23.1.17

Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại không chỉ liên quan đến tiền bạc và quyền lực



LÀM CHO NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI TRỞ LẠI KHÔNG CHỈ LIÊN QUAN ĐẾN TIỀN BẠC VÀ QUYỀN LỰC
ROBERT J. Shiller
Năm 1959, kiểm tra lần cuối những chiếc xe hiệu Plymouth vào giai đoạn cuối của dây chuyền lắp ráp. Ảnh: Bettmann
"Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại," khẩu hiệu của Tổng thống đắc cử Donald J. Trump trong chiến dịch tranh cử thành công, đã được khắc đậm nét trong ý thức của dân tộc [Mỹ]. Nhưng chúng ta rất khó biết được phải làm gì với những lời nói mơ hồ đó.
Chúng ta không có một định nghĩa rõ ràng về từ "vĩ đại", chẳng hạn, hoặc về một thời điểm lịch sử nào đó, cứ đoán chừng vậy, khi nước Mỹ đã trở thành thực sự vĩ đại. Từ quan điểm kinh tế, chúng ta không thể nói về sự giàu có của quốc gia, bởi vì đất nước đang giàu có hơn bao giờ hết: thu nhập quốc dân thực tế ròng bình quân đầu mỗi hộ gia đình đã đạt mức cao kỷ lục, theo các dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang.
Emmanuel Saez (1972-)
Gabriel Zucman (1986-)
Nhưng việc phân phối của cải chắc chắn đã thay đổi: Sự bất bình đẳng đã lan rộng đáng kể. Kể cả những tác động của thuế và các khoản chi chuyển giao của chính phủ, thu nhập thực tế đối với phần nửa dưới của dân số chỉ tăng có 21% từ năm 1980 đến năm 2014. So với thu nhập thực tế tăng đến 194% đối với 1% những người giàu nhất, theo một nghiên cứu mới của Thomas Piketty, Emmanuel Saez và Gabriel Zucman.
Đó là lý do vì sao có thể hiểu được lời kêu gọi của ông Trump cho một sự trở lại vĩ đại đã gây được tiếng vang tốt đặc biệt đối với những người lao động chưa tốt nghiệp đại học tại các bang thuộc Vành đai Gỉ sắt (Rust Belt – nền kinh tế dựa vào công nghiệp, thuộc các vùng Tây Bắc và Trung Tây Hoa Kỳ – ND) – những người bị thiệt hại khi những công ăn việc làm tốt trong khu vực biến mất. Nhưng việc buộc người sử dụng lao động khôi phục hoặc duy trì công ăn việc làm là điều không hợp lý, và việc tạo ra những việc làm bền vững mới là một nỗ lực phức tạp.
Khó như việc tạo ra công ăn việc làm chẳng hạn, thì việc làm cho nước Mỹ vĩ đại chắc chắn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn thế, và điều đáng để xem xét chỉ là những gì chúng ta nên thử cố gắng để hoàn thành. May mắn thay, các nhà lãnh đạo chính trị và các học giả đã suy nghĩ đến sự vĩ đại của dân tộc trong một thời gian rất dài, và câu trả lời rõ ràng vượt ngoài việc đạt được các mức độ cao của sự giàu có.
Adam Smith (1723-1790)

Adam Smith, có lẽ nhà kinh tế học đích thực đầu tiên, đã đưa ra một số câu trả lời trong cuốn “An Inquiry Into the Nature and Causes of the Wealth of Nations [Tìm hiểu bản chất và nguyên nhân của sự giàu có của các quốc gia]." Chuyên luận này đôi khi được xem như là một cuốn kinh thánh của tư bản chủ nghĩa. Ít nhất nó đề cập một phần đến việc đạt được sự vĩ đại thông qua việc theo đuổi sự giàu có trên các thị trường tự do. Nhưng Smith không tin rằng một mình tiền tệ có thể đảm bảo sự phát triển của quốc gia. Ông cũng viết rằng ông không ủng hộ những đầu óc có động lực duy nhất là đảm bảo sự giàu có, cho rằng đó là "nguyên nhân phổ quát nhất về thoái hóa của tình cảm đạo đức của chúng ta". Thay vào đó, ông nhấn mạnh rằng những người tử tế nên tìm kiếm những thành tựu thực sự "Không chỉ là khen ngợi, mà là những khen ngợi xứng đáng".
Lyndon B. Johnson (1908-1973)
Điều đáng chú ý, sự vĩ đại của dân tộc là một vấn đề trung tâm trong các chiến dịch bầu cử tổng thống trước đây: Lyndon B. Johnson, năm 1964, đã kêu gọi thành lập một Xã hội Vĩ đại [Great Society], không chỉ đơn thuần là một xã hội giàu có hay một xã hội quyền lực. Thay vào đó, ông nói đến việc đạt được cơ hội bình đẳng và hoàn thành nhiệm vụ. Xã hội Vĩ đại là một nơi mà mọi đứa trẻ có thể tìm thấy kiến thức để làm giàu đầu óc và mở rộng tài năng của mình," ông nói. "Đó là một nơi mà thời gian giải trí là một cơ hội quý báu để xây dựng và phản chiếu, chứ không phải là một nguyên nhân đáng sợ vì buồn chán và bồn chồn."
Những lời phát biểu của Tổng thống Johnson vẫn còn đúng. Cơ hội là điều không công bằng đối với mọi người ở nước Mỹ. Thay vào đó, thời gian giải trí bị ép buộc đã trở thành một nguyên nhân đáng sợ vì buồn chán và bồn chồn đối với những ai bị mất việc, những ai bị mất tiền làm thêm ngoài giờ, những ai có công việc bán thời gian khi muốn có một việc làm toàn thời gian, hoặc những ai bị buộc phải nghỉ hưu sớm mà không mong muốn.
Jane Jacobs (1916-2006)
Nhưng cũng có giới hạn đối với những gì chính phủ có thể làm. Jane Jacobs, nhà quy hoạch thành thị vĩ đại, đã viết rằng các quốc gia vĩ đại cần các thành phố vĩ đại, nhưng họ không thể dễ tạo ra chúng. "Những thủ đô vĩ đại của Châu Âu hiện đại không trở thành những thành phố vĩ đại bởi vì đó là những thủ đô," Bà Jacobs đã nói. "Quan hệ nhân quả chạy theo cách khác. Thoạt đầu, Paris là ngai vàng của các vị vua Pháp không hơn gì một nửa tá các dinh thự hoàng gia khác."
Thành phố phát triển theo hướng hữu cơ, bà nói, thu hút một số động năng, một nhóm các lợi ích tích cực, một văn hóa cạnh tranh về chuyên môn, với một ngành công nghiệp dẫn dắt các ngành nghề khác, và với một danh tiếng thu hút được những người nhập cư có động lực và có khả năng.
Nước Mỹ vẫn còn những thành phố như thế, nhưng có một thực tế không được nhớ đến rộng rãi là Detroit từng là một trong những thành phố như thế. Detroit đã từng bước tiến triển đến sự vĩ đại. Như bà Jacobs đã viết, các nhà máy xay bột mì vào những năm 1820 và 1830 cần những tàu thuyền để vận chuyển bột mì trên Ngũ Đại Hồ, dẫn đến sự ra đời của tàu hơi nước, của động cơ hàng hải và sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, chuẩn bị cho sự ra đời của ngành công nghiệp ô tô, làm cho Detroit trở thành một trung tâm của thế giới đối với bất cứ những ai quan tâm đến công nghệ ấy.
Tôi đã trải nghiệm vẻ đẹp và sự phấn khích của Detroit khi còn là một đứa trẻ ở đó, giữa những họ hàng thân thuộc có quan hệ với ngành công nghiệp ô tô. Ngày nay, cư dân của Detroit và các đô thị mờ dần khác muốn có lại những thành phố cũ của họ, nhưng các thế hệ sau này phải tạo ra những ý tưởng và ngành công nghiệp mới để có thể cho ra đời những thành phố lớn, và họ không thể làm điều đó bằng nghị định từ thủ đô Washington.
Robert Shiller (1946-)
Tất cả những điều trên để nói rằng sự can thiệp của chính phủ để tăng cường sự vĩ đại sẽ không là một vấn đề đơn giản. Có một nguy cơ đó là sự thay đổi có ý nghĩa tốt có thể làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Các chính sách và biện pháp trừng phạt mang tính bảo hộ đối với các nhà xuất khẩu việc làm có thể không làm tăng các cơ hội trong dài hạn đối với những người Mỹ bị bỏ lại phía sau. Việc cắt giảm trên diện rộng các quy định về môi trường hay xã hội hoặc trong chăm sóc y tế, hoặc liên quan đến sự tham gia của nước Mỹ trong thế giới rộng lớn hơn có thể làm tăng mức tiêu thụ của chúng ta, nhưng lại làm cho tất cả chúng ta có một ý thức về sự mất mát sâu sắc hơn.
Sự vĩ đại phản ánh không chỉ sự thịnh vượng, mà nó còn gắn với một bầu không khí, một môi trường xã hội làm nên một cuộc sống có ý nghĩa. Trong lời phát biểu của Tổng thống Johnson, sự vĩ đại đòi hỏi không chỉ đáp ứng "nhu cầu của cơ thể và nhu cầu của thương mại, mà còn phải đáp ứng sự ao ước vì cái đẹp và khát khao cho cộng đồng."
Robert J. Shiller là Giáo sư (Sterling Professor) Kinh tế tại Đại học Yale.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Making America Great Again Isn’t Just About Money and Power, New York Times, Jan. 12, 2017.
Print Friendly and PDF