14.1.15

Bernard Maris


(Cập nhật ngày 14/01/15)
Bìa báo Charlie Hebdo số đầu tiên ra mắt sau vụ thảm sát

Tout est pardonné

(Tha thứ tất cả)
Đấng tiên tri Mahomet cầm tấm bảng “Je suis Charlie”
 

Bernard Maris

Bernard Maris (1946-2015)
PTKT: Một trong số 12 nạn nhân của cuộc ám sát khủng bố tại Paris ngày 7.01.2015, chống tờ tuần báo trào phúng Charlie Hebdo là nhà kinh tế Bernard Maris. PTKT giới thiệu dưới đây ba chứng từ về Bernard Maris của ba đồng nghiệp và một bài của Bernard Maris viết sau cái chết của Gilles Dostaler (tác giả bài Giải Nobel kinh tế: một sự huyễn hoặc khéo léo và loạt chân dung về các nhà tư tưởng lớn được lần lượt dịch trong chuyên mục Những nhân vật lớn trong tư tưởng kinh tế).

“Rụng rời”

Jean-Marie Harribey, phó giáo sư kinh tế đại học Bordeaux IV:
Hôm nay, chữ “rụng rời” mang một nghĩa khác. Nó không còn chỉ một nhóm những nhà kinh tế học đối lập với các đồng nghiệp vốn vẫn tiếp tục, trái ngược với mọi tư duy logic, huyễn hoặc công luận và các sinh viên của minh. Bernard Maris là một trong những nhà kinh tế học rụng rời đó. Nhưng hôm nay, chữ “rụng rời” chỉ tình cảm suy sụp dâng trào, ập đến chúng ta, làm chúng ta sửng sốt, sau khi anh và các bạn của anh ở Charlie-Hebdo bị ám sát.
Vào buổi đầu của chủ nghĩa tư bản tân tự do, khi “khoa học” kinh tế chuyển hoàn toàn sang việc ca tụng nền tài chính đầu cơ, có lẽ Bernard Maris là một trong những người đầu tiên, nếu không phải là người đầu tiên trong thế hệ chúng ta, ra trận chống lại cái ngụy khoa học này. Anh làm việc này với tất cả sự hiểu biết từ bên trong bộ môn và với một óc khôi hài đầy sức công phá, theo khuôn mẫu của tờ Charlie-Hebdo của anh, tờ Charlie-Hebdo của chúng ta.
Vì trận đánh anh tiến hành là một trận đánh kép. Trước tiên để chống lại những đồng nghiệp không ngang tầm anh. Hai mươi lăm năm trước, vào lúc mà các tiếng nói trái chiều còn hiếm, tác phẩm Des économistes au dessus de tout soupçon la grande mascarade des prédictions [Những nhà kinh tế học không thể ngờ vực. Trò đánh lừa bằng những tiên đoán - ND] (A. Michel, 1990) tố cáo các nhà kinh tế học “Diaforus” và bẻ gãy những cái mạo xưng là “quy luật” kinh tế được giảng dạy trong tất cả các đại học.
Đồng thời anh cũng tiến hành một trận chiến vì dân chủ và bằng vũ khí của sự giễu nhại mở đường cho việc tố cáo một cách chính xác diễn ngôn đang tràn ngập các màn ảnh truyền hình. Theo cách của mình, anh tham gia vào việc phê phán chính sách thắt lưng buộc bụng đối với người nghèo và hào phóng đối với người giàu, chủ nghĩa tư bản xâm nhập mọi nơi, chủ nghĩa duy sản xuất tàn phá con người và hành tinh, và anh không bao giờ đi ngược lại lập luận của mình ủng hộ việc giảm thời gian lao động.
Chúng ta rụng rời vì tiếng nói này đã tắt, bị giết chết, chúng ta bị tổn thương nặng nề trước quá nhiều bạo lực và hận thù đối với nhân loại, chúng ta khóc trong nỗi buồn và sự sững sờ.
Tôi là Charlie, chúng ta là Charlie. Đó là lời đáp trả mà xã hội tự phát cất lên chống lại bạo lực và hận thù ấy.  
Bernard Maris là một người “rụng rời” bất bạo động. Tất cả chúng ta đều là những người “rụng rời” bất bạo động, nhưng quyết tâm.    

Tưởng nhớ Bernard Maris

Gilles Raveaud, phó giáo sư đại học Paris 8:
Bernard Maris bị ám sát hôm thứ tư 7 tháng giêng 2015 trong tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo, khi tham gia buổi họp ban biên tập.
Bernard Maris có nhiều phẩm chất về trí tuệ, nghề nghiệp, nghệ thuật lẫn  con người cá nhân. Đặc biệt ông rất dễ thương và khoan dung hiếm có.
Là nhà kinh tế, ông có được điều có lẽ là quan trọng nhất: khả năng gây ngạc nhiên, khơi dậy, và nhất là khả năng giải thích cho số đông, mổ xẻ vấn đề, giải thích và … gây cười.
Ông là người truyền tải, đánh thức lương tâm, một “bông hồng có gai” lột trần những kẻ nịnh hót tư tưởng tự do chủ nghĩa để chỉ ra đến độ nào tư duy của họ đi ngược lại hạnh phúc con người, sự vận hành hài hòa của xã hội và việc bảo tồn môi trường của chúng ta.
Trên bình diện lí thuyết, ông là một nhà keynesian, theo nghĩa đầy đủ của từ này. Đối với Maris, ông là một “nhà kinh tế công dân”, một người không ngừng nghỉ tìm kiếm hòa bình và sự thịnh vượng – vì Maris không bao giờ quên, một điềm xấu, rằng ở tận cùng của sự kinh tởm kinh tế là sự kinh tởm đơn thuần.
Ta biết rằng, đối với Keynes, “hiếm có nhà kinh tế giỏi hay có năng lực”. Thật vậy, người ấy phải là “trong một chừng mực nào đó, một nhà toán học, nhà sử học, một chính khách tầm cỡ quốc gia, một triết gia. Người đó phải hiểu những kí hiệu và phát biểu bằng câu chữ. Phải quan sát cái đặc thù trên quan điểm tổng quát, và cũng trên đà tư duy này, đạt đến cái cụ thể và cái trừu tượng. Không có gì trong tự nhiên và các thể chế của con người là xa lạ với anh ta. Anh ấy phải nghiên cứu hiện tại dưới ánh sáng của quá khứ và trong viễn cảnh của tương lai. Anh ấy đồng thời vừa quan tâm vừa không vụ lợi, phải dửng dưng và không thể mua chuộc như một nghệ sĩ, tuy rằng chân vẫn bám trên đất liền không kém gì một nhà chính trị”.
Bernard Maris có một phần tất cả những gì vừa mô tả. Khi được hỏi là ở cương vị một nhà kinh tế học phê phán triệt để, ông có thể giảng dạy môn gì, ông trả lời “lịch sử kinh tế”. Ngày nay, lịch sử kinh tế gần như biến mất khỏi chương trình các khoa kinh tế học – cũng như việc đọc văn bản của Keynes.
Bernard Maris là một người uyên bác không giới hạn trong lĩnh vực các khoa học xã hội. Cuộc chiến đấu của AFEP (Hội kinh tế học chính trị Pháp) trước hết vì văn hóa kinh tế, theo nghĩa hiểu biết về các tác giả khoa học xã hội, về lịch sử và về các xã hội đương đại. Đó cũng là cuộc chiến đấu của chúng ta.
Ngày nay, các trường đai học kinh tế sản xuất ra những người như Jean Tirole, đối lập với sự đa nguyên.
Nếu AFEP không thắng trong các cuộc chiến này thì Hội sẽ không còn sản xuất ra những Bernard Maris nữa.
Trong lúc chờ đợi, làm gì bây giờ? Đọc, đọc và đọc nữa. Hãy đưa cho sinh viên đọc Anti-manuel d’économie của Bernard Maris, một tác phẩm được dân chúng đón nhận nhiệt tình nhưng lại hầu như vắng mặt trong giáo trình đại học.
Nỗi đau của chúng ta là bất tận khi để mất một con người thông minh và nhân văn đến thế. Nhưng AFEP tồn tại để cho ánh sáng từ người ấy không tắt lịm hoàn toàn.
        Nguồn: blog của Gilles Raveaud

Vĩnh biệt Bernard Maris

Philippe Frémaux, nhà báo kinh tế
Vụ mưu sát Charlie Hebdo không chỉ giết nhiều người. Đó cũng là cuộc tấn công vào tự do ngôn luận, nền dân chủ và sự cố kết của xã hội chúng ta. Chúng ta phải quyết liệt chống lại chủ nghĩa khủng bố nhưng không quên rằng, nếu chúng ta từ bỏ các giá trị của mình để chấp nhận cách nhìn thế giới của những kẻ khủng bố, một thế giới trong đó ngự trị sự không khoan dung, nơi đó nền tảng căn cước con người là sự căm ghét tha nhân, thì tức là chúng ta đã cho họ có lý.
Trong số nạn nhân của vụ mưu sát này có Bernard Maris, người kí các bài viết hằng tuần dưới tên “Bác Bernard” trên tờ Charlie Hebdo. Là giáo sư đại học Bernard Maris có mặt trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, và đặc biệt trên đài phát thanh France-Inter hay trên đài truyền hình I-télé. Nhưng trong một thời gian dài, ông cũng là cộng tác viên của báo chúng ta. Thật vậy, chúng ta chia sẻ nhiều điều với anh ấy, trước hết là cái nhìn phê phán diễn ngôn đầy quyền uy của các nhà kinh tế học thống trị, ngụy trang chẩn đoán của họ bằng lớp vernis khoa học đáng phản bác. Một cách nhìn được ông xuất sắc triển khai trong tác phẩm Des économistes au dessus de tout soupçon, công bố năm 1990.
Nhưng Bernard Maris không chỉ là một cây bút chiến dùng tài năng của mình để chế giễu sự tự phụ và thông thái rởm của các nhà kinh tế học thống trị. Anh còn là một nhà “trí thức” mà cách nhìn thế giới được nuôi dưỡng bằng sự hiểu biết tinh tế các tác giả lớn. Trong lời vĩnh biệt Gilles Dostaler, cũng là một cộng tác viên lâu đời của Alternatives économiques, vào tháng ba năm 2011, anh viết: “Giống như các tất cả những kẻ “nổi loạn” trong thế hệ chúng tôi, Gilles được nuôi dưỡng trong ba ngôi thiêng là Nietzsche, Marx và Freud. Và rất nhanh chóng ông bị choáng ngợp trước Keynes. Keynes cứu vớt Gilles và tôi, tôi nhiều hơn là Gilles, khỏi sự buồn chán mà kinh tế học chính thống đã đẩy chúng tôi rơi xuống”.
Đặc biệt từ sự đồng khí này về mặt trí tuệ Capitalisme et pulsion de mort [Chủ nghĩa tư bản và xung năng chết - ND] đã ra đời năm 2009, một quyển sách kích thích, đối chiếu tư tưởng của Freud và của Keynes, phân tích tinh tế những động cơ của việc đeo đuổi quá độ sự tích lũy tiền bạc đang chi phối xã hội chúng ta. Với những tham chiếu về Bataille, cũng như về những tác giả bảo vệ quan niệm tiền tệ “tan mất dần giá trị”, như Sylvio Gesell. Do đó, suy nghĩ về vị trí của tiền tệ trong chủ nghĩa tư bản không chỉ là một vấn đề điều tiết kinh tế vĩ mô, mà còn dẫn đi xa hơn nữa đến tra vấn sự ham muốn, và sâu hơn là điều kiện bình định hóa một xã hội. 
Bernard Maris am hiểu tính phức tạp và bạo lực của thế giới mà anh vừa là nạn nhân. Những năm sau này, đôi lúc anh gieo cảm tưởng là anh đã giữ khoảng cách hơn với thế giới. Là tác giả của nhiều quyển tiểu thuyết, anh đầu tư vào văn chương không kém gì vào kinh tế học. Và quả thật, một tiểu thuyết hay dạy cho ta về cuộc sống và xã hội nhiều hơn một tiểu luận. Ông vừa hoàn thành “Houllebecq nhà kinh tế”, một tác phẩm khá kích thích bởi các tiểu thuyết của tác giả này cũng là triệu chứng những rối loạn của thế giới hiện nay và của sự mất ý nghĩa nhận thấy được trong thế giới này.
Ông bị chấn động mạnh vì cái chết của vợ, mất cách đây hai năm, nhưng không vì thế mà ông rơi vào chủ nghĩa xi-nic. Ông tiếp tục hi vọng là xã hội chúng ta có thể trở nên êm ái hơn đối với các thành viên của nó, và dành một chỗ lớn hơn cho quà tặng và quà đáp trả.    
Bernard, chúng tôi thiếu vắng anh.

Gilles Dostaler, “một nhà kinh tế học lớn và một người của cuộc sống”

Gilles Dostaler, cùng với vài tác giả khác như René Passet, FranVois Morin hay Jean-Pierre Dupuy đã hòa giải tôi với kinh tế học. Nhưng chính ông đã vực tôi đứng dậy từ vực ghê tởm tôi đã rơi vào đối với bộ môn này trong thời buổi khải hoàn ngụy toán học xuẩn ngốc và ngạo mạn của những năm 1980-1990 (mà gần đây những hậu quả được trông thấy rõ trong các lí thuyết toán học về các thị trường tài chính).
Gilles yêu kinh tế học và các nhà kinh tế học. Lúc đó, ông đang cùng Michel Beaud viết chung một quyển sách về các nhà kinh tế học sau Keynes. Ông biết rõ những nhà kinh tế học được gọi là thuộc trường phái “chu trình” nhưng, trong ngành chúng tôi, ông chỉ có thể tập trung vào tư tưởng kinh tế. Tư tưởng kinh tế là nơi trú ẩn và kháng cự của những ai còn tin rằng kinh tế học có thể có một thiên hướng văn hóa và xã hội. Khi người ta không muốn đến chết vẫn không biết kinh tế là gì thì người ta quan tâm đến tư tưởng của những tác giả lớn, trước hết là các tác giả trong quá khứ. Độc giả của Alternatives économiques biết rõ các bài chuyên luận rất hay của ông; và những kẻ hãnh tiến hãy yên tâm: Gilles biết thế nào là một điểm bất động và có thể chứng minh sự tồn tại của cân bằng walrasian ngay trên tấm giấy trải bàn của quán ăn.
Giống như các tất cả những kẻ “nổi loạn” trong thế hệ chúng tôi, Gilles được nuôi dưỡng trong ba ngôi thiêng là Nietzsche, Marx và Freud. Và rất nhanh chóng ông bị choáng ngợp trước Keynes. Tôi nghĩ rằng ông đam mê tác giả này đến độ đi đến suy tưởng ngay trong căn nhà của Keynes, nay là nơi cư trú của nhà sử học Skidelsky. Tình bạn của chúng tôi nảy sinh trên nền niềm đam mê chung này. Keynes cứu vớt Gilles và tôi, tôi nhiều hơn là Gilles, khỏi sự buồn chán mà kinh tế học chính thống, khỏi các giải “Nobel” và khỏi những chuyên gia về dốt nát này, một sự dốt nát được phổ biến một cách thích thú bởi hầu hết các nhà báo chuyển tải tư tưởng thống trị về tự do kinh doanh. Tất nhiên đó đều là toàn những người không đọc Adam Smith. Gilles, ngược lại, đã đào sâu các tác phẩm của Adam Smith. Cũng như ông đã đào sâu Hayek và thuyết phục tôi đọc tác giả này.
Trước người khác (thật ra là một số ít), ông đi đến một phát hiện, một khám phá thật sự: không thể hiểu tư tưởng của Keynes về tiền tệ nếu không biết rằng ông đã phát biểu nó từ những trực giác và phân tích freudian về tiền bạc; đặc biệt là chương 12 nổi tiếng của Lí thuyết tổng quát về đầu cơ, lẫn những kết luận của tác phẩm này (ví dụ, những quy chiếu về Sylvio Gesell và ý niệm “tiền tệ bị đóng dấu (?)”, không phù hợp cho việc tích lũy). Chúng tôi viết về Keynes và Freud, và chính tôi thúc giục ông viết Capitalisme et pulsion de mort [Chủ nghĩa tư bản và xung năng chết - ND]. Ông chần chừ để viết quyển này vì ông là người của những cuộc hội thảo và bài báo hàn lâm hơn. 
Gilles Dostaler (1946-2011)
Tôi chưa bao giờ gặp một người tỉ mỉ, chính xác, trung thực trong các tham chiếu hơn ông. Khi tôi khẳng định “đàn ông đã sáng tạo ra chiến tranh để sống giữa đàn ông với nhau” thì ông viết: Lia nói với Thiên thần trong Sodome và Gmorrhe là “đàn ông đã sáng tạo ra chiến tranh để sống trong đó không có chúng tôi và giữa đàn ông với nhau” (Giraudoux, 1951, p. 130). Gilles là như thế đó. Con người hài hước, thú vị, cười và uống nhiều nhất, ngồi vào bàn làm việc lúc sáu giờ mỗi buổi sáng và rời khỏi bàn lúc đúng ngọ. Sau một khoảng thời gian thoải mái, rất keynesian theo nghĩa của nhóm Bloomsbury – nghệ thuật, chính trị, sex, tếu táo – tán láo (gossiping), ông “đi gặt”: ông săn lùng các hiệu sách và quay về với một đống sách.
Ông sành rượu, thích săn bắn, câu cá và đua bò. Ông say mê đua bò. Nhân vô thập toàn. Ông yêu tỉnh nhà. Tôi nghĩ ông lấy làm tiếc tỉnh Quebec đã không trở thành độc lập, khi xém được như thế, xê xích một vài phiếu. Mỗi năm, cùng với bà vợ Marion, ông câu một con cá hồi (ông không được quyền câu hai con). Một tật rất keynesian, ông là một nhà du lịch. Trong lúc ông biết Paris rõ hơn tôi (ông đã sống ở đó hơn hai năm, trong những năm cách mạng đẹp đẽ nhất và luôn quay trở lại), ông rất ngạc nhiên khi chính phủ Pháp làm khó dễ để ông đến giảng dạy tại đại học Paris 8 và Toulouse 1. Ông tiến hành các thủ tục. Nhưng cuối cùng đã phải nhờ đến sự can thiệp của đại sứ quán Canada ông mới có thể giảng dạy ở Pháp. Nước Pháp dịu ái …
Khi đến thăm ông ở Montréal, sau vài li rượu và rất nhiều bài thơ trữ tình, ông cho biết là từ lâu nhà ông đã “đóng cửa” (chơi chữ maison close là nhà thổ - ND). Tay này quá vui. Keynes et ses combats là một tác phẩm lớn. Gilles là một nhà kinh tế học lớn và một người của cuộc sống
Nguồn: “Gilles Dostaler, un grand économiste et un homme de la vie”, Alternatives économiques.

Bernard Maris qua một vài phát biểu:


"Bản thân tôi cũng nghĩ rằng sẽ nổ ra một cuộc khủng hoảng tài chính mới, vùng tiền euro sẽ tan vỡ và châu Âu sẽ bị phân mảnh, hiện nay đã phân mảnh rồi. Nhưng từ 10 năm nay một số biến cố đã không thể dự đoán được: ai đã dự báo cuộc đại khủng hoảng tài chính? Tháp đôi?"
Nguồn: Charlie Hebdo, 15.12.2010


“Quả thật là chúng ta đang tiến đến một nền kinh tế chia sẻ, một nền kinh tế của sự miễn phí, của phần mềm tự do. Nhân vật trung tâm của ngày mai sẽ là nhà nghiên cứu, một người khi cống hiến điều gì cho cộng đồng thì sẽ không mất nó. Nhà nghiên cứu đáp ứng những nhu cầu cơ bản của con người: sự sáng tạo, óc hiếu kì, sự thay đổi và tiến bộ. Anh ta buộc phải hợp tác. Sự hợp tác dồn bạo lực về một hướng, điều mà chủ nghĩa tự do hi vọng làm bằng thương mại dịu ái! Kiếp sau của chủ nghĩa tư bản sẽ là một nền kinh tế liên đới và huynh đệ. Ngày nay vấn đề không thể né tránh là bản chất của lao động. Lao động 35 giờ một tuần là một vấn đề thiết yếu.
Đối với Marx, cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa bắt đầu với việc giảm thời gian lao động, nhưng vì ông chỉ coi lao động như là cội nguồn của sự tha hóa. Thế mà ông Valls [đương kim thủ tướng Pháp, đảng Xã hội], cũng giống như Nicolas Sarkozy [cựu tổng thống Pháp thuộc cánh hữu - ND], khẳng định điều ngược lại: “Lao động giải phóng con người”, và như thế ông là một nhà tự do chủ nghĩa.
FranVois Mitterand [cố tổng thống Pháp thuộc đảng Xã hội -ND] từng hỏi rằng: “Nhưng tại sao tất cả mọi người không được quyền tiếp cận cái Đẹp?”. Cái Đẹp là một sản phẩm công cộng, vậy tại sao xây dựng những khu vực tồi tệ để nhốt vào đó những công dân bị hạ cấp rồi sau đó lại ngạc nhiên khi họ bầu cho đảng [cực hữu - ND] FN? Nhà kinh tế Anh John Maynard Keynes nói trong một buổi phát thanh trên đài BBC đại khái như sau: “Hãy xây những căn nhà hoành tráng cho công nhân rồi bạn sẽ thấy họ sẽ trở nên thông minh và hoan hỉ hơn”. Đó là những vấn đề mà ngày xưa các nhà xã hội chủ nghĩa đặt ra." 
Nguồn: trích “Surmonter la crise grâce à une économie de gratuité”, Le Monde 16.9.2014
 
“Milton Friedman (giải Nobel 1976) cùng một loại như Stigler, nhưng buồn cười hơn. Ông đề xuất luận điểm cho rằng không nên kiểm định tính thực tế của một lí thuyết trên những giả thiết của nó, nhưng trên những hệ quả của lí thuyết ấy. Nói cách khác, giả định rằng Trái đất bằng phẳng là không quan trọng, miễn là điều đó cho phép bạn đạp xe đến bất kì nơi nào bạn muốn. Ngay cả bạn còn có thể giả định rằng Trái đất là trũng như một cái chén, nếu bạn cảm nhận là xe đạp bạn đang đi xuống”.
Nguồn: Lettre ouverte aux gourous de l’économie qui nous prennent pour des imbéciles, Seui, 2003.

Nguyễn Đôn Phước dịch
Các họa sĩ châm biếm trên thế giới vinh danh tờ Charlie:
Print Friendly and PDF