ROBERT BOYER: “RA KHỎI ĐẠI DỊCH, CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐƯỢC TĂNG CƯỜNG MẠNH MẼ”
PHỎNG VẤN
Trong một cuộc phỏng vấn báo Le Monde, người đồng sáng lập “trường phái điều tiết” trong những năm 1970 đưa ra lời chẩn đoán về cú sốc đang làm lung lay nền kinh tế thế giới và về những khả năng biến đổi của nó trong tương lai.
Nhà kinh tế học Robert Boyer, chuyên gia phân tích những biến chuyển lịch sử theo những chiều hướng khác nhau của các chủ nghĩa tư bản - vả lại ông thích dùng từ chủ nghĩa tư bản ở số nhiều - công bố vào ngày 1 tháng 10 (2020) tại nhà xuất bản La Découverte một tác phẩm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng Les Capitalismes à l’épreuve de la pandémie (Những chủ nghĩa tư bản trước thử thách của đại dịch) (200 trang, 19 euro), trong đó ông đưa ra lời chẩn đoán về cú sốc đang làm lung lay nền kinh tế thế giới và về những khả năng biến đổi của nó trong tương lai.
Để xác định tính chất của khủng hoảng chúng ta đang trải qua, các nhà kinh tế học lưỡng lự giữa các cụm từ “khủng hoảng chưa từng có” và “suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1929”, hay còn là “cuộc khủng hoảng thứ ba của thế kỷ” - tiếp theo khủng hoảng nợ dưới chuẩn năm 2008 và khủng hoảng của đồng euro năm 2010. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Ta không thể áp dụng những từ ngữ thừa kế từ những khủng hoảng trước đây cho một thực tại mới. Hơn cả một sự sai lầm, đó là một lỗi lầm vì điều đó chỉ ra rằng ta hy vọng áp dụng được những giải pháp cứu chữa đã được biết và như vậy chúng sẽ không hiệu nghiệm.
Thuật ngữ “suy thoái” được áp dụng cho tình trạng một chu kỳ kinh tế khi đến một giai đoạn nào đó quay ngược trở lại vì những lý do nội sinh, điều này giả định rằng giai đoạn tiếp theo sẽ là giai đọan phục hồi một cách máy móc, cũng vì những lý do nội sinh, trở về với tình trạng trước đó. Nhưng ở đây không phải là sự suy thoái, mà là một quyết định của các cấp lãnh đạo chính trị tạm ngưng mọi hoạt động kinh tế không thiết yếu cho việc chống lại đại dịch và cho đời sống hàng ngày.
Sự tồn tại dai dẳng của từ vựng kinh tế để chỉ một thực tại chính trị quả là đáng ngạc nhiên. Ta đã nói đến “sự hỗ trợ” các hoạt động, trong khi đó lại là sự đóng băng nền kinh tế. Kế hoạch “phục hồi” thực ra là một chương trình đền bù những thiệt hại của các doanh nghiệp, được thực hiện nhờ sự bùng nổ chi tiêu ngân sách và sự nới lỏng những ràng buộc về tái cấp vốn từ các ngân hàng trung ương. Đó là sự “chăm sóc tạm thời”, nó chỉ có nghĩa nếu các nhà dịch tễ học, các bác sĩ và các nhà sinh vật học tìm ra giải pháp cho khủng hoảng y tế - nhưng điều đó không tùy thuộc các mô hình lẫn chính sách kinh tế.
Sự ngưng đột ngột và tự giác của sản xuất gây ra những thay đổi về kinh tế - nhất là khi sự ngưng trệ này kéo dài - và cả về thể chế, chính trị, xã hội, tâm lý - điều mà các nhà kinh tế học không quan tâm -, đến nỗi tất cả không thể “bắt đầu lại” như trước. Bỗng nhiên lộ ra rằng một phần ba năng lực sản xuất không phải là lợi ích “thiết yếu” cho xã hội. Một số lĩnh vực bị xáo trộn bởi sự thay đổi mang tính cấu trúc của các phương thức tiêu dùng (du lịch, giao thông vận tải, hàng không, quảng cáo, các ngành công nghiệp văn hóa…), bởi sự gián đoạn các mạng lưới gia công và sự biến mất của các hãng xưởng, công ty ở nhiều khâu khác nhau trong chuỗi giá trị.
Từ nay, sự hủy hoại tư bản và thu nhập là khổng lồ - vậy phải thấy trước mức sống trung bình sẽ giảm lâu dài. Và ta không thể trông chờ vào sự giải tỏa nhanh chóng lượng tiết kiệm bị kẹt lại trong thời gian cách ly bởi vì thất nghiệp từng phần biến thành thất nghiệp hoàn toàn do sự tích lũy những thua lỗ. Khối tiết kiệm này phải biến thành tiết kiệm dự phòng, chỉ được giải tỏa khi niềm tin trở lại.
Kinh tế ngưng trệ đã tác hại đến những sắp xếp về thể chế, những qui tắc bảo đảm sự phối hợp giữa các tác nhân mà có khi ta không nhận thức ra: an toàn về sức khỏe, niềm tin vào các cơ quan công quyền, dự báo thị trường, sự bổ sung lẫn nhau giữa các hoạt động kinh tế, sự đồng bộ hóa các thời gian của xã hội - trường học, giao thông, công việc, nghỉ ngơi giải trí -, việc xác định các trách nhiệm pháp lý…
Chiến lược kinh tế được dẫn dắt bởi ý tưởng cho đó là một sự suy thoái - và chỉ cần duy trì nguyên trạng những gì còn lại của nền kinh tế, rồi khởi động lại hoạt động để trở về với trạng thái trước kia (sự phục hồi theo hình chữ “V” nổi tiếng) - vì thế sẽ thất bại. Năm 2020 có thể được ghi dấu trong lịch sử không những chỉ là một năm của cú sốc kinh tế vì những thua lỗ khổng lồ của GDP và tình trạng bần cùng của một phần quan trọng của xã hội, mà còn là một thời điểm mà các chế độ kinh tế-xã hội đã đạt đến giới hạn, không có khả năng bảo đảm các điều kiện tái sản xuất. “Ra khỏi khủng hoảng” chỉ xảy ra khi nào sự biến đổi mang tính cấu trúc của nền kinh tế đang diễn ra trước mắt chúng ta đã tiến triển đủ xa.
Một sự biến đổi hướng đến một nến kinh tế biết tôn trọng môi trường hơn, ít bất bình đẳng hơn?
Hoàn toàn không phải vậy, than ôi! Tôi không muốn tham gia vào trò chơi cuộc thi về “ngày sau” (sau đại dịch - ND), mà mỗi chuyên gia chỉ ra nhược điểm nào đó của hệ thống và đề nghị sửa đổi: ít bất bình đẳng hơn bằng cách tăng thuế và chi tiêu công cộng, hướng đến sinh thái với một chiến lược chắc chắn và nhất quán về bảo vệ khí hậu và đa dạng sinh học, nhiều sáng kiến đổi mới hơn nhờ vào sự “phá hủy có tính sáng tạo” những hoạt động đã lỗi thời, tăng cường tính cạnh tranh bằng cách giảm các thuế sản xuất, v.v.. Ngược lại với huyền thoại xóa sạch sẽ được tạo ra bởi một tình huống “chưa từng xảy ra”, việc tái tạo này đã trên đà thực hiện. Đại dịch chỉ tăng cường nó mà thôi.
Vậy đó là biến đổi gì?
“Đóng băng” nền kinh tế đã thúc đẩy nhanh sự sụt giảm giá trị giữa những ngành công nghiệp đang suy yếu và một nền kinh tế các nền tảng đang tăng trưởng mạnh mẽ - nói cho hình tượng là từ một kỹ sư hàng không chuyển thành người giao hàng cho Amazon. Nhưng nền kinh tế này tạo ra một giá trị thặng dư rất nhỏ, một trình độ chuyên môn xoàng xĩnh cho phần lớn những người làm việc, và mức gia tăng năng suất rất kém. Từ lâu tôi đã nghĩ rằng những đặc điểm này sẽ đi đến một khủng hoảng mang tính cấu trúc của chủ nghĩa tư bản, nhưng bây giờ tôi thừa nhận là tôi đã lầm.
Những tác nhân của nền kinh tế nền tảng này, các tập đoàn GAFA [Google, Apple, Facebook, Amazon], hơn cả đầu tư “xanh”, thu hút được những lợi tức của tư bản tài chính, và như vậy cứu vãn đầu tư tư bản khỏi những phiêu lưu quen thuộc trước đây đã đưa nó đi từ sự phá sản của các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số năm 2000 đến cuộc phá sản bất động sản năm 2008. Trong khi những nhà bảo vệ sinh thái cấm dùng cây thông Giáng sinh, nhóm GAFA đầu tư vào tương lai. Tóm lại, chủ nghĩa tư bản không hề bị khủng hoảng mà nó còn mạnh mẽ hơn nhiều khi ra khỏi đại dịch.
Nhưng nền kinh tế các nền tảng lại tăng cường những bất bình đẳng về kinh tế. Những công ty khởi nghiệp sáng tạo, những ngành công nghiệp và dịch vụ truyền thống sẽ bị tổn thất nhiều. Nền kinh tế các nền tảng chỉ cung cấp những thu nhập thấp kém cho những người làm việc cho nó - ngoại trừ rất ít nhân viên ăn lương và tất nhiên là các cổ đông của nó. Nhóm GAFA không quan tâm đến sản xuất lẫn sự cải thiện trình độ chuyên môn - họ hành động như những kẻ cướp trên thị trường các năng lực ở qui mô xuyên quốc gia. Đại dịch, cách ly và những biện pháp “hỗ trợ” cho nền kinh tế chỉ tăng cường những hiện tượng này: khiếm dụng lao động gia tăng, những người có trình độ chuyên môn thấp bị mất thu nhập, nới rộng hố ngăn cách về kỹ thuật số giữa các doanh nghiệp cũng như giữa các cá nhân, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Những người “bị thiệt thòi” của nền kinh tế này, và họ có nhiều, sẽ hướng về Nhà Nước là những thực thể duy nhất có khả năng bảo vệ họ tránh khỏi nghèo khó và trình trạng xuống cấp trước sức mạnh to lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia về kỹ thuật số và về tài chính - Nhà Nước được phục hồi những chức năng hành chính và chính trị độc tôn và chức năng điều tiết nhờ vào trò “ảo thuật” của đại dịch. Như vậy, sức mạnh của GAFA lại sản sinh ra phần bù lại có tính biện chứng của nó: sự tăng vọt của những chủ nghĩa tư bản nhà nước khác nhau sẵn sàng bảo vệ những đặc quyền của chúng - và của những doanh nghiệp riêng của chúng - trong phạm vi biên giới của chúng, mà mô hình hoàn chỉnh nhất là Trung Quốc.
Sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của hai hình thức này của chủ nghĩa tư bản là một tác nhân gây mất ổn định trong quan hệ quốc tế, như đã thấy qua sự cạnh tranh giữa Trung quốc và Mỹ, mà khủng hoảng Covid-19 càng làm cho gay gắt thêm, và trong giai đoạn hiện nay ta không thể dự đoán được lối ra.
Sự củng cố các quyền lực kinh tế và chính trị - của đế chế hay của quốc gia - có thể làm tan tác những cố gắng quản lý đa phương các quan hệ quốc tế - trong khi đó đại dịch một lần nữa đã chứng minh là cần có một sự quản lý toàn cầu các vấn đề y tế chẳng hạn. Sự tăng vọt của cái gọi là “chủ nghĩa dân túy” cũng có thể phá vỡ những dự án phối hợp ở cấp vùng như Liên minh châu Âu, làm lợi cho sự tách rời các quốc gia có chủ quyền đang khao khát “lấy lại quyền kiểm soát” như Boris Johnson đã tuyên bố, và được hỗ trợ bởi cả một tập hợp những công cụ kỹ thuật số. Như vậy, tôi có thể nói là ta có sự “lựa chọn”, giữa một quyền năng kỹ thuật số thực thi bởi các tập đoàn đa quốc gia và và một quyền năng kỹ thuật số thực thi bởi các quốc gia có chủ quyền cạnh tranh nhau.
Nhưng ở đây cũng vậy, như những bất định của cuộc bầu cử của Mỹ vào ngày 3 tháng 11 cho thấy, lịch sử chưa được viết ra. Có thể những liên minh chính trị phá vỡ được độc quyền của GAFA, như trường hợp các đường sắt và dầu mỏ vào cuối thế kỷ XIX ở Mỹ, hoặc là chế độ của Trung Quốc bị phản đối bởi một cuộc nổi dậy bất thình lình của xã hội.
Hơn nữa, những sự kiện bất chợt khiến cho các nhà kinh tế học và chính trị học phải dè chừng những dự báo xuất phát từ những mô hình lý thuyết mà thực tại lịch sử phải có xu hướng tuân theo… vì đó là trường hợp hiếm hoi. Năm mươi năm thực hành lý thuyết điều tiết đã dạy cho tôi biết rằng phải luôn luôn đưa vào phân tích sự xuất hiện đột ngột của những tổ hợp thể chế và chính trị mà dòng chảy lịch sử tạo ra một cách ngẫu nhiên. Như Keynes [1883-1946] đã nói: “Hiện nay các nhà kinh tế học đang cầm tay lái của xã hội chúng ta, trong khi lẽ ra họ phải ngồi ở băng ghế sau.”
Vả lại trong quyển sách của ông, ông đã mạnh mẽ phê phán nghề nghiệp của ông và những tầng lớp tinh hoa chính trị và kỹ trị nói chung, và cách quản lý khủng hoảng này nói riêng.
Điều đó không sai… Tôi chỉ lấy một ví dụ, không hoàn toàn ngẫu nhiên: kinh tế y tế. Đối với những nhà kinh tế học vĩ mô, hệ thống y tế biểu thị một chi phí đè nặng lên “tài sản quốc gia”, và như vậy phải giảm xuống - và các chính sách đã đi theo con đường này. Từ hai mươi năm nay, các bộ trưởng kinh tế đã dán chặt mắt vào cái spread, tức chênh lệch giữa lãi suất cho vay của các quốc gia khác nhau. Mục tiêu của họ là nền kinh tế quốc gia phải thu hút đủ tư bản để tư bản này được đầu tư ở đây hơn là ở những nơi khác. Điều này tự nó không ngu dại, nhưng từ đó hậu quả là hạn chế chi tiêu công cho y tế, giáo dục, trang thiết bị…
Từ ngữ có vai trò: các nhà kinh tế học, và giới chính trị gọi việc cấp vốn cho những “gánh nặng” này là “những khoản trích thu bắt buộc” - trong khi đó là đối phần của các dịch vụ được cung ứng cho cộng đồng. Khuôn mẫu tư tưởng này làm cho giới hành chính và chính trị không có được những công cụ đánh giá tốt. Nó dẫn đến việc thiết lập trong các bệnh viện việc quản lý theo từng hoạt động, điều này làm nảy sinh một sự lãng phí kinh khủng, trong khi một chỉ báo tốt của chính sách y tế phải là số năm sống với sức khỏe tốt, và quản lý tốt là một chính sách tạo thuận lợi cho việc phối hợp hiệu quả công việc của các nhóm chuyên môn y học.
Với đại dịch, ta đã chứng kiến một ví dụ rất hay về cách mà một điều ngẫu nhiên là sự đột nhập của một virus đã đảo lộn một khuôn mẫu tư tưởng. Trong khi tài chính xác định khuôn khổ của hành động công cộng, bao gồm cả y tế, thì bây giờ chính là tình trạng y tế của quốc gia ấn định mức độ của hoạt động kinh tế, và tài chính trông chờ như mong Chúa cứu thế một loại vắc-xin hay một phương pháp điều trị để cuối cùng biết được đầu tư vào đâu hàng ngàn tỷ tiền sử dụng ngay. Quyết định dành ưu tiên cho mạng sống con người đã đảo ngược các thứ bậc truyền thống về thứ tự thời gian được thiết lập bởi các chương trình tự do hóa gây thiệt hại cho hệ thống y tế, và tạo ra một loạt các điều chỉnh trong lĩnh vực kinh tế: chứng khoán hoảng loạn, giá dầu mỏ lao dốc, ngưng tín dụng ngân hàng và đầu tư, rời bỏ học thuyết chính thống về chính sách tài khoá, v.v..
Cũng như chụp tia X, cuộc khủng hoảng này đã vạch trần vai trò thực sự của một thiết chế là y tế công cộng mà sự vận hành của nó bị xem nhẹ bởi hệ tư tưởng ẩn trong lý thuyết kinh tế tham chiếu. Thực vậy, lý thuyết này dự báo, cũng như đối với một doanh nghiệp, lĩnh vực y tế cũng có thể đạt được gia tăng năng suất nhờ những cải tiến kỹ thuật. Nhưng y tế là lĩnh vực duy nhất mà tiến bộ kỹ thuật làm gia tăng chi phí, vì ngay cả khi giá của một đơn vị chăm sóc giảm thì chi phí toàn thể vẫn tăng vì phải cung cấp việc chăm sóc được cải tiến cho tất cả mọi người, và luôn luôn phải chống chọi với những bệnh mới. Như vậy, là một sai lầm cơ bản khi muốn “làm giảm chi phí y tế”. Hơn nữa, cả dư luận lẫn các nhà chuyên môn không mong muốn điều đó, chỉ các nhà kinh tế học, được các chính khách tiếp sức, muốn điều đó.
Đại dịch này đã thắng một giáo điều cơ bản của lý thuyết kinh tế: hơn cả quyền lực công cộng, thị trường sẽ có khả năng trở về trạng thái cân bằng các chi phí một cách “tự nhiên”, vì nó có khả năng phổ biến và tổng hợp các thông tin được phát tán trong xã hội, và tổ chức những dự kiến của các tác nhân kinh tế để phân bổ tư bản một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, với đại dịch, chúng ta đã đi từ một nền kinh tế của rủi ro qua một nền kinh tế của sự bất định triệt để, theo chính mô hình của dịch tễ học. Vì quản lý dịch bệnh bao hàm quản lý sự bất định nương theo sự xuất hiện của những thông tin mới, được xử lý ngay bởi những mô hình xác suất… mà chính những mô hình này đang bị đặt lại vấn đề bởi sự xuất hiện của những dữ liệu mới.
Lúc đầu, các chính phủ phải đương đầu với một thế tiến thoái lưỡng nan - chọn lựa giữa mạng sống con người và hoạt động kinh tế. Trước nguy cơ phải chịu hàng triệu người chết, theo mô hình của một số dịch bệnh trong quá khứ, sự chọn lựa đã diễn ra nhanh chóng: ta cứu các mạng sống và quên tất cả phần còn lại. Một tính toán đơn giản dường như có thể giúp quyết định thời điểm chấm dứt cách ly, nghĩa là lúc mà chi phí kinh tế trên đà gia tăng trở nên cao hơn cái giá cứu mạng sống con người.
Các chính phủ đã tưởng có thể dựa vào các nhà khoa học để khẳng định mạnh mẽ những điều chắc chắn đó. Nhưng việc quản lý các đại dịch trong lịch sử mỗi lần lại đặt ra những vấn đề vượt quá kiến thức khoa học của thời điểm đó: mỗi virus đều mới và có những đặc điểm chưa từng được biết cần được khám phá cùng lúc với sự phát tán của nó và chúng đánh bại những mô hình được thừa kế từ quá khứ. Từ đó, ngày nay phải quyết định như thế nào, trong khi ta biết rằng ta còn không biết ta sẽ biết điều gì mai này. Kết quả là một sự bắt chước máy móc chung: thà tất cả đều cùng lầm hơn là đúng một mình.
Dựa vào những “điều chắc chắn” của khoa học có nghĩa là lẫn lộn tình trạng hiểu biết trong sách với khoa học đang được tiến hành. Như vậy điều bất định nội tại của khoa học dịch tễ đã làm cho giới chính trị mất lòng tin của dân chúng. Dao động giữa những mệnh lệnh mâu thuẫn nhau, ví dụ như về khẩu trang và thực hiện xét nghiệm, chỉ có thể làm mất ổn định khả năng tiên liệu của các tác nhân về những gì sẽ xảy ra. Vậy là ngày nay các chính phủ phải đương đầu với ba vấn đề nan giải: thêm vào việc bảo tồn sức khỏe và hỗ trợ nền kinh tế là nguy cơ gây tổn hại đến quyền tự do mà dư luận vốn đã mất lòng tin e sợ.
Nhà Nước, cũng như thị trường, có khả năng quản lý các rủi ro, nhưng bị đứng trước thách thức của một sự bất định triệt để. Những nhà tài chính cũng ghét những “con thiên nga đen”, những biến cố cực đoan này vượt ra ngoài những phân bố thống kê, nền tảng bảo đảm giá trị của những công cụ của họ, và làm tê liệt mọi tiên liệu và mọi quyết định đầu tư. Và những nhà dịch tễ học cũng như các nhà khí hậu học lại dự đoán rằng những biến cố như vậy sẽ gia tăng…
Ông không chỉ đề ra những kịch bản đen tối trong quyển sách của ông. Ông đã nói rằng đại dịch đã làm nổi lên những thể chế và những nhu cầu cho đến nay bị “che giấu” bởi các hệ tư tưởng kinh tế-kỹ trị, ví dụ như nhu cầu về sức khỏe…
Tôi đi Nhật Bản nhiều lần, nước này không có tăng trưởng từ hơn 20 năm nay, mặc dù đã có nhiều “kế hoạch phục hồi”, các nhà kinh tế học vĩ mô xem đó là một điều bất thường. Và ngược lại, nếu nước Nhật đang thăm dò một mô hình kinh tế cho thế kỷ XXI, trong đó những cổ tức của đổi mới công nghệ không được dùng để phục vụ tăng trưởng, mà phục vụ sư an sinh của một dân số đang già hóa? Bởi vì nói cho cùng, đâu là những nhu cầu thiết yếu của các nước phát triển: tất cả trẻ em được hưởng một nền giáo dục có chất lượng tốt, đời sống khỏe mạnh cho tất cả mọi người, kể cả những người già nhất, và cuối cùng là văn hóa vì đó là điều kiện của đời sống xã hội - chúng ta không chỉ là những sinh vật chỉ cần được ăn, mặc và ở. Vậy chúng ta phải có khả năng tạo ra một mô hình sản xuất của nhân loại bởi chính con người. Đó là điều mà tôi gọi là một nền kinh tế “di truyền nhân học” trong quyển sách của tôi.
Mô hình này đã được thực hiện nhưng không được công nhận. Không hề có sự sút giảm các chi tiêu y tế ở Mỹ từ năm 1930, y tế là lĩnh vực hàng đầu của nền kinh tế, cách xa công nghiệp xe hơi, công nghiệp kỹ thuật số v.v.. Ở Mỹ, từ năm 1990, giáo dục, y tế và giải trí là những ngành sử dụng nhiều nhân lực nhất và gia tăng đều đặn, trong lúc việc làm tiếp tục giảm trong công nghiệp, và trong tài chính từ cuối thập niên này. Tại sao chúng ta lại cho là “tự nhiên” khi thường xuyên thay đổi xe hơi và điện thoại thông minh, mà không phải là việc tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, giải trí và văn hóa? Hơn cả công nghệ kỹ thuật số, những cải tiến trong các lĩnh vực này là trung tâm của đời sống xã hội và của việc cải thiện nó.
Khủng hoảng Covid - 19 làm cho chúng ta ý thức về sự mong manh của mạng sống con người và có thể thay đổi những ưu tiên của chúng ta: tại sao phải tích lũy tư bản? Tại sao ngày càng tiêu thụ những vật dụng phải thay mới hoài? Một “tiến bộ kỹ thuật” làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên của trái đất phục vụ điều gì? Như Keynes đã đề nghị trong Thư gửi các cháu của chúng ta (1930), tại sao một xã hội mà nghèo khó đã được đầy lùi, một cuộc sống với sức khỏe tốt rộng mở về văn hóa và đào tạo nhân tài lại không hấp dẫn và khả thi? Bởi vì chúng ta chỉ mới bắt đầu có ý thức rằng những “chi tiêu cho sản xuất của con người” trở thành phần chính yếu của các nền kinh tế phát triển; Covid-19 đã tạo ra cho Nhà Nước ưu tiên bảo vệ sự sống và buộc Nhà Nước phải đầu tư cho nó, thực sự tham gia vào sự nghiệp “chính trị sinh học”, lúc đầu là bị bắt buộc nhưng mai này sẽ là một sự lựa chọn.
Nhưng cần có một liên minh chính trị và những thể chế mới để biến nhận định này thành một dự án. Tiếc thay sự thắng thế có thể thuộc về những liên minh khác - phục vụ một xã hội giám sát, hóa thân trong một chủ nghĩa tư bản nền tảng hay những chủ nghĩa tư bản của các quốc gia có chủ quyền. Lịch sử sẽ cho biết điều đó.
Antoine Reverchon thực hiện
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “Robert Boyer: “Le capitalisme sort considerablement renforcé par cette pandémie””, Le Monde, 2.10.2020
* * *
ROBERT BOYER, THÀNH VIÊN CỦA MỘT “TRƯỜNG PHÁI PHÁP” NGOÀI TẦM PHÁT HIỆN
Danh tiếng các ấn phẩm và hội thảo của nhà kinh tế học này lớn hơn nhiều ở lục địa Nam Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, so với ở Pháp.
Đăng ngày 02 tháng 10 năm 2020
Sinh năm 1943, Robert Boyer là một trong các nhà “kỹ sư kinh tế” theo kiểu Pháp, được tôi luyện bởi hệ thống chọn lọc nhân tài thông qua toán học, thi đỗ vào một trong những trường đại học tốt nhất của nước Cộng hòa Pháp, đại học Bách khoa [Ecole Polytechnique], vào năm 1962, nơi ông tìm thấy sức hấp dẫn của kinh tế học qua một giáo sư từ INSEE [Viện Thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp], Jacques Dumontier. Vào thời đó, các Bộ say mê điên đảo với hạch toán kinh tế và các mô hình toán học có khả năng “dự đoán” sự phát triển của giá cả, sản xuất, tiêu dùng... Đó chính là việc làm sáng tỏ chính sách kinh tế và công tác kế hoạch hoá một cách “khoa học”.
Tốt nghiệp trường đại học cầu cống [Ecole des ponts] và Học viện chính trị [Sciences Po], Robert Boyer bắt đầu sự nghiệp với tư cách là nhà kinh tế công chức phục vụ Nhà nước, điều này đã dẫn dắt ông đến Bộ Thiết bị, đến Trung tâm Nghiên cứu về Thu nhập và Chi phí, đến Vụ dự báo của Bộ tài chính. Tại đây, ông làm việc trong một nhóm được giao nhiệm vụ thiết lập một mô hình kinh trắc học, một mô hình sau này bất lực trong việc đưa ra bất kỳ dự đoán có giá trị nào về các hiệu ứng của cú sốc dầu hỏa năm 1973, trong khi lạm phát thì tăng cao còn sản xuất thì sụp đổ.
Sự thất bại đó đánh dấu việc người công chức này chuyển sang thế giới nghiên cứu. Ông được nhận vào Trung tâm nghiên cứu tương lai học của kinh tế toán ứng dụng vào kế hoạch hoá (Cepremap), nơi đang hình thành một cộng đồng các nhà nghiên cứu, tiếp bước Michel Aglietta, có Jacques Mistral, Jean-Pascal Benassy, Alain Lipietz và Hugues Bertrand, và xây dựng “lý thuyết điều tiết”: không thể hiểu các hiện tượng kinh tế qua các mô hình trừu tượng và tiên đề hoá, mà phải xem xét đến sự kết hợp giữa các sự kiện lịch sử, các định chế chính trị, luật pháp và văn hóa, các quan hệ xã hội và các khuôn khổ hệ tư tưởng của hành động công cộng và các quyết định của tư nhân.
Phẩm chất của thị trường
Nhưng “trường phái Pháp” này đã nở rộ vào lúc mà làn sóng tân cổ điển và trọng tiền đến từ Trường phái Chicago chinh phục dần dần các khoa kinh tế của các trường đại học Mỹ, rồi vượt Đại Tây Dương và chuyển biến chính quyền Pháp quy thuận sang các phẩm chất của thị trường, hơn là xem xét đến sự can thiệp công cộng. Hẳn rồi Robert Boyer được nhận vào Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) (1978), rồi Trường cao học các khoa học xã hội (EHESS, 1982), nhưng các nhà “điều tiết” vẫn đứng bên lề các định chế học thuật. Robert Boyer gia nhập Viện châu Mỹ học, một học viện đa ngành, nơi ông là một trong số ít các nhà kinh tế học.
Nhưng trên thực tế, danh tiếng các ấn phẩm và hội thảo của ông lớn hơn nhiều ở lục địa Nam Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, nơi ông không ngừng đi ngang dọc khắp nơi, hơn là ở Pháp, nơi chỉ có một tạp chí trực tuyến, tạp chí Revue de la régulation [Tạp chí điều tiết], một vài cuốn sách và một cuốn giáo trình, để nhắc nhở đến sự tồn tại của kinh tế học theo kiểu Pháp này. Chính vì Covid-19 đã không cho phép những chuyến đi đây đi đó không ngừng của ông mà nhà kinh tế học này, người viết sách 12 giờ một ngày trong ba tháng, đã công bố cuốn Les Capitalismes à l’épreuve de la pandémie [Đại dịch thử thách các chủ nghĩa tư bản] (La Découverte, 200 trang, 19 euro), tác phẩm của một bậc thầy. Bởi vì Robert Boyer không bao giờ dừng lại. Ông đang mơ về cuốn sách tiếp theo, viết về đề tài lịch sử xã hội và nhận thức luận của kinh tế học vĩ mô, để tìm hiểu tại sao và làm thế nào bộ môn nghề nghiệp của ông lại lạc lối vào chủ nghĩa giáo điều duy khoa học.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Robert Boyer, membre d’une “école française” restée sous les radars, Le Monde, ngày 02/10/2020.