Công nghệ & các Ý tưởng
CHÍNH THIÊN KIẾN NHẬN THỨC ĐÃ KHIẾN CHÚNG TA HOẢNG LOẠN TRƯỚC VI RÚT CORONA
Bạn có cảm thấy lo âu không? Trách nhiệm thuộc về tâm lý “sao nhãng xác xuất”.
Ngày 29 tháng 02 năm 2020.
Từ Rome đến Milan, mọi người đều phòng ngừa dịch bệnh.
Người chụp ảnh: Marco Di Lauro/công ty Getty Images
Ở thời kì này, chẳng một ai có thể xác định tầm mức đe dọa từ virus Corona. Nhưng có một điều rất rõ là: rất nhiều người đang hoảng sợ quá mức cần thiết dù họ không có lý do cụ thể nào để phải sợ. Họ có một cảm giác phóng đại về nguy cơ cá nhân trong người họ.
Tại sao lại dẫn đến tình trạng như vậy?
Câu trả lời tốt nhất là một cái tên chẳng đáng yêu chút nào: “sao nhãng xác xuất” [probability neglect]. Giả sử có một tác nhân tiềm tàng chi phối các cảm xúc trong bạn, có thể bởi vì nó thực sự rất đáng sợ, hoặc cũng có thể bởi vì nó quá tuyệt diệu. Nếu đúng như vậy thì khả năng cực cao là bạn sẽ chú tâm vào nó – mà ít chú ý hơn đến một câu hỏi quan trọng mà bạn nên đặt ra, đó là xác xuất nó xảy ra là bao nhiêu.
Christopher Hsee |
Yuval Rottenstreich |
Chúng ta có thể xem một trong những thực nghiệm minh họa đơn giản nhất nhưng sống động nhất từ Christopher Hsee của Đại Học Chicago và Yuval Rottenstreich của Đại Học California San Diego. Họ hỏi một nhóm người rằng họ sẽ trả bao nhiêu tiền để tránh bị một cú chích điện “chớp nhoáng, đau đớn nhưng không nguy hiểm đến tính mạng” có khả năng 1% gây giật. Họ cũng hỏi một nhóm tương tự khác rằng họ sẽ trả bao nhiêu tiền để tránh bị một cú chích điện có khả năng 99% gây giật.
Khả năng 1% bị giật và khả năng 99% bị giật là rất khác xa nhau. Nhưng người ta dường như không để ý sự khác biệt này. Để tránh khả năng 1% bị giật, số tiền trung vị họ sẵn lòng bỏ ra là 7 đô la. Để tránh khả năng 99% bị giật, số tiền trung vị họ bỏ ra là 10 đô la – chẳng lớn hơn là bao.
Hai nhà nghiên cứu Hsee và Rottenstreich khẳng định rằng khi một hệ quả gây ra một cách mạnh mẽ các cảm xúc tiêu cực, thì người ta sẽ không còn suy nghĩ tổng thể, không còn màng tới kết quả của xác suất nữa.
Luận cứ này cũng ủng hộ cho một phát hiện khác của họ rằng khi chơi những trò đánh bạc ăn tiền với giá trị nhỏ, người ta lại tỏ ra rất nhạy với phép tính xác suất hơn là khi bị điện giật. Ở người chơi trung vị sẽ trả 1$ để tránh 1% khả năng thua 20$, và trả 18$ để tránh khả năng 99% thua 20$.
Điều tương tự xảy ra khi có một tác nhân kích hoạt những cảm xúc tích cực mạnh mẽ. Đó là lý do các hãng xổ số nhà nước ăn nên làm ra, kiếm được rất nhiều tiền. Đúng vậy, chúng ta rất ít có khả năng trúng số. Nhưng những mẩu quảng cáo hấp dẫn - xoáy vào những điều tuyệt vời mà những người khi trúng số sẽ có được - lại có hiệu quả rất cao, và vì một nguyên do: các nhà quảng cáo kiếm lời từ tâm lý sao nhãng xác suất của con người, và chính vì tâm lý này mà rất nhiều người đã lãng phí tiền bạc vào các tấm vé sổ số.
Quay lại tình hình dịch bệnh do virus Corona. Tình hình hiện nay là rất khó đoán định, nhưng đến thời điểm này, hầu hết người dân ở Bắc Mỹ và châu Âu, cũng không nên quá lo lắng về nguy cơ mắc bệnh. Điều này đúng với cả những người đang đi du lịch đến các quốc gia như Ý mà người ta đã chứng kiến sự bùng phát dịch bệnh ở nước này.
Nhưng, căn bệnh do virus Corona này là mới, có thể gây chết người. Chỉ nhiêu đó thôi là đủ để kích hoạt tâm lý sao nhãng xác suất trong mỗi người.
Có hai hệ quả ở đây. Thứ nhất, trừ phi dịch bệnh được kiểm soát trong tương lai gần, nếu không thì nó sẽ gây ra nhiều nỗi sợ hãi hơn, chủ yếu là gây nhiều ra sự hỗn loạn về mặt kinh tế lẫn xã hội hơn là việc nó được xác thực bởi nguy cơ trên thực tế. Nhiều người bắt đầu thực hiện các bước phòng bị (hủy bỏ các chuyến du lịch, từ chối bay, tránh xa các nước đang có dịch) ngay cả khi không có đủ lý do để làm điều đó. Những hành động đó lại làm tăng những hỗn loạn về mặt xã hội, kể cả việc các mã chứng khoán rớt giá.
Hệ quả thứ hai là để đối phó với nỗi sợ hãi quá mức, phản ứng tốt nhất [của chính quyền] là đưa yếu tố xác suất lên các kênh truyền thông đến người dân, và truyền thông một cách trực tiếp và cụ thể.
Giả sử người dân của một thành phố tầm trung được báo động về nguy cơ, có thể một phần do tin giả tràn lan, có thể một phần do có một vài người trong vùng được xác nhận là nhiễm virus Corona. Rất có khả năng là nguy cơ lây nhiễm đối với người dân của thành phố đó thực sự là thấp, thậm chí thấp hơn cả những nguy cơ mà họ đã quen thuộc trong đời sống thường nhật – như nguy cơ bị cúm, viêm phổi, hoặc viêm họng. Việc thông tin rõ ràng đến người dân về dữ kiện này có thể sẽ giúp mọi người yên tâm hơn.
Những cái giá phải trả về sinh mạng con người của một trận đại dịch sẽ ảnh hưởng vượt xa phạm vi của y tế công. Chúng ảnh hưởng lên cả phạm vi kinh tế lẫn xã hội – và chúng là sản phẩm của tâm lý con người. Các quan chức chính quyền và những người khác hiện đang nắm giữ các vị trí lãnh đạo cần hành động để giảm thiểu những phí tổn đó, bắt đầu bằng việc hiểu rõ các hậu quả có khả năng phá hủy tiềm tàng của tâm lý sao nhãng xác suất trong con người.
Cass R. Sunstein
Chuyên gia xã luận của tờ Bloomberg
Cass Sunstein (1954-) |
Cass R. Sunstein là một chuyên gia xã luận của tờ Bloomberg. Ông cũng là tác giả của cuốn “The Cost-Benefit Revolution” [Cuộc cách mạng Chi phí – Lợi ích] và là đồng tác giả của cuốn “Nudge: Improving Decisions About Health, Wealth and Happiness” [Cú hích: Các quyết định cải thiện tình trạng sức khỏe, sự Giàu có và Hạnh phúc].
Chuyên mục này không nhất thiết phản ánh ý kiến của tờ Bloomberg LP lẫn của chủ sở hữu của nó.
Để liên hệ với tác giả của bài báo này:
Cass R. Sunstein tại csunstein1@bloomberg.net
Để liên hệ với biên tập viên chịu trách nhiệm cho bài báo này:
Katy Roberts tại kroberts29@bloomberg.net
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: The Cognitive Bias That Makes Us Panic About Coronavirus, Bloomberg, Feb 29, 2020.