26.5.16

Chuyển dịch cơ cấu nghề trên một mẫu khảo sát lặp lại ở Đông Nam Bộ

CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGHỀ TRÊN MỘT MẪU KHẢO SÁT LẶP LẠI Ở ĐÔNG NAM BỘ[1]   
Bùi Thế Cường, Phạm Thị Dung[2]
Đông Nam Bộ là vùng phát triển kinh tế nhanh nhất ở Việt Nam, do đó cơ cấu nghề ở đây có những đặc điểm khác với những vùng còn lại trên cả nước. Sử dụng bộ số liệu khảo sát Đông Nam Bộ hẹp (không bao gồm TPHCM) năm 2010 và khảo sát lặp năm 2015, bài viết đề cập đến cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở vùng Đông Nam Bộ hẹp. Trước hết, bài viết trình bày khía cạnh định lượng trong sự chuyển dịch của cơ cấu nghề ở vùng này giữa hai thời điểm khảo sát. Tiếp theo, bài viết phân tích phân bố nguồn lực học vấn, kinh tế và vị thế chính trị theo cơ cấu nghề 2010 và 2015.
1. MỞ ĐẦU
Trong khung phân loại chính thức, Đông Nam Bộ là vùng có 6 tỉnh thành: Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và TPHCM. Đây là vùng có nền kinh tế phát triển nhất ở Việt Nam. Dân số Đông Nam Bộ năm 2014 bằng 17,4% dân số cả nước. Nhưng tổng đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 31/12/2014 ở Đông Nam Bộ bằng 43,7% của cả nước. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép năm 2014 ở Đông Nam Bộ bằng 35,5% của cả nước. Doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2013 ở Đông Nam Bộ chiếm 39,7% của cả nước (Tổng cục Thống kê, 2015, trang 204, 208, 276).
Cơ cấu kinh tế và sự phát triển kinh tế là một yếu tố quyết định cơ cấu nghề và cơ cấu giai tầng xã hội nói chung. Bài viết trình bày khía cạnh định lượng của cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở vùng Đông Nam Bộ hẹp (không bao gồm TPHCM) năm 2010 và sự dịch chuyển của nó năm 2015. Tiếp đó, phân tích mối tương quan giữa cơ cấu ấy với sự phân bố một số nguồn lực cơ bản.
2. NGUỒN DỮ LIỆU
Bài viết dựa trên nguồn dữ liệu cuộc khảo sát Đông Nam Bộ hẹp do Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ thực hiện năm 2010 trong khuôn khổ Chương trình cấp Bộ Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ 2011-2020 (CT09-10) với sự tài trợ của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, và cuộc khảo sát lặp lại thực hiện năm 2015 trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 (KX.02.20/11-15) do Bộ Khoa học và công nghệ tài trợ. Dưới đây gọi tắt là khảo sát 2010 và khảo sát 2015.
Khảo sát 2010 thiết kế chọn mẫu xác suất theo hướng đại diện cho dân cư vùng Đông Nam Bộ hẹp, không bao gồm TPHCM (Trần Đan Tâm, 2010. Lê Thanh Sang, 2011). Mẫu khảo sát 2015 dựa trên danh sách địa bàn và hộ gia đình của khảo sát 2010. Mẫu khảo sát bao gồm 1.080 hộ gia đình sống tại 90 khu dân cư thuộc 30 phường/ thị trấn/ xã của vùng Đông Nam Bộ hẹp. Mỗi hộ trong danh sách nghiên cứu phỏng vấn một người được xem là đại diện chính (thường là chủ hộ, nhưng không nhất thiết). Do đó, trong mẫu khảo sát, tỷ lệ nam của người trả lời cao hơn nữ (56,8% người trả lời là nam, 2015). Khảo sát 2010 thu thập dữ liệu ở thực địa vào tháng 3-4/2010, còn khảo sát 2015 vào tháng 4-7/2015. Điều tra viên của cả hai khảo sát là sinh viên đại học, cử nhân và học viên cao học ngành xã hội học. Trưởng nhóm điều tra là các nhà xã hội học đang làm việc tại Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ. Cán bộ cơ sở ở địa phương hướng dẫn điều tra viên đến nhà các hộ gia đình, giới thiệu với gia đình. Sau đó, cuộc phỏng vấn được thực hiện tại nhà, về nguyên tắc không có sự can thiệp của cán bộ địa phương. Số người đại diện hộ gia đình khi phỏng vấn mà đang có việc làm trong mẫu khảo sát 2010 là 913 người và trong mẫu khảo sát 2015 là 865 người trong tổng số 1.080 hộ gia đình được khảo sát (lần lượt chiếm 84,5% và 80,1% tổng mẫu). Đây là những nhóm dữ liệu được đưa vào phân tích trong bài viết.
Mẫu khảo sát và mẫu phân tích nêu trên có một số hạn chế cần lưu ý khi xem xét và sử dụng kết quả. Cỡ mẫu khảo sát tương đối nhỏ, mặc dù cách chọn mẫu của khảo sát 2010 đảm bảo tính đại diện cho vùng vào thời điểm đó. Chọn ngẫu nhiên địa bàn khảo sát chỉ dựa trên danh sách đơn vị hành chính, không gia trọng theo quy mô dân cư. Mẫu khảo sát 2015 dựa trên mẫu khảo sát 2010 nhằm mục tiêu nghiên cứu lặp, do vậy không phản ánh tính đại diện của quần thể dân cư vùng vào thời điểm 2015. Do biến động dân cư, nên 12,1% số hộ năm 2010 phải thay thế bằng hộ mới. Một số đại diện hộ gia đình trả lời trong khảo sát lặp 2015 cũng không phải là người đã phỏng vấn trong khảo sát 2010. Trong khi cỡ mẫu tương đối nhỏ, khung phân loại sử dụng cho phân tích lại gồm 11 nhóm nghề, nên một số nhóm nghề khi phân tổ có số lượng nhỏ. Do những hạn chế nêu trên, những kết quả phân tích trong bài cần được tham khảo thận trọng.  
3. KHUNG PHÂN LOẠI NHÓM NGHỀ
Từ thế kỷ XIX các học giả ở Tây Âu đã đề xuất những khung phân loại giai cấp xã hội. Từ nửa sau thế kỷ XX, trong nghiên cứu thực nghiệm, các nhà xã hội học thường phân chia dân cư hay hộ gia đình thành các nhóm vị thế xã hội dựa trên nghề (Lê Thanh Sang, 2010).
Dựa trên bảng mã nghề do Tổng cục Thống kê ban hành, khảo sát Đông Nam Bộ 2010 xây dựng một khung phân loại nghề gồm 10 nhóm (Lê Thanh Sang, 2011). Sử dụng khung phân loại này nhóm nghiên cứu đã công bố một số ấn phẩm mô tả cơ cấu xã hội dựa trên nghề của vùng Đông Nam Bộ hẹp và TPHCM (Bùi Thế Cường, 2012. Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu, 2013. Bùi Thế Cường, 2015a và 2015b). Khung 10 nhóm nghề mà nhóm đề tài sử dụng gồm: Quản lý Nhà nước; Quản lý công ty; Chủ tư nhân; Chuyên viên kỹ thuật; Nhân viên; Công nhân-thợ thủ công; Nông dân lớp trên; Nông dân lớp giữa; Nông dân lớp dưới; Lao động giản đơn. Trong một số bài viết nêu trên có gộp 10 nhóm nghề thành 3 tầng xã hội.
Trong cuốn sách xuất bản năm 2012, Đỗ Thiên Kính đưa ra khung phân loại gồm 9 nhóm nghề để phân tích cơ cấu nghề trên quy mô cả nước dựa trên các bộ số liệu VHLSS (Khảo sát mức sống hộ gia đình Việt Nam) từ 2002 đến 2008. Khung 9 nhóm nghề của Đỗ Thiên Kính gồm: Lãnh đạo các cấp và các ngành; Doanh nhân; Chuyên môn bậc cao; Nhân viên; Công nhân; Buôn bán-dịch vụ; Tiểu thủ công nghiệp; Lao động giản đơn; Nông dân. Tác giả cũng gộp 9 nhóm nghề ấy thành 3 tầng xã hội (Đỗ Thiên Kính, 2012, trang 46-53). Trong khuôn khổ Đề tài KX.02.20/11-15, Đỗ Thiên Kính tiếp tục dùng khung nghề 9 nhóm nói trên để tìm hiểu chuyển dịch cơ cấu nghề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên các bộ số liệu VLSS 1992/1993 và VHLSS 2002 và 2012 (Đỗ Thiên Kính, 2015).
Bảng 1 trình bày khung phân loại nhóm nghề và bậc nghề mà Đề tài KX.02.20/11-15 đã sử dụng trong bảng hỏi định lượng. Dựa trên khung ấy, bài viết này xây dựng một danh mục cơ cấu nghề gồm 11 nhóm để phân tích. Nhưng trong danh mục 11 nhóm nghề ở bài viết, việc phân chia nhóm chủ sở hữu tư nhân sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp thành hai bậc (Chủ sở hữu bậc trên và Chủ sở hữu bậc dưới) không dựa trên tiêu chí số lao động như trong định nghĩa ở Bảng 1. Tiêu chí phân chia ở đây là mức trung bình (mean) của thu nhập bình quân đầu người năm của toàn bộ các hộ mà người đại diện là chủ sở hữu tư nhân sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Những hộ chủ sở hữu tư nhân trên mức đó xếp vào nhóm Chủ sở hữu tư nhân bậc trên, những hộ chủ sở hữu tư nhân dưới mức đó xếp vào nhóm Chủ sở hữu tư nhân bậc dưới. Trung bình của mức thu nhập bình quân đầu người năm của các hộ chủ sở hữu tư nhân sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp ở Đông Nam Bộ hẹp được lấy làm ngưỡng phân bậc là 20.121.500 VND cho khảo sát 2010 và 40.062.200 VND cho khảo sát 2015.
4. CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU NGHỀ Ở ĐÔNG NAM BỘ HẸP
Dựa trên bộ số liệu khảo sát Đông Nam Bộ hẹp 2010 và khung cơ cấu 10 nhóm nghề, Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu đưa ra kết quả phân tích cơ cấu nghề ở Đông Nam Bộ hẹp như sau: Quản lý Nhà nước chiếm 2,5%; Quản lý công ty 0,0%; Chủ tư nhân 3,0%; Chuyên viên kỹ thuật 3,7%; Nhân viên 11,3%; Công nhân-thợ thủ công 12,4%; Nông dân lớp trên 10,5%; Nông dân lớp giữa 20,9%; Nông dân lớp dưới 17,6%; Lao động giản đơn 18,1% (Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu, 2013, trang 22). So sánh với cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở TPHCM và Tây Nam Bộ, hai tác giả nhận xét: “cơ cấu xã hội ở TPHCM thể hiện rõ tính chất phân tầng theo một xã hội đô thị; Đông Nam Bộ đang trong quá trình chuyển động từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp; và Tây Nam Bộ vẫn còn thể hiện nhiều tính chất của một xã hội nông nghiệp-truyền thống” (Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu, 2013, trang 31).
Sử dụng bộ số liệu VHLSS 2012 và dựa trên khung cơ cấu 9 nhóm nghề, Đỗ Thiên Kính đưa ra kết quả phân tích cơ cấu nghề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như sau: Lãnh đạo các cấp và các ngành 0,4%; Doanh nhân 0,8%; Chuyên môn bậc cao 7,4%; Nhân viên 7,8%; Công nhân 13,6%; Buôn bán-dịch vụ 19,1%; Tiểu thủ công nghiệp 14,7%; Lao động giản đơn 10,6%; Nông dân 25,6%. Phân tích của Đỗ Thiên Kính cho thấy vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (trong đó Đông Nam Bộ hẹp và TPHCM đóng vai trò chủ chốt) sở hữu một cơ cấu nghề khá phát triển so với các vùng khác trong cả nước. Tác giả ước tính cơ cấu nghề vùng này đã đạt tới giai đoạn “phát triển công nghiệp hóa”, trong khi vùng Đồng bằng sông Hồng mới bắt đầu bước vào giai đoạn “phát triển công nghiệp hóa” và cả nước thì ở giai đoạn cuối của “khởi đầu công nghiệp hóa” (Đỗ Thiên Kính, 2015, trang 36).
Bảng 1 mô tả cơ cấu 11 nhóm nghề ở Đông Nam Bộ hẹp năm 2010 dựa trên bộ số liệu khảo sát Đông Nam Bộ hẹp 2010 và sự chuyển dịch của cơ cấu nghề ở vùng này năm 2015 dựa trên bộ số liệu khảo sát lặp lại trên mẫu 2010.
Theo đó, vào năm 2010 ở Đông Nam Bộ hẹp, nhóm Chủ sở hữu bậc trên là 4,7%; Nông dân bậc trên 12,3%; Quản lý Nhà nước bậc dưới 2,4%; Chủ sở hữu bậc dưới 8,2%; Chuyên môn bậc dưới 9,6%; Nông dân bậc giữa 21,8%; Công nhân, thợ tiểu thủ công nghiệp 12,5%; Nông dân bậc dưới 12,9%; Lao động phi nông nghiệp giản đơn 15,6%. Nhóm Quản lý Nhà nước bậc trên và Chuyên môn bậc trên không thể hiện về mặt thống kê. Gộp 11 nhóm nghề vào 4 tầng xã hội, tháp phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ hẹp 2010 mang dạng quả trám to nhiều hơn ở nửa dưới. Tỷ lệ hộ gia đình từ tầng cao đến tầng thấp lần lượt là 17,0%, 20,3%, 34,3% và 28,5%. Hai tầng trên chỉ chiếm 37,3% (Hình 1). 
Vào năm 2015, khảo sát lặp dựa trên mẫu 2010 ở Đông Nam Bộ hẹp cho thấy trong mẫu này đã có sự dịch chuyển cơ cấu đáng kể. Nhóm Quản lý Nhà nước bậc trên là 0,5%; Chủ sở hữu bậc trên 5,7%; Nông dân bậc trên 15,7%; Chuyên môn bậc trên 0,2%; Quản lý Nhà nước bậc dưới 3,6%; Chủ sở hữu bậc dưới 16,9%; Chuyên môn bậc dưới 6,2%; Nông dân bậc giữa 16%; Công nhân, thợ tiểu thủ công nghiệp 11,4%; Nông dân bậc dưới 15,4%; Lao động phi nông nghiệp giản đơn 8,4%. Gộp 11 nhóm nghề vào 4 tầng xã hội, tháp phân tầng xã hội của mẫu Đông Nam Bộ hẹp năm 2015 đã mang dạng quả trám đều và cân đối cả nửa trên và nửa dưới. Tỷ lệ hộ gia đình từ tầng cao đến tầng thấp lần lượt là 22,1%, 26,7%, 27,4% và 23,8%. Hai tầng trên đạt tới mức gần một nửa (48,8%) (Hình 2).
Sau 5 năm, cơ cấu nghề chính hiện tại của người đại diện trong mẫu hộ gia đình được khảo sát ở Đông Nam Bộ hẹp 2010 đã có những dịch chuyển đáng kể. Một số nhóm ở phía trên tăng tỷ phần của mình trong cơ cấu nghề (các nhóm từ A1 đến A6, Bảng 2), phản ánh một sự dịch chuyển nghề và di động xã hội của hộ gia đình theo hướng tích cực. Hầu hết các nhóm ở nửa dưới đều giảm tỷ phần của mình trong cơ cấu nghề (các nhóm từ A7 đến A11, trừ nhóm A10 Nông dân bậc dưới). Kết quả đó cũng phản ánh trong sự dịch chuyển cơ cấu tầng xã hội dựa trên nghề, từ hình quả trám năm 2010 to hơn ở nửa dưới trở thành hình quả trám năm 2015 cân đối giữa nửa trên và nửa dưới (Hình 1 và Hình 2).
Hình 1. Tháp cơ cấu tầng xã hội dựa trên nghề, Đông Nam Bộ hẹp, 2010, %
Hình 2. Tháp cơ cấu tầng xã hội dựa trên nghề của mẫu khảo sát Đông Nam Bộ hẹp 2010 tại thời điểm 2015, %
5. PHÂN BỐ NGUỒN LỰC THEO CƠ CẤU NGHỀ
Phần này trình bày phân bố định lượng ba nguồn lực tiêu biểu nơi 11 nhóm nghề và 4 tầng xã hội, thông qua bốn biến số. Đó là “số năm đi học” (trong hệ thống giáo dục chính quy) phản ánh nguồn lực tri thức; “ước tính giá trị tài sản” và “thu nhập bình quân đầu người năm” phản ánh nguồn lực kinh tế; và “là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” phản ánh nguồn lực vị thế chính trị (quyền lực). Dựa trên các bộ dữ liệu khảo sát 2008 ở Đồng bằng sông Cửu Long, khảo sát 2010 ở Đông Nam Bộ hẹp, khảo sát 2010 ở TPHCM, và khảo sát 2010 ở tỉnh Vĩnh Long, một số tác giả đã sử dụng những biến số tương tự để tìm hiểu phân tầng xã hội (Lê Thanh Sang, 2009, 2011. Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu, 2013. Bùi Thế Cường, 2011, 2012, 2013, 2015a, 2015b).
5.1. Nguồn lực tri thức thể hiện qua biến số “số năm đi học”
Bảng 3 Cột 4 trình bày số năm đi học trung bình của người đại diện hộ gia đình theo nhóm nghề và tầng xã hội trong mẫu khảo sát 2010. Kết quả cho thấy, số năm đi học của đại diện hộ gia đình đang làm việc ở Đông Nam Bộ hẹp là 7,5. Trong đó nhóm Nông dân bậc dưới có số năm đi học thấp nhất (5,8). Nông dân bậc giữa và bậc cao có số năm đi học lần lượt là 6,1 và 7,0. Con số này ở Chủ sở hữu bậc dưới là 7,3. Công nhân, thợ thủ công có số năm học là 8,8. Tầng xã hội giữa trên có số năm đi học cao nhất là 9,8, gấp 1,59 lần so với tầng dưới.
Bảng 4 Cột 4 thể hiện số năm đi học trung bình của người đại diện hộ gia đình theo nhóm nghề và tầng xã hội trong mẫu khảo sát 2015. Kết quả cho thấy, trong mẫu khảo sát lặp lại năm 2015, số năm đi học của đại diện hộ gia đình đang làm việc ở Đông Nam Bộ hẹp là 7,5. Trong đó nhóm Lao động phi nông nghiệp giản đơn có số năm đi học thấp nhất (4,9). Nông dân bậc dưới đến bậc giữa và bậc cao có số năm đi học lần lượt là 5,2 năm, 6,1 năm và 6,9 năm. Con số này ở Chủ sở hữu bậc dưới là 7,6. Công nhân, thợ thủ công có số năm học là 8,5. Quản lý Nhà nước bậc trên và Chuyên môn bậc trên có số năm học cao nhất (16,0), gấp 2,13 lần mức chung và gấp 3,27 lần so với nhóm có số năm đi học thấp nhất. Tầng xã hội trên có số năm đi học gấp 2,39 lần so với tầng dưới. Giữa hai thời điểm, mức trung bình chung không thay đổi, nhưng khác biệt giữa các nghề và tầng xã hội lại tăng lên.
Số liệu nêu trên cho thấy nguồn lực tri thức đo lường qua biến số “số năm đi học” (trong hệ thống giáo dục và đào tạo chính quy) chịu sự cấu trúc hóa rõ rệt theo tháp phân tầng xã hội dựa trên cơ cấu nghề. Nhóm Quản lý Nhà nước và Chuyên môn (đặc biệt là bậc trên của hai nhóm này) có nguồn lực tri thức cao rõ rệt so với các nhóm nghề còn lại.
5.2. Nguồn lực kinh tế thể hiện qua biến số “ước tính giá trị tài sản” và “thu nhập bình quân đầu người”
Số liệu về ước tính giá trị tài sản trong khảo sát 2010 thu thập không đầy đủ nên không thể hiện trong Bảng 3. Bảng 4 Cột 5-6 trình bày ước tính giá trị tài sản của các hộ gia đình mẫu khảo sát 2015. Ước tính giá trị tài sản hộ gia đình bình quân ở Đông Nam Bộ hẹp là 1.428.835.700 VND, theo chúng tôi là một con số gây ấn tượng. Điều này phần lớn do giá trị bất động sản (chủ yếu là đất ở và đất sản xuất) tăng mạnh trong ba mươi năm qua. Nhưng giá trị tài sản khác biệt rõ rệt giữa các nhóm nghề và tầng xã hội. Nông dân bậc dưới là nhóm có giá trị tài sản thấp nhất (538.085.900 VND), trong khi Nông dân bậc trên có giá trị tài sản cao nhất (3.442.154.000 VND), chênh nhau 6,4 lần. Chênh lệch giá trị tài sản giữa tầng trên và tầng dưới là 5,6 lần.
Bảng 3 Cột 5-6 mô tả thu nhập bình quân đầu người năm ở Đông Nam Bộ hẹp thời điểm khảo sát 2010. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm ở Đông Nam Bộ hẹp là 17.650.200 VND. Nông dân bậc dưới là nhóm có mức thu nhập thấp nhất (10.328.000 VND), còn Chủ sở hữu bậc trên có mức thu nhập cao nhất (33.984.800 VND), chênh 3,3 lần. Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa tầng trên và tầng dưới là 3,1 lần.
Bảng 4 Cột 7-8 cho thấy, trong mẫu khảo sát lặp lại năm 2015, thu nhập bình quân đầu người năm ở Đông Nam Bộ hẹp là 39.151.900 VND. Nông dân bậc dưới vẫn là nhóm có mức thu nhập thấp nhất (21.319.200 VND), còn Chủ sở hữu bậc trên có mức thu nhập cao nhất (81.959.800 VND), chênh 3,8 lần. Chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa tầng trên và tầng dưới là 2,8 lần, giảm hơn so với năm 2010.
So sánh số liệu nêu trên dẫn đến một số nhận xét. Thứ nhất, thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của các hộ gia đình trong mẫu khảo sát 2010 đã tăng mạnh so với 2010, gấp 2,22 lần.[3] Điều này đúng với cả nhóm có mức thu nhập thấp nhất là Nông dân bậc dưới. Mức thu nhập bình quân nhân khẩu của nhóm đó năm 2015 gấp 2,06 lần mức năm 2010. Nhưng mức chênh này ở nhóm có thu nhập bình quân đầu người cao nhất (Chủ sở hữu bậc trên) lên tới 2,41 lần. Thứ hai, nguồn lực kinh tế đo lường qua biến số “ước tính giá trị tài sản” và “thu nhập bình quân đầu người” chịu sự cấu trúc hóa rõ rệt theo tháp phân tầng xã hội dựa trên cơ cấu nghề.
5.3. Nguồn lực vị thế chính trị thể hiện qua biến số “là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”
Bảng 3 Cột 7-8 mô tả phân bố vị thế chính trị của đại diện hộ gia đình đang có việc làm trong khảo sát 2010, thông qua biến số “là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam”. Còn Bảng 4 Cột 9-10 mô tả phân bố ấy trong mẫu khảo sát lặp lại năm 2015. Số đảng viên trong mẫu khảo sát 2010 được đưa vào phân tích (đại diện hộ gia đình đang làm việc) là 34, bằng 73,9% số đảng viên đại diện hộ gia đình trong toàn mẫu khảo sát. Số đảng viên trong mẫu khảo sát 2015 được đưa vào phân tích là 46, bằng 69,7% số đảng viên đại diện hộ gia đình trong toàn mẫu khảo sát.
Bảng 3 Cột 7 cho thấy phần lớn đảng viên tập trung ở nhóm Quản lý Nhà nước bậc dưới (35,3%) và Chuyên môn bậc dưới (41,2%). Số đảng viên trong nhóm chủ tư hữu lớn (Chủ sở hữu bậc trên và Nông dân bậc trên) khá cao, tới 14,8%. Số đảng viên trong 4 nhóm nghề lao động chân tay (Nông dân bậc giữa, Công nhân-thợ thủ công, Nông dân bậc dưới, Lao động phi nông nghiệp giản đơn) chỉ chiếm 8,7%. Gộp theo tầng xã hội, trong tổng số đảng viên trong mẫu phân tích có 14,7% đảng viên thuộc tầng trên, 76,5% thuộc tầng giữa trên, 2,9% thuộc tầng giữa dưới, và 5,9% thuộc tầng dưới.
Bảng 4 Cột 9 chỉ ra sự thay đổi trong phân bố vị thế chính trị của mẫu khảo sát 2010 tại thời điểm 2015. Tỷ lệ đảng viên ở nhóm Quản lý Nhà nước bậc trên là 8,7%, ở nhóm Quản lý Nhà nước bậc dưới là 30,4% và ở nhóm Chuyên môn bậc dưới là 28,3%. Tỷ lệ đảng viên trong nhóm chủ tư hữu lớn (Chủ sở hữu bậc trên và Nông dân bậc trên) là 10,8%. Số đảng viên trong 4 nhóm nghề lao động chân tay là 17,3%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ này năm 2010. Gộp theo tầng xã hội, trong tổng số đảng viên trong mẫu phân tích có 21,7% đảng viên thuộc tầng trên, 60,9% thuộc tầng giữa trên, 10,9% thuộc tầng giữa dưới, và 6,5% thuộc tầng dưới. Mặc dù có những thay đổi nhất định, song nói chung khuôn mẫu phân bố vị thế chính trị giữa các nhóm nghề và tầng xã hội vẫn duy trì giữa hai cuộc khảo sát.
Bảng 3 Cột 8 và Bảng 4 Cột 10 thể hiện tỷ lệ đảng viên trong từng nhóm nghề và tầng xã hội. Có tỷ lệ đảng viên cao nhất so với số người trong nhóm của mình là ở các nhóm Quản lý Nhà nước (cả bậc trên và bậc dưới) và Chuyên môn (cả bậc trên và bậc dưới). Khuôn mẫu này đúng với cả năm 2010 lẫn 2015. Tỷ lệ đảng viên trong 4 nhóm nghề lao động chân tay năm 2015 tăng lên đáng kể so với 2010. Xét theo tầng xã hội, tỷ lệ đảng viên cao nhất trong mỗi tầng vẫn nằm ở tầng trên và tầng giữa trên.
Số liệu trên cho thấy có những thay đổi nhất định trong giai đoạn 2010-2015. Tỷ lệ đảng viên trong mẫu khảo sát đã tăng lên sau 5 năm (3,7% so với 5,3%). Tỷ lệ đảng viên cũng tăng lên ở các nhóm lao động chân tay. Tuy nhiên, nguồn lực vị thế chính trị (quyền lực) chịu sự cấu trúc hóa mạnh trong tháp phân tầng xã hội dựa trên cơ cấu nghề. Phần lớn đảng viên tập trung ở nhóm Quản lý Nhà nước và Chuyên môn, và ở hai tầng xã hội trên. Và khuôn mẫu này cơ bản không thay đổi trong giai đoạn 2010-2015.
6. KẾT LUẬN
Sử dụng bộ số liệu khảo sát 2010 và bộ số liệu khảo sát lặp lại 2015, bài viết trình bày sự thay đổi trong cơ cấu xã hội dựa trên nghề giữa hai thời điểm và xem xét phân bố của một số nguồn lực cơ bản theo cơ cấu nghề.
Phân tích cho thấy Đông Nam Bộ hẹp vào thời điểm 2010 đã có một tháp phân tầng hình quả trám, nhưng to hơn ở nửa dưới. Khảo sát lặp lại vào năm 2015 trên mẫu các hộ gia đình được khảo sát 2010 cho thấy hình quả trám này đã dịch chuyển theo hướng trở nên đều và cân đối hơn giữa hai nửa trên và dưới, phản ánh một sự dịch chuyển nghề và di động xã hội của các hộ gia đình theo hướng tích cực. Hình thái phân tầng xã hội quả trám của vùng này khác nhiều với hình thái của những vùng còn lại trong nước cũng như của cả nước (Xem: Đỗ Thiên Kính, 2012, 2015).[4] Đây cũng là hình thái phản ánh sự phát triển và tiến bộ hơn của cơ cấu xã hội so với hình thái kim tự tháp. Thực tế này cũng khẳng định thêm một lần nữa rằng khi nhận thức cũng như khi hoạch định chính sách về giai tầng xã hội cần chú trọng khác biệt vùng.
Bài viết xem xét tương quan giữa cơ cấu nghề với nguồn lực tri thức (thông qua biến số mức học vấn), nguồn lực kinh tế (thông qua biến số giá trị tài sản và thu nhập), và nguồn lực chính trị (thông qua biến số tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam). Kết quả cho thấy ở hầu hết những đặc điểm đưa vào phân tích, phân bố của chúng rất khác biệt giữa các nhóm nghề và tầng xã hội. Hầu hết tương quan giữa cơ cấu nghề và sự phân bố nguồn lực thể hiện khuôn mẫu mang tính cấu trúc (structurally patterned associations/ distributions), chúng định hình nên đặc trưng của tháp phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ hẹp. So sánh hai thời điểm 2010 và 2015 cho thấy có những chuyển biến tích cực nhất định, đặc biệt trong mức tăng thu nhập. Nhưng các khuôn mẫu phân bố nguồn lực trong cơ cấu nghề về căn bản là không thay đổi trong giai đoạn 2010-2015. Cần nghiên cứu bổ sung để hiểu được thấu đáo những động lực đã tạo nên các khuôn mẫu như vậy, nhằm điều chỉnh theo hướng tiến bộ hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bùi Thế Cường. 2010. Bộ số liệu khảo sát định lượng Đông Nam Bộ. Chương trình cấp Bộ Một số vấn đề cơ bản của sự phát triển bền vững vùng Nam Bộ 2011-2020 (CT09-10). TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Bùi Thế Cường. 2011. Báo cáo Tổng hợp Đề tài “Điều tra cơ bản về cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi con người ở tỉnh Vĩnh Long”. Vĩnh Long: Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Long.
Bùi Thế Cường. 2012. Cơ cấu giai tầng xã hội, thu nhập và xu hướng cải thiện đời sống ở Nam Bộ. Trong: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội. 2012. Việt Nam học: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế lần thứ tư Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững. Tập III. Hà Nội, ngày 26-28/11/2012. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội. Trang 125-137.
Bùi Thế Cường. 2013. Báo cáo Tổng hợp Đề tài “Cơ cấu xã hội, lối sống và phúc lợi của cư dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.
Bùi Thế Cường. 2014. Cơ cấu xã hội và chuyển dịch cơ cấu xã hội: Cơ sở lý luận chung. Chuyên đề Đề tài “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020”, Mã số: KX.02.20/11-15.
Bui, Cuong The. 2015a. Social Stratification in the Southeast Region of Vietnam. IAS Working Paper Series. No. 16. Universiti Brunei Darussalam Institute of Asian Studies.
Bùi Thế Cường. 2015b. Nông dân trong cấu trúc phân tầng xã hội. Tạp chí Xã hội học. Số 2(130)/2015. Trang 20-31.
Bùi Thế Cường. 2015c. Bộ số liệu khảo sát định lượng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đề tài KX.02.20/11-15. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.
Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang. 2010. Một số vấn đề về cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội ở Tây Nam Bộ: Kết quả từ cuộc khảo sát định lượng năm 2008. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 3(139). Trang 35-47.
Đỗ Thiên Kính. 2012. Hệ thống phân tầng xã hội ở Việt Nam hiện nay (Qua những cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002-2004-2006-2008). Hà Nội: Nxb. Khoa học xã hội.
Đỗ Thiên Kính. 2015. Xu hướng biến đổi cấu trúc các tầng lớp xã hội ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời kỳ đổi mới. Tạp chí Khoa học Xã hội TPHCM. Số 4(200). Trang 29-40.
Lê Thanh Sang. 2009. Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội vùng Tây Nam Bộ”. TPHCM: Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ.
Lê Thanh Sang. 2010. Nghiên cứu phân tầng xã hội: Từ lý thuyết đến đo lường thực nghiệm. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 2(138). Trang 31-40.
Lê Thanh Sang. 2011. Báo cáo Tổng hợp đề tài cấp Bộ Một số vấn đề cơ bản về phát triển xã hội và quản lý xã hội nhằm phát triển bền vững vùng Nam Bộ”. TPHCM: Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ.
Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu. 2013. Cơ cấu phân tầng xã hội ở Đông Nam Bộ trong tầm nhìn so sánh với TPHCM và Tây Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 2(174). Trang 20-32.
Tổng cục Thống kê. 2015. Niên giám thống kê 2014. Hà Nội: Nxb. Thống kê.
Trần Đan Tâm. 2010. Chọn mẫu cho 3 cuộc khảo sát “Cơ cấu xã hội, văn hóa và phúc lợi xã hội” tại vùng Nam Bộ. Tạp chí Khoa học Xã hội. Số 7(143). Trang 83-91.
LỜI GHI NHẬN VÀ TRI ÂN
Đề tài KX.02.20/11-15 trân trọng cảm ơn Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt và tài trợ, Ban Chủ nhiệm Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.02/11-15 và Văn phòng Các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước đã đồng hành và giúp đỡ, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đã tạo mọi điều kiện làm việc tốt nhất. Đề tài và tác giả bài viết chân thành cảm ơn Đội điều tra viên và nhân viên dữ liệu cùng hàng trăm cán bộ và người dân ở địa phương và cơ sở đã nhiệt tâm tạo dựng nên bộ số liệu to lớn này.
Bảng 1. Khung phân loại nhóm và bậc nghề, Đề tài KX.02.20/11-15
5
Nhóm nghề
Bậc trong nghề (định nghĩa, ví dụ minh họa)
1
Quản lý Nhà nước bậc trên: Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể; doanh nghiệp Nhà nước.
Cao cấp: Thứ trưởng, (Phó) Chủ tịch tỉnh, (Phó) Giám đốc Tổng Công ty trở lên, Thượng tá trở lên.
Trung cấp trên: (Phó) Giám đốc Sở, (Phó) Vụ trưởng, (Phó) Giám đốc công ty, Đại úy đến Trung tá.
2
Quản lý Nhà nước bậc dưới: Lãnh đạo, quản lý Đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan sự nghiệp trong khu vực Đảng, Nhà nước, đoàn thể; doanh nghiệp Nhà nước.
Trung cấp dưới: Trưởng Phó Phòng, (Phó) Chủ tịch xã phường, Thiếu úy đến Thượng úy.
Sơ cấp: Bí thư Chi bộ ấp, Trưởng ấp.
3
Chuyên môn bậc trên: Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại (không phân biệt thành phần kinh tế).
Cao cấp: Chuyên viên cao cấp, Giáo sư, Bác sĩ chuyên khoa 2.
Trung cấp trên: Phó Giáo sư, Chuyên viên chính, Bác sĩ chuyên khoa 1.
4
Chuyên môn bậc dưới: Chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ, dịch vụ, thương mại  (không phân biệt thành phần kinh tế).
Trung cấp dưới: Chuyên viên, Đại học, Bác sĩ.
Sơ cấp: Nhân viên có đào tạo về nghiệp vụ hành chính, bán hàng, dịch vụ, dược tá, y tá, bảo vệ có đào tạo.
Lực lượng vũ trang: Hạ sĩ quan, Công nhân viên quốc phòng, Chiến sĩ (Binh nhì, Binh nhất).
5
Chủ sở hữu bậc trên: Chủ sở hữu cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân phi nông nghiệp.
Lớn: Có 50 lao động trở lên.
Trung bình trên: Có 10-49 lao động
6
Chủ sở hữu bậc dưới: Chủ sở hữu cơ sở sản xuất, kinh doanh tư nhân phi nông nghiệp.
Trung bình dưới: Có 5-9 lao động.
Nhỏ: Có 1-4 lao động.
7
Công nhân, thợ tiểu thủ công nghiệp (không phân biệt thành phần kinh tế).
Có tay nghề: Có đào tạo (kể cả không trường lớp), làm được thao tác, công đoạn phức tạp.
Không có tay nghề: Không có đào tạo (hoặc đang học nghề, phụ việc qua thực tế), chỉ làm những thao tác, công đoạn đơn giản.
8
Nông dân bậc trên.
Sở hữu hoặc thuê 5.000m2/khẩu đất/ mặt nước trở lên, mướn lao động, hoặc có cơ sở sản xuất mướn lao động.
9
Nông dân bậc giữa.
Sở hữu hoặc thuê từ 1.000m2/khẩu đến dưới 5.000 m2/khẩu đất/ mặt nước, có thể có mướn lao động.
10
Nông dân bậc dưới.
Sở hữu hoặc thuê dưới 1.000m2/khẩu đất/ mặt nước trở xuống, tự làm, hoặc đi làm mướn.
11
Lao động phi nông nghiệp giản đơn.
Bán dạo, phụ bán cửa hàng nhỏ, xe ôm, phụ hồ, trông giữ xe, bảo vệ cửa hàng/ cơ quan không có đào tạo, khuân vác, ve chai, trông trẻ nhỏ, người giúp việc gia đình, bán vé số.
Nguồn: Bùi Thế Cường, 2014.
Bảng 2. Cơ cấu nghề chính hiện tại của người trả lời đại diện hộ gia đình theo nhóm nghề và tầng xã hội, Đông Nam Bộ hẹp, 2010 và 2015, %
TT
Nhóm nghề/ tầng
Đông Nam Bộ hẹp
2010
2015
A
Theo 11 nhóm nghề


1
Quản lý Nhà nước bậc trên
0,0
0,5
2
Chủ sở hữu bậc trên
4,7
5,7
3
Nông dân bậc trên
12,3
15,7
4
Chuyên môn bậc trên
0,0
0,2
5
Quản lý Nhà nước bậc dưới
2,4
3,6
6
Chủ sở hữu bậc dưới
8,2
16,9
7
Chuyên môn bậc dưới
9,6
6,2
8
Nông dân bậc giữa   
21,8
16,0
9
Công nhân, thợ thủ công
12,5
11,4
10
Nông dân bậc dưới
12,9
15,4
11
Lao động phi nông nghiệp giản đơn
15,6
8,4

Tổng
100,0
100,0
B
Theo 4 tầng


1
Tầng trên
17,0
22,1
2
Tầng giữa trên
20,3
26,7
3
Tầng giữa dưới
34,3
27,4
4
Tầng dưới
28,5
23,8

Tổng
100,0
100,0

n
913
865

N
1080
1080
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường, 2010 và 2015c.
Chú thích: Tầng trên = A1+A2+A3+A4. Tầng giữa trên = A5+A6+A7. Tầng giữa dưới: A8+A9. Tầng dưới = A10+A11. n = Số đại diện hộ gia đình mà có việc làm tại thời điểm phỏng vấn. N = Tổng hộ gia đình trong mẫu khảo sát. Chú thích: Tầng trên = A1+A2+A3+A4. Tầng giữa trên = A5+A6+A7. Tầng giữa dưới: A8+A9. Tầng dưới = A10+A11. n = Số đại diện hộ gia đình mà có việc làm tại thời điểm phỏng vấn. N = Tổng hộ gia đình trong mẫu khảo sát.
Bảng 3. Độ tuổi, học vấn, hoàn cảnh kinh tế và vị thế chính trị theo nghề chính hiện tại của người trả lời đại diện hộ gia đình, Đông Nam Bộ hẹp, 2010
TT
Nhóm nghề/
tầng xã hội
Tuổi trung bình
Số năm đi học
Thu nhập bình quân đầu người năm
Tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam
Số tuyệt đối VND
So với nhóm thấp nhất (=1,0)
% đảng viên
so với tổng số đảng viên trong mẫu phân tích
% đảng viên so với số người trong mỗi nhóm nghề/ tầng
A
11 nhóm nghề






1
Quản lý Nhà nước bậc trên






2
Chủ sở hữu bậc trên
46,0
9,4
33.984.800
3,3
5,9
4,7
3
Nông dân bậc trên
47,4
7,0
33.253.500
3,2
8,8
2,7
4
Chuyên môn bậc trên






5
Quản lý Nhà nước bậc dưới
47,8
11,9
28.447.800
2,8
35,3
54,5
6
Chủ sở hữu bậc dưới
44,0
7,3
12.173.200
1,2
0,0
0,0
7
Chuyên môn bậc dưới
42,5
11,3
23.130.600
2,2
41,2
15,9
8
Nông dân bậc giữa
47,1
6,1
13.580.700
1,3
2,9
0,5
9
Công nhân, thợ thủ công
39,4
8,8
16.409.000
1,6
0,0
0,0
10
Nông dân bậc dưới
54,8
5,8
10.328.000
1,0
2,9
0,8
11
Lao động phi nông nghiệp giản đơn
43,8
6,0
10.976.000
1,1
2,9
0,7

Chung
44,9
7,5
17.650.200
1,7
100,0
3,7
B
4 tầng xã hội






1
Tầng trên
47,0
7,7
33.456.400
3,1
14.7
3,2
2
Tầng giữa trên
43,8
9,8
19.320.700
1,8
76.5
14,1
3
Tầng giữa dưới
44,3
7,1
14.614.100
1,4
2.9
0,3
4
Tầng dưới
45,3
6,2
10.681.900
1,0
5.9
0,8

Chung
44,9
7,5
17.650.200
1,7
100.0
3,7

n
913
913
913
913
34
34

N
1.080
1.080
1.080
1.080
1.080
1.080
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường, 2010.
Chú thích: Tầng trên = A1+A2+A3+A4. Tầng giữa trên = A5+A6+A7. Tầng giữa dưới: A8+A9. Tầng dưới = A10+A11. n = Số hộ gia đình mà đại diện hộ có việc làm tại thời điểm phỏng vấn. N = Tổng hộ gia đình trong mẫu khảo sát.
Bảng 4. Độ tuổi, học vấn, hoàn cảnh kinh tế và vị thế chính trị theo nghề chính hiện tại của người trả lời đại diện hộ gia đình, Đông Nam Bộ hẹp, 2015
TT
Nhóm nghề/
tầng xã hội
Tuổi trung bình
Số năm đi học
Ước tính giá trị tài sản
Thu nhập bình quân đầu người năm
Tham gia Đảng Cộng sản Việt Nam
Số tuyệt đối VND
So với nhóm thấp nhất (=1,0)
Số tuyệt đối VND
So với nhóm thấp nhất (=1,0)
% đảng viên
so với tổng số đảng viên trong mẫu phân tích
% đảng viên so với số người trong mỗi nhóm nghề/ tầng
A
11 nhóm nghề
1
Quản lý Nhà nước bậc trên
50,3
16,0
2.827.500.000
5,3
49.788.500
2,3
8,7
100,0
2
Chủ sở hữu bậc trên
45,1
9,8
2.236.837.000
4,2
81.959.800
3,8
4,3
4,1
3
Nông dân bậc trên
49,3
6,9
3.442.154.000
6,4
64.526.800
3,0
6,5
2,2
4
Chuyên môn bậc trên
41,0
16,0
3.200.000.000
5,9
57.875.000
2,7
2,2
50,2
5
Quản lý Nhà nước bậc dưới
53,1
11,1
2.094.966.700
3,9
51.285.800
2,4
30,4
45,2
6
Chủ sở hữu bậc dưới
46,7
7,6
1.002.517.000
1,9
26.113.700
1,2
2,2
0,7
7
Chuyên môn bậc dưới
42,0
12,5
1.371.972.200
2,5
44.148.700
2,1
28,3
24,1
8
Nông dân bậc giữa
49,7
6,1
1.145.365.000
2,1
33.191.300
1,6
6,5
2,2
9
Công nhân, thợ thủ công
46,4
8,5
726.080.800
1,3
34.926.600
1,6
4,3
2,0

10
Nông dân bậc dưới
46,4
5,2
538.085.900
1,0
21.319.200
1,0
2,2
0,8
11
Lao động phi nông nghiệp giản đơn
47,4
4,9
639.130.400
1,2
28.454.700
1,3
4,3
2,7

Chung
46,7
7,5
1.428.835.700
2,7
39.151.900
1,8
100,0
5,3
B
4 tầng xã hội
1
Tầng trên
46,4
12,2
3.097.630.000
5,6
68.699.400
2,8
21,7
5,2
2
Tầng giữa trên
47,3
10,4
1.219.990.000
2,2
34.998.300
1,4
60,9
12,1
3
Tầng giữa dưới
48,1
7,3
967.624.000
1,8
33.916.300
1,4
10,9
2,1
4
Tầng dưới
46,9
5,1
550.280.000
1,0
24.523.100
1,0
6,5
1,5

Chung
46,7
7,5
1.428.835.700
2,6
39.151.900
1,6
100,0
5,3

n
865
865
852
865
865
865
46
46

N
1.080
1.080
1.080
1.080
1.080
1.080
1.080
1.080
Nguồn số liệu gốc: Bùi Thế Cường, 2015c.
Chú thích: Tầng trên = A1+A2+A3+A4. Tầng giữa trên = A5+A6+A7. Tầng giữa dưới: A8+A9. Tầng dưới = A10+A11. n = Số hộ gia đình mà đại diện hộ có việc làm tại thời điểm  phỏng vấn. N = Tổng hộ gia đình trong mẫu khảo sát.




[1] Bài viết là sản phẩm của Đề tài cấp Nhà nước “Chuyển dịch cơ cấu xã hội trong phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020” (KX.02.20/11-15) do Bộ Khoa học và công nghệ phê duyệt và tài trợ. Đã in trong: Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM. Số 1(209)/2016. Trang 29-32. TPHCM: Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ.

[2] Bùi Thế Cường: Giáo sư tiến sĩ Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu châu Á Universiti Brunei Darussalam. Phạm Thị Dung: Học viên cao học Học viện Khoa học xã hội Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

[3] Đây chỉ là so sánh thu nhập danh nghĩa theo giá hiện hành, chưa loại trừ các yếu tố lạm phát và biến động giá cả.

[4] Khác biệt một phần do cách phân loại. Chẳng hạn, trong phân loại của nhóm nghiên cứu phân tầng xã hội dựa trên số liệu khảo sát ở Tây Nam Bộ (2008), Đông Nam Bộ hẹp (2010) và TPHCM (2010), nông dân được chia thành ba bậc tùy thuộc vào mức sở hữu đất sản xuất (Bùi Thế Cường và Lê Thanh Sang, 2010. Lê Thanh Sang và Nguyễn Thị Minh Châu, 2013. Bùi Thế Cường, 2012, 2015a và 2015b). Trong bài này, chúng tôi cũng phân loại nông dân thành ba bậc, và xếp Nông dân bậc trên vào tầng xã hội trên, Nông dân bậc giữa vào tầng giữa dưới, và Nông dân bậc dưới vào tầng dưới. Cách phân loại như thế rõ ràng sẽ thay đổi mạnh hình dạng tháp phân tầng xã hội (giảm dáng kim tự tháp, tăng dáng quả trám). Chúng tôi cho rằng phân loại nông dân ít nhất thành ba bậc phản ánh tốt hơn thực tế cơ cấu xã hội dựa trên nghề ở Việt Nam, đặc biệt ở Nam Bộ.

Print Friendly and PDF