26.8.22

“Những kẻ kế thừa/Les Héritiers”: Bourdieu và Passeron đã giúp chúng ta biết được gì về sự bất bình đẳng về cơ hội

“NHỮNG KẺ KẾ THỪA/LES HÉRITIERS”: BOURDIEU VÀ PASSERON ĐÃ GIÚP CHÚNG TA BIẾT ĐƯỢC GÌ VỀ SỰ BẤT BÌNH ĐẲNG VỀ CƠ HỘI

Valérie Erlich[*]

Bất bình đẳng trong học đường không chỉ phụ thuộc vào các nguồn lực kinh tế mà còn phụ thuộc vào các nguồn lực xã hội và văn hóa. Shutterstock

Hai mươi năm sau cái chết của Pierre Bourdieu, đây là cơ hội để nhìn lại một trong những tác phẩm được bình luận nhiều nhất của ông, cùng viết chung với Jean-Claude Passeron, Những kẻ kế thừa, sinh viên và văn hóa/Les Héritiers, les étudiants et la culture, được NXB Éditions de Minuit xuất bản năm 1964. Vượt ra ngoài giới hạn hẹp của các nhà xã hội học, các phân tích của ông đã làm nảy sinh các cuộc tranh luận sôi nổi về học đường và gần sáu mươi năm sau, vẫn giữ tính thời sự cao. Bởi vì bất bình đẳng xã hội trong môi trường học đường vẫn là một thực tế hiển nhiên, hiện nay cũng như trước đây.

Pierre Bourdieu, chân dung do Bernard Lambert thực hiện/Wikimedia, CC BY-SA

Luận điểm của Bourdieu và Passeron rất đơn giản và đặt lại vấn đề về các lý thuyết thời bấy giờ: bất bình đẳng đối với học đường không phải chỉ là do thiếu hụt nguồn lực kinh tế mà còn bắt nguồn từ các nguyên nhân xã hội. Để mô tả thực tế của sự bất bình đẳng, hai nhà xã hội học liên kết nó với một khái niệm có giá trị khám phá lớn: “di sản văn hóa”.

Jean Claude Passeron (1930-)

Những người thừa kế là những người “được chọn lựa”, những người được thừa hưởng thông qua môi trường gia đình cách nói và cách làm, kiến ​​thức và cách cư xử, thị hiếu văn hóa, những thứ được hệ thống nhà trường yêu cầu và coi trọng, điều này mang lại cho họ đặc quyền trong mối quan hệ với trường học.

Do đó cần phải hiểu rằng vốn văn hóa phục vụ trực tiếp cho sự thành công và các nhiệm vụ học tập. Như vậy, nhà trường bị cuốn vào các cơ chế tái sản xuất, vì nó cho rằng nền văn hóa mà nó phải dạy đã được sở đắc. Vì vậy, văn hóa học đường mang dấu ấn của sự độc đoán văn hóa: nội dung và hình thức của trường học không hoàn toàn phụ thuộc vào công lao trong học tập mà vào sự tác động của đặc quyền văn hóa, nghĩa là di sản này được truyền lại một cách kín đáo và gián tiếp, mà không có hành động rõ rệt của môi trường gia đình.

Những nét văn hóa ẩn ngầm

Ví dụ gần đây về sự tác động của bất bình đẳng xã hội trong cuộc khủng hoảng y tế Covid-19 đã khẳng định nét ẩn ngầm của giáo dục được các tác giả tiết lộ. Ngoài những hạn chế về vật chất và sự nứt gãy kỹ thuật số, đã đặc biệt tác động đến sinh viên thuộc thành phần bị bạc đãi trong quá trình phong tỏa (thiếu vật liệu để học, khó khăn trong kết nối, thiếu không gian ở nhà), cần nhấn mạnh rằng trên hết là sự làm chủ kém hơn các quy tắc văn hóa, đã đẩy nhanh những khó khăn trong trường học.

Éric Charbonnier

Đọc thêm: Bất bình đẳng giáo dục: những nguy cơ của sự phong tỏa đối với những người dễ bị tổn thương nhất (Inégalités scolaires: des risques du confinement sur les plus vulnérables)

17% học sinh trung học cho biết các em gặp khó khăn trong việc hiểu bài so với 9% học sinh rất được ưu đãi và 13% thuộc thành phần được ưu đãi. Éric Charbonnier, nhà phân tích giáo dục tại OECD, nhận xét: “Không có nghi ngờ gì rằng sự nứt gãy thực sự nằm ở sự trợ giúp được cung cấp cho đứa trẻ ngoài các buổi học ở trường”.

Do đó, không có gì mới đối với các nhà xã hội học, Anne Barrère nhắc nhở chúng ta: bất chấp “thiện chí” của trẻ em và phụ huynh thuộc tầng lớp lao động ý thức được vị trí trung tâm của trường học, trẻ em gặp phải rất nhiều hiểu lầm về các hướng dẫn, kỳ vọng của giáo viên, về cái được xã hội học gọi là những nét văn hóa ẩn ngầm, được Bourdieu và Passeron tiết lộ từ những năm 1960.

Émile Durkheim (1858-1917)

Luận đề của Những kẻ kế thừa, về mặt thực nghiệm, cũng dựa trên một tập hợp dữ liệu từ các cuộc điều tra thống kê và chuyên khảo. Hẳn là đã có nhiều chỉ trích gay gắt về mặt phương pháp luận về chúng, do sự thiếu chặt chẽ trong việc kiểm soát thực nghiệm các giả thuyết của họ, về sự cấu tạo của các mẫu không ngẫu nhiên, đôi khi chỉ giới hạn ở sinh viên triết học và xã hội học, về việc phân tích các phân phối thống kê nhất định. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn là một tài liệu tham khảo bắt buộc ở cấp độ thực nghiệm, kết nối lại với truyền thống của Durkheim chứng minh rằng, đặc biệt là trong cuốn Tự tử/Le Suicide, sự suy đoán lý thuyết về xã hội không thể thay thế sự quan sát có hệ thống các sự kiện.

Đối mặt với vấn đề mấu chốt mà tất cả các xã hội đều vấp phải - làm thế nào để phân bổ “các chức vụ” và lựa chọn những người cai trị chúng ta - kể từ sau cuộc Cách mạng, chúng ta đã nhấn mạnh đến công lao. Shutterstock

Đọc thêm: Công lao có còn là lý tưởng dân chủ không? (Le mérite est-il encore un idéal démocratique?)

Nhờ một tính toán sáng tạo trình bày các cơ hội giáo dục khách quan để vào đại học dựa trên nghề nghiệp của người cha, các tác giả đã chỉ ra rằng các nhóm xã hội có nhiều đại diện nhất trong giáo dục đại học lại là thành phần ít nhất trong dân số lao động. Họ kết luận rằng hệ thống trường học thực hiện một cách khách quan một sự loại bỏ toàn bộ hơn khi hệ thống này hướng tới những tầng lớp bị thiệt thòi nhất. Con trai của một cán bộ cao cấp khi đó có khả năng vào đại học cao hơn 40 lần so với con trai của một công nhân.

Lạm phát học đường

Những kẻ thừa kế xây dựng xã hội học giáo dục đại học trên cơ sở thực tế được đo lường cẩn thận về sự bất bình đẳng đối với học đường. Một thực tế không thể tránh khỏi hiện nay cũng như trước đây, khi chúng ta chịu khó thực hiện sự đo lường lại, Roger Establet đã viết vào năm 1998 trong lời nói đầu của cuốn sách Sinh viên mới.

Đọc thêm: Trích dẫn: “Văn hóa đại chúng và xã hội có giai cấp. Hương vị của sự khác biệt” (Bonnes feuilles: “Culture de masse et société de classes. Le goût de l’altérité)

Năm 2020, 34% sinh viên là con em của các cán bộ điều hành cao cấp, trong khi cha mẹ của họ chỉ chiếm 18% những người đang đi làm. 12% sinh viên có cha mẹ là tầng lớp lao động, tầng lớp này chiếm 21% dân số đang làm việc. Bất chấp những cải cách đã được thực hiện và sự giảm bớt khoảng cách, việc tiếp cận các hệ đào tạo khác nhau của giáo dục đại học, đặc biệt là các hệ đào tạo đại học có uy tín, vẫn không bình đẳng. Theo số liệu của Bộ, vào năm 2020, 52% sinh viên các lớp dự bị vào Trường Lớn và 51% sinh viên y khoa có cha mẹ là cán bộ điều hành cao cấp, so với, theo thứ tự, 7% và 5% sinh viên thuộc tầng lớp lao động.

Năm 1990, các tỷ lệ này về cơ bản là như nhau. Do đó, cái xã hội học chặt chẽ và sâu sắc này chất vấn toàn bộ xã hội đại học từ trước đây cho đến hôm nay. Từ những năm 1960 đến nay, bản đồ bất bình đẳng về cơ hội và vốn văn hóa vẫn được duy trì, trong khi giáo dục đại học đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây.

Tại Đại học Rennes-1 vào tháng 2 năm 2021. Damien Meyer/AFP

Đọc thêm: Lựa chọn ngành học, định hướng nghề nghiệp: “Hãy cho tuổi trẻ quyền được mắc sai lầm” (Choix d’études, orientation professionnelle: “Donnons aux jeunes le droit de se tromper)

Chúng ta chỉ có thể ghi nhận sự gia tăng số lượng sinh viên trong nền giáo dục đại học của Pháp một phần do tỷ lệ người có bằng tú tài trong một thế hệ tăng lên (từ 65 lên 79% trong giai đoạn 2010-2017). Nói đến sự phổ cập là nói đến sự không đồng nhất và sự đa dạng hóa các thành phần sinh viên. Và hình tượng về “người thừa kế” - được thể hiện bởi sinh viên ngành văn học, nguyên mẫu của mối quan hệ với văn hóa mà các tác giả phân tích - dường như đã lỗi thời.

Thật vậy, các “tân sinh viên ngày nay có lý lịch rất khác nhau, điều kiện sống và học tập được coi là khó khăn, như các cuộc biểu tình gần đây ở Pháp cho thấy, sau vụ tự thiêu của một sinh viên 22 tuổi để tố cáo những khó khăn tài chính của anh ta. Tình trạng lạm phát các bằng cấp cũng tiếp tục diễn ra: bằng thạc sĩ đang trở thành mục tiêu phải đạt đối với đa số sinh viên Pháp (60% sinh viên tốt nghiệp cử nhân tiếp tục học lên thạc sĩ).

Tính sàng lọc tăng

Đối mặt với làn sóng này, Đại học Pháp đã công nhận con đường chuyên nghiệp hóa, nhưng cũng là con đường của sự chọn lọc. Việc lựa chọn ở đầu vào Thạc sĩ 1 đã được thông qua từ năm 2016 và kể từ năm 2017, gần một nghìn sinh viên đã chờ đợi một chỗ trong hệ đào tạo Thạc sĩ vì họ đã không thành công trong việc khẳng định quyền tiếp tục học của mình. Hơn nữa, kể từ năm 2018, Luật ORE (Định hướng và thành công của các sinh viên/Orientation et Réussite des Étudiants) đã xác nhận sự tuyển lựa dựa trên các lựa chọn định hướng, bằng cách đặt yêu cầu cho mỗi hệ đào tạo cử nhân, nhằm hướng dẫn các ứng viên tú tài tương lai nay phải trình nguyện vọng của họ trên nền tảng Parcoursup.

Bản tổng kết về Luật ORE vốn muốn giảm tỷ lệ thất bại trong năm đầu tiên ở cấp đại học, đặt ra vấn đề: năm 2016, ít hơn một phần ba sinh viên Pháp lấy được bằng cử nhân trong ba năm và chỉ 42% trong số những người đăng ký vào Cử nhân L1 tiếp tục lên Cử nhân L2 vào cuối năm.

Phóng sự về tình trạng bỏ học ở trường đại học và các phương tiện để khắc phục nó (France-3 Bourgogne Franche-Comté, 2018).

Những con số thống kê này, ổn định trong hơn mười năm nay, một phần được giải thích bởi sự thất bại của những người có bằng tú tài chuyên nghiệp và công nghệ, thường là những người thuộc các thành phần bị thiệt thòi về mặt văn hóa và xã hội, đã được đồng hóa với những người tác nhân “mới” của việc tuyển lựa vào đại học vào đầu những năm 2000. Mất phương hướng và dễ bị tổn thương, thiếu chuẩn bị cho việc rèn luyện vào nghề sinh viên và cho tính cách hợp nhất hòa nhập yếu của định chế đại học, họ trải qua những thất vọng mạnh mẽ mà môi trường gia đình đã không chuẩn bị cho họ.

Do đó, tiến trình tự do hóa dần sự tiếp cận giáo dục đại học đã ít sửa đổi sự tồn tại của các cơ hội bất bình đẳng gắn với nguồn gốc xã hội. Như Pierre Bourdieu và Jean-Claude Passeron đã viết trong cuốn sách của họ, “thẩm quyền chính đáng hóa của Nhà trường có thể làm cho sự bất bình đẳng xã hội được nhân lên bởi vì những tầng lớp bị thiệt thòi nhất, quá ý thức về số phận của họ và sự thiếu hiểu biết cách thức chúng được hiện thực hóa, đã góp phần vào sự hiện thực hóa thẩm quyền chính đáng hoá này.

Vào năm 1989, trong một cuộc phỏng vấn, Bourdieu đã nói về Những kẻ thừa kế: “Cuốn sách đã gặt hái được nhiều thành công. Nó đã được cả một thế hệ đọc và nó có tác dụng như một sự phát hiện trong khi nó không có gì là khác thường: các sự kiện đã được giới khoa học biết đến khá rõ ràng. Chúng ta đã có những cuộc khảo sát từ lâu về sự loại bỏ khác biệt nhau của trẻ em tuỳ theo hoàn cảnh xuất thân của chúng”.

Tuy nhiên, Những kẻ kế thừa đã phá vỡ huyền thoại về các cơ hội giáo dục bình đẳng và nếu trường học cho đến ngày nay vẫn còn là con đường chủ yếu của sự dân chủ hóa văn hóa, “con đường duy nhất có thể tạo ra hoặc phát triển tùy trường hợp, khát vọng về văn hóa, thậm chí ngay cả khi khát vọng này là ít mang tính học thuật nhất”, Pierre Bourdieu đã nói nhân dịp hội nghị chuyên đề năm 1965, nó luôn luôn công nhận, trong khi vẫn phớt lờ chúng, những bất bình đẳng ban đầu đối với văn hóa. Nó vẫn tiếp tục được vận hành như vậy ngay cả khi sự truyền thụ văn hóa không hoạt động một cách máy móc, khi các quan hệ quyền lực nội bộ trong gia đình, các quá trình đồng nhất hoá có thể làm sai lệch sự tái sản xuất xã hội của những người thừa kế hoặc, ngược lại, cho phép sự thành công không được dự kiến của một số đứa trẻ mà cha mẹ của chúng phải hứng chịu những sự thiệt thòi chồng chất lên nhau.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Les héritiers”: ce que Bourdieu et Passeron nous ont appris de l’inégalité des chances, The Conversation, 5.4.2022.




Chú thích:

[*] Phó giáo sư xã hội học, Đại học Côte d’Azur

Print Friendly and PDF