15.3.20

Đối phó với virus trăm năm có một


ĐỐI PHÓ VỚI VIRUS TRĂM NĂM CÓ MỘT
Claire Lehmann
3/3/2020
Các nhân viên y tế mang khẩu trang và mặc quần áo bảo hộ đặc biệt chăm sóc một bệnh nhân nhiễm virus Corona tại một bệnh viện ở Tehran, Iran ngày 2/3/2020. Số người chết vì virus Corona ở Iran đã lên đến con số 66 khi có thêm 12 ca tử vong vì dịch bệnh và tổng số ca nhiễm là 1.501. (Hình của Fatemeh Bahrami/Anadolu Agency trên trang Getty Images)
Vào năm 2015, Bill Gates đã công bố một bài xã luận trên tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM) cảnh báo rằng thế giới có thể sẽ đối mặt với một trận đại dịch trong vòng 20 năm tới. Ông viết bài báo này vào thời điểm sau trận bùng phát dịch Ebola ở Guinea, Sierra Leone, và Liberia, theo ông mặc dù thế giới có hệ thống hiệu quả ngăn chặn dịch Ebola, nhưng chúng ta lại không chuẩn bị sẵn tư thế đối phó với dịch bệnh có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn đáng kể. “Nói đến những biến cố có thể giết chết 10 triệu người trên khắp thế giới, thì rất có thể là một trận dịch xuất phát từ tự nhiên hay khủng bố sinh học.”
Gates ví việc chuẩn bị tư thế đối phó với dịch bệnh như chuẩn bị tư thế cho chiến tranh đe dọa toàn cầu:
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có một đơn vị di động sẵn sàng tác chiến nhanh. Mặc dù hệ thống không hoàn hảo, nhưng các quốc gia thuộc khối NATO tham gia diễn tập chung về công tác hậu cần, cụ thể là cung cấp nhiên liệu và thực phẩm như thế nào, sử dụng ngôn ngữ nào, và dùng tần số vô tuyến điện nào. Rất ít, nếu có, các biện pháp như vậy được đưa ra để đối phó với dịch bệnh.
Hai năm sau, tại một hội nghị thượng đỉnh toàn cầu tại Thụy Sỹ, Gates đã một lần nữa cảnh báo các nhà lãnh đạo về việc họ không chuẩn bị tư thế sẵn sàng đối phó với một trận đại dịch, ông nhấn mạnh đó là một vấn đề toàn cầu đòi hỏi các nước phải cùng hành động. “Các trận dịch có tính chất phi biên giới. Vì vậy, cho dù bạn xem xét các trận dịch bằng lăng kính nhân đạo hay bằng lăng kính quốc gia cục bộ, thì việc đầu tư [để đối phó với dịch bệnh] là việc nên làm.”
Vào năm 2018, Gates đã đưa ra thêm một cảnh báo. Trước thực tế con người có thể di chuyển vòng quanh địa cầu chỉ trong vài giờ đồng hồ, theo ông một con virus tương tự như SARS có thể giết chết 30 triệu người trong vòng sáu tháng.
Một loại virus mới hiện đang lây lan. Trận dịch virus Corona 2019 (COVID-19) xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019. Tính đến ngày 2/3/2020, hơn 90.000 trường hợp đã xác định nhiễm virus, và 70 quốc gia đã nhiễm dịch, trong số đó Trung Quốc đại lục, Hàn Quốc, Ý, và Iran là những nơi dịch bùng phát dữ dội nhất. Hơn 2.900 ca tử vong tại Trung Quốc và 175 ca tử vong tại các nước khác.
Một công trình công bố trên tạp chí Journal of the American Medical Association, nghiên cứu 72.000 trường hợp được phát hiện ở Trung Quốc đại lục, ước lượng rằng virus này có tỷ lệ gây tử vong là 2% (nếu bệnh nặng thì tỷ lệ này tăng lên 49%), với thời gian ủ bệnh là từ 1 đến 14 ngày. Khoảng 25% những người nhiễm virus rơi vào tình trạnh “nguy kịch” cần chăm sóc đặc biệt, và khoảng 10% cần máy trợ thở. Các triệu chứng bao gồm sốt, ho khan, mệt mỏi, đau đầu, đau họng, đau bụng, và tiêu chảy.
Virus Corona có thể truyền từ người không có biểu hiện triệu chứng nào, và nó có thể gây tử vong cho người khỏe mạnh lẫn người bệnh, và tuy tỷ lệ gây tử vong không bằng SARS hay MERS, nhưng virus này dễ lây lan hơn, với tốc độ lây nhiễm cao hơn. Hiện vẫn chưa có thuốc ngừa.
Trong khi dịch bệnh đã lan ra toàn cầu, những ca nhiễm mới ở Trung Quốc gần đây có vẻ như ổn định, và có thể giảm bớt. Trong khi chúng ta không biết số liệu do chính phủ Trung Quốc cung cấp có chính xác hay không, cứ cho là các ca nhiễm mới đã thực sự ổn định, thì kết quả này có thể do các chiến lược cấp tốc được chính phủ Trung Quốc triển khai để ngăn chặn trận dịch.
Huaiyu Tian
Một nghiên cứu gần đây do Huaiyu Tian, Phó giáo sư tại Đại học Beijing Normal, chủ trì đã đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp kiểm soát mà chính phủ Trung Quốc thực hiện nhằm đối phó trận dịch. Kết quả phân tích 296 thành phố cho thấy những thành phố nào thực hiện các biện pháp kiểm soát phủ đầu - trước khi phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên - có số ca nhiễm ít hơn 37% so với số ca nhiễm ở những thành phố triển khai hành động sau khi phát hiện ca đầu tiên.
Những biện pháp kiểm soát này là gì? Tạm ngưng vận hành hệ thống giao thông công cộng, đóng cửa các địa điểm vui chơi giải trí, và cấm tụ tập đông người.
Những biện pháp như vậy khó mà được áp dụng ở các xã hội dân chủ. Vào năm 2015, Gates đã từng viết rằng các trận dịch trong tương lai sẽ khó mà ngăn chặn trong các xã hội tự do: “Vì các quốc gia dân chủ tránh hạn chế quyền đi lại và tự do tụ họp của cá nhân, họ có thể rất chậm chạp khi ra quyết định hạn chế các hoạt động làm gia tăng sự lây lan của dịch bệnh.”
Wilmer Krusen (1869-1943)
Tuy nhiên, các đại dịch đã từng xảy ra ở các quốc gia dân chủ có thể cho chúng ta bài học. Vào đầu tháng 10/1918, khi cúm Tây Ban Nha lan sang bờ đông nước Mỹ, ủy viên sức khỏe của thành phố St Louis, Max Starkloff, đã ra lệnh đóng cửa trường học, rạp chiếu phim, quán rượu, các sự kiện thể thao và các địa điểm tụ tập đông người khác. Mặc dù một số người dân phản đối các biện pháp này, nhưng lệnh cách ly vẫn được thực thi. Một tháng sau, khi đại dịch tiếp tục hoành hành, ông đã ra lệnh đóng cửa tất cả doanh nghiệp, trừ một số trường hợp ngoại lệ, như ngân hàng.
Trong khi các biện pháp cách ly nghiêm ngặt được thực hiện ở St Louis, thì ủy viên sức khỏe của thành phố Philadelphia, Wilmer Krusen, cấp phép cho cuộc diễu hành biểu dương nỗ lực cống hiến cho cuộc chiến tranh diễn ra trong thành phố. Theo như báo cáo thì chỉ trong vòng 72 giờ diễu hành, toàn bộ gường bệnh trong 31 bệnh viện tại Philadelphia đã kín người, và vào thứ Bảy ngày 5/10/1918, 2.600 người ở Philadelphia đã tử vong, và số người tử vong tăng gần gấp đôi một tuần sau đó. Cuối trận dịch, St Louis có tỷ lệ tử vong thấp nhất nước Mỹ, trong khi ở Philadelphia người chết tràn lan và “xác chết [bị] chất chồng trên lề đường.”
Kenneth C. Davis (1954-)

Nên nhớ rằng trong cuộc khủng hoảng hiện tại, chúng ta cần ra quyết định trong tình trạng không có đầy đủ bằng chứng. Nếu hành động quá sớm thì bị coi là “gây hoang mang,” nếu hành động quá trễ lại bị cho là “chủ quan.” Hiện tại không khác gì tình trạng năm 1918 khi dịch cúm Tây Ban Nha bùng phát. Trong cuốn sách More Deadly Than War: The Hidden History of the Spanish Flu and the First World War (Chết Chóc Hơn Cả Chiến Tranh: Lịch Sử Ẩn Giấu về Cúm Tây Ban Nha và Chiến Tranh Thế Giới Thứ I), sử gia Kenneth C. Davis đã viết:
Krusen quyết định cho phép cuộc diễu hành diễn ra vì hai nỗi sợ. Ông tin chắc rằng cách ly sẽ làm dân chúng hoang mang. Trong thực tế, khi các quan chức thành phố ngăn cấm các sự kiện tụ tập đông người, tờ nhật báo Philadelphia Inquirer với thái độ hoài nghi đã mắng mỏ quyết định của họ. Số ngày 5/10 của tờ Inquirer đã đề nghị: “Hãy nói chuyện vui thay vì dịch bệnh.” “Các cơ quan công quyền hình như bị dở người. Họ đang cố làm cái trò gì vậy, muốn hù chết mọi người sao?”
Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã khuyến cáo rằng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt được triển khai sớm là mấu chốt để giữ mạng sống và ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Nhưng thật đáng lo khi Robert Nelson, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập ARCH Venture Partners, một công ty đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ sinh học có cơ sở ở Seattle, San Francisco, và Chicago, đã cho Quillette hay rằng một số nơi ở Mỹ, tình hình có thể là đã quá trễ:
Những quan chức và chính trị gia này nghĩ hoang mang là những dòng người xếp hàng rồng rắn ở Costco và những phụ huynh giận dữ khi trường học đóng cửa, họ có thể ngộ ra rằng hoang mang là khi đưa mẹ vào phòng cấp cứu và bà đã chết ngoài bãi đậu xe vì không ai nhìn thấy bà cả. Tôi hy vọng điều này không xảy ra và chúng ra gặp may mắn, nhưng tất cả các chỉ báo đều cho thấy điều ngược lại.
Là một nhà đầu tư mạo hiểm, công việc của Nelson là đặt cược vào tương lai. Với kiến thức chuyên môn về y sinh, công ty của ông đã đầu tư vào hơn 100 công ty, 27 trong số đó được định giá hơn 1 tỷ USD. Ông phát biểu về trận dịch COVID-19 như sau:
Hiện tại, sai lầm lớn nhất của nước Mỹ nằm ở các cơ quan y tế cấp tiểu bang và cấp địa phương - họ sợ sự hoang mang, nên họ e dè không hủy các sự kiện công cộng và không đóng cửa trường học. Họ vẫn chờ các trường hợp có triệu chứng xuất hiện để hành động trong khi ai cũng biết dịch bệnh đang lây lan rất nhanh mà không hề có triệu chứng. Đây là phản ứng dại dột, sự lây lan ở những nơi như Seattle có thể vỡ trận. Chúng ta phải hành động quyết đoán hơn ở cấp tiểu bang và cấp địa phương, ngay lập tức đóng cửa trường học và hủy các sự kiện đông người và giữ khoảng cách với nhau để giảm độ dốc của đồ thị biểu diễn sự gia tăng số ca nhiễm. Đây là việc cấp bách vì hệ thống của chúng ta không thể nào chống đỡ nỗi gánh nặng phải chăm sóc đặc biệt và cấp tính trừ khi chúng ta giảm độ dốc của đồ thị đó.
Jeffrey Flier (1948-)
Quillette hỏi Jeffrey Flier, nguyên Trưởng Khoa Y của Đại học Harvard rằng điều gì sẽ xảy ra với các thiết bị chăm sóc đặc biệt và cấp tính nếu các chính quyền địa phương không chủ động ngăn chặn virus. Ông trả lời như sau:
Vấn đề nằm ở số lượng - bao nhiêu người nhiễm và bệnh tình nghiêm trọng như thế nào. Nếu có quá nhiều người nhiễm và bệnh tình hết sức nghiêm trọng (vẫn không rõ tình trạng sẽ tồi tệ đến mức nào), hệ thống có thể bị quá tải, vì phải sử dụng toàn bộ giường chăm sóc cấp tính, bệnh tình của nhân viên y tế, cung ứng bị ngưng trệ, v.v., và dĩ nhiên là vì chúng ta chưa có liệu pháp và thuốc ngừa. Trong trường hợp đó, chăm sóc y tế đối với các bệnh không phải đại dịch sẽ bị gián đoạn và/hoặc hoãn lại một thời gian.
Jack Dorsey (1976-)
Patrick Collison (1988-)
Nhiều giám đốc điều hành trong ngành công nghệ không chờ chính quyền địa phương chỉ đạo việc tự giữ khoảng cách mà họ chủ động thực hiện các biện pháp đón đầu. Giám đốc điều hành của Twitter, Jack Dorsey, đã yêu cầu 5.000 nhân viên của mình làm việc tại nhà, và thông báo công ty tạm ngưng tất cả các chuyến công tác và sự kiện không quan trọng. Giám đốc điều hành của Stripe, Patrick Collison, cũng khuyến khích, và trong một số trường hợp bắt buộc nhân viên công ty làm việc từ xa. Chỉ trong tháng rồi, công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz bị chỉ trích trên báo chí Mỹ vì không khuyến khích bắt tay trong văn phòng, nhưng ba tuần sau, quân đội Mỹ cũng đề nghị quân nhân không bắt tay.
Cách đây vài ngày, Gates đã công bố một bài xã luận nữa trên tạp chí NEJM. Thông điệp rất rõ ràng: “Trong tuần qua, COVID-19 bắt đầu có biểu hiện giống như con virus trăm năm có một mà chúng ta hằng lo lắng. Tôi hy vọng tình hình không bi đát đến mức đó, nhưng chúng ta nên giả định rằng điều đó đang diễn ra cho đến khi chúng ta có bằng chứng khác.”
Claire Lehmann (1985-)
Trong phạm vi những gì chúng ta biết - và thừa nhận rằng thông tin chúng ta có hiện vẫn không hoàn chỉnh - các nhà lãnh đạo của chúng ta phải thực hiện chính sách tự giữ khoảng cách ngay lập tức. Trong khi chúng ta phải giữ bình tĩnh, tình trạng hiện tại đòi hỏi sự lãnh đạo quyết liệt và hành động quyết đoán.
Về tác giả:
Claire Lehmann là chủ bút sáng lập trang Quillette. Tài khoản Twitter: @clairlemon.
Trần Thị Minh Ngọc dịch
Nguồn: Dealing With a Once-In-A-Century Pathogen”, Quillette, 3/3/2020.
Print Friendly and PDF