếm hình thức cuộc đấu giá tốt nhất là một bài toán hóc búa đã khiến các nhà kinh tế đau đầu trong một thời gian dài.

Khó khăn trong phân tích cuộc đấu giá là việc một chiến lược tốt nhất của một người mua phụ thuộc vào cách người ấy tin rằng những người tham gia khác sẽ đưa ra mức giá nào trong cuộc đấu giá. Một số người mua tin rằng món hàng này có ít hoặc nhiều giá trị hơn so với những người khác không? Liệu có phải các cách định giá khác nhau này phản ánh việc một số người mua biết thông tin tốt hơn về đặc tính và giá trị của các sản phẩm không? Những người mua có thể hợp tác và thao túng cuộc đấu giá để giữ mức giá cuối cùng không?

Các giá trị riêng

William Vickrey (1914-1996)

Chủ nhân giải Khoa học Kinh tế năm 1996, William Vickrey, đã thiết lập lý thuyết đấu giá vào đầu những năm 1960. Ông phân tích một trường hợp đặc biệt, mà trong đó những người mua chỉ biết các giá trị riêng đối với sản phẩm hoặc dịch vụ được đem ra đấu giá. Điều này có nghĩa là các giá trị đối với những người mua hoàn toàn độc lập với nhau. Ví dụ, đây có thể là một cuộc đấu giá từ thiện để dự bữa tối với một người nổi tiếng (giả sử như với một người được giải Nobel). Việc bạn sẵn lòng trả bao nhiêu cho một bữa tối như vậy mang tính chủ quan - việc định giá của riêng bạn không chịu ảnh hưởng bởi cách những người mua khác cũng định giá bữa tối. Vậy bạn nên đấu giá như thế nào trong kiểu đấu giá này? Bạn không nên trả giá cao hơn giá trị mà bạn ấn định cho bữa tối ấy. Nhưng bạn có nên trả mức giá thấp hơn không, thì có lẽ bạn sẽ được bữa tối ấy với mức giá thấp hơn?

Vickrey đã chỉ ra rằng các hình thức đấu giá nổi tiếng nhất - chẳng hạn như kiểu Anh và kiểu Hà Lan - mang lại kỳ vọng doanh thu giống nhau cho người bán, miễn là tất cả những người mua đều duy lý và trung lập trước rủi ro.

Các giá trị chung

Các giá trị hoàn toàn mang tính cá nhân là một trường hợp cực đoan. Hầu hết các món hàng đấu giá - chẳng hạn như các loại chứng khoán, các quyền sở hữu và khai thác [khoáng sản] - có một giá trị chung đáng kể, điều này có ý nghĩa rằng một phần giá trị là giống nhau với tất cả những người mua tiềm năng. Trên thực tế, những người mua cũng có lượng thông tin cá nhân khác nhau về các đặc điểm của món hàng.

Hãy lấy một ví dụ cụ thể. Hãy tưởng tượng rằng bạn là một nhà buôn kim cương và rằng bạn - cũng như một số nhà buôn khác - đang có suy tính tham gia vào một cuộc đấu giá về một viên kim cương thô, để khi có được nó, bạn có thể sản xuất những viên kim cương được đẽo gọt và bán chúng. Sự sẵn lòng chi trả của bạn chỉ phụ thuộc vào giá trị bán lại của những viên kim cương được đẽo gọt, mà đến lượt nó, phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của chúng. Các nhà buôn khác nhau có ý kiến ​​khác nhau v giá tr chung này, tùy thuc vào đánh giá chuyên môn, kinh nghiệm và thời gian họ họ bỏ ra kiểm tra viên kim cương. Bạn có thể đánh giá giá trị tốt hơn nếu bạn có thể biết được những ước tính của tất cả các người mua khác, nhưng mỗi người mua muốn giữ bí mật về thông tin của họ.

Những người mua trong các cuộc đấu giá với các giá trị chung có nguy cơ bị những người tham gia khác có thông tin tốt hơn về giá trị thực. Điều này dẫn đến hiện tượng nổi tiếng về những mức giá trả thấp trong các cuộc đấu giá thực, được đặt tên là lời nguyền của người thắng (the winner’s curse). Giả sử rằng bạn thắng trong cuộc đấu giá viên kim cương thô. Điều này có nghĩa là những người mua khác định giá viên kim cương thấp hơn bạn, vì thế rất có thể bạn sẽ thua lỗ trong cuộc giao dịch này.

Người mua lạc quan nhất thường đánh giá quá cao giá trị chung của một món hàng đấu giá, đến nỗi việc ‘thắng’ cuộc đấu giá hóa ra lại gây thua lỗ - lời nguyền của người thắng.

Robert Wilson là người đầu tiên tạo ra một bộ khung phân tích các cuộc đấu giá với các giá trị chung và mô tả cách người mua hành xử trong những trường hợp như vậy. Trong ba bài kinh điển viết từ những năm 1960 và 1970, ông đã mô tả chiến lược trả giá tối ưu cho kiểu đấu giá theo mức giá cao nhất khi giá trị thực là không chắc chắn. Những người tham gia sẽ trả mức giá thấp hơn ước tính tốt nhất của họ về giá trị, để tránh thực hiện một giao dịch tồi và vì thế chịu ảnh hưởng bởi lời nguyền của người thắng. Phân tích của ông cũng cho thấy rằng với sự không chắc chắn lớn hơn, những người mua sẽ thận trọng hơn và mức giá cuối cùng sẽ thấp hơn. Cuối cùng, Wilson cho thấy rằng những vấn đề do lời nguyền của người thắng đặt ra thậm chí còn lớn hơn khi một số người mua có thông tin tốt hơn những người khác. Những người gặp bất lợi về thông tin sau đó sẽ trả giá thấp hơn nữa hoặc từ bỏ hoàn toàn việc tham gia đấu giá.

Cả giá trị riêng lẫn giá trị chung

Trong hầu hết các cuộc đấu giá, những người mua có các giá trị cả riêng lẫn chung. Giả sử bạn đang nghĩ đến việc trả giá trong một cuộc đấu giá một căn hộ hoặc một ngôi nhà; khi đó mức độ sẵn lòng chi trả của bạn phụ thuộc vào giá trị riêng của bạn (bạn đánh giá cao tình trạng, sơ đồ tầng lầu [floor plan] và vị trí của nó) và ước tính của bạn về giá trị chung (bạn có thể bán nó với mức giá bao nhiêu trong tương lai). Một công ty năng lượng đấu giá quyền khai thác khí đốt tự nhiên quan tâm đến cả quy mô của bể chứa khí (một giá trị chung) và chi phí khai thác khí (một giá trị riêng, vì chi phí phụ thuộc vào công nghệ có sẵn của công ty). Một ngân hàng đấu giá trái phiếu chính phủ xem xét lãi suất thị trường trong tương lai (giá trị chung) và số lượng khách hàng của họ muốn mua trái phiếu (giá trị riêng). Phân tích các mức giá trả trong các cuộc đấu giá có các giá trị cả riêng lẫn chung hóa ra là một vấn đề thậm chí còn phức tạp hơn các trường hợp đặc biệt được Vickrey và Wilson phân tích. Cuối cùng người đã giải quyết được bài toán hóc búa này là Paul Milgrom, trong một số ít bài viết được xuất bản vào khoảng năm 1980.

Robert J. Weber (1947-)

Phân tích của Milgrom - một phần cùng với Robert Weber - bao gồm những cái nhìn sâu sắc mới mẻ và quan trọng về các cuộc đấu giá. Một trong những mối quan tâm này liên quan đến việc các hình thức đấu giá khác nhau giải quyết vấn đề lời nguyền của người thắng như thế nào. Trong một cuộc đấu giá kiểu Anh, người điều khiển cuộc đấu giá bắt đầu với một mức giá thấp và nâng nó lên dần dần. Những người mua, khi quan sát mức giá mà những người mua khác rời bỏ cuộc đấu giá, sẽ thu được thông tin về việc định giá của họ; vì những người trả giá còn lại có nhiều thông tin hơn so với lúc bắt đầu cuộc đấu giá, họ thường hiếm khi trả mức giá thấp hơn giá trị ước tính của họ. Mặt khác, một cuộc đấu giá kiểu Hà Lan, nơi người điều khiển cuộc đấu giá bắt đầu với mức giá cao và giảm xuống cho đến khi có người sẵn lòng mua món hàng, không sản sinh ra bất kỳ thông tin mới nào. Vì thế, vấn đề về lời nguyền của người thắng trong các cuộc đấu giá kiểu Hà Lan lớn hơn so với các cuộc đấu giá kiểu Anh, dẫn đến mức giá cuối cùng bao giờ cũng thấp hơn.

Kết quả cụ thể này phản ánh một nguyên tắc chung: hình thức đấu giá cung cấp doanh thu càng cao bao nhiêu thì mối liên kết giữa giá trả và thông tin cá nhân của người trả mức giá càng mật thiết bấy nhiêu. Vì thế, quyền lợi của người bán là nên cung cấp cho những người tham gia càng nhiều thông tin càng tốt về giá trị của món hàng trước khi cuộc đấu giá bắt đầu. Ví dụ, người bán một căn nhà có thể mong đợi mức giá cuối cùng cao hơn nếu những người mua được tiếp cận với chuyên gia định giá (độc lập) trước khi bắt đầu cuộc đấu giá.

Các cuộc đấu giá tốt hơn trong thực tế

Milgrom và Wilson không chỉ cống hiến hết mình cho lý thuyết đấu giá cơ bản. Mà họ còn phát kiến các hình thức đấu giá mới và tốt hơn cho các tình huống phức tạp mà các hình thức đấu giá hiện có không thể áp dụng được. Đóng góp nổi tiếng nhất của họ là cuộc đấu giá do họ thiết kế lần đầu tiên cho chính quyền Hoa Kỳ để bán các tần số vô tuyến cho các nhà khai thác viễn thông.

Các tần số vô tuyến cho phép truyền thông không cần dùng dây - các cuộc gọi điện thoại di động, thanh toán qua mạng internet hoặc các cuộc họp video - là những tài nguyên có giá trị lớn đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội. Các tần số này thuộc sở hữu của chính phủ, nhưng các tổ chức tư nhân thường có thể sử dụng chúng hiệu quả hơn. Vì thế, các nhà chức trách đã phải phân bổ quyền truy cập vào các dải băng tần cho những tác nhân này. Điều này ban đầu được thực hiện thông qua một quá trình được gọi là một hội thi sắc đẹp (beauty contest), qua đó các công ty phải đưa ra các luận cứ về lý do tại sao đặc biệt họ nên nhận được giấy phép. Quá trình này có nghĩa là các công ty viễn thông và truyền thông phải chi một số tiền khổng lồ cho việc vận động hành lang. Tuy nhiên, doanh thu do quá trình này phát sinh bị hạn chế.

Vào những năm 1990, khi thị trường điện thoại di động mở rộng, cơ quan có trách nhiệm ở Mỹ, Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC), nhận ra rằng các hội thi sắc đẹp không còn khả thi. Số lượng các công ty di động đã tăng nhanh chóng, và FCC trên thực tế đang chết chìm trong các hồ sơ xin tiếp cận tần số vô tuyến. Sau áp lực từ FCC, Quốc hội Hoa Kỳ đã cho phép sử dụng các cuộc xổ số để phân bổ các dải băng tần. Vì thế, hội thi sắc đẹp đã được thay thế bằng hoạt động cấp giấy phép hoàn toàn ngẫu nhiên, tương tự như vậy, điều này chỉ mang lại thu nhập hạn chế cho chính phủ.

Tuy nhiên, các nhà khai thác di động đã không hài lòng. Các cuộc xổ số được tổ chức ở cấp địa phương, vì vậy mà các nhà khai thác di động quốc gia thường sẽ có các mạng hoàn toàn không liên tục với các dải băng tần khác nhau ở các khu vực khác nhau. Các nhà khai thác sau đó đã cố gắng mua và bán các tần số giữa họ, điều này dẫn đến sự xuất hiện của một thị trường mua đi bán lại giấy phép lớn. Trong khi đó, nợ quốc gia ngày càng tăng của Hoa Kỳ khiến cho việc tiếp tục phân phối giấy phép gần như miễn phí ngày càng trở nên khó khăn về mặt chính trị. Giá trị thị trường của các giấy phép là nhiều tỷ đô la - tiền cuối cùng lại rơi vào tay các nhà đầu cơ tần số thay vì rơi vào Bộ Tài chính Hoa Kỳ (một khoản thất thu mà cuối cùng sẽ do những người nộp thuế gánh chịu). Cuối cùng, vào năm 1993, người ta quyết định rằng các dải băng tần sẽ được phân phối thông qua các cuộc đấu giá.

Các hình thức đấu giá mới


Bây giờ một vấn đề mới nảy sinh - làm sao bạn thiết kế một cuộc đấu giá đạt được sự phân bổ hiệu quả các dải băng tần số vô tuyến, đồng thời mang lại lợi ích cho những người nộp thuế ở mức độ lớn nhất có thể? Vấn đề này hóa ra rất khó giải quyết, vì một dải băng tần có cả thành phần giá trị riêng lẫn giá trị chung trong đó. Ngoài ra, giá trị của một dải băng tần cụ thể trong một vùng cụ thể phụ thuộc vào các dải băng tần khác do một nhà khai thác cụ thể sở hữu.

Hãy xem xét một nhà khai thác muốn xây dựng một mạng di động quốc gia. Giả sử rằng một cơ quan quản lý của Thụy Điển đấu giá từng dải băng tần số một, bắt đầu với vùng Lapland ở phía bắc và tiếp tục trên khắp cả nước xuống vùng Skåne ở phía nam. Giờ đây, giá trị của giấy phép Lapland phụ thuộc vào việc liệu nhà khai thác - trong các vòng [đấu giá] sau - có thành công trong việc mua giấy phép đến Skåne hay không và ở mức giá nào. Nhà khai thác không biết kết quả của các cuộc đấu giá trong tương lai, vì vậy hầu như không thể biết họ phải trả bao nhiêu cho giấy phép. Ngoài ra, những người mua đầu cơ có thể cố gắng mua dải băng tần chính xác mà nhà khai thác cần ở vùng Skåne, vì vậy họ có thể bán nó với mức giá cao trên thị trường mua đi bán lại. Bởi vì có sự không chắc chắn lớn, nhà khai thác sẽ giữ giá trả của mình ở mức thấp hoặc hoàn toàn rút khỏi cuộc đấu giá để chờ đợi một thị trường mua đi bán lại có thể xảy ra.

Những người tham gia đấu giá nhiều món hàng có liên quan với nhau - chẳng hạn như tần số vô tuyến ở các vùng khác nhau của đất nước - thường muốn đấu giá các “gói” món hàng. Điều này làm phức tạp việc thiết kế cuộc đấu giá, nhất là nếu người bán muốn ngăn những người mua thông đồng để giữ các mức giá thấp.

Ví dụ về Thụy Điển mang tính cách điệu trên minh họa một vấn đề tổng quát. Để né tránh nó, cuộc đấu giá đầu tiên của Hoa Kỳ phải phân bổ tất cả các khu vực địa lý của phổ vô tuyến trong một lần. Nó cũng phải quản lý nhiều người mua. Để giải quyết những vấn đề này, Milgrom và Wilson - một phần cùng với Preston McAfee - đã phát kiến một hình thức đấu giá hoàn toàn mới, Đấu giá nhiều vòng cùng lúc [Simultaneous Multiple Round Auction] (SMRA). Cuộc đấu giá này cung cấp đồng thời tất cả các món hàng (dải băng tần số vô tuyến ở các khu vực địa lý khác nhau). Bằng cách bắt đầu với mức giá thấp và cho phép trả giá lặp lại, cuộc đấu giá giảm bớt các vấn đề phát sinh từ sự không chắc chắn và lời nguyền của người thắng. Khi FCC sử dụng hình thức SMRA lần đầu tiên vào tháng 7 năm 1994, nó đã bán được 10 giấy phép trong 47 vòng đấu giá với tổng giá trị 617 triệu đô - những món hàng mà trước đây chính phủ Mỹ thực tế đã cấp phát miễn phí.

Cuộc đấu giá phổ băng tần đầu tiên sử dụng hình thức SMRA thường được xem là một thành công lớn. Nhiều quốc gia (bao gồm Phần Lan, Ấn Độ, Canada, Na Uy, Ba Lan, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Thụy Điển và Đức) đã áp dụng cùng một hình thức cho các cuộc đấu giá phổ băng tần của họ. Chỉ riêng các cuộc đấu giá của FCC, sử dụng hình thức này, đã mang lại hơn 120 tỷ đô la trong hai mươi năm (1994-2014) và trên toàn cầu, cơ chế này đã tạo ra hơn 200 tỷ đô la từ việc bán phổ băng tần. Hình thức SMRA cũng đã được sử dụng trong các bối cảnh khác, chẳng hạn như bán điện và khí đốt tự nhiên.

Sau đó, các nhà lý thuyết đấu giá - thường làm việc với các nhà khoa học máy tính, nhà toán học và nhà khoa học hành vi - đã cải tiến các hình thức đấu giá mới. Họ cũng đã điều chỉnh chúng để giảm cơ hội thao túng và hợp tác giữa những người mua. Milgrom là một trong những kiến ​​trúc sư ca một kiểu đấu giá sửa đổi (Đấu giá đồng hồ kết hợp [Combinatorial Clock Auction]), trong đó các nhà khai thác có thể trả mức giá trên các “gói” tần số, thay vì các giấy phép một. Kiểu đấu giá này đòi hỏi khả năng tính toán đáng kể, vì số lượng các gói có thể tăng lên rất nhanh với các tần số để bán. Milgrom cũng là nhà phát triển hàng đầu của hình thức [đấu giá] mới mẻ với hai vòng (Đấu giá khuyến khích). Trong vòng đầu tiên, bạn mua phổ vô tuyến từ những nhà có giấy phép hiện tại. Trong vòng thứ hai, bạn bán các tần số của các nhà khai thác đã rút lui khỏi thị trường này cho các tác nhân khác có thể quản lý chúng hiệu quả hơn.

Nghiên cứu cơ bản dẫn đến những phát kiến mới

Công trình ban đầu mang tính đột phá của Milgrom và Wilson nên được xem là nghiên cứu cơ bản. Họ muốn sử dụng và phát triển lý thuyết trò chơi để phân tích cách các tác nhân khác nhau hành xử chiến lược khi mỗi bên có quyền tiếp cận thông tin khác nhau. Các cuộc đấu giá - với các quy tắc rõ ràng chi phối hành vi chiến lược này - bao gồm một cuộc đấu trường tự nhiên cho nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, cuộc đấu giá đã có ý nghĩa thiết thực và kể từ giữa những năm 1990, ngày càng được sử dụng nhiều hơn trong việc phân phối tài sản công phức tạp, chẳng hạn như các dải băng tần, điện năng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Những cái nhìn sâu sắc cơ bản từ lý thuyết đấu giá đã cung cấp nền tảng để xây dựng các hình thức đấu giá mới vượt qua những thách thức mới này.

Các hình thức đấu giá mới là một ví dụ điển hình về cách mà sau đó nghiên cứu cơ bản có thể sản sinh ra các phát kiến có lợi cho xã hội. Đặc điểm khác thường của ví dụ này là cùng một người đã phát triển lý thuyết các ứng dụng thực tiễn. Vì thế, nghiên cứu đột phá của những người được giải năm nay về các cuộc đấu giá đã mang lại lợi ích to lớn cho người mua, người bán và toàn thể xã hội.

-----------------------------------------

KHUYẾN NGHỊ ĐỌC THÊM

Thông tin bổ sung về giải thưởng năm nay, bao gồm nền tảng khoa học bằng tiếng Anh, có sẵn trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, www.kva.se, và tại www.nobelprize.org, nơi bạn có thể xem video quay cảnh báo chí, hội nghị, các Bài giảng Nobel, vân vân. Thông tin về các buổi triển lãm và hoạt động liên quan đến Giải Nobel và Giải thưởng về các Khoa học Kinh tế hiện có tại www.nobelprizemuseum.se.

-----------------------------------------

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao Giải thưởng về các Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2020 của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển cho

PAUL R. MILGROM

Sinh năm 1948 tại Detroit, Hoa Kỳ. Ông lấy bằng Tiến sĩ vào năm 1979 tại Đại học Stanford, Stanford, Hoa Kỳ. Ông hiện là Giáo sư Shirley và Leonard Ely về Các ngành Khoa học và Nhân văn, Đại học Stanford, Stanford, Hoa Kỳ.

ROBERT B. WILSON

Sinh năm 1937 tại Geneva, Hoa Kỳ. Ông là nhà quản trị cơ sở dữ liệu (D.B.A) vào năm 1963 tại Đại học Harvard, Cambridge, Hoa Kỳ. Ông hiện là Giáo sư Xuất sắc Adams về Quản lý, Danh dự, Đại học Stanford, Stanford, Hoa Kỳ.

“vì những cải tiến lý thuyết đấu giá và những phát kiến ra các hình thức đấu giá mới”

Các nhà Biên tập Khoa học: Tommy Andersson, Tore Ellingsen, và Torsten Persson, Ủy ban Giải thưởng các Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel

Người dịch [từ tiếng Thụy Điển ra tiếng Anh]: Clare Barnes

Người vẽ ảnh minh họa: © Johan Jarnestad / Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Người Biên tập: Eva Nevelius

© Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: The quest for the perfect auction, Nobel Prize, Oct 12, 2020.

Print Friendly and PDF