27.2.17

Bất bình đẳng





BẤT BÌNH ĐẲNG

Inégalités [Bất bình đẳng], tác giả Anthony Atkinson
Le Seuil, 2016, 456 tr., 23 euro (xuất bản ngày 14 tháng 1)
Christian Chavagneux
Cuốn sách chắc chắn sẽ khiến người ta nói đến ông ấy! Trong lời nói đầu, Thomas Piketty cho độc giả biết là sẽ tìm thấy ở trong cuốn sách "những đường nét của một chủ nghĩa cải cách cấp tiến mới". Và điều đó chính xác là vậy. Điều chắc chắn là nhà kinh tế học người Anh, Anthony Atkinson, một trong những chuyên gia giỏi nhất thế giới về các vấn đề bất bình đẳng, không muốn chấm dứt chủ nghĩa tư bản đương đại. Nhưng ông đưa ra một loạt các đề xuất có khả năng làm thay đổi sâu sắc bản chất của chủ nghĩa này, có lợi cho những người có hoàn cảnh kém thuận lợi.
Bình đẳng về kết quả
Anthony Atkinson (1944-2017)
Thomas Piketty (1971-)
Cuốn sách bắt đầu bằng việc cung cấp một khung phân tích để suy nghĩ về sự bất bình đẳng nhằm, trái với những gì đã xảy ra trong một thế kỷ nay, đặt chúng trở lại trung tâm của sự phân tích kinh tế. Những người suy nghĩ bằng khái niệm bình đẳng về cơ hội không thuyết phục được Anthony Atkinson; ông thích sự bình đẳng về kết quả hơn: cung cấp những cơ hội giống nhau cho tất cả mọi người, đó là điều tốt, nhưng đối với những người không có được những cơ hội đó, thì đó là cảnh đói nghèo, một điều không thể chấp nhận. Bởi vì ngay cả khi mọi người đều có cơ hội như nhau để tham gia cuộc đua, thì sự phân phối giải thưởng cũng rất không công bằng. Đó là kết quả của một cấu trúc xã hội mà rõ ràng nhà kinh tế học muốn thay đổi.
Tất nhiên, trong cuốn sách chúng ta sẽ thấy rất nhiều đề xuất ủng hộ một thuế suất lũy tiến lớn hơn: một tỷ suất cận biên lên đến 65%, sự thiết lập một thuế suất đánh trên sự giàu có ở Vương quốc Anh, một thuế suất ruộng đất cao hơn, giảm thiểu các lỗ hổng thuế vụ và, chỉ với ý tưởng để đào sâu, một thuế suất tối thiểu đối với các doanh nghiệp lớn ráo riết tối ưu hóa nghĩa vụ thuế.
Phân phối lại tư bản

Nhưng cuốn sách đi xa hơn. Atkinson cũng kêu gọi một hành động của công chúng có lợi cho một sự phân phối lại tư bản cho người nghèo, một loại tài sản thừa kế cho mọi người, nhưng trên cơ sở bình đẳng. Ông không thích nguyên tắc phân bổ có điều kiện về thu nhập (các hiệu ứng ngưỡng là rất quan trọng và những người hội đủ điều kiện không phải lúc nào cũng đòi hỏi được thụ hưởng sự phân bổ này). Ông thích sự phân bổ một thu nhập cơ bản cho trẻ em và người lớn.
Như vậy, nhà kinh tế học đã sử dụng các mô hình lớn của ông để kiểm tra xem tất cả những vấn đề nói trên có khả năng được tài trợ hay không mà không làm mất cân đối các khoản chi công. Giữa những gì thu được và những gì phải chi ra, thì các đề xuất nói trên có khả năng thực hiện được. Và đừng nói rằng những thay đổi gây thiệt hại cho những người được ưu đãi hơn là điều bất khả trong thời đại toàn cầu hóa: chính vào cuối thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX mà những bước đầu của Nhà nước-phúc lợi đã được thiết lập, ngay trong cuộc toàn cầu hóa thứ nhất!
Sẽ có nhiều điều để thảo luận về các định hướng ban đầu này. Nhưng Atkinson nhận thấy rằng nếu các đề xuất về thuế của ông góp phần làm giảm sự bất bình đẳng, thì điều đó cũng chưa đủ. Một hành động có ý nghĩa thực sự trong lĩnh vực này phải tập trung vào việc phân phối lại thu nhập lần đầu, ngay vào lúc chúng được phân phối. Bằng cách nào? “Phải chế ngự các nhóm lớn có quyền lực” bằng cách cung cấp cho người lao động và người tiêu dùng thêm nhiều quyền lực hơn, ví dụ bằng cách tăng cường quyền lực của các nghiệp đoàn. Đặc biệt, Nhà nước cần mở ra một kênh đối thoại cấp quốc gia về vấn đề thù lao để đạt được một mức lương tối thiểu cho phép sinh sống trên mức nghèo đói và một mức lương tối đa trong khuôn khổ các doanh nghiệp phải xem xét đến trách nhiệm xã hội của họ. Chúng tôi đã báo trước rồi, cuốn sách sẽ khiến người ta nói đến ông ấy...
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: InégalitésAlternatives Economiques n° 353, janvier 2016.
Print Friendly and PDF