9.3.20

Xã hội học: đối tượng và phương pháp (É. Durkheim, 1895)


XÃ HỘI HỌC: ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP (1895)
Tác giả: Émile Durkheim*
Người dịch: Nguyễn Văn Khoa
*
Émile Durkheim (1858-1917)

Một khoa học hình thành và khác biệt với một khoa học khác ở chỗ nó có một đối tượng và/hay một phương pháp đặc thù. Như vậy, để trả lời cho câu hỏi “xã hội học phải chăng là một khoa học?”, ta có hai vấn đề phải giải quyết. Và trên hai vấn đề này, Émile Durkheim cho thấy ông vừa tiếp nối Auguste Comte, vừa đối lập với Comte. Bởi trong mắt Durkheim, nhà xã hội học phải loại bỏ mọi “tiên đề”, tức là mọi giả định mà ta bị cám dỗ sử dụng thay cho các sự kiện hiện thực, để chỉ tập trung nghiên cứu loại sự kiện thực sự quan sát được mà thôi.
Vấn đề đầu tiên là phải phân định rõ đối tượng của xã hội học – cụ thể là phân biệt sự kiện xã hội với sự kiện tâm lý và sự kiện sinh học[1]. Ở đây, Comte cho rằng không có gì trong các quy luật tiến hóa của xã hội mà lại không thể hiểu và giải thích được từ bản chất của con người, như những gì đã nảy sinh và hình thành từ sự phát triển đầy đủ của bản chất tâm lý, sinh lý đó. Hệ quả là những hiện tượng xã hội chỉ có thể bước vào khoa học sau khi đã bị quy giản vào những điều kiện cơ bản, tâm lý hay hữu cơ, của chúng. Theo Durkheim, đây là một tiên đề: sự kiện xã hội không thể nào bị nhầm lẫn với các hiện tượng hữu cơ, vì chúng bao gồm những biểu tượng và hành động; cũng không thể nào bị nhầm lẫn với các hiện tượng tâm lý, vốn chỉ tồn tại trong ý thức cá nhân và thông qua nó. Ông cho rằng có một sự kiện xã hội đặc thù; nó được hiển thị không chỉ bằng hành vi mà còn thông qua biểu tượng, và những biểu tượng này cùng các hành vi đi kèm với chúng được áp đặt từ bên ngoài cho mỗi cá nhân. Khi tôi quyết định lập gia đình hoặc tôn trọng luật pháp chẳng hạn, đấy là tôi đã tự động tuân theo các nề nếp mà xã hội áp đặt, chứ không phải là một quyết định cá nhân. Xã hội không chỉ đơn giản là một tập hợp những cá nhân. Nó có các quy tắc riêng mà nó áp đặt bằng nhiều biện pháp cưỡng chế đối với mọi thành viên của mình.
Vấn đề thứ hai là xác định một phương pháp. Chính Comte đã chỉ ra rằng tính khoa học chẳng là gì khác hơn là tính thực chứng của nó – nghĩa là sự kiện nó được đặt trên sự quan sát những sự kiện. Thế nhưng học thuyết của Comte về sự phát triển tuyến tính của loài người qua ba giai đoạn lại chỉ là một giả thuyết. Quan sát hiện thực chỉ cho ta thấy, ngược lại, là loài người bị phân chia thành một số xã hội không phát triển theo cùng một cách, và không thể bị quy giản vào một mô hình thống nhất, hướng về cùng một cứu cánh. Để loại trừ mọi thứ “tiên đề” có thể còn ẩn nấp đâu đó trong xã hội học thực chứng, ta cần phải đặt ra ngoài phạm vi của khoa học này mọi quan hệ với triết lý lịch sử. Theo Durkheim, nhà xã hội học không cần phải đi tìm nguyên nhân của một thực trạng xã hội trong quá khứ trước đó, hoặc trong tương lai sau này. Ông ta phải truy tìm nó trong “môi trường xã hội nội bộ”, nghĩa là trong một lý do cùng tồn tại với sự kiện và thực tế xã hội, một nguyên nhân xã hội học đặc thù, không vướng mắc vào một hệ tư tưởng lịch sử nào cả.
*
Như vậy, đây là một trình tự sự kiện rất đặc trưng: chúng bao gồm những cách thức hành động, suy nghĩ và cảm nhận nằm bên ngoài cá nhân, và được ban cho một sức mạnh cưỡng chế qua đó chúng tự áp đặt lên mỗi cá nhân. Vì thế, chúng không thể nào bị nhầm lẫn với các hiện tượng hữu cơ, vì chúng bao gồm những biểu tượng và hành động; cũng không thể nào bị nhầm lẫn với các hiện tượng tâm lý, vốn chỉ tồn tại trong ý thức cá nhân và thông qua nó. Nói cách khác, chúng tạo thành một loại hiện tượng mới, và danh nghĩa xã hội phải được dành riêng cho loại sự kiện này. Nó phù hợp với chúng; bởi vì rõ ràng rằng, do không lấy cá nhân làm nền tảng, chúng không thể có bất kỳ thể nền nào khác ngoài xã hội – hoặc xã hội chính trị trong toàn bộ, hoặc một bộ phận nào đấy trong cái toàn thể đó – như giáo phái tôn giáo, đảng phái chính trị, trường phái văn học, tập đoàn nghề nghiệp, v.v.. Mặt khác, danh nghĩa này chỉ phù hợp với chúng mà thôi; bởi vì từ xã hội chỉ có ý nghĩa nhất định trong điều kiện là nó chỉ định duy nhất những hiện tượng không thể được đặt vào bất kỳ một phạm trù sự kiện nào khác đã được cấu tạo và đặt tên. Do đó, chúng là lĩnh vực đặc thù của xã hội học. Đúng là từ cưỡng bách này, mà chúng ta dùng để định nghĩa chúng, có rủi ro khiến kẻ chủ trương nhiệt thành chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối hoảng sợ. Vì họ tuyên dạy rằng cá nhân là hoàn toàn tự chủ, nên dường như giá trị của hắn ta bị suy giảm mỗi khi người ta làm cho cá nhân cảm thấy rằng hắn không chỉ phụ thuộc vào chính mình. Nhưng vì ngày nay ta không thể chối cãi rằng hầu hết các ý tưởng và xu hướng của chúng ta đều không phải do ta tạo ra mà đến từ bên ngoài, nên chúng chỉ có thể xâm nhập vào ta bằng cách tự áp đặt lên chúng ta. Định nghĩa của chúng tôi chỉ có nghĩa như vậy. Hơn nữa, chúng ta đều biết rằng mọi cưỡng bách xã hội đều không nhất thiết phải loại trừ cá tính cá nhân. (tr. 19)
Tóm lại, những đặc trưng của phương pháp này có thể được trình bày như sau.
Đầu tiên, nó độc lập với mọi triết thuyết. Xã hội học không phải đứng về phía nào giữa các giả thuyết lớn từng gây chia rẽ trong giới triết gia siêu hình[2]. Nó không bắt buộc ta phải khẳng định theo thuyết tự do ý chí hoặc quyết định luận. Tất cả những gì xã hội học đòi hỏi là nguyên lý nhân quả[3] phải được áp dụng cho loại hiện tượng xã hội. Hơn nữa, nó chỉ đặt nguyên lý này ra, không phải như một thiết yếu lý tính, mà chỉ như một định đề kinh nghiệm được rút ra từ một lập luận quy nạp chính đáng. Bởi vì luật nhân quả đã được xác minh ở các giới khác của tự nhiên, bởi vì nó đã dần dần mở rộng đế chế của mình từ thế giới hóa lý sang sinh học, rồi từ thế giới này sang tâm lý, người ta có quyền thừa nhận rằng nó cũng đúng cho thế giới xã hội; và ngày nay, ta có thể nói thêm rằng những công trình nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở của định đề này đều có xu hướng xác nhận nó. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà câu hỏi: liệu bản chất của tương quan nhân quả có loại trừ mọi ngẫu nhiên hay không đã được giải quyết. (...)
Auguste Comte (1798-1857)
Herbert Spencer (1820-1903)
Thứ hai, phương pháp của chúng tôi là khách quan. Nó bị chi phối hoàn toàn bởi ý tưởng rằng mọi sự kiện xã hội là những sự vật và phải được xử lý như vậy. Chắc chắn rằng nguyên tắc này đã được nhìn thấy, dưới một hình thức hơi khác, ở phần cơ sở của các học thuyết do A. Comte và H. Spencer[4] đề xướng. Nhưng các nhà tư tưởng vĩ đại này đã chỉ đưa ra biểu thức lý thuyết hơn là đem nó ra thực hiện. Vì vậy, để nguyên tắc này không chỉ là một mệnh lệnh vô hiệu lực, thì sự công bố nó là không đủ; điều thiết yếu là nó phải được áp đặt cho nhà khoa học như nền tảng của toàn bộ môn học, ngay từ lúc ông ta vừa chọn đối tượng nghiên cứu, và nó phải đồng hành cùng ông ta trong mọi bước tiếp theo. Mọi nỗ lực của chúng tôi chính là để thiết lập môn học này.
Chúng tôi đã chỉ ra rằng các nhà xã hội học phải hành động như thế nào, nhằm: loại bỏ mọi ý niệm có trước về sự kiện để đối mặt với chính những sự kiện; tiếp cận chúng qua những đặc tính khách quan nhất của chúng; truy tìm ngay trong bản thân chúng cái phương tiện để phân biệt trạng thái lành mạnh với trạng thái bệnh hoạn; và cuối cùng, sử dụng cùng một nguyên tắc trong những giải thích thử nghiệm cũng như trong phương thức chứng minh các giải thích ấy. Bởi vì một khi chúng ta có cảm giác là ta đang đối mặt với những sự vật, chúng ta thậm chí không còn nghĩ đến việc giải thích chúng bằng những tính toán thực dụng hoặc loại lý luận nào khác nữa. Bởi chúng ta hiểu quá rõ khoảng cách giữa các thứ nguyên nhân này với những loại hiệu ứng kia. Một sự vật là một lực, và một lực chỉ có thể được tạo ra bởi một lực khác. Như vậy, để giải thích những sự kiện xã hội, chúng ta tìm kiếm các năng lượng có khả năng sản xuất ra chúng. Không những chỉ các giải thích là khác, mà chúng còn được chứng minh một cách khác nữa, hay đúng hơn, chỉ lúc đó ta mới cảm thấy nhu cầu chứng minh chúng. Nếu những hiện tượng xã hội học chỉ là các hệ thống ý tưởng được khách quan hóa, thì giải thích chúng chính là tư duy lại chúng theo thứ tự lô-gic của chúng, và sự giải thích này tự nó là bằng chứng cho chính nó; nhiều lắm ta chỉ còn phải xác nhận nó thêm bằng một vài ví dụ nữa mà thôi. Trái lại, chỉ những thí nghiệm có phương pháp mới có thể rứt các bí mật ra từ những sự vật.
Nhưng nếu chúng ta xem những sự kiện xã hội như sự vật, thì cũng phải như sự vật xã hội. Đặc điểm thứ ba của phương pháp của chúng tôi là nó hoàn toàn là xã hội học. Do sự cực kỳ phức tạp của chúng, hiện tượng xã hội thường có vẻ, hoặc trơ lỳ đối với khoa học, hoặc chỉ có thể bước vào khoa học một khi đã bị quy giản thành những điều kiện cơ bản, tâm lý hay hữu cơ, của chúng – nghĩa là sau khi bị tước bỏ mất bản chất đặc thù của chúng. Chúng tôi đã cố gắng chứng minh ngược lại rằng ta hoàn toàn có thể xử lý những hiện tượng xã hội một cách khoa học mà không đánh mất đặc trưng của chúng. Thậm chí chúng tôi đã từ chối quy giản tính phi vật chất đặc thù này[5], đặc trưng của loại hiện tượng xã hội, vào loại hiện tượng tự chúng vốn đã phức tạp là những hiện tượng tâm lý; chúng tôi càng có lý do hơn nữa khi tự ngăn cấm mình làm nó tan biến trong các thuộc tính chung của vật chất có tổ chức[6], theo chân trường phái Ý[7]. Chúng tôi đã chỉ ra rằng một sự kiện xã hội chỉ có thể được giải thích bằng một sự kiện xã hội khác, đồng thời chúng tôi cũng đã cho thấy tính khả thi của lối giải thích thích này, bằng cách chỉ ra ngay trong môi trường xã hội nội bộ, cái động cơ chính của sự tiến hóa tập thể. Như vậy, xã hội học không phải là môn học phụ thuộc của bất kỳ một khoa học nào khác; bản thân nó là một khoa học đặc thù và tự chủ, và sự cảm nhận đặc trưng của hiện thực xã hội thậm chí còn là thiết yếu đối với nhà xã hội học, tới mức là chỉ một thứ văn hóa đặc biệt xã hội học mới có thể chuẩn bị cho ông ta hiểu tường tận những sự kiện xã hội (tr. 78-79).
Émile Durkheim
Các Quy Tắc Của Phương Pháp Xã Hội Học,
(Les Règles de la méthode sociologique (1895) -
Paris: PUF, 1987).




Chú thích:

[1] Xem trên trang mục này: Émile Durkheim, Sự Kiện Xã Hội Và Sự Kiện Tâm Lý. Và Émile Durkheim, Quan Điểm Duy Xã Hội Luận (1) Về Không Gian & (2) Về Lý Trí.

[2] Đường chân trời của Durkheim là lý tưởng thực chứng. Quan điểm này quy giản triết học vào siêu hình học, một hình thức tư duy không dựa vào kinh nghiệm, do đó, không chính xác và thường tạo ra những cuộc tranh luận mà nó không có khả năng giải quyết. Siêu hình học nhắm tới giải đáp cho câu hỏi “vì sao”, trong khi khoa học chỉ tìm giải đáp cho câu hỏi “như thế nào” của sự vật. Xem trên trang mục Triết Lý Khoa Học: Auguste Comte, Sự Phù Phiếm Của Việc Truy Tìm Nguyên Nhân.

[3] Câu hỏi “như thế nào” được trả lời một cách chính xác, khi nguyên lý nhân quả đề xuất rằng cùng một loại hình hệ quả luôn luôn tương ứng với cùng một loại hình nguyên nhân.

[4] Auguste Comte là người sáng lập chủ nghĩa thực chứng ở Pháp; H. Spencer là triết gia Anh theo chủ thuyết tiến hóa.

[5] Sui generis. Đối tượng của xã hội học là một loại sự kiện đặc biệt, khác biệt với của triết học, tâm lý học và sinh học.

[6] Durkheim ám chỉ khuynh hướng quy giản xã hội học thành một khoa học phụ thuộc vào sinh học.

[7] Xem trên trang mục này: Émile Durkheim, Tổng Quan Xã Hội Học Pháp: 1815-1915, chú thích 16 & và trên trang mục Sinh học - Y học, khi có thể tham khảo: Stephen J. Gould, Lombroso Và Lý Thuyết “Tội Phạm Bẩm Sinh”.

Print Friendly and PDF