12.11.14

Nhưng những nhà kinh tế học đó, họ là ai?



Nhưng những nhà kinh tế học đó, họ là ai?

Trở lại vấn đề của những người đã đưa ra lời cảnh báo nhưng không được lắng nghe.
James K. Galbraith, 23 tháng 2 năm 2010
Cuộc khủng hoảng tài chính đã bộc lộ sự thất bại của các dòng tư tưởng chi phối ngành kinh tế học, khi không dự báo được sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng. Nhưng đó không phải là trường hợp của tất cả các nhà kinh tế học. Phản hồi lại bài viết của Paul Krugman trên tạp chí New York Times[1], James K. Galbraith đặt lại vấn đề của những công trình đã bị các nhà làm luật cũng như phần lớn cộng đồng khoa học bỏ qua. Những công trình nghiên cứu đó ngày nay tạo ra một khung khái niệm mới cho việc quy định hóa thị trường tài chính.

Cuộc tranh luận trong kinh tế học

Lời nói đầu của Wojtek Kalinowski
Cuộc khủng hoảng tài chính đã làm rung chuyển một số niềm tin vững chắc và gây ra một làn sóng chỉ trích các nhà kinh tế học, vốn như người ta thường nói, là “không hề thấy nó tới". Tuy nhiên, người ta có thể tự hỏi về những kết quả cụ thể của sự xáo động này trên các phương tiện truyền thông: cuối cùng thì đã rút ra được những bài học gì? Vào cuối năm 2008 và đầu năm 2009, sự thất bại của lý thuyết thị trường "tự điều tiết" đã quá rõ, và ảnh hưởng tai hại của nó đã bị các chính trị gia, các nhà báo và các chuyên gia đồng loạt chỉ trích. Một năm sau đó, người ta vẫn chờ đợi các quy chế tài chính mới, cuộc đấu tranh chống các thiên đường thuế khóa bị sa lầy – đặc biệt là ở Pháp – và cuộc tranh luận về kinh tế học quay trở lại chủ đề yêu thích là hạn chế mức chi tiêu công.
Phải đặt bài viết của James K. Clark trong bối cảnh trên và vì thế chúng tôi cho công bố bản dịch tiếng Pháp bài viết này của Emmanuel Fournier được Aurore Lalucq và Wojtek Kalinowski hiệu đính, với hy vọng mở ra một cuộc luận bàn về cơ sở lý thuyết của một qui định hóa tài chính khả thi, và rộng hơn, về mối quan hệ giữa kinh tế học vĩ mô, vấn đề vận dụng toán học và phân tích các tác nhân kinh tế thực tế. Hiếm khi có một cuộc tranh luận vừa cần thiết và vừa khó thực hiện như vậy, bị ngăn cản bởi nhiều hố sâu ngăn cách – mà nhìn từ bên ngoài, tưởng chừng như không thể vượt qua – giữa các quan điểm "chính thống" và "phi chính thống" trong kinh tế học hàn lâm. Vì vậy, trong bối cảnh này, bài viết của James K. Galbraith cố tình có tính luận chiến; nó được viết ra để đáp lại bài viết của Paul Krugman, một nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó ông chẩn đoán những sai lầm của lý thuyết thống trị, nhưng lại nhanh chóng lướt qua – quá nhanh theo Galbraith – những lời cảnh báo nhưng không được lắng nghe của những người khác. Nhưng xin chớ nhầm lẫn: ý định của Galbraith không phải là "gây thù chuốt oán" với các trào lưu tư tưởng thống trị, mà là giới thiệu những cách tiếp cận lý thuyết có khả năng – và luôn có khả năng – được sử dụng để xây dựng một quy chế quản lý hiệu quả trong lĩnh vực tài chính.
(Trích phần mở đầu của bản dịch tiếng Pháp trên tạp chí La Vie des Idées)

"Đương nhiên là có những ngoại lệ đối với các xu hướng này: một vài nhà kinh tế thách thức giả thiết hành vi duy lí, tra vấn niềm tin cho rằng có thể tin tưởng các thị trường tài chính khi, với tầm nhìn dài hạn, họ vạch rõ rằng lịch sử cho thấy là các cuộc khủng hoảng tài chính đã từng để lại những hậu quả tàn phá nghiêm trọng nền kinh tế. Nhưng họ đang bơi ngược dòng, không có khả năng làm cho người khác lắng nghe khi đứng trước một sự tự mãn ở diện rộng, mà khi nhìn lại mới thấy thật ra đó là một sự tự mãn ngu ngốc."
Paul Krugman, tạp chí New York Times Magazine, ngày 06 tháng chín 2009.
Amen.
Mặc dù người ta thường tụng từ đó ở cuối lời cầu nguyện, nhưng đối với tôi lần này có vẻ nên đặt nó ở đầu câu chuyện thì phù hợp hơn. Một cách ngắn gọn, Paul Krugman, người đoạt giải Nobel về Kinh tế học năm 2008 và về mặt nào đó là một trong số những nhà kinh tế học đương đại quan trọng nhất, đã tóm tắt những gì có thể được coi là sự thất bại của một thời đại, cả về tư duy kinh tế lẫn chính sách kinh tế.
Tuy nhiên, vai trò của hai câu ngắn gọn đó chìm lĩm trong một bài viết dài hơn 6.500 từ, quả thật kì lạ. Cả đoạn dường như được viết ra để bị vứt đi vì không dẫn đến kết luận nào cả. Thêm nửa câu nữa và tên một người được nhắc đến ba lần, đó là tất cả những gì có trong tiểu luận khi đề cập đến những nhà kinh tế đã nhìn đúng. Họ không được nêu tên. Tác phẩm của họ không được đề cập. Không ai biết gì về họ. Mặc dù lịch sử đã chứng minh họ đúng trên vấn đề kinh tế cơ bản nhất của cả một thế hệ, nhưng họ vẫn là những con người vô danh của câu chuyện đang được kể cho chúng ta.
Bài viết của Krugman hoàn toàn nhắm vào hai nhóm, cả hai đang vững vàng ở đỉnh cao (hoặc tin rằng mình đã đạt đến) của kinh tế học hàn lâm. Cả hai nhóm này đặc biệt quan tâm đến địa vị xã hội của họ và tranh giành nhau về quyền lực, uy tín ảnh hưởng. Các nhà kinh tế học đó, mà Krugman gọi là những "nhà kinh tế học nước mặn" và "nhà kinh tế học nước ngọt"; bản thân họ cũng tự nhận mình thuộc thuộc phái "tân cổ điển" đối với nhóm này, và phái "Keynes mới" đối với nhóm khác – mặc dù nhóm này chẳng có điều gì gọi là cổ điển, và nhóm kia cũng chẳng có điều gì gọi là Keynes. Người ta cũng có thể gọi họ thuộc "Trường phái Chicago" và "Trường phái MIT," thể theo những nơi mà phần lớn trong số họ đã tốt nghiệp cao học. Thực tế là các tên gọi đó không chính xác, bởi vì sự khác biệt giữa nhóm này với nhóm kia chỉ là điều thứ yếu và thật ra là tối nghĩa.
Hai nhóm này chia sẻ một viễn cảnh chung, đều thích tư duy trong cùng một khuôn khổ tương tự.
Krugman mô tả điều trên như là sự “mong muốn tìm kiếm một phương pháp tiếp cận mang tính bao trùm, gọn gàng về mặt trí tuệ, đồng thời để tạo cơ hội cho các nhà kinh tế học phô trương kỳ tích toán học của họ."
Điều đó hoàn toàn chính xác. Quả thật là có một phần gọn gàng và một phần để gây ấn tượng, nhưng cuối cùng đó không phải là vấn đề... kinh tế. Những vấn đề, những rủi ro, nguy cơ và chính sách kinh tế cần giải đáp đã không được hai nhóm thảo luận. Do đó, hai nhóm này cùng chia sẻ một thất bại giống nhau. Đó là điều ngạc nhiên nhất. Đây không phải là cuộc chiến một mất một còn giữa Pangloss[2]Cassandra[3] đã từng tàn phá ngành kinh tế học, mà đúng hơn là một cuộc đối thoại giữa những người bạn với nhau, giữa một bên là kẻ tám lạng và bên kia là người nửa cân. Và nếu nghĩ rằng kẻ tám lạng, người nửa cân không có giá trị – thì đúng là bạn không phải là một nhà kinh tế học đích thực.
Giáo sư Krugman cho rằng kẻ tám lạng và người nửa cânđã lấy nhầm nét đẹp bên ngoài làm chân lý."
Nét đẹp bên ngoài ở đây nằm trong "quan điểm xem chủ nghĩa tư bản là một hệ thống hoàn hảo hoặc gần như hoàn hảo." Chắc chắn, việc cáo buộc một nhà khoa học – hoặc tệ hơn, toàn bộ một ngành học – khi nhầm lẫn nét đẹp bên ngoài với chân lý không phải là điều vô hại. Tuy nhiên, người ta cũng có thể tự hỏi có điều gì thực sự tốt đẹp trong ý tưởng đó.
Krugman không thực sự nói ra, nhưng ông lưu ý rằng toán học dùng để mô tả cái tự xưng là hoàn hảo đó mang tính “ấn tượng” – “quyến rũ” hơn như ông nói – bằng những “phương trình màu mè giả tạo”. Việc lựa chọn từ ngữ cũng mang tính phô trương: “ấn tượng”? “Quyến rũ”? Thường không phải với những từ ngữ đó mà người ta mô tả pho tượng Venus de Milo…
Chắc chắn, toán học có một nét đẹp nào đó, hoặc ít nhất là có thể có vẻ đẹp. Tôi đặc biệt thích các dạng hình học phức tạp được tạo ra bởi những hệ thống phi tuyến tính đơn giản. Tuy nhiên, sự chứng minh vụng về được tìm thấy trong các bài viết trên các tạp chí dòng kinh tế học chủ đạo không có gì liên quan đến những điều trên. Chúng chỉ gợi nhớ đến những bài tập chán ngắt của học sinh trung học. Người ta có cảm giác rằng mục tiêu là để dọa dẫm chứ không phải là để soi sáng. Có một lý do đơn giản để lý giải: một ý tưởng đơn giản với những từ ngữ đơn giản sẽ trở nên “ấn tượng” hơn khi được đính kèm một loạt các biểu tượng Hy Lạp. Đặc biệt với một ý tưởng như: “Chủ nghĩa tư bản là một hệ thống hoàn hảo hay gần như hoàn hảo” – là điều rất dễ nực cười, nếu được trình bày theo cách đó.
Người ta thấy rằng John Maynard Keynes, người mà Krugman đề cập đến bằng những từ ngữ có cánh trong bài viết của ông, có một quan điểm riêng về sự thành công trong tầm nhìn của các nhà kinh tế học – và đặc biệt là sự thành công của David Ricardo - tông đồ lớn đầu tiên của việc suy ra từ những nguyên lí ban đầu những kết luận cho chính sách kinh tế - so với Thomas Robert Malthus. Keynes viết:
“Một thành công mang tính quyết định như thành công của Ricardo có một cái gì đó khá đặc biệt và bí ẩn. Nó chỉ có thể được lý giải bởi sự phù hợp của học thuyết với môi trường sản sinh ra học thuyết ấy. Việc học thuyết này dẫn đến những kết luận hoàn toàn khác lạ so với những gì mà công chúng ngoại đạo mong đợi, có vẻ như, đã làm cho nó tăng thêm uy tín trí thức. Việc nó được truyền giảng, ứng dụng vào sự kiện, mang tính khắc khổ và thường khó được chấp nhận, cũng khoác cho nó một giá trị đạo đức. Khả năng chịu nổi một cấu trúc thượng tầng hợp lý, rộng lớn và nhất quán, cũng cho nó một vẻ đẹp mỹ miều. Việc nó có thể lý giải rất nhiều bất công xã hội và tàn ác không thể tránh được như là một sự cố không thể tránh khỏi trong quá trình đi đến tiến bộ, và những nỗ lực nhằm thay đổi tình trạng này có nhiều khả năng tạo ra hại nhiều hơn lợi, lại khiến cho nó trở thành một lựa chọn khả thi của các nhà chức trách. Việc học thuyết này cung cấp một số biện minh cho hoạt động tự do của con người tư bản chủ nghĩa khiến nó thu hút được sự hậu thuẫn của các thế lực xã hội nằm sau các nhà chức trách[4]”.
Xin lưu ý rằng Keynes không hề quên tầm quan trọng của yếu tố thẩm mỹ. Nhưng ông đưa yếu tố đó vào trong một bức tranh phong phú hơn, kết hợp với các yếu tố cơ hội, mua chuộc và biện giải. Ngày nay, ảnh hưởng của những sản phẩm hấp dẫn theo phương pháp suy luận đã được biết đến – ít nhất đối với một số nhà kinh tế học – dưới cái tên gọi là “khiếm khuyết Ricardo”. Keynes cũng đã viết:
“Mặc dù cho đến gần đây bản thân học thuyết chưa bao giờ được các nhà kinh tế học chính thống thách thức, nhưng sự thiếu khả năng phục vụ những mục đích dự báo khoa học đã làm giảm đáng kể uy tín của những nhà thực hành học thuyết ấy. Bởi vì kể từ Malthus, các chuyên gia kinh tế học dường như đã dửng dưng với sự không tương đồng giữa các kết quả lý thuyết của họ với các sự kiện quan sát được. Ngược lại, công chúng thì không quên ghi nhận sự không tương đồng ấy…”[5]
Mọi thứ đã không thay đổi mấy và người ta cũng nên tự hỏi tại sao.
Để lý giải tình trạng này, người ta không thể viện dẫn việc thiếu vắng những công trình nghiên cứu bản chất và các nguyên nhân của sự đổ vỡ tài chính.
Vẫn có những công trình nghiên cứu như thế, nhưng những tác giả và cách tiếp cận đề cập đến các vấn đề đó đã bị loại ra bên lề hệ thống các trường đại học. Những bài viết của họ chỉ được đăng trên những tạp chí hạng hai, thậm chí trên các bản tin hoặc blog. Những nhà nghiên cứu nào không thể hiện đúng sự hoài nghi đối với các loại bài viết ấy sẽ bị cản trở theo đuổi sự nghiệp học thuật. Nếu tồn tại được, thì họ cũng chỉ có thể tìm đến một trường đại học nhỏ hoặc những liberal arts colleges[6], nơi một cách an toàn, sẽ không có ai chú ý đến họ cả.
Hãy mạo hiểm bước vào miền lầy lội của kinh tế học và điểm nhanh những trào lưu chính từng có nhận định đúng. Tôi không cho là mình đã nhìn toàn diện; mà tôi chỉ dựa vào những bài tôi thường đọc và những bài viết được nhiều đồng nghiệp giới thiệu – mà hầu như không ai trong số đó thuộc về cái gọi là những “phân khoa ưu tú.” Nhiều ví dụ dưới đây, do chính các tác giả hay những người hâm mộ họ cung cấp, thể theo yêu cầu của tôi. Và nhiều ví dụ khác không được trích dẫn, do thiếu chỗ[7].

1. Những Cassandra muôn thuở: quan điểm marxian

Trong hơn một thế hệ hay lâu hơn thế nữa – như là một di tích của các phong trào cấp tiến của những năm 1960, khi mà chủ nghĩa Keynes giữ thế thượng phong – sự bất đồng quan điểm duy nhất mang tính biểu tượng và được dung túng ở nhiều khoa kinh tế học là một hình thức của chủ nghĩa Mác theo kiểu Mỹ, phần lớn được phát triển tại trường Đại học Massachusetts ở Amherst vào những năm 1970, sau khi trục các phong trào cấp tiến khỏi Harvard. Theo truyền thống này, đấu tranh giai cấp và quan hệ quyền lực vẫn là cốt lõi của phân tích kinh tế, và khủng hoảng là điều không thể tránh khỏi.
Năm 2004, nhà kinh tế học người Nam Phi Patrick Bond đã nhận diện và tóm tắt các lập luận marxian về tính tất yếu của khủng hoảng thành hai loại lớn. Loại thứ nhất với đại diện là Robert Brenner, dựa trên sự cạnh tranh không khoan nhượng và loại thứ hai dựa trên việc tích lũy vốn thái quá, mà điển hình là các luận chứng của Ellen Wood và David Harvey. Những lập luận này có nhiều phiên bản không khớp nhau hay cạnh tranh nhau, kể cả những lập luận của Giovanni Arrighi. Trong một bài tường thuật chi tiết cuộc khủng hoảng gần đây, Brenner cho rằng cuộc khủng hoảng “cho thấy nhiều vấn đề nghiêm trọng trong lòng nền kinh tế thực, những vấn đề chưa hề được giải quyết đã bị che đậy bởi nợ vay trong nhiều thập kỷ, và bởi một cuộc khủng hoảng tài chính chưa từng thấy kể từ sau chiến tranh[8].
Bằng cách tập trung vào “nền kinh tế thực”, truyền thống cấp tiến này đã không thực sự cung cấp một lý thuyết khủng hoảng tài chính. Về mặt này, những người thuộc truyền thống trên không khác nhiều lắm với trào lưu chủ đạo: theo họ, tài chính chủ yếu chỉ là một bức màn phủ lên trên những tác lực sâu hơn. Vì vậy, đặc điểm cụ thể của cuộc khủng hoảng, và cách thức nó diễn ra, chỉ có một tầm quan trọng mang tính tương đối (cuộc khủng hoảng được Bond dự đoán năm 2004 phải được kích hoạt bởi một sự sụp đổ của đồng đô la, do mức độ thâm hụt lớn của tài khoản vãng lai của Hoa Kì và do sự thất bại của chính sách đế quốc được tiến hành ở Iraq; đó là ví dụ về một cuộc khủng hoảng có khả năng xảy ra nhưng cuối cùng đã không xảy ra). Những nhà cấp tiến cũng không quan tâm đến những vấn đề chính sách, chính họ không tin vào khả năng hoạt động của hệ thống hiện tại.

2. Nghệ thuật phát hiện hiện tượng bong bóng

Cách tiếp cận thứ hai tìm cách nhận diện các hiện tượng bong bóng tài chính, tín hiệu báo trước một sự sụp đổ trong tương lai gần. Dean Baker, thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách ở Washington, nhà thực hành hàng đầu của nghệ thuật này, có thể tự hào đã thấy trước bong bong nhà đất, khi mà đa số giới học thuật lại không có khả năng ấy. Ngay từ năm 2002, Baker đã viết:
“Nếu giá nhà đất quay trở lại mức phù hợp với mặt bằng giá cả chung, như đã từng xảy ra trong quá khứ, thì 2.000 tỷ đô la sẽ bốc hơi, làm cho cuộc suy thoái càng trở nên nghiêm trọng hơn. Việc bong bong nhà đất vỡ tung sẽ đe dọa sự tồn vong của Fannie Mae và Freddie Mac và nhiều định chế tài chính khác”[9]
Dự báo đó, sau này tỏ ra là chính xác[10], dựa trên một phương pháp đơn giản. Đó là nhận diện các chỉ báo kinh tế – thường là một tỷ số giữa hai biến cơ bản – đột nhiên đi chệch khỏi những mức thông thường trong quá khứ, điều này gợi ý là ta đang ở trong một trạng thái tạm thời và bất ổn. Đó có thể là, ví dụ, tỷ số giữa giá cổ phiếu của một công ty và lợi nhuận ròng sau thuế của một cổ phiếu trên thị trường chứng khoán[11], ví dụ như trong lĩnh vực công nghệ mới cuối những năm 1990. Trong số những ví dụ tương tự gần đây hơn có tỷ số giữa giá mua / giá thuê nhà trên thị trường bất động sản, tỷ số đo lường sự biến động trong giá nhà so với lạm phát, tỷ số nhà không người ở, và nhiều thứ khác (độ sâu rộng của khoảng chênh lệch, gắn với quy mô của quỹ nhà ở, cho phép đo lường quy mô của chính bong bong – trong trường hợp thị trường bất động sản [Mỹ], Baker cuối cùng ước lượng bong bóng này lên đến 8.000 tỷ USD).
Đằng sau phương pháp này là ý tưởng cho rằng các mối quan hệ và định chế thị trường nói chung mang tính ổn định, theo nghĩa tồn tại một cái gì đó ở mức độ “bình thường”. Điều này có nghĩa là khi một tỉ số thuộc kiểu những tỉ số kể trên rời xa hẳn những mức bình thường thì điều có khả năng xảy ra nhất là nó sẽ quay về lại điểm phát xuất một cách dồn dập: khởi đầu là một bong bóng để kết thúc bằng sự đổ vỡ. Người mua ở mức giá cao sẽ phải bán lại ở mức giá thấp nhất, và phá sản. Trong sáu năm, Baker đã liên tục cảnh báo chống lại kịch bản này.
Phương pháp trên để phát hiện bong bóng đang hình thành có một phẩm chất quan trọng: trong hầu hết các trường hợp, nó có hiệu quả. Nhưng đây là một phương pháp không có nền tảng lý thuyết vững chắc. Mỗi lần như vậy, luôn có một nguy cơ thất bại: mối quan hệ giữa các định chế thị trường có liên quan – chẳng hạn như tỷ số “bình thường” PER hay tỉ số giá nhà/giá thuê nhà – có khả năng biến động. Nhưng dù sao đi nữa, có lẽ sẽ có một “hệ ý mới” đang hình thành.

3. Từ Keynes đến Godley

Tác phẩm của Keynes gắn chặt với khung kế toán quốc gia, cái mà chúng tôi gọi là [ở Hoa Kỳ] Thu nhập quốc gia và Tài khoản sản phẩm (NIPA). Tổng sản phẩm quốc gia là dòng chảy các khoản chi tiêu nuôi dưỡng nền kinh tế; và cái mà chúng ta gọi là tăng trưởng kinh tế là thước đo những biến động của luồng chảy đó. Luồng chi tiêu này gồm có những thành tố chính sau: tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của nhà nước, và xuất khẩu ròng. Mỗi một khoản chi tiêu nói trên là đối tượng của nhiều lí thuyết khác nhau xác định hành vi của mỗi thành tố[12].
Các phương trình kế toán mô tả thế giới bằng những quan hệ giữa các biến. Đặc biệt, đẳng thức thu nhập quốc gia (đơn giản định nghĩa tổng chi tiêu là tổng của những thành tố của nó)[13], giả định sự tồn tại của một mối quan hệ qua lại và một mối quan hệ bù trừ giữa thâm hụt ngân sách và tiết kiệm tư nhân. Cụ thể, số kết tài chính trong lãnh vực tư nhân (phần chênh lệch giữa mức tiết kiệm trong nước so với mức đầu tư trong nước) luôn luôn phải bằng tổng của mức thâm hụt ngân sách và mức thặng dư xuất khẩu ròng. Như vậy, đối với một cán cân thương mại không thay đổi, thì thâm hụt ngân sách công sẽ làm tăng mức tiết kiệm tư nhân. Và ngược lại, sự gia tăng tiết kiệm tư nhân sẽ làm tăng mức độ thâm hụt ngân sách. 
Xuất phát từ ý tưởng đó mà Wynne Godley, một nhà kinh tế học thuộc trường đại học Cambridge (Anh), và một nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế học Levy đã phân tích nền kinh tế nước Mỹ, nhiều lần cảnh báo những diễn biến đáng lo ngại của cán cân hiện hành và nhất là tình hình ngày càng xấu của số kết tài chính của khu vực tư nhân[14]. Họ cho thấy những khoản thặng dư ngân sách vào cuối những năm 1990 (và những khoản thâm hụt nhỏ của những năm đầu thập kỷ tiếp theo) tương ứng với sự tích lũy nợ thuộc khu vực tư nhân (đầu tư lớn hơn tiết kiệm). Họ lập luận rằng thực hiện nghĩa vụ nợ trong tương lai không sớm thì muộn sẽ buộc các hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu, và đến lượt nó điều này làm giảm hoạt động kinh tế, giá cả các tài sản có liên quan và nguồn thu từ thuế. Kết quả là, mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng và cuối cùng đụng nóc. Một lần nữa, ít nhiều đó là những gì đã xảy ra về mặt kinh tế.
Phương pháp của Godley giống với phương pháp của Baker: một trạng thái được xem là bất ổn khi mà một chỉ số (hoặc tỷ số) lệch xa khỏi các giá trị trước đó của nó. Sự khác biệt là ở chỗ cách tiếp cận của Godley dựa trên một khung kế toán và nhờ cấu trúc ấy mà ta biết được hệ thống có thể gánh chịu hay không những điều gì. Đó là một bước tiến rất rõ ràng.
Ví dụ, cho đến gần đây, mức thặng dư của khu vực công là nhờ có sự tích tụ nợ của khu vực tư nhân. Điều này đặt ra một câu hỏi mấu chốt: Có thể chịu nổi một gánh nợ như thế không và điều gì xảy ra khi không còn sự tích tụ này nữa? Trong thời kỳ khủng hoảng có thể đặt ngược lại câu hỏi trên. Mức thâm hụt ngân sách công khó tránh khỏi bị đào sâu hơn khi khu vực tư nhân quay sang tiết kiệm trở lại. Nhưng vấn đề là các chính trị gia, những người không quen suy nghĩ về những mối quan hệ đó, sẵn sàng chịu đựng những mức thâm hụt đó cho đến bao lâu? Câu hỏi này là quan trọng do nếu vì lý do chính trị, các chính trị gia không thể chịu đựng nổi nữa, thì nền kinh tế có thể sụp đổ.
Trên trường quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới còn muốn nắm giữ trái phiếu của chính phủ Hoa Kì thì điều đó tạo nên đối phần cho nợ công của chúng ta: Hoa Kì không thể tránh khỏi bị hâm hụt ngân sách ngày nào thế giới vẫn còn mua trái phiếu Kho bạc Mĩ làm dự trữ. Nhưng điều đó lại đặt ra một câu hỏi đáng quan tâm khác: tại sao các ngân hàng trung ương lại tìm cách thiết lập những khoản dự trữ ấy? Vì vậy, cách tiếp cận của Godley đáng để chúng ta tập trung sự chú ý vào vấn đề chủ chốt: những gì chúng ta đã biết và những gì chúng ta cần phải biết.

4. Từ Minsky đến động thái tài chính phi tuyến tính

Các tác phẩm của Hyman Minsky đề cập đến vấn đề bất ổn tài chính từ một góc độ khác. Ý tưởng trọng tâm của ông là tính ổn định sinh ra tính bất ổn định[15]. Trong thời kỳ yên ổn, tiến bộ và tăng trưởng liên tục, những tác nhân tham gia thị trường tài chính ngày càng cảm thấy không hài lòng với mức lợi nhuận khiêm tốn. Để làm tăng lợi nhuận các khoản đầu tư, họ bắt đầu chấp nhận những rủi ro ngày càng cao, và tham gia đánh cược bằng những công cụ có hiệu ứng đòn bẩy mạo hiểm hơn. Những vị thế cho đến nay là lâu bền, đối với luồng tự tài trợ trong quá khứ, - những vị thế phòng hộ - sau đó sẽ nhường chỗ cho những vị thế khác, mà ai cũng biết trước rằng vào một thời điểm trong tương lai chúng sẽ phải được tái tài trợ nữa. Đó là những đánh cược mang tính đầu cơ. Kết quả là một quá trình chuyển tiếp nhẹ nhàng, không thể nhận thấy, khi mà các vị thế đầu cơ chuyển thành những vị thế chỉ có thể được tài trợ tiếp bằng những khoản vay mới lớn hơn. Chính giai đoạn cuối này, chuỗi Ponzi, sẽ làm sụp đổ hệ thống một khi được phát hiện.
Phân tích của Minsky cho thấy rằng tính bất ổn định tài chính của chủ nghĩa tư bản không chỉ là không thể tránh khỏi, mà còn mang tính nội tại: sự bất ổn phát sinh từ bên trong, không cần thiết phải có những nguyên nhân bên ngoài hay những “cú sốc”. Không có sự tăng trưởng cân bằng nào có thể được duy trì một cách vô thời hạn. Trừ phi thay đổi hệ thống, trách nhiệm của chính quyền là điều tiết các hành xử tài chính, giới hạn đầu cơ và bằng cách ấy, kéo dài tối đa chu kỳ tăng trưởng. Những tư tưởng đó đã được những nghiên cứu gần đây về các hệ thống động phi tuyến tính tiếp nối, chẳng hạn, trong những công trình nghiên cứu của Peter Albin, Barkley Rosser Jr và Ping Chen[16]. Một trong những đặc tính của hệ thống phi tuyến tính là sự tiếp diễn của nhiều giai đoạn chuyển tiếp khác nhau, từ trạng thái cân bằng với những chu kỳ lặp lại hai, bốn hoặc tám lần để cuối cùng dẫn đến sự hỗn độn tất định. Những pha chuyển đổi đó – tương tự như các pha chuyển đổi của nước từ thể rắn đến thể lỏng và thể khí hay của các hóa chất khác –khác nhau về mặt chất, có tính ổn định nội tại và được xác định rõ trong những giới hạn riêng biệt. Vượt qua giới hạn đó, như được người ta giải thích, không hề là một “hệ ý mới”; đó đơn thuần là cùng một hệ thống tích hợp, chuyển từ một trạng thái này sang một trạng thái khác. Vì vậy vấn đề điều chỉnh hệ thống là làm sao duy trì nó trong một giai đoạn ổn định – có thể là giai đoạn phòng hộ hoặc đầu cơ – càng xa càng tốt với điểm giới hạn của pha gắn liền với hệ thống tài chính Ponzi và sự sụp đổ tất yếu.
Carlo Pietro Giovani Ponzi (1882-1949)
Ponzi aka "Charles Bianchi" under arrest circa 1910
 Đó là một ý tưởng đơn giản. Nhưng lại không có vai trò nào trong suy nghĩ của trào lưu chủ đạo về những biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính. Ping Chen trích dẫn – để bác bỏ – quan điểm của Robert Lucas, một nhà kinh tế học hàng đầu của trường phái Chicago:
Bài học chính phải rút ra từ giả thiết thị trường hiệu quả (EMH) cho việc hoạch định chính sách là: phó thác cho những quan chức ngân hàng trung ương và những nhà điều tiết việc nhận diện và vô hiệu hóa các hiện tượng bong hầu giải quyết các cuộc khủng hoảng và suy thoái là một điều vô vọng. Vì nếu có ai làm được như thế thì chúng ta cũng không có khả năng trả thù lao cho người ấy”. Điều này có thể được gọi là định lý Lucas về sự bất khả thi trong việc quản lý khủng hoảng. Vấn đề là định lý này cho thấy […] những sai sót rõ ràng về những thị trường không có cơ hội kinh doanh chênh lệch. Chúng tôi đã trình bày trong lý thuyết thị trường khả thi[*] rằng có những phương pháp đáng tin cậy để nhận diện và làm vỡ các bong bóng tài sản. Ví dụ, những biến động đột ngột của khối lượng giao dịch trên thị trường Wall Street báo hiệu một hoạt động đầu cơ dữ dội từ các nhà đầu tư lớn, và từ hành vi bầy đàn của những nhà kinh doanh tài chính gây nhiễu[17]. Các cơ quan điều tiết có thể dễ dàng thực hiện những biện pháp mang tính ngược chu kỳ, chẳng hạn như nâng các mức qui định về dự trữ, hạn chế ảnh hưởng của hiệu ứng đòn bẩy hoặc tăng thuế giao dịch”[18].
Tuy nhiên, trong trào lưu chủ đạo, sự vô tâm và thuyết định mệnh đã được kết hợp để biện minh cho hành động không làm gì hết. Điều này lý giải sự háo hức vội vàng của một số nhà kinh tế học – Lawrence Summers, ví dụ – phê duyệt việc xóa bỏ các rào cản quy định, như Đạo luật Glass-Steagall, từng giúp hệ thống tránh xa giai đoạn lừa đảo tài chính theo kiểu Ponzi. Chúng tôi còn nhớ – để nhắc lại một ví dụ kỳ cục – những phát biểu của Alan Greenspan khuyến khích việc mở rộng các khoản tính dụng đầu cơ bất động sản. Rõ ràng, sẽ là một bước tiến lớn nếu có thể kết hợp các tư tưởng của Minsky vào thực tiễn điều tiết. Nhưng cũng còn một câu hỏi vẫn chưa được trả lời: làm thế nào để xác định cụ thể loại hình điều tiết cần vận dụng?

5. John Kenneth Galbraith, hình thái thể chế, và tội phạm học kiểu mới
Trong lãnh vực này, tư tưởng xuất phát từ tác phẩm của John Kenneth Galbraith, Nhà nước công nghiệp mới[19]. Bán rất chạy khi được phát hành vào năm 1967, cuốn sách này đã liên tục bị các nhà kinh tế học thuộc trào lưu chủ đạo chỉ trích – không phải không thành công, vì nó sớm bị lãng quên hoàn toàn do sự gia tăng thế lực của chủ nghĩa tân tự do. Phải nói rằng cuốn sách này là một mối đe dọa lớn đối với tất cả những cách tư duy của các nhà kinh tế trên, bởi vì nó nhắm đến, ít nhất là một phần, việc thay thế khái niệm kinh tế học thị trường bằng khái niệm kinh tế học của các tổ chức – các doanh nghiệp, chính phủ, các tổ chức công đoàn và các tổ chức – tập trung vào những cơ cấu quản trị, những lực đối trọng và tính hiệu quả của những nỗ lực tập thể nhằm đạt được mục tiêu chung.
John K. Galbraight (1908-2006)
Trong tác phẩm Nhà nước mạnh được yếu thua[20], tôi cho rằng sau năm 1970 các doanh nghiệp lớn của Mỹ đã bị đẩy vào cuộc khủng hoảng chính trị bởi các chính sách kinh tế vĩ mô kiểu “stop-go[21] cạnh tranh quốc tế, thay đổi công nghệ, và đặc biệt là sự yếu kém của các thủ tục kiểm soát nội bộ chống lại sự lạm quyền từ phía các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Trong ngành công nghiệp tài chính, đó chính là điểm yếu – kể cả tham nhũng – của những công cụ kiểm soát, cả những công cụ giám sát trong nội bộ của doanh nghiệp lẫn những công cụ do các quy định điều tiết áp đặt, dẫn đến thảm họa.
Trong lãnh vực này, một sự quan sát kỹ các sự kiện đôi khi còn tốt hơn những số liệu thống kê. Công trình năm 2005 của Gary Dymski về thị trường cho vay dưới chuẩn là một ví dụ điển hình. Nó cũng cho thấy rằng hoàn toàn có thể dự báo được các cuộc khủng hoảng. Chỉ cần mở mắt nhìn là đủ:
“Có nhiều khả năng là khách hàng tiềm năng sẽ được chia thành hai nhóm: nhóm những người mà tài sản và vị thế của họ là những đảm bảo vững chắc, và nhóm những người mà mức độ giàu có quá thấp để các hợp đồng được thảo ra với hy vọng duy nhất là lấy đủ tiền lời trong ngắn hạn để bù đắp cho tình trạng mất khả năng chi trả khó tránh khỏi (đối với đa số các trường hợp) về lâu về dài… Cuộc khủng hoảng tài chính, quen thuộc qua những tác phẩm của Minsky được đặc trưng bởi sự sụp đổ của những kỳ vọng và khả năng tái cấp vốn trên thị trường chính thức… Tuy nhiên cũng có một hình thức khủng hoảng thứ hai, mà sự sụp đổ cũng xảy ra trên thị trường phi chính thức… Điều này không có nghĩa là những tác nhân tham gia thị trường đó biến mất hoặc ngừng vay tiền: họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc dấn sâu hơn vào nợ nần. Khi giá trị các tài sản đã cạn kiệt và không còn bất kỳ khả năng nào khác để điều chỉnh nợ vay, không thể trì hoãn hơn nữa thì đời sống của họ cuối cùng sẽ đồng nhất với cuộc khủng hoảng tài chính”[22].
Những công trình của Dymski cũng đã mô tả đúng, và rất sớm, chiến lược của những ngân hàng lớn và của những tác nhân khởi xướng khác trong lãnh vực cho vay bất động sản đối với các đối tượng nghèo và sắc dân thiểu số, đồng thời với những cái bẫy mà họ đã đặt ra để thu hút tài sản ít ỏi của những đối tượng này. Điều này không tránh khỏi đặt ra vấn đề trách nhiệm và đưa chúng ta đến một hướng nghiên cứu mới và quan trọng khác, nhấn mạnh hành vi kinh tế và tôn trọng pháp luật, và cụ thể hơn đến các điều kiện cho sự xuất hiện của loại “bệnh dịch” gian lận tài chính.
Về lãnh vực này, các tài liệu tham khảo chính là nghiên cứu có hệ thống của William K. Black[23] liên quan đến cuộc khủng hoảng các quỹ Savings and Loans[24], trong đó ông phát triển khái niệm “gian lận trong giám sát” – gian lận gây thiệt hại cho một tổ chức, bởi chính những người chịu trách nhiệm kiểm soát[25]. Những nỗ lực tương tự để thu hút sự chú ý của các nhà kinh tế học thuộc dòng chủ đạo có trách nhiệm giám sát, cũng có trong các công trình của Akerlof và Romer[26], đặc biệt chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi kinh nghiệm thực tiễn của Black với tư cách là một người điều tra và “người cảnh báo” trong vụ việc Savings and Loans.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, những dấu vết gian lận và tham nhũng ở khắp mọi nơi: từ các điều khoản của hợp đồng cho vay bất động sản và/hoặc thế chấp đến việc ước tính tài sản thế chấp, qua việc định giá tài sản thế chấp các khoản vay, sự cẩu thả trắng trợn của các nhà điều tiết, đến ý tưởng cho rằng rủi ro có thể được vô hiệu hóa thông qua các sáng kiến hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng – thay cho một hợp đồng bảo hiểm thiếu một nhân tố tối cần thiết, cụ thể là khoản dự phòng tổn thất. Không một nhà kinh tế học nào thuộc dòng chủ đạo dự đoán được những vấn đề trên, những người thường xem vấn đề tội phạm là một vấn đề không tương xứng với tài năng của họ. Ngày nay khi làm sáng tỏ sự thật trên, hãy nhớ rằng các vụ bê bối Savings and Loans đã dẫn đến hơn một ngàn cáo trạng và kết án tù. Rõ ràng, ở giao lộ giữa kinh tế học và tội phạm học, vẫn còn những lãnh vực rộng lớn chưa được khám phá và nghiên cứu.

6. Kết luận
Paul Krugman đã làm một điều vĩ đại khi công kích những thất bại trong câu lạc bộ mà ông ta là một thành viên, trong nhiều năm, và là một thành viên lỗi lạc. Vì vậy tôi sẵn sàng tha thứ cho tay bút hàng đầu của tạp chí New York Times Sunday Magazine đã vay mượn, gần như từng chữ một, tiêu đề một bài viết của tôi đã được xuất bản chín năm trước. Tuy nhiên tôi cũng không cưỡng được việc trích dẫn lại ý kiến ​​của tôi vào thời điểm đó:
Những thành viên có ảnh hưởng nhất trong giới kinh tế […] đã hình thành cái gọi là Bộ Chính trị về tư tưởng kinh tế đúng đắn. Theo quy tắc chung – như người ta có thể chờ đợi ​​ mt câu lc b dành cho quý ông , các thành viên đó đã được đặt sai ch đối với tất cả những vấn đề chính trị quan trọng, và điều đó đã diễn ra trong nhiều thập kỷ. Họ dự đoán những thảm họa không bao giờ diễn ra. Họ loại trừ khả năng những biến cố mà cuối cùng lại xảy ra… Họ phản đối những cải cách đúng đắn cần thiết nhất, và thay thế chúng bằng những liều thuốc vờ. Họ luôn bị bất ngờ trước những sự kiện bất lợi – chẳng hạn như một cuộc suy thoái. Và khi nhận ra rằng một quan điểm nào đó không còn đứng vững, thì họ lại không xem xét lại suy nghĩ của mình. Họ không chấp nhận khả năng có điểm yếu trong một lý thuyết. Thay vào đó, họ chọn thay đổi chủ đề. Ở những câu lạc bộ đó, không ai bị mất mặt vì đã phạm sai lầm. Không ai không được mời báo cáo công trình của mình ở những hội thảo và hội nghị chuyên đề. Và câu lạc bộ vẫn luôn cấm cửa đối với những người không phải là thành viên[27].
Đó vẫn còn là vấn đề chính. Như đã liệt kê – tuy chưa đầy đủ –, thì còn có một mảng khá phong phú và đầy hứa hẹn của kinh tế học, lí thuyết lẫn chứng cứ, hoàn toàn phù hợp cho việc nghiên cứu nền kinh tế thật và những vấn đề của nó. Bài viết này có ý nghĩa ở những điểm mà toàn bộ trào lưu chủ đạo, kể cả những cách tiếp cận mới theo kiểu như “kinh tế học hành vi” là không xác đáng. Tuy nhiên, vị thế của những công trình nghiên cứu này trong các cuộc tranh luận học thuật là ở đâu? Nó gần như là một con số không.
Do đó, không cần thiết phải giới hạn các cuộc thảo luận trong phạm vi hẹp của một môn khoa học kinh tế truyền thống. Vấn đề cấp bách ở đây là mở rộng nhiều hơn nữa không gian học thuật và tầm nhìn của công chúng đối với những công trình thực sự hữu ích để đối phó với những vấn đề sâu sắc về kinh tế trong thời đại của chúng ta. Mọi người phải có thể tiến hành sự nghiệp học thuật trong những lĩnh vực và phương pháp mà các biến cố gần đây đã chứng minh tính hữu dụng của chúng. Nhiệm vụ này rõ ràng không nên giao cho các phân khoa kinh tế học có liên quan, mà nên giao cho các hội đồng quản trị, các cơ quan tài trợ, các tổ chức, sinh viên, và thậm chí cho phụ huynh. Ý tưởng không phải là tranh luận bất tận về vấn đề kẻ tám lạng và người nửa cân, mà là vượt qua những cuộc tranh cãi về vỏ dưa và vỏ dừa nằm bên ngoài các cuộc tranh cãi ấy, nơi có những giải pháp nhất quyết nằm ở đâu đó, và đúng thực sự đang ở đó.

Thư mục:
Akerlof, George & Paul M.Romer. “Looting: The Economic Underworld of Bankruptcy for Profit,” Brookings Papers on Economic Activity, Economic Studies Program, The Brookings Institution, vol. 24, 1993.
Albin, Peter S. Barriers and Bounds to Rationality, Princeton: Princeton University Press, 1998.
Arrighi, Giovanni. “The Social and Political Economy of Global Turbulence.” New Left Review (March-April 2003).
Baker, Dean. “The Run Up in Home Prices: Is It Real or Is It Another Bubble?” August 5, 2002. www.cepr.net/documents/publications/housing_2002_08.htm.
Black, William K. The Best Way to Rob a Bank is to Own One. Austin: University ofTexas Press, 2005.
Bond, Patrick. “Crunch time for US Capitalism?” Z-NetCommentary. December 4, 2004.
Brenner, Robert. The Boom and the Bubble. New York: Verso, 2003.
Brenner, Robert. “The Origins of the Present Crisis.” 2009. www.sscnet.ucla.edu/issr/cstch/.
Chen, Jing and James K. Galbraith. “A Biophysical Approach to Production Theory,” University of Texas Inequality Project Working Paper 55 (February 2009).
Chen, Ping. Micro interaction, meso foundation, and macro vitality. (forthcoming).
D’Arista, Jane. “The Overheated Mortgage Machine,” Flow of Funds Review & Analysis. December, 2002.
Davidson, Paul. Financial Markets, Money and the Real World. London: Edward Elgar, 2003.
Dymski, Gary. “Financial Globalization, Social Exclusion and Financial Crisis,” International Review of Applied Economics 19, no. 4 (October 2005): 439-457.
Galbraith, James K. “How The Economists Got it Wrong,” The American Prospect. February, 2000.
Galbraith, James K. The Predator State. New York: Free Press, 2008.
Galbraith, John Kenneth. The New Industrial State. Princeton: Princeton University Press, 2007.
Godley, Wynne. “Prospects for the United States and the World: A Crisis That Conventional Remedies Cannot Resolve.” Levy Economics Institute Strategic Analysis. December, 2008. www.levy.org.
Harvey, David. The New Imperialism. Oxford: Oxford University Press, 2005.
Keynes, John M. The General Theory of Employment Interest and Money. London: MacMillan, 1936.
Krugman, Paul. “How Did Economists Get it So Wrong?” New York Times Sunday Magazine, September 6, 2009.
Minsky, Hyman P. Stabilizing an Unstable Economy. New York: McGraw-Hill, 2008.
Mirowski, Philip. More Heat than Light. New York: Cambridge University Press, 1991.
Rosser, Barkley jr., Mauro Gallegati and Antonio Palestrini. “The Period of Financial Distress in Speculative Markets: Interacting Heterogeneous Agents and Financial Constraints” Macro economic Dynamics. (forthcoming). Available: http://cob.jmu.edu/rosserjb.
Wedel, Janine. Collision and Collusion: The Strange Case of Western Aid to Eastern Europe. London: Palgrave-MacMillan, 2001.
Wood, Ellen Meikskins. Empire of Capital. New York: Verso, 2005.

Để tìm hiểu thêm trên mạng, có thể tham khảo:
¨ Bài của Paul Krugman, New York Times Magazine, ngày 02 tháng chín 2009.
¨ Một trong vô số bài điểm bài của Paul Krugman, Gilles Raveaud, L’économie politique, 4/09/2009   
¨ Bài đáp trả của Martin Bailly, Brookings, 8/09/2009. Martin Bailly cho rằng lí thuyết kinh tế vĩ mô mới bị Krugman phê phán đến thế đã không có ảnh hưởng như ông ta nói trên những người thực hành chính sách kinh tế. Việc thiếu quan tâm đến những dấu hiệu báo trước cuộc khủng hoảng được giải thích bằng sự dễ dãi bắt nguồn từ một cảm giác an toàn không có thực hơn là bằng những trào lưu hàn lâm phê phán Keynes: sau 20 năm thế giới phát triển không có một cuộc khủng hoảng quan trọng nào khiến cho các nhà trách nhiệm về chính sách kinh tế nghĩ rằng họ đã dự báo chắc chắn hết mọi chuyện.
¨ Barry Eichengreen, trong The National Interest, có một quan điểm khác với Krugman. Theo ông, điều không phải là kinh tế học tỏ ra thiếu sót nhưng là chính giới chính trị và tài chính đã không biết tiếp nhận nó. Nhiều mảng lớn của lí thuyết kinh tế hiện đại xử lí những yếu kém cấu trúc và những xung đột quyền lợi vốn có của mô hình tư bản chủ nghĩa, nhưng chính là các khía cạnh này đã không được áp dụng.  
¨ Hồ sơ của The Economist, tháng 7, 2009 gồm hai phần. Một bài đầu xem xét không nhân nhượng những yếu kém của kinh tế học vĩ mô trong những năm 1980, và đặc biệt là các mô hình DGSE. Tiếp đó bài trình bày cuộc tranh luận hiện nay giữa những ai muốn thay đổi hoàn toàn hệ ý, những ai, giống như Krugman, kêu gọi quay trở lại với Keynes, và những ai muốn làm phong phú hơn các mô hình hiện đại. Bài thứ hai, dưới ánh sáng của cuộc khủng hoảng, sơ kết cương vị của giả thiết thị trường hữu hiệu.
¨ Bài đáp trả của Robert Lucas tháng 8, 2009 bảo vệ lợi ích của kinh tế học vĩ mô hiện đại. Ông nhìn các phê phán hiện nay như là có tính cơ hội; đối với ông, đó là những trào lưu đã có từ lâu và hiện đơn giản làm mọi cách để quảng bá tư tưởng của họ. Trái lại, ông bảo vệ giới kinh tế biện luận rằng dù sao đi nữa, vai trò của giới này là khiêm tốn; các nhà kinh tế vĩ mô từng biết rằng có thể có một cuộc khủng hoảng, nhưng không vì thế mà phải quyết liệt ra tay trước. Ngược lại dưới mắt ông, sự đáp trả cuộc khủng hoảng cho thấy rằng các chính sách kinh tế được thông tin nhờ các lí thuyết trong hai mươi năm qua cũng như nhờ những trào lưu lâu đời hơn (kể cả trào lưu keynesian) đã cho phép tránh được một cuộc khủng hoảng trầm trọng không kém gì cuộc khủng hoảng những năm 1930.
James K. Galbraith
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Who Are These Economists, Anyway”, Thought and Action, Fall 2009, 85-97



[1] Xem nguyên tác tiểu luận của Krugman tại http://www.nytimes.com/2009/09/06/magazine/06Economic-t.html?_r=0, và một bản dịch tiểu luận này tại http://vepr.org.vn/533/ebook/dc-17-lam-sao-cac-nha-kinh-te-hoc-da-hieu-lam-den-vay-/25365.html, – (ND)

[2] Nhân vật tiểu thuyết của nhà văn Voltaire trong tác phẩm Candide hay chủ nghĩa lạc quan, theo đó thế giới là “thế giới tốt đẹp nhất có thể” (ND).

[3] Nhân vật huyền thoại Hi Lạp có khả năng tiên đoán tương lai nhưng bị lời nguyền của Appolo là sẽ không ai, ngay cả các thành viên trong gia đình, tin lời tiên đoán của nàng (ND).

[4] J.M. Keynes, The General Theory of Employment, 1936.

[5] n.t.

[6] Các liberal arts colleges là những trường đại học không có đơn vị nghiên cứu và không cấp bằng bậc cao học cũng như những văn bằng chuyên môn. Thường các liberal arts colleges là nơi chuẩn bị tổng quát cho những sinh viên muốn sau này theo đuổi một chuyên ngành nhất định (chú thích của bản dịch tiếng Pháp).

[7] Tôi bỏ qua thế giới của các nhà kinh tế học kinh doanh, bao gồm Nouriel Roubini, có những phương pháp mà tôi không thể phân biệt rõ, và Nassim Taleb, mà chủ nghĩa hư vô trong trường hợp này đối với tôi dường như quá đáng, khi cho rằng không thể dự báo trước sự vật trong khi thực tế thì ngược lại. Ở đây tôi không đề cập đến những nhà lý luận lớn, chẳng hạn như Paul Davidson (xem Tài liệu tham khảo) hay Joseph Stiglitz. Cả hai nhà lý luận này đưa ra những nguyên nhân chung để dự báo khủng hoảng, nhưng nguyên nhân cụ thể của cuộc khủng hoảng hiện tại thì lại ít hơn.

[8] Bond, “Crunch Time for US Capitalism?” 2004; Brenner, The Boom and the Bubble, 2003; Wood, Empire of Capital, 2005; Harvey, The New Imperialism, 2005; Arrighi, “The Social and Political Economy of Global Turbulence,” 2003; Brenner, “The Origins of the Present Crisis,” 2009.

[9] Baker, “The Run Up in Home Prices,” 2002.

[10] Như Jane D’Arista, trong công trình dựa trên dòng chảy của các quỹ: “… Sự bùng nổ của bong bóng thế chấp có thể mở ra những gián đoạn tài chính rộng lớn hơn với những tác động kinh tế vĩ mô sâu sắc hơn những biến động theo sau cuộc khủng hoảng S & L của những năm 1980″ (xem thư mục).

[11] Tức tỉ số giá/lợi nhuận hay PER: Price Earnings Ratio (chú thích của bản dịch tiếng Pháp).

[12] Như Mirowski chỉ ra, người ta có thể xem trong kinh tế học của Keynes, tổng chi tiêu là thước đo giá trị tương đương với vàng hoặc lao động hoặc phúc lợi tâm lý trong các lý thuyết trước đó (xem thư mục).

[13] C+I+G+X-M=Y. Theo kí hiệu chuẩn, Y là thu nhập, C là tiêu dùng, I là đầu tư, G là chi tiêu chính phủ, X là xuất khẩu, M là nhập khẩu, T là tổng doanh thu thuế, và S là tiết kiệm. Mối quan hệ thứ hai là (S-I) = (G-T) + (X-M), trong đó S được định nghĩa là Y-C-T. Biết được hai số hạng bất kỳ trong dấu ngoặc thì, theo định nghĩa, sẽ biết được số hạng thứ ba.

[14] Godley, “Prospects for the United States and the World,” 2008.

[15] Minsky, Stabilizing an Unstable Economy, 2008.

[16] Albin, Barriers and Bounds to Rationality, 1998; Rosser, et.al., “The Period of Financial Distress in Speculative Markets”, forthcoming; Chen, Micro interaction, forthcoming.

[17] Trong lí thuyết tài chính, một “noise trader” là một nhà đầu tư không hoàn toàn duy lí và cầu tài sản của tác nhân này bị chi phối bởi những động cơ khác – như cảm tính, bắt chước, v.v… – hơn là bởi việc phân tích những “cơ bản” của nền kinh tế (chú thích của bản dịch tiếng Pháp).

[18] Chen, Micro interaction, forthcoming.

[19] Galbraith, The New Industrial State, 2007.

[20] Galbraith, The Predator State, 2008.

[21] Ở Pháp, cho đến những năm 2010, chính phủ đưa ra những chính sách Stop and Go. Có nghĩa là, luân phiên áp dụng một chính sách hạn chế (lạm phát thấp) rồi đến một chính sách phục hồi, khi mà chính sách hạn chế dẫn đến một sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Đến lượt giai đoạn phục hồi tạo ra tỷ lệ lạm phát cao, và chính phủ phải áp dụng chính sách hạn chế để giảm bớt tỷ lệ lạm phát và cứ tiếp tục như vậy (https://fr.wikipedia.org/wiki/Politique_conjoncturelle,) (ND).

[22] Dymski, “Financial Globalization, Social Exclusion and Financial Crisis,” 2005.

[23] Black, The Best Way to Rob a Bank is to Own One, 2005.

[24] Tên của cuộc khủng hoảng ngân hàng từ 1986 đến 1995 làm biến mất hàng trăm quỹ tiết kiệm (Savings and Loans) chuyên về cho vay thế chấp (chú thích của bản dịch tiếng Pháp).

[25] Có nhiều sự tương đương giữa việc nghiên cứu sự “cướp bóc của các tổ chức” (organizational looting) trong các nền kinh tế phát triển tây phương và sự cướp bóc trong các nền kinh tế bị tàn phá ở Đông Âu (xem thư mục).

[26] Akerlof and Romer, “Looting: The Economic Underworld of Bankruptcy for Profit,” 1-74.

[27] Galbraith, “How The Economists Got it Wrong,” 2000.

[*] Tham khảo định nghĩa hình thức của viable market: https://en.wikipedia.org/wiki/Brownian_model_of_financial_markets#Viable_markets, (ND).

Print Friendly and PDF