23.2.17

Liệu Trung Quốc có mua nước Mỹ?



LIỆU TRUNG QUỐC CÓ MUA NƯỚC MỸ?
Jack Ma, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba, một đại gia Trung Quốc về thương mại điện tử, khi đến Tháp Trump vào ngày 9 tháng 1 năm 2017 tại New York. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images/AFP)
Trung Quốc vẫn còn lâu mới mua được nước Mỹ! Vấn đề không nằm ở các thương vụ thâu tóm [các doanh nghiệp] mà nằm ở sự thiếu vắng thông lệ có đi có lại [trong giao dịch]. Bởi vì nếu người Trung Quốc được tự do hoạt động tại thị trường của Hoa Kỳ, thì người Mỹ (và người châu Âu) không có được quyền tự do giống như vậy ở Trung Quốc.

Peter Navarro (1949-)
Kể từ khi đắc cử, Donald Trump đã tập hợp một đội ngũ cứng rắn để quản lý các mối quan hệ Trung-Mỹ. Quyết định bổ nhiệm gây ấn tượng mạnh nhất là việc bổ nhiệm Peter Navarro. Là giáo sư kinh tế tại Đại học California, tác giả của nhiều cuốn sách viết về Trung Quốc trong đó có cuốn Death by China, Confronting the Dragon [Chết dưới tay Trung Quốc, Đối đầu với con rồng Trung Quốc] nơi ông trình bày các quan hệ thương mại và mô tả các mối đe dọa từ việc nhập khẩu các sản phẩm của Trung Quốc đến việc làm, sở hữu trí tuệ và sức khỏe của người tiêu dùng Mỹ. Ông cũng làm một bộ phim về vấn đề nói trên trên Youtube. Được phát hành vào năm 2015, cuốn Crouching Tiger [Ngọa Hổ] trình bày các mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. Peter Navarro sẽ lãnh đạo Hội đồng Thương mại Quốc gia và Wilbur Ross sẽ là Bộ trưởng thương mại: vị tỷ phú này đã làm giàu khi phục hồi các doanh nghiệp hoạt động khó khăn – trong đó có ngành công nghiệp thép. Robert Lighthizer sẽ là người đại diện thương mại – ông từng là Phó đại diện dưới thời tổng thống Reagan khi Hoa Kỳ phải đương đầu với Nhật Bản và kể từ đó, vị luật sư này đã bảo vệ các doanh nghiệp trong các vụ kiện bán phá giá, trong đó có ngành công nghiệp thép.

Robert Lighthizer (1947-)
Tuy là hiện tượng xấu trong các giao dịch thương mại với Trung Quốc, nhưng ngành công nghiệp thép không tiêu biểu cho sự phức tạp của các mối quan hệ được đặc trưng bởi sự chồng chéo của các ngành công nghiệp của Mỹ và Trung Quốc. Việc tăng thuế quan sẽ không những ảnh hưởng đến nhiều hộ gia đình mua sắm tại Wal-Mart mà còn đến cả các nhà sản xuất sử dụng các thành phần hay phụ tùng được sản xuất tại Trung Quốc.

Sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ

Khi Donald Trump nhậm chức tổng thống, tình hình các giao dịch thương mại Trung-Mỹ sẽ không khác lắm so với thời mà ông Obama nhậm chức tổng thống. Là điểm đến thứ ba về kim ngạch xuất khẩu của Mỹ, Trung Quốc chiếm 7%, một tỷ lệ tương tự như thời năm 2008. Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu của Hoa Kỳ và thị phần có tăng nhẹ, từ 19 lên 21%. Thâm hụt song phương đã mở rộng và chiếm 56% mức thâm hụt thương mại của Mỹ thay vì 43%. Đồng nhân dân tệ đã tăng giá so với đồng đô-la cho đến năm 2015, đã trở về ngang với mức giá của thời điểm tháng 1 năm 2009: sự mất giá [của đồng nhân dân tệ] trong những tháng gần đây còn có thể mạnh hơn nếu các nhà chức trách Trung Quốc đã không huy động một phần dự trữ để bảo vệ đồng tiền của họ. Họ bán các trái phiếu kho bạc và kể từ cuối năm 2016, Nhật Bản là nước nắm giữ [các trái phiếu kho bạc] hàng đầu với 1.130 tỉ USD trước Trung Quốc (1.120 tỷ USD).
Wilbur Ross (1937-)
Điều mới lạ thực sự chính là sự gia tăng đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Những dòng vốn khó đo lường. Về phía Trung Quốc, các doanh nghiệp không cần tìm hiểu điểm đến cuối cùng của các khoản đầu tư của mình, các số liệu thống kê của Bộ Thương mại (MofCom) cho thấy có ba phần tư [các khoản đầu tư] hướng đến các thiên đường thuế để từ đó lại chia ra đến một điểm đến khác. Điểm đến nào? Chỉ có số liệu thống kê của nước chủ nhà mới có thể trả lời, nhưng đây là trường hợp rất hiếm. Tại Hoa Kỳ, Cục phân tích kinh tế (BEA), cơ quan đo lường kim ngạch đầu tư vào và ra của nước ngoài, cũng đang gặp khó khăn để xác định quốc tịch của các doanh nghiệp được thành lập qua ngã các thiên đường thuế đó. Để khắc phục những khó khăn này, Rhodium và Heritage theo dõi danh sách các doanh nghiệp Trung Quốc và công bố các số liệu thống kê về các khoản đầu tư của Trung Quốc không thể so sánh trực tiếp được với các số liệu được Mofcom hoặc BEA công bố và phải được xử lý một cách thận trọng. Chúng ta có thể cho rằng các dữ liệu này sẽ cho thấy xu hướng của các khoản đầu tư của Trung Quốc.

Thách thức sắp tới


Trong một thời gian dài, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) Trung-Mỹ chỉ đi theo hướng một chiều: từ Hoa Kỳ đến Trung Quốc. Đó là thời gian khoảng giữa năm 1980 đến năm 2000, các doanh nghiệp Trung Quốc không có phương tiện và cũng chẳng được phép đầu tư ra nước ngoài. Điều đó đã thay đổi vào năm 2003. Tuy nhiên, như John Pomfret đã cho thấy trong cuốn lịch sử lý thú các mối quan hệ Trung-Mỹ của ông, chính sách quốc tế hóa mà chúng ta gán cho việc công bố chiến lượcĐầu tư ra nước ngoàicó những tiền lệ xa xưa trong lịch sử. Vào thế kỷ XIX, Howqua một trong những “mười ba dòng họ Hong”, những nhà trung gian giao dịch thương mại từ Bắc Kinh đến Quảng Châu, và là một trong những người giàu nhất thế giới, đã thực hiện những đầu tư đáng kể vào “Xứ sở đẹp đẻ(Meigo, 美国 – nước Mỹ bằng tiếng Trung Quốc). Nếu ông là người may mắn nhất, thì đó không phải là nhà đầu tư duy nhất người Trung Quốc. Một “bài viết ngắn” đăng trên tờ New York Times vào ngày 11 tháng 8 năm 1869 báo hiệu sự xuất hiện của những “người Trung Quốc lỗi lạc” đã đến thăm dò ở California.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp đến Hoa Kỳ, và tổng số tiền đầu tư của Trung Quốc, đơn vị tính tỷ USD (2005-2016)
Hơn một thế kỷ rưỡi sau đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm lại con đường của “Xứ sở đẹp đẻ”. Đất nước đó có mọi thứ mà người Trung Quốc tìm kiếm: đầu tư bất động sản, mua lại doanh nghiệp, sở hữu công nghệ. Cho đến khi xuất hiện cuộc khủng hoảng toàn cầu, kim ngạch đầu tư này có tính giai thoại và chiếm không đến 1 tỷ USD mỗi năm. Kể từ năm 2014, Trung Quốc đầu tư nhiều hơn ở Hoa Kỳ so với người Mỹ đầu tư ở Trung Quốc và vào năm 2016, kim ngạch đầu tư của họ đã có một thời kỳ bứt phá tuyệt vời theo Heritage và Rhodium – các dữ liệu của BEA chưa có. Chúng ta cũng thấy một cuộc tấn công tương tự ở châu Âu, nơi mà theo Rhodium, kim ngạch đầu tư của Trung Quốc đã đạt 35 tỷ Euro vào năm 2016. Tại châu Âu cũng như tại Hoa Kỳ, các khoản đầu tư này đã tài trợ nhiều thương vụ thâu tóm doanh nghiệp hơn là thành lập những doanh nghiệp mới, và được thực hiện nhiều bởi các doanh nghiệp tư nhân hơn là bởi các doanh nghiệp Nhà nước – dẫu biết rằng có thể nghi ngờ về bản chất tư nhân của nhiều doanh nghiệp lớn của Trung Quốc. Trong số các thương vụ thâu tóm lớn nhất, việc ChemChina mua lại đại gia ngành thực phẩm nông nghiệp của Mỹ Syngenta với giá 43 tỷ USD có nguy cơ bị Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Washington phủ quyết – như trường hợp các thương vụ thâu tóm trong ngành điện tử (Lexmark và Micron). Các khoản đầu tư trong năm 2016 sẽ làm cho kim ngạch đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Hoa Kỳ đạt hơn 100 tỷ USD.
Số tiền này, mười lần ít hơn so với số tiền mà Trung Quốc mua trái phiếu kho bạc, cần phải được xem xét trong tổng quan. Năm tốt năm xấu, Hoa Kỳ thu hút 250 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kim ngạch đầu tư nước ngoài là 5,6 nghìn tỷ USD vào năm 2015, trong khi tài sản tư nhân của Mỹ được ước tính khoảng 88.000 tỷ USD. Trung Quốc vẫn còn lâu mới mua được nước Mỹ! Vấn đề không nằm ở các thương vụ thâu tóm [các doanh nghiệp] mà nằm ở sự thiếu vắng thông lệ có đi có lại [trong giao dịch]. Bởi vì nếu người Trung Quốc được tự do hoạt động tại thị trường của Hoa Kỳ, thì người Mỹ (và người châu Âu) không có được quyền tự do giống như vậy ở Trung Quốc. Một sự bất đối xứng biện minh cho việc ký kết một hiệp ước đầu tư song phương đang được đàm phán từ nhiều năm nay. Kết thúc được cuộc đàm phán trên có lẽ là một trong những mục tiêu của cuộc thử thách giữa Trump và Trung Quốc.
Jean-Raphaël Chaponnière

Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière là nhà nghiên cứu cộng tác với Asie21 (Futuribles) và là thành viên của Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường] (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La Chine achète-t-elle les Etats-Unis?, AsiaLyst, 16/01/2017.
Print Friendly and PDF