NGƯỜI DI CƯ SẴN LÒNG TRẢ BAO NHIÊU ĐỂ CÓ ĐƯỢC THỂ CHẾ TỐT HƠN Ở QUÊ NHÀ?
Jacques Poot
Người di cư từ những quốc gia đang phát triển có được lợi ích đáng kể từ việc di cư vì họ có thu nhập thực tế cao hơn rất nhiều tại quốc gia mà họ đến. Việc di cư đến một quốc gia có chất lượng thể chế tốt hơn so với quê nhà (cụ thể là ít hiện tượng tham nhũng hơn, tình hình chính trị ổn định hơn và pháp quyền vững chắc hơn) cũng thường mang lại cho họ lợi ích. Nếu thể chế ở quê nhà được cải thiện thì người di cư có nhiều khả năng hồi hương hơn, nhưng quyết định hồi hương phụ thuộc vào việc họ coi trọng chất lượng thể chế đến mức nào.
Jacques Poot (1955-) |
Michael Cameron |
Tháng 12 năm 2019, Trần Thị Minh Ngọc, Michael Cameron và Jacques Poot đồng tác giả một bài báo đăng trên tạp chí Letters in Spatial and Resource Sciences nghiên cứu mức sẵn lòng trả của người di cư để có được chất lượng thể chế tốt hơn ở quê nhà. Nhóm tác giả sử dụng phương pháp đánh giá ngẫu nhiên vốn rất phổ biến trong Kinh tế học Môi trường, nhưng theo như khảo sát của họ thì phương pháp này chưa từng được áp dụng để định giá chất lượng thể chế. Mặc dù kết quả nghiên cứu chỉ dựa trên một khảo sát nhỏ thí điểm với mẫu gồm 64 người thành niên sinh tại Việt Nam và đang sống tại New Zealand (đại diện cho 1,6% cộng đồng người Việt tại New Zealand), nhưng bài báo đã có hằng trăm lượt truy cập.
Về cơ bản, nhóm tác giả tính toán mức chênh lệch thu nhập mà sẽ khiến người di cư bàng quan giữa một nơi có chất lượng thể chế thấp hơn và một nơi có chất lượng thể chế cao hơn. Nhóm tác giả triển khai bằng cách hỏi người di cư Việt Nam tại New Zealand hai câu hỏi: (i) “Dựa trên đánh giá của anh/chị về sự khác biệt chất lượng thể chế giữa New Zealand và Việt Nam, anh/chị hãy cho biết mức thu nhập trước thuế hằng tuần thấp nhất ở Việt Nam là bao nhiêu sẽ khiến anh/chị sẵn lòng hồi hương về Việt Nam?”, (ii) “Giả sử chất lượng thể chế ở Việt Nam được cải thiện và ngang bằng với chất lượng thể chế ở New Zealand về mọi mặt (các yếu tố khác không thay đổi). Nếu điều này xảy ra, thì mức thu nhập trước thuế hằng tuần thấp nhất ở Việt Nam là bao nhiêu sẽ khiến anh/chị sẵn lòng hồi hương về Việt Nam?”
Câu hỏi thứ nhất giúp nhóm tác giả ước lượng mức chênh lệch bù đắp cho khác biệt hiện tại về chất lượng thể chế và những tiện nghi khác giữa hai nước, và cả chi phí di cư. Câu hỏi thứ hai giả định chất lượng thể chế của Việt Nam bằng với New Zealand, còn các yếu tố khác không thay đổi (bao gồm cả chi phí di cư). Chênh lệch giữa mức thu nhập từ Câu hỏi 1 và mức thu nhập từ Câu hỏi 2 chính là ước lượng về mức sẵn lòng chấp nhận thu nhập thấp hơn của người di cư để đổi lấy chất lượng thể chế tốt hơn ở Việt Nam.
Các ước lượng cho thấy mức sẵn lòng trả để chất lượng thể chế ở Việt Nam tăng thêm một đơn vị, tính trung bình là 80 đô la New Zealand/tuần (xấp xỉ 33% thu nhập trung bình hằng tuần ở Việt Nam cùng thời điểm). Ngoài ra, người di cư lớn tuổi hơn sẵn lòng trả nhiều hơn, và người di cư xem trọng chất lượng thể chế trong ý định hồi hương hơn cũng sẵn lòng trả nhiều hơn.
Trần Thị Minh Ngọc |
Phiên bản trước đó của bài viết này được đăng trên blog của Michael Cameron: https://sex-drugs-economics.blogspot.com/2018/09/return-migrants-are-willing-to-accept.html
Lê Thị Hoàng Nhung dịch
Nguồn: “What are migrants willing to pay for better home country institutions?”, SpatialEconomics.nl, March 2020.
---- - Có thể tham khảo Video: Di cư theo quy luật nào?