27.4.21

Quân đội Miến Điện, một đội quân khổng lồ rạn nứt?

QUÂN ĐỘI MIẾN ĐIỆN, MỘT ĐỘI QUÂN KHỔNG LỒ RẠN NỨT?

Francis Christophe

Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 ở Miến Điện, đã có nhiều vụ sĩ quan trẻ đào ngũ, với số lượng không xác định. (Nguồn: Guardian)

Trước sự thất vọng của phe đối lập phản đối cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2, Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân đội đảo chính, đã được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh đặc biệt của ASEAN về Miến Điện vào ngày 24 tháng 4. Những người phản đối, ủng hộ cựu bà Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, đã thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, và đã yêu cầu được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh này thay cho vị tổng tư lệnh quân đội. Việc phản đối một chế độ độc tài mới ở Miến Điện đã bắt đầu tạo ra những hiệu ứng mới: việc các sĩ quan trẻ của Tatmadaw, tên gọi chính thức của quân đội Miến Điện, tham gia biểu tình và đào ngũ không còn là những trường hợp cá biệt. Liệu sự rạn nứt này, vốn rất khó đánh giá, có thể một ngày nào đó phá vỡ quyền lực của giới tướng lĩnh?

Trong 10 tuần, kể từ ngày Thống tướng Minh Aung Hlaing thực hiện cuộc đảo chính, quân đội Miến Điện đã không cam lòng trở thành kẻ câm lặng nữa. Họ đã trở thành một ẩn số lớn, trong lòng bị kịch của Miến Điện. Trong mắt và tiếng nói của đại đa số người dân Miến Điện, Tatmadaw hùng mạnh, khi duyệt binh hoành tráng vào ngày 27 tháng 3, đã lột xác biến thành “Bon Yan Thu” (“kẻ thù chung”), kể từ ngày 1 tháng 2. Giới tướng lĩnh phe đảo chính, lần đầu tiên trong lịch sử Miến Điện kể từ khi giành được độc lập, đã gần như thành công trong việc thống nhất đất nước. Sát cánh với họ và các công cụ tay sai của họ, là quân đội. Nhưng kể từ ngày 2 tháng 2, tất cả những người phản đối cuộc đảo chính đã coi lực lượng vũ trang Miến Điện là “lực lượng khủng bố” một cách có hệ thống.

KỶ LỤC THẾ GIỚI VỀ BINH LÍNH TRẺ EM

Quân đội Miến Điện có một đặc điểm độc đáo trên thế giới. Theo thông tin từ các tổ chức quốc tế nghiên cứu về binh lính trẻ em, thì quân đội Miến Điện được thành lập trên số khoảng 350.000 người thuộc Tatmadaw, trong đó có từ 15 đến 20% là binh lính trẻ em, được tuyển mộ mà không có sự đồng ý của họ hoặc của gia đình họ. Các cuộc săn lùng thiếu niên này diễn ra ở các vùng thuộc các nhóm sắc  tộc. Người bị cưỡng bức nhập ngũ ngay lập tức được chuyển đến và giam nhốt trong các doanh trại, cách xa nguyên quán của họ vài trăm km.

Các cuộc vây ráp tương tự cũng diễn ra ở các khu vực thành thị, đặc biệt ở các khu ổ chuột thuộc vùng ngoại ô, nơi có đông người thuộc các gia đình di cư nội địa. Cơn bão Nargis, ngày 2 tháng 5 năm 2008, đã khiến cho 138.000 người chết và mất tích theo các nguồn tin chính thức, đặc biệt ở các vùng trồng lúa thuộc đồng bằng sông Irrawady, đã giúp Tatmadaw tuyển mộ được nhiều trẻ mồ côi hoặc được cho là như vậy.

Tất cả những thanh thiếu niên bị chấn thương, mất gốc này đều phải trải qua một sự tẩy não khắc nghiệt, và sống suốt đời trong bộ quân phục. Điều này càng làm tăng thêm các vụ bắt nạt ức hiếp, lao dịch nhục nhã và trò vui thường ngày khác của binh lính. Những “đứa con của quân đội”, thế hệ trước đây, cho biết họ không có cách nào khác để sinh tồn ngoài việc tiếp tục cuộc đời binh nghiệp, mà không hề có hy vọng được thăng cấp lên hàng sĩ quan.

Theo nhiều nhà quan sát Miến Điện được trang Asialyst tham khảo, các cuộc đàn áp đẫm máu ở Rangoon, Mandalay và các thành phố khác (đã có 750 người thiệt mạng được thống kê vào hôm thứ Bảy, ngày 17 tháng 4, và hàng trăm người khác chưa được tính), thường được quy cho các loại tân binh này. Đối với họ, việc tuân thủ mệnh lệnh cấp trên, một cách mù quáng, là một phần của phản xạ theo kiểu Pavlov.

THIÊN ĐƯỜNG CÁC SĨ QUAN QUÂN ĐỘI

Min Aung Hlaing (1956-)

Ne Win (1911-2002)

Thị trấn Maymyo, đổi tên thành Pyin U Lwin khi Miến Điện giành được độc lập, là một khu nghỉ dưỡng do thực dân Anh xây dựng ở độ cao 1000 m, để thoát khỏi thời tiết nóng bức của vùng đồng bằng miền trung Miến Điện. Vào mùa khô – 6 tháng trong năm – khu nghỉ dưỡng này biến thành thủ đô của nước Miến Điện thuộc Anh, quy tụ tất cả các yếu nhân trong bộ máy chính quyền và giới kinh doanh. Kể từ năm 1962 cùng với việc Tướng Ne Win lên nắm quyền, Pyin U Lwin dần trở thành một doanh trại quân đội, rộng hàng chục km vuông, được bao quanh bởi những tường rào cao và khó vượt qua. Nằm trong một không gian rộng lớn có trồng cây cục bộ, nơi mà các thảm cỏ được chăm sóc rất kỹ lưỡng, là các cơ sở đào tạo sĩ quan quân đội, sánh ngang với Học viện quân sự Saint-Cyr của Pháp, Sandhurst của Anh, West point của Mỹ, và một trường bách khoa chuyên ngành công nghệ tiên tiến. Chính từ thánh địa quân sự này mà vào năm 2017, đã diễn ra cuộc vận động trên Facebook – một cách thành công – nhằm đạt được sự đồng thuận rộng rãi của công chúng trong việc phát động và thực hiện cuộc thanh trừng sắc tộc người Rohingyas. Thủ lĩnh nhóm đảo chính hiện tại, Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh của Tatmadaw, đã tham gia vào cuộc vận động nói trên.Một đặc điểm khác của Tatmadaw, những cuộc tiếp xúc với các đối tác đồng cấp nước ngoài, các tùy viên quân sự, các phái đoàn thăm viếng, về phía Miến Điện, được giới hạn nghiêm ngặt dành cho cấp hàm tướng lĩnh, và thi thoảng mới đến một số cấp hàm đại tá. Không một quan sát viên nước ngoài nào được phép liên lạc với các sĩ quan trẻ, cấp hàm trung úy và đại úy. Tất cả binh lính Miến Điện đều sống trong một bong bóng kín, bao gồm khu gia binh cùng với các trường học cho con cái họ, các bệnh viện, trung tâm y tế, các khu chợ nhỏ với giá trợ cấp, tất cả đều nằm trong vòng rào quân sự. Một hệ thống đóng. Họ chỉ được biết đến những bài phát biểu theo quy ước của giới tướng lĩnh về mệnh lệnh thiết lập lại một “nền dân chủ có kỷ luật” cho phép tiến hành lại cuộc bầu cử.

ĐÀO NGŨ VÀ THAM GIA BIỂU TÌNH

Aung San Suu Kyi (1945-)

Kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính, đã có nhiều vụ đào ngũ liên quan đến các sĩ quan trẻ, với số lượng không xác định. Thông thường, đó là những vụ tham gia phong trào biểu tình bất tuân dân sự, gia nhập vào quân đội liên bang có thể có trong tương lai – nơi tập hợp các nhóm người thiểu số và các phần tử “lành mạnh” của Tatmadaw. Và từ hôm thứ Sáu vừa qua, ngày 16 tháng 4, họ đã tham gia Chính phủ đoàn kết dân tộc mới do các đại biểu được bầu ngày 8 tháng 11 năm 2020 thành lập và đang bị chính quyền đảo chính truy đuổi kể từ ngày 1 tháng 2, chủ yếu là những người thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (LND). Thành phần của chính phủ mới này cũng bao gồm đại diện các dân tộc thiểu số Karen và Kachin nói riêng, cũng như những người tổ chức các cuộc biểu tình hiện hành. Bà Aung San Suu kyi, người đang bị quản thúc kể từ ngày xảy ra cuộc đảo chính, được bổ nhiệm, mang tính biểu tượng, là người đứng đầu chính phủ kháng chiến này.

Một thực tế mới đã diễn ra, đó là việc một viên đại úy, được quay phim trực diện trước ống kính, mặt để trần, tự giới thiệu số binh của mình và nói lên tất cả những điều tồi tệ mà anh ta nghĩ về đường lối của giới tướng lãnh thực hiện cuộc đảo chính. Đại úy Lin Htet Aung khẳng định anh ta không phải là người đơn độc phản đối cuộc đảo chính. Việc anh ta công khai lên tiếng, lần đầu tiên ở Miến Điện, cho thấy hoặc anh ta là một người mồ côi hoặc anh ta đã cố gắng đưa gia đình mình trú ẩn ở một nơi an toàn.

Bất luận tính đại diện của các sĩ quan chống đối này như thế nào, thì việc nhanh chóng hạ bệ bè lũ Min Aung Hlaing, giải pháp duy nhất trong ngắn hạn cho bi kịch Miến Điện hiện tại, chỉ có thể xảy ra khi có sự tham gia của các sĩ quan quân đội. Nhiều người trong số họ, trong mười tuần qua, đã hoàn toàn hiểu được rằng nhóm đảo chính đang dẫn đất nước thẳng đến vực thẳm. Ở những quốc gia từng thất bại – bất kể nguyên nhân là gì –, như Somalia, Yemen hay Afghanistan, thì không hề có tương lai, không hề có lương hưu, ngay cả đối với những người sĩ quan xứng đáng.

MỘT THỬ NGHIỆM SỰ CỐ CHO ASEAN

Tiến sĩ Sasa

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nhóm họp với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của họ tại một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Miến Điện ở Jakarta vào ngày 24 tháng 4. Thống tướng Min Aung Hlaing được mời tham dự, một chính danh mà chính quyền đảo chính mong đợi, [nhưng là] một “sự xúc phạm đối với người dân Miến Điện”, theo lời của phát ngôn viên Chính phủ đoàn kết dân tộc mới, Tiến sĩ Sasa, một đại biểu dân cử thuộc miền Tây Miến Điện, liên minh với đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi.

Trong chương trình nghị sự của hội nghị thương đỉnh ASEAN, đặc biệt có nội dung cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân thường. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện tại, thì chỉ có lực lượng hậu cần của quân đội Miến Điện mới có thể hoàn thành sứ mệnh này. Đối với Chính phủ đoàn kết dân tộc, điều đó có nghĩa là “tiếp tay cho những tên đồ tể”.

Một trở ngại khác cần vượt qua, đó là việc Thống tướng Min Aung Hlaing thẳng thừng từ chối đến Jakarta vào ngày 24 tháng 4 – ngày duy nhất phù hợp cho các đối tác tham gia khác – vì những lý do khó hiểu trong chương trình nghị sự. Theo một nguồn tin của Thái Lan quen thuộc với các tình tiết lắc léo trong quan hệ Miến Điện-Thái Lan, thì sự tắc nghẽn này mang tính “Miến Điện một cách nực cười”. Các nhà chiêm tinh thân cận với Thống tướng đã cảnh báo ông ấy rằng: Ngày 24 và 25 tháng 4 là những ngày đặc biệt không tốt, ngày không phải làm gì cả, không đi nước ngoài cũng như không đàm phán.

Tanee Sangrat

Để cứu vãn thời gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh – Thái Lan vốn là nước đang ở tuyến đầu đối mặt với dòng người tị nạn Miến Điện – và trái với thông lệ ngoại giao, đã buộc phải can thiệp mạnh tay, theo đúng nghĩa đen, đối với chính quyền đảo chính Miến Điện, đó là việc phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan, Tanee Sangrat, từ Bangkok, đã thông báo, vào hôm 17 tháng 4, rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ được tổ chức vào ngày 24 tháng 4, với sự hiện diện của Min Aung Hlaing. Thế mà, trách nhiệm thông báo này thuộc về Tổng thống Indonesia hoặc Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, nước chủ trì hội nghị thượng đỉnh.

Giới thiệu tác giả

Francis Christophe

Francis Christophe

Cựu nhà báo của hãng thông tấn AFP và trang mạng tin tức Bakchich, cựu điều tra viên của Observatoire Géopolitique des Drogues [tổ chức Giám sát ma túy địa chính trị], của trang Bakchich, Francis Christophe là một nhà báo tự do. Tác giả cuốn “Birmanie, la dictature du Pavot [Miến Điện, chế độ độc tài cây anh túc]” (Picquier, 1998), ông đã say mê nghiên cứu các “lỗ đen về thông tin”. Từ năm 1962 đến năm 1988, Miến Điện là quốc gia đáp ứng đúng nhất định nghĩa nói trên. Không có thông tin nào lọt ra ngoài từ chế độ độc tài quân sự tự cung tự cấp, cổ xưa này, gây chiến với các dân tộc thiểu số của họ, đơn độc tuyên bố con đường của Miến Điện tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: L'armée birmane, un colosse fêlé?, Asialyst, ngày 19/04/2021.

Print Friendly and PDF