LÀM SAO SỬ DỤNG KINH TẾ HỌC HÀNH VI ĐỂ TÁC ĐỘNG LÊN XÃ HỘI
Lời giới thiệu
Phần I: Nền tảng của kinh tế học hành vi và tâm lý học nhận thức
Phần II: Các nguyên tắc phổ biến của kinh tế học hành vi
Phần III: Bắt đầu sử dụng kinh tế học hành vi nhằm tác động vào xã hội
Phần IV: 8 bước để áp dụng kinh tế học hành vi vào tác động xã hội
Phần V: Những cuốn sách, video và blog hay nhất để tìm hiểu thêm về kinh tế học hành vi
* * *
Lời giới thiệu
Việc nghiên cứu và quan tâm đến kinh tế học hành vi và tâm lý học đã phát triển rất nhanh chóng trong vài thập kỷ qua, một phần được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong khoa học thần kinh. Các khái niệm từng bị giới hạn trong giới hàn lâm giờ đã trở nên phổ biến trong giới doanh nghiệp và ngay cả trong cuộc sống hàng ngày: các thuật ngữ như ác cảm mất mát (loss aversion), thiên kiến định khung (framing bias) và định giá theo giá neo (anchor pricing) thậm chí còn được đề cập trong các bộ phim Hollywood như Crazy Rich Asians [Con nhà siêu giàu châu Á]. Các bài nói chuyện nổi tiếng nhất mọi thời đại của TED đề cập đến các chủ đề này nhiều hơn bất kỳ chủ đề nào khác (các chủ đề mà bạn cũng sẽ tìm thấy trong mục MBA TED Talk của chúng tôi).
Esther Duflo (1972-) |
Trong bản hướng dẫn này, để hiểu về kinh tế học hành vi và tâm lý học nhằm tác động đến xã hội, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn tìm hiểu lịch sử của những khái niệm này, các nguyên tắc cốt lõi mà chúng tôi đã học được trong suốt thời gian dài tìm hiểu, những cuốn sách, những video và các khóa học hay nhất mà chúng tôi biết để giúp bạn áp dụng những nguyên tắc đó nhằm tạo ra sự thay đổi về lâu về dài. Tương tự như trong tất cả những bản hướng dẫn của chúng tôi, chúng tôi không tự cho mình là những chuyên gia ưu việt, mà đúng hơn, chúng tôi sẽ chỉ ra cho bạn những nguồn thông tin tốt nhất có thể, dựa trên vấn đề mà bạn đang cố gắng giải quyết.
Dưới đây là những điều bạn có thể tìm thấy trong bản hướng dẫn này:
- Trong phần I, bạn sẽ tìm hiểu thêm về nền tảng của kinh tế học hành vi, cũng như các định nghĩa quan trọng về việc kinh tế học hành vi là gì (và không là gì)
- Trong phần II, bạn sẽ tìm hiểu về các nguyên tắc phổ biến của kinh tế học hành vi, về các thiên kiến nhận thức nhằm minh họa cho các nguyên tắc đó trong nghiên cứu
- Trong phần III, bạn sẽ tìm hiểu các khuôn khổ chính giúp bạn bắt đầu áp dụng các nguyên tắc của kinh tế học hành vi vào thực tiễn
- Trong phần IV, bạn sẽ tìm hiểu 8 bước để thực hành kinh tế học hành vi trong nghiên cứu về tác động xã hội của mình, bất kể bạn đang ở đâu trong hành trình tạo ra và mở rộng quy mô của sự thay đổi
- Trong phần V, bạn sẽ tìm thấy những cuốn sách, video, podcast và blog hay nhất nhằm giúp bạn hiểu sâu hơn nữa về kinh tế học hành vi
(Nếu bạn thích bản hướng dẫn này, hãy nhớ xem phần sơ lược của chúng tôi về primer on human-centered design [thiết kế lấy con người làm trung tâm], cũng như bản hướng dẫn đầy đủ của chúng tôi về việc phát triển và mở rộng quy mô của những doanh nghiệp xã hội).
"Các biên niên sử về kinh doanh tràn ngập những sản phẩm thất bại và những công ty bị phá sản vì một sai lầm chính: họ không tính đến hành vi thực tế của con người."
- Người đạt giải Nobel Curt Nickisch trong Nickisch on Rethinking Poverty (and Business) [Tư duy lại về Nghèo đói (và Kinh doanh)]
Phần I: Nền tảng của Kinh tế học Hành vi và Tâm lý học Nhận thức
Hãy bắt đầu với một ví dụ giả định. Hãy tưởng tượng bạn đang mua một chiếc ô tô mới. Nó có giá 20.000 đô. Khi ở đại lý bán xe, bạn biết rằng nếu gắn thêm một chiếc radio nhỏ trên xe sẽ phải cộng thêm 150 đô vào tổng chi phí. Bạn thực hiện một cuộc tìm kiếm nhanh trên mạng để xem xét liệu đây có phải là một giao dịch hời hay không, và bạn biết rằng ở một nơi khác cách thị trấn 15 phút, một đại lý khác chỉ tính 15 đô để gắn thêm một chiếc radio y như vậy còn giá xe thì không đổi. Bạn sẽ lái xe qua thị trấn để tiết kiệm 135 đô? Một nhà kinh tế học sẽ dự đoán rằng sau khi tính toán chi phí về thời gian di chuyển, tiền xăng, và so sánh nó với lợi ích của việc tiết kiệm 135 đô, bạn sẽ quyết định thực hiện chuyến đi ra khỏi thị trấn để mua hàng. Trên thực tế, một người nào đó sẽ nói rằng, “thêm 135 đô trong khi bạn đang chi hơn 20.000 đô ư?” và sau đó người ấy chẳng phải bõ công cố gắng ra khỏi thị trấn nữa.
Bây giờ, cùng một người đó, 3 tháng sau, hiện đang mua một
chiếc loa thông minh trị giá 150 đô cho ngôi nhà của mình. Người này biết được
rằng một cửa hàng khác cách đó 60 phút đang bán một chiếc loa y như vậy với giá
15 đô. Liệu người ấy có đi mua chiếc loa đó không? Một nhà kinh tế học sẽ nói rằng
việc tiêu tốn thời gian và xăng xe sẽ khiến tiết kiệm ròng bằng không, và do đó
người ấy sẽ chẳng đi mua đâu. Nhưng rất có thể, người này sẽ đi xa hơn để tiết
kiệm 90% giá mua và đổi lấy một món hời như vậy (ngay cả khi chi phí liên quan
đến thời gian và tiền xăng đồng nghĩa với việc họ chẳng tiết kiệm được gì).
Dưới đây là một vài ví dụ khác về các giải pháp được xây dựng dựa trên kinh tế học hành vi, chúng không tuân theo quan niệm kinh tế về “tác nhân duy lý” nhưng lại cực kỳ hiệu quả:
- Những con ruồi được vẽ trong các bồn tiểu nhằm làm tăng khả năng đi tiểu chính xác vào bồn
- Các kế hoạch tiết kiệm cho khi nghỉ hưu Tiết kiệm Nhiều hơn cho Ngày mai [Save More Tomorrow]
- Những buồng lái máy bay quân sự được thiết kế lại [redesigned military airplane cockpits] để phân biệt các cần gạt bằng cách chạm và quan sát
- Vượt qua bẫy nợ [Outsmarting the debt trap] bằng việc bắt đầu với cách dễ nhất để trả nợ (chứ không phải là cách có nhiều tiền nhất)
- Thay đổi sự lựa chọn ngầm định về việc hiến tạng
Daniel Kahneman, tác giả cuốn Thinking, Fast and Slow [Tư duy nhanh và chậm] và là người tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu này, cho biết ”Có vẻ như kinh tế học truyền thống và kinh tế học hành vi đang mô tả hai loài [người] khác nhau”.
Trên thực tế, đây là kinh tế học hành vi đang vận động. Và theo Dan Ariely, con người luôn đưa ra những quyết định phi duy lý như vậy. Ông lập luận trong cuốn sách bán chạy nhất của mình rằng, trên thực tế, con người chúng ta thường phi duy lý không thể đoán trước. Việc hiểu được sự phi duy lý của chúng ta và sự phi duy lý của người khác là một yếu tố quan trọng để giải quyết những rào cản về bước cuối cùng để tác động đến xã hội.
Ngoài việc tiết kiệm tiền, kinh tế học hành vi cũng ảnh hưởng
đến cách con người đưa ra bất kỳ quyết định nào, từ người mà họ yêu, cách họ sử
dụng thời gian như thế nào, nơi họ làm việc và những sự lựa chọn họ đưa ra liên
quan đến sức khỏe của mình. Nó [kinh tế học hành vi] cũng giúp giải thích tại
sao chúng ta lại có sự tham nhũng trong chính phủ, tại sao lại vô cùng khó khăn
để vực dậy chính mình thoát khỏi nghèo đói, tại sao các nhà lãnh đạo không hành
động đủ khẩn cấp để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và tại sao chúng ta lại
có sự gia tăng bất bình đẳng.
Phần II và III sẽ giúp bạn suy nghĩ nhiều hơn về cách sử dụng các nguyên tắc chủ lực của kinh tế học hành vi trong các chương trình tác động xã hội và các sáng kiến kinh doanh xã hội. Nhưng trước tiên, chúng ta hãy dành một chút thời gian để hiểu rõ hơn về những nền tảng của kinh tế học hành vi.
Định nghĩa Kinh tế học Hành vi
Theo Tiến sĩ Shahram Heshmat, “Kinh tế học hành vi cố gắng tích hợp sự hiểu biết của các nhà tâm lý học về hành vi con người vào việc phân tích kinh tế”. Điều này khác với kinh tế học truyền thống, vốn có nguồn gốc từ một mô hình lựa chọn duy lý, trong đó một người sẽ cân nhắc chi phí và lợi ích của mọi quyết định và sau đó tính toán sự lựa chọn tốt nhất. Mô hình kinh tế học truyền thống giả định rằng con người có khả năng kiểm soát chính mình hoàn hảo và họ luôn luôn có thể chế ngự các phản ứng có cảm xúc. Tất nhiên, chúng ta biết rằng không phải mọi trường hợp đều như vậy. Điều đó không đúng với chúng ta và cũng không đúng với những người đang trải qua những thách thức về xã hội, kinh tế, tài chính, sức khỏe hoặc các thách thức khác.
Sự khác biệt giữa kinh tế học hành vi và tâm lý học là gì?
Trường Đại học Harvard định nghĩa kinh tế học hành vi là “các biến thể của những giả định trong kinh tế học truyền thống (thường là các giả định với một động cơ về tâm lý) để giải thích và dự đoán về hành vi và đưa ra các khuyến nghị về chính sách”. Ranh giới giữa những khái niệm này có thể bị xóa nhòa, đặc biệt khi xem xét những việc như kêu gọi mọi người hành động để giải quyết tình trạng nghèo đói, cải thiện sức khỏe hoặc giảm tác động tiêu cực của họ đối với môi trường. Trên thực tế, để giải quyết những vấn đề phức tạp như vậy cần có nhiều trường phái tư tưởng khác nhau và cần có sự chồng chéo của những cách tư duy khác nhau này.
Kinh tế học hành vi cũng có mối quan hệ chặt chẽ với các lĩnh vực tâm lý học nhận thức và tâm lý học xã hội, một số nhà tư tưởng hàng đầu thậm chí đã chuyển đổi giữa các lĩnh vực này. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ [American Psychological Association], tâm lý học xã hội “là bộ môn nghiên cứu xem các cá nhân sẽ tác động và bị tác động như thế nào bởi những người khác và bởi môi trường xã hội, môi trường vật chất của họ.” Kinh tế học Hành vi áp dụng những khái niệm này cho các quyết định kinh tế của con người, bên cạnh mô hình tư duy duy lý. Trên thực tế, kinh tế học hành vi giúp bạn hiểu con người sẽ thực sự làm gì trong một số tình huống nhất định và tại sao họ làm như vậy.
Lịch sử kinh tế học hành vi
Các công ty đang nhận ra ‘dữ liệu lớn’ [big data] không hữu ích như họ đã nghe nói, các tập dữ liệu nhỏ hơn nhưng chính xác sẽ giúp trả lời các câu hỏi nhanh hơn và ít tốn kém hơn. (Tạp chí Nextstage Evolution)
Trong bài báo Social Psychology v. Behavioral Economics: 3 Key Differences [Tâm lý học Xã hội và Kinh tế học Hành vi: 3 Điểm Khác biệt Chính] Tiến sĩ Alain Samson đã chia sẻ một hình ảnh rất hay cho thấy mức độ phổ biến của kinh tế học hành vi đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2008.
Tuy nhiên, [để tìm hiểu] những gốc rễ của kinh tế học hành vi thì phải quay lại một khoảng thời gian xa hơn rất nhiều. Vào giữa những năm 1700, Adam Smith đã đưa ra giả thuyết rằng con người, hay nói cách khác là “homo economicus” [con người kinh tế] thường đưa ra các quyết định kinh tế duy lý. Tuy nhiên, trong cuốn sách được xuất bản năm 1759 của mình - The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về những Tình cảm Đạo đức], ông cũng giải thích rằng tâm lý có lỗ hổng của con người ảnh hưởng đến việc ra quyết định. Vào những năm 1770, Benjamin Franklin đã viết về cách thức ra quyết định phức tạp hơn, việc đưa ra một khuôn khổ để so sánh các phương án bằng cách sử dụng “Đại số về Đạo đức hoặc Thận trọng” [Moral or Prudential Algebra], tương tự như một danh sách các ưu và nhược điểm ngày nay. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, kinh tế học truyền thống và “việc ra quyết định duy lý” thậm chí còn ăn sâu hơn vào văn hóa tập thể vì nó được coi là vô cùng hữu ích trong thời chiến và trong sản xuất.
Herbert A. Simon (1916-2001) |
Trong một bài báo trên trang ForeignPolicy.com, Anthropology of an Idea: Behavioral Economics [Một Ý tưởng của Nhân học: Kinh tế học Hành vi] có một dòng thời gian trực quan thú vị về sự tiến triển của kinh tế học hành vi như sau:
Vào năm 2012, các các sách gồm Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty [Kinh tế học về Nghèo khó: Một Tư duy Tiến bộ về Con đường Chống lại tình trạng Đói nghèo trên Toàn cầu] và More Than Good Intentions: Improving the Ways the World’s Poor Borrow, Save, Farm, Learn, & Stay Healthy [Nhiều hơn những ý định tốt: Cải thiện cách vay tiền, tiết kiệm, trang trại, học hỏi và duy trì sức khỏe của người nghèo trên thế giới] đã đưa những quan niệm của kinh tế học hành vi đến khu vực tác động xã hội. Sau đó, vào năm 2015, cuốn The Last Mile [Chặng Cuối cùng] được xuất bản với nỗ lực trình bày rõ ràng mối liên hệ chi tiết giữa các nguyên tắc cụ thể của Kinh tế học Hành vi với các ví dụ cuộc sống thực tiễn; những ví dụ này đến từ những người thực hành tác động xã hội trong các lĩnh vực mà có sử dụng những nguyên tắc đó nhằm tăng khả năng thành công cho các chương trình của họ. Việc ứng dụng tuyệt vời này của kinh tế học hành vi nhằm giải quyết các vấn đề trong thế giới thực đã tạo ra một khối lượng lớn các cuộc thảo luận được tìm thấy trong các bài báo như Behavioral Economics in Action: Using Theory to Drive Social Change [Kinh tế học Hành vi trong Hành động: Sử dụng Lý thuyết để Thúc đẩy sự Thay đổi Xã hội] của Skoll, The New Science of Designing for Humans [Khoa học Mới về Thiết kế dành cho Con người] và How a Nobel Prize in Economics Could Help Solve the Climate Crisis [Giải Nobel Kinh tế Có thể Giúp Giải quyết cuộc Khủng hoảng Khí hậu như thế nào] của SSIR, và Applying Behavioral Economics to the Developing World [Ứng dụng Kinh tế học Hành vi cho một Thế giới đang Phát triển] của NextBillion, những bài báo đó đã dạy những nguyên tắc quan trọng về hành vi cho những ai đang làm việc trong lĩnh vực [tác động xã hội].
Vào năm 2019, Esther Duflo và Abhijit Banerjee đã đạt được giải Nobel cho công trình nghiên cứu của họ về Kinh tế học về Nghèo khó [Poor Economics], và xuất bản cuốn sách thứ hai, Good Economics for Hard Times [Kinh tế học Tốt cho Mùa Khó] nhằm đưa các nguyên tắc của Kinh tế học Hành vi lên vị trí hàng đầu trong việc thực hành tác động xã hội.
"Chúng ta không cần phải ngừng phát minh ra các mô hình trừu tượng nhằm mô tả hành vi của các Econ tưởng tượng. Tuy nhiên, chúng ta phải ngừng giả định rằng các mô hình đó là những mô tả chính xác về hành vi và ngừng đưa ra các quyết định chính sách dựa trên những phân tích thiếu sót đó."
- Richard Thaler, tác giả đạt giải Nobel cho công trình Misbehaving: The Making of Behavioural Economics [Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính: Sự hình thành Kinh tế học Hành vi]
Phần II: Các Nguyên tắc Phổ biến của Kinh tế học Hành vi
Có một sự thật là đứng từ góc độ của kinh tế học hành vi, chúng ta có thể sai lầm, rất dễ bối rối, không hề thông minh và thường phi duy lý. Chúng ta giống Homer Simpson hơn là Superman. Do đó đứng từ quan điểm này thì chúng ta khá là nhàm chán. Nhưng đồng thời ở đây cũng có một lớp vỏ bạc. Có những bữa trưa miễn phí! (Dan Ariely)
Các nguyên tắc của kinh tế học hành vi chắc chắn đã trở thành khuynh hướng chủ đạo, và chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn về các nguyên tắc này trong phần sau. Trước khi bắt đầu, hãy đọc bài báo sau của tờ The Atlantic, The Cognitive Biases Tricking Your Brain [Những Thiên kiến Nhận thức Đánh lừa Bộ não] để có một dẫn nhập tốt nhất về chủ đề này.
Sau đây, bạn sẽ tìm thấy 6 nguyên tắc chính của kinh tế học hành vi và 31 thiên kiến nhận thức minh họa cho sự vận động của những nguyên tắc này.
1
Nguyên tắc: Con người cố gắng chọn phương án khả thi nhất, nhưng đôi khi họ không thành công.
Những thiên kiến minh họa cho nguyên tắc này bao gồm:
- Hiệu ứng Phi tiền mặt [Cashless Effect]: Con người ít có khả năng gian lận về tiền bạc, nhưng sẽ gian lận về giá trị (ví dụ, mọi người sẽ lấy trộm một lon Coke, nhưng lại chẳng thích trộm một tờ đô la). Điều này cũng ảnh hưởng đến lý do tại sao chúng ta lại trả nhiều tiền hơn cho một thứ gì đó nếu nó không dính đến tiền mặt (ví dụ: họ tính phí mua hàng vào thẻ tín dụng). Một doanh nghiệp xã hội đang mở rộng quy mô có thể sử dụng dòng tư duy này để cho phép khách hàng dùng thử miễn phí, trì hoãn quá trình xử lý hay các phương thức khác nhằm [giúp khách hàng] hoãn lại các khoản thanh toán để tăng cường mức độ chấp nhận của họ trong những giai đoạn đầu.
- Mặc định [Defaulting]: Con người thường thích “không cần suy nghĩ” và sẽ chọn một phương án dễ dàng nhất sẵn có. Ví dụ, ở các nước mà có kết hợp việc đăng ký hiến tạng vào quy trình đăng ký giấy phép lái xe, tỷ lệ chọn tham gia là khoảng 80% nếu tùy chọn mặc định cho việc hiến tạng là “có”. Đối với các quốc gia mà phản hồi mặc định cho việc hiến tạng là “không” và người dân phải đánh dấu vào một ô hoặc thực hiện một số thao tác khác để chọn tham gia, tỷ lệ chọn tham gia chỉ là 20%. Các doanh nghiệp xã hội đang mở rộng quy mô có cung cấp các phương thức thanh toán đa dạng thì có thể tận dụng hiệu ứng này bằng cách lấy phương án mà họ muốn khách hàng chọn nhất làm mặc định.
- Ước lượng Giá trị Phi duy lý [Irrational Value Assessment]: Con người thường gán giá trị cho những thứ “phi duy lý”, như thiết kế chai hoặc hình ảnh thẩm mỹ của nhãn dán khi đánh giá giá trị của một chai rượu. Điều này cũng ảnh hưởng đến giá trị mà chúng ta gán cho những thứ mà chúng ta đã góp phần tạo ra (xem hiệu ứng IKEA ở phần sau). Các doanh nghiệp xã hội đang mở rộng quy mô cần tập trung vào những sự lựa chọn mang tính thẩm mỹ, như thiết kế website, bên cạnh việc phát triển chính sản phẩm hay giải pháp của họ.
- Ác cảm Mất mát [Loss Aversion]: Con người thường bị thôi thúc bởi nỗi sợ thua cuộc hơn là được thúc đẩy bởi khả năng chiến thắng. Ví dụ, nếu ai đó nhận được quà tặng là một chai rượu vang có giá 200 đô, họ sẽ cảm thấy mức độ hài lòng chỉ tăng lên một chút. Tuy nhiên, nếu chai rượu đó rơi khỏi quầy và bị vỡ, họ sẽ cảm thấy không hài lòng hơn rất nhiều so với lợi ích họ cảm thấy ban đầu. Thêm ngày hết hạn của trải nghiệm dùng thử miễn phí là một chiến thuật mà các doanh nghiệp xã hội có thể sử dụng để thúc đẩy khách hàng hành động trong thời gian dùng thử.
- Thiên kiến Lạc quan [Optimism Bias]: Mọi người thường đánh giá quá cao xác suất xảy ra các sự kiện tích cực. Mọi người nghĩ rằng họ sẽ đến đúng giờ. Mọi người cho rằng tình hình giao thông sẽ chẳng tệ lắm đâu. Mọi người tin rằng năm tới họ sẽ có thể đạt được các mục tiêu sức khoẻ của mình. Biết rằng con người thường lạc quan về tương lai hơn là nhìn vào thực tế - đây chính là điều quan trọng mà bạn cần phải nhớ khi nhận được ý kiến của họ về việc họ sẽ sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ mới nhiều ít ra sao.
- Quy tắc Đỉnh-Kết [Peak-End Rule]: Khi nghĩ về những trải nghiệm trong quá khứ, con người sẽ nhớ lại những khoảnh khắc cuối cùng và những khoảnh khắc sâu sắc nhất của trải nghiệm đó. Trong một thí nghiệm, nhóm thứ nhất phải nhúng tay vào nước đá trong 30 giây. Nhóm thứ hai nhúng tay vào nước đá trong 60 giây, sau đó ngâm nước ấm trong 30 giây. Nhóm thứ nhất đánh giá trải nghiệm của họ tệ hơn nhóm thứ hai, mặc dù họ chịu đựng vất vả với nước đá trong khoảng thời gian ngắn hơn. Ví dụ, một doanh nghiệp xã hội đầu tư vào những trải nghiệm giáo dục cho người thụ hưởng sẽ có lợi hơn khi kết thúc trải nghiệm với một ghi chú thú vị để mọi người rời đi cùng một sự liên hệ tích cực (ngay cả khi trải nghiệm đó có một khởi đầu chẳng mấy ổn định).
- Ác cảm hối tiếc/Tối thiếu hoá [Regret Aversion/Minimization]: Con người sẽ tận dụng mọi cách để giảm thiểu tối đa cảm giác hối tiếc. Thay vì xem xét tất cả các phương án và tác động có thể xảy ra của các phương án đó để làm cơ sở cho một quyết định, mọi người sẽ xem xét kết quả xấu nhất có thể xảy ra (và cảm giác hối tiếc mà họ sẽ cảm thấy) rồi chọn phương án giảm thiểu tối đa cảm giác hối tiếc, ngay cả khi đó không phải là phương án tốt nhất. Với một doanh nghiệp xã hội cung cấp dịch vụ, phương án nhằm bảo toàn giao dịch mua hàng bằng một chính sách hoàn tiền tương đương có thể giảm thiểu tối đa cảm giác hối tiếc có thể xảy ra và tạo động lực để phương án đó được lựa chọn.
- Nguỵ biện Chi phí Chìm [Sunk Cost Fallacy]: Càng đầu tư vào một thứ gì đó, bạn càng có nhiều khả năng sẽ tiếp tục đầu tư vào nó. Ví dụ, hãy tưởng tượng các nhà đầu tư đã đầu tư vào doanh nghiệp xã hội A. Hai năm sau, các chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp này không đạt như kế hoạch. Các nhà đầu tư đang xem xét đầu tư vào một doanh nghiệp khác - doanh nghiệp xã hội B. Nhưng thậm chí khi doanh nghiệp xã hội B có tiềm lực kinh tế lớn hơn, khả năng cao là các nhà đầu tư vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào doanh nghiệp A do họ đã có thiên kiến về khoản đầu tư trước đó của mình. Một thiên kiến giống như vậy giải thích tại sao các tổ chức phi lợi nhuận tiếp tục quảng bá và phát triển một chương trình ngay cả khi chương trình đó không đạt được kết quả như mong muốn.
2
Nguyên tắc: Mọi người quan tâm (một phần nào đó) về việc các tình huống của họ sẽ như thế nào khi so sánh với các điểm tham chiếu.
Những thiên kiến minh họa cho nguyên tắc này bao gồm:
- Sự thả neo và Định giá theo Giá neo [Anchoring and Anchor Pricing]: Con người thường tạo ra một thiên kiến đối với giá trị của một sản phẩm dựa trên một mẩu thông tin ban đầu hoặc một điểm tham chiếu. Ví dụ, khi Williams Sonoma bán chiếc máy làm bánh mì đầu tiên, mọi người chẳng thể biết được liệu giá của chiếc máy đó là cao hay thấp. Do đó, họ cũng bắt đầu bán một chiếc máy làm bánh mì có chất lượng thương mại tuyệt đỉnh bên cạnh mẫu cơ bản với giá cao hơn rất nhiều. Giờ đây, mọi người có thể nhận thấy mức giá thương mại của một chiếc máy làm bánh mì là bao nhiêu, và do đó họ cho rằng mẫu cơ bản có giá tốt hơn. Sự thả neo, kết hợp với việc định khung, có thể khiến mọi người chọn một phương án này thay vì một phương án khác dựa trên cách mà các phương án đó được so sánh với nhau.
- Lỗi Quy kết Bản chất [Fundamental Attribution Error] và Thiên kiến Tự đề cao bản thân [Self-Serving Bias] có liên quan: Mọi người thường quy kết thành công của họ là do sự tuyệt vời của chính họ, nhưng lại quy thành công của người khác là do may mắn. Mọi người cũng sẽ cho rằng thất bại của họ là do xui xẻo, còn thất bại của người khác là bởi người đó kém cỏi. Một doanh nghiệp xã hội đang vật lộn để mở rộng quy mô có thể đổ lỗi rằng điều này là do các yếu tố kinh tế, “những đối tác không đủ năng lực” hoặc “thời điểm không thuận lợi”. Cùng một doanh nghiệp đó, nếu thành công, họ sẽ quy thành công đó là do trí tuệ và chiến lược của chính họ.
- Hiệu ứng chim mồi [Decoy Effect] hoặc Phương án thay thế Thống trị [Dominated Alternatives]: Việc đưa ra một phương án thứ ba kém hơn sẽ ảnh hưởng đến cách mọi người lựa chọn giữa hai phương án. Giả sử bạn khảo sát một đám đông để xem liệu họ muốn: (A) một chuyến đi đến Rome đã được trả tiền đầy đủ, hay (B) một chuyến đi đã được trả tiền đủ đến Paris. Giả sử có nhiều người chọn phương án A. Bây giờ, giả sử bạn thêm một phương án khác: (C): một chuyến đi được trả tiền đầy đủ đến Rome, nhưng phải trả thêm chi phí cho vé máy bay. Trong trường hợp này, với sự ra đời của phương án thứ ba tệ hơn hai phương án trước, giờ đây sẽ có nhiều người chọn B hơn, bởi vì phương án kém hơn này [phương án C] khiến cho phương án được so sánh với nó [phương án B] có vẻ có giá trị hơn.
- Định khung [Framing]: Sự lựa chọn của con người bị ảnh hưởng bởi từ ngữ, tình huống và/hoặc bối cảnh mà sự lựa chọn đó được đưa vào (ví dụ: hầu hết mọi người sẽ muốn được phẫu thuật hơn khi họ được trình bày rằng mình có tỷ lệ sống sót là 90%; so với một cuộc phẫu thuật giống như vậy nhưng được đưa ra tỷ lệ tử vong là 10%). Áp dụng logic tương tự đối với một doanh nghiệp xã hội đang huy động vốn cho một chương trình mới; nếu doanh nghiệp đó tiếp cận các nhà tài trợ với thống kê rằng chương trình sẽ cứu được 90% sinh mạng thì doanh nghiệp có khả năng sẽ huy động được nhiều tiền hơn so với việc đưa ra thống kê cho các nhà tài trợ rằng sẽ vẫn có 10% dân số không được phục vụ.
- Khoảng cách Thấu cảm Nóng-Lạnh [Hot-Cold Empathy Gap]: Con người thường đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc của họ tại từng thời điểm. Ví dụ, những học sinh tham gia một lớp học về sức khỏe sinh sản có khả năng sẽ đưa ra các lựa chọn an toàn nếu được hỏi về vấn đề đó trong lớp học; nhưng nhiều học sinh trong số đó sẽ đưa ra các lựa chọn khác với dự đoán khi họ đang ở trong “trạng thái lạnh” của lớp học hay khi ở “trạng thái nóng”, ví dụ như ở một buổi hẹn hò. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề tình dục mà có thể bao gồm việc những học sinh đó bị cám dỗ bởi thức ăn, đồ uống, thuốc men không lành mạnh hoặc thậm chí là cách xử lý tình huống nghề nghiệp không phù hợp.
- Mồi [Priming]: Hành vi của con người sẽ bị thiên lệch nếu họ được dẫn dắt để xem xét một yếu tố cụ thể của một sản phẩm trước khi cân nhắc mua toàn bộ sản phẩm. Ví dụ, ai đó đang xem xét mua hai mẫu lò bếp clean-burning khác nhau; nếu ban đầu người mua tập trung vào một điều gì đó chẳng hạn như giá dịch vụ là bao nhiêu, thì họ sẽ tập trung nhiều hơn vào yếu tố đó khi đưa ra quyết định cuối cùng chứ chẳng phải là một quyết định nào khác mà họ có thể chọn.
- Hiệu ứng Miễn phí [Zero-Price Effect]: Con người thường phản ứng thái quá đối với những thứ miễn phí, và thậm chí họ sẽ tiêu tốn nhiều tiền của hơn để có được thứ gì đó miễn phí (chẳng hạn như họ chi nhiều tiền để mua vé số hơn so với giá trị của chính giải thưởng khi trúng số.) Giá trị của một vật, đặc biệt khi người sử dụng đã hy sinh để có được nó, sẽ được đánh giá quá cao, điều này có thể khiến các giải pháp tốt hơn khó thâm nhập vào thị trường.
3
Nguyên tắc: Con người có vấn đề về tự kiểm soát.
Những thiên kiến minh họa cho nguyên tắc này bao gồm:
- Thiên kiến Xác nhận [Confirmation Bias]: Con người luôn tìm kiếm và ghi nhận thông tin để củng cố những niềm tin hiện hữu trong họ. Ví dụ, những người làm việc phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng thông qua một tổ chức tôn giáo sẽ tin rằng những ai không tin vào thượng đế của họ sẽ bị trừng phạt. Khi họ nhìn thấy những người không có chung niềm tin tôn giáo với họ đang sống trong cảnh nghèo đói, thì giả định trên càng được củng cố hơn.
- Chứng Mệt mỏi vì Quyết định [Decision Fatigue]: Con người bị hạn chế về khả năng ra quyết định, và càng phải đưa ra nhiều quyết định thì những quyết định đó càng trở nên tồi tệ. Ví dụ, những người sống trong cảnh nghèo đói phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn liên quan đến sự sống còn từng ngày; điều đó làm giảm khả năng của họ khi ra quyết định về những việc khác, chẳng hạn như đầu tư vào học tập, kinh doanh hay những hành động mà vốn dĩ chẳng thể có sự đáp lại ngay tức thì.
- Thiên kiến Nhận thức muộn [Hindsight Bias]: Khi nhớ lại một sự kiện có tính lịch sử, con người nhiều khả năng tự cho mình là người thông minh và có hiểu biết hơn những gì họ đã thực sự thể hiện trong sự kiện đó. Ví dụ, những người cố vấn kinh doanh sẽ hướng dẫn cho các doanh nhân học hỏi từ những sai lầm của chính họ; những người cố vấn này thường mắc phải cái nếp suy nghĩ “biết tất cả”, thường nói với các doanh nhân những câu đại loại như “Tôi biết việc đó sẽ chẳng hiệu quả đâu”. Do vậy, điều này có thể khiến việc tìm ra nguyên nhân gốc rễ của sai lầm và hướng dẫn các doanh nhân cách tránh những sai lầm tương tự trong tương lai trở nên khó khăn hơn.
- Tiêu dùng Vô tội vạ [Mindless Consumption]: Nếu một mặt hàng nào đó rất dễ có sẵn hoặc nếu những lượng lớn hơn của mặt hàng đó đã được cung cấp rồi, mọi người sẽ càng tiêu dùng nó vô tội vạ hơn. Trong văn phòng hay ở nhà, một hành động đơn giản là đem những viên kẹo khuất khỏi tầm mắt những người ở đó và thay thế bằng trái cây sẽ làm giảm trọng lượng trung bình của họ. Ví dụ, nếu bạn đang cố gắng giải quyết tình trạng béo phì của một cộng đồng thì việc làm đơn giản là đem giấu những thứ mà mọi người nên tránh xa khuất khỏi tầm mắt của họ, đồng thời khiến những điều lành mạnh hơn thay thế cho chúng trở nên dễ nhìn thấy và luôn có sẵn; hành động đó có thể giúp cải thiện các kết quả.
- Sự dối trá Hợp lý hoá [Rationalized Dishonesty]: Con người có thể tự biện minh cho chính mình về những hành động nhỏ mà họ biết rõ là sai. Họ có thể duy lý hóa rằng những người thực hiện hành vi gian lận nhỏ, như tội phạm hoặc trộm cắp chẳng hạn, thì vẫn là người tốt, bất chấp một điều quan trọng cần lưu ý là ai cũng có thể dễ dàng sa ngã.
4
Nguyên tắc: Mặc dù chúng ta chủ yếu quan tâm đến sự đền đáp vật chất của chính mình, nhưng chúng ta cũng quan tâm đến những hành động, những ý định và những sự đền đáp của người khác, thậm chí là cả những người ngoài gia đình của chúng ta.
Những thiên kiến minh họa cho nguyên tắc này bao gồm:
- Hiệu ứng Đoàn tàu / Tâm lý Bầy đàn [Bandwagon Effect / Herd Mentality]: Con người thường sẽ chọn các phương án thông dụng hơn, từ đó củng cố thêm mức độ thông dụng của các phương án đó. Ví dụ, một tổ chức chính phủ lớn đầu tư tiền vào một loại vật dụng nhất định để phòng chống sốt rét, chẳng hạn như màn ngủ. Phương án này bùng phát lên và ngày càng có nhiều tổ chức lan rộng nó, ngay cả khi dữ liệu cho thấy còn nhiều biện pháp phòng chống sốt rét khác hiệu quả hơn. Tuy nhiên, càng nhiều tổ chức tham gia vào [đoàn tàu này] sẽ càng tiếp tục củng cố độ thông dụng của phương án.
- Hiệu ứng Hào quang và Gào thét [Halo and Horns Effect]: Ấn tượng chung của một người về người hoặc vật khác ảnh hưởng đến cách họ cảm nhận về người đó hoặc vật đó trong thời gian dài. Chẳng hạn, hãy tưởng tượng bạn là một tổ chức phi lợi nhuận gia nhập một cộng đồng mới với hy vọng cung cấp các dịch vụ. Nếu ấn tượng đầu tiên của tổ chức về bạn là tiêu cực - giả sử, bạn bị coi là kiêu ngạo - thì ngay cả khi bạn thể hiện được năng lực của mình, ấn tượng đầu tiên đó sẽ vẫn tồn tại rất lâu. Điều này đúng với những cách nhìn nhận tích cực lẫn tiêu cực.
- Đồng thuận Giả [False Consensus]: Con người thường đánh giá quá cao mức độ đồng thuận của người khác đối với họ.
- Hiệu ứng IKEA: Con người thường quy giá trị của các sản phẩm do chính họ tạo ra cao hơn giá trị mà thị trường thực sự sẽ trả. Ví dụ, nếu bạn đã hỗ trợ thi công một chiếc kệ Ikea, bạn có thể cho rằng hiện tại giá trị của nó là 50 đô. Tuy nhiên, nếu bạn thử bán nó, bạn chỉ có thể kiếm được 30 đô. Chúng ta thường gắn bó với những thứ chúng ta đã tạo ra, và do đó, việc để khách hàng và những người thụ hưởng tham gia vào quy trình chế tạo sản phẩm hay cung cấp dịch vụ sẽ khiến họ định giá sản phẩm/dịch vụ đó cao hơn.
- Nỗi đau phải Chi trả hoặc Giảm giá Tạm thời [Pain of Payment or Temporal Discounting]: Con người trải qua cảm giác mất mát sâu sắc hơn khi sự mất mát đó xảy ra gần với một khoản thanh toán. Ví dụ, nếu bạn chi 5 đô mua một ít trái cây tươi và sau đó làm rơi xuống đất để rồi chúng trở thành thứ vứt đi, bạn sẽ cảm thấy bực bội và sẽ than thở về sự vụng về của mình trong lúc bước ra khỏi cửa hàng. Nhưng nếu bạn chi 5 đô mua một ít trái cây tươi, bạn mang về nhà, bỏ quên chúng, và hai tuần sau bạn chợt nhớ đến chúng ở trong ngăn cuối cùng của tủ lạnh, bạn phát hiện ra chúng đã bị ẩm mốc rồi, bạn lại gần như chẳng thấy bực bội chút nào. Tại sao như vậy? Càng xa một khoản thanh toán, sự mất mát sẽ càng ít gây đau đớn hơn. Chiết khấu theo thời gian trái ngược với điều này theo nghĩa là, bạn sẽ nhận ít tiền hơn hôm nay thay vì nhiều tiền hơn trong tương lai.
- Các Chuẩn mực Xã hội: Những ai đang ở xung quanh chúng ta và mối quan hệ giữa chúng ta với họ thân thiết đến mức nào sẽ ảnh hưởng đến những gì chúng ta làm. Khi doanh nghiệp xã hội của bạn giới thiệu một chương trình giáo dục mới cho một nhóm phụ huynh, nếu họ không nhìn thấy các phụ huynh khác tham gia chương trình đó, họ cũng sẽ không tham gia (ngay cả khi đó là một lựa chọn ưu việt.) Điều quan trọng cần lưu ý là các chuẩn mực xã hội áp dụng lên những gì mà mọi người thấy người khác làm, chứ không phải là những gì mà mọi người nghĩ người khác nên làm. Theo Thaler, “Phương pháp tiếp cận các chuẩn mực xã hội nói lên rằng hành vi của chúng ta bị ảnh hưởng bởi những nhận thức sai lệch về cách mà các thành viên khác trong các nhóm xã hội của chúng ta suy nghĩ và hành động”.
- Mặc định Tin cậy: Mọi người có thiên kiến tin cậy những người giống như họ. Ví dụ, nếu bạn làm việc với một đối tác mới, đối tác đó sẽ có nhiều khả năng tin cậy các đối tác mà họ hiện có hơn là tin cậy bạn.
5
Nguyên tắc: Đôi khi trao đổi thị trường khiến cho các yếu tố tâm lý không còn là vấn đề nữa, thế nhưng ngay cả trên thị trường đó, nhiều yếu tố tâm lý [khác] vẫn là vấn đề.
Những thiên kiến minh họa cho nguyên tắc này bao gồm:
- Hiệu ứng Mơ hồ [Ambiguity Effect]: Con người thường sẽ chọn những kết quả đã biết thay vì sự không chắc chắn. Ví dụ, mọi người có xu hướng chọn một sản phẩm có đánh giá trực tuyến ở mức trung bình hơn là một sản phẩm mới chưa có đánh giá nào cả.
- Thiên kiến về điều Sẵn có [Availability Bias]: Những gì con người có thể nhớ lại gần đây sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ và trí nhớ của họ. Đặc biệt, khi ở trạng thái căng thẳng hoặc lúc đối mặt với các cơ hội ra quyết định trong ngắn hạn, mọi người thường đánh giá quá cao những điều họ có thể nhớ lại trong trí nhớ của mình. Giả sử bạn đang tiến hành nghiên cứu để xem xét liệu những sự can thiệp tác động xã hội của bạn có hiệu quả hay không. Bạn phỏng vấn những đối tượng thụ hưởng, và hỏi họ những câu hỏi liên quan đến trí nhớ của họ, có thể là bao lâu thì họ rửa tay một lần. Thiên kiến về sự Sẵn có nghĩa là họ sẽ nghĩ về những điều họ đã làm vào ngày hôm đó và sử dụng thông tin đó để thông báo xu hướng tổng thể của họ là gì, bất luận rằng điều đó không thực sự chính xác.
- Tương quan Ảo tưởng [Illusory Correlation]: Con người thường nhầm lẫn giữa sự tương quan (hai điều xảy ra cùng một lúc) với nhân quả (điều này khiến điều kia xảy ra.) Chỉ bởi vì có những xu hướng trong một tập dữ liệu không có nghĩa là điều này gây ra điều kia. Ví dụ, hãy tưởng tượng rằng một tổ chức phi lợi nhuận bắt đầu hoạt động trong một cộng đồng để cải thiện giáo dục ở các trường học nội thành, và họ nhận thấy tỷ lệ bỏ học giảm xuống. Họ có thể tuyên bố rằng công việc của họ đã giúp làm giảm tỷ lệ bỏ học, nhưng rất có thể việc tỷ lệ bỏ học giảm xuống chỉ là có tương quan với sự xuất hiện công việc của họ mà thôi (có lẽ học khu đã thực hiện chương trình sau giờ học tốt hơn hoặc đã tăng kinh phí đào tạo giáo viên).
- Tổ chức việc ra Quyết định [Decision Staging]: Khi con người xem xét các phương án, họ sẽ có xu hướng chia quyết định thành nhiều giai đoạn hoặc nhiều yếu tố, sau đó họ đánh giá một yếu tố riêng lẻ của phương án này so với yếu tố tương tự trong phương án kia. Ví dụ, một người đang cần quyết định chọn trường học cho con của họ, họ sẽ chia thành các yếu tố như giáo viên, cơ sở vật chất, vị trí, v.v., sau đó họ sẽ so sánh với những yếu tố tương tự của các trường khác để giúp duy lý hóa quyết định của họ.
- Lý thuyết Triển vọng [Prospect Theory]: Tổn thất và lợi lộc thường được định giá khác nhau, và con người sẽ bị thiên lệch sang hướng chắc thắng nhằm tránh những tổn thất có thể xảy ra. Một số nghiên cứu cho thấy chi phí tâm lý của một sự tổn thất có sức mạnh gấp đôi so với một sự thắng cuộc. Ví dụ: nếu bạn đưa cho ai đó một sự lựa chọn giữa việc chắc chắn có 100 đô và 50% cơ hội giành được 1.000 đô, hầu hết mọi người sẽ chọn phương án đầu tiên mặc dù phương án thứ hai có mức lợi nhuận tiềm tàng cao hơn.
- Tự chấp (thường liên quan đến thiên kiến tự đề cao bản thân): Con người có thể từ bỏ nỗ lực để tránh mạo hiểm chính mình và làm tổn hại đến cái tôi của họ. Ví dụ, một người nào đó sẽ trì hoãn việc ôn tập cho một kỳ thi cuối kỳ quan trọng, để dẫu cho kết quả thi không đạt, họ vẫn có thể đổ thừa cho một điều gì đó chứ không phải là họ không có khả năng làm tốt.
6
Nguyên tắc: Về lý thuyết, việc hạn chế những sự lựa chọn của con người có thể phần nào đó bảo vệ họ tránh những thiên kiến về hành vi của chính họ, nhưng trên thực tế, chủ nghĩa gia trưởng độc đoán có một hồ sơ theo dõi phức tạp và thường không phổ biến.
Những thiên kiến minh họa cho nguyên tắc này bao gồm:
- Kiến trúc Lựa chọn [Choice Architechture]: Kiến trúc cho sự lựa chọn không nhất thiết là một nguyên tắc như những nguyên tắc khác trong danh sách này, nó là một thuật ngữ được sử dụng để suy nghĩ về việc làm sao sử dụng kinh tế học hành vi để trình bày các phương án trước mọi người. Một người có thể trở thành một “kiến trúc sư lựa chọn” bằng cách sử dụng các nguyên tắc kinh tế học hành vi như thả neo, mồi và định khung. Khuôn khổ 4P của trường đại học Yale là một nguồn thông tin khổng lồ về chủ đề này.
- Tư duy Hệ thống Kép [Dual System Thinking]: Bộ não của con người có hai hệ thống, Hệ thống 1 và Hệ thống 2. Hệ thống 1 thì nhanh, vô thức, tự động và hữu ích cho các quyết định hàng ngày (nhưng cũng rất dễ mắc lỗi). Hệ thống 2 thì chậm, có ý thức, có nỗ lực và hữu ích trong việc đưa ra các quyết định lớn bởi vì nó có khả năng tạo ra các kết quả tốt hơn. Ví dụ, một doanh nhân xã hội có thể quát mắng một thành viên trong nhóm vì đã không hành động theo cái cách mà anh ta cảm thấy người đó nên hành động (hệ thống 1), nhưng sau đó, khi đưa ra lời khuyên cho một doanh nhân khác, anh ta lại khuyến khích người này tạo ra một môi trường an toàn cho tất cả các thành viên trong nhóm, chấp nhận rủi ro và gánh lấy thất bại (hệ thống 2).
- Con voi, Người quản tượng và Con đường [The Elephant, Rider, and Path]: Đây là một cách khác để khái niệm hoá về sự tương tác giữa các bộ phận khác nhau trong bộ não của chúng ta. Ở mô hình này, tâm trí của chúng ta có một con voi (một loài động vật to lớn, có tình cảm và khó để di chuyển nó), một người cưỡi (một con người duy lý, luôn hướng về tương lai) và một con đường (một con đường an toàn để tiến lên phía trước). Để di chuyển được, cả ba cần phải cùng đi về một hướng. Công việc của người cưỡi là hướng dẫn và thúc đẩy con voi đi theo con đường sáng sủa mà họ tin rằng đây là một ý tưởng không tồi.
- Cú hích [Nudges]: Những ảnh hưởng nhỏ hay còn gọi là “Nudge – Cú hích”, sẽ thay đổi cách con người đưa ra lựa chọn. Thay một bát kẹo bằng một bát trái cây chính là một cú hích. Đặt điện thoại di động của bạn trong một căn phòng khác khi bạn cần tập trung vào công việc cũng là một cú hích. Nudges – cú hích là những thay đổi nhỏ giúp mọi người dễ dàng áp dụng những lựa chọn về lối sống mà họ mong muốn (hoặc bạn muốn họ áp dụng).
“Nếu tất cả chúng ta đều mắc phải những sai lầm có hệ thống trong các quyết định của mình, vậy tại sao không phát triển các chiến lược, công cụ và phương pháp mới nhằm giúp đưa ra các quyết định tốt hơn và gia tăng sự thịnh vượng chung của chúng ta?”
- Dan Ariely, tác giả của Phi lý trí
Phần III: Bắt đầu Sử dụng Kinh tế học hành vi cho Tác động Xã hội
Cass Sunstein (1954-) Richard Thaler (1945-)
Thực hiện Kiến trúc cho sự Lựa chọn
Trong Nudge, Thaler và Cass có 6 nguyên tắc về kiến trúc cho một sự lựa chọn tốt, có thể sắp xếp chúng theo cách nhớ về NUDGES.
- iNcentives (Các khuyến khích)
- Understand mappings (Hiểu các ánh xạ)
- Defaults (Các mặc định)
- Give feedback (Đưa ra phản hồi)
- Expect error (Lỗi kỳ vọng)
- Structure complex choices (Những sự lựa chọn phức tạp theo hệ thống)
Thiết kế một Cú hích Hành vi
Để thiết kế một cú hích hiệu quả, Thaler và Cass đưa ra hướng dẫn sau:
- Tất cả các hành động thực hiện cú hích phải minh bạch và không được gây hiểu lầm.
- Việc tránh một cú hích càng dễ dàng càng tốt, lý tưởng nhất là chỉ với một cú nhấp chuột.
- Cần có lý do chính đáng để tin rằng hành vi đang được khuyến khích sẽ gia tăng lợi ích của những ai thực hiện.
- Thay đổi sự khích lệ theo các hành vi được mong muốn.
- Cung cấp phản hồi rõ ràng, dễ thấy và ngay lập tức để củng cố các hành động mong muốn.
- Đơn giản hóa và cơ cấu hoá các lựa chọn khi các tham số ra quyết định là phức tạp.
- Hiển thị rõ ràng các mục tiêu và trạng thái hiệu quả.
Một Khuôn khổ Giúp Thay đổi Hành vi
Trong cuốn Switch: How to Change Things When Change is Hard [Thay đổi: Bí quyết thay đổi khi thay đổi trở nên khó khăn], anh em nhà Heath đưa ra một khuôn khổ rất hữu ích nhằm giúp bạn nghĩ về những điều cần thiết để thay đổi hành vi của chính bạn, hoặc để hỗ trợ người khác nếu họ quan tâm đến việc thay đổi chính mình. Anh em nhà Heath yêu cầu bạn tưởng tượng về một người cưỡi voi đang cố gắng đưa con voi đi đâu đó. Để làm điều này, bạn cần:
1. Điều khiển người cưỡi| Người cưỡi là một bộ phận duy lý trong bộ não của chúng ta, sử dụng dữ liệu và chứng cứ để duy lý hóa một quyết định.
2. Động viên con voi | Con voi là phần cảm xúc (và phi duy lý) trong bộ não của chúng ta. Đó cũng là phần quan trọng nhất - nó phải được gắn kết về mặt cảm xúc để đi theo hướng mà “người cưỡi” duy lý muốn nó đi.
3. Định hình đường đi
| Giúp bạn dễ dàng đi từ điểm này đến điểm khác bằng cách điều khiển người
cưỡi và con voi theo một con đường rõ ràng.
Giúp Ý tưởng được Lan toả
Trong cuốn Contagious [Hiệu ứng lan truyền], Jonah Berger chia sẻ 6 BƯỚC để giúp các ý tưởng được lan tỏa:
Quy trình Thiết kế những sự Can thiệp nhằm Thay đổi Hành vi Hiệu quả Hơn
- Nhận dạng một sự thấu suốt để nhìn ra khoảng cách giữa thế giới như nó vốn có (thế giới thực) và thế giới như bạn mong muốn (thế giới lý tưởng).
- Soạn thảo một tuyên bố về hành vi bằng cách sử dụng mẫu: Khi (đối tượng) (có động lực) và họ (đáp ứng những hạn chế này) thì họ sẽ (có hành vi) như được đo lường bằng (dữ liệu). Ví dụ, thế giới của Uber sẽ là: “Khi (mọi người) (muốn đi từ Điểm A đến Điểm B) và họ (có điện thoại thông minh có thể kết nối và hình thức thanh toán điện tử), họ sẽ (sử dụng Uber với 50% lần di chuyển.”
- Vạch ra những áp lực cạnh tranh đang cản trở cư dân của bạn, đó là những lý do không nên làm điều gì đó - tín hiệu ức chế [inhibitory cues] - và lý do để làm điều gì đó - tín hiệu xúc tiến [promotion cues].
- Thử nghiệm các tín hiệu ức chế và tín hiệu xúc tiến khác nhau nhằm giúp tạo ra hành vi mong muốn.
“Dự đoán làm thế nào mọi người thiếu sót trong quá trình ra quyết định mang đến cho các doanh nhân xã hội cơ hội để đưa ra các thông điệp của họ theo cách phù hợp nhằm thúc đẩy thay đổi xã hội tích cực.”
- Rory Wilding
Phần IV: 8 Bước để Áp dụng Kinh tế học Hành vi nhằm Tác động đến Xã hội
“Mọi người đều nghĩ đến việc thay đổi thế giới, nhưng không ai nghĩ đến việc thay đổi chính mình.” (Leo Tolstoy)
Tại Học viện MovingWorlds, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “tư duy doanh nghiệp xã hội” [social enterprise thinking] để xác định một phương pháp chia thành nhiều giai đoạn nhằm tạo ra những giải pháp bền vững cho các vấn đề.
Trong bản hướng dẫn này, chúng tôi đã trình bày chi tiết về 6 giai đoạn của quá trình ở phần trên, bao gồm việc kêu gọi sự hỗ trợ và xem xét lại đạo đức, những điều rất quan trọng khi tìm cách tác động làm thay đổi hành vi. Điều này đưa chúng ta đến 8 giai đoạn khác nhau nhằm cố gắng mang lại sự thay đổi xã hội trong đó các nguyên tắc kinh tế học hành vi cần được xem xét:
- Hiểu chính mình
- Xây dựng đội nhóm để thực hiện các công việc có tác động
- Hiểu những người mà bạn đang tìm cách phục vụ họ
- Phát triển các giải pháp
- Triển khai các ý tưởng
- Duy trì và phát triển các chương trình tác động xã hội
- Thúc đẩy các hệ thống khởi động một phong trào
- Rà soát và xem xét các khía cạnh đạo đức liên quan đến dự án
Trong 8 giai đoạn dưới đây, chúng tôi đề xuất các nguyên tắc kinh tế học hành vi quan trọng nhất nên được sử dụng, cũng như một số sách, bài báo và bài nói chuyện hay để giúp bạn tìm hiểu thêm về từng giai đoạn.
1
Hiểu chính mình
“Hầu hết mọi người đều muốn thay đổi thế giới để cải thiện cuộc sống của họ, nhưng thế giới mà họ cần thay đổi trước hết chính là thế giới bên trong mình.” (John C. Maxwell)
Nếu bạn đang bắt tay vào một hành trình tạo ra tác động tích cực đến người khác, bạn phải bắt đầu bằng cách nhìn lại chính mình. Những thiên kiến, câu chuyện và trải nghiệm của chúng ta sẽ ảnh hưởng đến lý do và cách chúng ta tham gia vào công việc phát triển toàn cầu, và không phải lúc nào những thiên kiến, câu chuyện và trải nghiệm đó cũng giúp mọi việc trở nên tốt hơn.
Dành thời gian để tìm hiểu xem chúng ta có những động lực nào để tham gia vào công việc tác động xã hội là bước đầu tiên cần thiết để tránh các dự án quá vị kỷ, chỉ mang lại lợi ích cho một số nhóm người không đúng đối tượng. Làm sao để bạn khám phá chính mình với việc sử dụng các nguyên tắc của kinh tế học hành vi?
Các nguyên tắc kinh tế học hành vi chính (được định nghĩa ở trên) sẽ hữu ích để xem xét sâu hơn trong giai đoạn này:
- Thiên kiến lạc quan của chính bạn có thể đánh lừa bạn nghĩ rằng thành công của bạn là chắn chắn, bạn tạo ra những điểm mù trong việc lập kế hoạch dự phòng hay tư duy bằng các chi tiết phức tạp.
- Rất có thể thiên kiến xác nhận cũng sẽ khiến bạn đi tìm kiếm thông tin xác nhận thế giới quan hiện hữu trong bạn, thay vì nghi ngờ nó.
- Các chuẩn mực xã hội cũng có khả năng ảnh hướng đến cách thức mà bạn tiếp cận để tạo ra một tác động tích cực, nhưng hãy luôn nhớ rằng chỉ vì những người xung quanh bạn thực hiện theo một cách nhất định không có nghĩa đó chính là cách tốt nhất (bản hướng dẫn này có thể giúp bạn học được cách thức phù hợp đạo lý nhất và bền vững nhất để tham gia vào công việc gây tác động.)
Để
hiểu rõ hơn về chính mình và động lực của bạn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công
việc bạn làm để tạo ra tác động xã hội, hãy xem xét các nguồn thông tin sau:
- Đọc: Stumbling on Happiness [Tình cờ gặp hạnh phúc] của Dan Gilbert (xem bản tóm tắt hay ở đây) và Originals: How Non-Conformists Move the World [Tư duy Ngược Dịch chuyển thế giới] của Adam Grant (xem bản tóm tắt hay ở đây)
- Xem: Bài nói chuyện trên TED Our Buggy Moral Code [Mật mã Đạo đức Buggy của chúng ta] của Dan Ariely
- Đọc nhanh: What Motivates People to Participate in Civil Society? [Điều gì Thúc đẩy Mọi người Tham gia vào Xã hội Dân sự?] trong SSIR
- Lấy cảm hứng từ: What Motivates the Best Social Entrepreneurs? [Điều gì là Động lực cho các Doanh nhân Xã hội Giỏi nhất?] của Đại học Northeastern
2
Xây dựng đội nhóm để thực hiện công việc có tác động
Các dự án tạo tác động xã hội vốn dĩ đòi hỏi nhiều tổ chức và cá nhân cùng tham gia. Với sự phát triển của các hệ thống khởi nghiệp [systems entrepreneurship] và mạng lưới lãnh đạo [network leadership], xu hướng này sẽ tiếp tục. Với tư cách là người lãnh đạo hoặc là người đóng góp của một đội nhóm, việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế học hành vi có thể giúp bạn và nhóm của bạn hoạt động tốt nhất.
Các nguyên tắc kinh tế học hành vi chính (được định nghĩa ở trên) sẽ hữu ích cho bạn trong giai đoạn này:
- Hãy nhớ rằng khi bạn bắt đầu làm việc với những người khác, họ có hệ thống kép: một hệ thống có cảm xúc, phi duy lý, phản ứng nhanh chóng và một hệ thống khác duy lý hơn, suy nghĩ thấu đáo mọi thứ một cách chậm rãi và có phương pháp. Khi xây dựng nhóm, bạn cần đảm bảo rằng bạn có thể nhanh chóng xây dựng được lòng tin và để làm được điều này, bạn cần phải làm quen với cả hai hệ thống đó ngay từ ban đầu
- Hiệu ứng đoàn tàu sẽ giúp cho việc thu hút thêm sự hỗ trợ trở nên dễ dàng hơn một khi bạn tạo dựng đà phát triển bằng cách tiếp nhận những người liên quan chính lên đoàn tàu đó... hoặc có thể khiến cho công việc của bạn trở nên khó khăn hơn nếu mọi người đang hướng tới các mạng lưới phổ biến khác một cách phi duy lý, mặc dù chúng chẳng hề hiệu quả.
- Định khung Quyết định có thể ảnh hưởng đến việc mọi người có sẵn sàng tham gia nhóm hoặc nỗ lực của bạn hay không, vì vậy hãy đảm bảo đưa ra các phương án bằng những từ ngữ được lựa chọn cẩn thận và trong bối cảnh phù hợp. Bắt lấy một ai đó đang trên đường ra khỏi cửa chắc chắn không phải là thời điểm tốt nhất để thực hiện câu hỏi!
Để
hiểu rõ hơn về cách xây dựng đội nhóm tốt nhất nhằm tạo ra tác động xã hội, hãy
xem xét các nguồn thông tin sau:
- Đọc: Thinking, Fast and Slow [Tư duy Nhanh và Chậm] (xem bản tóm tắt hay ở đây) và More Than Good Intentions: Improving the Ways the World’s Poor Borrow, Save, Farm, Learn, & Stay Healthy [Hơn cả những Ý tưởng Tốt: Cải thiện Cách thức Vay, Tiết kiệm, Trồng Trọt, Học tập, & Duy trì Sức khoẻ của Người nghèo trên Thế giới] (xem bản tóm tắt hay ở đây)
- Xem: Bài nói chuyện trên TED Start With Why: How Great Leaders Inspire Action [Bắt đầu Với câu hỏi Tại sao: Cách các nhà Lãnh đạo Vĩ đại Truyền cảm hứng Hành động] của Simon Sinek
- Đọc nhanh: The New Network Leader [Nhà Lãnh đạo Mạng lưới Mới] trong SSIR
- Lấy cảm hứng từ: A Network Approach to a No-Kill Nation [Phương pháp tiếp cận Mạng lưới tới một Quốc gia Không-Giết-Người]
3
Hiểu những người bạn đang tìm cách phục vụ và thực trạng của môi trường mà bạn đang bước vào
Trước khi bắt đầu bất kỳ dự án nào, điều quan trọng là phải dành thời gian để hiểu thực trạng của hệ thống bạn muốn vận hành và vấn đề mà bạn muốn giải quyết. Chúng tôi nghĩ rằng các khuôn khổ chẳng hạn như Phát triển Cộng đồng Dựa trên Tài sản (Asset Based Community Development - ABCD), Lập bản đồ hệ thống [Systems Mapping] và Thiết kế lấy Con người làm Trung tâm [Human-Centered Design] thì đặc biệt hữu ích trong việc hiểu rõ thực trạng của mọi vấn đề. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu và tìm hiểu, bạn sẽ muốn xem xét kinh tế học hành vi có thể ảnh hưởng đến hành vi như thế nào.
Các nguyên tắc kinh tế học hành vi chính (được định nghĩa ở trên) sẽ hữu ích để xem xét ở giai đoạn này:
- Xem xét khoảng cách thấu cảm tồn tại giữa hai trạng thái: khi mọi người đang trong các cuộc phỏng vấn tìm hiểu người sử dụng và tại thời điểm bạn đang tìm cách hỗ trợ họ
- Phòng tránh chứng mệt mỏi vì quyết định bằng cách giới hạn số lượng các phương án mà mọi người phải chọn và ảnh hưởng của chúng đối với tính duy lý trong một khoảnh khắc
- Xem xét mức độ ác cảm mất mát và việc giảm thiểu tối đa cảm giác hối tiếc có thể ảnh hưởng như thế nào đến những người thụ hưởng mục tiêu của bạn khiến họ đưa ra những lựa chọn khác với những lựa chọn bạn dự đoán
- Đảm bảo rằng bạn và tổ chức của bạn tạo được một ấn tượng ban đầu tốt đẹp, từ đó hiệu ứng hào quang và gào thét sẽ giúp bạn để lại cho mọi người một cái nhìn tích cực lâu dài, công việc của bạn sẽ dễ dàng hơn, nếu không nó sẽ khó khăn hơn.
Để hiểu rõ hơn về việc làm thế nào để thực sự hiểu những người bạn đang phục vụ với kinh tế học hành vi, hãy xem xét các nguồn thông tin sau:
Đọc: Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty [Kinh tế học về Nghèo khó: Một Tư duy Tiến bộ về Con đường Chống lại tình trạng Đói nghèo trên Toàn cầu], Freakonomics [Kinh tế học Hài hước] và Switch: How to Change Things When Change is Hard [Thay đổi: Bí quyết thay đổi khi thay đổi trở nên khó khăn]- Xem: Bài nói chuyên trên TED How to Make Choosing Easier [Làm thế nào để Lựa chọn Dễ dàng hơn] của Sheena Iyengar, Choice, Happiness, & Spaghetti Sauce [Lựa chọn, Hạnh phúc và Súp Spaghetti] của Malcom Gladwell và Why People Believe Weird Things [Tại sao Con người lại Tin vào những Điều Kỳ lạ] của Michael Shermer
- Đọc nhanh: A Nobel Prize Winner on Rethinking Poverty (and Business) [Người đạt giải Nobel với tác phẩm Tư duy lại về Nghèo đói (và Kinh doanh)] trên HBR
- Lấy cảm hứng từ: The CLTS Approach [Phương pháp tiếp cận CLTS]
4
Phát triển các giải pháp
Khi bạn hướng tới việc phát triển các chương trình, sản phẩm, dịch vụ và/hoặc các giải pháp khác có tác động xã hội tích cực, bạn nên sử dụng quy trình thiết kế lấy con người làm trung tâm [human-centered design process]. Thông qua quá trình này, bạn sẽ có nhiều cơ hội sử dụng các nguyên tắc kinh tế học hành vi và thử nghiệm các cách tiếp cận khác nhau để xem thị trường thực sự phản ứng với điều gì.
Các nguyên tắc kinh tế học hành vi chính (được định nghĩa ở trên) sẽ hữu ích cho bạn trong giai đoạn này:
- Hiệu ứng IKEA nghĩa là một khi bạn, hoặc những người đang làm việc cùng bạn, đưa ra những ý tưởng, bạn sẽ đánh giá cao chúng hơn so với ý tưởng của những người khác. Đừng thiên vị! Hãy làm việc với những người thụ hưởng mục tiêu của bạn để cùng nhau phát triển một giải pháp đáp ứng một cách cụ thể nhu cầu của họ từ đó họ cũng sẽ cảm thấy mình có quyền sở hữu.
- Lý thuyết Quy kết [Attribution theory] có thể khiến bạn quá tự tin về tầm ảnh hưởng của mình trong một quá trình, xem nó quá quan trọng so với những gì thực tế diễn ra. Bạn nên cố gắng loại bỏ cái tôi của mình khỏi quá trình đó – hãy say mê vấn đề chứ đừng say mê giải pháp.
- Tránh đồng thuận giả bằng cách thu thập dữ liệu định lượng về cảm nhận của những người dùng tiềm năng đối với giải pháp đang được phát triển từ đó, bạn sẽ không đánh giá quá cao mức độ đồng thuận của người khác với giải pháp của bạn.
- Hãy nhớ rằng mặc định có nghĩa là mọi người thường sẽ đi theo con đường ít bị phản đối nhất, vì vậy, hãy giúp họ dễ dàng áp dụng giải pháp của bạn mà không cần phải chịu đựng nhiều thử thách gay go.
- Các chuẩn mực xã hội sẽ ảnh hưởng lớn đến việc điều gì được chấp nhận và điều gì không, do đó hãy đảm bảo rằng bạn đang thu hút các bên liên quan chính trong cộng đồng và khiến họ tin tưởng vào giá trị giải pháp của bạn mang lại
Để hiểu rõ hơn về cách áp dụng kinh tế học hành vi để phát triển các giải pháp hiệu quả, hãy xem xét các nguồn sau:
- Đọc: The Last Mile [Chặng Cuối cùng](xem bản tóm tắt hay ở đây), Start at the End [Bắt đầu từ Kết thúc] (xem bản tóm tắt hay ở đây) và Barking Up the Wrong Tree [Chó Sủa Nhầm Cây] (xem bản tóm tắt hay ở đây)
- Xem: bài giảng How Behavioral Economics Can Creatively Solve Business Problems [Kinh tế học Hành vi Có thể Giải quyết một cách Sáng tạo các Vấn đề Kinh doanh Như thế nào] của Rory Sutherland và bài nói chuyện trên TED Are We In Control of Our Own Decisions [Chúng ta có Kiểm soát được các Quyết định của Chính mình hay không] của Dan Ariely
- Đọc nhanh: Do Economists Underestimate the Impact of Social Factors on Behaviour? [Các nhà Kinh tế học có Đánh giá thấp Tác động của các Yếu tố Xã hội lên Hành vi không?] trên WeForum và Applying Behavioral Economics Toward Social Change [Áp dụng Kinh tế học Hành vi Hướng tới Thay đổi Xã hội] trên Medium
- Lấy cảm hứng từ: How Behavioral Economics Can Produce Better Healthcare [Kinh tế học Hành vi Có thể Tạo ra Dịch vụ Chăm sóc sức khỏe Tốt hơn Như thế nào]
5
Triển khai các ý tưởng
Khi bạn và các đối tác của bạn tiếp tục công việc, cuối cùng bạn sẽ đạt đến một điểm trong quy trình thiết kế lấy con người làm trung tâm mà tại điểm đó bạn bắt đầu triển khai và thử nghiệm các ý tưởng. Điều quan trọng là tránh để những điều tích cực giả tạo làm hỏng công việc của bạn. Một giải pháp có vẻ như là hiệu quả lại sụp đổ chỉ ngay sau đó hoặc một giải pháp dường như là thất bại trong một thí nghiệm nhất định, nhưng cuối cùng đó mới thực sự là giải pháp đúng đắn.
Các nguyên tắc kinh tế học hành vi chính (được định nghĩa ở trên) sẽ hữu ích để xem xét ở giai đoạn này:
- Đánh giá giá trị phi duy lý nghĩa là việc đánh giá ban đầu về các sản phẩm của bạn có thể phi duy lý - bạn có thể nhận được các chỉ báo sai dựa trên các yếu tố “phi duy lý” như thẩm mỹ, vì vậy hãy đưa vào thử nghiệm A/B để tách biệt các yếu tố đó
- Đừng để thiên kiến xác nhận dẫn đến việc bạn chỉ tìm kiếm thông tin nhằm củng cố các giả định của mình, hay bạn sẽ bỏ qua những dấu hiệu mà bạn thực sự nên chú ý
- Tự chấp nghĩa là bạn, các thành viên trong nhóm của bạn và/hoặc những người thụ hưởng có thể bắt đầu phát triển theo đúng hướng, nhưng sau đó lại tự phá hoại sự phát triển đó do cảm giác dễ bị tổn thương hoặc bị đe dọa đến cái tôi của mình.
- Hãy nhớ rằng ác cảm mất mát khiến mọi người sợ hãi khi thua cuộc, vì vậy nếu giải pháp của bạn yêu cầu một sự thay đổi hoặc phải chuyển từ một thứ đã quen thuộc sang một thứ xa lạ, đối tượng mục tiêu của bạn có thể nghi ngại ngay lập tức và bạn sẽ cần nhiều nguồn lực hơn dự tính để đạt được hiệu quả
- Để theo đuổi các ý tưởng, bạn sẽ cần phải giải quyết con voi, người cưỡi và con đường.
- Cân nhắc những cú hích [nudges] giúp giải pháp của bạn dễ áp dụng hơn, đặc biệt là trong bước cuối cùng.
- Liên tục kiểm tra kế hoạch và các giả định của bạn so với thực tế để tránh sự đồng thuận giả, mà tại đó bạn cho rằng mọi người có cùng sự hiểu biết và niềm tin với bạn, trong khi thực tế là sau đó bạn nhận ra họ khác hơn nhiều [so với những gì bạn từng nghĩ về họ].
Để
hiểu rõ hơn về cách thực hiện các giải pháp tạo ra tác động xã hội thực sự, hãy
xem xét các nguồn thông tin sau:
- Đọc: The Last Mile [Chặng cuối cùng] (xem bản tóm tắt hay ở đây), Nudge (xem bản tóm tắt hay ở đây), và The Power of Moments [Sức mạnh của Khoảnh khắc] (xem bản tóm tắt hay ở đây)
- Xem: bài nói chuyện trên TED Social Experiments to Fight Poverty [Thử nghiệm Xã hội để Chống lại tình trạng Đói nghèo] của Esther Duflo
- Đọc nhanh: Behavioral Economics in Action: Using Theory to Drive Social Change [Kinh tế học Hành vi trong Hành động: Sử dụng Lý thuyết để Thúc đẩy sự Thay đổi Xã hội] trong SSIR và The Rise of Behavioral Economics and its Influence on Organizations [Sự trỗi dậy của Kinh tế học Hành vi và sự Ảnh hưởng của nó đối với các Tổ chức] trong HBR
- Lấy cảm hứng từ: Nudging for Good case studies
6
Duy trì và phát triển các chương trình tác động xã hội
Khi một chương trình được triển khai, bạn phải tiếp tục đầu tư vào sự gắn kết của chương trình và không ngừng cải tiến nó. Điều này bao gồm nhiều việc chẳng hạn như đo lường sự thành công, tiếp nhận thông tin từ người dùng về việc làm thế nào để cải tiến, và tiếp tục tối ưu hóa chương trình để đạt được kết quả tốt hơn.
Các nguyên tắc kinh tế học hành vi chính (được định nghĩa ở trên) sẽ hữu ích để xem xét ở giai đoạn này:
- Hãy lưu ý rằng thông tin bạn thu thập có thể tùy thuộc vào thiên kiến về sự Sẵn có, điều này có ý nghĩa hơn đối với những trải nghiệm gần đây
- Sử dụng kiến trúc cho lựa chọn và các khái niệm như thả neo, mồi và định khung để thử nghiệm các cách khác nhau mà bạn có thể trình bày giải pháp để thúc đẩy kết quả mà bạn đang phấn đấu.
- Đừng bao giờ ngừng học hỏi từ những sai lầm của bạn, và đừng để những thiên kiến nhận thức muộn khiến bạn đánh giá quá cao chính mình so với những điều bạn xứng đáng vì đã nhận ra những thiếu sót trong công việc của bạn từ trước đến nay.
- Nudges, tương tự như với các bước trước đó, sẽ rất quan trọng trong việc tối ưu hoá nhằm tạo ra sự thay đổi hành vi mong muốn từ đó đạt được sự chấp nhận.
- Nỗi đau phải chi trả và Giảm giá Tạm thời ảnh hưởng đến cách mọi người sẽ chấp nhận (và tiếp tục chấp nhận) dựa trên việc mọi người có phải trả tiền cho sự can thiệp hay không, việc thử nghiệm phương thức và thời điểm thanh toán có thể giúp bạn tối ưu hóa các kết quả.
- Nếu đến cuối cùng chương trình của bạn sẽ không hoạt động trong dài hạn, đừng để nguỵ biện chi phí chìm khiến bạn tiếp tục đầu tư vào nó
Để hiểu rõ hơn về những điều cần thiết để tăng quy mô các ý tưởng, đây là một số nguồn thông tin bổ sung dành cho bạn:
- Đọc: The Last Mile [Chặng cuối cùng] (xem bản tóm tắt hay ở đây), Made to Stick [Tạo ra Thông điệp Kết dính] (xem bản tóm tắt hay ở đây) và Good Economics for Hard Times [Kinh tế học Tốt cho Mùa Khó] (xem bản tóm tắt hay ở đây)
- Xem: bài nói truyện trên TED The Paradox of Choice [Nghịch lý về sự Lựa chọn] của Barry Schwartz và Why Dieting Usually Doesn’t Work [Tại sao An kiêng Thường Không Hiệu quả] của Sandra Aamodt
- Đọc nhanh: When Social Impact Meets Behavioral Economics [Khi Tác động Xã hội Đáp ứng Kinh tế học Hành vi] trên Hackernoon và How to Build Better Calls to Action [Làm thế nào để Xây dựng Lời kêu gọi Hành động Tốt hơn] trong SSIR
- Lấy cảm hứng từ: Behavioral Economics in Action: Using Theory to Drive Social Change [Kinh tế học Hành vi trong Hành động: Sử dụng Lý thuyết để Thúc đẩy sự Thay đổi Xã hội]
7
Thúc đẩy các hệ thống bắt đầu một phong trào
Thước đo thực sự cho sự thành công của một doanh nghiệp xã hội là liệu nó có tạo áp lực để khiến cho các hệ thống xung quanh nó trở nên tốt hơn hay không. Để giúp giải pháp hoặc sáng kiến của bạn có sức hút cần thiết để truyền cảm hứng cho những người khác thay đổi, hãy ghi nhớ các nguyên tắc sau của kinh tế học hành vi liên quan đến xây dựng phong trào:
- Hiệu ứng Đoàn tàu/Tâm lý Bầy đàn cho bạn biết rằng nếu bạn có thể tạo dựng được đủ sự hỗ trợ, sự hỗ trợ đó sẽ tiếp tục tạo dựng dựa trên chính nó
- Tổ chức ra Quyết định sẽ giúp bạn minh họa sự khác biệt (và hy vọng là lợi thế) của phong trào hoặc phương pháp của bạn so với phong trào hoặc phương pháp khác
- Thả neo có thể giúp bạn định vị phong trào của mình so với những người khác bằng cách chia sẻ thông tin quan trọng nhất trước tiên
- Mồi cho mọi người xem xét một phần cụ thể trong giải pháp của bạn trước tiên sẽ giúp bạn nhận được sự quan tâm rộng rãi
Để hiểu rõ hơn về cách sử dụng kinh tế học hành vi để biến giải pháp hoặc sáng kiến của bạn thành một phong trào rộng lớn hơn, hãy xem xét các nguồn thông tin sau:
Đọc: The Tipping Point: How Little Things Can Make a Big Difference [Điểm bùng phát: Làm thế nào mà những điều nhỏ bé tạo nên sự khác biệt lớn lao] (xem bản tóm tắt hay ở đây) và When: The Scientific Secrets of Perfect Timing [Khi nào: Bí mật khoa học của thời điểm hoàn hảo] (xem bản tóm tắt hay ở đây)- Xem: Bài nói chuyện trên TED The Riddle of Experience vs. Memory [Bí ẩn của Trải nghiệm và Trí nhớ] của Daniel Kahneman
- Đọc nhanh: The 3.5% Rule: How a Small Minority Can Change the World [Quy tắc 3,5%: Làm thế nào mà một nhóm thiểu số lại có thể thay đổi thế giới] từ BBC
- Lấy cảm hứng từ: Knowing when to Nudge [Biết khi nào nên thực hiện cú hích]
8
Rà soát và xem xét khía cạnh đạo đức liên quan đến dự án
Nếu được áp dụng sai và/hoặc không thích hợp khi làm việc với những cộng đồng thống nhất và có nguồn lực hạn chế, kinh tế học hành vi có thể được sử dụng để lợi dụng mọi người. Các tổ chức hoạt động vì lợi nhuận thường sẽ sử dụng “sự thấu suốt về hành vi” để cố gắng và thậm chí giành được nhiều lợi nhuận hơn hay tăng doanh số bán hàng. Với tư cách là một người thay đổi xã hội, bạn có nghĩa vụ về mặt đạo đức là phải thực hiện các rà soát cần thiết để áp dụng các nguyên tắc kinh tế học hành vi một cách có trách nhiệm và có đạo đức, đảm bảo rằng bạn đang tạo ra giá trị được chia sẻ thực sự và tạo ra sự tiến bộ xã hội, không chỉ là vì lợi nhuận.
Vui lòng đọc những điều quan trọng sau đây về đạo đức khi sử dụng kinh tế học hành vi:
- Khuôn khổ Nudge ‘FORGOOD’ và nghiên cứu từ The Behavioral Insights Team
- The Behavioral Scientist’s Ethics Checklist [Danh sách kiểm tra đạo đức của các nhà khoa học hành vi]
- The Ethics of Nudging [Đạo đức của việc thực hiện cú hích]
- Behavioral Economics Finally Goes Mainstream: 4 Essential Reads [Kinh tế học hành vi Cuối cùng cũng thành khuynh hướng chủ đạo: 4 bài đọc cần thiết]
- Facebook, Big Data, and the Ethics of Behavioral Economics [Facebook, Dữ liệu lớn và Đạo đức của Kinh tế học hành vi]
- Behavioral Ethics: From Nudges to Norms [Đạo đức hành vi: Từ những cú hích đến các chuẩn mực]
- To Nudge or Not To Nudge: Ethical Considerations of Digital Nudging Based on Its Behavioral Economics Roots [Thực hiện cú hích hay không: Cân nhắc đạo đức của cú hích kỹ thuật số dựa trên nguồn gốc kinh tế học hành vi của nó]
“Một nhà lãnh đạo thay đổi tốt không bao giờ nghĩ, “Tại sao những người này lại hành động tồi tệ như vậy? Họ hẳn là những người xấu”. Một nhà lãnh đạo thay đổi nghĩ, “Làm thế nào mà tôi có thể thiết lập một tình huống mang lại điều tốt đẹp cho những con người này?””
- Chip Heath, đồng tác giả của cuốn Switch: How to Change Things When Change is Hard [Thay đổi: Bí quyết thay đổi khi thay đổi trở nên khó khăn]
Phần V: Sách, Video, Blog và Infographics hay nhất để tìm hiểu thêm về kinh tế học hành vi
Sách phải đọc về
kinh tế học hành vi và tác động xã hội
- Atomic Habits: An Easy & Proven Way to Build Good Habits & Break Bad Ones, by James Clear. [Thói quen nguyên tử: Tạo thói quen tốt, bỏ thói quen xấu bằng phương pháp đơn giản mà hiệu quả, của James Clear]
- Barking Up the Wrong Tree: The Surprising Science Behind Why Everything You Know About Success Is (Mostly) Wrong, by Eric Barker. [Chó sủa nhầm cây: Khoa học kỳ thú đằng sau lý do tại sao những gì chúng ta biết về thành công có khi lại sai, của Eric Barker]
- Blink: The power of thinking without thinking, by Malcolm Gladwell. [Trong chớp mắt: Sức mạnh của việc nghĩ mà không cần suy nghĩ, của Malcolm Gladwell]
- Contagious: Why Things Catch On, by Jonah Berger. [Hiệu ứng lan truyền: Tại sao mọi thứ lại bắt đầu, của Jonah Berger]
- Everything Is Obvious: *Once You Know the Answer, by Duncan J. Watts. [Mọi thứ đều hiển nhiên: *Một khi bạn biết câu trả lời, của Duncan J. Watts]
- Freakonomics, by Steven Levitt and Stephen Dubner. [Kinh tế học Hài hước, của Steven Levitt và Stephen Dubner]
- Good Economics for Hard Times, by Abhijit V. Banerjee and Esther Duflo. [Kinh tế học Tốt cho Mùa Khó, của Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo]
- How Change Happens, by Cass R. Sunstein. [Làm thế nào để sự thay đổi xảy ra, của Cass R. Sunstein]
- Influence: The Psychology of Persuasion, by Robert B. Cialdini. [Những đòn tâm lý trong thuyết phục, của Robert B. Cialdin]
- Irrational Exuberance, 3rd addition, by Robert Shiller. [Lạc quan tếu, tái bản lần thứ 3, của Robert Shiller]
- Made to Stick: Why Some Ideas Survive and Others
Die, by Chip and Dan Heath. [Tạo ra thông điệp kết
dính: Vì sao có những ý tưởng tồn tại trong khi những ý tưởng khác đều chết, của
Chip và Dan Heath]
- Misbehaving: The Making of Behavioral Economics, by Richard Thaler. [Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính: Sự hình thành Kinh tế học Hành vi, của Richard Thaler]
- More Than Good Intentions: Improving the Ways the World’s Poor Borrow, Save, Farm, Learn, and Stay Healthy, by Dean Karlan. [Hơn cả những Ý tưởng Tốt: Cải thiện Cách thức Vay, Tiết kiệm, Trồng Trọt, Học tập, & Duy trì Sức khoẻ của Người nghèo trên Thế giới, của Dean Karlan]
- Nudge: Improving Decisions About Health, Wealth,
and Happiness, by Richard Thaler and Cass Sunstein. [Nudge: Cải thiện các quyết định về sức khỏe, sự giàu có và hạnh
phúc, của Richard Thaler và Cass Sunstein]
- Originals: How Non-Conformists Move the World,
by Adam Grant. [Tư duy Ngược Dịch chuyển thế giới, của Adam Grant]
- Poor Economics: A Radical Rethinking of the Way to Fight Global Poverty, by Abhijit V. Banerjee and Esther Duflo. [Kinh tế học về Nghèo khó: Một Tư duy Tiến bộ về Con đường Chống lại tình trạng Đói nghèo trên Toàn cầu, của Abhijit V. Banerjee và Esther Duflo]
- Predictably Irrational, Revised and Expanded Edition: The Hidden Forces That Shape Our Decisions, by Dan Ariely. [Phi lý trí: Tái bản sửa đổi và mở rộng: Thế lực tiềm ẩn định hình quyết định của chúng ta, của Dan Ariely]
- Redirect: Changing the Stories We Live By, by Timothy Wilson. [Gián tiếp: Thay đổi câu chuyện chúng ta đang sống, của Timothy Wilson]
- Sidetracked: Why Our Decisions Get Derailed, and
How We Can Stick to the Plan, by Francesca Gino. [Sidetracked: Tại sao các quyết định
của chúng ta lại đi chệch hướng, và cách chúng ta có thể bám sát kế hoạch, của
Francesca Gino]
- Small Is Beautiful: Kinh tế học như thể Con người Quan trọng, của EF Schumacher. [Nhỏ bé thì đẹp đẽ: Kinh tế học dân vi quý, của EF Schumacher]
- Start at the End: How to Build Products That Create Change, by Matt Wallaert. [Bắt đầu từ kết thúc: Làm thế nào để xây dựng sản phẩm tạo ra sự thay đổi, của Matt Wallaert]
- Stumbling on Happiness, by Dan Gilbert. [Tình cờ gặp hạnh phúc, của Dan Gilbert]
- Switch: How to Change Things When Change Is Hard, by Chip and Dan Heath. [Thay đổi: Bí quyết thay đổi khi thay đổi trở nên khó khăn, của Chip và Dan Heath]
- Talking to Strangers: What We Should Know about the People We Don’t Know, by Malcolm Gladwell. [Đọc vị người lạ: Điều ta nên biết về những người không quen biết, của Malcolm Gladwell]
The Honest Truth About Dishonesty: How We Lie to Everyone--Especially Ourselves, by Dan Ariely. [Bản chất của sự dối trá: Cách chúng ta nói dối với mọi người – đặc biệt là chính chúng ta, của Dan Ariely]- The Last Mile: Creating Social and Economic Value from Behavioral Insights, by Dilip Soman. [Chặng cuối cùng: Tạo ra giá trị xã hội và giá trị kinh tế từ những hiểu biết sâu sắc về hành vi, của Dilip Soman]
- The Paradox of Choice: Why More Is Less, by Barry Schwartz. [Nghịch lý của sự lựa chọn: Tại sao nhiều hơn lại là ít hơn, của Barry Schwartz]
- The Power of Moments: Why Certain Experiences
Have Extraordinary Impact, by Chip and Dan Heath. [Sức mạnh của khoảnh khắc: Tại sao một
số trải nghiệm lại mang tới tác động phi thường, Chip và Dan Heath]
- The Power of Positive Deviance: How Unlikely Innovators Solve the World’s Toughest Problems, by Richard Pascale, Jerry Sternin, and Monique Sternin. [Sức mạnh của sự sai lệch tích cực: Làm thế nào mà những nhà đổi mới lại không có khả năng giải quyết những vấn đề hóc búa nhất của thế giới, của Richard Pascale, Jerry Sternin và Monique Sternin]
- The Tipping Point: How Little Things Can Make a Big Difference, by Malcolm Gladwell. [Điểm bùng phát: Làm thế nào mà những điều nhỏ bé lại tạo nên sự khác biệt lớn lao, của Malcolm Gladwell]
- The Upside of Irrationality: The Unexpected Benefits of Defying Logic at Work and at Home Kindle, by Dan Ariely. [Lẽ phải của phi lý trí: Những lợi ích bất ngờ của việc phá bỏ những quy tắc logic trong công việc và cuộc sống, của Dan Ariely]
- Think Twice: Harnessing the Power of Counterintuition, by Michael Mauboussin. [Tư duy hai lần: Khai thác sức mạnh của sự phản đối, của Michael Mauboussin]
- Thinking, Fast and Slow, by Daniel Kahneman. [Tư duy nhanh và chậm, của Daniel Kahneman]
- Scarcity: Why Having Too Little Means So Much, by Eldar Shafir and Sendhil Mullainathan. [Sự khan hiếm: Tại sao quá ít lại có nghĩa là quá nhiều, của Eldar Shafir và Sendhil Mullainathan]
- When: The Scientific Secrets of Perfect Timing,
by Dan Pink. [Khi Nào - Bí Mật Khoa Học Của Thời
Điểm Hoàn Hảo, của Dan Pink]
Các blog kinh tế
học hành vi được yêu thích nhất mọi thời đại của chúng tôi
- Brain Pickings
- Wait But Why
- Freakonomics Blog (và một podcad tuyệt vời nữa)
- Dan Ariely’s Blog
- Behavioral Insights Team Blog
- The Undercover Economist Blog của Tim Hartford
- The Center for Advanced Hindsight Blog
- The Nudge Blog
- The Decision Lab Blog
- Psychology Today
- Behavioral Economics Blog
- Behavioral Scientist Blog
Những podcast kinh tế học hành vi hay nhất
- Hidden Brain
- Freakonomics podcast
- Invisibilia
- 2 Guys on Your Head
- You Are Not So Smart
- The Brainy Business
Các video, bài nói và bài giảng yêu thích của chúng tôi về kinh tế học hành vi
- What Makes Us Feel Good About Our Work [Điều gì khiến chúng ta cảm thấy hài lòng về công việc của mình] Bài nói chuyện TED của Dan Ariely
- The Surprising Science of Happiness [Khoa học đầy sửng sốt về Hạnh phúc] Bài nói chuyện TED của Dan Gilbert
- Are We In Control of Our Own Decisions? [Chúng Ta Có Kiểm Soát Các Quyết Định Của Chính Mình Không?] Bài nói chuyện TED của Dan Ariely
- Our Buggy Moral Code [Mã đạo đức lỗi lầm của chúng ta] TED Talk by Dan Ariely
- The Psychology of Your Future Self [Tâm lý học về Tương lai của bạn] Bài nói chuyện TED của Dan Gilbert
- How to Make Choosing Easier [Làm sao Dễ Chọn hơn] Bài nói chuyện TED của Sheena Iyengar
- Choice, Happiness, & Spaghetti Sauce [Lựa chọn, Hạnh phúc & Sốt Spaghetti] Bài nói chuyện TED của Malcom Gladwell
- Why People Believe Weird Things [Tại sao Người ta lại Tin vào những Điều Kỳ lạ] Bài nói chuyện TED của Michael Shermer
- The Art of Misdirection [Nghệ thuật Định hướng Lệch] Bài nói chuyện TED của Apollo Robbins
- 3 Clues to Understanding Your Brain [3 Manh mối để Hiểu về Não Bạn] Bài nói chuyện TED của Vilayanur Ramachandran
- The State of Psychology [Trạng thái Tâm lý] Bài nói chuyện TED của Martin Seligman
- Don’t Regret Regret [Đừng Hối tiếc] Bài nói chuyện TED của Kathryn Schulz
- Why You Will Fail to Have a Great Career [Tại sao Bạn Sẽ Không Có được Sự nghiệp Tuyệt vời] Bài nói chuyện TED của Larry Smith
- Why Dieting Doesn’t Usually Work [Tại sao Ăn kiêng Thường Không Hiệu quả] Bài nói chuyện TED của Sandra Aamodt
- The Paradox of Choice [Nghịch lý của Lựa chọn] Bài nói chuyện TED của Barry Schwartz
- Simplifying Complexity [Đơn giản hóa Tính Phức tạp] Bài nói chuyện TED của Eric Berlow
- How Great Leaders Inspire Action [Cách các Nhà Lãnh đạo Vĩ đại Truyền Cảm hứng cho Hành động] Bài nói chuyện TED của Simon Sinek
- What We Think We Know [Chúng ta Nghĩ gì về việc Chúng ta Biết] Bài nói chuyện TED của Jonathan Drori
- The Power of Vulnerability [Sức mạnh của Tính dễ tổn thương] Bài nói chuyện TED của Brene Brown
- Why We Make Bad Decisions [Tại sao chúng ta đưa ra quyết định tồi] Bài nói chuyện TED của Dan Gilbert
- Why We Do What We Do [Tại sao Chúng ta Làm Điều mà Chúng ta Làm] Bài nói chuyện TED của Tony Robbins
- Living and Working With Childlike Wonder [Sống và Làm việc với sự Kỳ diệu của Trẻ thơ] Bài nói chuyện TEDx của Liz Wizeman
- The Surprising Habits of Original Thinkers [Những thói quen đáng ngạc nhiên của những người có tư duy nguyên bản] Bài nói chuyện TED của Adam Grant
- The Riddle of Experience vs. Memory [Bí ẩn của Kinh nghiệm và Trí nhớ] Bài nói chuyện TED của Daniel Kahneman
- Behavioral Economics [Kinh tế học Hành vi] Bài nói chuyện TEDx của Julia Dupire
- How Behavioral Economics Can Creatively Solve Business Problems [Làm thế nào mà Kinh tế học Hành vi lại có thể Giải quyết Sáng tạo các Vấn đề Kinh doanh] Bài giảng của Rory Sutherland
- How to Make a Behavior Addictive [Làm sao để Tạo ra một Hành vi gây Nghiện] Bài nói chuyện TEDx của Zoë Chance
- Explorations of the Mind: Intuition [Những Khám phá Tâm trí: Trực giác] Bài giảng của Daniel Kahneman
- 5 Best Practice Behavioral Economics Strategies [5 Chiến lược Kinh tế học Hành vi Thực hành Tốt nhất] Bài giảng của Nick Southgate
Các Infographic giúp bạn hiểu kinh tế học hành vi trong từng ngữ cảnh
Kinh tế học hành vi là gì? Infographic từ B2B International
Khuôn khổ 4-P của Đại học Yale về kiến trúc lựa chọn và ảnh hưởng
Khuôn khổ Mindspace từ BearingPoint Institute
Mật mã Thiên kiến Nhận thức từ trang Better Humans
Những cân nhắc về mặt đạo đức khi sử dụng các cú hích trong khuôn khổ Nudge ‘FORGOOD’ từ Viện Chính sách Công của UCD Geary.
----
Chúng tôi là MovingWorlds
MovingWorlds, SPC là một Doanh nghiệp Định hướng Xã hội. Tại MovingWorlds, chúng tôi xây dựng những nhà lãnh đạo và những người thực hiện đằng sau những ý tưởng gốc rễ, thay đổi thế giới. Nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc bằng cách đưa người tài đến những nơi cần họ nhất trên thế giới, đồng thời đảm bảo một trải nghiệm thay đổi cho những ai chia sẻ kỹ năng của họ.
Thông qua chương trình phát triển năng lực lãnh đạo của chúng tôi, Học bổng Toàn cầu của Viện MovingWorlds, chúng tôi giúp các chuyên gia tìm thấy mục đích trong công việc và tạo ra tác động lớn hơn trong sự nghiệp của họ. Ngoài ra, chúng tôi hợp tác với các tập đoàn để thiết kế và quản lý các chương trình tình nguyện của các công ty quốc tế từng đạt giải thưởng. Chúng tôi cũng hợp tác với các nhà đầu tư có tác động, các quỹ và các công ty thúc đẩy để xây dựng năng lực thông qua sự hỗ trợ chuyên sâu vì mục đích cộng đồng.
MovingWorlds có văn phòng tại bang Seattle, Hoa Kỳ; Thành phố Lisbon của Bồ Đào Nha; và tỉnh Medellin, Colombia.
Nguyễn Thị Thanh Trúc & Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: How to Use Behavioral Economics for Social Impact, Moving Worlds, 2019.