27.3.20

Virus Corona: hướng tới hồi 1 của quá trình giải toàn cầu hóa nền kinh tế?


VIRUS CORONA: HƯỚNG TỚI HỒI 1 CỦA QUÁ TRÌNH GIẢI TOÀN CẦU HÓA NỀN KINH TẾ?
Cuộc khủng hoảng virus Corona cho thấy một “rủi ro Trung Quốc”, nhân tố có thể thuyết phục các doanh nghiệp tổ chức lại chuỗi sản xuất của họ. (Nguồn: National Interest)
“Toàn cầu hóa” cuộc khủng hoảng virus Corona mới đe dọa sự toàn cầu hóa nền kinh tế. Trong công nghiệp, các ngành công nghệ cao là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong ngắn hạn, trước các ngành công nghiệp dược phẩm và ô tô. Nếu cuộc khủng hoảng virus Corona kéo dài, nó có thể khiến cho các doanh nghiệp phải suy nghĩ lại chiến lược sản xuất của mình, và đặc biệt là sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Vào tháng 3 năm 2011, ngành công nghiệp toàn cầu bị chấn động bởi tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Giai đoạn đó cho thấy tình hình gần như độc quyền của các doanh nghiệp nhỏ Nhật Bản trong việc sản xuất những linh kiện thiết yếu cho rất nhiều ngành công nghiệp. Thảm họa Fukushima đã dẫn đến sự rối loạn tổ chức của nhiều chuỗi sản xuất ở khắp châu Á và xa hơn nữa. Các chỉ số sản xuất công nghiệp của Singapore, Malaysia và Thái Lan đã tụt thảm hại. Sự “đồng bộ hóa” đó từng là một đặc thù của cuộc khủng hoảng thế giới năm 2009. Đó là hậu quả của sự phân mảnh các quy trình sản xuất, của việc quản lý dòng chảy được người Nhật áp dụng trong ngành xây dựng ô tô (Kanban), điều đã trở nên phổ biến, và của “mô hình Dell”, điều đã lan sang ngành công nghiệp điện tử. Vài tháng sau, các trận lũ lụt ở Bangkok cũng đã tác động đến ngành công nghiệp máy tính trên toàn thế giới: 40% công việc lắp ráp các đĩa cứng đều được thực hiện trong các nhà máy đặt tại Bangkok.
WUHAN, NGÔI ĐỀN CỦA NGÀNH công nghiỆp ô-tô VÀ ĐIỆN TỬ
Với dịch virus Corona đang lan rộng, người ta đang chuyển hệ và với Trung Quốc, chủng loại sản phẩm cũng thay đổi theo. Trung Quốc, không chỉ là công xưởng của thế giới, mà còn thường chiếm lĩnh những vị trí không thể bỏ qua trong các chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong thực tế, sự đóng góp của họ về mặt giá trị gia tăng đôi khi rất khiêm tốn, như được minh họa trong trường hợp mang tính tượng trưng của iPhone, khi mà công việc lắp ráp chiếm chưa đến 5% giá trị của sản phẩm xuất xưởng. Nhưng nếu không có công việc lắp ráp, thì không có iPhone! Rất khó lường trước tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 lên ngành công nghiệp thế giới. Cuộc khủng hoảng này ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xây dựng ô tô, bởi vì người ta sản xuất ô-tô ở Vũ Hán nhiều bằng ở Pháp. Nhưng “Detroit của Trung Quốc” cũng đón tiếp các doanh nghiệp trong ngành điện tử, nơi sản xuất ra một nửa số sản phẩm sợi quang học trên thế giới!
Một xưởng kiểm tra sản phẩm sợi quang học ở Thâm Quyến, Trung Quốc. (Nguồn: Steve Jurvetson, Wikipedia)
Giống như trong trường hợp của virus SARS, việc xử lý khủng hoảng có thể vượt quá mức độ nguy hiểm của nó. Người ta đã thấy được hệ quả là sự sụp đổ trong tính lưu động, phanh lại sự trở về của 290 triệu người lao động nhập cư, vốn đã đi đến miền trung hoặc miền tây Trung Quốc trong các kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Họ không thể, hoặc không muốn, trở về các vùng duyên hải, nơi họ là những binh đoàn lao động của công xưởng thế giới. Vì thế, các doanh nghiệp lớn phải đưa ra tiền thưởng để thuyết phục họ trở lại làm việc.  
NHỮNG HỆ QUẢ NGẮN HẠN LÀ GÌ?
Nếu báo chí kể lại rất nhiều giai thoại về tác động của dịch bệnh lên hoạt động công nghiệp của một doanh nghiệp nào đó, thì lại không hề có số liệu thống kê nào về chủ đề tình thế công nghiệp thế giới. Ngoại trừ các con số đáng ngờ, những số liệu thống kê đo lường nền sản xuất công nghiệp tháng 2 năm 2020 sẽ chưa có, cho đến tháng Tư. Tuy nhiên, những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là những ngành, thực hành quản lý vừa đúng lúc [just-in-time management], tồn kho ít phụ tùng và linh kiện thay thế, và có ít nhà cung cấp nào khác ngoài Trung Quốc. Điều tồi tệ là cuộc khủng hoảng xảy ra vào lúc mà, ở cấp độ thế giới, lượng hàng tồn kho đang ở mức thấp nhất.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP NÀO? 
Một phân tích của Goldman Sachs cho thấy với một lượng hàng tồn kho ít hơn 20 ngày và một số lượng nhỏ các nhà cung cấp, ngành “công nghệ cao” là ngành dễ bị tổn thương hơn các ngành dược phẩm và sản xuất ô tô. Các doanh nghiệp ngành may mặc có thể có nguồn cung từ những quốc gia khác ngoài Trung Quốc, như Bangladesh, Việt Nam, Campuchia hoặc Miến Điện.
Tính dễ tổn thương của các ngành kinh tế ở Trung Quốc khi đối mặt với dịch virus Corona. (Hình: The Economist / Asialyst phỏng theo)
QUỐC GIA NÀO?
Nếu chỉ đo tỷ lệ tham gia của Trung Quốc trong tổng số các mặt hàng nhập khẩu của các nước, thì sẽ không đủ cơ sở để đánh giá mối đe dọa đang đè nặng lên các nước. Thật vậy, khi không có những nhà cung cấp thay thế, thì việc thiếu một sản phẩm giá trị thấp cũng đủ để làm rối loạn công việc tổ chức sản xuất. Một cách tiếp cận phù hợp hơn là đo lường số lượng các đề mục của hải quan - danh mục sản phẩm nhập khẩu - khi Trung Quốc chiếm một vị trí rất quan trọng trong số các nhà cung cấp.
Dựa vào một danh mục chi tiết các mặt hàng nhập khẩu – một sự phân bổ đến 4 chữ số với 1.250 đề mục –, thì có khả năng đo lường, cho một nước nhất định, trong số mười nhà sản xuất lớn nhất thế giới, số lượng những vị trí mà tỷ lệ tham gia của Trung Quốc vượt quá 50% và 75%. Kết quả, là nước đó ở vào một tình thế khó khắc phục một cách nhanh chóng.
Tại Nhật Bản, tỷ trọng của Trung Quốc vượt quá 75% trong khoảng 100 vị trí và 50% trong 340 vị trí. Theo một khảo sát của Câu lạc bộ Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản Thượng Hải, thì hơn một nửa các chuỗi sản xuất sẽ bị ảnh hưởng, trong khi có một phần tư các doanh nghiệp đã xem xét đến một kế hoạch B trong trường hợp tình trạng đóng cửa kéo dài. Brazil và Ấn Độ cũng ở trong một tình huống tương tự. Giống như vậy, ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ đã bị ảnh hưởng bởi mức giảm nguồn cung của Trung Quốc. Tình hình có khác ở Hoa Kỳ, tương ứng với 45 và 147 vị trí. Đức ít bị tác động trực tiếp hơn, với 12 và 69 các đề mục hải quan, tương tự với Pháp, và biết rằng hàng nhập khẩu của Trung Quốc có thể quá cảnh nhiều nước khác.
Tại châu Âu, “nạn nhân” công nghiệp đầu tiên được “công bố” là nhà máy sản xuất ô-tô Fiat Chrysler ở Serbia. Công ty đa quốc gia này đã phải tạm ngừng sản xuất các dòng xe Fiat 500L tại đó.
TÁC ĐỘNG ĐẾN TRUNG HẠN
Liệu có phải là giọt nước sẽ làm tràn ly? Dịch virus Corona xảy ra sau thảm họa Fukushima, lũ lụt ở Bangkok, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ và những lời kêu gọi của Donald Trump về việc các doanh nghiệp di dời hoạt động sản xuất-kinh doanh sang Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy một “rủi ro Trung Quốc”, thứ có thể thuyết phục các doanh nghiệp phải tổ chức lại các chuỗi sản xuất của họ. Covid-19 có thể sẽ chấm dứt nhanh giống như trường hợp của SARS vào năm 2003. Trong trường hợp ngược lại, dịch bệnh này sẽ mở ra hồi 1 của quá trình giải toàn cầu hóa.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên của Asie21 (Futuribles) và cộng sự nghiên cứu tại Trung tâm châu Á. Ông là nhà kinh tế học tại Cơ quan Phát triển của Pháp, cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với Marc Lautier: “Economie de l'Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation” [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] (Bréal, 2018) và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF