29.4.21

Liệu Covid-19 có dẫn đến việc các nhà kinh tế học xét lại các đánh giá, sơ đồ phân tích, mô hình của họ hay không?

LIỆU COVID-19 CÓ DẪN ĐẾN VIỆC CÁC NHÀ KINH TẾ HỌC XÉT LẠI CÁC ĐÁNH GIÁ, SƠ ĐỒ PHÂN TÍCH, MÔ HÌNH CỦA HỌ HAY KHÔNG?

André Cartapanis (1952-)

Jean-Hervé Lorenzi (1947-)

Các nhà kinh tế học André Cartapanis và Jean-Hervé Lorenzi, trong một diễn đàn trên tờ “Monde”, cho rằng giới kinh tế học, mà sự xác tín vào bộ môn này, vốn đã bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng y tế, từ nay sẽ tập trung mô tả những cơ chế của một sự thay đổi thực sự về hệ ý.

Diễn đàn. Trong suốt kỳ đại dịch, các nhà kinh tế học, bị các nhà dịch tễ học và virus học thế chỗ trong các chuyên mục của các báo đài đã không thất nghiệp trên các blog, trong các hội thảo trên web, các sách điện tử hoặc tạp chí điện tử chuyên ngành. Tuy không phải bao giờ cũng được giới chính trị lắng nghe, họ vẫn đánh giá các hiệu ứng của đại dịch và của việc phong tỏa đối với việc làm hoặc những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất từ cú sốc cung, mà không quên lắng nghe các tin tức thời sự chính trị. Họ đã xem xét những tác động và chi phí của việc di dời nhà máy sản xuất một số loại dược phẩm. Họ đã nhấn mạnh đến những bất bình đẳng xã hội trong bối cảnh tiếp xúc với virus và tình trạng thất nghiệp. Phần lớn các nhà kinh tế học, bất kể vị trí nắm giữ trong giới học thuật hoặc chuyên môn, đã khuyến nghị hoặc chấp thuận các chính sách phản chu kỳ nằm ngoài các chuẩn mực của các Nhà nước và ngân hàng trung ương, khi từ bỏ những phản xạ giáo điều của chủ nghĩa bảo thủ trong lĩnh vực tiền tệ hoặc ngân sách.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, liệu cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19, do quy mô và bản chất của nó, có khiến các nhà kinh tế học xét lại các đánh giá, sơ đồ phân tích, mô hình của họ, và từ đó các chính sách kinh tế được suy ra từ các công cụ này không? Tất nhiên, vẫn còn quá sớm để nói, khi con coronavirus mới xuất hiện chưa đầy một năm. Và phạm trù mà “các nhà kinh tế học” nghiên cứu tất nhiên bao phủ nhiều thực tế mang tính chuyên môn, học thuyết và lý thuyết rất khác nhau, và vì vậy các phân tích cũng mang tính rất tương phản.

Nhưng câu hỏi này có tầm quan trọng cho tương lai. Bởi vì, với việc tìm ra vắc-xin và triển vọng tiêu diệt đại dịch, đồng nghĩa với việc gỡ bỏ phong tỏa và hoạt động bình thường trở lại vào năm 2021, mọi thứ sẽ trở nên phức tạp: đó sẽ không còn là vấn đề hạn chế đà sụt giảm tăng trưởng nữa so với tiềm năng sản xuất, mà là vấn đề làm tăng trở lại tiềm năng tăng trưởng, vốn đã bị đe dọa bởi sự mất giá của tư bản, sự sụt giảm đầu tư và những trở ngại về chính trị và xã hội đối với việc phân bổ lại các nhân tố sản xuất giữa những ngành nghề của tương lai với những ngành nghề sẽ không còn chỗ đứng trong tình hình mới về y tế và môi trường. Và thực thi điều này mà không gây hại đến đà tăng trưởng ngắn hạn, do đó cần phải tránh bằng mọi giá việc từ bỏ quá sớm các chính sách hỗ trợ cho hoạt động kinh tế. Đây là toàn bộ vấn đề của tiến trình “phục hồi”.

Tin tốt và tin xấu

Olivier Blanchard (1948-)

Những bước đầu của việc xây lại nền móng phân tích kinh tế vĩ mô, có khả năng đảm bảo triển khai thành công các kế hoạch khởi động lại, quả thực đã có từ trước khi đại dịch bùng phát. Trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 2019, Olivier Blanchard và Lawrence Summers đã kêu gọi một “cuộc cách mạng” trong phân tích kinh tế vĩ mô (Evolution or Revolution. Rethinking Macroeconomic Policy after the Great Recession [Tiến hóa hay cách mạng. Ngẫm lại chính sách kinh tế vĩ mô sau cuộc đại suy thoái], MIT Press). Vào tháng 9, Joseph Stiglitz đã cho rằng “cần [phải] viết lại hoàn toàn các quy tắc của kinh tế học” (“Vaincre la grande fracture”, [Vượt qua sự rạn nứt lớn]”, Finances et Développement, IMF, tháng 9 năm 2020).

Jason Furman (1970-)

Joseph Stiglitz (1943-)

Về phần Jason Furman và Lawrence Summers, vào tháng 11, họ đã biện minh cho việc tiếp tục duy trì, một cách lâu dài và bền vững, các mức thâm hụt ngân sách phản chu kỳ trên quy mô rộng lớn, từ sự chuyển đổi sâu sắc các nền kinh tế công nghiệp, được thể hiện ở cấp độ kinh tế vĩ mô bằng lãi suất dài hạn thực vốn rất thấp trong quá khứ, và có thể được duy trì trong một thời gian dài (“A Reconsidération of Fiscal Policy in the Era of Low Interest Rates [Xét lại chính sách tài khóa trong kỷ nguyên lãi suất thấp]”, Discussion Paper, Viện Brookings, ngày 30 tháng 11 năm 2020).

Lawrence Summers (1954-)

Từ đó, họ cũng rút ra được những chỉ báo mới về tính bền vững của nợ, dựa trên các luồng tiền trả nợ thay vì dựa trên các kho đầu tư công. Nếu ở trong một kỷ nguyên lãi suất thấp mới, và thậm chí còn là lãi suất thực âm, thì những điều kiện cho tính bền vững của các chính sách tài khóa đã được nới lỏng, đó là một tin tốt.

Nhưng đáng tiếc là tin tốt này lại đi cùng với tin xấu: nguy cơ đình trệ trường kỳ, điều mà chúng ta đang thấy lại dưới kính lúp của cuộc khủng hoảng Covid-19. Ngay từ năm 2015, Lawrence Summers đã nhấn mạnh đến nguy cơ nền kinh tế thế giới bị sa lầy trong thời kỳ đình trệ, do tổng cầu thiếu hụt lâu năm, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm (“Demand Side Secular Stagnation” [Thời kỳ đình trệ trường kỳ do cầu], Papers and Proceedings n° 105/5, American Economic Review, 2015). Tình trạng bất bình đẳng và lão hóa dân số gia tăng đang đẩy tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm lên cao và làm giảm lãi suất “tự nhiên”, tức là lãi suất có khả năng đảm bảo một sự cân bằng lao động toàn dụng về kinh tế vĩ mô, sau đó có thể dẫn đến một sự co rút lâu dài các khoản đầu tư.

Robert Gordon (1940-)

Trong một cuốn sách được xuất bản vào năm 2016, Robert Gordon không chỉ nhấn mạnh rằng cuộc cách mạng kỹ thuật số đã bước vào vùng hiệu suất giảm dần, mà còn chỉ ra những cơn gió ngược khác tác động đến tiềm năng tăng trưởng: tình trạng lão hóa dân số, sự gia tăng bất bình đẳng, đang kìm hãm cầu có khả năng chi trả và loại trừ vĩnh viễn những cư dân bị coi là nghèo khổ hoặc thất nghiệp dài hạn, làm tăng tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm đối với một số người và tỷ lệ mang nợ đối với một số người khác, chưa nói đến tình trạng suy hóa sức khỏe hoặc gia tăng tội phạm, tất cả những nhân tố làm giảm tỷ lệ tham gia vào nguồn cung lao động sẵn có (The Rise and Fall of American Growth [Sự thăng trầm của tăng trưởng kinh tế Mỹ], Princeton University Press, 2017).

Chân trời mới

Nếu đà giảm tốc năng suất trong công nghiệp và sự sụt giảm khả năng sinh lời của tư bản không dẫn đến sự sụt giảm lợi nhuận, thì đó là bởi vì, cùng lúc, đã diễn ra một sự dồn nén thu nhập của lao động trong nhiều năm và một sự biến dạng sự phân chia giá trị gia tăng (ở Pháp ít hơn so với những nơi khác) gây bất lợi cho người lao động ăn lương, tạo ra một hiệu ứng giảm lên tổng cầu. Những hiện tượng đặc trưng cho giả thuyết đình trệ trường kỳ này đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch, và đã phơi bày dưới mắt các nhà kinh tế học.

Những bước đầu của một sự tiến hóa/cách mạng trong khoa học kinh tế, còn lâu mới hoàn thành, đang biện minh cho một sự đảo ngược thứ bậc các mục tiêu và đòn bẩy của chính sách kinh tế trong các kế hoạch phục hồi kinh tế - không cần nói đến các chính sách tiền tệ -, khi theo đuổi, một cách bền vững, các chính sách tài khóa mở rộng nhằm giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp hàng loạt mà không làm tăng tỷ lệ lạm phát. Nhưng trên hết cần nhắm đến tầm quan trọng của sự gia tăng năng suất nhằm kích hoạt một chế độ tăng trưởng mới, bền vững, cho mọi người và có khả năng phục hồi.

Đó là chân trời mới của các chương trình nghiên cứu đang được các nhà kinh tế học thiết kế dưới sự thúc đẩy của Covid-19, chuyển trọng tâm từ các cân bằng kinh tế vĩ mô sang một kinh tế học vĩ mô về sự thay đổi cấu trúc.

Liệu đó có là một tham vọng quá đáng đối với các nhà kinh tế học, nên chăng họ cần đào sâu những vấn đề đơn giản hơn, mà những công cụ phân tích kinh tế, cho phép giải quyết một cách chặt chẽ? Nếu tin vào George Akerlof, người được giải thưởng Nobel kinh tế năm 2001, thì điều này sẽ lại rơi vào “tội bỏ sót” (“Sins of Omission and the Practice of Economics” [Tội bỏ sót và thực hành kinh tế học], Journal of Economic Literature n°58/2, tháng 6 năm 2020) của các nhà kinh tế học, những người thích giải quyết những chủ đề dễ nhất bằng những công cụ khó nhất (hard economics/kinh tế học cứng) thay vì tiếp cận những chủ đề quan trọng nhất của thời đại bằng những công cụ phân tích có lẽ ít phức tạp hơn (soft economics/kinh tế học mềm).

André Cartapanis là chủ tịch hội đồng giám khảo Giải thưởng Nhà kinh tế học trẻ xuất sắc nhất.

Jean-Hervé Lorenzi là chủ tịch Câu lạc bộ các nhà kinh tế học.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Le Covid-19 a-t-il conduit les économistes à réviser leurs jugements, leurs schémas d’analyse, leurs modèles?, Le Monde, ngày 19/12/2020.

Print Friendly and PDF