15.4.21

Chúng ta có trên cùng một con tàu không? Một cách đọc nữ quyền về những hậu quả của Covid-19

CHÚNG TA CÓ TRÊN CÙNG MỘT CON TÀU KHÔNG? MỘT CÁCH ĐỌC NỮ QUYỀN VỀ NHỮNG HẬU QUẢ CỦA COVID-19

Tác giả: Margarita Olivera[*]

Những khoảng cách về giới bị hằn sâu bởi phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc và mang nhiều chiều kích: sự phân bổ các công việc chăm sóc, các điều kiện làm việc, tình trạng thất nghiệp, những chênh lệch về lương, tiếp cận các dịch vụ công cộng, những tình huống về an toàn. Ở đây Margarita Olivera thực hiện một cuộc điều tra mà bà đề nghị một cách đọc qua lăng kính nữ quyền về những hậu quả của khủng hoảng y tế, đặc biệt dựa trên trường hợp của Brazil.

Đại dịch đặc biệt ảnh hưởng đến nữ giới, vì họ phải chịu thêm gánh nặng việc nhà không được trả lương, phân bố không đều, và những đặc điểm của sự tham gia nghề nghiệp của họ vốn bị hằn sâu bởi những cách biệt lớn về giới và chủng tộc.

Tại Brazil, những phụ nữ da đen, nạn nhân của sự tách biệt chủng tộc trên thị trường lao động và chịu những điều kiện việc làm và tuyển dụng bấp bênh hơn, đã mất việc làm và cùng với đó là mất nguồn sống của gia đình.

Đại dịch còn làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng mang tính lịch sử kết hợp với chủ nghĩa tư bản gia trưởng và bị hằn sâu bởi sự phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc, trong đó ngành nghề có nhiều lao động nữ phải đối mặt với những điều kiện áp bức, bóc lột và lệ thuộc còn tồi tệ hơn.

Từ đầu đại dịch vào tháng hai năm 2020, nhiều vấn đề đã được thảo luận và nghiên cứu, trong đó có vấn đề nguồn gốc của virus, tác hại của nó trong trung hạn và dài hạn, tử vong, tốc độ lây lan. Một ý tưởng phổ biến chủ yếu trong thời kỳ đầu của khủng hoảng y tế đề cập đến bản chất dân chủ của virus, nó gây bệnh cho các lãnh đạo và thường dân, nam cũng như nữ, người giàu và người nghèo không phân biệt sắc tộc, màu da, tín ngưỡng.

Françoise Vergès (1952-)

Tuy nhiên, thực tế đã nhanh chóng cho thấy điều ngược lại. Không phải ai cũng phơi nhiễm theo cùng một cách và mọi người không có những phương tiện như nhau để đối phó với khủng hoảng. Cần lưu tâm đến một vài vấn đề trọng yếu trong suy nghĩ về COVID-19, và chúng sẽ được đề cập đến trong bài báo này: Ai bị phơi nhiễm? Ai chăm sóc? Và ai ở tuyến đầu?

Như nhiều tác giả thuộc trường phái nữ quyền giải thuộc địa, theo xu hướng xã hội và/hoặc giao thoa nhiều lĩnh vực trong các thập kỷ vừa qua, những dấu ấn về giới, chủng tộc và giai cấp phải được tính đến khi nghiên cứu những tác động và hậu quả đối với dân chúng của những chính sách công, của phơi nhiễm xã hội (exposition sociale), của các mức độ bóc lột và áp bức, v.v.. Như Françoise Vergès mô tả trong tác phẩm Un féminisme décolonial (Một thuyết nữ quyền giải thuộc địa), hàng triệu phụ nữ bị phân biệt chủng tộc thiết lập các thành phố, tạo thành môt lực lượng nhân công bị bóc lột thậm tệ,

“họ làm những nghề không có chuyên môn và vậy là bị trả lương thấp, họ làm việc mặc cho nguy hiểm đến sức khỏe, thường là công việc ngoài giờ, bán thời gian, vào lúc sáng sớm hay buổi tối, khi các văn phòng, bệnh viện, đại học, trung tâm thương mại, sân bay đã vắng người, và trong các phòng khách sạn khi khách đã rời đi. Lau chùi làm sạch thế giới, hàng tỷ phụ nữ đảm trách việc ấy hàng ngày, không mệt mỏi. Nếu không có công việc của họ thì hàng triệu nhân viên và chuyên viên của tư bản, của Nhà nước, quân đội, các cơ sở văn hóa, nghệ thuật, khoa học, không thể sử dụng văn phòng, ăn ở nhà ăn, hội họp, lấy quyết định trong những không gian sạch sẽ (…). Công việc tối cần thiết cho sự vận hành của mọi xã hội vẫn phải là vô hình. Chúng ta không được ý thức rằng thế giới trong đó chúng ta di chuyển được lau chùi bởi những phụ nữ bị phân biệt chủng tộc và bị bóc lột quá mức.”

Verges, F. (2020). Un féminisme décolonial (Một thuyết nữ quyền giải thuộc địa), 2020.

Đó chỉ là một ví dụ về những nghề mà phụ nữ “tiếp cận” được. Lực lượng lao động nữ bị đối mặt nhiều nhất với những tình huống bất trắc và họ dễ bị tổn thương hơn, không được bảo vệ vì những bất bình đẳng và phân biệt đối xử nghiêm trọng hơn mà họ phải chịu đựng, trong việc làm có lương cũng như trong công việc chăm sóc và công việc nội trợ tại nhà.

Silvia Federici (1942-)

Trước tiên, những công việc nội trợ và chăm sóc đang gia tăng ghê gớm trong hoàn cảnh khủng hoảng y tế lại là những công việc bị hạ thấp giá trị về phương diện xã hội và kinh tế và được phân bố rất bất bình đẳng. Từ khi có sự phân công lao động theo giới tính làm nên đặc điểm của hệ thống gia trưởng, phụ nữ bị giới hạn vào các công việc tái sản xuất, nghĩa là họ chịu trách nhiệm chăm sóc, tái tạo sự sống của chính họ và của những người khác. Sự phân công lao động theo giới tính này và tính chất gia trưởng và lệ thuộc của các quan hệ xã hội càng bị đào sâu thêm từ khi có chủ nghĩa tư bản. Như Silvia Federici nhấn mạnh, những công việc tạp vụ rộng hơn công việc lau chùi nhà cửa đơn giản, vì chúng còn bao gồm cả việc phục vụ những người lao động, cả về công việc cụ thể, lẫn cảm xúc và tình dục, chuẩn bị những việc này ngày này qua ngày khác, cũng như chăm sóc con cái – những người lao động tương lai – và những người già – những người lao động trong quá khứ. Đằng sau mỗi nhà máy ẩn giấu công việc của hàng triệu phụ nữ, họ đã bào mòn sự sống và sức lực của mình để tạo ra lực lượng lao động vận hành nền kinh tế[1]. Xét về mặt lịch sử, điều đó đã được tăng cường bởi sự áp đặt các nhiệm vụ xã hội và kiến tạo xã hội về các vai trò giới, theo đó phụ nữ và trẻ gái được đào tạo và giáo dục để hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc cuộc sống của những người khác bao hàm cả việc thiệt hại cho chính đời sống của họ, thời gian của họ, cơ hội tạo thu nhập có thể bảo đảm sự tự lập về kinh tế, học tập và tự đào tạo để có những khả năng lớn hơn trong tương lai để có thể bước vào tham gia xã hội và chính trị, cũng như nghỉ ngơi, giải trí. Hệ thống tư bản chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng gia đình hạt nhân, ở đó người phụ nữ bị giam hãm trong sự cô đơn của căn phòng và nhà bếp, ở đó công việc của họ, nỗ lực của họ về thể chất và tinh thần, được thực hiện trong lĩnh vực riêng tư của gia đình, bị hạ thấp giá trị về mặt kinh tế và xã hội[2]. Thực ra, động cơ chính của phụ nữ khi họ tập trung toàn tâm cho những công việc đó không phải là lợi nhuận mà là tình yêu và sự hy sinh quên mình cho gia đình của họ. Ít nhất là trong trường hợp của những phụ nữ da trắng, bởi vì đối với những phụ nữ bị phân biệt chủng tộc, những nghĩa vụ này được xác định từ sự đô hộ về giới, biểu thị tính liên tục của các cơ chế bóc lột kiểu thuộc địa được áp đặt bởi sức mạnh của ngọn roi và của những hình thức áp bức tàn bạo nhất[3].

Trong mọi trường hợp, công việc của phụ nữ bao giờ cũng vô hình. Như sự khẳng định của các lý thuyết kinh tế cổ điển cũng như tân cổ điển, Keynes hoặc những lý thuyết kinh tế không chính thống, vì những công việc này được thực hiện trong lĩnh vực riêng tư và không biến thành hàng hóa trong khuôn khổ của hệ thống tư bản chủ nghĩa, chúng sẽ không có giá trị, ngoài việc chúng là cốt yếu trong sự tái sản xuất sự sống[4].

Trong trường hợp của Brazil cũng vậy, công việc nhà và chăm sóc là một “vấn đề” của phụ nữ. Khi phỏng vấn nam giới và nữ giới về sự tham gia của họ vào công việc nhà, theo những dữ liệu ghi nhận được trong cuộc điều tra quốc gia về các hộ gia đình (“Pesquisa Nacional por Amostra de Domicílios Contínua Anual”), của Viện địa lý và thống kê Brazil (IBGE) năm 2019, trong khi 92% phụ nữ khai đã thực hiện các công việc nhà không có thù lao, thì chỉ 78% nam giới trả lời là có tham gia. Về các công việc chăm sóc (mới được đưa vào điều tra gần đây), câu hỏi chủ yếu hướng về việc chăm giữ con, tỷ lệ thực hiện việc này là 36,8% đối với nữ, và 25,9% đối với nam. Cũng tồn tại một sự chênh lệch giữa hai giới liên quan đến thời gian dành cho việc thực hiện các công việc nhà và/hoặc việc chăm sóc. Nữ giới khai rằng họ tốn gấp đôi thời gian (trung bình 21,4 giờ/tuần) so với nam giới (11 giờ/tuần). Sự khác biệt này vẫn tồn tại ngay cả khi những người được hỏi không hoạt động kinh tế (phụ nữ làm việc nhà 24 giờ/tuần trong khi nam giới chỉ làm 12,1 giờ/tuần)[5].

Hơn nữa, khi phân biệt theo loại công việc nhà được thực hiện, ta quan sát thấy nữ giới chủ yếu làm những công việc đòi hỏi một sự cố gắng về thể chất nhiều hơn, như việc chuẩn bị bữa ăn, giặt giũ và sắp xếp áo quần, giày dép, lau chùi nhà cửa, đi mua sắm, trong khi họ chia sẻ cùng nam giới những công việc đòi hỏi nỗ lực về tổ chức, như việc quản lý tài chính của gia đình. Mặt khác, nam giới nổi bật hơn trong các công việc sửa chữa nhỏ trong nhà, làm vệ sinh vườn tược và rửa xe, và cùng chia sẻ với phụ nữ trong việc chăm sóc thú nuôi và quản lý tài chính. Xét về phương diện giới, điều đó cho thấy sự chênh lệch to lớn trong phân công việc nhà. Sự phân biệt theo giới tính này vẫn được duy trì ngay cả trong những thành viên trẻ hơn của các gia đình, điều này minh họa cho sự cấu trúc hóa các vai trò giới ngay từ tuổi trẻ.

Quan trọng là cần ghi nhận rằng sự phân bố không đồng đều các công việc nhà không có thù lao sản sinh ra một gánh nặng về thể chất và tinh thần, trong cái mà ta thường gọi là những ngày làm việc gấp đôi-gấp ba, và một sự thiếu hụt về thời gian đối với phụ nữ và trẻ gái. Như chúng tôi đã đề cập, điều đó thường có nghĩa là từ bỏ tìm kiếm việc làm có thù lao hay việc làm toàn thời gian, hoặc bỏ việc học, thêm nữa là giảm thời gian cho các hoạt động nghỉ ngơi, giải trí, tham gia xã hội và/hoặc chính trị, và chăm sóc bản thân.

Ngược lại, công việc này – cũng không được thừa nhận là một công việc – không được hạch toán vào tài sản của đất nước. Thế mà những ước lượng (với những kỹ thuật có thể được xem có tính chất bảo thủ nhất) cho thấy rằng những công việc tái sản xuất không có thù lao này chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm nội địa của Brazil, hình thành như một khu vực kinh tế quan trọng[6].

Một điểm quan trọng cần ghi nhận là sự phân chia không bình đẳng các công việc nhà và chăm sóc càng trầm trọng hơn nhiều do hậu quả của đại dịch. Khủng hoảng y tế đã gia tăng nhu cầu chăm sóc người cao tuổi, là nhóm dân số có rủi ro cao, và đã gia tăng rất nhiều số người bệnh. Đối với trẻ em, sự cách ly đã biến ngôi nhà của chúng thành không gian giải trí, học tập và không gian sống, chúng cũng đòi hỏi nhiều hơn về thời gian và sự quan tâm, dù đó là sự chăm sóc, vệ sinh và vui chơi, hay sự đồng hành với quá trình học tập từ xa. Trong những gia đình có ít nguồn lực và không tiếp cận được các phương tiện kỹ thuật số, điều đó đã trở thành một trở ngại càng làm cho xã hội bị hằn sâu bởi sự gia tăng những chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội.

Mặt khác, đại dịch gia tăng cường độ và thời gian dành cho công việc nội trợ vì cần phải lau rửa và làm vô trùng nhiều hơn thức ăn, các sản phẩm và vệ sinh con người. Ở những nơi mà việc tiếp cận nước sạch bị hạn chế, điều đó còn kéo theo sự gia tăng thời gian dành cho việc tìm kiếm nước sạch, hoặc là một sự phơi nhiễm lớn hơn với sự lây lan của bệnh tật.

Trong trường hợp của Brazil, điều đó thật đáng kể vì việc thiếu nguồn nước sạch và thiếu các hệ thống vệ sinh thích hợp chủ yếu tác hại đến những phụ nữ có thu nhập thấp, phụ nữ da đen, bản địa, trẻ và ít học. Như phúc trình của công ty tư vấn BRK chỉ ra[7], 1 trên 7 phụ nữ Brazil không tiếp cận được nguồn nước sạch đã được xử lý. Về hệ thống cống rãnh và xử lý nước thải, theo điều tra do Hệ thống thông tin quốc gia về vệ sinh năm 2018[8], chỉ 46,3% chất thải cống rãnh ở Brazil được xử lý. Điều này làm cho người ta thiên về sử dụng các loại hố, rãnh và thải rác vào các nguồn nước như sông suối, làm cho dân cư bị phơi nhiễm các loại bệnh nhiễm trùng và bệnh ký sinh trùng.

Như vậy, trong đại dịch, 50% phụ nữ đã phải chăm sóc thêm một người[9]. Phụ nữ đã mất các mạng lưới hỗ trợ vì bị cách ly xã hội, và bị đối mặt hơn rất nhiều với những trường hợp trầm cảm và bạo lực, họ bị chôn vùi trong bối cảnh đơn độc nặng nề. Tại bang Rio de Janeiro, những báo hiệu về bạo lực tăng 50% trong thời gian đại dịch[10].

Tuy nhiên, đại dịch không phải chỉ có duy nhất ảnh hưởng đến lĩnh vực tái sản xuất đời sống. Như đã nêu trên, hệ thống gia trưởng tư bản chủ nghĩa đã tạo ra các vai trò giới như là một cơ chế nhồi sọ và làm tha hóa. Phụ nữ và các cô gái trẻ chịu trách nhiệm về công việc nhà và chăm sóc mà họ phải thực hiện không có thù lao, một cách vị tha và vô hình. Nhưng ngay trong quá trình biến thành hàng hóa sự tái sản xuất xã hội, với việc khai sinh nền kinh tế gọi là chăm sóc, thì những công việc này, luôn luôn vô hình và bị hạ thấp giá trị, vẫn trong tình trạng thiếu tín nhiệm về mặt xã hội và ít được thừa nhận về kinh tế. Công việc chăm sóc có thù lao thường là phi chính thức và/hoặc thù lao thấp hơn các nghề khác, và chủ yếu được thực hiện bởi những phụ nữ da đen, bản địa, nhập cư, bên lề xã hội và không xác định giới tính[11].

Khi phụ nữ đạt được một việc làm có thù lao thì điều đó diễn ra trong một bối cảnh phân mảnh thị trường lao động. Khi phân tích cơ cấu kinh tế của Brazil, thì hiển nhiên là trong những công việc về mặt lịch sử được gắn với chăm sóc, phụ nữ chiếm tỷ lệ cao hơn mức trung bình của các lĩnh vực kinh tế. Thường là các lĩnh vực dịch vụ, đáng chú ý là giáo dục, sức khỏe và các dịch vụ xã hội (75% số lao động trong các lĩnh vực này là nữ), lĩnh vực phục vụ việc nhà (lĩnh vực có thành phần lao động nữ rất cao, chiếm 92% tổng số lao động), lĩnh vực thực phẩm và thương mại và, trong trường hợp công nghệ chế biến là sản xuất áo quần và giày dép. Đó là những lĩnh vực có nhiều nguy cơ nhất, nhưng cũng là những lĩnh vực với những điều kiện tuyển dụng và lương tồi tệ nhất[12].

Về phần mình, phụ nữ gặp khó khăn hơn khi gia nhập thị trường lao động, đặc biệt phụ nữ da đen được ghi nhận là có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (16%, so với mức trung bình của Brazil là 12% năm 2018), và bao gồm một tỷ lệ việc làm phi chính thức cao hơn: 52% phụ nữ da đen có việc làm năm 2018 không có hợp đồng lao động chính thức (“carteira de traballo” - Ví tiền trong công việc -), trong khi tỷ lệ trung bình của lao động phi chính thức là 48%[13].

Mặt khác, lương và thu nhập của phụ nữ thấp hơn các đồng sự nam giới. Sự khác biệt này gia tăng khi ta có cách nhìn giao thoa nhiều chiều kích bao gồm chủng tộc thêm vào giới tính và giai tầng xã hội[14]. Trong khi phụ nữ nhận một mức thu nhập trung bình thấp hơn 21,3% so với nam giới (và thấp hơn 24,4% so với cả lao động nam và nữ), phụ nữ da đen có mức lương thấp hơn 55,6% lương của nam giới da trắng[15]. Sự khác biệt quan trọng này về thu nhập là một bằng chứng bổ sung cho sự phân biệt chủng tộc có tính cấu trúc tại Brazil, ở đó phụ nữ da đen phải chịu nhiều tầng áp bức và bóc lột đẩy họ xuống đáy của cái tháp những điều bất công.

Những lao động nữ làm việc nhà ở Brazil cần một sự quan tâm đặc biệt. Rất nhiều những bất bình đẳng gay gắt tạo nên đặc điểm của đất nước này biểu lộ đặc biệt rõ trong lĩnh vực này. Trong khi một số phụ nữ đấu tranh để gia nhập được vào các cấu trúc quyền lực và những cấp/vị trí ra quyết định và thành công trong việc phá vỡ “bức tường kính” bằng cách đạt được sự tham gia vào các lĩnh vực và vị trí vốn không thuộc về họ theo truyền thống[16], thì phần lớn phụ nữ chỉ bảo đảm được thu nhập với tư cách lao động phục vụ việc nhà, đặc biệt là trường hợp các phụ nữ bị phân biệt chủng tộc (phụ nữ da đen và bản địa). Năm 2018, lĩnh vực này sử dụng 6,2 triệu lao động ở Brazil, trong đó 92% là phụ nữ[17]. Trong số những phụ nữ này, 65,8% (bằng 4,1 triệu lao động) là phụ nữ da đen. Nghề này là một trong những nguồn chính yếu sử dụng lao động nữ, vì nó sử dụng 14,6% phụ nữ của lực lượng lao động Brazil. Thu nhập trung bình của lao động làm việc nhà thuộc loại thấp nhất trong nền kinh tế, vì nó thấp hơn mức lương tối thiểu, và trong những tình cảnh xấu nhất, lại một lần nữa, nổi rõ trường hợp những phụ nữ giúp việc nhà da đen chỉ nhận lương trung bình 672 R$ (trong khi lương tối thiểu là 954R$ (đồng real của Brazil, tương đương 0,18 đô la Mỹ - ND)). Lĩnh vực này còn có đặc điểm là mức độ phi chính thức rất cao; 72,2% lao động nữ không có hợp đồng lao động vô thời hạn và chỉ có 39,8% tham gia bảo hiểm xã hội, điều này làm cho đa số lao động không hưởng được những quyền căn bản và sự liên tục của việc làm và mức thu nhập không được bảo đảm.

Phụ nữ ở Brazil – đặc biệt là những phụ nữ bị phân biệt chủng tộc – ít có cơ hội làm việc hơn, bị thất nghiệp nhiều hơn, có mức thu nhập thấp hơn nhiều, những điều kiện an toàn của việc làm tệ hơn và ít khi được liên tục và thường xuyên. Điều đó khiến họ phải đối mặt với những tình huống bị gạt ra ngoài lề, không an toàn và nghèo khó trầm trọng hơn. Tình cảnh đặc biệt đáng lo ngại nếu ta xét đến tỷ lệ ngày càng tăng của số phụ nữ là người tạo nguồn thu nhập chính của các gia đình Brazil. Năm 2019, số hộ gia đình do nữ đảm trách đã lên đến 48%[18].

Những dữ kiện này cho thấy những bất bình đẳng giới sâu sắc và mang tính cấu trúc vẫn tồn tại ở Brazil và chúng gắn bó chặt chẽ với những bất bình đẳng khác như bất bình đẳng về chủng tộc và giai tầng xã hội. Hơn nữa, những chỉ báo được trình bày đã nêu rõ tình cảnh khó khăn mà những ngành nghề có nhiều lao động nữ và bị phân biệt chủng tộc hiện nay đang rơi vào, những người thực hiện việc chăm sóc được xem là công việc chính, vì đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến đấu với bệnh tật, và hàng ngày họ phải giải quyết bài toán cân bằng giữa bị đối mặt với lây lan bệnh và sự quá tải trong công việc hoặc việc không thể bảo đảm nuôi sống chính bản thân họ và gia đình họ.

Cùng lúc, phụ nữ là những người đầu tiên dễ mất việc làm và thu nhập trong những hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế vì họ tham gia vào thị trường lao động trong những điều kiện tồi tệ hơn nam giới và phải tiếp tục đảm trách gánh nặng công việc ở nhà.

Theo các dữ liệu của PNADCA năm 2020, trong quý ba, 8,5 triệu phụ nữ Brazil đã rời khỏi lực lượng lao động, đưa tỷ l tham gia lao động của phụ nữ về 45,8%, một tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử 40 năm trở lại đây (năm 2019, tỷ lệ này là 54,7%). Phụ nữ đã mất rất nhiều việc làm chính thức hơn nam giới, và những lao động nữ phi chính thức như giúp việc nhà là những nạn nhân chính của khủng hoảng kinh tế. Giữa quí một và quí hai năm 2020, số vic làm giúp việc nhà đã giảm đáng kể[19]: đã mất đi 1,25 triệu việc làm, tương đương với giảm 21% số việc làm so với năm 2019. Sự sút giảm quan trọng nhất xảy ra đối với lao động giúp việc nhà không có hợp đồng, (những nghề sử dụng lao động công nhật đã giảm 1,02 triệu việc làm, nghĩa là giảm 23,7%).

Tình cảnh dễ bị tổn thương về kinh tế này có lẽ sẽ trầm trọng thêm vào năm 2021, vì có sự sút giảm, thậm chí hủy bỏ “trợ cấp khẩn cấp” cho những người không có việc làm chính thức năm 2020 hoặc có thu nhập thập hơn mức lương tối thiểu. Tóm lại, quyền trong cách ly không giống nhau cho mọi người, cũng không có gì khá hơn cho việc tiếp cận hệ thống y tế, với những phân biệt nổi bật về giai tầng xã hội và chủng tộc. Theo các dữ kiện của IBGE năm 2019, chỉ 28,5% dân số có tham gia chương trình bảo hiểm y tế tư hoặc chăm sóc răng, trong khi 71,5% dân số tùy thuộc vào hệ thống y tế công thống nhất[20], mà đáng buồn là hệ thống này đã sụp đổ sau nhiều năm không có kinh phí, nhất là ở các thành phố lớn. Một lần nữa, nếu ta phân tích theo chủng tộc, tỷ lệ tham gia bảo hiểm tư là 21% đối với dân da màu và 38% đối với dân da trắng. Đối với nhóm dân có thu nhập hàng tháng không vượt quá một phần tư lương tối thiểu, chỉ 2,2% có tham gia một chương trình y tế tư, điều này cho thấy sự lệ thuộc nặng nề vào hệ thống công. Trong nhóm có thu nhập gấp năm lần lương tối thiểu, 86,8% có tham gia chương trình bảo hiểm y tế tư. Tại Brazil, dân chủ hóa việc tiếp cận bảo hiểm y tế vẫn là một vấn đề còn bỏ ngỏ.

Margarita Olivera

Như ta có thể xác nhận, những khoảng cách về giới bị hằn sâu bởi phân biệt giới tính và phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc và nhiều chiều kích: sự phân bố công việc chăm sóc, các điều kiện lao động, tình trạng thất nghiệp, những chênh lệch về lương, tiếp cận các dịch vụ công, những tình huống về an toàn, v.v.. Trong ý nghĩa đó, không thể nói rằng tất cả chúng ta đều trên cùng một con tàu; đại dịch xảy ra làm trầm trọng thêm những bất bình đẳng mang tính lịch sử kết hợp với chủ nghĩa tư bản gia trưởng và bị hằn sâu bởi sự phân biệt chủng tộc mang tính cấu trúc trong đó các nhóm ngành nghề có nhiều lao động nữ phải đối mặt với những điều kiện áp bức, bóc lột và lệ thuộc còn tồi tệ hơn.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Sommes-nous dans le meme bateau? Une lecture feministe des effets du Covid-19”, Le Grand Continent, 2.3.2021.




Tài liệu tham khảo:

[1] Federici, S. (2012). Revolution at Point Zero: housework, reproduction, and feminist struggle. Oakland: PM Press.

[2] Ibid.

[3] Cf. Lugones, M. (2019), “Rumo a um feminismo descolonial”, en: Buarque de Hollanda, H. (comp.), Pensamento Feminista: conceitos fundamentais, Rio de Janeiro: Bazar do Tempo; González, L. (2019), “Racismo e Sexismo na Cultura Brasileira” en Buarque de Hollanda, H. (Comp.), Pensamento Feminista Brasileiro, Rio de Janeiro: Bazar do Tempo; Davis, A. (2016[1981]), Mulheres, Raça e Classe, São Paulo: Boitempo

[4] Marçal, K. (2017). O lado invisível da economia: Uma visão feminista. São Paulo: Alaúde Editorial.

[5] IBGE (Instituto Brasileiro de Geografia e Estatistica) (2020), Pesquisa Nacional por Amostra de Domicílios Contínua Anual, 2019. IBGE.

[6] de Melo, H.-P. & Thomé, D. (2018), Mulheres e Poder, São Paulo: FGV Editora.

[7] BRK (2019), “Mulheres e Saneamento”, BRK Ambiental e Instituto Trata Brasil.

[8] SNIS (Sistema Nacional de Informações sobre Saneamento) (2019). Diagnóstico dos Serviços de Água e Esgotos – 2018 Brasília.

[9] THINK OLGA (2020). “Mulheres em Tempo de Pandemia”.

[10] Ibid.

[11] Arruzza, C., Bhattacharay, T. & Fraser, N. (2019), Feminismo para os 99 %: um manifesto, São Paulo: Boitempo Editorial.

[12] de Melo, H.-P. & Thomé, D. (2018), Mulheres e Poder, São Paulo: FGV Editora.

[13] IBGE (Instituto Brasileiro de Geografia e Estatistica) (2019). Pesquisa Nacional por Amostra de Domicílios Contínua Anual, 2018. IBGE.

[14] Crenshaw, K. (1989). “Demarginalizing the intersection of Race and Sex: A Black feminist Critique of Antidiscrimiation Doctrine, Feminist Theory and Antiracist Politics”. Feminist Theory and Antiracist Politics, University of Chicago Legal Forum.

[15] IBGE (Instituto Brasileiro de Geografia e Estatistica) (2020), Pesquisa Nacional por Amostra de Domicílios Contínua Anual, 2019. IBGE.

[16] Fernandez Brena, P.-M. (2019), “Teto de vidro, piso pegajoso e desigualdade de gênero no mercado de trabalho brasileiro à luz da economia feminista: por que as iniquidades persistem?”, Cadernos de Campo: Revista de Ciências Sociais, (26), 79-104.

[17] IBGE (Instituto Brasileiro de Geografia e Estatistica) (2020), Pesquisa Nacional por Amostra de Domicílios Contínua Anual, 2019. IBGE.

[18] Ibid.

[19] IBGE, Pesquisa Nacional por Amostra de Domicílios Contínua Anual, 2020.

[20] IBGE, ibid.


Chú thích:

[*] Tác giả là giáo sư của Viện kinh tế thuộc trường Đại học liên bang Rio de Janeiro và là điều phối viên Trung tâm đào tạo và nghiên cứu kinh tế và nữ quyền (“Núcleo de Estudios y Pesquisas de Economia e Feminismos”), NUEFEM/IE/UFRJ.

Print Friendly and PDF