3.4.21

Đại dịch và bất bình đẳng: Tổng quan lịch sử

ĐẠI DỊCH VÀ BẤT BÌNH ĐẲNG: TỔNG QUAN LỊCH SỬ

Tác giả: Guido Alfani

Mối quan hệ giữa đại dịchbất bình đẳng đang được quan tâm đáng kể vào lúc này. Cái chết Đen vào thế kỷ 14 là một ví dụ nổi bật về một đại dịch làm giảm sự bất bình đẳng giàu nghèo một cách dữ dội, nhưng bài viết này lập luận rằng Cái chết Đen là trường hợp ngoại lệ về khía cạnh bất bình đẳng. Các đại dịch trong những thế kỷ tiếp theo đã không thể làm giảm đáng kể bất bình đẳng, vì có các môi trường thể chế khác nhau và ảnh hưởng của thị trường lao động. Bằng chứng này cho thấy bất bình đẳng và nghèo đói có khả năng gia tăng do hậu quả của cuộc khủng hoảng Covid-19.

Ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng dẫn đến những hệ quả phân phối của cải của đại dịch Covid-19 đang diễn ra, khiến nhiều người nhìn vào các kinh nghiệm trong quá khứ để có những hiểu biết sâu sắc. Rốt cuộc, các nghiên cứu gần đây về xu hướng dài hạn của sự giàu có và bất bình đẳng thu nhập đã nhấn mạnh vai trò của các đại dịch lớn (Alfani 2020a, 2020b). Phần lớn tài liệu này chủ yếu tập trung vào Cái chết Đen ở thế kỷ 14, bệnh dịch hạch khủng khiếp đã giết chết khoảng một nửa dân số châu Âu và Địa Trung Hải và nổi tiếng là gây ra những hậu quả kinh tế lớn (Campbell 2016, Alfani và Murphy 2017, Alfani 2020c, Jedwab et al. 2020), bao gồm cả về phân phối thu nhập và của cải. Dựa trên ví dụ về Cái chết Đen, một quan điểm đã trở nên khá phổ biến cho rằng đại dịch có khả năng san bằng (một cách tàn bạo) bất bình đẳng (Milanovic 2016, Scheidel 2017). Tuy nhiên, nếu chúng ta tính đến các thời kỳ tiếp theo - từ các bệnh dịch hạch vào đầu thời kỳ hiện đại đến đại dịch bệnh tả ở thế kỷ 19, và v.v… - chúng ta phải nhận ra tính cách ngoại lệ của Cái chết Đen, vì các trận đại dịch sau này đã chứng minh không thể dẫn đến giảm bất bình đẳng kinh tế một cách thực chất và kéo dài như vậy (Alfani 2020b). Ngược lại, đối với những thời kỳ gần đây nhất như Dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918-1919, có một số bằng chứng cho thấy thay vì giảm bớt, thì bất bình đẳng thực sự đã tăng thêm.

Tính chất ngoại lệ của Cái chết Đen vào những năm 1347-1352 là rõ ràng nếu chúng ta nhìn vào chuỗi bất bình đẳng giàu nghèo có sẵn trong thời gian dài. Hình 1 cho thấy trường hợp của Ý, mà chúng ta có dữ liệu đặc biệt tốt. Trong suốt 5 thế kỷ được bao gồm trong hình (từ những năm 1300 đến 1800), Cái chết Đen dường như đã kích hoạt giai đoạn duy nhất của sự giảm bất bình đẳng giàu nghèo một cách có hệ thống (mặc dù nếu phân tích được đẩy tiếp đến thế kỷ 19 và 20, chúng ta tìm thấy một giai đoạn khác, liên quan đến Chiến tranh thế giới (Piketty 2014, Scheidel 2017). Hậu quả của Cái chết Đen là 10% dân số giàu nhất đã mất khả năng nắm giữ từ 15% đến 20% tổng tài sản. Sự giảm bất bình đẳng này kéo dài, vào trước nửa sau của thế kỷ 17, vì sự tập trung của cải không đạt trở lại mức độ như lúc trước Cái chết Đen. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc giảm bất bình đẳng.

• Thứ nhất, hậu quả của bệnh dịch là lao động trở nên khan hiếm, tiền lương thực tế tăng lên, và nhìn chung, tầng lớp nghèo nhất được tăng khả năng thương lượng và có thể thương lượng các điều kiện tốt hơn.

• Thứ hai là tỷ lệ tử vong rất cao gây ra sự phân tán các tài sản lớn của quốc gia trong bối cảnh của hệ thống phân chia tài sản thừa kế tách biệt, đó là đặc trưng của nhiều khu vực châu Âu vào cuối thời Trung cổ. Điều này dẫn đến việc nhiều người được thừa kế nhiều tài sản hơn mức họ cần hoặc muốn, và dẫn đến sự phong phú bất thường của tài sản được cung cấp trên thị trường. Cùng với mức lương thực tế cao hơn do khan hiếm lao động, tình trạng này đã giúp một bộ phận lớn người dân được tiếp cận tài sản, do đó giảm bất bình đẳng giàu nghèo. Lưu ý rằng tiền lương thực tế ngày càng tăng cũng là dấu hiệu của việc giảm bất bình đẳng thu nhập (Alfani 2020b).

Hình 1. Tỷ lệ tài sản của 10% giàu nhất ở Ý, vào những năm 1300-1800

Nguồn: dựa trên dữ liệu của Alfani (2020a)

Chúng ta ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy mô hình tái phân phối của cải tương tự được tìm thấy ở Ý cũng liên quan đến các khu vực châu Âu khác, như Pháp, Đức và Hà Lan, Bỉ, Luxembourg. Tuy nhiên, những ảnh hưởng về bình đẳng của Cái chết Đen thời Trung cổ đã không được nhân rộng sau những trận dịch quy mô lớn sau này. Hãy xem xét ví dụ về các bệnh dịch ở thế kỷ 17 đã ảnh hưởng đến miền nam châu Âu một cách đặc biệt nghiêm trọng. Ở Ý, bệnh dịch hạch các năm 1629-1630 lây lan đến miền Bắc và Vùng Tuscany; và các năm 1656-1657 ảnh hưởng đến miền trung và miền nam của Bán đảo Ý (bãi cạn của Vùng Tuscany) được đặc trưng bởi tỷ lệ tử vong ước tính từ 30% đến 40%, hoặc khá gần với 50% như đối với Cái chết Đen (Alfani 2013). Nhưng trong trường hợp này, việc giảm bất bình đẳng là rất hạn chế: ta hoàn toàn không thấy được trong các xu hướng tổng thể được nêu ở Hình 1, và ngay cả khi chúng ta xem xét các động lực cục bộ, việc giảm bất bình đẳng hầu như không thể phát hiện được dựa trên các tài liệu lịch sử sẵn có. Điều này có lẽ là do các khuôn khổ thể chế rất khác nhau được áp dụng khi bắt đầu các đại dịch sau này. Đặc biệt, trong nhiều thế kỷ sau Cái chết Đen, khi người ta thấy rõ rằng bệnh dịch hạch sẽ vẫn là một tai họa tái diễn, các gia đình giàu có nhất bắt đầu bảo vệ gia sản của họ khỏi sự phân mảnh không mong muốn bằng cách sử dụng các thể chế, như fideicommissum (chế độ thừa kế có điều kiện), cho phép những người để lại di chúc được miễn trừ nguyên tắc chung về tài sản thừa kế tách biệt. Điều này đã làm gián đoạn một trong những cơ chế chính yếu mà qua đó bệnh dịch hạch có thể làm giảm bất bình đẳng giàu nghèo.

Nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Sau những trận dịch ở thế kỷ 17, chúng ta không thấy dấu vết của việc tăng lương thực tế, ở Ý hay ở các khu vực khác của châu Âu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, như Tây Ban Nha. Nếu chúng ta so sánh thời kỳ này với thời kỳ của Cái chết Đen, sự khác biệt trong các xu hướng là khá rõ ràng, như có thể nhận thấy trong Hình 2. Đặc biệt, Bảng B chỉ ra các trường hợp của Milan ở miền bắc nước Ý, nơi bệnh dịch hạch năm 1630 đã giết chết hơn 46% dân số, và của Valencia ở miền đông Tây Ban Nha, nơi có bệnh dịch hạch những năm 1647-1648 dẫn đến tỷ lệ tử vong chung trên 30%. Chuỗi thời gian tiền lương thực tế tại địa phương của lao động phổ thông không cho ta thấy bất kỳ xu hướng tăng nào, điều này khẳng định rằng những đại dịch này không có khả năng gây ra sự san bằng bất bình đẳng kiểu Cái chết Đen.

Hình 2. Mức lương thực tế của lao động phổ thông ở các thành phố Châu Âu, so sánh những năm 1300-1400 với những năm 1600-1700 (tính bằng gam bạc)

A)  Tiền lương thực tế và Cái chết đen

B) Tiền lương thực tế và những bệnh dịch ở thế kỷ 17

Nguồn: Alfani (2020b), dựa trên dữ liệu từ Fochesato (2018).

Các kết quả dài hạn đa dạng về mặt bất bình đẳng của Cái chết Đen ở thế kỷ 14 và của các bệnh dịch ở thế kỷ 17 cho thấy sự cần thiết phải thận trọng khi khái quát hóa các bằng chứng lịch sử liên quan đến các giai đoạn cụ thể - thậm chí khi các đại dịch do cùng một mầm bệnh gây ra và có những biểu hiện các đặc điểm dịch tễ học tương tự - cũng không nhất thiết phải có những tác động kinh tế như nhau. Mọi thứ thậm chí còn trở nên phức tạp hơn khi so sánh các cuộc khủng hoảng do các mầm bệnh khác nhau gây ra. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn lướt qua một số hệ quả tái phân phối của cải có thể xảy ra từ mối đe dọa đại dịch toàn cầu chính yếu của thế kỷ 19, đó là bệnh tả, ít nhất là đối với những quốc gia - như Pháp - mà xu hướng bất bình đẳng giàu nghèo đã được nghiên cứu kỹ lưỡng (Piketty et al. 2006, 2014; Piketty 2014).

Bệnh tả là căn bệnh mới của thế kỷ 19. Cho đến đầu thế kỷ, sự nhiễm trùng này dường như chỉ giới hạn ở Ấn Độ, nhưng từ cuối những năm 1810, nó bắt đầu lây lan toàn cầu, gây ra một chuỗi sáu đại dịch trong hơn một thế kỷ, vào các năm 1817-1824, 1829-1837, 1840-1860, 1863-1875, 1881-1896 và 1899-1923. Các nước phương Tây đã được cứu thoát khỏi đại dịch đầu tiên, nhưng đã bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ khác nhau bởi tất cả các nước khác (Bourdelais 1987, Kohn 2007). Ở châu Âu, các đại dịch thứ hai, thứ ba và thứ tư đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nước Pháp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là vào năm 1832 (102.000 nạn nhân) và năm 1853-1854 (143.000 nạn nhân). Nếu chúng ta nhìn vào xu hướng bất bình đẳng giàu nghèo (Hình 3), có vẻ như cả hai đợt bùng phát này đều được đặt tương ứng với các giai đoạn giảm bất bình đẳng.

Những dữ liệu này phải được giải thích một cách thận trọng, vì hầu hết trong mỗi thời kỳ chúng ta chỉ có một lần quan sát sau mỗi mười năm, bắt đầu từ năm 1807. Tuy nhiên, các dữ liệu cho phép chúng ta làm nổi bật một cơ chế khả thi khác làm giảm bất bình đẳng mà qua đó các đại dịch quy mô lớn trong quá khứ có thể có, đó là: tiêu diệt người nghèo. Vì sự lây lan của đại dịch thường xảy ra bởi điều kiện sống không tốt cho sức khỏe và chật chội, bệnh tả đã ảnh hưởng tồi tệ hơn nhiều đến nhóm những người nghèo nhất so với tất cả các tầng lớp khác, đặc biệt là ở các thành phố, do đó bệnh dịch có xu hướng làm giảm nhóm người nghèo trong nấc thang phân phối của cải - điều này có thể đã dẫn đến giảm bất bình đẳng giữa những người sống sót ngay cả khi không có bất kỳ tác động nào khác về việc phân phối của cải (Alfani 2020b).

Hình 3. Bất bình đẳng giàu nghèo và nạn dịch tả ở Pháp, các năm 1800-1910 (tỷ lệ 10% giàu nhất)

Nguồn: Alfani (2020b), dựa trên dữ liệu từ WID (Cơ sở dữ liệu về Tài sản và Thu nhập Thế giới).

Nhìn chung, các trường hợp dịch tả và dịch hạch cho phép chúng ta làm nổi bật một điểm quan trọng: ngoài các điều kiện ban đầu, tỷ lệ tử vong chung và cơ cấu tử vong cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các tác động tái phân phối của cải của một đại dịch. Các đại dịch ở thế kỷ 17, mặc dù chúng có tác động hạn chế về bất bình đẳng tổng thể được đo bằng chỉ số Gini hoặc tỷ lệ của cải của những người giàu nhất, tuy nhiên, đại dịch có thể làm giảm tỷ lệ đói nghèo, nhưng điều này đơn giản là vì đại dịch có xu hướng tiêu diệt người nghèo, giống như nhiều thế kỷ sau, dịch tả cũng đã có thể làm như vậy (Alfani 2020b). Cái chết Đen thời Trung cổ đã gây ra những hậu quả lớn đối với thị trường lao động, nhưng điều này là do nó dẫn đến tỷ lệ tử vong cao khủng khiếp. Trong trường hợp của các sự kiện khác, chẳng hạn như Dịch cúm Tây Ban Nha những năm 1918-1819, có thể khiến số lượng nạn nhân cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều (0,25-0,5% trong trường hợp Dịch cúm Tây Ban Nha: Johnson và Mueller 2002), các yếu tố như sự giảm sút của lực lượng lao động đơn giản không vận hành theo cùng một cách thức, và các hệ quả phân phối của cải của đại dịch dễ dàng bị che khuất bởi các yếu tố khác.

Điều này liên quan đến hiểu biết của chúng ta về các tác động phân phối của cải có thể xảy ra của Covid-19, theo quan điểm dịch tễ học chắc chắn giống với Dịch cúm Tây Ban Nha hơn là Cái chết Đen. Trong khi các nghiên cứu về tác động đối với bất bình đẳng của Dịch cúm Tây Ban Nha vẫn còn hiếm hoi, chúng ta có một số bằng chứng cho thấy nó đã dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập, ví dụ như ở Ý (Galletta và Giommoni 2020), chủ yếu là do cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan dẫn đến thất nghiệp và mất thu nhập đặc biệt đối với nhóm dân nghèo nhất và dễ bị tổn thương hơn về mặt kinh tế. Thật vậy, một nghiên cứu nổi bật của Thụy Điển ước tính rằng cứ mỗi ca tử vong do Dịch cúm Tây Ban Nha gây ra, thì có thêm 4 người nghèo phải nhờ đến sự giúp đỡ của công quỹ tại các khu nhà nghèo (Karlsson et al. 2014). Cũng trong trường hợp của Covid-19, nhiều lo ngại đã được bày tỏ về tình trạng thất nghiệp đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là ở những người nghèo nhất, không chỉ do đại dịch (ví dụ như mất việc làm đối với những người bị nhiễm bệnh hoặc những người sẽ phải chịu đựng sức khỏe kém do hậu quả của việc lây nhiễm) mà còn là kết quả của các chính sách ngăn chặn (như phong tỏa các loại) đã được áp dụng trên toàn thế giới (OECD 2020).

Điều mà kinh nghiệm lịch sử trong bảy thế kỷ qua dường như cho thấy rằng trong trường hợp của đại dịch cụ thể này, các cơ chế dẫn đến sự gia tăng bất bình đẳng và nghèo đói do hậu quả của cuộc khủng hoảng sẽ chiếm ưu thế. Từ một góc độ nào đó, đây là một tin tốt vì nó xuất phát từ thực tế là số người tử vong cuối cùng do Covid-19 gây ra sẽ thấp hơn nhiều lần so với mức độ liên quan đến những thảm họa san bằng bất bình đẳng như Cái chết Đen. Nhưng từ một quan điểm khác, điều này có nghĩa là các chính phủ trên toàn thế giới cần phải chuẩn bị để quản lý, và có thể để ngăn ngừa cuộc khủng hoảng xã hội mà dường như chắc chắn sẽ tiếp nối cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.

Tài liệu tham khảo

Alfani, G (2013), “Plague in Seventeenth Century Europe and the Decline of Italy: An Epidemiological Hypothesis”, European Review of Economic History 17(3): 408–430.

Alfani, G (2020a), “Economic inequality in preindustrial times: Europe and beyond”, Journal of Economic Literature, forthcoming.

Alfani, G (2020b), “Epidemics, inequality and poverty in preindustrial and early industrial times”, Journal of Economic Literature, forthcoming.

Alfani, G (2020c), “Pandemics and asymmetric shocks: Lessons from the history of plagues”, VoxEU.org, 9 April.

Alfani, G and T Murphy (2017), “Plague and Lethal Epidemics in the Pre-Industrial World”, Journal of Economic History 77(1): 314–343.

Bourdelais, P (1987), Une peur bleue: histoire du choléra en France. 1832-1854, Paris: Payot.

Campbell, B M S (2016), The Great Transition. Climate, Disease and Society in the Late-Medieval World, Cambridge: Cambridge University Press.

Fochesato, M (2018), “Origins or Europe’s North-South Divide: Population changes, real wages and the ‘Little Divergence’ in Early Modern Europe”, Explorations in Economic History 70: 91-131.

Galletta, S and T Giommoni (2020), “The effect of the 1918 influenza pandemic on income inequality: Evidence from Italy”, Covid Economics 33: 73-104.

Jedwab, R, N Johnson and M Koyama (2020), “The Economic Impact of the Black Death”, Journal of Economic Literature, forthcoming. 

Johnson, N and J Mueller (2002), “Updating the accounts: global mortality of the 1918-1920 ‘Spanish’ influenza pandemic”, Bulletin of the History of Medicine 76: 105–115

Karlsson, M, T Nillson and S Pichler (2014), “The impact of the 1918 Spanish flu epidemic on economic performance in Sweden. An investigation into the consequences of an extraordinary mortality shock”, Journal of Health Economics 36: 1-19.

Kohn, G C (2007), Encyclopedia of Plague and Pestilence–Third Edition, New York: Facts on File.

Milanovic, B (2016), Global Inequality: a new approach for the age of globalization, Cambridge, MA: Harvard University Press.

OECD (2020), Employment Outlook 2020, Paris: OECD. 

Piketty, T (2014), Capital in the Twenty-First Century, Cambridge MA: Belknap Press of Harvard University Press.

Piketty, T, G Postel-Vinay and J-L Rosenthal (2006), “Wealth concentration in a developing economy: Paris and France, 1807–1994”, American Economic Review 96(1):236–256.

Piketty, T, G Postel-Vinay and J-L Rosenthal (2014), “Inherited vs self-made wealth: theory and evidence from a rentier society (Paris 1872–1937)”, Explorations in Economic History 51:21–40.

Scheidel, W (2017), The Great Leveler: Violence and the History of Inequality from the Stone Age to the Twenty-First Century, Princeton: Princeton University Press.

Vài nét về tác giả

Guido Alfani

Guido Alfani

Guido Alfani là Giáo sư Lịch sử Kinh tế tại Đại học Bocconi, tại trường này ông cũng là Thành viên của Trung tâm Dondena và của IGIER. Ông là Học giả Liên kết tại Trung tâm Stone về Bất bình đẳng Kinh tế - Xã hội (New York) và là Thành viên Nghiên cứu của CEPR. Ông phục vụ trong ban biên tập của Journal of Economic History (Tạp chí Lịch sử Kinh tế) và Genus (Giống, loài). Ông cũng là người tổ chức mạng lưới khoa học quốc tế EI-Net (Economic Inequality Network - www.dondena.unibocconi.it/EI-Net).

Là một nhà sử học kinh tế và xã hội đồng thời là một nhà nhân khẩu học lịch sử, ông đã có nhiều xuất bản về Ý và Châu Âu thời tiền công nghiệp, chuyên về bất bình đẳng kinh tế, về các quá trình tập trung và phân phối của cải, về lịch sử của dịch bệnh và nạn đói, về các hệ thống liên minh xã hội và mạng xã hội. Trong năm 2012-2016, ông là Điều tra viên chính của dự án nghiên cứu do ERC tài trợ, mang tên EINITE - Economic Inequality across Italy and Europe, 1300-1800 (Bất bình đẳng Kinh tế trên khắp nước Ý và Châu Âu, những năm 1300-1800) (www.dondena.unibocconi.it/EINITE), với mục đích tái tạo các xu hướng dài hạn về sự giàu có và bất bình đẳng thu nhập ở các khu vực khác nhau của châu lục. Hiện nay ông là Điều tra viên chính của một dự án khác do ERC tài trợ, mang tên SMITE - Social Mobility and Inequality across Italy and Europe, 1300-1800 (Di động Xã hội và Bất bình đẳng trên khắp nước Ý và Châu Âu, những năm 1300-1800 (dự án đang thực hiện từ ngày 1 tháng 6 năm 2017 đến ngày 31 tháng 5 năm 2022).

Các ấn phẩm gần đây của ông bao gồm The Lion’s Share. Inequality and the rise of the fiscal state in preindustrial Europe (Phần lớn nhất của kẻ mạnh. Bất bình đẳng và sự gia tăng của trạng thái tài chính ở châu Âu thời kỳ tiền công nghiệp), CUP 2019 (với M. Di Tullio); Famine in European History (Nạn đói trong Lịch sử Châu Âu), CUP 2017 (với C. Ó Gráda); Plague and Lethal Epidemics in the Pre-Industrial World (Bệnh dịch hạch và Dịch bệnh gây chết người trong thế giới tiền công nghiệp), Journal of Economic History (Tạp chí Lịch sử Kinh tế), 77 (1), 2017 (với T. Murphy); Economic inequality in preindustrial times: Europe and beyond (Bất bình đẳng kinh tế trong thời kỳ tiền công nghiệp: Châu Âu và các nơi khác), Journal of Economic Literature (Tạp chí Văn học Kinh tế), sắp xuất bản.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn:Pandemics and Inegality: A historical overview”, Vox, 15.10.2020.

Print Friendly and PDF