19.1.17

Tại Davos, cuộc gặp gỡ của một thế giới đảo lộn

TẠI DAVOS, CUỘC GẶP GỠ CỦA MỘT THẾ GIỚI ĐẢO LỘN
Diễn đàn Kinh tế Thế giới, khai mạc vào ngày hôm nay, lần đầu tiên tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sylvie Kauffmann (đặc phái viên, tại Davos (Thụy Sĩ))
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017 khai mạc vào thứ Ba này tại Davos, trong dãy núi Alpes của Thụy Sĩ, trong một ngày rất đặc biệt: đơn giản, đó là một thế giới đảo lộn, là chủ đề trong suốt tuần này.
Theresa May (1956-)
Tuần này bắt đầu với những phát biểu mang tính rất bất ổn của Donald Trump khi trả lời phỏng vấn cho hai tờ báo châu Âu về thái độ coi thường của ông đối với NATO, Liên minh châu Âu và bà thủ tướng Đức. Người đàn ông đó, vào cuối tuần này, sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Từ giờ đến lúc đó, nữ thủ tướng đầu tiên của Anh, Theresa May, sẽ giải thích, vào thứ ba cho đồng bào của bà, ý định của bà về việc tổ chức sự ra đi của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu. Hai ngày sau, vào thứ năm, bà sẽ đến Davos để thăm dò phản ứng của một cử tọa quốc tế đối với các điều khoản trong kế hoạch của bà, một sự kiện chưa có tiền lệ.
Sau khi đã hiểu khá sớm rằng trong năm nay sẽ có một khoảng trống quyền lực tại Davos, giữa hai chính quyền của Mỹ, chính quyền cũ [mãn nhiệm] và chính quyền mới, với một sự chuyển giao quyền lực theo cách sôi động nhất, thì người Trung Quốc đã quyết định lắp vào chỗ trống ấy một cách rầm rộ: diễn đàn không những đón tiếp một phái đoàn quan trọng của Trung Quốc, mà phái đoàn này còn do chính chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu.
Hố sâu giữa giới chủ doanh nghiệp và công chúng
Joe Biden (1942-)
Đây là lần đầu tiên mà một vị chủ tịch của Trung Quốc thực hiện chuyến đi tới Davos. Không những các đại diện của đế quốc Trung Hoa (empire du Milieu) đến rất đông, mà họ còn xuất hiện, trong bối cảnh lộn xộn chung, như những người đảm bảo sự ổn định và tự do thương mại: nhìn từ Bắc Kinh, toàn cầu hóa vẫn là một giá trị đúng đắn.
Đây không phải là cách nhìn từ châu Âu hay Hoa Kỳ, nếu tin vào các cuộc bầu cử trong những tháng gần đây, điểm xuyết bởi các cuộc nổi dậy của cử tri. Chủ đề, mà sẽ được đề cập trong bài phát biểu vào thứ ba, của Phó Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden, sẽ chiếm tâm trí của nhiều người trong suốt bốn ngày hội nghị và thảo luận: Liệu vấn đề phi toàn cầu hóa đã được tiến hành rồi chưa? Cái giá của chủ nghĩa bảo hộ là gì? Liệu những bất bình đẳng và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy có cuốn đi tất cả không? Được biết đến như là một cuộc gặp hàng năm của các giới tinh hoa trên thế giới, năm nay, Davos chắc chắn sẽ trải qua một số cung bậc của sự tự vấn lương tâm.
Sylvie Kauffmann (1955-)
Tuy nhiên, không những không từ bỏ nó, giới tinh hoa đang bị nghi ngờ đến thế ngày nay thậm chí còn đến đông hơn nữa: có đến khoảng 3.000 người tham gia, trong đó có 1.200 chủ doanh nghiệp và khoảng 50 vị nguyên thủ quốc gia và chính phủ sẽ thảo luận trong tuần này về chủ đề "phong cách lãnh đạo phản ứng tích cực và có trách nhiệm". Chủ đề này càng hợp thời khi một nghiên cứu của PWC được công bố vào ngày khai mạc Diễn đàn cho thấy một hố sâu lớn trong nhận thức giữa giới chủ doanh nghiệp và công chúng về hiệu ứng của toàn cầu hóa: 60% các chủ doanh nghiệp nhận xét nó tích cực, trong khi con số này chỉ là 38% trong người dân.
Sylvie Kauffmann (đặc phái viên, tại Davos (Thụy Sĩ))
Nhà báo tại tờ Le Monde
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF