7.1.17

Sự phát triển của Nghiên cứu Đông Nam Á ở Hàn Quốc

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NGHIÊN CỨU ĐÔNG NAM Á Ở HÀN QUỐC[1]
Park Seung WooLee Sang Kook[2]
Bùi Thế Cường (Chuyển ngữ)[3]

Quan tâm học thuật về Đông Nam Á xuất hiện ở Hàn Quốc khoảng đầu thập niên 1960, khi hình thành một số chương trình dạy ngoại ngữ trong đại học. Cũng trong khoảng thời gian này, Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với một số nước Đông Nam Á. Tuy nhiên thập niên 1960 và 1970 có rất ít công trình nghiên cứu.

Thế hệ nghiên cứu Đông Nam Á đầu tiên chỉ xuất hiện trong thập niên 1980, liên quan đến chính sách của Chính phủ về tự do hóa và mở cửa nền kinh tế. Cũng trong thời gian này, nhiều người Hàn Quốc bắt đầu quan tâm đến các nước khác, đặc biệt những nước ít được biết đến, trong đó có các nước Đông Nam Á. Đầu thập niên 1990, Hàn Quốc mở cửa mạnh mẽ với trào lưu “toàn cầu hóa” và “khu vực hóa”.

Trong bối cảnh ấy, đa số thế hệ Đông Nam Á học đầu tiên, những người bắt đầu sự nghiệp khoa học của mình cuối thập niên 1980 đầu thập niên 1990, đều hoạt động trong ngành khoa học chính trị, nhất là chính trị học và quan hệ quốc tế so sánh. Phát triển quan trọng về định chế trong nghiên cứu Đông Nam Á cũng diễn ra trong khoảng thời gian này. Tháng 6/1991, thành lập Hội Hàn Quốc nghiên cứu Đông Nam Á (KASEAS). Năm 1992, Hội xuất bản tờ tạp chí riêng của mình, The Southeast Asian Review. Là tiền thân của Viện Hàn Quốc nghiên cứu Đông Nam Á (KISEAS) hiện nay, Nhóm Nghiên cứu về chính trị Đông Nam Á (Study Group on Southeast Asian Politics) hình thành vào tháng 12/1990 với tám nhà chính trị học. Sau đó, Nhóm tuyển thêm nhiều học giả nhân học, kinh tế học và xã hội học. Năm 1992, trở thành Nhóm Nghiên cứu Đông Nam Á (Study Group on Southeast Asian Studies). Cuối cùng, vào năm 2003, tổ chức này tiếp tục mở rộng trở thành KISEAS như ngày nay.

Khoảng giữa thập niên 1990 xuất hiện thế hệ mới các nhà Đông Nam Á học, và nghiên cứu Đông Nam Á ở Hàn Quốc bắt đầu phát triển và trưởng thành. Thế hệ thứ hai quan tâm nhiệt thành đến Đông Nam Á ngay từ khi khởi đầu sự nghiệp nghiên cứu, họ được đào tạo bài bản hơn, ở cấp đại học cũng như trên đại học. Họ cũng được khích lệ trong môi trường học thuật đầy nhiệt huyết, sáng tạo nên bởi những tổ chức hàn lâm như KASEAS và KISEAS. Một trong những đặc trưng của thế hệ thứ hai là khảo sát dài ngày ở thực địa trở thành tiêu chuẩn thời thượng bắt buộc (de rigueur).

Đầu thập niên 2000, ngày càng nhiều tiến sĩ trẻ ở nhiều ngành đi vào Đông Nam Á học. Họ rất đa dạng về xuất xứ chuyên môn và nơi đào tạo. Hơn hết, số lượng nhà nhân học tăng vọt so với quá khứ và so với các ngành khác trong cùng thời kỳ.

Có thể là quá vội vã nếu nói rằng thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI là thời kỳ nảy nở nhất trong lịch sử nghiên cứu Đông Nam Á ở Hàn Quốc. Nhưng công bằng mà nói đây là một giai đoạn học thuật rất phong phú, nhiều tiến bộ và đầy hứa hẹn, cả về lượng lẫn phẩm.

Một trong những đặc điểm đáng ghi nhận của thập niên vừa qua là nhiều vấn đề và chủ đề nghiên cứu mới đã được phát triển và theo đuổi. Trước hết, là một loạt nghiên cứu về chủ nghĩa khu vực ở Đông Nam Á và Đông Á với những chủ đề như hợp tác khu vực, liên kết kinh tế và Cộng đồng Đông Á. Thứ hai, gần đây hơn, nhiều nhà nghiên cứu Hàn Quốc ngày càng quan tâm đến vấn đề lưu chuyển con người xuyên biên giới, như di dân xuyên biên giới, hôn nhân xuyên biên giới, lao động di cư, và những hệ lụy xã hội do lưu chuyển con người. Thứ ba, “Hanllyu” hay “làn sóng Hàn” ở Đông Nam Á trở thành một vấn đề nghiên cứu và tranh luận. Thứ tư, nghiên cứu về sự kết nối và mạng lưới giữa Đông Nam Á và các nước hay các khu vực khác trở thành mối quan tâm của các nhà nghiên cứu về sự hình thành khu vực. Một đặc điểm nổi lên của Đông Nam Á học Hàn Quốc thập niên qua là sự nảy nở của nhiều dự án hợp tác. Nhiều học giả thành lập nhóm nghiên cứu riêng của mình và thực hiện chương trình nghị sự nghiên cứu chung qua nhiều năm.

Thập niên đầu thế kỷ XXI cũng chứng kiến tiến bộ đáng ghi nhận về phát triển định chế. KISEAS giờ trở nên chính thức hóa hơn về mặt hàn lâm và tiếp tục đóng vai trò cung cấp một diễn đàn học thuật nơi các học giả có thể thường xuyên gặp gỡ, thảo luận và trao đổi ý tưởng.

Cần nói đến vai trò của KASEAS trong 10 năm qua. Ngay sau khi thành lập, Hội đã tổ chức hội nghị khoa học hai năm một lần. Từ đầu thập niên 2000, Hội cũng tổ chức hội nghị khoa học mỗi hai năm hợp tác với mạng lưới đại học ASEAN. Từ 2009, Hội cũng tổ chức hội nghị khoa học hai năm một lần phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) Đại học Kyoto.

Từ 2008, Viện Nghiên cứu Đông Á Đại học Sogang ở Seoul dành được sự chú ý khi nó tiến hành một dự án nghiên cứu quy mô do Quỹ Nghiên cứu quốc gia Hàn Quốc tài trợ. Viện trở thành một trung tâm Đông Nam Á học ở Hàn Quốc và đang nỗ lực toàn cầu hóa hoạt động nghiên cứu của mình. Nỗ lực ấy dẫn đến sự ra đời của một tạp chí tiếng Anh mới TRANS: Trans –Regional and – National Studies of Southeast Asia (TRANS: Nghiên cứu Đông Nam Á xuyên khu vực và xuyên quốc gia) do Nhà xuất bản Đại học Cambridge xuất bản từ đầu năm 2013.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề và hạn chế mà giới nghiên cứu Hàn Quốc cần khắc phục. Thứ nhất, mặc dù ta không đánh giá thấp thành tựu của giới hàn lâm Hàn Quốc, song cần phát triển hơn những tiếp cận phân tích và lý thuyết đối với Đông Nam Á.

Thứ hai, cần nỗ lực nghiêm túc hơn để vượt khỏi ranh giới chuyên ngành và liên kết chúng vào một bộ môn duy nhất và độc lập, khoa học “Nghiên cứu Đông Nam Á” hay “Đông Nam Á học” (Southeast Asiology), điều mà ta thấy rõ ràng còn thiếu. Điều cần không phải chỉ là tiếp cận liên ngành hay đa ngành (inter- or multi-disciplinary), mà là xuyên ngành (trans-disciplinary) và liên kết đối với nghiên cứu Đông Nam Á, cho dù đây là một nhiệm vụ không dễ dàng trong tương lai gần.

Điểm cuối cùng, cho dù ngày càng nhiều kết quả nghiên cứu xuất bản bằng tiếng Anh và những ngôn ngữ khác, phần lớn ấn phẩm về khu vực này vẫn bằng tiếng Hàn. Rào cản ngôn ngữ khiến chúng không được biết đến rộng rãi trong công chúng nước ngoài. Để giới hàn lâm các nước khác biết nhiều hơn về nghiên cứu Đông Nam Á của người Hàn, chúng ta cần tăng cường trao đổi học giả và nghiên cứu hợp tác thông qua một ngôn ngữ chung để thúc đẩy truyền thông.

Mặc dù những hạn chế nêu trên, một cách đầy thuyết phục, Hàn Quốc đang nổi lên như là một trong những nước dẫn đầu trong thời điểm cụ thể này, khi Đông Nam Á học đang bị thu hẹp ở Hoa Kỳ và châu Âu, những quán quân trước kia. Chúng ta hy vọng trong tương lai gần, Hàn Quốc sẽ thể hiện kết quả nghiên cứu có chất lượng và tiếp cận riêng của mình đối với Đông Nam Á học, khi ấy đóng góp học thuật của chúng ta sẽ được đánh giá sâu sắc hơn.

Nguồn: Bùi Thế Cường. Sự phát triển của nghiên cứu Đông Nam Á ở Hàn Quốc. Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM. Số 6 (214)/ 2016. Tr. 80-82.




[1] Nguyên tác: Park Seung Woo and Lee Sang Kook. The Development of Southeast Asian Studies in Korea. Trong: CSEAS Newsletter. No. 68. Autumn 2013. Tr. 13-14. Người dịch chân thành cảm ơn các tác giả và Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) Đại học Kyoto đã cho phép dịch và công bố ở Việt Nam. Đã in trong: Tạp chí Khoa học xã hội TPHCM. Số 6 (214)/ 2016. Tr. 80-82.

[2] Park Seung Woo: Giáo sư, Khoa Xã hội học Đại học Yeungnam. Lee Sang Kook: Trợ lý Giáo sư, Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Sogang.

[3] Giáo sư, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ; Giáo sư thỉnh giảng Viện Nghiên cứu châu Á Universiti Brunei Darussalam; Nghiên cứu viên cao cấp khách mời, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á Đại học Kyoto.

Print Friendly and PDF