25.1.17

Thu nhập cơ bản và nền dân chủ xã hội

Philippe Van Parijs (1951-)

THU NHẬP CƠ BẢN VÀ NỀN DÂN CHỦ XÃ HỘI

Philippe van Parijs
Cách tiếp cận thu nhập cơ bản thực sự là cần thiết, nhưng nó không phải là phần thuộc về truyền thống dân chủ xã hội. Hãy nghĩ về nó. Tất cả mọi sự đồng thuận thời hậu chiến là về bảo hiểm quốc gia, chứ không phải là thu nhập cơ bản. Bây giờ, hoặc là chúng ta sẽ đi đến việc có một mức thu nhập cơ bản để điều tiết xã hội của chúng ta, hoặc là chúng ta sẽ luôn có nhiều xung đột xã hội quan trọng.
Yanis Varoufakis, The Economist (Tạp chí Nhà Kinh tế), 31 Tháng ba 2016
Ý tưởng về thu nhập cơ bản vô điều kiện đang là vấn đề thời thượng. Từ Phần Lan đến Thụy Sĩ, từ San Fransisco tới Seoul, mọi người đều nói về nó như thể họ chưa bao giờ nói. Hai lần trước đây, thu nhập cơ bản từng là chủ đề của một tranh luận công có thật, mặc dù ngắn ngủi và giới hạn trong một quốc gia tại một thời điểm. Trong cả hai sân khấu, lực lượng trung tả đã đóng một vai trò trung tâm.
Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra ở Anh Quốc sau Thế chiến I. Là tín đồ Tin Lành phái Quaker và kỹ sư Dennis Milner xoay xở để đề xuất của ông về “tiền thưởng chính phủ” được thảo luận tại hội nghị Đảng Lao động năm 1920. Đề xuất này đã bị bác bỏ, nhưng những thành viên nổi tiếng của đảng tiếp tục bảo vệ nó trong những năm tiếp theo dưới tên gọi “cổ tức xã hội”. Trong số đó có nhà kinh tế học và lý thuyết gia chính trị Geogre Cole và khôi nguyên Nobel tương lai James Meade.
James Tobin (1918-2002)
John K. Galbraith (1908-2006)
Cuộc tranh luận thứ hai diễn ra ở Hoa Kỳ vào những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970. Một khôi nguyên tương lai khác, James Tobin, biện hộ cho bản đề xuất về một “demogrant” (trợ cấp thí điểm), cùng với kinh tế gia Havard và tác giả sách bán chạy nhất John Kenneth Galbraith – thuộc cánh tả của Đảng Dân chủ. Được họ thuyết phục, Thượng Nghị sĩ George McGovern đã ghi đề xuất này vào chương trình nghị sự của ông trong suốt chiến dịch tranh cử giành suất ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ, nhưng bỏ nó ra vào những tháng cuối cùng trước cuộc bầu cử năm 1972 mà ông ấy đã thua Richard Nixon.
Cuộc tranh luận hiện nay, bắt đầu từ lâu hơn và trở thành vấn đề toàn cầu khởi nguồn ở châu Âu thập niên 1980. Sự quan tâm đến thu nhập cơ bản tăng lên hay giảm đi đồng thời ở vài quốc gia và thúc đẩy sự hình thành một mạng lưới (BIEN) mà bây giờ có chi nhánh ở các nước trên khắp mọi châu lục. Thời điểm này, dù sao, cánh tả dân chủ xã hội chính xác là không còn đứng ở tuyến đầu nữa, ở xa sau đảng xanh, ví dụ vậy, hoặc xa sau vài lực lượng của cánh hữu tự do và cánh cực tả.

Những hiểu nhầm thường gặp

Nội dung của thu nhập cơ bản là gì mà có thể gây ra sự ngờ vực nơi những người dân chủ xã hội và có thể thúc đẩy lòng nhiệt huyết của họ? Để trả lời những câu hỏi như vậy, quan trọng là phải làm rõ cái gì là thu nhập cơ bản và cái gì không.
Có thể nói rằng các kế hoạch hỗ trợ xã hội hiện có là vô điều kiện theo ba nghĩa: những trợ cấp được chi trả bằng tiền mặt, không đòi hỏi là trước đó người thụ hưởng đã có đóng góp an sinh xã hội, và không chỉ giới hạn cho công dân của nước có liên quan. Một thu nhập cơ bản còn là vô điều kiện theo ba nghĩa khác nữa. Nó mang tính cá nhân, nghĩa là độc lập với tình hình gia đình người thụ hưởng. Nó phổ quát, nghĩa là quyền được hưởng nó không phụ thuộc vào mức thu nhập từ những nguồn khác. Và nó được miễn thuế, nghĩa là không giới hạn ở những ai đang làm việc hay sẽ làm việc.
Có vô lý không khi chi trả một thu nhập cơ bản như thế cho toàn dân, bao gồm cả người giàu? Không hề. Sự thiếu vắng việc kiểm tra thu nhập không tốt hơn cho người giàu. Nó tốt hơn cho người nghèo. Đúng vậy, người giàu không cần phải có một thu nhập cơ bản, giống như họ không cần thu nhập miễn thuế ở mức thấp nhất hoặc bị đánh thuế với thuế suất thấp. Những người thu nhập cao tất nhiên sẽ tự trả thu nhập cơ bản cho riêng họ và cho một phần những mức thu nhập cơ bản trả cho người khác. Một lợi thế to lớn của khoản tiền được tự động gửi đến toàn dân, bất kể thu nhập, đó là nó đến với người nghèo hiệu quả hơn nhiều so với một thủ tục kiểm tra mức thu nhập nào và không có sự miệt thị. Điều nữa là nó cung cấp cho họ một nền tảng trên đó họ có thể tự đứng vững, vì bởi nó có thể được kết hợp với khoản tiền kiếm được, chứ không phải một cơ chế mà ở đó họ sẽ dễ dàng lâm vào cảnh khó khăn tại vì nó (thu nhập cơ bản) bị rút lại nếu người nghèo bắt đầu kiếm ra tiền.
Thật không thể chấp nhận được khi thay thế quyền tiếp cận một công việc bằng quyền có một thu nhập (cơ bản)? Một thu nhập cơ bản không dính dáng gì đến cách phân loại này cả. Ngược lại, nó cung cấp một cách thức linh hoạt, thông minh của sự chia sẻ công việc. Nó tạo sự dễ dàng hơn cho những người làm quá nhiều khi cắt giảm thời gian làm việc của họ lại hay tạm dừng để nghỉ ngơi. Từ đó, nó cho phép những người đang thất nghiệp nắm bắt được vị trí công việc vừa được giải phóng, theo một cách dễ dàng hơn nhiều giống như họ có thể làm như thế trên một nền tảng bán thời gian, vì những khoản tiền kiếm được của họ được cộng dồn vào thu nhập cơ bản. Và mức sàn vững chắc mà thu nhập cơ bản cung cấp được tạo nên nhiều hơn “chất lưu dẫn” quay đi quay lại giữa việc làm, đào tạo và gia đình sẽ giúp làm giảm bớt sự kiệt sức và nghỉ hưu sớm, do đó cho phép con người trải công việc trên quãng thời gian dài hơn trong cuộc đời của họ. Đúng như các nhà dân chủ xã hội nhấn mạnh, tiếp cận đến các công việc được trả lương là quan trọng vì những lý do không thể quy giản về thu nhập mà công việc này mang lại. Những ai biện hộ cho một mức thu nhập cơ bản được chi trả mà không phải làm việc không cần phải bác bỏ điều trên. Nó thậm chí còn được coi là đương nhiên bởi những người trong số họ tự tin rằng ngay cả thu nhập cơ bản vô điều kiện hào phóng sẽ bền vững: bất chấp mức thuế cao và một phương án không-làm việc thoải mái, họ giả định rằng, người lao động sẽ tiếp tục làm việc một cách đúng đắn bởi vì công việc có ý nghĩa lớn hơn với họ chứ không hẳn chỉ vì tiền bạc.

Sự kết thúc của Nhà nước phúc lợi?

Việc đưa vào một mức thu nhập cơ bản có đe dọa đến sự tồn tại của các Nhà nước phúc lợi của chúng ta? Ngược lại, nó xuất hiện để giải cứu cho các mô hình này. Không cần phải nói, một thu nhập cơ bản không có nghĩa là một chọn lựa khác cho chăm sóc y tế và giáo dục được tài trợ bằng ngân sách. Nó cũng không có nghĩa là một khoản thay thế đầy đủ cho những quyền lợi bảo hiểm xã hội được tài trợ bởi những khoản đóng góp của người lao động. Cứ cho là mỗi thành viên hộ gia đình sẽ có thu nhập cơ bản của riêng mình, tuy nhiên, những mức độ của các trợ cấp tiền mặt và các nguồn tài trợ mà các mức trợ cấp này đòi hỏi có thể được giảm tương ứng, những lợi ích được cá nhân hóa và đơn giản hóa, và độ phức tạp của những cái bẫy liên kết với các điều kiện mà họ đang chịu sẽ giảm. Thậm chí trong dài hạn, trợ cấp xã hội không thể được mong đợi là sẽ biến mất. Bởi vì nó mang tính vừa cá nhân và vừa phổ quát, mức độ hợp lý của thu nhập cơ bản sẽ không cho phép chúng ta loại trừ những kiểm tra thu nhập của con người trong những hoàn cảnh cụ thể. Một lần nữa, cứ cho một mức sàn (thu nhập) vô điều kiện, các bẫy sẽ được cắt xuống, số lượng người phụ thuộc vào những lợi ích có điều kiện này sẽ giảm và công việc quan trọng của những viên chức xã hội sẽ thuận tiện. Khớp nối một mức sàn vô điều kiện dưới nhà nước phúc lợi hiện có sẽ không tháo bỏ mà còn củng cố bảo hiểm xã hội và những kế hoạch hỗ trợ xã hội được điều chỉnh của chúng ta.
Tuy nhiên quả đúng là một thu nhập cơ bản cấu thành một mô hình bảo vệ xã hội về cơ bản khác với hai mô hình hiện tại. Hậu quả là, người ta có thể chờ đợi những người gắn bó chặt chẽ nhất với hệ thống lúc trước cảm thấy bị thách thức và sẽ chống cự lại. Đây từng là trường hợp xảy ra vào đầu thế kỷ 16 khi sự hỗ trợ công cộng thách thức sự độc quyền từ thiện do nhà thờ tổ chức, và vào cuối thế kỷ 19 khi những hệ thống hưu trí và bảo hiểm y tế của nhà nước thách thức vị trí của các tổ chức cứu trợ người nghèo. Không có gì là gượng ép khi phỏng đoán rằng sự thiếu nhiệt tình dành cho thu nhập cơ bản trong số những nhà dân chủ xã hội và trong các tổ chức lao động có liên quan đến vai trò của họ trong việc khởi xướng, phát triển và quản lý những kế hoạch bảo hiểm xã hội mà ngày nay hợp thành phần trọng yếu của hầu hết các Nhà nước phúc lợi của chúng ta.
Sự kháng cự như vậy là hoàn toàn dễ hiểu, thực sự đáng ngợi khen: các nhà nước phúc lợi của chúng ta dựa trên nền tảng bảo hiểm xã hội tạo ra một sự khác biệt khổng lồ về công bằng xã hội và do đó đáng để được bảo vệ. Nhưng điều này không cản trở các nhà dân chủ xã hội khẩn trương cập nhật học thuyết của họ để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thế kỷ chúng ta: một thế kỷ trong đó cả sự mong muốn và khả năng của tăng trưởng bất tận đã vĩnh viễn mất đi tính hiển nhiên mà các nhà dân chủ xã hội hiển nhiên đã trông cậy vào trong thế kỷ trước, một thế kỷ mà trong đó lao động hưởng lương toàn thời gian suốt đời sẽ chỉ có thể và được khát khao bởi một nhóm thiểu số, một thế kỷ mà trong đó cánh tả không thể để cánh hữu độc quyền chủ đề tự do.

Mô hình thứ ba

Liên quan đến sự bảo trợ xã hội, điều này đòi hỏi tạo ra một dư địa cho mô hình thứ ba về cơ bản khác với cả hai mô hình cũ: mô hình trợ cấp xã hội cũ – từ thiện công – lẫn mô hình bảo hiểm xã hội – sự đoàn kết của người lao động – vốn từng được gắn kết mật thiết với nền dân chủ xã hội và khiến nó cảm thấy có bổn phận phải bảo vệ. Để có thể xử lí những thách thức của ngày hôm nay, những người cánh tả cần phải chuyển từ “chủ nghĩa công đoàn” sang “chủ nghĩa xã hội”, như nó từng là, bằng cách từ bỏ một ảo tưởng đã từng là cái lõi của đa số tư duy cánh tả từ lý thuyết về bóc lột của Marx. Nó cần phải công nhận một cách đầy đủ rằng phần lớn thu nhập thực tế của chúng ta không phải là quả ngọt của những nỗ lực làm việc của người lao động ngày nay (hãy tạm gác lại sự tiết chế của các nhà tư bản hiện nay), nhưng là món quà từ quá trình kết hợp tự nhiên ngày càng tăng giữa sự tích lũy vốn, đổi mới công nghệ và sự cải thiện thể chế kế thừa từ quá khứ. Theo một quan điểm “công đoàn chủ nghĩa”, những ai, về mặt đạo đức, được quyền thụ hưởng món quà này – dù trực tiếp qua các hình thức tiền lương hoặc gián tiếp qua các hình thức của phúc lợi xã hội mà họ được hưởng từ công việc của họ - là thế hệ hiện tại của người lao động, tỉ lệ với giá trị thị trường những kỹ năng của họ, độ dài của thời gian làm việc  và khả năng thương lượng của họ. Theo một quan điểm “xã hội chủ nghĩa” đích thực, những ai được món quà này là đồng đều tất cả thành viên của xã hội, đàn ông và phụ nữ, độc lập với mức độ tham gia của họ trong công việc toàn thời gian được bảo đảm lâu dài, và với công việc nhận lương nói chung.

Andy Stern (1950-)
Quan điểm bình đẳng hơn, giải phóng nhiều hơn, ít “trọng nam” hơn này đòi hỏi một giả định mạnh mẽ ủng hộ một khoản thu nhập cơ bản vô điều kiện. Nó không phải là cái gì đó mà những người cánh tả nên khiếp sợ. Nó là cái gì đó nên đón nhận một cách nhiệt thành. Có dấu hiệu nào cho thấy rằng nó sẽ  được tiếp nhận như thế không? Đây là một đấu hiệu.
Andy Stern cho đến gần đây là chủ tịch của Công đoàn Quốc tế Người lao động ngành Dịch vụ, một trong những công đoàn lao động lớn nhất ở Hoa Kỳ với gần hai triệu thành viên. Tựa đề cuốn sách mới nhất của ông ấy nói cho chính nó: Nâng sàn lương: một thu nhập cơ bản phổ quát có thể làm mới nền kinh tế của chúng ta và tái xây dựng lại Giấc mơ Mỹ (New York: Nhà xuất bản các Vấn đề công cộng, lên kệ tháng Sáu 2016).
Về Philippe van Parijs
Philippe van Parijs là Giáo sư tại Khoa Khoa học kinh tế, xã hội và chính trị của Đại học Louvain (UCL), nơi ông đã giữ ghế Chủ tịch danh hiệu Hoover về Đạo đức xã hội và kinh tế từ khi nó được thành lập năm 1991.
Nguyễn Vũ Hoàng dịch
Nguồn: “Basic Income And Social Democracy”, Socialeurope.eu, on 11 April 2016
Print Friendly and PDF