16.4.21

Tập đoàn dầu khí Total ở Miến Điện: sự lung lay của điều kiêng kỵ

TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ TOTAL Ở MIẾN ĐIỆN: SỰ LUNG LAY CỦA ĐIỀU KIÊNG KỴ

Francis Christophe

Trong số những người biểu tình Miến Điện ở Kanbauk ngày 12 tháng 2 năm 2021, có các nhân viên của chương trình phát triển kinh tế và xã hội mà tập đoàn dầu khí Total rất tự hào là nhà tài trợ đường ống dẫn khí đốt của họ trong khu vực. Người biểu tình đã yêu cầu dừng tài trợ cho các tướng lĩnh thực hiện cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2. Nhiều người trong số họ đã tham gia Phong trào Bất tuân dân sự (CDM, Civil Disobedience Movement), phong trào bị nhóm đảo chính truy đuổi. (Nguồn: Compte Facebook de Dawei Watch [Tài khoản Facebook của Dawei Watch])

Kể từ khi các tướng lĩnh Miến Điện thực hiện cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 vừa qua, thì không một chính trị gia Pháp nào, không một quan chức, một đại biểu dân cử khi nói đến thảm kịch ở Miến Điện, thốt lên từ kiêng kỵ: Total. Thế nhưng, ai cũng biết rằng bản thân tập đoàn dầu khí, và thông qua sự quản lý của tập đoàn, đang khai thác mỏ dầu Yadana ngoài khơi Miến Điện và cung cấp khí đốt cho Thái Lan, là thứ cược “moneyline, nguồn cung cấp thiết yếu về tài chính cho sự tồn tại của nhóm quân sự đảo chính Miến Điện. Theo các nguồn tin chuyên ngành được trang Asialyst tham khảo, thì tổng các dòng tiền cộng lại vào khoảng 500 triệu US$ mỗi năm. Ở Hoa Kỳ, Quốc hội hiện đang xem xét trường hợp của Chevron, đối tác chính của Total ở Miến Điện. Vào hôm Chủ nhật tuần này, ngày 4 tháng 4, luật im lặng [omerta] đã bị phá vỡ bởi Patrick Pouyanné, Tổng giám đốc của Total.

Trong một diễn đàn trên tờ Journal du Dimanche, có tựa đề “Pourquoi Total reste en Birmanie [Tại sao Total vẫn ở Miến Điện]”, Patrick Pouyanné đã lao vào một thuyết trình nửa vời và sai sự thật. Ngoài ra, còn có hai lời thú nhận đáng lo ngại của ngài Tổng giám đốc của Total: “Chúng ta có nên ngừng chi trả tiền thuế và nghĩa vụ cho Nhà nước Miến Điện hay không? Trước hết, phải biết rằng việc không chi trả tiền thuế và nghĩa vụ là một trọng tội theo luật pháp địa phương, và nếu chúng ta đã không làm điều đó, ví dụ bằng cách chuyển trả 4 triệu US$ tiền thuế và nghĩa vụ hàng tháng vào một tài khoản ủy thác như đã từng xem xét, thì chúng ta sẽ khiến các nhà quản lý công ty con chúng ta có nguy cơ bị bắt giam và bỏ tù.” Đến giữa tháng 3, Total có 17 người nước ngoài làm việc ở Miến Điện, những người từ nay bị giới chủ của họ coi gần như là con tin, bởi vì “luật địa phương”, mà Patrick Pouyanné viện dẫn, rất xa vời với Pháp quyền, một cách nghiêm trọng.

Về khoản tiền 4 triệu US$ chưa chi trả, do hệ thống ngân hàng Miến Điện bị tê liệt, đó là việc thừa nhận số tiền không đáng kể từ nguồn thu khí đốt dành cho hệ thống hoạt động chính thức ở nước này, xấp xỉ bằng 10% tổng doanh thu. Việc rót số tiền tương đương cho các tổ chức nhân đạo phi chính phủ, điều mà Tổng giám đốc của Total chủ trương, là điều không phù hợp. Chỉ có những tổ chức phi chính phủ do quân đội kiểm soát mới có thể hoạt động. Những người cổ động cho các tổ chức phi chính phủ nhân đạo Miến Điện đều hoặc đã chết, hoặc bị thương, hoặc bị cầm tù hoặc đang trốn chạy.

MỘT THIẾT CHẾ TÀI CHÍNH KHÔNG RÕ RÀNG

Patrick Pouyanné (1963-)

Theo các chuyên gia được Asialyst tham khảo, mỗi tháng có khoảng 45 triệu US$ nộp vào một ít tài khoản ngân hàng tại hai ngân hàng Singapore, những tài khoản “mà người thụ hưởng có thể đếm trên đầu ngón tay”.

“Nhưng nếu hệ thống ngân hàng Miến Điện hoạt động ổn định trở lại, Patrick Pouyanné nói tiếp, thì muốn chấm dứt nguồn thu của Miến Điện, trong thực tế chúng ta sẽ phải chấm dứt hoạt động sản xuất khí đốt [ở Miến Điện]. Hơn nữa, phần lớn nguồn thu của Nhà nước Miến Điện đến từ việc xuất khẩu khí đốt và được công ty PTT của Thái Lan, công ty mua khí đốt, thanh toán, chứ không phải là Total.” Đó là một nửa sự thật. Thật vậy, khách hàng mua khí đốt xuất khẩu của Miến Điện là Thái Lan, nhưng chính Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT) mới là đơn vị thanh toán tiền tiêu thụ [khí đốt xuất khẩu của Miến Điện] hàng tháng, nhưng không phải thanh toán cho Nhà nước Miến Điện mà là cho Công ty Vận tải Khí đốt Moattama (MGTC), một tập đoàn trong đó Total là cổ đông lớn cùng với tập đoàn dầu khí UNOCAL của Mỹ (do Chevron mua lại), công ty thăm dò khai thác dầu khí PTTEP [PTT Exploration and Production] của Thái Lan, và Công ty Dầu khí Myanmar (MOGE, Myanmar Oil and gas Enterprise).

Sean Turnell

Mức độ không rõ ràng của cấu trúc tổ chức phức tạp này đủ để cho thấy chính phủ dân sự do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã không thể làm sáng tỏ mạng lưới tổ chức chằng chịt này vào thời điểm trước khi diễn ra cuộc đảo chính. Cuộc đảo chính cũng có thể được thúc đẩy bởi nỗi lo của giới chóp bu quân sự rằng chính phủ tương lai, từ cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11, tiếp quản các nguồn thu từ khí đốt. Theo các nguồn tin của Úc, việc bắt giữ và quản thúc giáo sư người Úc Sean Turnell, cố vấn kinh tế cho bà Aung San Suu Kyi, có liên quan đến hồ sơ gây bùng nổ này.

Ngày 2 tháng 4, vị thế của Total ở Miến Điện bị suy yếu khi công ty dầu mỏ Malaysia Petronas, công ty điều hành mỏ khí đốt Yetagun ngoài khơi Miến Điện (bên cạnh mỏ khí đốt của Total), thông báo tạm dừng hoạt động sản xuất vì lý do bất khả kháng. Các lý do về kỹ thuật cũng đã được đưa ra, nhưng không loại trừ cuộc đảo chính đã đẩy nhanh quá trình cắt đứt nguồn cung khí đốt.

TRONG HAI THÁNG, CÁC TƯỚNG LĨNH ĐÃ BIẾN ĐẤT NƯỚC HỌ THÀNH MỘT BÃI ĐỔ NÁT

Việc cắt đứt gần như toàn bộ các mạng Internetđiện thoại di động đã bị gián đoạn kể từ giữa tháng 3 – đã không làm cạn kiệt hoàn toàn các luồng thông tin, bởi nhiều người phản đối cuộc đảo chính đã chuẩn bị cho việc đó.

Các công nghệ cũ kỹ, trong số đó có các đài phát thanh lậu trên băng tầng FM, đang phát sóng ở các trung tâm đô thị lớn, và đặc biệt nhắm vào các đối tượng quân nhân và gia đình họ. Giới này được coi là đối tượng ưu tiên vì “đã bị bộ máy tuyên truyền chính thức nhồi sọ đến mức xa rời thực tế”. Làm cho binh lính và cảnh sát ly khai ​​hoặc đào ngũ càng nhiều càng tốt là một mục tiêu rõ ràng. Điều này rõ ràng không phải là không có ảnh hưởng đến giới quân sự cấp cao, buộc phải coi nguy cơ này là nghiêm trọng, do tính nghiêm trọng các đe dọa mà nó đã tạo ra.

Có rất nhiều lời chứng về các đội y tế chăm sóc không ngừng nghỉ những người bị thương ở các phòng khám bí mật: người bị thương và người chăm sóc không thể thoát khỏi trong trường hợp bị phát hiện bởi thứ mà người Miến Điện gọi trong hai tháng qua là “lực lượng khủng bố – quân đội và cảnh sát. Quân đội Miến Điện, Tatmadaw, đi diễu hành để diệu võ giương oai vào hôm Chủ nhật ngày 28 tháng 3, bị đổi tên thành “Bon Yan Thu”, “kẻ thù chung”.

Toàn bộ các khu phố của Yangon và Mandalay đang sống trong nỗi kinh hoàng thường trực. Các toán binh lính bắn vào nhà dân mà không có lý do rõ ràng. Ở nhiều thành phố, đã có báo cáo về các vụ cướp bóc và nhiều hình thức bạo lực, bắn đạn thật mà không báo trước hoặc thậm chí bắn tên lửa vào xe cứu thương.

Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) đã liệt kê những dấu hiệu thực tế về khả năng tình hình suy sụp ở Miến Điện. Ở đây không phải là một cuộc nội chiến, mà là một cuộc chiến chống lại thường dân.

Hoạt động kinh tế, từng bị dừng lại cách đây hai tuần đã đánh động Ngân hàng Thế giới, không hướng tới sự phục hồi nền kinh tế. Các công nhân đường sắt đình công đã bị đánh đập, bắt giam, đuổi khỏi các khu nhà ở xã hội, và đôi khi, dưới sự khống chế của một khẩu súng, đã buộc phải lái một vài đoàn tàu đầu máy diesel chưa được bảo dưỡng từ hai tháng qua, để đưa các đoàn tàu chở quân đội và vũ khí này đến các vùng biên giới nơi cuộc chiến đang tái diễn.

Giao thông đường bộ cũng không còn khả năng hoạt động tốt hơn giao thông đường sắt. Sự tê liệt hoạt động của các cảng dẫn đến sự không chắc chắn về các nguồn cung mang tính sống còn, như nhiên liệu. Nguồn dự trữ quân sự không phải là vô tận, nhưng điều này không ngăn Không quân Miến Điện thực hiện các cuộc không kích hàng ngày – lần đầu tiên trong 20 năm qua – ở phía đông đất nước. Khu vực này do tổ chức Liên minh Quốc gia Karen (KNU) kiểm soát, xung đột với quân đội Miến Điện từ năm 1948. Hàng ngàn dân thường ở vùng này đã phải lánh nạn vì sự khủng bố của các tướng lĩnh đảo chính ở bất cứ nơi nào mà họ triển khai quân đội.

Bất chấp sự miễn cưỡng của chính quyền hai nước, hàng nghìn người tị nạn đã vượt biên sang Ấn Độ ở phía Tây và Thái Lan ở phía Đông, trong cảnh túng thiếu, đói khát, khốn cùng. Dòng người tị nạn đang tăng lên từng giờ.

Giới thiệu tác giả

Francis Christophe

Francis Christophe

Cựu nhà báo của hãng thông tấn AFP và trang mạng tin tức Bakchich, cựu điều tra viên của Observatoire Géopolitique des Drogues [tổ chức giám sát ma túy địa chính trị], của trang Bakchich, Christophe là một nhà báo tự do. Tác giả cuốn “Birmanie, la dictature du Pavot [Miến Điện, chế độ độc tài cây anh túc]” (Picquier, 1998), ông đã nghiên cứu một cách say đắm các “lỗ đen về thông tin”. Từ năm 1962 đến năm 1988, Miến Điện là quốc gia đáp ứng đúng nhất định nghĩa nói trên. Không có thông tin nào lọt ra ngoài từ chế độ độc tài quân sự tự cung tự cấp, cổ xưa này, gây chiến với các dân tộc thiểu số của họ, đơn độc tuyên bố con đường của Miến Điện tiến tới chủ nghĩa xã hội.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Total en Birmanie: le tabou ébranlé, Asialyst, ngày 05/04/2021.

Print Friendly and PDF