7.10.20

Sự thành công đáng kinh ngạc của các nhà kinh tế Pháp tại Hoa Kỳ

 SỰ THÀNH CÔNG ĐÁNG KINH NGẠC CỦA CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC PHÁP Ở HOA KỲ

Arnaud Leparmentier

Duflo, Saez, Zucman, Piketty, Philippon đều đã nhận được giải thưởng nhà kinh tế trẻ tuổi xuất sắc do báo Le Monde và Câu lạc bộ các nhà kinh tế học trao tặng. Cùng với Blanchard, các “Frenchies [người Pháp]”, qua các công trình của mình, là mốt thời trang bên kia bờ Đại Tây Dương. Hãy quay lại “khoảnh khắc Pháp” này.

Thomas Philippon, giáo sư tài chính tại Đại học New York, trong một cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình Bloomberg, ngày 24 tháng 8 năm 2018. BLOOMBERG VIA GETTY IMAGES

Khi cựu đại diện của Đảng Cộng hòa, bà Nan Hayworth, vào đầu tháng 10, trên Twitter, đã gọi Gabriel Zucman và Emmanuel Saez là “những người xã hội chủ nghĩa không nghiêm túc”, thì Zucman, 33 tuổi, đã đáp lại một cách hóm hỉnh: “Bà đã bỏ sót chữ ‘Pháp’. Những người Pháp xã hội chủ nghĩa không nghiêm túc.” Hai nhà kinh tế học người Pháp tại Đại học Berkeley (California) luôn được các báo đưa lên “trang nhất”, kể từ khi họ tiết lộ rằng 400 người Mỹ giàu nhất, với cuộc cải cách [thuế] của Donald Trump, đã trả tiền thuế thu nhập, tính theo tỉ lệ, thấp hơn mức trung bình của người Mỹ. Tệ hơn nữa, đó là những người đã du nhập sự “không nghiêm túc của họ vào đất nước của chủ nghĩa tư bản: Elizabeth Warren, ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân chủ, đã sử dụng lại đề xuất của họ về việc đánh thuế những tài sản vượt quá 50 triệu US$ (44,7 triệu euro).


Gabriel Zucman và Emmanuel Saez đang đi một vòng miền Đông nước Mỹ để quảng bá cho cuốn sách của họ, Le Triomphe de l’injustice [Chiến thắng của sự bất công] (W. W. Norton & Company, 288 trang, sẽ ra mắt ở Pháp vào tháng 2 năm 2020 ở NXB Seuil). Khoảng mười ngày trước, họ đã nói chuyện, ở Manhattan, với Paul Krugman, người đoạt giải Nobel. Một tuần trước đó, họ đã trình bày với các cộng sự của Quốc hội, thuộc đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, công cụ mô phỏng mới của họ về cải cách thuế (TaxJusticeNow.org, “công bằng thuế là giờ đây”).

Jason Furman (1970-)

Phải chăng “các ‘Piketty’s boys’ (chàng trai của Piketty)” đang xâm nhập vào Hoa Kỳ, sáu năm sau chiến thắng của tác phẩm Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ 21] (Seuil, 2013) ở Mỹ? Cùng với nhiều nhà kinh tế học Pháp khác, thì Saez và Zucman, những đồng tác giả với Thomas Piketty, không phải là những người đơn độc. “Có một số đông không cân xứng người Pháp xuất sắc, trong lãnh vực nghiên cứu học thuật cũng như trong các tranh luận về chính sách kinh tế của Mỹ”, theo khẳng định của Jason Furman, 49 tuổi, cựu chủ tịch Ủy ban cố vấn kinh tế cho Barack Obama và là giáo sư tại đại học Harvard, người đã không ngừng gặp họ.

Esther Duflo (1972-)

Olivier Blanchard (1948-)

Tại Đại học New York, Thomas Philippon, một cựu sinh viên Trường Bách khoa (Paris) 45 tuổi, tố cáo sự cartel hóa [cartellisation] nền kinh tế. Tại Viện Peterson ở Washington, cựu chiến binh Olivier Blanchard, 70 tuổi, cựu kinh tế trưởng của IMF, vào tháng Giêng, đã tận dụng thời gian khi ông còn là chủ tịch Hiệp hội các nhà kinh tế học người Mỹ để bênh vực cho một ngân sách linh hoạt hơn trong giai đoạn lãi suất thấp. Cuối cùng, nhà kinh tế học của MIT (Viện Công nghệ Massachusetts), Esther Duflo, 47 tuổi, đã được trao giải thưởng Nobel kinh tế vào tháng 10 năm 2019 vì cách tiếp cận mang tính cách mạng của bà về sự phát triển: viện trợ giống như thuốc uống, muốn biết nó có hiệu quả không, thì cần phải thử nghiệm, không quan trọng hệ tư tưởng là gì.

“Khoảnh khắc Pháp”

Gérard Debreu (1921-2004)
Jean Tirole (1953-)

Giải thích “khoảnh khắc Pháp” này như thế nào đây? Ban đầu là toán học. Được đào tạo tại trường Ecole Polytechnique hoặc trường Ecole normale supérieure, người Pháp đã đi trước các đồng môn người Mỹ một bước dài, vào thời điểm mà kinh trắc học chiếm ưu thế. “Việc dạy toán học ở cấp chuyên ở Pháp tốt hơn nhiều so với ở Hoa Kỳ”, Furman khẳng định. Sự việc bắt nguồn từ các “đại thụ lớn tuổi” đã từng qua Hoa Kỳ, ví dụ như nhà toán học Gerard Debreu, giải Nobel Kinh tế đầu tiên của Pháp vào năm 1983, hoặc Jean Tirole (giải Nobel năm 2014, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế Toulouse), nhưng điều đó vẫn tiếp diễn.

“Khoa [kinh tế] đã tuyển Thomas Piketty [đến MIT, nơi ông đã giảng dạy từ năm 1993 đến năm 1995] dựa trên một bài báo, vốn là một kiệt tác về toán học, phục vụ cho một ý tưởng rất đẹp. Ông ấy đã đến với danh tiếng là người rất giỏi trong việc tạo ra các mô hình tinh vi”, Olivier Blanchard nhớ lại, người đã tóm tắt các phẩm chất của các nhà kinh tế Pháp: “Một sự pha trộn giữa khả năng sáng tạo, đến từ trường Normale-Sup, và thực tế là toán học đối với họ là một công cụ, chứ không phải là một ám ảnh.”

Daniel Cohen (1953-)

Một công cụ phục vụ một tầm nhìn thế giới. Đó là lúc xuất hiện Daniel Cohen, 66 tuổi, giáo sư kinh tế tại trường Ecole normale supérieure (ENS) (đồng thời là thành viên Hội đồng kiểm soát của tập đoàn Le Monde), người đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên. “Khi sinh viên đến trường Normale, Daniel Cohen đã giảng cho họ một bài về kinh tế, và điều đó khiến họ thích thú. Họ nhận ra kinh tế học thật hấp dẫn, đắm mình vào đó, và Daniel khuyên họ nên hoàn thành khóa đào tạo bằng cách đến Hoa Kỳ.” Và thế là hình thành một quá trình [đào tạo] xuyên Đại Tây Dương, cho phép các nhà kinh tế học trẻ tuổi đến học ở Đại học Harvard, MIT, Berkeley.

“Tất cả chúng tôi đều là môn đồ của Daniel Cohen, tôi luôn rất ấn tượng với khả năng sư phạm và cách tiếp cận đa ngành của ông ấy”, Zucman nói. Đối với Cohen và các môn đệ của ông, con người không phải là con người kinh tế [Homo economicus] và hành vi của con người cần được phân tích với sự đóng góp của tất cả các ngành khoa học xã hội. Các nhà kinh tế học người Pháp không làm nghệ thuật vì nghệ thuật, hay đúng hơn kinh tế học vì kinh tế học. Cohen nói: “Đối với họ, lý thuyết chỉ là một công cụ. Họ đến với kinh tế học với một mục tiêu, sự hiểu biết về thế giới”.

Sự thoái trào của trường phái Chicago

Milton Friedman (1912-2006)

Emmanuel Saez (1972-)

Sự xuất hiện của các nhà kinh tế học người Pháp diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, sự thoái trào của trường phái Chicago, căn cứ địa của Milton Friedman, từng thống trị tư tưởng kinh tế kể từ cuộc cách mạng Reagan năm 1980. “Nó đã bị dội một gáo nước lạnh với cuộc khủng hoảng năm 2008”, Daniel Cohen nhớ lại. Và người Pháp đã động đến tổ kiến, chỉ ra nạn bất bình đẳng, không phải với lý thuyết toán học mà nhờ vào kinh nghiệm, nhờ vào việc xử lý dữ liệu, vốn chưa từng có hoặc chưa được sử dụng đúng cách.

Phong trào được Piketty khởi xướng với tác phẩm Le Capital au XXIe siècle [Tư bản vào thế kỷ XXI]. Điều đó tiếp diễn với Zucman và Saez, những người điều hành một trung tâm vì sự tăng trưởng công bằng, ở Đại học Berkeley. Đó cũng là những gì mà Esther Duflo đã làm với các thử nghiệm của bà, cho dù Thomas Philippon tiết chế một chút sự đối lập giữa lý thuyết và dữ liệu: “Tôi luôn nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm. Điều khiến chúng tôi quan tâm là các câu hỏi, chứ không phải là các phương pháp.”


Gabriel Zucman (1986-)

Những câu hỏi mà họ cố chia sẻ với càng nhiều người càng tốt. “Thomas Philippon là một trong những người chuyên sâu nhất về cạnh tranh, ông ấy là người duy nhất đã viết sách và đưa chủ đề này đến với một đối tượng rộng lớn hơn”, theo lời giới thiệu của Furman. “Đây là khía cạnh Zola của chúng tôi: chúng tôi tin rằng nhà trí thức phải hiện diện trong cuộc tranh luận công khai. Chúng tôi tự hào nghĩ rằng mình có điều gì đó để nói và chúng tôi phải thoát ra khỏi tháp ngà của mình. Viết sách, đó là ước mơ của chúng tôi,” theo lời giải thích của Thomas Philippon, người vừa công bố ở Hoa Kỳ, tác phẩm The Great Reversal. How America Gave Up on Free Markets [“Sự đảo lộn vĩ đại. Nước Mỹ đã từ bỏ thị trường tự do như thế nào”] (Harvard University Press, chưa có bản dịch).

Người Pháp rất tinh về chính trị. “Philippon đã rất can đảm khi lao vào một chủ đề rộng lớn và khó khăn. Saez và Zucman đã đến đúng lúc, khi bất bình đẳng là một chủ đề xã hội quan trọng,” theo lời giải thích của Blanchard, người đã đầu tư vào chủ đề chính sách tài khóa, bị các chính phủ xem nhẹ, trong khi các ngân hàng trung ương có đủ phương tiện để tài trợ cho một đám nhà nghiên cứu về chính sách tiền tệ. “Trong nghiên cứu, tốt hơn là nên đến một nơi nào đó còn nguyên sơ một chút,” cựu kinh tế trưởng của IMF tóm lại.

Điều kiện làm việc “phi thường” ở Hoa Kỳ

Khi Esther Duflo trở thành người lỗi lạc, Emmanuel Macron đã thận trọng ca ngợi một thành công của Pháp. “Esther Duflo, người lỗi lạc được trao giải Nobel nhắc nhở rằng các nhà kinh tế học Pháp ngày nay đang ở tầm cỡ xuất sắc thế giới.” Và họ ở cách Paris hơn 5.000 km. Chuyến trở về nước Pháp không hề dễ dàng, đặc biệt khi bạn đã sống ở Hoa Kỳ hoặc khi bạn thích lướt sóng, giống như Emmanuel Saez. “Điều kiện làm việc [ở Hoa Kỳ] rất phi thường. Tôi chưa bao giờ gặp vấn đề về tiền bạc trong nghiên cứu, thu nhập của các nhà kinh tế học khá quan trọng và cho phép họ không phải sa đọa, làm những việc khác”, theo lời của Blanchard. Ông tự nhận mình là “chú vịt con xấu xí” bởi vì ông đã không học ở X (trường Polytechnique) hoặc Normale (trường Ecole normale supérieure) mà chỉ học ở đại học Nanterre. Ông đã ra đi, và đã không quay về.

“Blanchard nợ Hoa Kỳ mọi thứ: ông là một sản phẩm ở đó, ông đã tạo lập ở đó và cảm thấy rằng, nếu trở lại Pháp, ông sẽ không được kính trọng”, theo lời phân tích của Philippe Aghion, người đã vượt lại Đại Tây Dương để giành vinh quang cho trường Collège de France (giống như điều mà Jean Tirole và Thomas Piketty cũng đã làm cho Trường Toulouse và Trường Kinh tế Paris). “Khi rời Đại học Harvard để đến trường College de France, tiền lương của tôi bị chia ba”, theo lời giải thích của Aghion, 63 tuổi, người đã kiếm thêm thu nhập bằng cách giảng dạy ở Trường Kinh tế London (LSE) hoặc ở những nơi khác, giống như các nhà kinh tế học khác khi viết những cuốn sách bán chạy nhất hoặc tư vấn cho các ngân hàng thương mại.

Abhijit Banerjee (1961-)

Liệu sự chuyển hướng sang cánh tả trong cuộc tranh luận chính trị của Mỹ có mang những ý tưởng Pháp trở thành thời thượng hay không? Có và không. Furman cho biết: “Thành công của họ là sự kết hợp giữa năng lực chuyên môn và một sự dấn thân rộng hơn về mặt trí thức. Điều này còn hơn cả quan điểm của họ đối với thuyết tân tự do. Theo ông, bà Duflo không có gì đặc biệt là người Pháp, công trình của bà không có gì khác biệt so với công trình của một trong những người đồng nhận giải và là chồng của bà, nhà kinh tế học người Mỹ gốc Ấn Abhijit Banerjee. Blanchard cũng vậy, ngoại trừ việc ông ấy là “tất cả trừ là người Đức”, Furman nói. Ngược lại, Saez và Zucman có vẻ là người Pháp hơn, ngay cả khi họ cố neo các đề xuất của họ vào truyền thống siêu thuế thu nhập cao của Mỹ, vốn từng là quy tắc từ thời Franklin Roosevelt đến Jimmy Carter.

Những gian truân của họ làm nhiều người không bằng lòng, đặc biệt là Lawrence Summers. Vị cựu Bộ trưởng Tài chính dưới thời Bill Clinton, vào giữa Tháng 10, đã tranh cãi các phép tính của Saez và Zucman. Là người theo đảng dân chủ thuộc phái trung dung, ông cho rằng việc đầu tư vốn liếng chính trị của mình vào một thuế suất đánh trên tài sản, thứ có “hơn 50% khả năng bị tuyên bố là vi hiến”, là điều vô lý.

Gabriel Zucman bực bội nói: “Ở Hoa Kỳ, luôn có một chủ đề với Tòa án tối cao. Các nhà kinh tế học đã qua lại rất nhiều với Washington. Điều này khiến họ ít nhiều trở thành tù nhân của những ràng buộc chính trị mà họ cảm nhận được ở Washington và điều đó khiến họ nhìn phiến diện. Khi bạn đến từ một quốc gia khác và bạn không thuộc về giới quyền uy của nước đó, thì bạn sẽ dễ dàng ít bị thấm nhuần bởi hệ tư tưởng chính thống hơn.”

Nếu trong 99% các trường hợp thì vấn đề quốc tịch là không quan trọng, thì trong 1% các trường hợp điều này là đáng kể, theo lời của Jason Furman. Đặc biệt là chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, sẽ châm ngòi cho các cuộc công kích chống lại các “Frenchies”.

Bài viết này đã được đăng trong bản tin “La lettre éco” của tờ Le Monde.

Arnaud Leparmentier (phóng viên tại New York)

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Lʼincroyable succès des économistes français aux Etats-Unis, Le Monde, ngày 06/11/2019.

----

Bài có liên quan: Có chăng một “French touch” (phong cách Pháp) trong kinh tế học?

Print Friendly and PDF