5.3.16

Jean Bodin, nhà tư tưởng về thuyết chủ quyền quốc gia và tiền tệ



Jean Bodin (1530-1596)

Jean Bodin, nhà tư tưởng về thuyết chủ quyền quốc gia và tiền tệ

Là một học giả uyên bác, Jean Bodin đã xác lập cách trình bày hiện đại đầu tiên của một lý thuyết về nhà nước và ấn định các quy tắc của phê bình sử học. Trong kinh tế học, ông được coi là cha đẻ của lý thuyết định lượng về tiền tệ.
Jean Bodin thể hiện một niềm tin lớn của tư tưởng kinh tế: sự tồn tại của các quy luật kinh tế phổ quát, tương đương với các quy luật của tự nhiên.
Jean Bodin là một học giả uyên bác, vào một thời kỳ mà kiến thức chưa được phân ban. Mười lăm tác phẩm mà ông đã để lại viết về thần học, triết học, ngữ văn, luật học và án lệ, nhân chủng học, sử học, địa lý, nhân khẩu học và tất nhiên về kinh tế học, một lĩnh vực mà ông đã cống hiến một trong những định luật lâu đời nhất về kinh tế học vĩ mô, ngày nay được biết đến dưới tên gọi là lý thuyết định lượng về tiền tệ.
Michel de Montaigne (1533-1592)

Người đương thời vĩ đại của ông, Michel de Montaigne đã viết về ông như sau: "Jean Bodin là một tác giả giỏi của thời chúng ta, có rất nhiều chủ kiến hơn cả đám đông lộn xộn những kẻ viết lách của thế kỷ ông, và xứng đáng được chúng ta đánh giá và trân trọng" (Essais, quyển II, Chương 32). Tác giả của thời đó, điều này có nghĩa là, trong số những giải thích khác, thời kỳ chuyển tiếp giữa thời Trung cổ và thời Phục hưng. Chẳng hạn, nhà duy lý này cũng tin ở ma quỷ, ma thuật và phù thủy. Nhưng Isaac Newton cũng được biết đến là một tín đồ của thuật giả kim. Vào một thời kỳ thịnh hành các phiên tòa chống phù thủy, Bodin là tác giả của một chuyên luận về chủ đề trên và nó đã mang lại cho ông một thành công lớn. Đi trước thời đại trong lĩnh vực lý thuyết pháp lý và triết lý chính trị, nhưng ông là người của quá khứ khi chỉ trích những luận đề của Copernic và Galilée, trong cuốn sách cuối cùng của ông được xuất bản.
Nicolas Copernic (1473 - 1543)
Galilée (1564-1642)
Cuộc sống của ông diễn ra trong một thời kỳ cực kỳ hỗn loạn của lịch sử nước Pháp. Những cuộc chiến tranh tôn giáo, giữa những người theo đạo Cơ Đốc với nhiều xu hướng khác nhau của đạo Tin Lành, nổ ra giữa lúc ông bắt đầu cuộc đời hoạt động tích cực công ở Paris năm 1560, sau một chục năm học tập và giảng dạy ở Toulouse. Ông qua đời hai năm trước khi vua Henri IV, người mà ông theo phò, chấm dứt các cuộc chiến đó bằng sắc lệnh Nantes cho phép người Tin Lành được tự do thờ phượng. Bản thân ông, người đã tuyên thệ với đạo Cơ Đốc năm 1562 và gia nhập một nhóm nhỏ của Liên minh Cơ Đốc năm 1589, cũng bị lần lượt hoặc đồng thời nghi là theo đạo Tin Lành, đạo Do Thái, đạo phiếm thần, thần giáo và cả vô thần. Ông kịp thời thoát khỏi vụ thảm sát vào ngày thánh Saint-Barthélemy, khiến hàng nghìn người Huguenots ở Paris bị chết vào đêm 23 và 24 tháng 8, 1572.
Isaac Newton (1643-1727)
Một điều chắc chắn là, trong suốt cuộc đời của mình, ông đã bảo vệ sự khoan dung trong các vấn đề về tôn giáo, không sợ đối đầu với Vua Henry III, với quốc hội của Blois về vấn đề này, diễn đàn mà ông đã tích cực tham gia. Trong thực tế, Bodin không phải là một nhà trí thức bàn giấy co rút trong tháp ngà của mình. Chỉ sau cái chết đột ngột của công tước xứ Anjou, em trai và là người thừa kế vua Henri III, nhà lãnh đạo nhóm Thiên Chúa ôn hòa, được gọi là những "nhà chính trị", mà ông là người cố vấn, ông mới rút lui khỏi đời công để cống hiến cho gia đình và sự nghiệp văn học.
Quốc gia và chủ quyền
Tác phẩm Les six livres de la République (Sáu quyển về chính thể Cộng hoà), thành quả của hai mươi năm làm việc, đôi khi được coi là chuyên luận khoa học đầu tiên được viết bằng tiếng Pháp. Một cách chính đáng, đó là tác phẩm chính về triết học chính trị kể từ tác phẩm Bàn về chính trị của Aristote, và là cách trình bày hiện đại đầu tiên về lý thuyết nhà nước. Bộ sách đó được mở đầu bằng tiếng Latin trong đó Bodin không chỉ phác thảo triết lý của ông về sử học, mà còn trình bày những luận điểm chính của cuốn Chính thể cộng hòa, kể cả những ý tưởng kinh tế được phát triển trong cuốn Thư trả lời cho Malestroit của ông. Trong cách nhìn của Bodin, sử học chiếm vị trí trung tâm và là điều cần thiết để hiểu được luật pháp và chính trị: "Nhờ có sử học mà người ta có thể dễ dàng lý giải cái hiện tại, thâm nhập cái tương lai và thu thập những chỉ dẫn rất chính xác về những gì cần tìm kiếm trong tương lai". Trong cuốn sách này, Bodin thiết lập các quy tắc của thuật phê bình sử học, phát triển các nguyên lý của triết lý sử học và của sử học đối sánh với các hình thái chính trị.
Định nghĩa và khẳng định về chủ quyền quốc gia có lẽ là thông điệp chính của cuốn Chính thể cộng hòa, được mở đầu bằng phát biểu sau đây: "Chính thể cộng hòa là sự điều khiển ngay thẳng nhiều gia đình và những gì chung cho các gia đình ấy với một quyền lực tối cao". Chính thể cộng hòa được xây dựng trên nền tảng một cộng đồng tự nhiên, đó là gia đình, nhưng nó chỉ quan tâm đến những gì chung cho những gia đình ấy, mục đích của nó là công bằng và đặc trưng của nó là chủ quyền. Không được nhầm lẫn Chủ quyền với chính quyền, mà Bodin là người đầu tiên phân biệt với Nhà nước. Con người có thể chết đi, nhưng chủ quyền thì tồn tại mãi mãi. Chủ quyền là cái vĩnh hằng. Đó là quyền lực công và tuyệt đối để cai trị, kể cả đối với các tôn giáo.
Montesquieu (1689-1775)
Quốc vương không phải giải trình với ai cả. Tuy nhiên, Người phải tôn trọng luật của trời và luật của thiên nhiên, trong đó bao gồm quyền sở hữu. Chủ quyền không có nghĩa là tùy tiện. Không có giới hạn trong việc chuyển nhượng chủ quyền của người dân cho nhà vua và những người kế thừa ông, nhưng Bodin chủ trương một "chính quyền ôn hòa nhưng không dân chủ". Trong một số vấn đề, quốc vương không thể tăng thuế mà không cần sự đồng ý của người dân. Theo Bodin, có ba loại chính thể cộng hòa: chính thể quân chủ, chính thể quý tộc và chính thể dân chủ. Ông cho rằng chính thể đầu tiên là hình thức chính thể tốt nhất, dẫn đến việc người ta xem, một cách sai trái, Bodin là một lý thuyết gia của chủ nghĩa quân chủ tuyệt đối, cái mà ông bác bỏ. Ông cũng phát triển ý tưởng, mà Montesquieu sẽ lặp lại sau này, về ảnh hưởng của khí hậu đối với các hình thức chính quyền, thần quyền ở miền Nam, quân đội ở miền Bắc, và tự do ở những quốc gia nằm trong khoảng giữa hai cực trên.
Tiền tệ & giá cả
Kinh tế đóng một vai trò lớn trong tư tưởng và trong các tác phẩm của Bodin. Ngoài những cuộc chiến tranh tôn giáo, thế kỷ XVI ở Pháp, cũng như trong phần lớn các quốc gia ở châu Âu, còn mang dấu ấn của một sự tăng giá lâu dài và quan trọng, đến mức mà đôi khi người ta còn gọi đó là thế kỷ của lạm phát. Vua Charles IX của Pháp giao nhiệm vụ cho một quan chức cấp cao, Jean Cherruyer, sieur de Malestroit, làm một báo cáo về nguyên nhân của sự tăng giá ấy. Báo cáo này được công bố năm 1566. Malestroit quy sự tăng giá ấy cho những thay đổi và biến đổi tiền tệ làm giảm đi lượng kim loại quý trong các đồng tiền, và người chịu trách nhiệm là các cơ quan công quyền.
Năm 1568 Bodin công bố Thư trả lời cho Malestroit của ông, và xuất bản tiếp thư thứ hai năm 1578. Theo Bodin, có năm nguyên nhân làm cho giá lương thực tăng cao: sự dồi dào của vàng và bạc trong vương quốc, các độc quyền, sự thiếu đói gây ra bởi thương mại và những thiệt hại từ nó, thú vui tăng giá những gì họ thích của các vương công và vương giả, sự thao túng các đồng  tiền. Nguyên nhân cuối chỉ đóng một vai trò nhỏ và ba nguyên nhân liền kề trước cũng đóng vai trò phụ, và đúng hơn chỉ lý giải sự biến động các mức giá tương đối. Nguyên nhân chính, gần như độc nhất, của sự tăng giá liên tục là “sự dồi dào của vàng và bạc, ngày nay trong vương quốc này còn lớn hơn bốn trăm năm trước đây". Đã có những người khác trước ông, trong đó có Copernic, đã từng phát biểu luận điểm đó, nhưng chính cách biện giải của Bodin mới có ảnh hưởng nhiều nhất.
Bodin cũng khẳng định sự tồn tại một mối quan hệ nhân quả từ tiền tệ đến giá cả: "Chính sự dồi dào vàng và bạc là nguyên nhân gây ra sự đắt đỏ", ông viết trong cuốn Chính thể cộng hòa. Chính vì vậy mà người ta thấy ở ông là cha đẻ của lý thuyết định lượng về tiền tệ, một định luật có giá trị vào mọi lúc mọi nơi. Thực vậy, Bodin bày tỏ một cách mạnh mẽ những gì sẽ trở thành là một niềm tin chính của tư tưởng kinh tế: sự tồn tại của các quy luật kinh tế tự nhiên vượt trội các thỏa thuận tùy tiện của chính quyền.
Milton Friedman (1912-2006)
Bốn thế kỷ sau Bodin, Milton Friedman, một trong những người kế thừa ông về mặt trí thức, khẳng định rằng định luật theo đó bất kỳ sự biến thiên nào của cung tiền cũng sẽ dẫn đến một sự thay đổi cùng chiều và cùng quy mô của mặt bằng giá cả chung có cùng đặc điểm với những quy luật thực nghiệm lớn trong lĩnh vực tự nhiên.
Bodin thường được gọi là người theo thuyết trọng thương. Cũng giống như việc ông được gán là ủng hộ sự chuyên chính hay theo đạo Tin lành, có lẽ điều trên cũng là một nửa sự thật. Thật vậy, ông ủng hộ một loạt các biện pháp hạn chế thương mại để đảm bảo là cán cân có thặng dư, nhưng cùng lúc, ông cũng cho rằng vàng và bạc không làm nên sự giàu có đích thực, mà sự giàu có là sản phẩm của đất đai và ngành công nghiệp. Ông cũng viết rằng "chỉ con người mới là của cải". Ông nhiều lần lên án chủ nghĩa tự cung tự cấp và đã viết trong cuốn Methodus của ông: “Bởi vì, theo sự sắp xếp vô cùng khôn ngoan của Chúa Trời, không có quốc gia nào phong phú đến mức không cần phải có các nguồn lực của quốc gia khác. Và tại sao, nếu không phải là để cho các dân tộc hòa lẫn sự giàu có và nợ nần của họ, và thông qua những trao đổi qua lại đó, củng cố nền hòa bình và hữu nghị". Người ta tìm thấy những ý tưởng trên trong cuốn thứ sáu của tác phẩm Chính thể cộng hòa viết về những vấn đề tài chính và thương mại. Trong tác phẩm này, ông chứng tỏ một kiến thức uyên thâm về hoạt động tín dụng, ngân hàng và giao dịch chứng khoán.
Jean Bodin qua vài năm tháng
1529 (hoặc 1530): sinh ra ở Angers; cha ông là một thương gia và chủ tiệm may.
1543 (vào khoảng): được nhận vào tu viện Notre-Dame des Carmes ở Angers.
1545-1547: đến Paris học tại trường Collège des Carmes.
1549 (vào khoảng): định cư ở Toulouse, nơi ông nghiên cứu và giảng dạy về luật ở đại học. Soạn thảo một bộ các chuyên luận sẽ bị tiêu hủy khi ông chết.
1559: Discours au sénat de Toulouse (Diễn văn ở nghị viện Toulouse), nhắm đến một ghế đại biểu mà ông không thành công.
1561: đến Paris, nơi ông được phép hành nghề luật sư ở Quốc hội.
1566: Methodus ad facilem historiarum cognitionem [Méthode pour un apprentissage aisé de l’histoire] (Phương pháp để dễ học sử).
1568: La response de maistre Jean Bodin advocat en la covr au paradoxe de Monsieur de Malestroit, touchant l’enchérissement de toutes choses, & le moyen d’y remédier (Thư trả lời cho Jean Bodin luật sư biện hộ cho nghịch lý của Monsieur de Malestroit, đụng đến sự đắt đỏ của mọi thứ, và cách thức để khắc phục).
1570: được phong làm quan biện lý của nhà vua ở Normandie.
1571: được phong làm phúc trình viên và cố vấn cho công tước xứ Alencon, công tước tương lai xứ Anjou, em trai của vua Henry III.
1576: Les six livres de la République (Sáu sách về Chính thể cộng hòa). Kết hôn với Françoise Trouillart ngy 25 tháng 2, góa phụ của Claude Baillard, thanh tra đất đai ở Vermandois, chức vụ mà Bodin đảm nhận sau này. Được bầu làm đại biểu của đệ tam đẳng cấp nhân cuộc họp của quốc hội vùng Blois.
1578: Le discours sur le rehaussement et la diminution des monnaies, pour response aux paradoxes du sieur de Malestroit. Exposé du droit universel (Bài phát biểu về việc tăng và giảm giá các đồng tiền, để trả lời cho những nghịch lý của sieur de Malestroit. Bài thuyết trình về luật phổ quát).
1580: De la démonomanie des sorciers (Bàn về sự dân chủ của các phù thủy).
1581: tháp tùng công tước xứ Anjou sang Anh, người hy vọng sẽ kết hôn với Elisabeth 1re. Apologie ou réponse pour la République de Bodin (Lời biện minh cho hay thư trả lời về cuốn Chính thể cộng hòa của Bodin), dưới bút danh René Herpin.
1583: đến Hòa Lan cùng với công tước xứ Anjou.
1584: về hưu ở Laon sau cái chết đột ngột của công tước xứ Anjou.
1587: tiếp thu từ anh vợ chức quan biện lý của nhà vua dưới quyền quan thái thú ở Laon và chức quan biện lý ở pháp đình của Vermandois.
1593: Colloquium heptaplomeres de rerum sublimium arcanis abditis [Colloque des secrets cachés des choses sublimes entre sept savants] (Hội thảo về bí mật những điều tuyệt vời giữa bảy nhà khoa học), xuất bản lần đầu tại Đức năm 1841.
1595: Amphithéâtre de la nature (Nhà hát lớn của thiên nhiên).
1596: chết vì bệnh dịch hạch ở Laon.
Để tìm hiểu thêm
Những tác phẩm của Jean Bodin
     Œuvres philosophiques de Jean Bodin, Pierre Masnard, PUF, 1951.
     Les six livres de la République. Un abrégé de l’édition de Paris de 1583, Librairie générale française, 1993.
Những tác phẩm viết về Jean Bodin
     Jean Bodin, Actes du colloque interdisciplinaire d’Angers (24 au 27 mai 1984), Presses de l’université d’Angers, 2 vol., 1985.
     Bodin et son temps, Henri Baudrillart, Scientia Verlag Aalen, 1964 (1er édition, 1853).
     Jean Bodin, auteur de la République, Roger Chauviré, Champion, 1914.
     Jean Bodin et la naissance de la théorie absolutiste, Julian H.Franklin, PUF, 1993.
     Jean Bodin et le droit de la République, Simone Goyard-Fabre, PUF, 1989.
     Jean Bodin, Nature, histoire, droit et politique, Yves Charles Zarka (dir.), PUF, 1996.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Jean Bodin, penseur de la souveraineté et de la monnaie” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.
Print Friendly and PDF