TIỀN DỄ VAY HAY TRỢ CẤP VÀNG? TÍCH HỢP KINH TẾ HỌC VỚI TÂM LÍ HỌC
Nhà kinh tế học người Mỹ Richard H. Thaler là một [trong những] người tiên phong trong kinh tế học hành vi, một lĩnh vực nghiên cứu trong đó những hiểu biết sâu sắc từ nghiên cứu tâm lí được ứng dụng vào quá trình ra quyết định kinh tế. Quan điểm về hành vi là quan điểm kết hợp những phân tích thực tế về cách con người suy tư và hành xử trong khi ra các quyết định kinh tế, nó tạo ra những cơ hội mới trong việc thiết kế các biện pháp và thể chế nhằm làm gia tăng lợi ích xã hội.
|
Richard Thaler (1945-) |
Kinh tế học có mối liên hệ với việc thấu hiểu hành vi của con người trong các tình huống ra quyết định kinh tế và trong thị trường. Con người là những sinh vật phức tạp, và ta phải đưa ra những giả định đơn giản nếu muốn xây dựng các mô hình dễ vận dụng. Lí thuyết kinh tế học truyền thống giả định rằng mọi người có khả năng tiếp cận thông tin đầy đủ và có thể xử lí nó một cách hoàn hảo. Nó cũng giả định rằng ta luôn có thể thực hiện kế hoạch của mình và ta chỉ quan tâm đến lợi ích của bản thân. Mô hình hành vi của con người được đơn giản hóa này đã giúp các nhà kinh tế học xây dựng các lí thuyết giúp đưa ra giải pháp cho những vấn đề kinh tế quan trọng và phức tạp. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa lí thuyết và thực tế đôi khi vừa mang tính hệ thống vừa có tầm quan trọng. Richard Thaler đã góp phần mở rộng và cải tiến việc phân tích kinh tế bằng cách xem xét 3 đặc điểm tâm lí có ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế một cách hệ thống – đó là tính duy lí hạn chế, nhận thức về sự công bằng (perceptions about fairness), và thiếu khả năng tự kiểm soát (lack of self-control).
Tính duy lí hạn chế (limited rationality)
|
Herbert A. Simon (1916-2001) |
Việc giả định rằng trước mỗi quyết định kinh tế, mọi người đều xem xét mọi đối chọn khả thi và tất cả hệ quả lâu dài của nó là không thực tế. Đây chỉ đơn giản là một nhiệm vụ không thể vượt qua được, vì thế người ta thường ra quyết định bằng cách tập trung chú ý vào một mục tiêu gần (narrow focus). Nhà kinh tế học được trao giải Nobel [năm 1978] Herbert Simon đã phát triển khái niệm tính duy lí hạn chế (bounded rationality) như một thuật ngữ chung cho các hạn chế nhận thức của tổ chức và con người [cá nhân] và các quy tắc ra quyết định được đơn giản hóa. Một ví dụ cho những hạn chế đó có thể thấy trong lí thuyết về tính toán cảm tính (mental accounting) của Richard Thaler, mô tả cách mọi người tổ chức, trình bày và đánh giá các quyết định tài chính. Ta có xu hướng đơn giản hóa các quyết định như thế bằng cách tạo ra những tài khoản riêng trong tâm trí của mình, đưa ra các quyết định cá nhân dựa trên tác động của chúng lên từng tài khoản này chứ không phải dựa trên tổng tài sản [tức là, trong quá trình đưa ra các quyết định tài chính, con người chỉ tập trung vào những tác động hạn hẹp của những quyết định đơn lẻ thay vì nhìn vào bức tranh tổng thể - ND]. Một ví dụ [cụ thể] là có biết bao người phân chia ngân sách gia đình của họ thành một tài khoản cho các hóa đơn trong gia đình, một tài khoản khác dành cho các dịp lễ, v.v., với các quy tắc ngăn không cho sử dụng tiền từ một tài khoản này để thanh toán cho một thứ thuộc tài khoản khác. Đôi khi, hành vi này dẫn đến chi phí vượt dự toán (extra cost), chẳng hạn như không sử dụng tiền từ tài khoản tiết kiệm dài hạn cho các nhu cầu ngắn hạn mà dùng đến khoản vay tiêu dùng đắt đỏ. Đồng thời, việc này có thể giúp ta lập kế hoạch tài chính và bảo vệ những khoản tiết kiệm dài hạn. Một yếu tố khác của tính toán cảm tính là ta sử dụng các điểm tham chiếu (reference point) để giúp ta ra quyết định. Các điểm này khác nhau ở mỗi hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn như giữa các tài khoản tâm lí (mental account) khác nhau. Một điểm tham chiếu có thể là giá mà ta mua một sản phẩm, hay giá thấp nhất mà ta tìm thấy trên internet, và ta dùng điểm tham chiếu đó để đánh giá xem liệu ta có mua được sản phẩm với “giá hời” hay không. Trong nghiên cứu của mình, Thaler đã đưa ra rất nhiều ví dụ về cách thức tính toán cảm tính sử dụng các điểm tham chiếu khác nhau có thể dẫn đến những quyết định có vẻ lạ lùng so với khi đánh giá từ góc nhìn của kinh tế học truyền thống.
|
Để quản lí nhiều quyết định tài chính trong cuộc sống, ta thường tổ chức chúng thành các tài khoản riêng biệt trong tâm trí. Lí thuyết về tính toán cảm tính chứng minh rằng những vấn đề không dự định trước có thể xảy ra do quyết định theo cách này. |
Một ví dụ, một người tiêu dùng phát hiện ra chiếc đồng hồ mà họ mua với giá 100 knona[1] Thụy Điển có giá rẻ hơn ở một cửa hàng khác. Họ sẽ chọn đi đến cửa hàng khác đó nếu chiếc đồng hồ có giá 1.000 knona, nhưng sẽ không làm như thế nếu chiếc đồng hồ đó có giá 10.000 krona, dù cả hai lựa chọn như thế đều tiết kiệm được cùng một số tiền. Giải thích cho điều này là vì họ tập trung vào tỉ lệ tiết kiệm được, hơn là vào số tiền thực tế tiết kiệm được ứng với điểm tham chiếu đó. Một ví dụ khác, được lấy từ một nghiên cứu nổi tiếng của Thaler cùng với một vài đồng sự của mình, đó là một tài xế taxi phải cân nhắc giữa số giờ làm việc của mình với thời gian rảnh và thời gian dành cho gia đình. Người lái xe giải quyết vấn đề này bằng cách đặt mục tiêu cho thu nhập hằng ngày của mình, và kết thúc một ngày làm việc một khi đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, quy tắc như thế dẫn đến việc người tài xế nghỉ làm việc sớm khi có nhiều khách hàng và thu nhập theo giờ cao, và làm việc nhiều giờ hơn khi cầu taxi thấp. Với một nguyên tắc khác, anh ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn trong khi làm việc ít thời gian hơn và thành phố sẽ có nhiều taxi hơn trong những ngày mà nhiều người cần đến.
|
Daniel Kahneman (1934-) |
|
Jack Knetsch (1933-) |
Các yếu tố khác chi phối quá trình ra quyết định của ta là kinh nghiệm trước đây và nhận thức của ta về quyền sở hữu (perceptions of ownership itself). Ta thường đòi bán một thứ ta đang sở hữu với mức giá cao hơn số tiền mà ta sẵn sàng bỏ ra để mua cùng một thứ tương tự – một hiện tượng mà Thaler gọi là hiệu ứng sở hữu (endowment effect)[2]. Một trong những ví dụ được ghi nhận là một thí nghiệm nổi tiếng từ năm 1990, do Thaler thực hiện cùng Laureate Daniel Kahneman và Jack Knetsch. Trong thí nghiệm, một nhóm bao gồm các đối tượng thí nghiệm được chọn ngẫu nhiên nhận được một số chiếc cốc trang trí, những người này sau đó được quyền chọn bán chiếc cốc cho ai đó trong nhóm thứ 2 vốn không được nhận cái cốc nào. Vì cả hai nhóm được chọn ngẫu nhiên, nhìn chung đáng lẽ họ sẽ định giá chiếc cốc ngang nhau, và khoảng một nửa số chiếc cốc sẽ được bán. Tuy nhiên, chuyện lại thành ra rằng, nhìn chung những lựa chọn ngẫu nhiên được nhận chiếc cốc định giá nó cao hơn những người trong nhóm đối chứng vốn không được nhận chiếc cốc nào, và không tới một nửa số chiếc cốc được đổi chủ. Hiệu ứng sở hữu có thể mang lại những hệ quả lâu dài, chẳng hạn như nó làm giảm giao dịch hàng hóa và dịch vụ, và khiến những vụ tranh chấp pháp lí trở nên khó giải quyết. Giải thích của Thaler về hiệu ứng sở hữu dựa trên cách con người có xu hướng trải nghiệm cảm giác tiêu cực hay cái mất một cách mạnh mẽ hơn so với cảm giác tích cực về một cái được [mặc dù nó] lớn tương đương, và cái cảm giác tiêu cực đó còn được gọi là nỗi sợ mất mát (loss aversion). Việc từ bỏ thứ gì đó mà ta đang sở hữu được xem như là một cái mất (a loss), trong khi việc giành được thứ đó được xem là cái được (a gain).
Nói một cách tổng quát, những gì ta định nghĩa là cái được hay cái mất phụ thuộc vào vị trí đặt điểm tham chiếu, điều này rất quan trọng đối với quyết định của mình. Ví dụ, hàng giảm giá khiến người tiêu dùng chọn giá tham chiếu cao hơn so với những lúc khác mà họ vẫn chọn, và do đó họ cảm thấy việc mua hàng [giảm giá] là một món hời hơn so với việc mua hàng đó ở mức chưa giảm giá. Một ví dụ khác là một nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán không xác định một giao dịch như là một khoản lãi hoặc lỗ cho đến khi cổ phiếu được bán. Điều này dẫn đến các nhà đầu tư thường giữ các cổ phiếu đang giảm giá trong một thời gian dài với hy vọng “nó sẽ tăng giá trở lại”, và bán những cổ phiếu đang tăng giá quá sớm để “lấy lời”, mặc dù làm điều ngược lại sẽ có lợi hơn (về thuế chẳng hạn).
Kinh nghiệm của ta cũng ảnh hưởng đến những rủi ro mà ta sẵn sàng chấp nhận. Những người mới kiếm được tiền gần đây trên thị trường chứng khoán hoặc trên sòng bạc thường có khuynh hướng chấp nhận rủi ro lớn hơn những người vừa mất tiền. Sẽ ít đau đớn hơn khi mất tiền mà vẫn còn “số dư” trong tài khoản tâm lí ngay cả khi các “số dư” khác vẫn như thế (đây là điều mà Thaler gọi là hiệu ứng tiền chùa (house money effect)[3]). Các ưu tiên xã hội (Social preferences): cái gì là công bằng?
Khi ra quyết định, mọi người không chỉ xem xét cái gì có lợi cho chính họ. Mà họ còn có ý tưởng về cái gì là công bằng, và họ có thể cân nhắc phúc lợi của người khác theo cách vừa tích cực như qua sự hợp tác hoặc đoàn kết, vừa tiêu cực như qua lòng đố kị hay ác tâm. Các thí nghiệm quy mô lớn được Richard Thaler và các nhà kinh tế học hành vi khác tiến hành đã chỉ ra rằng ý niệm về sự công bằng đóng vai trò lớn trong việc ra quyết định. Con người được chuẩn bị để cố dằn lòng mình lại trước các lợi ích vật chất để duy trì cái mà họ cảm nhận là sự phân phối công bằng. Họ cũng sẵn sàng chịu thiệt để trừng phạt những người vi phạm các nguyên tắc công bằng cơ bản, không chỉ khi chính bản thân họ chịu tác động mà còn khi họ thấy ai đó chịu tác động bởi sự bất công.
|
Cơn mưa bất chợt làm tăng nhu cầu sử dụng dù, nhưng sẽ không phổ biến chuyện một nhân viên bán hàng nào đó lợi dụng hoàn cảnh này. |
Một sự phản đối thường gặp là kết quả của các thí nghiệm trong khu vực thí nghiệm không thể mở rộng sang đời sống hiện thực, nhưng rất dễ tìm thấy các ví dụ về việc những sự xem xét về công bằng có tác động ngoài khu vực thí nghiệm. Cơn mưa bất chợt làm tăng nhu cầu sử dụng dù, nhưng nếu một chủ cửa hàng tăng giá lên để đáp ứng cầu đang cao, nhiều khách hàng sẽ phản ứng tiêu cực và cảm thấy người chủ cửa hàng thực sự là một kẻ tham lam. Các công ty vi phạm các chuẩn mực công bằng có thể bị trừng phạt thông qua việc bị người tiêu dùng tẩy chay, điều này có thể khiến họ [cố gắng] giữ mức giá của mình trong khi đáng lẽ họ có thể nâng giá. Ngoài ra, có những cảm xúc mạnh mẽ khi đề cập đến việc trả lương, điều này ảnh hưởng đến việc tính lương trên thị trường lao động thông qua việc so sánh giữa các nhóm người lao động khác nhau. Việc giảm lương danh nghĩa là điều rất khó được chấp nhận – mức lương hiện tại của họ là điểm tham chiếu cận dưới mà không ai không muốn giảm – trong khi người ta dễ chấp nhận mức tăng lương danh nghĩa thấp hơn mức lạm phát, mặc dù điều này dẫn đến việc giảm mức lương thực tế.
Odysseus và Sirens
Trong trường ca thứ 12 của Odyssey, tiểu thần Circe cảnh báo Odysseus về những con Sirens [Tiên cá], những sinh vật nửa người nửa cá với giọng ca hết sức tuyệt vời mê hoặc các thủy thủ đến chết. Để vượt qua sự nguy hiểm chết người này khi cùng với thủy thủ đoàn trở về xứ sở Ithaca quê nhà [sau cuộc chiến thành Troy], Odysseus đã ra lệnh cho các thủy thủ nhét sáp ong vào tai của họ và trói ông vào cột buồm, và ông cũng dặn các thủy thủ lờ đi bất cứ điều gì ông nói cho đến khi họ ra khỏi nơi nguy hiểm. Tình thế của Odysseus là chuẩn mực của thế lưỡng nan này ở tất cả cung bậc thăng trầm của cuộc đời chúng ta, khi chúng ta được thử thách bằng những cám dỗ ngắn hạn làm ảnh hưởng đến phúc lợi (well-being) lâu dài. Đấy có thể là thức ăn, nước uống, chuyện hút thuốc, sự tiêu dùng, các khoản tiết kiệm cho tương lai, hoặc kế hoạch nghỉ hưu. Một người chọn một chương trình giáo dục dài hơn thì có thu nhập thấp hơn trong quá trình học tập của họ, nhưng họ mong đợi những lợi ích [lớn hơn] trong tương lai.
Những kinh nghiệm vốn gần gũi về mặt thời gian chiếm nhiều ý thức của ta hơn so với những thứ xa hơn trong tương lai; 1.000 krona vào năm sau được xem là có giá trị ít hơn 1.000 krona hôm nay, bất kể đó là một khoản thu nhập hay chi phí. Trong lí thuyết kinh tế học truyền thống, được mô tả bằng việc sử dụng hình thức chiết khấu – giả định là cả thu nhập và chi phí đều giảm theo một hệ số không đổi qua mỗi tháng hoặc mỗi năm. Khi sử dụng giả định như vậy, thì trong tương lai việc xếp hạng hai giải pháp sẽ luôn giống nhau.
|
Câu chuyện thần thoại của Odysseus và những con Sirens là về sự dằn xé giữa người có kế hoạch lâu dài và người thích niềm vui nhất thời. |
Tuy nhiên, như “thế lưỡng nan của Odysseus” cho thấy, bạn có thể thay đổi ý định khi lựa chọn giữa hai sự lựa chọn. Có thể giải thích rằng nhận thức của ta chịu nhiều tác động từ những kinh nghiệm gần gũi về mặt thời gian hơn – [do đó] ta sẽ phải chiết khấu nhanh hơn ngay lúc đầu.
|
Hersh Shefrin (1948-) |
Richard Thaler, cùng với Hersh Shefrin, đã tạo ra một mô hình khác để mô tả thế lưỡng nan do sự dằn xé nội tâm giữa cái tôi có kế hoạch và cái tôi hành động (nhà hoạch định – nhà hành động). Cái tôi có kế hoạch (planning self) suy nghĩ và ra các quyết định hướng đến mục đích hạnh phúc lâu dài, trong khi cái tôi hành động (doing self) bị các mục tiêu ngắn hạn điều chỉnh. Sự phân chia này đã được chứng thực trong tâm lí học hiện đại và cũng được các nghiên cứu gần đây về khoa học thần kinh ủng hộ. Như trong ví dụ của Odysseus, giải pháp cho thế lưỡng nan thường giúp ích cho cái tôi có kế hoạch bằng cách loại bỏ các hoạt động ngắn hạn. Điều này khác với lí thuyết kinh tế học truyền thống, trong đó nhiều hoạt động tiềm năng hơn thì bao giờ cũng tốt hơn. Trong một số trường hợp, người ta có thể kiềm chế mà không có sự trợ giúp – ví dụ như tính toán cảm tính có thể tránh được những sự lãng phí ngắn hạn. Trong những trường hợp khác, xã hội có thể cần phải giúp đỡ cái tôi có kế hoạch bằng cách thiết kế các quy định và thể chế khuyến khích hành vi theo viễn cảnh dài hạn.
Ứng dụng Kinh tế học hành vi trong thực tế
|
Robert Shiller (1946-) |
Kinh tế học hành vi cũng đã đặt câu hỏi về hành vi duy lí vì nó ứng dụng cho các lĩnh vực như thị trường tài chính. Richard Thaler, cùng với Robert Shiller [người nhận được giải thưởng Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Nobel năm 2013] đã thành lập lĩnh vực nghiên cứu về tài chính hành vi, trong đó các nhà nghiên cứu đã ghi nhận rằng tính thất thường của thị trường (market volatility) dường như không biện minh được và không tương hợp với lí thuyết thị trường hiệu quả. Thaler cũng đã ghi nhận những gì đưa đến giá trị thị trường âm của cổ phiếu – là không thể hợp lí, bởi bạn luôn có thể loại bỏ một cổ phiếu không có giá trị. Thí nghiệm với các đối tượng trong các cuộc kiểm định có thể lựa chọn giữa các khoản đầu tư khác nhau cho thấy rằng người dân nhạy cảm với việc lựa chọn thời gian. Các nhà đầu tư có khuynh hướng ưa thích chứng khoán có độ rủi ro thấp trong ngắn hạn, nhưng trước những kết quả tiềm năng của các khoản đầu tư khác trong một khoảng thời gian dài hơn, thì nhiều khả năng họ sẽ lựa chọn các chứng khoán có độ rủi ro cao hơn như cổ phần. Thực tiễn marketing thông thường có thể được hiểu là lợi dụng tính phi lí trí (irrationality) của người tiêu dùng. Giảm giá hoặc lời khuyên kiểu như “mua ba, tặng một” mang đến cho người tiêu dùng một cảm giác đạt được và do đó di chuyển các điểm tham chiếu để nhận định về giá cả. Việc marketing cho các loại hình xổ số và cá cược thông qua việc phô bày những người chiến thắng hiếm hoi và che đậy vô số kẻ thua cuộc. Nhiều người tiêu dùng bị lôi kéo vào nhận các khoản vay với những điều khoản bất lợi để họ có thể mua một món hàng mà họ không có khả năng chi trả. Nghiên cứu của Thaler thường được trích dẫn trong các tài liệu về marketing, và những hiểu biết sâu sắc của ông, cũng như của các nhà kinh tế học hành vi khác, có thể giúp ta nhận ra các chiêu trò marketing và tránh các quyết định kinh tế bất lợi.
|
Cass Sunstein (1954-) |
|
Shlomo Benartzi |
Trong nhiều tình huống, cái tôi có kế hoạch cần sự giúp đỡ để chống lại sự cám dỗ. Những nhận định như thế nằm sau các quy định hạn chế (tiêu dùng – ND) rượu và ma túy của nhiều quốc gia, nhưng trong các bối cảnh khác những quy định hạn chế đó lại được xem là có ảnh hưởng quá sâu rộng. Nghiên cứu về kinh tế học hành vi có thể được các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách sử dụng để thiết kế các giải pháp thay thế đem lại lợi ích cho xã hội. Richard Thaler và Cass Sunstein đã lập luận rằng, ở nhiều nơi, các định chế nhà nước và tư nhân nên chủ động (nhưng vẫn duy trì sự tự do lựa chọn) cố gắng thúc đẩy các cá nhân đi đúng hướng. Trong số những việc khác, điều này đã dẫn đến việc đưa vào các đơn vị cú hích (nudge units) tại một số quốc gia, bao gồm cả Anh và Hoa Kì, các cơ quan nhằm cải cách công tác hành chính thông qua việc sử dụng những hiểu biết sâu sắc về kinh tế học hành vi. Sự cải tiến thường liên quan đến những điều đơn giản, chẳng hạn như làm thế nào để sự lựa chọn mặc định được xác định – và đó là kết quả trừ khi bạn chủ động chọn một tuỳ chọn khác. Có những ứng dụng trong các lĩnh vực như tiết kiệm hưu trí, hiến tặng bộ phận cơ thể và chính sách môi trường. Mọi người có thể cảm thấy khó có thể tiết kiệm nhiều hơn những gì hiện làm, bởi vì làm hơn thế trực tiếp làm giảm mức độ tiêu dùng hôm nay của họ. Việc hứa hẹn sẽ tiết kiệm nhiều hơn trong tương lai thường dễ dàng hơn, đặc biệt khi người ta kì vọng mức lương của mình tăng lên. Cái nhìn sâu sắc này đã được sử dụng trong chương trình “Save More Tomorrow” (Tiết kiệm Nhiều hơn cho Ngày mai) do Thaler và Shlomo Benartzi thiết kế [vào năm 2004] như một phương tiện để tăng mức tiết kiệm hưu trí theo nghề nghiệp cá nhân. Chương trình này, theo đó một cá nhân cam kết chia sẻ một phần của tiền lương trong tương lai để tiết kiệm, đã được ứng dụng thành công tại một số công ty ở Mỹ. Trong một số khu vực, kiểu chương trình này đã bị phản đối vì tính gia trưởng (paternalistic), nhưng điều quan trọng là việc tham gia chương trình là hoàn toàn tự nguyện và người tham gia có quyền tự do lựa chọn ngưng tham gia vào chương trình này bất cứ lúc nào.
Tóm lại, đóng góp của Richard Thaler đã tạo ra một cầu nối giữa các phân tích kinh tế và tâm lí của việc ra quyết định cá nhân. Các phát hiện thực nghiệm và những hiểu biết mang tính lí thuyết của ông là công cụ cho việc tạo ra một lĩnh vực kinh tế học hành vi mới mẻ và lan tỏa nhanh chóng, vốn đã tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu và chính sách kinh tế.
CÁC LIÊN KẾT VÀ ĐỀ XUẤT ĐỌC THÊM
Thông tin bổ sung về giải thưởng năm nay, bao gồm thông tin khoa học cơ bản bằng tiếng Anh, có trên trang web của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, www.kva.se, và tại trang web http://nobelprize.org. Ở đó bạn có thể xem đoạn băng ghi lại các cuộc họp báo, các bài diễn từ Nobel và nhiều thứ hơn nữa. Thông tin về các cuộc triển lãm và các hoạt động liên quan đến Giải thưởng Nobel và Giải thưởng về Khoa học Kinh tế [để tưởng nhớ Nobel] có tại trang web www.nobelmuseum.se. Các quyển sách
Thaler, R. H. (2015), Misbehaving. The making of behavioral economics. (Hành xử lệch chuẩn. Sự ra đời của Kinh tế học hành vi) [ở Việt Nam, quyển sách này được xuất bản với tên gọi “Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính”] New York: W.W. Norton & Company. Thaler, R. H., Sunstein, C.R. (2008), Nudge: improving decisions about health, wealth, and happiness. (Cú hích: cải thiện các quyết định về sứ khỏe, sự giàu có và hạnh phúc) New Haven: Yale University Press.
Các bài báo khoa học thường thức
Video
Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã quyết định trao giải thưởng [của ngân hàng] Sveriges Riksbank cho Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel 2017 cho ông
Ông sinh năm 1945 tại East Orange, New Jersey, Hoa Kì. Ông nhận bằng Tiến sĩ vào năm 1974, Đại học Rochesert, New York, Hoa Kì. Giáo sư xuất sắc được gắn danh Charles R. Walgreen về Kinh tế học và Khoa học Hành vi, Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, Illinois, Hoa Kì.
“vì những đóng góp của ông đối với kinh tế học hành vi.”
Các nhà biên tập khoa học: Peter Gärdenfors, Magnus Johannesson và Per Strömberg, Ủy ban Giải thưởng Khoa học Kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel
Người soạn văn bản: Per Molander
Dịch [tiếng Anh]: Clare Barnes
Người công bố giải: ©Johan Jarnestad / Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Biên tập viên: Carl-Victor Heinold
© Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển
Nguyễn Thị Trà Giang, Nguyễn Việt Anh dịch
[1] Krona: đơn vị tiền tệ của Thụy Điển. – ND↩
[2] Hiệu ứng sở hữu (endowment effect): mô tả hiện tượng phổ biến là người ta thường gán một giá trị cao hơn cho những thứ mà họ đã sở hữu hơn là những thứ mà họ chưa mua. Nói cách khác, người ta thường từ chối bán đi những gì họ đã sở hữu với giá cao hơn mức họ sẵn lòng bỏ ra mua lúc đầu. Kết quả là giá bán món hàng cao hơn giá mua nó. Ví dụ, bạn sẵn sàng bán xe máy của mình với giá nào? Bạn có nghĩ rằng giá này là cao hơn hay thấp hơn giá thị trường? Có ai muốn mua với giá đó hay không? Một phần điều này là vấn đề chi phí giao dịch. Ví dụ, bán xe máy cũng mất thời gian và cố gắng, do đó xét theo lí lẽ thuần túy thì giữ lại xe vẫn dễ hơn là bán lấy tiền mua xe khác. – ND↩
[3] Hiệu ứng tiền chùa (house money effect): mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn khi vừa thắng lớn vì coi đó không phải tiền của mình. – ND ↩