3.3.20

Đối mặt với virus Corona, những kỹ thuật cảnh sát của các nhà nghiên cứu để nhận diện người bị nhiễm virus

ĐỐI MẶT VỚI VIRUS CORONA, NHỮNG KỸ THUẬT CẢNH SÁT CỦA CÁC NHÀ NGHIÊN CỨU ĐỂ NHẬN DIỆN NGƯỜI BỊ NHIỄM VIRUS
Nếu bạn là người bị nhiễm virusCovid-19, thì những “người truy lùng các đối tượng đã liên hệ” chịu trách nhiệm tìm lại những người mà bạn có thể truyền virus lây nhiễm. Dưới đây là cách thức mà những “người truy lùng” này làm điều đó.
18/02/2020
VIRUS CORONA - Westerdam là du thuyền mà tất cả các cảng đều từ chối [cho cập cảng] vì lý do có một trường hợp nhiễm virus Corona. Cuối cùng con tàu đã có thể cập cảng Campuchia vào hôm thứ năm này. Nhưng vào thứ Bảy, một hành khách nữ, vốn đã bay đến Malaysia, đã bị xét nghiệm dương tính với virus Covid-19. Nhưng còn có hàng chục hành khách khác đã rời khỏi đất Campuchia. Vậy các nước sẽ xử lý như thế nào trong tình huống này?
Theo Bác sĩ Freya Jephcott, vũ khí hiệu quả nhất chống lại virus Covid-19 không phải là gel khử trùng, khẩu trang hoặc xà phòng, mà chính là danh bạ điện thoại của bạn. Cho đến giờ, Vương quốc Anh đã ghi nhận 9 trường hợp dương tính với loại virus có khả năng gây tử vong tiềm tàng này, và cuộc chiến của các chuyên gia y tế nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm cho đến nay vẫn tập trung vào việc truy tìm các đối tượng đã liên hệ.
Mỗi lần mà một người bệnh được chẩn đoán, các chuyên gia y tế sẽ lao vào cuộc đua với thời gian [chiếc đồng hồ] để nhận diện những người mà họ có thể đã bị nhiễm virus, trước khi vô tình tự mình lây nhiễm sang người khác. 
Một công việc bàn giấy
Việc có một số hành khách của du thuyền ra nước ngoài làm dấy lên lo ngại về một sự lây nhiễm đáng kể. ẢNH PAULA BRONSTEIN QUA GETTY IMAGES
Hiện tại, có khoảng 400 chuyên gia từ cơ quan Y tế Công cộng Anh Quốc, một nhánh của Bộ Y tế Anh Quốc, được huy động để phỏng vấn những bệnh nhân bị nhiễm virus và xác định những nơi mà họ đã đến, và những người mà họ đã tiếp xúc, kể từ khi ngã bệnh.
Freya Jephcott
Bác sĩ Freya Jephcott, nhà dịch tễ học tại Đại học Cambridge và chuyên gia về virus Ebola, nằm trong số các chuyên gia đó. Bà đã tham gia vào chương trình tìm kiếm các đối tượng đã liên hệ trên quy mô lớn được tổ chức ở Tây Phi trong đại dịch Ebola lớn nhất vào năm 2014, một quá trình tiêu tốn rất nhiều thời gian và cần đến rất nhiều nhân sự.
Công cuộc tìm kiếm những người có thể đã bị nhiễm virus, trong một số trường hợp, giống như một cuộc săn lùng trong rừng ở Sierra Leone. Để so sánh, công việc của các thám tử nhằm ngăn chặn virus Covid-19 mang tính bàn giấy nhiều hơn. Ít nhất là cho đến nay.
“Thường thì cần phải ngồi hàng giờ bên giường của bệnh nhân, để truy ngược lại thời gian, đôi khi trong nhiều tuần, nhằm tìm xem người bệnh đã đi đâu, đã nói chuyện với ai, đã tiếp xúc với ai, rồi cố tìm lại những người đó, những người có nguy cơ phơi nhiễm virus cho nhiều người hơn,” theo lời giải thích của bà.
“Hơn thế nữa, nếu bệnh nhân cảm thấy không khỏe và đôi khi cần nghỉ ngơi, thì quá trình cực kỳ tốn công nói trên có thể mất vài ngày, đối với một người bệnh, và cần huy động sự can thiệp của một số lượng người rất lớn.”
Thiếu kiến ​​thức về virus
Ngày nay, chính cơ quan Y tế Công cộng Anh Quốc đang sử dụng phương pháp “dịch tễ học thực địa” này, nhưng đội ngũ chuyên gia y tế có khả năng tăng tốc quá trình này bằng cách tiếp xúc với người bệnh tiềm năng qua tin nhắn SMS hoặc email, nếu không thể tiếp xúc được trực tiếp với người bệnh, hoặc sử dụng cơ sở dữ liệu của các cơ quan y tế.
Các nước đang dựa vào các công nghệ mới để phát hiện người bị nhiễm virus Corona tại các sân bay. ẢNH ASIANDELIGHT QUA GETTY IMAGES
Kết quả đáng khích lệ, theo khẳng định của Bác sĩ Freya Jephcott. Thật vậy, công việc theo dõi các đối tượng đã liên hệ đã được chứng minh là hiệu quả trong công cuộc chống lại các bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, “trong trường hợp của virus Covid-19, có vẻ như người bệnh có thể bị nhiễm virus trước khi xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, điều này có nguy cơ làm giảm hiệu quả của công việc theo dõi các đối tượng đã liên hệ nếu số ca nhiễm dịch tăng lên”.
“Đối với virus này, thực sự còn quá sớm để tuyên bố điều gì. Nhưng ngay cả khi việc theo dõi các đối tượng đã liên hệ không đủ sức để ngăn chặn sự lây nhiễm, thì công việc theo dõi đó có thể làm chậm lại đáng kể quá trình lây nhiễm, đó đã là một điều rất quan trọng.”
“Khi loại virus này lây lan rất nhanh trong một quần thể người dân, thì các cơ quan y tế sẽ nhanh chóng bị quá tải, và sẽ có rất nhiều người không thể đi làm do bị bệnh hoặc phải chăm sóc người bệnh, điều mà, từng bước, có thể làm rối loạn chuỗi cung ứng và các dịch vụ khác.”
Cơ quan Y tế Công cộng Anh Quốc hiện đang nay khởi động việc tìm kiếm các đối tượng đã liên hệ kể từ thời điểm mà bệnh nhân bắt đầu cảm nhận các triệu chứng. Người ta định nghĩa một “đối tượng đã liên hệ gần” với người bị nhiễm virus theo cách như sau: đã có khoảng thời gian ít nhất 15 phút ở cùng với người bị nhiễm virus trong bán kính hai mét, hoặc đã có trò chuyện với bị nhiễm virus. Những người tự thấy mình nằm trong trường hợp nói trên được yêu cầu “tự cách ly” trong hai tuần.
Rủi ro phát sinh từ một tiếp xúc kéo dài
Ngược lại, những người chỉ đơn giản đi ngang qua một người bị nhiễm virus trong hành lang, tại sân bay hoặc tại nhà ga tàu hỏa thì thường không phải là đối tượng đã liên hệ, vì nguy cơ lây nhiễm được coi là tối thiểu.
Bác sĩ Tom Wingfield, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, làm việc tại Trường Y học Nhiệt đới Liverpool (LSTM). Cơ sở chuyên môn này là một phần của một mạng lưới trải rộng trên khắp nước. Trường được trang bị để điều trị những bệnh nhân bị nhiễm virus ở cấp độ “nguy cơ cao”. Trước đây, đội ngũ chăm sóc y tế đã đối mặt với các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ, virus Corona của hội chứng hô hấp Trung Đông (SEA) và hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS).
Bác sĩ tin rằng việc theo dõi các đối tượng đã liên hệ là phương pháp tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của virus, khi mà số trường hợp được chẩn đoán là tương đối thấp, như trường hợp của virus Covid-19 tại Vương quốc Anh
Việc kiểm tra thân nhiệt không phải lúc nào cũng là một giải pháp tốt, vì có rất nhiều người dùng thuốc để làm hạ sốt. ẢNH XINHUA NEWS AGENCY QUA GETTY IMAGES
Ông chỉ ra rằng quy trình mà trường LSTM theo đuổi phần lớn dựa trên các cuộc thảo luận chuyên sâu với những người bệnh vừa được chẩn đoán – được gọi là “dấu hiệu ca bệnh”– để vẽ ra một bảng chi tiết các hành động và hành vi của người bệnh, những nơi họ đã đến, những người họ đã gặp và người nào trong số những người đó có khả năng bị nhiễm virus cao nhất.
Một cuộc truy lùngchính xác
“Nói chung, chúng tôi nói chuyện với họ để biết những chuyển dịch của họ, những người mà họ đã ăn chung một bữa ăn hoặc đã chia sẻ một căn phòng, hoặc những người mà họ chỉ đi ngang qua. Từ đó, chúng tôi đánh giá người nào trong số những người đó có nguy cơ cao nhất bị nhiễm virus, và chúng tôi theo dõi chặt tình trạng sức khỏe của họ để nắm bắt những triệu chứng có thể xảy ra.”
“Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh luôn sẵn lòng giúp đỡ chúng tôi. Trong những trường hợp hiếm hoi, khi người bệnh từ chối cung cấp thông tin hoặc ở trong tình trạng sức khỏe quá yếu để có thể cung cấp thông tin, thì chúng tôi dựa vào gia đình của người bệnh để họ cung cấp một lượng thông tin tối đa, trong giới hạn tôn trọng bí mật về y tế.”
“Điều này cho phép chúng tôi hành động nhanh, xử lý nhanh đối tượng có liên quan và xác định tất cả những người có thể gặp nguy. Điều đó cũng có nghĩa là người bệnh có nhiều khả năng dễ lành bệnh nhanh hơn.”
Nếu virus lây lan nhiều hơn nữa, thì các quan chức y tế chắc chắn sẽ phải thay đổi chiến thuật. Tuy nhiên, công việc tìm kiếm các đối tượng đã liên hệ vẫn sẽ được sử dụng, nếu “dấu hiệu ca bệnh” là một chuyên gia y tế, hoặc một cá nhân có khả năng đã tiếp xúc với những người dễ bị nhiễm.
“Không thể chắc chắn 100% về cách thức mà sự việc sẽ diễn ra, nhưng công việc tìm kiếm các đối tượng đã liên hệ đã cho ra những kết quả xuất sắc đối với các bệnh truyền nhiễm khác trong quá khứ”, theo khẳng định của nhà dịch tễ học. “Tôi không thể đưa ra một con số chính xác, nhưng nếu số lượng các trường hợp bị nhiễm tăng lên, thì việc tìm kiếm các đối tượng đã liên hệ có nguy cơ không còn khả thi và cần phải xem xét đến các cách tiếp cận khác.”
Kate Forrester
Thibaut Derex
“Chúng tôi liên lạc thường xuyên với mạng lưới các cơ sở y tế được trang bị để đối phó với sự lây lan của virus, cũng như với cơ quan Y tế Công cộng Anh Quốc, và tôi nghĩ mọi người có thể yên tâm: chúng tôi đã chuẩn bị rất tốt.”
Kate Forrester
Kate Forrester là trợ lý biên tập tin tức của trang HuffPost UK và cựu phóng viên chính trị.
Thibaut Derex
Thibaut Derex, nhà báo mục khoa học tại trang HuffPost.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF